Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Hữu Đạt - Một cây bút tài hoa

Hữu Đạt - Một cây bút tài hoa
Nghề tay phải của anh là dạy học. Nhưng bên cạnh đó, anh còn là nhà nghiên cứu ngôn ngữ (với 65 bài nghiên cứu khoa học, 27 cuốn sách bao gồm giáo trình, chuyên khảo viết chung và viết riêng). Cũng cần phải nói thêm rằng không phải người giảng viên nào cũng có thể trở thành một chuyên gia, một nhà nghiên cứu hay một nhà phê bình văn học. Nhưng đáng nể hơn, nghề tay trái đã biến anh thành một Nhà văn, thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Thử đếm xem nước ta có bao nhiêu người đang là Nhà giáo lại kiêm Nhà văn? Mà lại là nhà văn có khả năng viết được nhiều thể loại "Tay tiên một vẫy đủ mười khúc ngâm", đủ cả tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, kí, thơ… mà còn với một số lượng lớn (10 tiểu thuyết, 2 tập truyện ngắn, 5 vở kịch, 1 vở chèo, 1 tập kí chân dung và bây giờ lại là một tập thơ dày dặn), mà ở thể loại nào cũng có đóng góp như anh? Kịch, chèo thì được dàn dựng và công diễn, tiểu thuyết thì gây xôn xao dư luận và được chuyển thể thành phim dài tập... Có lẽ số người tài hoa như thế, tôi nghĩ cũng không nhiều.
Từ trước đến giờ, Hữu Đạt vẫn dành ưu tiên viết về thể loại văn xuôi. Nay bước sang "đầu 6", sau những vui buồn, từng trải, bôn ba "tứ xứ", bận rộn với nhiều công việc, anh đã quyết định xuất bản tập thơ đầu tiên, một lần nữa sự phong phú trong thể loại đã chứng minh thêm sự đa tài của anh.
Nhan đề của tập thơ là "Lữ hành", phải chăng Hữu Đạt đã tự coi mình như lữ khách (hơn một lần anh đã dùng từ "lữ khách", "du khách" và "viễn xứ", "xứ người"). Khi rong ruổi khắp trời Âu, Á để học tập, tham quan hoặc làm công tác giảng dạy ở xứ người, anh đều làm thơ ghi lại cảm nhận, sự trải nghiệm, nỗi vui buồn của mình…
Bài thơ đầu tiên của tập như là tuyên ngôn thơ của anh: "Lữ hành đi tứ xứ/ Vẫn nhớ bóng quê mình/ Lòng chạy theo con chữ/ Sâu tận đáy tâm linh".
Có thể biết được địa chỉ "tứ xứ" mà "lữ khách" Hữu Đạt đã từng đặt chân, bởi chúng đều được ghi dấu ấn qua mỗi bài thơ.
Đến nước Nga có bài: "Đêm giao thừa ở Matxcơva", "Hoa trắng"…; đến nước Pháp có bài: "Bên thành Vecxay", "Xuân xa xứ"; qua nước Bỉ có: "Thăm pháo đài Oatéclô"; dừng chân ở Hà Lan có: "Qua Amstecsdam"…; ở Campuchia có bài "Sa ry ka keo"; ở Trung Quốc có khá nhiều bài: "Ga Đông Xương", "Bến Hạc Lâu", "Nghĩ bến sông Tương", "Qua bến Tương Giang" "Nhớ Thôi Hiệu", "Nhớ Lý Bạch", "Long Môn thành", "Tử Cấm thành", "Di Hòa viên"…
Và đặc biệt trong thời gian 6 tháng dạy tiếng Việt ở Thượng Hải năm 2010, Hữu Đạt viết nhiều hơn cả với một tâm trạng buồn, cô đơn: "Đi bên sông Hoàng Phố", "Thăm Thạch Long môn", "Thăm Thiếu Lâm tự", "Đi trên phố
Quảng lính", "Một mình", "Buồn chủ nhật", "Đêm xa xứ", "Thu cảm", "Mưa Thượng Hải", "Chợt thức"… Buồn nhất là những ngày chủ nhật, sinh viên nước ngoài nghỉ học, thầy không phải bận rộn vì công việc dạy học nữa, một mình trong "Bốn gian phòng lạnh lẽo/ Suốt ngày không tiếng người/ Chỉ
mình ta quanh quẩn/ Vỗ cánh đập/ tiếng dơi" (Buồn chủ nhật) thì nỗi nhớ quê hương, nhớ vợ con chập chờn "theo giấc ngủ". Ai đã từng đi nước ngoài, đến một nơi mà không người thân, không bạn bè trong một thời gian dài mới thấu hiểu nỗi lòng của người xa xứ.
