Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Em về với nẫu

Em về với nẫu 
Áo trắng thôi rồi không trắng nữa
Em vất tình tôi xuống vệ đường
Em đi nắng bặt chân trời đỏ
Bỏ lại tình tôi cuối nẽo thương
Tôi đem nỗi nhớ vùi trong cát
Theo dấu thời gian cát đổi dời
Tình tôi còn đó nguyên thương nhớ
Em về với nẫu dẫu xa xưa
Em đi ngày ấy chẳng đò đưa
Chỉ một con đê chặn lối về
À ơi! Con sáo sang sông vội
Tôi về đong đếm chuyện yêu xưa.
Trần Thị Ái Lê
Thời còn là học sinh trung học, thế hệ chúng tôi rất thích đọc thơ, nhất là thơ tình - kể cả học sinh theo học ở các lớp ban khoa học tự nhiên như Toán Lý, Sinh Hóa v.v…Cũng  là điều dễ hiểu bởi đó là lứa tuổi đang lớn, đang háo hức được bước vào thế giới người lớn đầy dẫy những yêu thương và mộng mỵ mà đứa nào cũng tò mò muốn biết. Thật ra thì chúng tôi cũng chẳng thuộc nhiều, chỉ lõm bõm đôi bài của một tác giả nào đó hoặc chỉ đôi câu của một bài. Mà cũng chỉ là tự tìm đọc và phổ biến với nhau thôi bởi thời ấy chương trình học chính khóa không có thơ tình, dù thơ tình không bị cấm cũng như không được ai cổ súy…
Cho mãi về sau này, vẫn có những bài thơ, câu thơ hay được học trong sách giáo khoa thuở bé chúng tôi vẫn còn thuộc và sự yêu thích vẫn nguyên như thuở ban đầu. Có lẽ bởi vì đó là những câu thơ hay với tình cảm trong sáng rất phù hợp với lứa tuổi học trò: Mưa đổ bụi êm đềm trên bến vắng/ Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi… (Anh Thơ) hay như: Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết/ Đàn trai non hớn hở rủ nhau về… (Xuân Tâm)… Còn về “thơ tình” thì có khá nhiều “trường phái”. Đứa thích Xuân Diệu thì ngâm nga Yêu là chết ở trong lòng một ít/ Vì mấy khi yêu mà chẳng được yêu… (Thật ra câu thơ này Xuân Diệu lấy ý từ một ngạn ngữ của Pháp: “Partir c’est mourir un peu”). Đứa thích Lưu Trọng Lư thì Vầng trăng từ độ lên ngôi/ Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ… Và đây là những câu thơ của những kẻ mê Hàn Mặc Tử: … Áo em trắng quá nhìn không ra/ Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà… Và trong những câu thơ “tiền chiến” được ưa thích ấy có bốn câu thất ngôn trong bài “Áo tiểu thư” của Huy Cận được nhiều đứa chúng tôi “thích chí” nhất: … Vậy đó bỗng dưng mà họ lớn/ Tuổi hai mươi đến có ai ngờ/ Hôm qua ngọn gió tình yêu lại/ Đứng ngẩng trông vời áo tiểu thư… bởi lẽ “áo tiểu thư” của chúng tôi lúc đó đơn giản chỉ là cô bạn ngồi bên cạnh, cô bạn học lớp bên, cô bé học lớp dưới hay một cô gái nào đó áo dài trắng hằng ngày vẫn thướt tha đi học ở trường bạn…
Thế rồi đi qua tuổi thanh xuân. Vật đổi sao dời, tóc dần có thêm nhiều sợi bạc. Những câu thơ “thích chí” thuở nào cũng nhạt phai theo năm tháng. Cho đến một hôm bỗng bất ngờ:
Áo trắng thôi rồi không trắng nữa
Em vất tình tôi xuống vệ đường…
