Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Mưa - Miền của cảm xúc

Mưa - Miền của cảm xúc
Là hiện tượng thời tiết có thể xảy ra suốt các tháng trong năm, cũng có thể diễn ra trong bất cứ thời điểm nào trong ngày. .thế nhưng ở mỗi mùa, mỗi khoảnh khắc hay những lúc tâm trạng khác nhau thì nó lại đưa đến cho người ta những cảm xúc vô bờ về nhân tình thế thái, về kiếp người…và cũng để rồi thăng hoa thành những tác phẩm thi ca nhạc họa…Đó là MƯA!.
Mưa làm cho ngày ngắn, đêm dài. Mưa là khúc nhạc miên man của kí ức, mưa chầm chậm đưa tâm hồn ta lên mây để rồi nhẹ nhàng thả xuống, tan lẫn vào lá hoa cây cỏ. Ở một cung bậc tình cảm khác, tiếng mưa đêm làm tâm hồn người ta yếu đuối và cô quạnh; trái tim người ta dễ tan chảy về một sự nhớ thương, nuối tiếc, xa xót... Mưa làm cho đêm như sâu hơn, bí ẩn hơn, huyền diệu hơn, đích thực hơn. Và, khao khát hơn một khát vọng...
Có ai đó đã nói rằng: mưa Xuân như chiếu Vua ban ân, mưa Hạ như chiếu Vua xá tội. Mưa Thu như tiếng điếu người chết... Mưa, ngàn đời nay cũng chỉ là mưa nhưng sức biểu cảm của nó thật vô cùng. Những cơn mưa mùa Đông, mưa trên sông; mưa trên núi; mưa rừng hay mưa biển... đều là những cơn mưa mang lại cảm xúc thi ca nghệ thuật. 
Nếu những cơn mưa mùa hạ ở miền Bắc ào ạt, dữ dội, đòn roi; cơn mưa Nam bộ thoắt đến thoắt đi hối hả thì cơn mưa miền Trung lại dẳng dai đến lạ kỳ! Cơn mưa Huế làm thời gian như ngưng lại trên các lăng mộ, đền đài. Mưa làm cho Sông Hương vốn đã lững lờ chầm chậm còn như không thể chậm hơn. Mỗi tháng, Huế mưa hai lần, mỗi lần mười lăm ngày, đó là cách nói vui của người dân ở đây. “Mưa trên phố Huế” của Minh Kỳ là một bài hát điển hình mà nét Huế không thể trộn lẫn vào đâu: “Chiều nay mưa trên phố Huế, kiếp giang hồ không bến đợi….tiếng mưa trong lòng làm mình cô đơn”…Có người ví mưa Huế là một cách chơi đàn của trời (Thiên vũ cầm), có lúc lặng lẽ như tiếng nói thầm trên mái lá, có lúc xa xôi như một câu chuyện xưa, hay có lúc giòn cười nắc nẻ. Không có những đợt mưa dai dẳng, Huế sẽ không còn là Huế đền đài xưa cũ nữa.
Tiếng mưa gợi cho người ta những nốt trầm cảm xúc, là lúc lòng người chùng xuống dịu dàng, cô độc hay xa vắng. Vào những năm 1942 của thế kỷ trước, Đặng Thế Phong- chàng trai đất thành Nam khi ấy 24 tuổi, sáng tác Giọt mưa thu trong hoàn cảnh mưa rơi tầm tã, giọt mưa lộp bộp trên mái lá, thánh thót từng giọt xuống đường, ông buồn quá, con tim như thắt lại, máu trào lên, nhạc hứng lai láng, tràn trề khiến ông gượng ngồi dậy viết liền một hơi điệu nhạc buồn da diết, não nề, đặt tên là Vạn cổ sầu (sau là “Giọt mưa thu”). Ca từ câu chữ buồn như muốn khóc, như xoáy vào tim vào óc tâm can người ta… Giọt mưa thu cùng hai nhạc phẩm khác của Đặng Thế Phong đã mở đầu cho dòng "nhạc thu" Việt Nam sau này.
“Đêm đông” của Nguyễn Văn Thương lại là sự cảm nhận một đêm mưa của kẻ lữ khách:
Thời gian như ngừng trong tê tái
Cây trút lá cuốn theo chiều mây
Mưa giăng mắc nhớ nhung, tiêu điều
Sương thướt tha bay, ôi! đìu hiu….
Cảm nhận cảnh lữ khách cô quạnh trong một đêm mưa, ta mới thấy hết giá trị của một mái ấm, mới thấy sự khác xa về cảm xúc trước mỗi cơn mưa mùa, khác xa hơn khi mưa ở những vùng địa lý khác nhau. Mưa rừng và mưa biển cơn mưa nào gợi nỗi buồn hơn? Mưa biển bao la mịt mù khiến người ta choáng ngợp và cảm giác nhỏ bé. Mưa rừng xối vào lòng người sự cô đơn nuối tiếc:
Mưa rừng ơi mưa rừng ...
Mưa gieo sầu nhân thế. Mưa nhớ ai...
Phải chăng mưa buồn vì tình đời,
Mưa sầu vì lòng người, duyên kiếp không lâu.
Mưa từ đâu mưa về? Làm muôn lá hoa rơi tả tơi…
(Mưa rừng- nhạc và lời Huỳnh Anh)
Hay nỗi niềm tình yêu của “Họa mi hót trong mưa”:
Tiếng mưa rơi ngoài hiên gió mưa như lạnh thêm
Có con chim họa mi hót trong mưa buồn lắm
Nỗi nhớ anh ngày mưa, nỗi nhớ anh thật sâu nặng...
Nhưng cũng có lúc mưa là một sự ví von, mượn hình ảnh để nói lên cái vênh lệch chông chênh thiếu gắn kết trong tình yêu đôi lứa:
Lòng ta là một cơn mưa lũ
Đã gặp lòng em là lá khoai.
Mưa biếc tha hồ tuôn giọt ngọc
Lá khoai không ướt đến da ngoài.
(Xuân Diệu)
Mưa không những mở đầu cho nhiều ca khúc. Là nỗi lòng người xa: “Đêm nghe tiếng mưa rơi 
Đếm mấy triệu hạt rồi 
Mà chưa vơi nỗi nhớ...". 
Có khi, tiếng mưa gợi cho người ta lòng nhớ nhung mà chả biết nhớ gì, nhớ nhung ai nữa…: 
“Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa…” 
(Một cõi đi về - Trịnh Công Sơn), 
nhiều bài thơ được bắt đầu từ hình ảnh của Mưa để rồi từ đó mở ra nhiều cung bậc cảm xúc. Bài thơ “Bức tranh” - Nguyễn Tuấn Linh, nhà khoa học, có nhiều năm học tập ở Nga, đã ra đời trong hoàn cảnh anh cảm xúc trước một bức tranh mưa:
Mưa
Rắc sợi bạc
giăng giăng ngoài ô cửa,
im lặng,
Rừng bạch dương,
tối sẫm màn đêm.
Những phím đàn
im lìm vào giấc ngủ,
nho nhỏ chùm hoa hòa thảo
ủ rũ rúc vào nhau
Lịm tắt tiếng ngân nốt nhạc cuối cùng…

