Chúng
tôi đến bản Mông hoàn toàn do một sự tình cờ và may mắn. Hai anhh em, những kẻ
lữ hành bơ vơ không biết tìm đâu chốn ngủ khi chiều đã đang buông. Tình cảnh của
chúng tôi quả tình là tiến thoái lưỡng nan vì đang ở chót vót trên núi cao,
quay lại thị trấn Bắc Yên mất 15km đường đèo núi rồi sáng mai lại quay lên tìm
mây cũng mất đúng quãng đường ấy, mất quá nhiều thời gian cho những cung đường
gian truân không cần thiết: còn ở lại thì “đêm nay anh em ta ngủ đâu?”. Hihi.
Những kẻ liều lĩnh vẫn cứ quyết định không hạ sơn mà ở trên ngắm mây trời, thưởng
thức cái nắng chiều chênh chao trên đỉnh ngút ngàn của Tà Xùa đã. Chuyện ngủ sẽ
tính sau, cùng lắm là đánh liều vào cái trường học nội trú cũng không xa đó lắm,
vừa mới đi qua xin tá túc.
Đang mải mốt chụp ảnh giữa con đường mòn chênh vênh đỉnh núi thì bạn đồng
hành gọi lại và tôi lò dò theo con đường mòn ấy trở về nơi bạn đang đỗ xe. Một
người đàn ông dân tộc Mông cùng hai đứa nhỏ đứng đó với hai chiếc xe máy (1
wave, 1 win) đang nói chuyện với bạn đồng hành. Mới thấy người đàn ông ấy tôi
chào bằng chú nhưng sau giới thiệu mới biết, bạn ấy tư Trư (Chư?), sinh năm
1987, còn kém tuổi của chúng tôi và mấy đứa trẻ kia là con của bạn ấy. Bạn đồng
hành nói “Tối nay sẽ vào nhà bạn Trư (Chư?) trong bản Mông ngủ”. Tôi vừa mừng vừa
lo, vừa háo hức vừa băn khoăn bởi lần đầu tiên đi xa, lên một xứ núi non mây
ngàn vào bản ở một nhà một người mà phút trước hoàn toàn xa lạ. Trong khi chờ vợ
của Trư (Chư) lên, chúng tôi mới biết là gia đình họ đi làm nương và đang đi lấy
củ dong riềng về trồng.
Từ lúc
gặp gia đình người Mông tôi vẫn băn khoăn về hai chiếc xe máy, nhất là về cậu
bé nhìn nhỏ nhỏ cưỡi trên chiếc xe win. Sự băn khoăn đó không phải vấn đề tài sản
hay sở hữu mà ai sẽ đi chiếc xe kia. Bản thân tôi, trong chuyến đi này, không
thể cầm lái những đoạn đường đèo, nhất là kiểu địa hình như con đường trước mặt
sắp qua, mọi sự trông cậy vào bạn đồng hành. Nhưng khi theo gia đình bạn người
Mông về, tôi ngỡ ngàng vì cậu bé kia, mới chỉ học lớp 8, điều khiển con win đi
vun vút trên đường dốc hiểm trở với hai em ngồi sau và dẫn chúng tôi về nhà. Và
suốt hơn chục cây số lên Tà Xùa kể từ thị trấn, đường lởm chởm, quanh co, gập
ghềnh không chỉ có dốc đèo mà còn sạt lở, có biết bao nhiêu chiếc xe của người
bản địa phi nhanh như tên lướt qua chúng tôi đang cẩn thận đi lên trong sự tập
trung và thân kinh căng như chão. Con đường chính vẫn được người dân ở đây gọi
là đường lớn, đường đẹp. Bạn Trư (Chư?) dẫn chúng tôi về nhà bằng một con đường
tắt, gần hơn nhưng mà cũng đặc biệt, có một không hai. Con đường mòn nhỏ xíu
khúc khuỷu, gập ghềnh với những con dốc thăm thẳm, những khúc cua không thể bất
ngờ hơn. Tôi buộc phải xuống đi bộ khi đến đoạn nhiều dốc và rất cao để bạn đồng
hành dễ điều khiển xe, trong khi các bạn chủ nhà thì vẫn đi như không, nhanh và
vững vàng. Nếu trời mưa thì con đường này sẽ không thể đi xe máy vào được và
cách duy nhất về bản chính là đi bộ, như cách tôi đang thực hiện. hehe. Tôi, một
đứa trẻ xuất thân nhà nông đặc sệt, cả tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ, khi nhìn các
bạn người Mông đã phải tự nhận mình là dân thành phố, không có đủ sự mạnh mẽ,
can trường, táo bạo như các bạn ấy. Bạn Trư (Chư?) còn nói rằng trẻ con ở đây
không cần phải dạy, lớn chút là tự biết đi xe máy, không biết là thật hay hư cấu?