Đi đến đâu, anh cũng nhớ thương đất mẹ, giữa thành phố Matxcova tươi đẹp, anh vẫn cảm thấy buồn: "Đêm giao thừa lòng bỗng rỗng không/ Vẫn bánh chưng xanh/ Vẫn bánh giò bánh tét/ Nhưng Tết vẫn cứ không là Tết/ Thiếu mùi vị quê hương/ xuân như vẫn chưa về". Bắt gặp một cành đào ở nước Nga anh bỗng thấy ấm lòng khi nghĩ "xuân nước mình phảng phất ở đâu đây", nghe một bài hát Việt Nam giữa xứ người cũng thấy cay cay xúc động, tưởng như quê hương đang gần lại: Nghe em mắt ướt qua câu hát/ Bỗng thấy đâu đây bóng quê nhà. Đến Hà Lan - đất nước hiện đại với những con người "hiền như đất", anh cũng liên tưởng rồi thương quê hương: Nước biển/ Cao hơn nhà thành phố/ Mà sao chẳng lũ như quê tôi?. Đến Thượng Hải - một trong những thành phố phồn hoa nhất Châu Á, anh cũng không lúc nào nguôi nỗi nhớ Việt Nam: "Anh đang sống trên miền cực Bắc/ Sao lòng mình chỉ thấy đất trời Nam" …
Hữu Đạt có biệt tài khi vẽ chân dung nhân vật bằng câu chữ. Trước đây anh đã nổi tiếng khi "vẽ" nhân vật bằng văn xuôi qua tập kí "Văn khoa chân dung kí", anh đã vẽ người nào ra người ấy với tính cách rất đặc trưng, rất chính xác, đầy yêu thương và hóm hỉnh không kém gì tập "Chân dung và đối thoại" của Trần Đăng Khoa từng gây sốt. Còn trong tập thơ này, Hữu Đạt lại dựng chân dung những người thân yêu như người mẹ, người anh rể, thầy cô, bạn bè… mà chân dung nào cũng gây xúc động cho người đọc…
Hình ảnh mẹ của mỗi thi sĩ được hiện lên với nhiều dáng hình, kỉ niệm và kí ức khác nhau. Hữu Đạt không nằm ngoài ngoại lệ làm thơ về thân mẫu. Đọc bài thơ "Mẹ tôi" của anh, tôi đã hiểu vì sao Hữu Đạt có thể hát được cải lương mùi mẫn trong những buổi liên hoan hoặc trong lúc cần minh họa sinh động cho bài giảng về các tiểu loại của sân khấu; tôi đã hiểu vì sao anh có thể sáng tác được ca kịch cải lương và cả chèo, kịch nữa; và tôi cũng đã biết cái gel nghệ sĩ của nhà khoa học Hữu Đạt chính là được thừa hưởng từ người mẹ nghệ sĩ yêu quý: … Thương bà/ Mẹ giã từ cuộc đời nghệ sĩ/ Trở về làm một nông dân/ (…) Sân khấu vắng hình bóng mẹ/ Bạn bè thiếu vắng tình thương/ Người xem trở nên buồn tẻ/ Vắng mẹ rồi/ Ai hát cải lương/ (…) Sự nghiệp nửa đời dang dở/ Tình thương mẹ để cho con/ Ứớc mơ đem từ thuở đó/ Bay theo bát ngát trăng tròn.
