Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

“Rét nàng Bân” lại tưởng nhớ cố nhà thơ Quang Huy

“Rét nàng Bân” lại tưởng nhớ 
cố nhà thơ Quang Huy
Nhân 2 năm ngày mất của nhà thơ Quang Huy (19/2/2015- 19/2/2017). Năm nay, rét muộn kéo dài hàng tuần. Trời đang nắng ấm bỗng đổ gió lạnh thấu da. Bà hàng xóm chừng như liên tưởng đến cái rét nàng Bân sắp đến liền hỏi tôi cặn kẽ về sự tích cái rét muộn này. Chuyện trò với bà, tôi bỗng miên man liên tưởng nhớ về Nhà thơ Quang Huy - một trong những tác giả đã viết bài thơ “Rét nàng Bân” vào những năm đầu thập niên 60.
Nhà thơ Quang Huy
Hồi đó, tôi đang là chiến sỹ pháo cao xạ thuộc Trung đoàn 280-Đơn vị anh hùng bấy giò đóng tại Vinh - Bến Thủy. Qua một số bài ca dao đầu tay của tôi sáng tác, trước khi gửi ra các báo Trung ương như Văn nghệ Quân đội mà chủ yếu là Phòng không-Không quân tôi mạnh dạn gửi trước đến Phòng văn nghệ (Ty Văn hóa Nghệ An). Và cũng từ đây tôi biết nhà thơ Quang Huy. Rồi anh viết thư cho tôi, khuyến khích tôi sáng tác thơ và ngỏ ý giới thiệu tôi vào Tổ sáng tác Văn nghệ, Ty Văn hóa Nghệ An. Và rồi, tôi được kết nạp vào tổ chức văn nghệ đầu tiên này. Cũng từ đó tôi quen biết các cố nhà thơ Minh Huệ, Trần Hữu Thung, Hồ Khải Đại, Xuân Tiếu, nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, rồi các anh nay là nhà văn Hồng Nhu, nhà thơ Dương Huy…Điều bất ngờ đến với tôi là trong cuộc thi sáng tác về chủ đề “Đất vàng”của tỉnh Nghệ An năm 1964 tôi vinh dự đạt giải nhất về thơ với bài “Mở quê hương” và giải 3 về chùm ca dao. Sau trận đầu 5-8-1964 chiến đấu tại Vinh, tôi được anh chọn bài thơ của mình“Hãy tin ở chúng tôi” in trong tập ‘Trận đầu”. Chiến đấu tại Vinh, Bến Thuỷ, Nghi Xuân mấy trận tiếp tôi cùng đơn vị chuyển quân ra huấn luyện và chiến đấu ở các tỉnh phía Bắc. Trong một lần tôi được nghỉ phép đột xuất 3 ngày vì chị gái ốm nặng sắp qua đời. Xuống ga Vinh, tôi vội tạt vào cơ quan Ty Văn hoá thăm nhà thơ Quang Huy và các anh chị quen biết. Anh Quang Huy vồn vã trò chuyện hỏi han và báo tin vui cho tôi rồi dẫn tôi đi nhận đầy đủ số tiền thưởng nói trên. Tôi mừng không kể xiết vì lính tráng chúng tôi mới nhập ngũ làm gì có tiền dư dả. Số tiền giải thưởng cuộc thi gần bằng một năm phụ cấp binh nhất của tôi lúc bấy giờ. Tôi ao ước về nhà dùng số tiền này mua thêm thuốc cho chị gái điều trị. Tiếc thay bệnh chị nan giải nên hết phép 3 ngày tôi phải vội ra đơn vị. Đang chuẩn bị hành quân thì nhận được thư nhà gửi ra là chị gái đã qua đời sau một hôm tôi đi. Buồn xé lòng nhưng đành nén nỗi đau để cùng đồng đội lo nhiệm vụ.
