Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Rừng núi dang tay

Rừng núi dang tay
Nói đến rừng có lẽ hình ảnh đầu tiên ai cũng nghĩ đến là núi. Bởi dãi đất miền Trung dài và hẹp này là nơi tiếp giáp giữa núi rừng và biển cả; là nơi mà có lẽ cách đây nhiều triệu năm sóng vỗ ì ầm không ngơi vào vách núi…
Rừng trong kinh nghiệm tuổi thơ tôi là hòn núi Sạn cạnh nhà, nơi hàng ngày tôi và lũ bạn háo hức chờ đợi những người thợ chẻ lăn những viên đá hoa cương vuông vức từ trên lưng chừng núi xuống. Những viên đá lăn long lóc từ triền núi mạnh mẽ đổ về xuôi rồi dừng lại trước hàng đá to làm rào chắn ngay sát cạnh những ngôi nhà dưới chân núi. Những lúc ấy chúng tôi hồi hôp và cũng hớn hở ghê gớm. Bởi vì những viên đá lao đi như chở theo muôn vàn mơ ước của tuổi thơ tôi theo từng vòng lăn đầy bất trắc. Tôi thường thơ thẩn ra trước sân nhà mỗi buổi chiều tối nhìn lên núi và rồi tự hỏi liệu có điều gì huyền bí ẩn nấp đằng sau những tán cây rậm rạp trên cao kia? Lớn hơn một chút, hòn núi Sạn của tôi bỗng dưng bé lại. Tôi lại dõi mắt về một phía chân trời xa hơn, tìm một quả núi lớn hơn để nghĩ ngợi về rừng và những điều u u minh minh đọc được trong sách vở.
Tuổi niên thiếu của mỗi người thường chất chứa nhiều mộng mơ. Tôi đã lớn lên với những mộng mơ vô tư như thế. Đứng từ phía Hòn Chồng nhìn ra hướng Bắc, những quả núi nằm trong cụm núi của đèo Rù Rì đổ ra biển Đông tạo thành dáng ngực và đầu của một thiếu nữ đang nằm, tóc xõa dài ra biển. Tôi đã nhiều lần nhìn ngắm và cũng thật sự cảm động dù đã đủ trí khôn để hiểu rằng người ta chỉ tưởng tượng ra vậy thôi. Nhưng xét cho cùng cũng thật thương lắm lắm! Bởi ai đã từng lớn lên mà không đem lòng yêu thương và nhung nhớ một “con người”?
Tuổi học trò thế hệ chúng tôi đã trôi qua với nhiều niềm vui và cũng đầy lo lắng. Lúc bấy giờ đang là năm bảy mươi tư. Chiến sự đang ngày càng tiến gần đến thành thị và hai tiếng “hòa bình” luôn là nỗi niềm khát khao đến cháy bỏng trong lòng mỗi người. Trong hoàn cảnh như vậy chúng tôi không có cơ hội để thực hiện những chuyến đi xa. Mà nếu có đi xa đâu đó thì cũng không thể nào rời khỏi thành phố, thị xã hay những cụm dân cư đông đúc. Lúc này rừng núi đối với chúng tôi lại càng thêm bí ẩn vì chất chứa trong lòng nó là vô số những câu hỏi chưa được trả lời. Chỉ biết túm tụm nhau ôm đàn ngồi hát Rừng núi dang tay… của Trịnh Công Sơn mà mơ về một ngày mai tươi sáng. Chúng tôi rất tâm đắc và xúc động với câu hát này của ông: “Ta cùng lên đường, đi xây lại Việt Nam. Bàn chân ta đi mau đi sâu vô tới rừng cao, vác những cây rừng to về nơi đây ta xây dựng nhà, dựng nhà mới cho dân ta về, dựng làng mới trên miền quê…”. Và có mấy lần chúng tôi đã dạn dĩ đi về phía Suối Dầu, tìm thăm mộ Louis Pasteur rồi vượt rừng tiến về phía Suối Tiên để rồi tự thấy mình sao mà lớn lao, sao mà dũng cảm… vì đã chinh phục được… đại ngàn. Vì đại ngàn của chúng tôi ngày ấy chỉ là dăm câu thơ của Quang Dũng:
“… Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi…”
Rồi hòa bình…
Trong cái hăm hở của tuổi thanh xuân chúng tôi mạnh mẽ bước vào đời bằng mọi ngã, dù chẳng suôn sẻ chút nào. Và cũng giống như câu hát của nhạc sĩ họ Trịnh năm nào, nhóm sư phạm chúng tôi bước theo dấu chân của lực lượng thanh niên xung phong đi về hướng của rừng để dựng nhà mới cho dân ta về, dựng làng mới nơi miền quê… Sẽ không có gì đáng nói thêm về những gian khổ của những năm đầu tiên sau hòa bình, chỉ biết rằng chúng tôi đã thực sự chung sống với rừng để lắng nghe và thấu hiểu:
“… Đêm nằm trông chớp bể
Ta biết có mưa nguồn
Có ta buồn quá thể
Mỗi ngày không vui hơn…”
Rồi bất chợt nhận ra đại ngàn kia cũng có âm thanh riêng của nó. Chúng tôi đã đứng hàng giờ liền dưới cơn mưa dầm dề xứ núi để ngắm nhìn, nghe ngóng tiếng thác lũ gầm gừ hùng hổ băng băng tuôn về phía hạ nguồn và thầm gởi nỗi lòng mình trôi theo về hướng ấy. Những lúc như vậy, tôi lại muốn hình dung ra đây chính là con suối nhỏ hiền hòa róc rách, mon men theo những bãi bờ trong những mùa nắng lửa, làm mát chân nhiều lứa học trò. 
…Bây giờ thì “đại ngàn” của tôi đã lùi xa về phía núi sâu rừng thẳm, nhường chổ cho ngô khoai mía lúa. Lại một hy sinh nữa cho sự tồn tại của con người ?! Những gốc cây khô qua nhiều nắng mưa đã trở về với đất. Cũng đành lòng thôi. Rừng nuôi đất, đất nuôi người. Chỉ xin giữ lại một chút kỷ niệm riêng tư về những cánh rừng mà tôi đã sống, đã từng thao thức… trong chập chùng thác nguồn… 
Lê Phú Hải
Theo https://sites.google.com/


1 nhận xét:

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...