Trong bài Gặp bạn cũ, cái nhói đau của tác giả đã truyền cái xót xa sang người đọc, tôi chợt thấy buồn tê tái khi bắt gặp những câu thơ sau:
"Mới năm nào bạn đến nước Nga/ Gặp tôi ở cổng trường Lômônôxôp/ Mái tóc bạn xanh đen màu mực/ Nụ cười phóng khoáng trẻ trung/ Thoắt đi đã mấy chục năm/ Đường đi mấy đoạn "dao quăng"/ đã già/ Bạn không còn mái tóc đen/ như trước nữa/ Nụ cười/ héo theo tháng năm/ Sách đọc mỗi ngày mỗi ít/ Tai nghe/ câu được câu chăng/ Kiếp người đi qua chóng vánh/ Mùa thu vẫn thế muôn đời/ Trăng vàng vẫn thường đỏng đảnh/ Đi qua trước bạn và tôi".
Tác giả không nói đây là bạn trai hay bạn gái nhưng tôi nghĩ đây có thể là một người bạn gái. Bạn gái thì mới tả mái tóc, nụ cười chứ! Bạn trai thì tóc đen hay tóc bạc có quan trọng gì, đàn bà tóc bạc mới "có vấn đề". Người đàn ông 60 chưa thể gọi là già, đàn bà 60 mới thực là già vậy. Phụ nữ 40 tuổi vẫn có thể gọi người đàn ông 60 là… anh mà không thấy bất bình thường nhưng không thể gọi người đàn bà 60 là chị, phải gọi cô mới phải đạo (?). Người bạn này mấy chục năm trước chắc cũng là một nữ sinh giỏi giang từng du học tại trường Lomonoxov, cô trẻ trung với "mái tóc đen màu mực", với nụ cười "phóng khoáng" hồn nhiên… Vậy mà giờ đây đã là người đàn bà tóc đã bạc, nụ cười đã héo, mắt đã mờ: "Sách đọc mỗi ngày mỗi ít", tai đã điếc: "Tai nghe câu được câu chăng"… Ôi, không gì có thể cưỡng được quy luật "sinh lão bệnh tử" của muôn đời, "Đời người như bóng câu qua cửa". Hữu Đạt đã chốt lại bài thơ với triết lí Kiếp người đi qua chóng vánh/ Mùa thu vẫn thế muôn đời/ Trăng vàng vẫn thường đỏng đảnh/ Đi qua trước bạn và tôi"… Đọc bài thơ này, tôi chợt liên tưởng tới câu chuyện một hoàng hậu khi về già, bị bệnh tật kiên quyết không gặp vua, không cho vua nhìn mặt để hy vọng hình ảnh trẻ trung xinh đẹp của mình vẫn còn trong kí ức nhà vua. Và những ai khi về già, có nên gặp lại người yêu cũ của mình không (?).
Một số nhà thơ đã viết về người chị dâu thân thương của họ nhưng viết về anh rể thì khá hiếm. Người anh rể của Hữu Đạt đã từng là một người lính. Có tác phong đậm chất lính: "chân đi, miệng nói, tay làm", là con người "giản dị", lẽ sống của anh là biết "yêu thương" và "tôn thờ hai chữ: sống vinh". Anh được bố mẹ vợ yêu quý và các em vợ coi như một tấm gương để noi theo, như người thay mẹ cha chăm lo cho đàn em, dẫu rằng anh không còn nữa nhưng tình cảm của Hữu Đạt dành cho người anh rể của mình thật đáng trân trọng: Khi sống anh là anh rể/ Chết rồi anh thành sao Khuê/ Cha mẹ nay không còn nữa/ Bóng anh dắt chúng em đi. Bài thơ giản dị nhưng khiến cho người đọc thấy tình cảm gia đình lớn của tác giả thật ấm áp, có nếp nhà. Một đại gia đình hòa thuận, có nề nếp gia phong bao giờ cũng sinh tạo những con người có ích cho xã hội.
