Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Tiếng sóng đêm

Tiếng sóng đêm
Tôi quen anh trong dịp đi dự hội thảo chuyên đề của ngành giáo dục về giảng dạy môn Văn bậc trung học. Sự quen biết nhau bắt đầu từ một ấn tượng không hay ho gì cho lắm. Tôi và anh đã có những ý kiến trái ngược nhau về đặc trưng đặc thù bộ môn và các phương pháp giảng dạy. Ngày hôm sau tôi không còn hứng thú gì với các nội dung thảo luận. Có vẻ như những người có tí học vị cao thường ít biết lắng nghe thực tế. Tôi đã nghĩ vậy và thường tìm cớ đi ra ngoài, chẳng để làm gì, chỉ lẻn ra phía cuối hội trường, tựa vào lan can nhìn ra biển. Gió thổi mát rượi mang theo mùi hăng hăng của rong, của đá. Biển dập dềnh lóa nắng phía xa xa. Lòng tôi tự nhiên chùng hẳn lại, không vui không buồn, chỉ có chút bâng khuâng chao đảo như những con sóng vỗ bờ ngoài kia…
Sau bữa cơm chiều, khu vực nhà nghỉ vắng lặng hẳn. Hầu hết anh chị em giáo viên ở các địa phương về đây dự họp đều từng nhóm rủ nhau đi ra phố. Ánh chiều bắt đầu buông chầm chậm từ phía chân núi. Có mấy đồng nghiệp nữ rủ tôi đi shop. Không thích, tôi khéo léo từ chối và một mình lửng thững đi dạo ra phía bờ biển. Mặt biển đang bắt đầu sẫm lại, thoảng mùi tanh mặn của san hô phơi nắng. Những con sóng ì ào chạy đuổi nhau vỗ vào bờ cát. Thủy triều xuống nhanh để lộ ra những mảng san hô xám ngoét trong lòng biển. Khu vực nhà nghỉ đã lên đèn, những mảng sáng vàng vọt yếu ớt hắt ra ngoài hành lang, soi lờ mờ những gốc dừa và hàng ghế đá trên sân cát. Phía xa xa, những đồi núi lô nhô bắt đầu nhòe đi theo bóng đêm đang xuống. Tự nhiên tôi nhớ đến mấy câu hát của nhạc sĩ họ Trịnh thuở nào: “Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về…” để bất chợt nhận ra rằng cũng đã khá lâu mình không còn ai để thương để nhớ. Và có phải vậy chăng mà cũng không có ai nhớ để gọi tên mình về. Buồn thật! Có lẽ một trong những nỗi bất hạnh của con người là không có ai để nhớ, không có người để gọi tên và nơi chốn để quay về. Thật ra tôi cũng đã trải qua một vài mối tình, nhưng chúng cứ nhàn nhạt và vô vị làm sao! Không phải bởi tôi khó tính hay kén chọn, đơn giản vì tôi ít cố gắng trong việc gìn giữ một tình yêu nào đó… Những người đàn ông thường hay nói tôi là người khó hiểu trong khi tôi vẫn sống và làm việc một cách giản dị vô cùng. Hay tận cùng của sự giản đơn là phức tạp?