Nhưng tôi nghĩ nhiều phần là thật vì những con đường như thế sao mà dạy được?
Nhà
Trư (Chư?) cũng như nhiều gia đình dân tộc Mông khác ở lưng chừng núi cao mà
theo đơn vị hành chính là Bản Cáo A, xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.
Tôi không rõ bản làng tính theo địa lí ra sao nhưng ở xung quanh đó chỉ có 4
nóc nhà, đều là người thân, họ hàng của bạn ấy. Xa xa mới thấy một vài nóc nhà
khác, ở những ngọn đồi khác. Và như thế, người Mông ở những làng bản gần như độc
lập, chỉ họ sống với nhau cùng gia đình thân thiết, tách biệt khá xa với bên
ngoài. Nếu xác định theo phương hướng địa lý thì nơi chúng tôi đang đứng, rồi ở
đây qua đêm sẽ là lưng chừng núi lúc trước chúng tôi đứng ngắm và chụp ảnh. Và
nếu may mắn như những chuyến đi cùng bức ảnh của các bạn phượt săn mây khác
chúng tôi tham khảo trên facebook thì nơi đây sẽ chìm lấp trong biển mây khi có
mây ngút ngàn, chồng chất. Nhưng chúng tôi không gặp may vì thời tiết quá khô,
lại có gió Lào nên không hề có mây và lại càng không có cảm giác đang được bồng
bềnh chốn tiên cảnh khi mây vờn quanh nhà.
Đi bộ
vào bản cũng có cái hay, khiến tôi quan sát được nhiều, có thể dừng lại ngắm và
cảm được không gian, không khí riêng của bản làng Mông. Những rừng cây lối tiếp
theo con đường mòn hun hút. Dê, bò, trâu lúc lắc nhạc chiều trở về. Những nếp
nhà thấp lè tè hiu hắt nắng chiều chênh chao trong cái đại ngàn của núi non trơ
trụi đan xen những mảng rừng leo lắt. Tôi cảm nhận được những dấu chân của bao
người đã đi qua con đường này, để sinh tồn, để vươn ra một cuộc sống mới, cũng
là để thu mình lại, giữ gìn một cái gì đó riêng cho mình, trong một không gian
gần như khép kín, tách biệt, để an toàn hơn? Cho nên, chúng tôi gần như là những
người khách cực hiếm từ thành phố đến đây, lưu lại nhà họ. Những đứa trẻ nhìn
chúng tôi vừa vô tư, vừa lấm lét. Chúng khá nhút nhát và gần như không nói gì với
chúng tôi. Một bé gái khoảng 2, 3 tuổi gì đó đã khóc ré lên khi chúng tôi chụp ảnh.
Em nép vào sau lưng thằng anh chỉ nhỉnh hơn một cái đầu. Những người phụ nữ thì
biết rất ít tiếng Việt nên rất khó để nói chuyện. Khi nói chúng tôi buộc phải
nhấn vào một vài từ dễ hiểu nhất để biểu ý và dùng ngôn ngữ hình thể nữa.
Như mọi
ngôi nhà khác của người Mông, nhà bạn Trư (Chư) cũng là ngôi nhà truyền thống,
nền đất, vách gỗ, tựa lưng vào núi, nhìn ra thung lũng xa. Vì ở lưng chừng núi
nên những khoảng không gian như sân là rất hẹp. Nhưng cái địa thế ấy lại là nơi
ngắm cảnh tuyệt vời. Ngồi ở một địa điểm trong vườn, chúng tôi có thể quan sát
cả thung lũng phía trước, những dãy núi trùng điệp, những thửa ruộng bậc thang
xếp tầng không xa lắm, những vạt rừng ít ỏi với những cây hoa trắng bung nở như
điểm nhấn. Ngồi ngắm hoàng hôn trên đỉnh Tà Xùa, cảm giác thật bình yên, thư
thái. Tôi thấy mình đang sống thật yên tâm, vô ưu, có thể quên đi mọi thứ, và
nhất là, trái tim đã có những nhịp đập khoan thai sau một chặng đường dài ngồi
trên xe máy với cảm giác chống chếnh của người đu dây.