Những bài thơ tặng thầy cô của anh, tuy tên của người đề tặng được viết tắt như "Kính tặng cô Đ.Th.H, cô L.H.S, cô H.Th.CH; Kính tặng thầy H.T.Ph, thầy N.X.L… nhưng chúng ta cũng dễ dàng đoán được (ngay cả khi anh có thể không chỉ dẫn bằng những cái tên viết tắt). Bởi đó là những nhà giáo quá nổi tiếng đã được Hữu Đạt "vẽ" cực chính xác, người đọc thấy toát lên ở những chân dung ấy một nhân cách đẹp, cống hiến cả đời mình cho các lớp sinh viên, cho sự nghiệp nghiên cứu của Ngành Khoa học Xã hội & Nhân văn Việt Nam. Nhưng cuộc đời riêng của một vài thầy cô đôi khi còn thiệt thòi, vất vả, éo le và lận đận… Có thầy về già vẫn cô đơn, vẫn "một mình", có thầy không còn nhà để ở khi tuổi đã tám mươi, có thầy làm việc cả đời vẫn chưa được Nhà nước phong học hàm (nhưng cái học hàm mà sinh viên phong, nhân dân phong cũng thật vinh dự, cao quý lắm thay!). Bản thân Hữu Đạt là một người thầy mà vẫn luôn nhớ đến những người thầy đã dạy mình, "ăn qủa nhớ kẻ trồng cây", anh là biểu hiện của một nhân cách đẹp, có đạo nghĩa, có trước có sau.
Một số người thầy đã được nhắc đến bằng văn xuôi trong tập: Văn khoa chân dung kí nay được nhắc lại trong tập thơ này. Điều đó chứng tỏ Hữu Đạt rất yêu quý, trân trọng và dành tình cảm mến yêu đặc biệt với những thầy cô đã tạo được những ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời sinh viên và nhà giáo của anh.
Trong bài Có một niềm tin (Kính tặng Thầy H.T.Ph), chân dung, thần thái của Thầy được hiện ra rõ ràng như con người bằng xương bằng thịt và tôi nhận ra ngay đó chính là Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân - người Thầy yêu kính của tôi:
Vẫn mái tóc bồng bềnh thời trai trẻ/ Vẫn nụ cười bát ngát lúc còn xuân/ Tám mươi tuổi vẫn phóng xe đến lớp/ Có đến hai hay ba buổi mỗi tuần/ Đôi tay múa những vòng như nghệ sĩ/ Giọng bổng trầm như tiếng sáo diều ngân/ Chân uyển chuyển bước đi theo dáng người vóc hạc/ bóng vờn bay trên giáo án mỗi phần…
Có thể nói, mảng thơ "chân dung" và đặc biệt là "chân dung các nhà giáo" là "đặc sản" của thơ Hữu Đạt.
Hữu Đạt đã từng thể hiện tinh thần "tự phản biện", "cảnh báo xã hội" hoặc "nhìn thẳng vào sự thật" của một công dân yêu nước qua một số bài trong mục Tiếng nói nhà văn của báo Văn nghệ. Thì trong tập thơ này, cái tinh thần đó lại được phát huy mạnh mẽ trong những bài thơ thế sự: "Lời cha", "Làng đâu", "Thương nước mình", v.v..
Xót xa làm sao khi đọc những câu sau:
Sau cải cách quê tôi nghèo xơ xác/ Ruộng nương vô hợp tác chung làng/ Tổ đổi công mỗi mùa hai vụ/ Lúc thu về chỉ có chút khoai lang (Mẹ tôi).
