Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Viết về Huế

Viết về Huế
Thời gian lững lờ trôi như nước dòng Hương thơ mộng. Mới ngày nào còn chập chững, ngơ ngác bước vào trường, thế mà... Thấm thoát đã qua mấy mùa phượng đỏ, đã mấy lần nghe tiếng ve rả rích gọi bạn những trưa hè.
Tôi vốn là người con của Huế, là thần dân chốn Kinh kỳ. Đạo duyên đưa lối, Phật nhãn soi đường, rời Huế từ tấm bé, xa Mẹ với quê hương. Ngày ngày, ngoài những thời khóa tu tập, tôi cũng "lững lờ" theo dòng nhạc du dương, miệng ngân nga “khúc tình ca xứ Huế”, bồi hồi "thương về miền Trung" yêu dấu từ khách địa xa xăm. Một chiều “mưa trên phố Huế”, phải chạnh lòng “tạm biệt Huế” ra đi, trong tim lại mang một chút vấn vương về những cơn mưa dầm rả rích.
Dẫu ra đi, lòng tôi vẫn luôn hướng về miền cố quận Thùy Dương, lòng dâng lên một niềm thương khôn tả. “Thương về Mạ Huế” một nắng hai sương. Thương Ba còng lưng bốn mùa lam lũ. Thương dân Thần Kinh nghèo khổ, vất vả ngược xuôi, gồng mình đối chọi với bao tai biến của thiên nhiên. Với tâm trạng của một người ly hương, trong tôi luôn canh cánh một “nỗi buồn xa xứ”, vẫn thường hướng về miền đất Mạ cố đô.
Có những hôm, lòng lại rộn lên: "quê hương là gì hở mẹ, mà ai đi xa cũng nhớ về...". Không nhớ sao được khi tuổi thơ tôi đầy ắp những kỷ niệm buồn vui, sớm khuya vui vầy cùng nương rẫy.
Trở lại Huế sau hơn 13 năm xa cách, Huế vẫn rứa... Dẫu đã thay da đổi thịt từng ngày nhưng Huế vẫn còn đó nét cổ kính, rêu phong trầm mặc, thời tiết Huế chẳng khác tự ngàn xưa. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần để chống chọi với khí hậu khắc nghiệt của Huế, nhưng khi trở lại, vẫn không tránh khỏi hệ lụy lâu dài. Cảm giác đầu tiên về Huế là "khó ở". Thật sự khó ở! Người xưa nói rằng: “Thuận Hóa tứ thời giai Hạ, nhất vũ hóa vi Đông”. Thật vậy, giờ trước nắng như đổ lửa, giờ sau Huế đã lạnh se se. Thế mới biết Huế đặc biệt đến nhường nào.
Ai đã từng đến Huế, đều đọng lại trong trái tim nhỏ nhoi niềm thương cảm vô bờ. Thương Huế lắm, miền núi Ngự sông Hương thơ mộng mà răng nhiều thiên tai, bão lụt đến rứa. Thương lắm cái nắng – cái mưa – cái lạnh – cái khó khăn của Huế. Nhiều người đến Huế đã gật gù: Huế đẹp – Huế thơ – Huế mơ – Huế mộng. Và cũng chừng đó người lắc đầu ngao ngán về: mưa Huế – nắng Huế – lạnh Huế và... người Huế...
Nói rứa không có nghĩa là người Huế xấu xa và đáng sợ. Người dân xứ Huế quê tôi cần cù, chịu thương chịu khó lắm, đặc biệt là rất thân thiện và mến khách, tình cảm lại dạt dào (như tôi nè...).
Huế là nơi bốn mùa xen trộn, không thể lầm lẫn ở một nơi nào được. Huế là miền "có nắng Hạ giữa mùa Thu, mây khắp trời giữa mùa Xuân". Như đã nói ở trên, Huế có "mùa Đông giá rét buốt lạnh con tim, mùa Hạ cháy da thêu vàng ngọn cỏ".
Đây chính là đặc trưng của Huế!
Ai chưa từng đến Huế, thì xin một lần dừng chân ghé lại thăm miền Thùy Dương cát trắng, để một lần Huế tiễn bạn ra đi, rồi hơn một lần trong tim của chính bạn khắc khoải niềm thương khi phải "giã từ Cố Đô"trong một buổi chiều "mưa trên phố Huế".