Tôi đi vòng ra xa sát mép nước. Ánh đèn pha của con tàu tuần tra từ biển quét vào và tôi chợt nhận ra không phải chỉ có một mình mình trên bãi cát. Đôi kính cận bắt sáng lóe lên đủ để tôi nhận ra “anh ta” đang ngồi cách đó không xa, trên ghế đá. Bối rối và hơi ngượng nhưng tôi vẫn phải lên tiếng chào hỏi cho đúng với qui ước giao tế xã hội của con người. Thật mệt! Hình như con người đi đâu, làm gì cũng không bao giờ tránh khỏi sự ràng buộc của luật và lệ. Anh cũng hơi bối rối: “Lẽ ra tôi phải xin lỗi cô mới đúng, bởi vì có vẻ như tôi là người tò mò theo cô ra đây dù thật lòng tôi không có ý đó”. “Không sao, mỗi người đều có tự do của mình mà” - tôi trả lời. Anh bâng quơ: “Tối nay trời khá nóng. Cô không đi ra phố sao?” “Không, tôi không thích ồn ào”. Anh đứng lên bước tới đi bên cạnh tôi. Lại một kiểu tán tỉnh nữa đây - tôi thầm nghĩ. Tiếng anh nhỏ nhẹ: “Hôm trước tôi đã có những ý kiến hơi trái ngược với cô? Cô có giận không?” “Không có gì đâu, anh là người có học vị, lại là ngành cấp trên mà” - tôi mĩa mai. “Ồ, cô hiểu lầm rồi. Tôi không hề có ý nghĩ đó”. “Hiểu lầm sao? Thì xin lỗi anh vậy” - tôi nói, cố giữ thái độ lãnh đạm. Một sự im lặng ngột ngạt. Thoáng xa xa có tiếng rè rè của vài con tàu đánh cá đang ra khơi. Anh chợt hỏi thăm tôi về nơi công tác. Tôi thẳng thắn trả lời anh về tên trường tôi dạy, một ngôi trường không mấy tiếng tăm ở một huyện miền núi. Anh cũng tỏ ra thân mật và cởi mở khi nói về công việc của mình. Anh nói anh từng công tác ở miền núi trước khi được chuyển về trường cao đẳng và bảo vệ thành công luận án thạc sĩ. Anh thành thật chia sẻ với tôi về tình hình học tập của học sinh vùng sâu vùng xa, về những điều kiện còn khó khăn của sự nghiệp giáo dục miền núi. Tôi cũng trao đổi với anh về một vài suy nghĩ cá nhân và nhận ra anh cũng không đến nỗi nào. Anh nói: “Tôi và cô là đồng nghiệp với nhau dù môi trường có khác nhau chút đỉnh. Chúng ta đang có chung đối tượng nghiên cứu phải không? Tôi rất thích được trao đổi và tranh luận để tìm ra cái kết quả tốt nhất”. Tôi im lặng và tự hỏi không biết anh ta muốn gì đây. Mình có cần phải cảnh giác không? Có vẻ như mình hơi mặc cảm? Chắc là không. Bạn bè trong trường đều cho rằng tôi là người kiêu kỳ, kẻ ít ác ý hơn nói tôi có trái tim lạnh. Thật ra thì không phải vậy. Trong đời, tôi đã từng thử yêu vài người đàn ông. Yêu một chách chân tình và có khi bạo liệt. Có người đã từng được tôi tự nguyện hiến dâng trọn vẹn mà không hối tiếc gì… Nhưng cuối cùng đành phải chủ động chia tay vì thấy họ cũng tầm thường như những con người tầm thường khác…
Anh mời tôi ngồi xuống ghế đá và cả hai đều im lặng. Anh khoanh tay, rồi chống cằm. Tôi đưa mắt nhìn về phía biển đêm. Thủy triều rút đã khá xa bờ, tiếng nước vỗ oàm oạp vào các tảng san hô nghe vọng lại rất nhỏ. Thật xa là dãy đèn đánh cá lấp láy. Thoáng có tiếng ốc mượn hồn đi trên đám lá dương khô rào rào. Lát sau anh nói: “Tôi vẫn còn nhớ lắm những cơn mưa dầm dề xứ núi, những đêm lạnh đốt lửa sưởi ấm nhau trong căn phòng tập thể, những tàn thuốc lá chuyền tay và những củ khoai trái bắp… của một thời”. “Tôi nghĩ anh đã quên, vì trí nhớ con người đôi khi rất tệ” - tôi nói. Làm sao quên được” - anh thở dài. Rồi anh nói với tôi về việc phải giữ gìn những kỷ niệm đẹp cho mình. Anh nói