Với bài Làng đâu, anh trăn trở đau đớn khi "văn hóa làng" đã mất đi trong thời buổi "kinh tế thị trường", mất dần đi không gian làng quê "mái ngói", "giếng khơi"; mất dần đi những mảnh đời "nghèo nhưng sạch", họ tuy vất vả nhưng lại có lúc thảnh thơi "đứng hóng mát cổng chùa". Giờ đây, những người nông dân đã đua nhau bán đất lấy tiền xây nhà lầu, mua sắm, ăn chơi xả láng, cờ bạc đỏ đen, rồi mất đất, mất nghề trồng rau, trồng lúa, họ lại trở thành những người tay trắng, phải tha phương cầu thực:
… Nhà ai cũng khoe tiền bán đất/ Tiền đền bù, tiền lờ lãi chia nhau/ Rồi hỉ hả sắm sanh, xây dựng/ Đi đến đâu cũng biệt thự nhà lầu/ Thói quen mới ăn tiêu xả láng/ Tiền nhiều rồi ai còn thích trồng rau/(…) Lớp lớp đàn em thích cuộc đời phố xá/ Ham rong chơi cờ bạc, đỏ đen/ Đầu phố, cuối thôn nhà hàng mọc kín/ Bóng ca ve lờ lượn dưới ánh đèn/ Ngôi làng cũ năm xưa không còn nữa/ Nhiều gia đình mất nghiệp phải tha phương/ Đêm thăm thẳm trong màn trời chiếu đất/ Triệu phú hôm nao nay thành kẻ đứng đường…
Trong bài Thương nước mình, anh không nén được những xót xa khi người dân không những khốn khó vì hậu quả chiến tranh, vì bão lũ, hỏa hoạn, tai nạn giao thông, lạm phát tăng… mà họ còn oan ức, khốn khổ vì nạn tham nhũng, dự án kém hiệu qủa… Nhưng với bản tính nhân hậu của người nghệ sĩ chân chính, không bao giờ kêu gào, phá phách…, anh vẫn có niềm tin, nên dẫu "tê tái lòng/ vẫn hát khúc yêu thương"…
Thơ anh hay bởi cái tình hồn hậu, bởi sự nghiêm túc mô phạm của một nhà giáo chứ không phải ở sự tung tẩy cách tân tùy tiện về hình thức. Anh không phải tạng nhà thơ chạy theo trường phái nghệ thuật siêu thực, hậu hiện đại, tượng trưng… Vì vậy, cách làm mới về hình thức của anh trong nhiều bài vẫn dựa trên cơ sở cấu trúc thơ truyền thống, dù có ngắt dòng dài ngắn thì đó vẫn là những câu thơ thuộc thể loại thơ có vần luật Chẳng hạn như:
Bao tháng năm rồi
trong kí ức
Những sớm mưa bay
vẫn còn đây
Nhìn thành đá lạnh
lòng heo hút
Nỗi nhớ xa quê đã bao ngày
(Bên thành Vecxay)
Gọi em
chẳng thấy em đâu
chỉ nghe
quặn thắt
nỗi đau âm thầm
 (Mưa hoang)…                   
Thơ anh sử dụng khá nhiều những từ Hán Việt như lữ khách, viễn xứ, kí ức, hạ giới, phiêu du, tâm linh, dương gian, cố hương, nhi nữ giang hồ, vũ trụ, gia thế, thiên cổ tự, Long Môn thành, Tử Cấm thành, Hà thành… nên có màu sắc trang trọng, cổ kính phù hợp với nội dung hoài niệm, suy tư…
Tuy có đôi bài thơ vui như "Bạn cũ" nhưng âm hưởng chủ đạo của toàn tập thơ là giọng trầm, man mác buồn, nghĩ ngợi…