Đến bản Mông, hình ảnh
đầu tiên, ấn tượng, “đập” luôn vào mắt tôi là chiếc váy hoa sặc sỡ phơi trên dậu,
xòe như cánh bướm sặc sỡ. Từ hình dáng, màu sắc của chiếc váy truyền thống
trong không gian ấy đã tự ngời lên thần thái, tâm hồn của dân tộc. Không phải lần
đầu tiên tôi đi lên miền núi cao Tây Bắc, được nhìn thấy những người Mông trong
chiếc váy xòe nhiều màu sắc, nhưng khi nhìn thấy chiếc váy đem phơi đó, tôi lặng
đi vì cái cảm giác thực sự được ở trong không gian văn hóa bản địa của họ. Trước
đây, tôi chỉ là kẻ đi đường kính nhi viễn chi mà thôi. Xa xa, khói bếp lan tỏa
trong ánh nắng chiều. Những con bò đã được cột vào chuồng thong thả nhai cỏ. Tiếng
Xa (Sa?) – bạn vợ Trư (Chư?) gọi gà bằng thổ ngữ thánh thót. Người phụ nữ nhà
phía trên đang tắm cho những đứa trẻ nhỏ và giặt những chiếc váy hoa xòe. Mấy đứa
trẻ con được thỏa thích nghịch nước, nô đùa hồn nhiên bên mẹ. Những chú lợn mán
vẫn tinh nghịch chạy lăng xăng. Con chó như quen cả cách khép cửa biết lách vào
nhà mà không tạo nên tiếng động. Dê kêu be be trên đường về. Cả núi đồi và rừng
già đang sẫm dần trong ánh mặt trời lụi tắt. Tôi như được thấy một nếp sống ban
sơ, một không gian bình yên vốn có trong cái thường nhật của sinh hoạt sống. Ở
đây, rất nhiều những phong tục, thói quen sinh hoạt, cách suy nghĩ, cư xử
của dân tộc vẫn được gìn giữ, lưu truyền. Dù chỉ thoáng qua bằng đôi mắt của những
kẻ du lịch, tôi bắt đầu cảm nhận được một chút cuộc sống, tinh thần của người
Mông nơi đây, những con người sống cùng, sống hòa mình với núi đồi, cây cỏ.
Tuy vậy, dù
có tách biệt, dù có gìn giữ đến mấy thì người Mông cũng như mọi dân tộc khác vẫn
phải sống, phải thích ứng với cái xã hội này, cái xã hội đang vận động không ngừng
nghỉ. Họ không thể du canh du cư được nữa vì rừng đã chẳng còn, núi đồi đã trọc
lốc để biến thành nương, thành ruộng. Ở bản Mông giờ đây, không có những bài ca
lãng mạn, tình tứ trên đỉnh núi, cũng chẳng có tiếng sáo, tiếng khèn mùa xuân gọi
bạn tình yêu đương. Các bạn ấy cũng phải đối mặt với sự mưu sinh, với những nhu
cầu của cuộc sống hiện đại: con cái phải đi học, phải xây nhà dựng cửa, phải
mua phương tiện đi lại, nhất là làm nương cũng khá xa, phải chi phí cho mọi
sinh hoạt mà đâu phải cái gì cũng tự sản xuất được. Điện lưới đã về đến tận
nhà, dù mới hai năm nay, nhiều đồ dùng sinh hoạt hiện đại đã xuất hiện: như nồi
điện, điện thoại di động, ti vi, xe máy... Kể cả những thứ truyền thống nhất
như váy của phụ nữ Mông giờ cũng mua. Cho nên, bạn sẽ khó tìm được hình ảnh một
người phụ nữ kiểu cô Mị trong tác phẩm của Tô Hoài ngồi tước sợi đay hay dệt vải.
