Mộc Châu và những cung đường khám phá
Cuộc hành trình thú vị nhưng nhiều lỡ dở, tiếc nuối…
Rời xứ
Mường, tạm biệt những người bạn hiếu khách, ân cần, “hai thầy trò Đường Tăng”
chúng tôi tiếp tục bắt xe đi Mộc Châu. Sự nhiệt tình muốn đến Mộc Châu của bạn
đồng hành khiến tôi rất xúc động và có cảm giác yên tâm. Tiếc là chúng tôi buộc
phải bỏ qua Mai Châu vì thời gian còn quá ít mà những nơi muốn đến thì khá nhiều.
Xe chật, người đông nên chúng tôi không thể ngồi cạnh nhau, để cùng chỉ trỏ,
cùng trầm trồ trước cảnh vật ven đường qua khuôn cửa kính xe. Thi thoảng đến chỗ
nào đẹp, lạ, tôi buộc phải nhắc em, và em thì cố gắng nhìn qua những ô cửa kính
phía trên vì cái cửa gần em nhất bị rèm che kín vì ông khách ngồi cạnh đó cần
ngủ. Đi xe như thế cũng ít nhiều phần thú vị của những hành trình đi và đến, những
cuộc khao khát kiếm tìm, khám phá những vùng đất mới, khung cảnh khác, con người
đặc biệt. Nhưng chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác, phải đi, tranh thủ từng
phút, để có thể đến nhiều nơi nhất, ở chỗ xa nhất có thể.
Hơn 3
năm trước, tôi đã lên Mộc Châu, vào những ngày hè để ăn cưới bạn. Lần quay trở
lại này, tôi đã liên lạc với bạn trước, để được hội ngộ, để biết sau hơn ba
năm, bạn sống như thế nào, cũng là có cơ sở thổ công thổ địa hướng dẫn chúng
tôi đi lại, thăm thú. Gặp lại cung đường cũ, những nét quen thuộc lại mở ra
theo từng chuyển động của chiếc xe. Núi điệp trùng tiếp nối núi. Nắng gay gắt đầu
xuân kèm thêm chút gió lào khô hanh, khác hẳn gió nồm của quê tôi những ngày
xuân. Thung lũng mở ra xanh mướt màu lá mận non. Xen kẽ thấp thoáng trong những
đồi, rừng, thung mận là những cây đào nở muộn, nụ hồng phớt, tạo nên một cảnh
tượng tuyệt mỹ. Cả hai chúng tôi chẳng thể nói thêm gì hơn ngoài việc trầm trồ
khen đẹp, một vẻ đẹp tự nhiên kiều diễm.
Xe đi
đường xa, đèo dốc quanh co nên dừng nghỉ nhiều. Hành trình nhiều lúc bị gián đoạn,
xen những tiếc nuối vì chúng tôi không thể chủ động dừng đỗ như đi phượt bằng
xe máy. Đó là cái giây phút chúng tôi nhìn thấy một đám trẻ người Mông mặc váy
áo dân tộc sặc sỡ ven đường. Những bộ trang phục dân tộc rực rỡ trong cái nắng
chói chang buổi trưa vùng cao làm nhói lên một vẻ đẹp thuần hậu, hồn nhiên,
trong trẻ miền sơn cước. Từng nét hoa văn, ánh mắt, gương mặt, cử chỉ của các
em khiến chúng tôi rung động sâu xa. Đến khi gặp bao người dân tộc Mông khác,
nhìn thấy những vẻ đẹp khác, chúng tôi vẫn cứ nhắc nhỏm đến khoảnh khắc của cái
đẹp bị bỏ lỡ kia. Trẻ em và thiên nhiên bao giờ cũng là những vẻ đẹp khiến ta
rung động sâu sắc nhất bởi chính sự thuần khiết, giản đơn, trong trẻo, hồn
nhiên. Khi mà cả hai nét đẹp ấy hòa quyện, thì còn gì hoàn hảo hơn?!
Như mọi
nẻo đường khác của Tây Bắc, đến Mộc Châu phải qua nhiều đèo dốc, núi non chất
ngất. Nhưng chính địa hình núi non, đèo vực đó lại tạo nên những thung lũng đẹp
đến bất ngờ. Ven hai bên đường, biết bao thung lũng mở ra với đào, mận, những nếp
nhà sàn nép mình trong màu xanh, sắc hồng của lá, hoa, nắng giao thoa, phản chiếu.
Hơn ba năm quay lại đây, cảnh vật ít nhiều đã thay đổi, nhiều ngôi nhà sàn gỗ
đơn sơ, thấp lè tè, chìm trong mưa ngày trước đã được thay thế bằng những ngôi
nhà tầng xây kiểu biệt thự, hoặc những ngôi nhà sàn sang trọng, gỗ sơn bóng
loáng, lấp lánh trong nắng. Bạn đồng hành có hỏi tôi: “Ở Đà Lạt, dã quỳ là loài
hoa dại đặc trưng thì lên đây, hoa gì là loài đặc trưng?” Tôi ngẩn người chẳng
biết trả lời ra sao thì nhìn thấy một đồi hoa dại mà dưới xuôi vẫn cứ gọi là
“hoa cứt lợn”. Tôi vừa cười vừa trả lời rằng là “Hoa cứt lợn”. hihi.
Tuy nhiên đó chỉ là câu nói đùa. Suốt chặng đường đi, kể từ
Hòa Bình, giờ lên Mộc Châu hay trong một số chuyến đi khác lên miền núi cao, nhất
là Tây Bắc thì hoa lau luôn làm tôi ấn tượng, gợi nhiều cảm xúc hơn cả. Không hẳn
lau đi vào thơ ca, nhất là cái “hồn lau nẻo bến bờ” năm nào của Quang Dũng nhớ
về Tây Tiến, nhớ cái buổi chiều biệt ly, có lẽ rời Mai Châu để lên Châu Mộc (Mộc
Châu), mà bản thân nó mang điệu hồn buồn. Những nhành lau trắng xám, phơ phất,
chơ vơ trong nắng, gió, khói, bụi, trong thân phận vô danh khiến người ta
nhìn mà nao lòng. Tự nó đã mang vẻ đìu hiu, quạnh quẽ, xa vắng, buồn rười rượi
khiến ta ngẩn ngơ hoang mang. Lau biên giới lại càng tịch mịch, hiu hắt. Bắt gặp
lau, hoa dại, mận, đào, những rừng tre, vầu, cây bụi, thông… nghĩa là ta bắt đầu
gặp được cái hồn riêng, nét đặc sắc riêng của đất, cảnh Mộc Châu nói riêng và
Tây Bắc nói chung.
Lần đầu tiên lên Mộc Châu về, tôi luôn khoe với bố mẹ là địa
hình thật đẹp, đất đai rất tốt, ngô xanh mướt phủ đầy cái dãy núi, đồi ven đường.
Nhìn khắp nơi là thảo nguyên xanh, thung lũng xanh, núi đồi xanh… Màu xanh ngút
ngàn, quyến rũ lòng người ít được đi, ít được làm kẻ lữ hành là tôi thuở đó. Lần
này, cũng con đường ấy, những dãy đồi ấy, chỉ thấy trơ ra là đất trống, cây lơ
thơ, nắng hanh, khô nóng và đâu đó khói đốt nương lởn vởn bay lên chuẩn bị cho
mùa gieo hạt mới. Tôi nói với em rằng, chúng ta hình như đi vào cái mùa ít đẹp
nhất của Mộc Châu thì phải: mùa hoa mận đã qua, hoa đào đương hết, ngô lúa thì
chửa lên. Mọi thứ toát lên màu hoang vu, vẻ trơ trụi, nhất là những ngọn đồi bị
biến thành nương. Vẫn biết rằng cái mảnh đất này phì nhiêu, tươi tốt đấy, còn
quá nhiều bí ẩn, thậm chí hiểm nguy với bất cứ ai, nhưng nó mất đi nhiều sự
hùng vĩ, huyền hoặc, xa ngái của rừng hoang núi thẳm. Chẳng còn đâu rừng nguyên
sinh nữa, chẳng còn đâu cái cảm giác rờn rợn đi giữa núi rừng xanh biếc, ngăn
ngắt, ngút ngát của rừng. Lên miền núi cao mà không có cảm giác được vào rừng
thì cũng hơi hụt hẫng, tiếc nuối đôi phần.