Mưa dưới cái nhìn của các nhà Nho lại mang tính triết lý, nhân hóa mưa như người, có khả năng níu kéo, giữ chân khách:
- Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách 
(Mưa không có then khóa mà có thể giữ được khách).
- Sắc bất ba đào dị nịch nhân 
(Sắc đẹp, không phải là làn sóng nổi, nhưng dễ nhận chìm người).…
Làng quê tôi những năm chiến tranh, trai làng ra mặt trận hết, chỉ còn lại rặt người già, phụ nữ và trẻ con nên cái sự hoang vắng của cảnh sắc, hoang hoải của lòng người càng thấm đẫm hơn bao giờ hết mỗi khi trời mưa: Mưa trong nỗi khốn khổ nhà dột. Mưa ướt củi giả rơm rạ không thổi được cơm ăn. Mưa to là cánh đồng làng ngập nước, ruộng vỡ bờ. Mưa rừng làm nước trên thượng nguồn đổ về khiến nước sông Mã đục ngầu và bao nhiêu là xoáy, bao nhiêu là củi lụt...nhưng đối với lũ trẻ làng tôi ngày ấy, mưa- nhất lại là mưa rào đầu hạ như thế này. Không gì thú bằng tắm mưa, vồ cá rô, bắt cà cuống, đón cá chuối hàng đoàn lóc qua đường làng ngập nước. Những cơn mưa ồn ào tiếng chó sủa, tiếng hối hả của chiếc thùng tôn hứng giọt gianh, tiếng của nước từ miệng con cá chép sứ đầu hồi nhà tuôn xuống máng đổ vào cái bể xi măng to đùng…
Thuở ấu thơ nằm trong vòng tay mẹ tin cậy, yên ổn với ấm áp lời ru: “Trời mưa trời gió đùng đùng 
Cha con ông Sùng đi gánh phân trâu...” 
hay: 
“Trời mưa bong bóng phập phồng...”; 
“Lạy trời nước chảy qua sân...”,: 
Thân em như hạt mưa sa 
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày” ... 
Giờ, bao nhiêu năm đã qua, tôi đã cảm nhận rất rõ thân phận con người, kiếp người gắn với những cơn mưa buồn đến thế nào.
Đêm nay, lại một đêm mưa thâu. Tiếng mưa làm tôi chợt giấc. Mới 3 giờ sáng...con Gà tre mọi đêm cứ le te gáy những giọng dài, sâu, cao vót. Đêm nay mưa mát nên quên gáy cầm canh. Tôi bỗng lạnh người vì một tiếng tru hú đan lẫn tiếng mưa hối hả- Đó là tiếng của con chó mực. Chắc mưa lâu ngấm lạnh nên đòi vào nhà. Tôi còn nằm nán lại vì mưa to, vì mất điện tối om thì lại một tiếng tru nữa cất lên, xoáy vào đêm mưa sâu thắm. Trong tiếng hú có cái gì đó rất khổ thân, khổ tâm, cô đơn, tuyệt vọng đến rợn người. Bất chợt ý nghĩ trong đầu tôi lóe lên: Hay kiếp trước nó là thi sĩ!!!
Ngoài trời, mưa vẫn rơi...

Gửi người em gái miền Nam
Đoàn Chuẩn - Từ Linh - Ngọc Bảo
Tình nghệ sĩ 
Đoàn Chuẩn - Từ Linh - Ngọc Bảo
Xóm đêm 
Ảnh nghệ thuật của Dương Quốc Định
Trantri Thiếu nữ khỏa thân
Phương Mai
Theo http://sentichmich89.blogspot.com/


1 nhận xét:

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...