đừng để cho tâm hồn bị thương, vì như vậy ta sẽ nhìn đời luôn luôn xám ngắt. Trái lại cũng đừng cảm nhận đời sống một cách quá tỉnh táo để khỏi bị thất vọng, vì không bao giờ cuộc sống có sự công bằng tuyệt đối. Tôi nói tôi cần sự hoàn thiện. Anh nói anh chỉ cần thành công với chính bản thân mình, không cần thành công trong cuộc sống. Tôi cho rằng anh là người tự mãn. Anh xác nhận: “Có thể, nếu nó giúp tôi sống vững vàng và chân thật”. Im lặng một lúc anh lại nói: “Thật ra tôi xấu xa ít hơn cô đã nghĩ. Tôi vẫn yêu tha thiết cuộc đời. Và vì yêu cuộc đời nên lúc nào tôi cũng mong cho nó được hoàn mỹ. Tôi ghét sự giả dối và cách nói cho vừa lòng nhau. Thật là điều bất nhẫn vô cùng nếu cứ phết lên cuộc đời còn đang ốm yếu này một lớp sơn ngụy tạo. Tốt nhất hãy chữa bệnh cho nó đã”. Tôi cải: “Nhưng nếu chữa bệnh bằng cách ôm nhau mà khóc lóc thì ích gì kia chứ. Anh là người thầy? Đây, tôi giao cho anh sách vở, anh hãy dùng nó mà nâng cấp kiến thức cho tụi nhỏ đi. Làm được như vậy có nghĩa là anh đã góp phần chữa bệnh cho cuộc đời rồi đó”. “Đâu đơn giản như cô tưởng. Ai bảo rằng sách vở được miễn nhiễm? Có những căn bệnh đời đã trở thành ác tính rồi cô ạ. Nó cũng giống như những khối u bám chắc vào da thịt, rất vướng nhưng cắt đi thì nguy hiểm vô cùng cho cơ thể”. Rồi anh lại cười to: “Nói chuyện với cô thú vị thật đó. Nhưng thôi, chúng ta hãy đổi sang đề tài khác đi, nói những chuyện vui nhé. Lẽ nào ta gặp nhau chỉ để tranh cải mãi hay sao?”. Rồi anh thông báo cho tôi biết nhà xuất bản Văn học vừa tái bản quyển Les étoile của Anphonse Daudet. Chúng tôi chuyển đề tài xoay quanh các truyện ngắn trong đó. Tôi nói tôi thích nhất là truyện “Những vì sao”. Anh nói anh cũng vậy, anh cũng thích được như chú bé chăn cừu kia lắm. Chỉ sợ không có nàng Staphanette nào mang cơm đến cho mình, khéo rồi chết đói thôi…
Đêm đã khá khuya. Đã thôi không còn nghe tiếng tàu trên biển. Những ánh sao trong bóng đêm vụt sáng lên. Dãi ngân hà trải dài một vệt màu xanh nhạt…
Tuần lễ thứ hai chúng tôi có những tiết dự giờ thực nghiệm tại một trường điểm của thành phố. Nội dung và phương pháp là những điều đã được chuẩn bị sẵn trên cơ sở đề tài sáng tạo mới của ngành mà vừa qua chúng tôi đã mang ra mổ xẻ, thảo luận. Tôi bực mình nói với anh hóa ra chúng tôi được mời về đây chỉ để vỗ tay và củng cố thêm cho những luận điểm đã được chuẩn bị trước hay sao. Anh vỗ về tôi bằng những lời an ủi, rằng những ý kiến của cơ sở cũng rất quan trọng, sẽ chọn lọc và bổ sung cho những lần sau. Anh tế nhị tìm cách ngồi cạnh tôi trong mấy buổi dự giờ và ghi ghi chép chép một cách cẩn thận. Buổi tối anh lại tìm đến phòng tôi, khi thì với một quyển sách mới xuất bản, khi thì một tập tài liệu có liên quan nào đó. Trước sự chăm sóc ân cần của anh, có lúc lòng tôi bỗng dấy lên một niềm xúc động. Thành thật mà nói chúng tôi có những điểm khá gần nhau, nhất là cả hai đều thích văn học nước ngoài. Anh nói anh rất thích cái qui luật “tâm hồn nặng gấp trăm lần thể xác…” của Noda Dumbatze. Và tôi cũng vậy. Một lần anh thủ thỉ tâm tình với tôi về đề tài niềm tin và giấc mộng của con người, rồi anh đọc cho tôi nghe một trích đoạn của Erich Maria Remarque như sau:
- Không nên bao giờ cứu với những giấc mộng
- Nên chứ! Nếu không thì cứu với gì bây giờ?