Đi Mộc Châu chuyến này, cả hai thầy trò chúng tôi đều rất ham
hố khám phá nên cứ tìm những chỗ mà cư dân trên mạng tung hô, tung hoa sốt sình
sịch lên vì nó đẹp, độc, lạ. Cho nên, chúng tôi, đặc biệt chủ yếu là tôi quyết
định xuống chỗ nga ba Vườn Đào, đường vào thị trấn Nông trường Mộc Châu, tự
thuê xe, đi khám phá trước khi vào nhà bạn. Lý do nữa là bạn tôi vì bận việc
nên về hơi trễ, chỉ có phụ huynh ở nhà nên tôi cũng ngại, không đến ngay. Cái
thói nghĩ nhiều, hay câu nệ, khách sáo đã khiến chúng tôi lỡ dở nhiều cung đường
khám phá, rước lấy cảm giác mệt mỏi và tiếc nuối. Phần nữa là chúng tôi nghĩ
đơn giản rằng, nơi đây nổi tiếng thế, dịch vụ cho thuê xe sẽ sẵn sàng như Đà Lạt
nên cũng chẳng tính toán trước sau. Cho nên lúc xuống nơi đã định, nhìn thấy những
con đường xa ngắt, nắng chói chang, cây rung tít, người thì đói và mệt nên hơi
bị hoang hoải, nhưng vẫn cứ háo hức.
Quyết định đi xe ôm vào đồi chè trái tim, nơi các bạn trẻ đi Mộc Châu luôn tìm đến chụp choẹt, up lên face khoe hàng. Đến nơi, dù đồi chè có đẹp nhưng vẫn không làm chúng tôi hài lòng. Bởi mọi thứ chỉ có thế, mỗi đồi chè, đồi này nối tiếp đồi kia, cũng không phải mênh mông, bát ngát thảo nguyên nên chụp một lát, chúng tôi mệt lừ, thấy muốn đi mà chẳng có phương tiện, muốn quay ra đường lớn về nhà bạn nhìn đường thì quá xa. Chè ở đây đang mùa cắt ngọn để cho búp mùa sau cũng kém xanh tốt, kém đẹp. Trái tim thì cây chè ở trung tâm bị giày xéo chụp ảnh, chết đơ ra, mất đi cái phần lãng mạn. Mấy cô gái mặc trang phục Thái đi chụp ảnh lòe loẹt kiểu văn công khiến tôi chẳng mấy ấn tượng, dù em lại rất muốn chụp ảnh với họ.
Quyết định đi xe ôm vào đồi chè trái tim, nơi các bạn trẻ đi Mộc Châu luôn tìm đến chụp choẹt, up lên face khoe hàng. Đến nơi, dù đồi chè có đẹp nhưng vẫn không làm chúng tôi hài lòng. Bởi mọi thứ chỉ có thế, mỗi đồi chè, đồi này nối tiếp đồi kia, cũng không phải mênh mông, bát ngát thảo nguyên nên chụp một lát, chúng tôi mệt lừ, thấy muốn đi mà chẳng có phương tiện, muốn quay ra đường lớn về nhà bạn nhìn đường thì quá xa. Chè ở đây đang mùa cắt ngọn để cho búp mùa sau cũng kém xanh tốt, kém đẹp. Trái tim thì cây chè ở trung tâm bị giày xéo chụp ảnh, chết đơ ra, mất đi cái phần lãng mạn. Mấy cô gái mặc trang phục Thái đi chụp ảnh lòe loẹt kiểu văn công khiến tôi chẳng mấy ấn tượng, dù em lại rất muốn chụp ảnh với họ.
Chặng đường đi xa, trời nắng, bụng đói đã làm giảm quá nhiều
nhiệt tình và tinh thần của bạn đồng hành. Sau khi đi vài chỗ, em quyết định dừng
lại, ra quán cóc uống nước chè. Tôi thì tiếp tục đi sâu hơn, vào những chỗ xa
hơn để tiếp tục chụp, tiếp tục tìm kiếm xem có cây đào nào vương sót lại không.
Kết cục vẫn không thấy cái cần tìm, điện thoại smartphone thì hết pin nên đành
bỏ cuộc, quay ra với bạn đồng hành. Hai chúng tôi ngồi uống nước chè tươi, ăn sữa
chua, bàn tính. Có lẽ trong hai chuyến đi, đây là lần duy nhất chúng tôi không
tìm được tiếng nói chung, mất tinh thần đi và tìm kiếm đến vậy. Tôi hơi áy náy
vì cái quyết định của mình, không chỉ với em, bạn đồng hành, mà còn với cả bạn
cũ, rất chân thành, nhiệt tình, luôn dành tất cả cho chúng tôi ở Mộc Châu. Đó
cũng là một bài học, để mình bớt khách khí hơn, ít câu nệ hơn, nhất là với những
người đã có lúc sống với nhau trong những bữa cơm sinh viên thiếu thốn, có gì
chia sẻ hết cho nhau. Quyết định cuối cùng là thuê taxi về nhà bạn tôi ở Mộc
Châu, gặp phụ huynh bạn, rồi tiếp tục đi hay nghỉ thì tính tiếp. Và quả thực đến
nơi, nhất là khi lên ngôi nhà nhỏ trên núi nhìn xuống thị trấn của bác phụ
huynh, vườn đào của bạn tôi thì bạn đồng hành của tôi mới hết ỉu, hết chán, lấy
lại tinh thần hồ hởi. Mọi thứ lại có vẻ tốt đẹp, vui vẻ, háo hức như ban đầu.
Cùng với đó, những câu chuyện ngày hội ngộ cùng tình cảm của gia đình bạn đã
làm cho chuyến đi đầu năm thật ý nghĩa. Xin để dành câu chuyện đó cho kỳ sau của
bài viết.
27/2/2015
27/2/2015
Trong
bữa cơm tại nhà bạn ở Mộc Châu, mình bảo với bạn rằng, đây là lần thứ hai lên
nhà bạn và cũng là lần thứ hai được uống chén rượu mừng cho bạn. Mà sự thực là
như vậy: hơn 3 năm trước, lên uống chén rượu mừng hạnh phúc, còn lần này, uống
mừng gia đình bạn ổn định, uống mừng cho một năm mới an lành, cho cuộc hạnh ngộ
của những đứa bạn do địa lý xa xôi mà chẳng mấy khi có dịp gặp nhau. Và ngay cả
đêm uống rượu ở xứ Mường cũng là chén rượu hạnh ngộ người bạn quen tình cờ qua
bạn đồng hành tại Hà Nội. Nhưng cuộc gặp này cũng chỉ thấy một bạn, những bạn
kia, rồi mai mốt có khi trở thành “những người muôn năm cũ/ hồn ở đâu bây giờ?”,
bởi sự chuyển dịch, dời đổi, xa lìa.
Mỗi lần quay lại phòng trọ cũ do có việc, nhìn căn
phòng đối diện, nhớ các bạn ấy, những người trẻ, sẵn sàng làm tất cả, để bắt đầu
lập nghiệp giữ một thành phố xa lạ, một nơi cạnh tranh khốc liệt. Lần đầu tiên
qua chỗ các bạn chơi, mình nghẹn lại vì sự dấn thân, chịu đựng của các bạn ấy,
để tiến tới một cuộc sống ổn định hơn, nói như người bạn đồng hành của tôi: “bọn
em không còn cách nào khác, đâu có gì hơn nữa để lựa chọn”. Tôi thực sự trân trọng
và cảm phục các bạn, và bao người trẻ khác. Các bạn ấy khiến tôi nhìn lại cuộc
sống của mình, mọi thứ, tôi đã chọn theo những giải pháp an toàn, theo cách cầu
toàn nhất, để không bị ném ra, trần trụi, va đập với đời, để không có lúc nào
phải chơi vơi, lênh đênh trong cái mênh mông của vòng xoay cuộc sống. Kể cả thời
sinh viên, những năm tháng trẻ tuổi, sôi nổi nhất thì cuộc sống của tôi vẫn
trong một vòng an toàn, ồn định, chưa bao giờ nếm mùi đói khổ kiểu mì tôm trừ bữa
hay đại loại thế. Bởi mọi thứ đều nằm trong vòng một tính toán hợp lý của những
đứa trẻ nông thôn ra thành thị đã từng phải đối mặt với bao khó khăn, thiếu thốn.