Cái sự nghĩ ngợi đó thể hiện ở sự hoài nghi, chất vấn, trăn trở, chiêm nghiệm trong những câu thơ như: Vĩ nhân sao lại khiêm nhường thế?/ Sự nghiệp ngàn năm chỉ thế này? (Thăm pháo đài Oatéclô), Thành quách ngàn năm thì sụp đổ/ Thi tứ vạn năm vẫn dâng sầu? (Suy ngẫm), Hỡi người trên khắp thế gian/ Sao đâu cũng thấy gian nan kiếp người (Đi trên phố Quảng Lính), Một mình tôi, một mình tôi/ Chẳng thành gì cả giữa trời mênh mông (Một mình), Liệu con sẽ nghĩ gì khi ngồi trên đống bạc/ Năm tháng trôi qua cha mẹ đã không còn? (Lời cha), Dây số phận giữa hai người đã đứt/ Có bao giờ khỏa lấp được nỗi đau (Cải đắng)…
Trong tập "Lữ hành" này, Hữu Đạt rất có ý thức cách tân về hình thức qua một số bài thơ hình cái cốc, cái nơ, hình tháp nước, hình tháp chồng, hình tháp chồng hình kim cương, hình mũi tên… Đó cũng là những thử nghiệm của khá nhiều nhà thơ cả cũ và mới. Trước đây đã có Trần Huấn Chương thử nghiệm thơ hình tam giác trong bài Tối từ năm 1936; Nguyễn Vỹ thể nghiệm với thơ hình thoi, hình zich zắc cùng nhiều bài có hình thức tân kì như Mưa rào, Hoàng hôn, Tiếng chuông chùa…Nhưng có lẽ chỉ đến Hữu Đạt thì kiểu thơ hình thức mới được phát huy đến đỉnh điểm và dường như sau mỗi hình thức sáng tạo ấy, mỗi bài thơ còn chứa đựng một nội dung sâu kín nào đó, một thông điệp riêng của thơ ca.
Hữu Đạt vốn chuyên viết văn xuôi nhưng với thơ, anh cũng có những thành công rất đáng ghi nhận. Ngôn ngữ đối thoại trong tiểu thuyết của anh sắc sảo, mạnh mẽ bao nhiêu thì ngôn ngữ trong thơ anh lại uyển chuyển, mềm mại bấy nhiêu…
Cái hay của thơ anh không phải là cố làm ra vẻ khác lạ về hình thức mà ở sự rung động của trái tim, khi nào Hữu Đạt xúc động sẽ khiến người đọc xúc động, khi nào Hữu Đạt run rẩy sẽ khiến người đọc run rẩy, khi nào câu thơ của anh chạm đến vùng kí ức, hoài niệm, chiêm nghiệm, trăn trở… của người đọc thì khi đó anh thành công. Tôi thích những bài như Hoa bằng lăng, Bên phố cổ, Nhớ trường xưa, Heo may, Đêm rằm ở ngoại ô rất lãng mạn với những câu "Đêm rằm ta muốn được yêu/ Cả trăng, gió/ Cả những điều vu vơ..
Có lẽ do chịu ảnh hưởng và yêu quý một số nhà thơ thời Thơ mới và Thơ Cách mạng nên đôi khi trong nhịp điệu thơ anh có phảng phất cái nhịp điệu thơ của người đi trước. Ví như: Hồn em như hoa bạch đàn/ Đậm hương nhưng có nồng nàn đắm say (…) cứ khiến tôi liên tưởng đến câu: Hồn anh như hoa cỏ may/ Một chiều cả gió, bám đầy áo em (Nguyễn Bính) hoặc: Em- cánh hoa rừng/ trên vách núi/ bốn mùa/ uống mãi ánh sương đêm cứ khiến tôi nhớ đến nhịp điệu bằng trắc trong: Em sẽ là hoa trên đỉnh núi/ Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm (Vũ Cao)… Đó là điều mà ta cũng gặp ở nhiều nhà thơ khác khi họ cùng sáng tác theo một thể loại.
Thơ anh, những bài càng viết ở giai đoạn sau càng hay hơn…
Tôi nghĩ anh thật xứng đáng với danh hiệu "Nhà giáo tài hoa" hoặc "Một Phó Giáo sư, Tiến sĩ đa tài"… Tôi nói như thế, chắc người khó tính nhất cũng phải đồng ý với tôi!
Hoàng Kim Ngọc
Theo http://www.ussh.vnu.edu.vn/


1 nhận xét:

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...