Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Ngẩn ngơ sương Huế

Ngẩn ngơ sương Huế
Sương như tấm chăn đắp sông ngủ Mai sớm tôi qua mờ mịt đôi dòng Chợt thấy những con đò xa bến Đã bay lên không cánh bềnh bồng (Sông Hương mùa sương – Đỗ Văn Khoái)
Những ngày đã qua, chẳng hiểu thế nào một Sông Hương mùa sương như thế đã trở thành nỗi ám ảnh êm đềm không chỉ là của riêng tôi thôi. Hóa ra Huế thành phố đâu chỉ của “ngày chưa tắt nắng trăng đã lên rồi”, đâu chỉ của những “chiều chậm đưa chân ngày, tiếng buồn vang trong mây”, mà còn là thành phố thật nên thơ từ màu sương như một thoáng trở lòng của đất trời lãng đãng không khí mơn man trong lành se lạnh. Một thời gian đắm đuối của sương Huế có thật với cái gì khang khác ở những buổi sáng mai sau thức dậy, chợt thức cả không gian đang bỏ ngỏ những khoảnh khắc xuân thì.
Tôi đã từng thích thú được ngắm nhìn màn sương như thực như ảo của nỗi đợi chờ ấy cứ vang run dưới những tán tràm hoa vàng xanh mượt ở góc sân của một ngôi trường cũ. Và rồi cảm nhận rất rõ một niềm đam mê riêng về Huế đang giăng mở nét rêu phong trầm mặc ở Nội thành. Lại hình như vẫn long lanh tiếng khẽ khàng không bâng khuâng trên kẽ lá trong vườn hồng nhà ai ở khu vườn Huế? Sương Huế thu mình trong từng cánh hoa, giấu hồn trong cây như muốn hoá thân vào cuộc sống thanh bình yên vui của mọi người. Mà đâu có gì xa vời và mộng tưởng? Huế vào mùa sương còn khoác lên cảnh quan hữu tình nơi đây sự hoài niệm âm thầm và lặng lẽ của những ngày tháng đã qua. Chỉ những giây phút bàng bạc chất thơ và đời ấy, chí ít cũng như có thêm một chút nhớ, một chút buồn và rất nhiều dễ thương mà tôi đã chợt bắt gặp trong tâm hồn mình những âm vang nhè nhẹ của hạnh phúc, khi một mình thả bộ trên những con đường đầy sương của Huế. Những cảm giác vừa mới lạ vừa xao xuyến đã nhanh chóng lan tỏa thành cung bậc thấm đậm tình người mà có lẽ lắm lúc, trong cuộc sống bươn chải với nỗi mệt mỏi của đời người, mỗi một người đã từng dễ quên đi, dễ để tự mất mát. Ơi sương Huế vô ngôn, màu thời gian sương khói vô ngôn… tất cả đã đi vào trong tôi cùng với Huế như một nguồn sống dịu mát trong suốt và nền nã tự bao giờ! Lại như một món quà tặng của tạo hóa dành riêng Huế theo “Khái niệm Huế” của Nguyễn Trọng Tuệ: Huế mơ màng xây bằng khói và sương. Hay huyền thoại như cảm nghĩ của Nhã Tiên: Đời rất thật mà sông thì hư ảo. Áo sương mù xin đừng khoác cho nhau. Riêng tôi, tôi vẫn nghĩ còn nhiều và sâu lắng hơn thế thì phải.
Chẳng hạn, trong khi chờ đợi mùa sương Huế âm thầm trở lại, đã có lúc trước đó trong đêm, tôi như lạc vào thế giới của những giấc mơ thuở tuổi thơ. Nơi đó đã sống dậy hình ảnh chú bé chăn cừu trong “Những ngôi sao” của Alphonse Daudet cứ mải mê ngắm trăng sao mà ước gì có thể với tay hái được một chùm sao nào đó, để điểm xuyết thêm cho giấc mơ của chính mình. Và sự hoài cảm ngây thơ đáng yêu đó vẫn cứ thấy bâng khuâng nao lòng mãi.
Bây giờ, đã qua đi những gì thuộc về quá khứ. Bây giờ, trước tôi là cuộc sống thật với những tiếng gọi thì thầm của sương mù rất hiền hòa mỏng manh đấy nhưng có lẽ chẳng bao giờ phai nhạt. Bởi hàng năm, sau giêng hai, sương Huế lại về như một lời hẹn thủy chung, đem đến cho lòng tôi những cảm xúc bồi hồi không chỉ của một thuở nào…
Trần Viết Tuấn 
Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế
Theo http://tintuc.hues.vn/


1 nhận xét:

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...