Cho nên, khi tôi quyết định phá vỡ, kháng cự lại cái vỏ kén bọc
an toàn trong nếp sống ổn định, không biến động ấy, tôi bỡ ngỡ, tôi run rẩy và
đã sai lầm, phải trả cái giá rất đắt. Nhưng tất cả là do quyết định của tôi,
tôi không hối hận. Mà hối hận cũng chẳng giải quyết được gì khi kết cục đã vậy.
Điều quan trọng là phải sống, sống cho tốt, cho cái hiện tại để tự mình giải
quyết mọi vấn đề của mình. Hồi trước, nhiều học sinh hay bạn bè hay hỏi tôi, rồi
bảo tôi cho lời khuyên, tôi thực sự không biết nói với các bạn ấy điều gì, và
những gì tôi nói hầu như là lý thuyết, dĩ nhiên chẳng bao giờ sai, song để thực
hiện thì sẽ không dễ. Đơn giản là con người không bao giờ là một cái máy thực
hiện chuẩn xác mọi thao tác, để làm ra sản phẩm tinh vi theo ý muốn. Ngược lại,
con người mang trong mình biết bao nhiêu cái cá thể, cái của cảm xúc cảm tính,
nên sai số quá lớn, vênh lệch rất nhiều. Đôi khi, tự tôi thành thực với những học
sinh cũ của tôi một điều rằng: đừng có bảo thầy khuyên gì cả, bởi cuộc sống của
thầy còn non nớt, đơn điệu, ít trải nghiệm hơn các em nhiều lần. Lắng nghe những
câu chuyện, những vấn đề của mọi người, tự tôi học được rất nhiều điều. Và từ
các em, tôi cũng tự khuyến khích mình sống quyết liệt, mạnh mẽ hơn, mạo hiểm
hơn, bớt do dự, để được gần nhất là chính mình.
Trở lại với câu chuyện của bữa ăn sau hơn ba năm gặp lại, tôi
và bạn cụng ly cùng ôn lại chuyện xưa. Cả một quãng đời với bao khó nhọc, vấp
ngã, mất mát của bạn lướt qua nhẹ nhàng. Ít có người nói lại một thuở thanh
xuân với tất cả dở dang, lỡ làng của học hành, tình yêu, gia đình, ước mơ một
cách đơn giản, thanh thản như thế. Những đứa học văn chúng tôi thường hay hình
dung, tưởng tượng, hoặc cường điều nhiều thứ theo lối sến sẩm. Bạn lại khác. Bạn
bằng lòng với cuộc sống hiện tại, với gia đình, công việc, với nơi bạn sinh sống,
với những gì bạn đã bươn chải, vất vả tạo ra. Kể cả khi nói về người xưa, bạn vẫn
giữ một thái độ rất khoan hòa, bình thản với một nhận định: Không đến được với
nhau lại tốt hơn cho cả hai. Điều này khác hẳn với tôi, với những người bạn
khác nữa của tôi, dù đã có cuộc sống riêng, mới, nhưng hồi ức về cố nhân, về
tình xưa vẫn cứ da diết, hoài vọng, vẫn cứ bi ai, day dứt. Nhưng để làm gì?
Chính bạn đã làm tôi thay đổi suy nghĩ rất nhiều.
Tôi với bạn thực sự không hẳn là thân mật ngay từ đâu bởi
chúng tôi biết nhau qua một người bạn khác. Nhưng giữa cái thời sinh viên khó
khăn, đói khổ của những năm 2004, 2005 gì đó, tự chúng tôi đến gần với nhau. Sự
chia sẻ từ những thứ rất rất nhỏ đã gắn kết chúng tôi lại. Để rồi, cuộc sống và
những lý tưởng khác nhau lại tách ra, có khi hàng năm, vài năm chẳng thể liên lạc
do bận rộn, do những mối quan hệ khác, do mất điện thoại thì cũng mất luôn số
liên lạc. Mà lý do làm gì cho hoa lá cành, điều quan trọng với bạn, là tôi ở
đây, tại cái đất Mộc Châu này, tại nhà bạn, để nhìn thấy nhau, để uống chén rượu
mừng vì sau tất cả, bạn đã ổn, điều đó là mừng nhất. Chắc là trong cái nhóm bạn
ngày đó, tôi sẽ vẫn là kẻ lêu bêu, đầy bất an, bất ổn cho đến hết đời.
Bạn nói nhiều về những dự định tương lai và tôi tin rằng bạn
sẽ làm thành công. Tôi rất thích, rất quý và trọng cách bạn làm công việc hiện
nay, mọi thứ gắn với hoa, với đất, với bàn tay lao động, nhất là với niềm đam
mê và sở thích. Bản chất chúng tôi mang trong người cái máu nông dân nên yêu đất
đai và những công việc liên quan đến nó, làm đẹp, làm giàu hơn cho đất chăng?
Nghe những lời than về cây khô và héo, nhìn cách người vợ của bạn múc vội mấy
gáo nước tưới cây (vì không thể tưới bằng hệ thống do cắt nước) khi vừa trải
qua hành trình mệt nhoài hàng trăm cây số, tôi rất xúc động. Những lời nói chân
tình của cô ấy, của bạn khiến tôi quên đi mình là một ông khách, một kẻ lữ hành
mải vui ở miền xa lạ. Chúng tôi không phải là bạn quá thân hay chơi quá lâu, biết
quá rõ về nhau nhưng chúng tôi có sự đồng cảm, có nhiều điểm tương đồng mà chẳng
cần phải nói ra cũng cảm được, nên tôi được hưởng không khí ấm cúng, cái không gian
của gia đình trong một chuyến đi xa, xê dịch liên tục.
Người bạn đồng hành của tôi đặc biệt thích ngôi nhà nhỏ và
khu vườn trên núi của bạn. Tôi trêu bạn ấy rằng: sau này có vốn rồi, lên đây bảo
ấy để lại cho ít đất, rồi trồng hoa, nuôi gà, đúng cái cuộc sống lãng mạn của
anh thanh niên trong tác phẩm văn học ở phổ thông ngày nào đã học. Và tôi cũng
đùa với bạn một câu rằng: sau này tớ học xong, sẽ treo tất cả các loại bằng
cấp xúng xính đã có ở chuồng gà, chuồng lợn nào đó, lên đây làm quán cà phê
theo kiểu của mình, sống giữa núi rừng, giữa vườn đào bạt ngàn của bạn. Cái dự
án vườn đào ấy, tôi tin rằng bạn sẽ thành công, khi hơn 3 năm nữa, tôi sẽ trở lại,
mà tôi cũng có thể trở lại sớm hơn. Và những lời nói đùa hôm nay, biết đâu sau
này lại thành hiện thực, khi tôi không còn đủ sức lang thang, không thể lao vào
cái vòng cạnh tranh khốc liệt hay vòng quay siêu tốc của cuộc sống thị thành,
tôi phải về núi, theo đúng ý của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm khi xưa “Ta dại ta tìm
nơi vắng vẻ…”.