- Cứu vớt niềm tin.
- ??
- Giấc mộng này qua đi và giấc mộng khác sẽ đến. Chỉ có niềm tin đáng nuôi dưỡng khi bóng tối đang bao trùm trên giấc mộng loài người…
Cuối cùng thì anh cũng đã chinh phục tôi hoàn toàn. Không phải bởi tôi là một người cả tin hay dễ dãi. Được ở bên cạnh anh tôi thấy mình vui hơn vì được nghe nhiều điều thú vị mà tôi ít được trải qua khi tiếp xúc với những người khác. Đêm nay, đêm cuối cùng trước khi chia tay, tôi lại cùng anh đi dọc theo bờ biển. Một bên là phố đã lên đèn, một bên là lao xao tiếng sóng. Biển lặng gió và đêm như trải dài mênh mông. Thật xa bờ là dãy đèn đánh cá. Tiếng sóng lăn vào bờ cát nghe rào rào. Một ánh sao băng bất chợt xẹt ngang qua màn đêm. Tôi im lặng đứng yên trong vòng tay anh ấm áp. Rồi chợt hơi rùng mình khi anh đưa tay vào trong cúc áo của tôi. Tự nhiên tôi nghe từ thân thể anh như có mùi thơm của hoa mướp và mùi của những trảng tranh cháy nắng. Anh cúi xuống hôn ngấu nghiến lên môi tôi. Tôi lại thoáng nghe có vị mặn của san hô, của rong biển. Nhưng… tự sâu thẳm tâm hồn mình tôi vẫn thấy hình như cảm xúc của tôi là những gì không thật. Rồi anh nói anh yêu tôi bằng một giọng xúc động. Tôi nói tôi cũng vậy và cả hai quay lại đoạn đường vừa đi qua. Tôi và anh lặng lẽ bước đi, chẳng nói gì với nhau suốt đoạn đường về. Gió bắt đầu thổi hút mạnh từ phía biển. Bầu trời sao bỗng nhợt nhạt…
Sáng hôm sau anh đi sớm và không chào tạm biệt tôi. Tôi đã giận và vẫn còn giận anh suốt thời gian sau đó mãi đến bây giờ. Lá thư anh gởi cho tôi có nói bóng gió đến việc anh và tôi không thể tiếp tục mối quan hệ tình cảm vì một lý do gì đó. Tìm hiểu qua một vài người quen tôi mới biết anh đã đính hôn. Đó là một phụ nữ thuộc một gia đình có quyền thế nào đó ở tỉnh. Cô ta đang làm việc ở tỉnh ngoài. Lá thư sau chính anh đã xác nhận với tôi điều đó. Tôi không liên lạc với anh nữa. Tôi giận lắm. Tôi cố gắng quên đi, coi đó như một trong những mối tình thoảng qua trong đời. Nhưng cứ đến những đêm tối trời, mắc võng nhìn bầu trời sao, nghe gió thổi về qua những trảng tranh xào xạc nhhư tiếng sóng tôi lại nhớ anh đến não lòng.
Tuy nhiên cứ mỗi lần nghĩ đến anh, tôi không tránh được cảm giác mình bị lừa dối và khinh bỉ. 


Lê Phú Hải
Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...