Tính cách khó quên của anh Quang Huy là nhiệt thành, cởi mở và hóm hỉnh. Hóm hỉnh trong cách nhìn, cách nhận xét và bày tỏ chuyện trò dù là một chuyện vặt vãnh. Anh tếu táo đến cả những chuyện riêng tư của mình. Hồi đó sống trong thời bao cấp nên mọi sinh hoạt ăn uống đều chịu kham khổ. Anh tỉnh bơ kể chuyện vui mà có lẽ bịa nhiều hơn thật: “Bà mẹ vợ mình có một miếng thịt mỡ lợn luôn bỏ vào cái nồi đất để dành trên giàn bếp. Hễ có khách quý mới đem miếng mỡ ấy xuống quệt qua loa vào cái sanh để rán trứng gà,trứng vịt cho khỏi dính. Xong rồi bà lại cẩn thận cất lên giàn bếp.” Anh còn tếu táo kể chuyện đi mua thức ăn cho vợ là chị Sương- bấy giờ là cô giáo dạy cấp 3 Yên Thành: “Hôm đó, mình ra chợ thấy con cá chép vàng hươm tưởng là béo, bèn mua ngay vì thấy rẻ, cốt về tâng công với vợ. Nào ngờ trưa đi làm về bị vợ chê mua nhầm cá ươn. Mình chống chế phân bua là nó vừa tươi, lại béo. Vợ bực mình liền quay vào nhà xách ngay con cá đang treo trong bếp đi ra rồi dí dí vào tận mũi mình và bảo: “Tươi đây, tươi đây!”. Chao ôi, bầy ruồi nhặng vây quanh lấy mình, chết khiếp! Thế là công toi.” Không biết chuyện ấy có thật không nhưng bạn bè nghe ai cũng không thể nín được cười bởi trong cách kể dí dỏm trào lộng của anh. Có một điều dù gian khổ đến mấy nhưng trong cách ăn mặc, nói năng giao tiếp của nhà thơ Quang Huy bao giờ cũng lịch lãm, từ tốn đến chỉn chu mà điều này ai cũng phải thừa nhận và cảm phục.
Hồi bấy giờ, hễ có bài thơ nào của anh đăng trên các ấn phẩm là tôi tìm đọc và thuộc ngay. Thơ anh viết trào dâng cảm xúc, dung dị mà sâu lắng dễ đi sâu vào tâm khảm người đọc. Chẳng hạn các bài thơ “Sim”, “Đôi mắt vườn dưa”. Có những trạng huống gần gũi mà qua thơ anh lại trở thành một khái niệm lớn lao trong tình yêu cuộc sống như bài thơ “Nhớ em” – nói về tình yêu người kỹ sư địa chất với cô công nhân xây dựng:
Anh đi tìm quặng ngọn nguồn
Nhớ em xây dựng công trường dưới xuôi.
Chiều nay nghỉ việc em ơi
Anh nhờ suối gửi mấy lời nhớ thương
Em ra gánh nước chiều hôm
Có nghe thùng nước nặng hơn mọi chiều?
Rồi trong chiến tranh chống Mỹ và sau này, anh viết khá nhiều bài thơ nổi tiếng. Chẳng hạn Mười hai cô gái Truông Bồn, Gió từ đâu, Bụi phấnMùa thu của em, Hư vô, Nỗi niềm Thị Nở
Trở lại với bài thơ “Rét nàng Bân”. Bài này tôi được đọc trên một ấn phẩm mỏng của Phòng văn nghệ (Ty văn hóa Nghệ An) cũng vào những năm đầu thập niên 60. Đọc qua mấy lần là tôi đã thuộc lòng. Năm tháng qua đi với tuổi tác. Tới giờ có đến hơn 55 năm. Nghe bà hàng xóm hỏi về cái rét nàng Bân, tôi liền đọc một đoạn thơ “Rét nàng Bân” của anh để giải thích nhưng rồi tắc tịt. Bực cho trí nhớ  của mình tồi và suốt đêm đó tôi trằn trọc lẩm nhẩm đánh thức trí nhớ lại từng câu. Sáng hôm sau ngồi trên máy tính tôi cố lần trên mạng nhưng đều vô ích  bởi thời đó làm gì đã có internet để lưu giữ. Sách báo bấy giờ còn in bằng ti-pô. Vậy là tôi đành lẩm nhẩm hoài để cố nhớ lại.Và rồi dần dà  câu này đánh thức câu kia. Cuối cùng  gần hai ngày sau, bài thơ “Rét nàng Bân” của Nhà thơ Quang Huy viết năm đó được hoàn chỉnh trong trí nhớ tôi.Vì chưa có dịp ra thăm hỏi chị Sương nên tôi cũng không rõ trong tàng thư gia đình còn có còn lưu giữ về bài thơ này không?