Cuộc gặp gỡ này gợi lại bao không gian, bao gương mặt, bao sự
kiện, bao thời gian đã xa. Những nơi ta đã qua, đã ở, đã gắn bó, hoặc chỉ lướt
đi đều trôi mãi không ngừng, lần lượt diễu hành trước mắt. Những người xưa cũng
chỉ còn tàn tích dư ảnh. Có phải chăng cuộc đời là những chuyến diễu hành trước
mắt những cái qua đi mà chẳng bao giờ lấy lại, những người đã xa chẳng bao giờ
thấy lại hình ảnh cũ, những nơi đã đến có khi không một lần ngoái nhìn. Chén rượu
nồng hôm nay ngày mai sẽ nhạt mất hương. Cứ thản nhiên như bạn lại là một thái
độ sống tốt nhất cho nỗi còn mất trên đời.
Mỗi con người trải qua một cuộc sống giống như một tập bài
trên tay xếp theo hình nan quạt. Không gian, thời gian, sự kiện, con người, cảm
xúc, trải nghiệm xếp chồng, giao thoa, mở rộng, lặp lại, phát triển… Mỗi không
gian hôm nay đều mang ít nhiều dáng dấp của không gian hôm qua. Mỗi thời gian
thực tại đang chồng lên và nối tiếp quá khứ. Gương mặt này vọng về từ gương mặt
kia. Cảm xúc của giây phút đang diễn ra có khi sẽ lặp lại đâu đó vào một ngày
không xa. Có thể nói một cách hình tượng là cuộc đời của một con người chính là
“một liên văn bản rộng lớn nhất, sống động nhất”. Những văn bản lớn được tạo ra
từ văn bản nhỏ, từ việc viết mới, xóa cũ, hay viết bổ sung, chằng chịt, bằng tất
cả những trải nghiệm cá nhân hay ý thức bầy đàn. Cho nên, tự bản thân mình, đâu
đã đọc hết được cuốn sách cuộc đời chính mình, thậm chí còn bỏ trang hay quên
lãng, đọc lại bất ngờ với chính trang viết của mình ngày hôm qua.
Dòng chảy thời gian xô cuốn liên tục, xô chúng tôi văng ra
theo bao hướng của cuộc đời. Nhưng vòng quay của trái đất lại đưa chúng tôi về
với nhau, trong thiếu hụt hoặc bổ sung. Có những cung đường sẽ còn gặp lại,
trong một lần tình cờ hay sự sắp xếp có chủ đích, cũng có những cung đường chẳng
bao giờ kịp đặt chân lại một lần. Con người ra đi, để sống một hành trình theo
vòng tròn nhưng chưa chắc đã kịp trở về. Cố hương còn mịt mờ nói chi là những
trạm dừng chân trong cuộc đời lữ thứ. Song dù có bị văng vật thế nào, bị cuốn
đi đâu thì mỗi người cũng phải sống, phải viết chính những trang đời của mình,
gạch xóa, chồng chất, đứt nối, mất rồi tạo sinh, hạnh ngộ rồi lại biệt ly, đi rồi
lại về…
Quỹ đạo đời sống khác nhau xoay chuyển chúng tôi theo chiều
hướng cũng khác. Nhưng có một ngày nào, vô tình chúng giao thoa, để chúng tôi hội
ngộ, để những tâm hồn, những trái tim trần trụi, với không ít tàn tích, tang
thương được vá víu, được chắp liền trong một ít dư vị an ủi của niềm vui, hạnh
phúc, nhất là chân tình bạn bè. Với tôi, những cuộc hội ngộ cùng những ân tình
như một điểm trũng, như cái đáy để chúng tôi được chạm vào nhau, nâng đỡ nhau,
cùng ngoi lên một cái mặt cao hơn, sáng hơn, bứt ra khỏi những mất mát, đổ vỡ.
Chúng tôi vẫn phải chuyển động trong quỹ đạo riêng của mình, vẫn phải độc hành,
viết tiếp những trang đời còn dang dở, hoàn thành cuốn tiểu thuyết chẳng bao giờ
có thể hoàn thành. Và biết đâu đấy, trong một ngày nào đấy, chúng tôi lại cùng
bị hút vào một từ trường, để biết mình đang tồn tại, chuyển động khi thấy sự
chuyển động của người khác, thấy đời mình trong đời của người khác.
Sứ mệnh của những chuyến đi, của những hành trình sống, của
những quỹ đạo đời phải chăng là sự kiếm tìm, khẳng định một hiện hữu, một bản
thể sống qua những chuyển động của quỹ đạo khác, qua bản thể khác bằng những
liên - văn - bản - đời.
Viết
trong đêm mưa phùn, 3/3/15
Lần đầu tiên đến Mộc Châu, tôi ngồi nghe một cô người bản địa,
cũng là một người họ hàng của bạn nói về đời sống của dân trên này khó khăn, về
việc mận rẻ, đào rẻ và người ta đang chặt đào, chặt mận để trồng cây khác. Lúc
đó, tôi chợt nhớ ra chiều hôm trước, khi đi trên đường, tôi ngạc nhiên khi nhìn
thấy rất nhiều người dân tộc mặc váy (trang phục truyền thống). Trên con đường
thiên lý gập ghềnh mà xe đi chậm như bò, lại bị công an túm vì thiếu lái, tôi
thắt lòng nhìn những gương mặt bơ phờ, làn da xạm nắng, mời khách mua đào, mua
mận trong tuyệt vọng. Tôi mua một cân đào, quá ngon mà giá rẻ như cho. Hồi đó
chạnh lòng vì một vùng đất khí hậu tốt, đất đai khá phì nhiêu, ngô chè xanh mướt
mà lại vẫn còn nhiều gieo neo thế. Tôi chỉ là khách qua đường, chưa hiểu và
chưa đủ thời gian sống ở đây để hiểu, nên chưa kịp viết gì nhiều.
Năm nay, mận Mộc Châu nở, cư dân mạng sốt xình xịch vì cả một
vùng đất đẹp như một thiên đường. Mận đã không bị chặt, không biến mất như nỗi
lo của tôi. Lên nhà bạn, tôi thấy bạn đang thực hiện dự án vườn đào, đi đâu cũng
thấy người người, nhà nhà trồng, giữ hoa, chăm lại những mảnh vườn đào, vườn mận.
Dọc đường đi, những thung lũng mận xanh mướt xen với đào hồng tươi trong nắng
khiến chúng tôi không khỏi trầm trồ. Các ngả đường trong thị trấn Mộc Châu, đi
đâu cũng thấy những vuông đất trồng hoa, những khoảnh để những chậu hoa xinh xắn.
Những ngôi nhà nằm trên những con đường uốn lượn, ngăn nắp, có dốc cao thấp, lại
được trang điểm bởi bao sắc hoa. Nhìn khung cảnh này, tôi chợt nhớ đến Đà Lạt,
những nẻo đường tôi đã đi qua, những con dốc lãng mạn, tình tứ, và hoa khắp
nơi, đẹp mê hồn. Và giờ đây, ở Mộc Châu, tôi lại gặp những cung đường hoa.
Nhưng dẫu sao Mộc Châu vẫn rất khác Đà Lạt. Nếu đến Đà Lạt, bạt
ngàn là thông reo vi vu, bát ngát những đồi, rừng thông xanh, đẹp, thơ mộng thì
Mộc Châu là những quả đồi trọc, đến mùa xanh mướt ngô, xen với những thung lũng
mận, đào, và ít rừng cây bụi. Mộc Châu duyên dáng với những nếp nhà sàn truyền
thống, đôi khi rất hư thực khép nép dưới vườn mận trong sương thì Đà Lạt là những
ngôi nhà gỗ, những biệt thự trang nhã. Đến Đà Lạt, ta có cảm giác được đến một
thành phố chỉ dành cho du lịch, cho nghỉ dưỡng, cho những hoạt động, kể cả sản
xuất nông nghiệp diễn ra rất chuyên nghiệp, bài bản thì đến Mộc Châu mọi thứ mới
bắt đầu, vẫn còn khá nguyên sơ. Chính cái sự nguyên sơ, hoang dã, còn khá thuần
túy đó tạo nên sức hấp dẫn của mảnh đất này. Dù thiên nhiên, rừng nguyên sinh rồi
những vườn đào, mận cổ thụ cũng đã bị chặt hạ, vơi cạn nhưng ta vẫn thấy rất rõ
là vẫn còn nhiều chỗ chưa có sự can thiệp thô bạo của bàn tay con người vào, dù
là lý do du lịch. Nên, nếu cơ sở vật chất, đường xá, cách tổ chức, việc dân làm
du lịch còn lâu nữa Mộc Châu mới đuổi kịp Đà Lạt nhưng ở đây, người ta lại có cảm
giác đến với thiên nhiên, đến với cuộc sống của người bản địa gần hơn, có thể bắt
gặp ở bất cứ đâu trên các nẻo đường.