Bỗng giật mình: thương cho cái “tình tôi” kia quá đỗi! Rồi đọc hai câu tiếp theo:
… Em đi nắng bặt chân trời đỏ
Bỏ lại tình tôi cuối nẽo thương…
Lâu rồi mới gặp được bài thơ tình ưa thích - dù ý và tứ kia không có gì là mới mẽ, nếu không muốn nói là đã cũ - bỗng trỗi dậy trong tôi một trời hoài niệm. Những ngày xưa vụng dại bỗng rủ nhau hớn hở quay về. Giữa đại ngàn thơ mới đầy dẫy những cung bậc hôm nay, cái xưa cũ lẻ loi của bài thơ “Em về với nẫu” đã làm tôi xao xuyến đến lạ kỳ. Bài thơ mở đầu bằng câu cảm thán: “Áo trắng thôi rồi không trắng nữa…” vừa là lời thảng thốt, vừa là dẫn nhập cho một đổ vỡ phân ly theo sau: “… Em vất tình tôi xuống vệ đường…”. Vẫn hiểu đây là cách diễn đạt kiểu “ý tại ngôn ngoại” được phóng lên cho vừa với nỗi xót xa của kẻ bị phụ tình, nhưng đâu đó còn ẩn dấu chút gì tiếc nuối và dỗi hờn rất đổi “trẻ con”. Hai câu sau của khổ đầu vẫn là nỗi nhớ thương nuối tiếc ấy nhưng được thể hiện ở một cung bậc nhẹ nhàng hơn: “… Em đi nắng bặt chân trời đỏ/ Bỏ lại tình tôi cuối nẽo thương…”. Ở đây cách sử dụng ngôn từ được cân nhắc chọn lọc khá kỹ. “Nắng bặt”, “chân trời đỏ”, “nẽo thương” là những từ rất gợi cảm và gợi hình.
… Tôi đem nỗi nhớ vùi trong cát
Theo dấu thời gian cát đổi dời
Tình tôi còn đó nguyên thương nhớ
Em về với nẫu dẫu xa xưa…
Đến đây thì người đọc đã hiểu gần như trọn vẹn nỗi niềm mà tác giả bài thơ đang bày tỏ. Câu chuyện tình dở dang cũng buồn như muôn vàn câu chuyện tình buồn đâu đó. Nhưng cái đẹp của bài thơ được thể hiện ở cách ví von khéo léo và phương pháp cụ thể hóa các khái niệm trừu tượng: “nỗi nhớ vùi trong cát” - “cát đổi dời” - “tình tôi còn đó” để khẳng định sự bền bĩ yêu thương của chàng trai kia rất chi là son sắt.
Tác giả bài thơ là một cô gái còn rất trẻ. Có vẻ như là một nghịch lý khi nội dung bài thơ lại là tâm sự của chàng trai bị phụ tình. Tôi đã cố hoán vị hai người để hiểu thêm về tác giả nhưng không thể. Bởi khổ cuối của bài thơ là:
… Em đi ngày ấy chẳng đò đưa
Chỉ một con đê chặn lối về
À ơi! Con sáo sang sông vội
Tôi về đong đếm chuyện yêu xưa.
Hình ảnh con sáo hay con đò sang sông bao giờ cũng chỉ người con gái. Vậy thì nỗi thất tình của chàng trai kia là có thật dù hình ảnh con đò và con đê chỉ là một cách nói mượn để diễn đạt ý tình. Sự ngăn cách của con đê “chặn lối về” và hình ảnh tất tả của “con sáo sang sông vôi” để kết thúc bài thơ sao như vẫn còn để lại biết bao là day dứt… 
Trước giờ ta vẫn hay có thói quen đọc thơ của những người có tên tuổi hoặc những người ta quen biết. Và bởi thế đôi khi giữa vườn hồng ngào ngạt hương sắc không nhìn thấy được vẻ đẹp hoang dại của đóa hoa rừng ẩn hiện chốn xanh xa!.
Lê Phú Hải
Theo https://sites.google.com/


1 nhận xét:

  Lời đồng vọng giữa hai cõi tâm linh 26 Tháng Bảy, 2023 Ngày thương binh-liệt sĩ lại đến, tôi nghĩ về biết bao ngời con đã ngã xuống ch...