Như những con đường đèo chông chênh một bên núi, một bên vực, người Mông giờ
đây cũng đang đi trên con đường chông chênh, gập ghềnh để tồn tại, phát triển,
để thế hệ sau sẽ có cuộc sống tốt hơn thế hệ bố mẹ chúng. Bản sắc, văn hóa,
tinh thần hay những thứ gần gần như thế rồi cũng sẽ mai một đi, dần dần sự vô
tư, hồn hậu sẽ bị thay thế bởi những toan tính, bởi những âu lo. Tôi chợt thấy
nhen lên một chút xót xa khi nghĩ tới điều đó, khi nhìn những đứa trẻ, dẫu ở
đây không phải đói nghèo, thiếu thốn, có chút gì đó ngơ ngác, nhỏ bé, còi cọc,
không được hưởng cái xúng xính áo quần, quà cáp như những nơi khác.
Bữa cơm/ rượu tối
được dọn ra, cũng mộc mạc, chân chất như chính chủ nhân của nó. Dẫu ban đầu
theo đề nghị của bạn đồng hành thì gia đình chuẩn bị cho chúng tôi và chúng tôi
sẽ gửi một khoản, dù cũng chỉ mang tính tượng trưng song không khí, tính chất của
bữa ăn lại là của một gia đình, chúng tôi được coi là khách, là bạn. Thịt gà
nhà, rau rừng hái lúc chúng tôi đi từ đường lớn về, măng cũng của nhà và cơm gạo
lúa nương. Mọi thứ đều tươi giòn và ngon tuyệt cú mèo. Trư (Chư?) có mời một số
người cháu của mình sang ăn cùng, vui vẻ, quây quần. Chúng tôi chúc nhau sức khỏe,
mừng vì cái duyên gặp gỡ ấy. Chúng tôi dường như quên đi thời gian, say sưa
trong men rượu cũng là của nhà tự nấu, trong những câu chuyện của mình. Ở đây,
có một cách uống rượu rất hay là gần như không ép uổng gì. Cứ rót ra, uống được
bao nhiêu thì uống, say thì đi ngủ, giường cạnh đấy, rất giống đợt tôi đến xứ
Mường hồi Tết. Đi đường xa, mệt và đêm trước ngủ ít, tôi đã phải dậy đầu tiên,
uống trà, trong lúc mọi người vẫn vui vẻ. Thứ trà ở bản Mông cũng đặc biệt vừa
thơm, vừa mát, nước hơi xanh và trong. Mọi thứ đều khiến tôi cảm thấy cái vẻ đẹp
của sự thanh khiết, mộc mạc, trong ngần.
Tôi
choàng tỉnh sau một giấc ngủ cứ ngỡ là rất dài. Chặng đường xa tốn sức khiến
tôi muốn được ngủ nhiều hơn và có cảm tưởng sẽ nằm ngủ cả ngày được. Nhưng tôi
đã thức dậy rất sớm, nhìn đồng hồ mới có gần 5 giờ sáng. Không thể tiếp tục ngủ,
tôi trở dậy đi dạo, ngắm bình minh trên đỉnh núi. Mọi thứ vẫn mịt mờ, tăm tối.
Gà eo óc gáy xa xa, rồi lại gần gần. Cái lạnh ở độ cao khoảng 2000m so với mặt
nước biển thấm thía vào hồn tôi. Đầu hè, ngày nắng còn thế này huống chi mùa
đông. Đến lúc đó, tôi mới thực sự hiểu cái câu mà ông Tô Hoài viết trong truyện
“Vợ chồng A Phủ” đại ý là: Những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn, nếu
không có ngọn lửa Mị chết héo. Bạn Trư (Chư?) bảo rằng mùa đông ở đây lạnh lắm,
chẳng đi làm gì được, hầu như chỉ ở nhà đốt lửa sưởi mà thôi. Sự khắc nghiệt của
thời tiết ấy dường như đã in hằn trên gương mặt của các bạn, dù tuổi đời còn trẻ
nhiều lo âu bộn bề, nhiều khắc khổ, trầm tư.