Nhận thấy đây là một tác phẩm thơ giúp ích cho người đọc dễ hiểu sự tích về cái rét trái mùa theo cách dân gian nên tôi mượn phép chị Sương- vợ nhà thơ quá cố chép ra đây bài thơ để mọi người thưởng thức. Cũng là nén tâm nhang của tôi tưởng nhớ người anh quá cố đáng kính trọng:
RÉT NÀNG BÂN
Quang Huy
Ngày xưa, chuyện cũ, lâu rồi
Có nàng con gái đẹp người, đẹp duyên
Lấy chồng vào độ trăng lên
Yêu chồng nhưng vụng đường kim chiều chồng
Cúc vàng héo rụng từng bông
Heo may chợt gõ cửa phòng một đêm
Giật mình tỉnh giấc mơ êm
Rung rung gió thổi hàng hiên lạnh lùng
Nửa đêm nghe tiếng gió lồng
Vội vàng may áo cho chồng yêu thương.
Bàn tay giá lạnh canh trường
Tơ vương mấy mối, sầu vương mấy hàng
Đêm sang rồi lại đêm sang
Phòng the đã ngập lá vàng tả tơi
Đường kim mũi chỉ rối bời
Mà sao chẳng được ai người giúp cho
Tháng ngày giục vội thoi đưa
Áo may vừa trọn trời vừa hết đông
Cô nàng ngồi tựa bên song
Buồn riêng trên cặp má hồng dần phai.
Xuân về cho thắm hoa mai
Gió Nam quen mấy dặm dài thổi mau
Nắng chiều đốt cháy hàng cau
Để thương, để nhớ, để sầu cho ai
Tiếc công may mấy tháng trời
Áo không tặng được cho người yêu thân
Lệ tràn ướt đẫm vành khăn
Cô nàng khóc suốt mầy tuần chưa thôi 
Một chiều gió giục mây trôi
Vẳng nghe đâu đó tiếng người khóc than
Trời rằng: nay dưới trần gian
Có ai đành chịu dở dang sự tình?
Gió thưa lên với Thiên đình:
Nàng Bân vốn tiếng đẹp xinh nhất vùng
Buồn cho cô gái thương chồng
Áo may vừa trọn thì đông vừa tàn… 
Gió đâu bỗng nổi khắp làng
Phòng the chợt lạnh, lá vàng chợt bay
Cảm lòng cô gái vụng may
Trời cho cái rét giữa ngày nắng lên
Heo may trút sạch ưu phiền
Cho tình đằm thắm cho duyên mặn nồng
Nàng Bân trao áo cho chồng
Đường kim trao cả tấm lòng thương nhau. 
Rồi từ độ ấy về sau
Mỗi năm lại nhớ lòng nhau một lần
Trời làm cái rét nàng Bân
Heo may trở lạnh phòng xuân ba ngày
Lá vàng lớp lớp tung bay
Cho ai xâu chỉ ngồi may áo chồng.
Lập Hạ, Bính Thân 2016
Lập Xuân, Đinh Dậu 2017        
DUY THẢO
Theo http://vanvn.net/

                                                   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  NSND Lê Huy Quang: Phải biết thua người khác! 24 Tháng Tám, 2023 Thiết kế mỹ thuật sân khấu có vai trò quan trọng góp phần làm nên thà...