Chúng tôi đến Mộc Châu trong thời điểm lỡ cỡ và không phải
lúc đẹp nhất bởi hoa mận đã tàn mà hoa ban chưa kịp nở, mùa đào vào cuối vụ,
gió lào bợt đi sắc thắm, sự tươi tắn trên mỗi cánh hoa, những nương/ đồi chè
chưa kịp xanh mướt mà vẫn chỉ là những cây bị cắt cành, trơ trụi chuẩn bị cho
mùa tới. Đồi núi cũng héo úa hiu hắt và những đám khói tỏa lan của việc đốt
nương, chuẩn bị cho mùa mới, hoa cải cũng chỉ còn vài vạt, vài đồi mà không là
đại ngàn hằng hà bất tận. Song chúng tôi vẫn thấy nơi đây đẹp, vẫn tiếc chưa thể
đi tận cùng khắp nơi. Bởi những đồi chè, thung mận, những vườn đào, vườn cải,
những thảm cỏ xanh tươi… dẫu không phải lúc phồn thịnh nhất vẫn cứ đẹp một nét
riêng. Đi khắp nơi, chúng tôi đều gặp những hình ảnh mà không phải ở đâu cũng
có: những cô gái Mèo vẫn mặc váy, áo dân tộc đi làm, đi xe máy, đi công việc của
mình. Dẫu rằng để tiện lợi thì có khi chiếc váy đó được cách điệu rồi. Họ mặc
quần Jean bên trong những chiếc váy xòe nhiều màu sắc kia cho tiện trong các hoạt
động công việc. Nhưng cái sắc màu thổ cẩm, cái dáng áo, nét mặt, thần thái vẫn
toát lên vẻ đẹp của núi rừng, của một cái gì thuần khiết mà hoang dại. Đâu cần
phải những khu bảo tồn, làng du lịch hay những thứ đại loại thế, một sắc váy
Mèo lấp lánh trong chiều cũng đủ tạo nên bản sắc. Sắc màu trang phục này có gì
cũng giống như việc người Mường nói ngôn ngữ gốc của mình khi mà chính họ đang
sống, hưởng thụ nhiều phương tiện của cuộc sống hiện đại.
Điều thú vị nhất khi đi du lịch ở những vùng núi là cưỡi lên
một chiếc xe máy, tự đi, đến, tìm những điều thú vị trên những con đường chứa
nhiều điều bất ngờ. Hai “thầy trò Đường Tăng” chúng tôi cũng làm điều đó, dù bạn
tôi muốn đưa đi hoặc có khi ngại vì bận việc không đưa chúng tôi đi được. Song
chúng tôi lại thích tự đi hơn, cứ đi rồi sẽ đến, rồi sẽ có cái để ngắm nhìn, để
thưởng ngoạn, để phải dừng lại mà cảm, tìm hiểu. Chúng tôi đã đi đến cùng một
con đường bất kỳ, đến một bản của người Thái – có lẽ là một bản tái định cư
theo diện quy hoạch thủy điện bởi những ngôi nhà nơi đây xây cất bằng chất liệu
bê tông, sơn hiện đại, lại rất giống nhau. Cái cảm giác đi trên những con đường
nhỏ, quanh co, men theo sườn núi, dốc đèo liên tục thật thú vị. Thời điểm chiều
buông càng khiến chúng tôi mang nhiều cảm xúc hơn trước làn khói bếp xa xa
trong ánh chiều đang lụi tắt. Cái đồi hoa tim tím mở ra trước mắt khiến chúng
tôi ngây ngất trước vẻ đẹp hoang dại, đìu hiu lại chính là cái đồi hoa mà dưới
miền xuôi chúng tôi gọi là “hoa cứt lợn”. Dẫu thế, nó vẫn đẹp, đẹp nguyên sơ
nguyên khối. Những người phụ nữ Thái giặt giũ, trò chuyện, chải tóc bên hiên
nhà gợi khung cảnh yên bình, đầm ấm. Đứa trẻ chăn dê đuổi vọt đàn dê vào chuồng
khiến chúng tôi chới với chưa kịp chụp một tấm hình. Bao nhiêu thứ bình dị đã
hút hồn chúng tôi một cách tự nhiên như thế.
Bạn đã dành một buổi sáng dẫn chúng tôi đi nhiều nơi quanh thị
trấn và một số danh thắng ở gần đó. Tôi thấy người dân Mộc Châu đang cố làm du
lịch, cố làm theo kiểu chuyên nghiệp là đằng khác. Những nhà vườn tổ chức đốt lửa
trại trong không gian của vườn lan, vườn hoa, vườn dâu Tây. Những khu nghỉ dưỡng,
những dự án du lịch cũng đang thi công để nơi này thành một huyện du lịch. Tuy
nhiên, nếu muốn trở thành một huyện du lịch, một nơi chuyên làm du lịch kiểu
như Đà Lạt thì Mộc Châu còn quá nhiều việc để làm. Chúng tôi đến thác Dải Yếm
thì thác cạn khô, không một giọt nước mà chỉ còn dấu hiệu của cái mùa tràn trề
nước trắng xóa đổ xuống trên những phiến đá nhạt rêu, còn hằn ngấn nước hóa thạch.
Nếu làm du lịch chuyên nghiệp chắc chắn phải có cách cung cấp nước, để gọi là
thác theo đúng nghĩa, dù biết nơi đây nước khá khan hiếm. Và những khu du lịch,
làng du lịch tập trung kia không cho tôi cảm giác ở Mộc Châu chút nào. Có một
cái gì đó như mất mát, như lệch lạc, teo tóp đi cái bản sắc, bản tính tự nhiên
mạnh mẽ của các dân tộc, của thiên nhiên núi rừng, của đại ngàn thảo nguyên
xanh trong khi cột mình trong những nơi ấy. Kể cả những vườn hoa cho thuê chụp ảnh
chuyên nghiệp cũng không được xây dựng, thiết kế bắt mắt, đủ hấp dẫn mà quá
manh mún, lẻ tẻ, ít ỏi.
Bạn đồng hành của tôi rất thích những cô gái ăn mặc trang phục
xúng xính – một kiểu văn công bản làng đi giao lưu đầu năm về, dừng lại đồi chè
chụp choẹt, hay một cô dạng hoa khôi gì đó, khoác lên mình bộ trang phục Mèo,
thêm chiếc mũ mấn xinh xinh để làm sơn nữa lúc chiều buông. Tôi cũng có ấn tượng
với sự rực rỡ ấy nhưng không cho đó là vẻ đẹp của dân tộc nơi đây. Cho nên, vườn
nhìn thấy mấy cô người Thái rất bình thường ở ven hồ, cạnh dừng thông, tôi bảo
em dừng lại chụp với họ. Tôi thích nét đẹp rất chân phương, không điệu đà kiểu
cách, những lời nói quá vô tư với người lạ, không cần phải suy nghĩ quá nhiều,
dẫu họ cũng là khách, những người khách từ Sông Mã xuống Mộc Châu. Tôi thích ngắm
những người bán hàng ven đường, tóc tai hơi xù, nước da xạm đen vì nắng gió
lào, ngồi xổm bán mấy thứ nông, lâm sản phẩm. Những nét đẹp đó, chẳng thể có
khu du lịch, hay một cái làng văn hóa, chuyên du lịch nào có được. Bởi nếu chỉ
cần nhìn trang phục, chỉ cần thấy sản phẩm, chúng tôi không cần lặn lội lên
đây. Cái hồn, cái sắc, nét đẹp dân tộc là ở chính nét người, nếp sinh hoạt, ở
những hoạt động rất tự nhiên, thường nhật, thậm chí kham khổ, thậm chí hoang dã
ở người bản địa.
