Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Mắt nâu ơi!

Mắt nâu ơi! 
Câu thơ bám víu lưng đèo là tập thơ đầu tay của tác giả Trần Văn Lan do NXB Văn nghệ TP. HCM ấn hành năm 2004. Chẳng phải tình cờ mà tác giả đã lấy một câu thơ đặt tên cho cả bài thơ, rồi lấy tên của bài thơ ấy đặt tên cho cả tập thơ 37 bài… Cái tên gọi như muốn níu kéo trở lại cả một thời quá vãng đã và đang trôi qua mà ông dùng dằng không muốn buông thả.
Nếu nói “văn là người” thì có lẽ không ai điển hình bằng Trần Văn Lan và những tác phẩm thơ của ông. Có thể thấy “khiêm tốn, êm ái và chân thành” (Ngô Phan Lưu) hay “mềm mại và hồn hậu” (Lê Thiếu Nhơn) chính là những cung bậc tình cảm nhất quán của Trần Văn Lan thơ và người.
Tôi có thói quen xấu là săm soi đọc thơ người khác để tìm ra hình bóng những con người, càng cụ thể càng tốt. Tìm, để hiểu một cách rốt ráo xem còn có “password” nào ẩn chứa bên trong người làm thơ kia không? Nhưng với thơ Trần Văn Lan thì đành chịu! Ông là người làm thơ rất “kín kẻ”. Hay nói một cách khác thơ ông chân thành đến mức không cần phải “bẻ khóa” để bước vào… Và như thế có nghĩa là để tìm ra một con người cụ thể ẩn nấp trong thơ thật khó lắm thay!
Có thể nêu một ví dụ: “người mẹ” trong thơ của ông được phô diễn không bằng những hình ảnh trực quan mà bằng những diễn đạt mang tính liên tưởng, gợi hình, gợi tình sâu sắc:
Ra về năm tháng theo sau
Mẹ lưng cúi xuống cây màu xanh lên…
…Bỏ quên ánh mắt bên trời
Mẹ về gọi nắng qua đồi chiều nay…
…Công phu lạc tiếng chuông chùa
Mẹ ngồi chắp vá chưa vừa câu kinh… 
(Gió mùa)
Và ai cũng có thể thấy thấp thoáng đâu đó bóng dáng của mẹ mình trong những câu thơ đẹp ấy. Cũng tượng tự như vậy, “em” trong thơ Trần Văn Lan cũng không có hình tượng cụ thể. Đó có khi chỉ là một dòng sông, một mái tóc, là tiếng ve hay chiếc lá vàng:
Nước sông Ba bềnh bồng mây không bến
Một phần đời ta ngã bóng vào em… 
(Cỏ hết mình xanh)
…Người thắp lên hoàng hôn
Suối chảy vờn mái tóc…
Người là chi rất lạ
Tiếng ve ngân rung mùa. 
(Mặt chiều)
…Tôi gởi hết bốn mùa em giữ lấy
Vay lại một ngày có lá vàng bay… 
(Hương quỳnh)
Tác giả đã bước vào tuổi sáu mươi, có nghĩa là cái tuổi rất ngượng ngùng để nói chuyện tình yêu. Nhưng đâu có hề chi! Ai chẳng có một thời trẻ trai, một thời mộng mị? Nên xin đừng ngạc nhiên khi đọc những câu thơ rất trẻ và thơ ngây như một thời áo trắng:
…Mùa xuân nào đi qua
Con ve gầy thức giấc
Em có nhặt phượng hồng?
Rơi cuối hè lất phất
Xuân mấy mùa hoa nở
Đã bao lần thu đi
Em còn mang áo mới
Hỏi sang ngày xa ơi!? 
(Pleiku 1971)
Bạn bè làm thơ thường hay nói thơ Trần Văn Lan đẹp và hiền lành, thiên về hoài nhớ và ít vui buồn. Tôi không nghĩ như vậy. Buồn vui là thuộc tính của con người và không ai buồn hay vui mãi mãi. Điểm khác nhau ở chổ thái độ tiếp nhận cảm xúc như thế nào. Và hình như tôi đã đứng gần nỗi buồn ấy:
…Ta thon mình mà chảy
Sông gầy còn bể dâu
Pha vị đời ta uống
Trăng khuyết tròn trăm năm. 
(Vị đời)
Trong thơ Trần Văn Lan có khá nhiều địa danh, tập trung chủ yếu ở Tuy An và Sông Cầu. Cũng là điều dễ hiểu vì Tuy An chính là quê quán của ông, nơi ông đã trải qua tuổi thiếu thời với nhiều kỷ niệm đẹp. Tuy nhiên phải là người rất khéo để đưa được tên đất, tên làng vào thơ mà không sa vào thô thiển:
…Long Hải đợi gió chiều mở cửa
Mái tranh xưa móc võng Long Bình
Trung Trinh nghe như tên người con gái
Tôi vội tìm mái tóc dọc đường quen… 
(Xanh với Sông Cầu)
Có thể thấy tập thơ Câu thơ bám víu lưng đèo của tác giả Trần Văn Lan không có chủ đề xuyên suốt. Tập thơ chỉ đơn giản là những cảm nhận riêng tư về đời, về người, về tình và về kỷ niệm. Và không có bài thơ nào dài. Mỗi bài chỉ chừng hai, ba khổ, một vài bài bốn, năm khổ. Có vẻ như ông khiêm tốn ngay cả trong việc trải lòng mình. Và do đó thật dễ đồng cảm với tác giả, ít nhất là ở một vài bài thơ. Tôi rất thích bài thơ “Chị Ánh” trong tập này. Câu từ đơn giản thôi nhưng tấm lòng thật bát ngát. Tôi cũng thích bài “Mắt nâu” của ông dù không biết đó là ai và người ấy đang ở đâu trên đời này:
…Mây mùa đông bay hoài cũng lạnh
Vỡ tung chiều giọt nước nhỏ nhoi đau
Mắt nâu ơi! Màu nâu ta yêu dấu!
Thương một đời mưa nắng đãi đằng nhau. 
(Đất nâu)
Lê Phú Hải
Theo https://sites.google.com/

1 nhận xét:

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...