Mỗi lần đến Huế bạn sẽ có một cảm nhận khác nhau về vẻ đẹp của Huế, vẻ đẹp của người Huế, về nghệ thuật ẩm thực của Huế...
Huế quê em xin mời muôn khách lạ
Ngắm trăng trong thơ thẩn với dòng Hương
Mai đây dẫu mấy dặm trường
Hò... ơi... mái nhị, nam bường lắng sâu
Trong đêm trường cô tịch, ánh trăng ngà soi bóng Hương Giang, sóng nước vỗ nhịp mái chèo nghe rưng rức nghẹn ngào như lời chia tay với người tri kỷ.
Hò... ơi...
Hương tỏa đôi bờ lững lờ thuyền mộng
Cung đàn trầm bổng nhịp phách trang đài
Sông Hương trăng gió láng lai
Câu ca điệu lý cảm hoài nhớ thương...
Câu hò mái nhì, mái đẩy, khúc hát nam ai, nam bường, tiếng phách nhịp khoan thai đêm đêm vẫn vang vọng trên dòng sông thơ mộng, khiến bao lữ khách phải bâng khuâng, dẫu nghe qua ngôn từ chưa thấu hiểu, nhưng tấm chân tình đã thấm vào hồn kẻ tri âm.
Huế không phải là nơi có những danh thắng kiêu sa hiện đại, nhưng là nơi khiến tất cả phải hướng về. Vẻ đẹp trầm mặc của Huế, giọng nói sâu lắng đến lạ kỳ của người Huế, dẫu khó hiểu nhưng cũng kịp làm rung cảm đến tận đáy tâm hồn người nghe.
Huế có kinh thành nội, nơi chứng kiến biết bao sự đổi thay trong bộ máy quyền cai đất nước, lúc thịnh lúc suy, khi vinh khi nhục. Huế có lăng tẩm đền đài, là nơi lưu dấu nghìn thu của các bậc vua chúa. Huế có sông Hương hiền hòa mát trong thơ mộng, có núi Ngự thông reo vi vút giữa trời xanh.
Huế không lắm chùa to Phật lớn, nhưng rất nhiều cảnh u tịch già lam. Huế có Từ Đàm, ngôi Phạm Vũ đã chứng tri biết bao biến động trầm hùng của lịch sử. Ngôi bảo tháp được dựng xây sừng sững như thể vươn lên khỏi lớp bụi hồng trần. Huế có Thiên Mụ, ngôi cổ tự hùng thiêng trải qua bao thế hệ xứ Đàng Trong, hồi chuông Thiên Mụ vẫn còn đây, vẫn vang vọng từ ngàn xưa tận mãi ngàn sau. Tháp Phước Duyên vòi vọi giữa chốn Kinh kỳ, như thâu gọn hồn thiêng của tổ quốc.
Bên dòng Hương Giang soi bóng biếc
Tháp ngà ngút tận mấy tầng xanh.
Lưu dấu ngàn năm hồn dân tộc
Mãi tận ngàn sau khí hùng anh
Đến Huế, ta như được trở về với Mẹ, trở về nơi nương tựa của tâm hồn. Sống trong khung cảnh Huế, tất cả đều cảm nhận được giá trị đích thực của cuộc sống, nhận ra được thể tánh thường hằng bất biến ở mỗi con người. Đến Huế, như thể đã tìm về được cội nguồn tâm linh, khi thoảng nghe tiếng chuông chiều tỉnh thức.
Cố Đô ngân vọng tiếng chuông
Hỏi người xa Huế, có buồn hay không?
Buồn không? Một mai rời xa xứ Huế, bạn sẽ thấy sâu thẳm tận trái tim mình niềm tiếc nuối nhớ nhung... Bạn đã rời xa Huế, chắc chắn trong tâm thức bạn luôn mong có một ngày về.
Huế không chỉ có núi Ngự sông Hương, đền đài lăng tẩm, trong lòng Huế còn có rất, rất nhiều thứ để khám phá như ẩm thực, âm nhạc, nghệ thuật cung đình...
Một lần ghé Huế, một lần nghe tiếng "dạ, thưa" của người con gái Huế, mới cảm nhận sự dịu dàng của thục nữ chốn Kinh kỳ.