Đến rừng thông, lặng ngồi ven hồ ngắm mặt trời khuất núi,
nhìn những ánh sáng cuối cùng lung linh rơi xuống mặt nước hồ, chúng tôi chợt
nghe một giai điệu sáo Mèo vang lên từ cái quán bên kia hồ. Nếu là tiếng sáo
vang vọng từ đầu núi thì còn hay hơn nữa nhưng trong không gian, không khí này,
thứ âm nhạc, giai điệu đó cũng khiến chúng tôi lặng đi, mơ màng, thả hồn lơ lửng
theo những gợn sương trên cành cây, ngọn núi. Nhưng cái giây phút mơ màng đó chỉ
được vài phút ngắn ngủi. Điệu nhạc kết thúc, liền đó là một giọng ca gào lên những
ca từ mùa xuân của ca sĩ thời thượng mà mọi người hay anh ta tự xưng là ông
hoàng này nọ. Những đổi thay trong cuộc sống, những sản phẩm du lịch, những khu
du lịch đang xây và cách xử lý âm nhạc của cái quán – nhà sàn kia khiến tôi suy
tư. Cái bài toán du lịch với bản sắc, giữ môi trường nguyên vẹn với phát triển
kinh tế, giữa truyền thống với hiện đại, giữa gìn giữ với thỏa hiệp, để chiều
lòng khách một lần nữa đặt ra nhức nhối. Không phải tôi là người đầu tiên nói vấn
đề này, trước đây bao người đã nói. Nhưng sau bao sai lầm, bao mất mát vì làm
du lịch, vì cái nhìn tiểu ngạch, ngắn hạn, vì sở thích ăn sổi thì vẫn còn đó những
mai một, những mất mát tiếp theo, giống y hệt cái trước.
Chúng tôi chưa đi đến được những cung đường thú vị nhất, chưa
mạo hiểm phóng xe xa hơn, chênh vênh trên những con đường mòn mà cảm giác như
đang bò lưng chừng núi. Chúng tôi cũng chưa đủ thời gian để leo lên đỉnh Pha
Luông chất ngất, để nhìn ngắm và cảm trực tiếp câu thơ của người lính Tây Tiến
- Quang Dũng thuở trước: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Nhưng chừng ấy thứ
chúng tôi được ngắm nhìn, thưởng thức, cảm nhận và trải nghiệm cũng đủ cho một
chuyến đi quá vội đầu năm. Tôi yêu và muốn trở lại nơi đây vì chính những cung
đường nguyên sơ, hiu hắt, vì những nếp nhà sàn lè tè dưới rặng đào vườn mận, vì
những bát ngát chè xanh, hay trắng xóa một dải hoa cải, và nhất là được ngắm
nhìn những gương mặt con người, những sắc váy Mèo sặc sỡ. Nhưng liệu vài năm nữa,
khi ngành công nghiệp không khói phát triển như vũ bão, tôi lên đây, liệu có bắt
gặp lại những hình ảnh này không? Mộc Châu sẽ còn gì nếu tất cả quy thành các bản
này, bản kia, làm du lịch chỉ như một thứ bảo tàng trưng bầy với những hiện – vật
– người chỉ là cái xác không hồn, chỉ là sự - tồn – tại – sống chứ không phải sự
sống tự nhiên, muôn màu.
Con đường Thảo Nguyên xa tít với mênh mông đồi chè hai bên được
phủ một làn sương mỏng, soi bóng trăng huyền ảo. Bạn đồng hành và cả tôi tiếc
không được ngắm nhìn cái không gian thảo nguyên đích thực này lúc bình minh nắng
nhẹ hay hoàng hôn chói gắt. Không khí se lạnh của thị trấn Nông trường Mộc Châu
khiến chúng tôi cảm được nhiều hơn dư vị thiên nhiên, cuộc sống nơi đây. Đến tận
khi lên xe, nằm trên chiếc giường sát cửa sổ, nhìn mảng trời lấp lánh sao khi
chiếc xe chạy bon bon trên những đoạn đường gập ghềnh, tôi chập chờn mơ tỉnh về
những hình ảnh xếp chồng của bao cung đường Mộc Châu qua hai lần đến, lướt qua
ngắm nhìn. Bạn tôi, nhất là mẹ của bạn nói nhiều về chính trị, về cán cân quyền
lực nơi đây, người thái làm trưởng nhưng quan sư quạt mo, hoặc phó Kinh mới là
người điều khiển. Rồi có những bản người Mông giàu có, sung túc từ buôn ma túy,
thuốc phiện, nếu ấm ớ đến có thể bị “thịt” như chơi. Những nỗ lực rất lớn của
người dân Mộc Châu để làm du lịch, tạo môi trường, quang cảnh đẹp khiến tôi xúc
động. Thị trấn này, cư dân tranh chấp, chính trị tranh chấp, và chính sự
phát triển của nó cũng đang xảy ra tranh chấp giữa nâng cao đời sống và gìn giữ
thiên nhiên, bản sắc, giữa an phận với cuộc sống hoang dã núi rừng với vươn lên
bằng mọi giá để thoát nghèo, giữa thỏa hiệp để du lịch hay cực đoan giữ văn
hóa, giữa môi trường, thiên nhiên khắc nghiệt với duy trì cuộc sống ổn định,
làm ăn…
Tôi rất hy vọng những nỗ lực, dù rất tự phát của người dân sẽ thành công chứ không phải kiểu chính sách xây dựng công nghiệp du lịch kiểu ào ạt, húp lớp mỡ váng, làm mất đi mọi nét đẹp còn sót lại nơi đây, cái kiểu thẩm mỹ, nhu cầu bầy đàn, công cộng, mậu dịch cộng sản át đi cái hồn hậu, chất phác, mà tinh tế, sâu sắc từ trong một nét trang phục hay một kiểu hoa văn trang trí nấm mồ của người Mông.
Tôi rất hy vọng những nỗ lực, dù rất tự phát của người dân sẽ thành công chứ không phải kiểu chính sách xây dựng công nghiệp du lịch kiểu ào ạt, húp lớp mỡ váng, làm mất đi mọi nét đẹp còn sót lại nơi đây, cái kiểu thẩm mỹ, nhu cầu bầy đàn, công cộng, mậu dịch cộng sản át đi cái hồn hậu, chất phác, mà tinh tế, sâu sắc từ trong một nét trang phục hay một kiểu hoa văn trang trí nấm mồ của người Mông.
Những cung đường còn tiếp tục mở ra và tôi tiếp tục đi.
Nhưng với những thứ hạn hẹp và ít ỏi tôi thấy qua những nơi đã đi quá khiến tôi
chạnh lòng, xót xa. Bao giờ người Việt mới hết tinh thần “tự sướng”, mới thôi
“thủ dâm tinh thần” để nhìn thẳng vào sự thật, để thấy nước mình từ giàu có đã
thành nghèo nàn đến mức nào, nếu xét trên phương diện thiên nhiên và văn hóa
truyền thống. Làm du lịch để cải thiện cuộc sống là một giải pháp nhưng liệu đó
đã phải là giải pháp tốt nhất, hay giải pháp duy nhất để giữ những tài sản
thiên nhiên, văn hóa còn sót lại, hay chính nó phá nhanh hơn, làm biến mất
chóng vánh và triệt để hơn những tài sản ấy? Và bao giờ chính người dân mới được
làm chủ thể của dự án cho mình, vì mình, giữ lại những cái của mình sáng tạo
ra? Bao giờ mới có những chiến lược thực sự, vì môi trường sống cho con người
phát triển lâu bền chứ không phải trước mắt, làm vì cái đẹp bản thể chứ không
phải theo phong trào, tư duy độc lập, độc đáo chứ không phải ăn theo, nói leo
tiếng nói bầy đàn.