Lo âu,
suy tư cũng đúng thôi vì bạn ấy là trụ cột cho cả gia đình. Ở bản Mông này, dường
như các cuộc hôn nhân không dính gì đến luật pháp. Dẫu ở bản Mông giờ không còn
ngày hội như trong truyện, trong sách, không còn tục cướp vợ, chẳng còn tiếng
sáo, tiếng khèn đi tìm bạn tình trong đêm xuân nữa nhưng họ cũng nên vợ nên chồng
theo cách riêng. Gặp nhau, thấy hợp, thấy thích là cưới nhau theo phong tục, bất
kể tuổi tác. Cho nên, bạn Trư (Chư?) và Xa (Sa?) mới 28, 29 tuổi đã có 4 con và
con gái lớn thì đã lấy chồng. Các bạn ấy cùng thế hệ 8x như chúng tôi nhưng
không hề được đến trường, cũng không biết chính xác ngày sinh của mình nữa. Cho
nên, con cái bây giờ, các bạn ấy đều cho đến trường, đều mong muốn học được đến
nơi đến chốn. Nhưng con đường đến một cái đích học hành với những đứa trẻ như cậu
bé con của các bạn là khá gian nan. Một cậu bé mới học lớp 8 nhưng hầu như phải
làm rất nhiều việc, tự lo tất cả những thứ cá nhân của mình, thứ 7, chủ nhật được
nghỉ lại phụ bố mẹ đi nương làm rẫy. Một năm nữa, nếu em đi học tiếp lên cấp 3
sẽ phải qua 20km đường đèo núi, hạ sơn xuống thị trấn huyện lỵ học. Cái chặng
đường đã thử thần kinh của chúng tôi, những kẻ đi phượt từ thành phố cũng sẽ là
thử thách với em, dù em đã quá quen cung đường đó. Bởi con đường em đi không chỉ
là con đường cơ giới mà phương tiện giao thông vẫn thường đi. Tôi chạnh lòng
nghĩ đến những đứa trẻ quê mình, những học sinh của tôi, có điều kiện gấp nhiều
lần nhưng chẳng chịu đi học cho, và nhiều đứa bố mẹ phải rình rập ngày đêm ở
quán điện tử để mong con đến trường.
Dù sớm
tinh sương nhưng tôi đã thấy mẹ và vợ của Trư (Chư?) dậy nấu cám, nấu cơm. Bà mẹ
thái rau chuối, cây dong riềng, vợ bạn ấy nấu cơm. Ánh lửa bập bùng giần giật
dưới cái vạc bốc khói nghi ngút. Có lẽ chỉ còn ở những nơi cuộc sống cách xa
văn minh đô thị, còn nguyên vẹn sự hoang sơ mới có không khí ấy. Dạo bước lên
khoảng không gian thoáng để ngắm bình minh, để nhìn lại lần cuối bản làng trong
sương sớm, trong cái sự tranh chấp sáng tối đêm ngày. Cảnh tượng kỳ thú chắc chỉ
có ở lưng chừng núi của bản Mông: bên phía đông mặt trời đang ló rạng những
tia sáng đầu tiên, còn phía Tây thì trăng đang treo lơ lửng như một vầng tròn
trên núi. Đây là khoảnh khắc giao hòa, cũng là cái ranh giới chênh chao của cuộc
sống với mọi đối cực đang diễn ra. Hai anh em ngồi một lát thì bạn Trư (Chư?)
ra. Tôi hỏi mấy câu cuối cùng, cũng là vài thắc mắc trên đường đến đây, về những
khoảng đồi cao vút, trơ trọc ra màu vàng ệch hay đỏ lòm lở lói đất cát. Bạn ấy
bảo đó là nương, là ruộng. Mưa xuống thì cả quả đồi, dù cao như thế sẽ là ruộng
bậc thang để cấy lúa hoặc trồng ngô. Nghe những điều đó, tôi tưởng tượng ra một
vẻ đẹp kỳ thú của những ruộng bậc thang chồng xếp ngoạn mục, kỳ vĩ mùa đổ nước
hay mùa lúa chín. Nhưng sau cái khoảng khắc lãng mạn ấy, cái tôi thấy se thắt lại
là sự kham khổ, khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết. Tất cả mọi thứ đều phụ thuộc
vào ông trời, vào những trận mưa ít ỏi trong năm. Trong bữa rượu tối hôm trước,
bạn Trư (Chư?) cũng rất thật thà bảo chúng tôi rằng: bây giờ uống rượu vì rượu
nấu từ lúa, nhà tự nấu lấy nên cứ yên tâm. Khoảng tháng 9, tháng 10 lên thì
không có rượu nấu vì lúa phải dành để ăn.
Cả năm trời những
người Mông chỉ canh tác được một vụ, còn lại đồi đất bỏ hoang do rét, do khô hạn.
Cây trồng chủ lực ở đây là một loài có nguồn gốc từ núi rừng, cũng là một loại
dược liệu: cây sơn tra. Trư (Chư) bảo rằng thu nhập chủ yếu là từ cây đó, trồng
sơn tra vừa để lấy quả bán vừa là trồng rừng. Nếu đến đúng mùa hoa nở thì đẹp lắm,
trắng muốt. Còn bây giờ chỉ là những quả xanh mà thôi, cũng chưa có chín để
chúng tôi mua về làm quà. Việc chăn nuôi ở bản Mông chỉ là phụ mà thôi. Điều đặc
biệt là, đến bây giờ, người Mông vẫn giữ phong tục Tết như xưa, ăn Tết khi mùa
xong, có khi kéo dài hàng tháng những bữa rượu bên bếp lửa. Bởi lúc ấy, trong
thời tiết ấy, họ cũng chẳng còn biết làm gì khác cho hết những đêm, những ngày
lạnh và buồn.
Khi chúng tôi trở dậy sớm, cả hai vợ chồng bạn Trư (Chư?) tưởng
chúng tôi đi luôn. Thực sự các bạn nghĩ rất thật và nói rất thật thôi nhưng
chúng tôi đâu vô tình đến thế, ít nhất cũng chào nhau một tiếng và gửi đến một
lời cảm ơn từ sâu thẳm tâm hồn chứ. Bữa ăn sáng đạm bạc với cơm lúa nương, đậu
nấu với lá cơ chua và đặc biệt nhất là món da bò khô để gác bếp, chẳng biết được
bung từ bao giờ, đã mềm và ăn rất bùi. Đó là sản phẩm của con bò mà gia đình
nuôi, không may trượt chân ngã xuống núi, còn lại. Đến đây thì tôi không biết
nói gì hơn một sự xúc động bởi tôi đã một lần nữa không phải rơi vào tình cảnh
tha hương, bởi tôi được sống trong không khí của gia đình ở một nơi rất xa, rất
lạ, rất khác. Và tôi cảm thấy nợ họ, đã làm phiền họ vì mất thời gian cho chúng
tôi nhiều quá, khi tôi thấy những gia đình khác đi làm nương từ mờ sáng, lúc mặt
trời đang ló rạng trong cái nhìn đắm đuối của chúng tôi.
Trước
khi trở về, bạn đồng hành đã xin số điện thoại của bạn Trư (Chư?) và tôi cũng
đã kịp chụp một tấm hình lưu niệm với bạn. Con đường trở về vẫn hun hút đèo dốc
quanh co nhưng chúng tôi bớt căng thẳng hơn, thấy quen hơn và yên tâm hơn.
Nhưng đâu đó trong cảm xúc, suy nghĩ của chúng tôi, cả hai đều thấy vừa cảm phục,
trân trọng vừa ái ngại, thương thương với những con người nơi đây. Dẫu thời thế
ra sao, dẫu những người Mông có được sống tự do theo đúng kiểu “phép vua còn
thua lệ làng" nhưng không thể phủ nhận họ chỉ là một cộng đồng thiểu số.
Đem so sánh mọi thứ với các cộng đồng lớn thì họ chịu nhiều thiệt thòi trong
cái phận nhỏ bé, đơn độc, khép kín lại nhưng cũng phải chạy đua, lo toan cho
cái đời sống của thời mới mà cái gì cũng cần đến đồng tiền. Chẳng biết những sự
hồn nhiên, chân chất, cái tâm hồn mạnh mẽ, trong trẻo kia sẽ giữ được bao lâu?