Sáng nay, không khí thật trong lành. Sự yên bình bao phủ khắp cả kinh thành Huế. Giờ đây, chính là lúc thích hợp nhất để cảm nhận sự cổ kính rêu phong, trầm mặc rất đỗi dễ thương của Huế. Ngoài sân, từng hạt mưa tí tách, như rơi giọt lệ chia ly cho người tri kỷ. Trên tay một tách trà thơm quyện với hương trầm thoảng đưa con người thoát ra khỏi sự nhiễm ô của thói đời trần tục.
Xa Huế đã lâu, nay về lại sống trên mảnh đất quê hương, chưa kịp cảm nhận hết sự nhiệm mầu của Huế thì lại sắp phải chia ly. Ai ra đi rồi cũng còn lưu lại chút niềm thương với Huế, để rồi cứ ray rứt mãi mảnh hồn nơi xứ lạ.
Mai xa rồi, xa miền quê yêu dấu
Xa mái trường, xa bằng hữu thân thương
Ta ra đi, mang một thoáng sầu vương
Bao kỷ niệm xin ghi vào nhung nhớ...!
Sống ở Huế, học hỏi được rất nhiều điều, cảm nhận được rất nhiều điều mà chẳng nơi nào có được. Nhưng hội ngộ rồi cũng phải phân ly, đấy là quy luật tất yếu của cuộc sống. Thêm một mùa Xuân nữa lại về, đây là mùa Xuân cuối cùng của tôi trên mảnh đất tình người. Kể từ đây, chúng tôi chính thức rời xa Huế, xa bạn xa thầy. Nhưng dẫu ở phương nào thì tình thầy nghĩa bạn vẫn tợ keo sơn, vẫn mãi nhớ về mái ấm Học viện, nhớ lại những tháng ngày chung lớp chung trường.
Vâng. Chia tay – lưu luyến. Dẫu bịn rịn, vấn vương rồi cũng phải chia phôi sau phút giây tao ngộ tương phùng. Kết thúc để bắt đầu, đó là nguyên lý.
Rời xa ghế nhà trường – nơi một thời lưu dấu tuổi học sinh – hướng đến tương lai với bao ước vọng, thực hiện hoài bão được ấp ủ, thai nghén trong một quá trình dài. Kết thúc đời sinh viên để bắt đầu cho một cuộc sống mới, cao cả hơn, rộng lớn hơn, đồng thời, hoàn thành trọn vẹn lý tưởng giải thoát, hoằng pháp lợi sanh.
Mặc dù vẫn biết “nhạn quá trường không, ảnh trầm hàn thuỷ...”, nhưng sống trong thế giới đối đãi, cũng cần có một cái gì đó để lưu lại với người. Nghĩ suy, đắn đo mãi mà chẳng biết viết chi, chỉ biết chắp bút ghi lên vài dòng cảm nhận.
Vẻ đẹp chốn Huế đô đã có biết bao thi nhân mặc khách miêu tả bằng ngòi bút ngọc ngà và lời văn diễm lệ. Tôi không phải nhà văn, nhà thơ, cũng không phải người lưu thông chữ nghĩa, càng không phải là một sứ giả quảng bá thương hiệu Huế thân yêu. Tôi là một người con của Huế, chỉ muốn nói lên cảm nhận của lòng mình về nơi chôn nhau cắt rốn, cùng thời gian theo học dưới mái trường. Thế nên không ngại văn từ luộm thuộm, chữ nghĩa cạn cợt, bạo dạn lưu lại một chút hương tình.
Không biết bao giờ mới trở lại sinh sống tu học nơi đây, nhưng dẫu ở phương nao cũng hẹn một ngày “trở về thôn cũ”. Mong một lần đón Tết với Huế thương, không còn cảnh đón “Xuân tha hương, lạc xứ”. Giờ đây, lòng chỉ còn sót lại Khúc Tâm Xuân, lưu dấu tình trường, tình quê, tình pháp lữ.
Rồi sẽ hẹn ngày về.
Huế ơi!.
Hữu Văn 
Nguồn: Blog Yume
Theo http://tintuc.hues.vn/





1 nhận xét:

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...