Bạn nói 4, 5 năm sau lên nhà bạn sẽ có vườn đào rực rỡ hàng
nghìn gốc lưng chừng núi ngay giữa thị trấn sầm uất này. Tôi nghĩ khả năng đó sẽ
rất dễ thành công vì bạn đã làm được rất nhiều. Nhưng tôi mông lung và có phần
hơi run rẩy, rờn rợn nghĩ đến khoảng thời gian đó trở lại nơi đây, cái vườn đào
nhà bạn là của quý, của hiếm còn sót lại ở một nơi nổi tiếng là xứ đào rừng. Bởi
những cành đào, cây đào đẹp nhất bạn mang về không còn là của đất Mộc Châu nữa,
mà tất cả là sản phẩm của nước bạn Lào, qua cả một chặng đường dài chu du mới về
được đến đây.
Lại một bài viết trong đêm mưa phùn rả
rích 5/3/2015
Khi ngồi
trên xe lên Hòa Bình, bạn đồng hành nói nhiều điều về dự định năm mới từ một
câu hỏi của tôi. Những chia sẻ rất chân tình đầu năm mang theo cả những mơ ước,
những khát khao của người trẻ. Tôi trân trọng điều đó và thực sự mong mỏi cho bạn
thuận buồm xuôi gió để thực hiện kế hoạch của mình, dù hơi xa. Cách đây 3 hôm,
hai chúng tôi ngồi chat rất lâu, và tôi lại vỡ lẽ thêm nhiều điều. Bạn đã nói với
tôi nhiều điều mà ít nói với người khác, giống như một sự giãi bày về mình, ở
những góc cạnh khác, sâu xa, kín đáo. Tội lặng người đi lắng nghe và thấy mình
có vẻ vô tâm trước hoàn cảnh của những người đã và có khi sẽ gắn bó, cùng đồng
hành với mình trên nhiều chặng đường. Tôi chẳng biết nói gì ngoài những lời động
viên, mà nhiều phần chỉ mang tính chất lý thuyết. Một lần nữa, dù có vẻ
câu này rất sách vở nhưng lại là thực tế: đừng nên nhìn bề ngoài, chỉ thấy cái
trước mắt mà đánh giá về người khác. Ẩn đằng sau đó là bao câu chuyện khác, để
ta hiểu về họ, về những người xung quanh họ, để ta biết bao dung và yêu thương
nhiều hơn.
Bạn đồng
hành trong chuyến đi này của tôi, có lẽ tôi không cần phải giới thiệu bởi ít nhất,
trong bài viết về chuyến đi trước, tôi đã nói về em. Trước chuyến đi Đà Lạt,
chúng tôi giữ mối quan hệ khá thân theo kiểu thầy – trò cũ, cũng như bao học
sinh khác của tôi, dù đã ra trường, vẫn thân thiết. Tôi luôn coi các em
như những người bạn, bạn nhỏ tuổi hơn, hoặc như những người em và học hỏi
từ chính các em, nhiều điều về cuộc sống. Sau chuyến đi Đà Lạt, chúng tôi gần
gũi hơn, thấy nhiều điểm tương đồng, ít nhất là những kẻ thích phiêu lưu, giang
hồ, có khi liều lĩnh, bạt mạng lên đường, tìm cái mới, cảm giác khác, để đến với
cái đẹp. Cả hai đều yêu những cái đẹp, có khi người khác không thấy nó đẹp, dù
em nói chúng tôi có quá nhiều điểm khác trong tính cách, nghề nghiệp, vân vân,
nhưng chung điểm này là có thể đồng hành cùng nhau. Chúng tôi luôn hăm hở trước
những vùng đất mới, từ cái mục đích, sở thích chung kia, và tôi vô tâm, ít tìm
hiểu đến hoàn cảnh của bạn đồng hành.
Trong
quan hệ với mọi người, tôi luôn sống đúng theo quan niệm, tôn trọng người khác,
cuộc sống và con người riêng của họ. Mọi vấn đề riêng tư tôi không cố hỏi,
không cố tìm hiểu, mọi thứ để người khác tự nói với mình. Tôi lắng nghe, và nếu
có thể chia sẻ. Nhưng chính cái quan niệm đó, đôi khi nó biến tôi thành một kẻ
vô tâm, hơi ích kỷ, hoặc nhìn nhận người khác theo vị trí, hoàn cảnh của mình.
Nên tôi vẫn thắc mắc mãi rằng: Nghỉ tết bao lâu thế, chỉ hẹn hò café cuối năm một
chút, bạn đồng hành của tôi cũng không thể đến. Tôi còn cho rằng bạn ấy tự ôm
vào mình một đống việc Tết chả phải của mình, cho gia đình. Trong khi đó, tôi
là một người đã ngoài ba mươi, Tết cứ mặc cho mẹ, chị sắm sửa, chuẩn bị, còn bản
thân thì làm vài thứ mình thích, dành thời gian nghỉ ngơi hoặc lượn lờ, “ve
vãn” với cuộc sống trong những ngày nhàn rất hiếm. Cho nên, khi nghe câu chuyện
tâm sự của em, tôi thấy mình thật nông cạn, thấy mình đã sống hơi bị ích kỷ,
yêu thương bản thân quá nhiều mà ít quan tâm người khác. Những trăn trở, băn
khoăn của em, những chuyến đi em đã thực hiện, và cả những dự định em hướng tới
một lần nữa làm tôi thấy cảm phục em và bao người trẻ khác.
Nhiều người bây giờ, nhất là người già cứ than phiền, chê bai
các bạn trẻ là nông nổi, là liều lĩnh, là sống hưởng thụ, không có ý chí, vân
vân và vân vân, còn tôi thi không cho như thế. Ít nhất, các em hơn tôi, hoặc
nói rộng ra là thế hệ tôi ở tinh thần sẵn sàng bươn chải, ở thái độ quyết liệt
dấn thân, sẵn sàng chấp nhận, chịu đựng nhiều thứ khó khăn, sẵn sàng dấn thân mạo
hiểm, để vươn tới một cái đích cao và xa, không chọn giải pháp an toàn như
chúng tôi. Họ mạnh mẽ hơn, luôn tận dụng mọi cơ hội có thể để được sống là
mình, được trải nghiệm nhiều nhất. Những sự bấp bênh, những bất trắc không làm
họ ngại ngùng, mà ngược lại, sẵn sàng dấn thân vào, tìm cho mình những cơ hội
trong cái sự bất ổn đó. Ngay cả cái gọi là trách nhiệm với gia đình, với người
thân em cũng ăn đứt tôi, qua những gì em trăn trở, lo lắng cho mọi người. Tôi
thì khác, trước tiên, và cuối cùng, có lẽ tôi nghĩ đến mình nhiều nhất, yêu và
lo cho bản thân nhiều nhất, làm mọi thứ theo ý mình, thể hiện một cái Tôi của
mình, đôi khi khác biệt với quan điểm của gia đình, của đám đông xã hội này.
Đồng hành trong hai chuyến đi cùng em và một số người bạn
khác của em, tôi đã thay đổi rất nhiều, ít nhất là ở sự cộng tác với người
khác. Khi lên đường, cùng với một người nào đó, tôi đã chuẩn bị sẵn một tinh thần
cộng tác, nhưng đó chỉ là lý thuyết, hay những suy nghĩ của cá nhân tôi. Đến thực
tế, những lúc khó khăn, những biến cố, dù rất nhỏ như kiểu lạc đường, như kiểu
tìm địa điểm hay quyết định đến đâu, gặp ai, ăn gì… mới làm cho tôi vỡ lẽ ra
nhiều điều về cộng tác. Tôi luôn là người rất cở mở, thoải mái và dân chủ trong
quan hệ bạn bè, nhất là những người có một số điểm chung với mình, mình đã biết
ít nhiều về họ. Quan điểm của tôi về bạn đồng hành là dù cách biệt thế nào về
tuổi tác, địa vị xã hội cũng là những người đồng đẳng vì cùng đi trên một chiếc
xe, cùng trên một con đường, sẽ cùng chung hoạn nạn. Nhưng đó là lý thuyết, hay
nói đúng hơn là những suy nghĩ chưa có thực tế kiểm nghiệm. Còn cái câu trả lời
thực tế phải là từ bạn đồng hành của tôi, từ những người bạn khác của em, qua
hành động, cách ứng xử của họ. Có thể em và các bạn ấy chẳng bao giờ nói ra,
nhưng tự hành động của mọi người cho tôi thấy tôi được trân trọng, được giúp đỡ,
sẻ chia, được lắng nghe, được che chở, chăm sóc trong suốt hành trình, dù dài,
dù ngắn.