Những đứa trẻ rồi sẽ không còn lầm lì, ít nói nhưng cũng không chịu ở yên trong
một nơi thâm sơn cùng cốc như thế, không chịu sống cuộc đời như bố mẹ chúng khi
đã được học nhiều hơn, biết nhiều hơn, tiếp xúc nhiều hơn với cái gọi là văn
minh, tiên tiến, tốt đẹp. Mọi thứ sẽ lệch lạc, bị phá vỡ và rời đổi, rồi sẽ mất
mát nhiều hơn. Liệu lúc đó người Mông có sung sướng, hạnh phúc hơn bây giờ? Và
cái ước mơ cho con học lên, đi xa hơn của vợ chồng Trư (Chư?) có phải mang đến
một sự văn minh, tốt đẹp, tiên tiến? Và những giá trị mà cộng đồng đa số của
chúng ta áp đặt lên có thực sự đem lại mọi lợi ích và chất lượng sống cho các cộng
đồng khác?
Bản
Mông giờ không còn tiếng sáo, tiếng khèn và càng không có những bài ca trên đỉnh
núi. Cuộc sống là một cuộc chạy đua không ngừng nghỉ để thích ứng, để vươn tới
những gì lớn hơn, tốt hơn, đẹp hơn, theo quan niệm của con người – nhất là những
thứ người ta chưa có. Người Mông cực bản lĩnh và mạnh mẽ nên mình tin họ sẽ làm
rất tốt mọi thứ. Những bài ca ngoại vọng không còn nhưng tôi lại nghe thấy, cảm
thấy những bài ca từ trong trái tim, tấm lòng của những con người quanh năm sống
với núi đèo, mây gió, sương giá – bài ca của những hy vọng, của ước mơ, của một
sự chân thành, chất phác, của tình người và sự hồn hậu đáng ngạc nhiên. Bài ca ấy
theo tôi về nơi phố thi, để ngay sau đó, dù chỉ trên mạng xã hội tôi đã nhận được
vị chua chát đầu tiên của tỵ hiềm, tính toán. Nhưng thôi, cuộc sống dù sao vẫn
tiếp diễn và những chuyến đi cùng những tấm lòng đã, đang, sẽ mở ra với tôi dạy
cho tôi biết sống khác, phóng khoáng, biết ngoảnh mặt đi, để bao dung, để trân
quý những điều tuyệt vời khác. Và từ đó, tôi biết rằng, hiện hữu là một cơ thể
sống người có thể rất dễ nhưng sống ra một con người chẳng dễ chút nào, nhất là
một cuộc sống mạnh mẽ, hồn nhiên, tươi vui như chính thiên nhiên, như chính những
người bạn xa tôi may mắn được gặp một lần, có khi cũng chỉ một lần trong cuộc đời
mà thôi.
Khi
tôi viết những dòng này, bạn đồng hành đã gửi cho tất cả số ảnh bạn chụp trong
chuyến đi. Nhìn lại gương mặt của Trư (Chư?), của những đứa trẻ, của mẹ cậu ấy
tôi vẫn không hết cảm giác băn khoăn, day dứt. Tôi vẫn thấy có cái gì tội tội,
có gì bất an khi cuộc sống của họ chênh vênh lưng chừng núi như một người đi
trên mép vực vậy. Nghĩ kỹ lại, đó chỉ là cảm giác, cảm xúc của tôi, nhìn từ cái
nhìn bề ngoài mà thôi, chứ bao đời nay, nhà bạn ấy, người Mông vẫn sống như vậy
đó thôi. Điều quan trọng trong cuộc sống là cảm giác của mỗi chúng ta với cuộc
sống của chính mình, chứ không phải sự so sánh, bì tị này khác. Biết đâu cuộc sống
hiện tại lại chẳng tốt hơn một cuộc sống đủ đầy, sung túc về vật chất mà con
người lại luôn phải đề phòng, luôn luôn sợ hãi vì sự vụ lợi, tính toán nên có
thể sẵn sàng mưu hại nhau? Tôi và bạn đồng hành vẫn hy vọng một ngày không xa,
sẽ trở lại nơi đây, về thăm gia đình bạn Trư (Chư?) để thấy một cuộc sống tốt
hơn, những đứa trẻ tươi vui và có thể nói chuyện được với chúng tôi, nhất là có
thể gặp một thế giới mây ngàn bao quanh. Đó là thế giới của ước mơ từa tựa cổ
tích và những bản Mông trên đỉnh núi sẽ thành cõi tiên nơi trần thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét