Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

Nét duyên o gái Huế

Nét duyên o gái Huế
Một cây đàn dương cầm tiêu chuẩn của phương Tây có tới 88 phím, so với cây độc huyền cầm phương Đông và đặc biệt là cây đàn bầu truyền thống của xứ ta chỉ có một dây, một cần phím. Nhưng khi cần diễn đạt âm thanh ngân nga bay lượn trong một cảm xúc nào đó thì chưa chắc phương tiện nào sẽ có sức lay động lòng người dào dạt hơn bên nào.
Nhạc cổ có năm cung - họ, xự, xàng, xê, cống; gần với uyển thanh sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng – nhưng giọng Huế chỉ có 3 cung rưỡi; so với giọng Nam có 4 cung và giọng Bắc có 5 cung; nên người xứ khác đã “nhại Huế” có khi vừa tục, vừa thanh làm đậm đà thêm hương vị tiếu lâm là nét duyên độc đáo của văn hóa dân tộc.
Bản chất mềm mại pha một chút gì kín đáo nơi người con gái xứ Huế khác với tính cách khôn khéo chỉnh chu của người con gái xứ Bắc hay nếp sinh hoạt hồn nhiên thoải mái của người con gái xứ Nam. Hầu hết, người phụ nữ Huế sinh ra trong một hoàn cảnh xã hội làng trên xóm dưới gần gũi thân tình và nếp sinh hoạt kinh tế gia đình khiêm tốn. Cái khung cảnh xã hội làng xóm làm cho người ta phát sinh khuynh hướng tâm lý nể người, kham nhẫn, soi mình trong mắt người khác. Với một xã hội nhỏ “trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã hay” thì tự do có nghĩa là giữ gìn, dè dặt không làm phiền ai để khỏi có ai làm phiền mình. Với nếp sinh hoạt kinh tế gia đình “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, cuộc sống cần phải được bù đắp bằng những giá trị tâm lý, tinh thần. Son phấn điểm trang là nết hạnh và hương hoa tình cảm là nguồn ấp ủ yêu thương dậy sóng trong lòng nhưng bề mặt vẫn như không.
Tuy tiêu chí về vẻ đẹp của người phụ nữ đã biến đổi theo từng thời đại. Nhưng với người con gái Huế thì cái duyên (những vẻ đẹp tinh thần thầm kín, cung cách dễ ưa, tạo ra sức thu hút tự nhiên) vẫn đứng trước cái dáng (vẻ đẹp thể chất, hình hài hiện ra bên ngoài). Người ta tin rằng, cái duyên thường lâu bền hơn cái dáng nơi người con gái, bởi duyên là điều kiện mà dáng là hình tướng. Điều kiện tốt sẽ làm thăng hoa hình tướng như vầng trăng đẹp giữa cảnh trời trong gió mát; nhưng trăng sẽ nhạt mờ khi bị mây che!
Sự e ấp buổi đầu mới gặp làm cho người con gái Huế có riêng một góc khuất mà người đời ưa khám phá. Tiếng “dạ, thưa” dịu ngọt khiến người nghe cảm thấy sự có mặt của mình được ưu ái trân trọng. Chút rắn mắt dễ thương thêm gia vị cho cảm giác tương giao sống động hai chiều trong buổi đầu gặp gỡ. Cái “duyên”của người con gái Huế không theo một trình tự tâm lý thông thường là lạ, quen, thân, kết. Có khi cái duyên thu hút cảm xúc mạnh mẽ là “kết” sẽ xảy ra khi mới biết nhau. Có chăng đây là cái gút thắt tâm lý kết của chàng “học trò trong Quảng ra thi, thấy o (mấy o?!) gái Huế chân đi không rời”?! Trong lúc đó, chàng thi nhân lãng tử Nguyễn Bính tới Huế lại “ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên” vì… vô duyên chăng?
Nét duyên o Huế cũng sẽ mãi mãi như điệu nước sông Hương. Sóng lặng, dòng trong mới soi bóng được con đò. Từ bên Cali này, có một người đang nhớ về Huế, nghĩ đến cái duyên Huế. Mắt xa vời nhưng tâm rỗng lặng, duyên Huế lại về. Xa Huế 30 năm, tôi đã có một nửa chặng đầu đời sống với Huế. Nửa đời sống với Huế tôi nghe thiên hạ thường kháo nhau mà tiếng Huế gọi là trọ miệng rằng: “Huế là đất đi mà nhớ, chớ không phải ở để mà thương”. Nếu lấy mình mà nghiệm ra thì tôi cho cái ý nghĩ xàng quay này hơi… “lác lác”. Người Việt mình hầu như ai cũng xuất thân từ văn hóa làng xã, xóm phường. Có ai mà không thương “đây xóm nghèo quê tôi khi nắng lên…” đành đoạn răng hè; mắc mớ chi phải đợi khi qua Tây, qua Mỹ rồi mới nhớ! Lại nữa, mấy o Huế có duyên “thế nớ” mà khi ở gần không thương được; để đi xa mới nhớ là kể như phí phạm một đời trai!
Huế có ba cái nhất: Thơ mộng và khó quên nhất là có mối tình đầu với o con gái Huế. Hào hoa và anh dũng nhất là có người vợ Huế. Làm thơ và hát hay nhất là thất tình với nàng Huế; nghĩa là ưng nhau mà nửa đường đứt gióng lọi đòn triêng. Bình sinh, bản thân tôi được tự thân nếm trải cả ba nhưng thời gian đã đành hanh chống lại. Tuổi già nghễnh ngãng dễ quên, hào hoa xuống cấp rụt rè gà phải cáo và làm thơ không biết gởi cho ai mà hát hò thì như hút thuốc Lào chưa lên đã xuống. Ba cái nhất mơ mộng một thời đã theo con nước Vạn Niên, dọc theo sông Hương, trôi về biển Đông.
Nước chảy qua cầu, sông trôi về biển và Huế vẫn đẹp với độ bền vượt thời gian. Không có ai cảm thấy bị chỏng hỏng chơ hơ vì sự mất còn trước mắt. Trong cảm nhận sâu sắc nhất của chính dân Huế hay khách đến nơi này, Huế thật đáng yêu tới ngày nào vẫn còn đậm đà duyên o gái Huế.
Trần Kiêm Đoàn 
Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế
Theo http://khamphahue.com.vn/


2 nhận xét:

  Bên thềm quê cũ – Tản văn Nguyễn Hữu Trung 30 Tháng Bảy, 2023 Cuối cùng tôi đã được đặt chân đến đây, an toàn và ấm áp. Ngạc nhiên với...