Bạn đồng
hành của tôi luôn bảo bạn ấy khô khan, mà bạn ấy cũng không nói nhiều. Đôi khi
bạn ấy hơi ngại vì không được như những kẻ văn chương chúng tôi, đọc nhiều, rồi
chém gió, ba hoa. Hihi. Nhưng tôi lại thấy, ở em và các bạn khác từng đi với
tôi, dẫu còn trẻ, nhiều điều chưa biết, đọc chẳng nhiều bằng tôi, luôn có cái sự
sâu sắc, thâm trầm. Trong khi đó, đôi khi tôi thấy mình hơi bị vô tư thái quá,
hơi bị cực đoan, hơi bị thiếu hụt nhiều thực tế. Lời nói, trong một số trường hợp,
có tác dụng vì nó chỉ cần một mớ lý thuyết logic, hay ho, song khi vào thực tế,
cần một thứ có tác dụng trực tiếp, thậm chí đến sinh tồn thì điều quan trọng là
cách hành xử, là những hành động đem lại hiệu quả. Vì thế, cái thu được trong
những chuyến đi không chỉ là cái tôi được nhìn mãn nhãn những cảnh đẹp ở xứ lạ,
phương xa, không chỉ là những hiểu biết hay kinh nghiệm mới từ nơi tôi đến, những
người tôi gặp, những tình cảm tôi được dành cho, mà ngay người bạn đồng hành, từ
những gì ưu điểm và những khiếm khuyết của họ, từ những sự sẻ chia thực tế mà họ
dành cho tôi, hoặc đơn giản từ chính câu chuyện đời và cách xử lý của họ để viết
nên câu chuyện đời của mình.
Trải
qua phân nửa cuộc đời, hầu hết những hành trình của tôi là độc hành, đặc biệt
những cuộc hành trình để tôi được sống, thể hiện cái bản thể của chính mình với
những đam mê, khát vọng, với sở thích khác thường, có thể đôi khi được ngược
dòng quan niệm đám đông. Trên hành trình độc hành dài dặc đó, ở một số đoạn đường,
tôi cũng có bạn đồng hành, hiểu tôi phần nào đó, cảm thông và chia sẻ cùng tôi,
và ở mức độ nào đó, lắng nghe, che chở, giúp tôi hoàn thành chặng đường đó thật
tốt đẹp. Bạn đồng hành trong chuyến đi này của tôi cũng thế. Dù hai chúng tôi
chỉ cùng nhau đi trên một đoạn đường ngắn, dù có thể những cung đường khám phá
chưa bao giờ được như ý của cả hai, nhưng sự đồng hành ấy thực sự đáng quý, đem
đến cho tôi niềm hạnh phúc rất lớn. Ở đời khó mà tìm được một người đồng hành
trên suốt chặng đường dài từ điểm xuất phát đến cái đích cuối cùng, cho dù đó
là bạn đời, nên mỗi bạn đồng hành trên một hoặc một vài chặng nào đó, đều là những
gì đáng trân quý đặc biệt trong cuộc đời. Sau cuộc hành trình đã qua, tôi cảm
nhận được sự đồng điệu và cảm thông từ bạn đồng hành, dù em không hề nói nửa lời.
Chính điều đó giúp chúng tôi gần nhau hơn, sẽ tiếp tục đồng hành trong những chặng
đường nữa, bỏ qua rất nhiều sự khác biệt ai cũng thấy.
Điều
tôi sợ nhất ở mỗi chuyến đi là sự kết thúc, là lúc trở về, là cảnh biệt ly.
Chúng tôi chẳng phải là sinh ly tử biệt, cũng chẳng có ái tình sướt mướt gì, lại
là những gã trai thích phiêu bạt và có vẻ bất cần nhưng bản thân tôi luôn buồn
rũ mỗi lúc chia tay bạn. Đó chính là lúc cái phần yếu đuối nhất của mình được
thể hiện ra. Tự trong lòng thấy một cảm giác trống trải mênh mang, một sự đứt
gãy cảm xúc, một nỗi tiếc nuối vô bờ, dù biết chúng tôi vẫn còn gặp lại, vẫn
còn đi trên nhiều cung đường nữa. Cảm xúc ấy đơn giản do sự mất mát nhanh chóng
và bất ngờ một thứ quan trọng nhất – sự đồng cảm của người hiểu mình, sẵn sàng
sẻ chia, sẵn sàng cùng mình đi, để quên mọi thứ hỗn tạp trong đời sống. Đơn giản
là những chuyến đi kia là cả một sự thoát ly một mớ trách nhiệm, một gánh những
áp lực, những sự ràng buộc, để chúng tôi được sống là chính mình, theo một ý
thích nào đó của mình. Vì thế, dẫu tôi xót xa, nghẹn ngào vì sự quay gót chia ly
rất nhanh của bạn, thì giờ ngồi viết những dòng này, mới hiểu đó là hành động
đúng đắn và cần thiết, tránh những hiểu lầm không đáng có.
Lúc ở
xứ Mường, cô chủ nhà, mẹ của người bạn thắc mắc khi tôi có hành động chăm sóc bạn
đồng hành trong lúc bạn ấy quá say rượu vì tôi là ông thầy lại phải chăm sóc
trò. Nhiều lúc đi dạy, tôi mệt mỏi với cái quan niệm ông thầy cứ phải đứng trên
cao, lồng lộng như một bức tượng đài, một mẫu hình lý tưởng, làm tấm gương gì
đó cho học trò noi theo. Tôi không nghĩ như thế. Trong trường học, tư tưởng bảo
thủ kia có thể nhìn từ góc nào đó, theo tâm lý của đám đông, theo quan điểm cố
hữu của một bầy đàn, tôi chấp nhận vì không thể thoát ra khỏi hệ thống đó.
Nhưng lúc lên đường, người bạn đường cùng đồng hành với mình, dù có thế nào
chăng nữa, có cách biệt về nhiều phương diện đi nữa, sẽ luôn là bạn, phải luôn
đối xử bình đẳng với nhau, cùng nhau chia sẻ, nâng đỡ để đi đến cái đích cuối
cùng an toàn, theo thế mạnh riêng của mỗi người. Tôi thích tinh thần đối thoại,
cởi mở, cùng cộng tác của những chuyến đi, và tôi làm giáo dục với tinh thần
đó. Bởi bản thân ông thầy, trên bục giảng hay trong đời sống, cũng là một con
người, sống với mọi góc cạnh bản thể của một con người. Và ông thầy, ở một giai
đoạn nào đó, là người đi trước, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm. Dạy học, cũng
như đi, sẽ luôn phải là quá trình cộng tác, thấu hiểu, sẻ chia, để đến một cái
đích, xây dựng mối quan hệ thân hữu tốt đẹp dựa trên sự tương tác và đối thoại
đồng đẳng. Cho nên ai chăm sóc ai, ai học hỏi ai, ai che chở, bảo vệ cho ai, ai
hỗ trợ ai không phải là vấn đề, mà vấn đề ở đây chính là mọi người nhận được tất
cả những điều đó từ trong chuyến đi của mình.
Cảm ơn
người bạn đồng hành trong chuyến đi qua và bao bạn đồng hành khác, có khi không
phải là trong chuyến đi nào hết, mà chỉ là trong những suy nghĩ, tâm tư, đã cho
tôi tất cả những cảm xúc tuyệt vời trên, dù sau mỗi cuộc hành trình, tôi lại một
mình trở về với chính tôi, đôi khi là rất nhiều hoang hoải, ngậm ngùi, trống vắng
đến xót xa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét