Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017

Lê Uyên Phương trong mắt ai

Lê Uyên Phương trong mắt ai?
"Đâu có ai biết mai sau?
Đâu có ai mãi thương đau?
Đâu có ai phải muôn kiếp xa nhau? ..."
Những câu hát cứ theo tôi hoài trong suốt một thời gian dài đăng đẳng, dài bằng cả chuỗi ngày lớn lên, nuôi hy vọng từ trong những khốn khó. 
Lần đầu tiên tôi nghe chị hát bài này từ trong băng, tôi đang thu mình trên cái ghế mây nhỏ đặt ở cuối vườn quán cà phê Dạ Khúc. Những âm thanh lưu luyến trầm bổng cứ theo nhau rót mãi vào đầu óc tôi lúc ấy hãy còn khờ khạo lắm. Ở cái tuổi bắt đầu biết suy diễn, những ý tưởng lạ lùng, dù hay dù dỡ, vẫn tạo ấn tượng mạnh. Mà những ý tưởng trong ca khúc của anh, thường là lạ lùng, thường là sống động. Để rồi tôi chăm chú đi tìm hiểu về cuộc đời và nét nhạc của cặp song ca có một không hai này, Lê Uyên & Phương. Kể lại cho bạn nghe nhé... 
Lúc còn bé, tôi chẳng được nghe hai người họ hát. Lớn lên một chút, tôi cũng chửa được nghe. Nhưng giòng nhạc của họ, không hẹn mà nên, vẫn như là một ám ảnh. Từ Sài Gòn về, tôi mang theo mấy cuốn nhạc quay ronéo trên giấy đen, trong đó có hai cuốn Khi Loài Thú Xa Nhau và Yêu Nhau Khi Còn Thơ. Và thế là, tha hồ để các chị và các anh tôi hát bè, từ Lời Gọi Chân Mây đến Tình Khúc Cho Em, từ Vũng Lầy Của Chúng Ta đến Cho Lần Cuối. Tất cả, tất cả tạo cho tôi một động lực kỳ dị, động lực của sự tò mò. Tôi tập hát theo bài nhạc, tập hát theo những gì mà tôi nghe được từ các anh các chị. Rồi dần dần, tôi đâm ra mê hát bè. Và tôi cám ơn Lê Uyên Phương đã viết nên những ca khúc kỳ lạ ấy, những ca khúc dường như được viết ra để mà hoà giọng, để mà mỗi câu hát đều phải mang sắc thái của một sự hoà hợp đến tan lẫn vào trong nhau. Và chính lúc ấy, ca khúc sẽ thăng hoa... 
Anh là ai? Chị là ai? Và cái tên Lê Uyên Phương, từ đâu mà có? Nhiều người đã hỏi, có lẽ rồi sẽ còn nhiều người sẽ hỏi. Tôi cũng đã từng hỏi, và đã từng ngạc nhiên biết bao khi nghe mẹ của bạn tôi kể lại. Bà là bạn học của anh, bốn năm trung học đệ nhất cấp. Cậu học trò nhỏ con, rụt rè tên Lê Văn Lộc, ai ngờ có một ngày rồi trở thành một tên tuổi lớn trong nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Mười chín tuổi, anh viết ca khúc đầu tiên, Buồn Đến Bao Giờ. Ngày lần đầu đem trình làng vào đầu thập niên bảy mươi, ca khúc mười năm ngủ yên này đã lần nữa khẳng định sự trưởng thành của một nhạc sĩ đặc biệt. Anh đó anh Phương! Hãy nghe đã nhé... 

Dung nhan mang tình yêu
Đầy ánh sáng huy hoàng
Tìm ánh mắt, tìm suối tóc
khi còn thơ ngây...
Em ơi!
Lá đổ hoa tàn
Đếm tuổi cuộc đời
trên hai bàn tay trơ
Em ơi!
Em ơi!
Xuân nào tàn? Thu nào vàng?
Môi nào ngỡ ngàng?... 

Lại thêm một người nữa, thích viết những giòng ám ảnh, những giòng thương đau như thế! Bên cạnh Trịnh Công Sơn, có lẽ anh là người thứ hai coi trọng vấn đề ca từ trong bài hát. Nhưng Trịnh Công Sơn hơi trừu tượng, hơi xa vắng chừng nào thì mớ ngôn ngữ trong ca khúc của anh giàu hình tượng và thực đến chừng ấy. Cho nên, đã có một thời người ta cho anh là kẻ nổi loạn, vì những hình ảnh anh vẽ ra trong mấy bài hát đang trở nên quá nổi tiếng đối với giới trẻ dường như trần trụi quá, dường như muốn đánh đổ cả một nền tảng giá trị luân lý, động chạm đến những cấm kỵ mà bao nhiêu lớp đàn anh không dám nhắc tới. Ở cái thời kỳ mà tuổi trẻ Việt Nam đang muốn đập vỡ tung bầu không khí ngột ngạt của chiến tranh, của hủ tục, vươn tay ra đón nhận những luồng gió mới, giòng nhạc của anh là một trong những phần họ mong đợi. Áo chim cò, tóc tai rối bù, quần ống loe, họ đua nhau vào quán, ngồi gục đầu đốt thuốc bên những tách cà phê đen khói bay vẩn vơ, nghe từng chữ từng lời phát ra từ anh, từ chị, từng tiếng đàn dập dồn. Có phải anh đã là một người trong số họ? 
Đâu là năm 64 gì đó, người ta mới bắt đầu nghe tới tên anh. Đến năm sáu bảy, người ta bắt đầu kháo nhau về anh, và đến năm bảy mươi, đôi song ca đến từ miền cao nguyên Lê Uyên và Phương đã trở thành một hiện tượng. Chị tên thật là Lâm Phúc Anh, người gốc Hoa, Bắc Kỳ. Anh tên Lộc, giáo viên ở một trường trung học. Vẫn chưa có một chút gì Uyên và Phương ở đây! Từ từ đã. Mẹ anh tên Phương Nhi, người đã cấy vào anh lòng say mê âm nhạc, gieo cho anh nguồn cảm hứng với những cung điệu. Và anh nhận chữ Phương từ mẹ. Uyên, hay Lê Uyên, thường được dùng để chỉ chị. Nhưng nó vẫn đến từ anh. Uyên là tên một người con gái ở vùng cao nguyên rất xanh kia. Mối tình gần như là đơn phương để lại dấu ấn đặc biệt trong mỗi lựa chọn của người nhạc sĩ kỳ lạ. Từ đó, bất cứ một người con gái nào trong đời anh, đều là Uyên. Thế đấy, lại không phải kỳ lạ! 
Bài hát đầu tiên đưa đôi song ca hai người họ lên tột đỉnh thành công, có lẽ nhiều người sẽ đồng ý với tôi là... Vũng Lầy Của Chúng Ta. Tại sao? Đừng hỏi tôi, vì cho tới bây giờ tôi cũng chưa tìm được câu trả lời. Vậy tại sao lại là "vũng lầy của chúng ta", trong khi bài hát cứ dập dồn niềm say mê, ngút ngàn sự dâng hiến? Cho nên lạ, lạ từ tiết tấu đến ý tưởng, lạ từ cách chuyển đổi đến lối gieo âm vận. Mà lạ nhất, vẫn là cái cách hai người họ hát, vì nếu phải tách rời từng người ra, chắc mỗi người họ không có gì đặc biệt. Hợp lại, bỗng thành một hiện tượng. Một người gục trên cần đàn, mắt mở lớn vô hồn, tay khua gấp gáp trên mấy giây đàn phừng phừng, cất giọng khàn khàn khô khốc mà gào. Một người, tay vung loạn bản, mắt nhắm mở, đầu lắc lư, cứ như đang bị quỷ ám. Ấy thế mà hay đáo để, có một không hai, nghe một lần là nhớ đời... 
Theo em xuống phố trưa mai
Đang còn nhức mỏi đôi vai...
Cho nhau hết những mê say
Cho nhau hết cả chua cay
Cho nhau, chắt hết thơ ngây
... trên cánh môi say
... trên những đôi tay
... trên ngón chân bước về tình buồn... tình buồn... 

Có một lần, tôi được xem một đoạn phim đen trắng về hai người họ, hình như quay vào khoảng năm bảy mươi. Đoạn đầu, họ ngồi với nhau ở một cái tam cấp dẫn vào một ngôi nhà lớn, cũng có thể là một ngôi trường, hay một thư viện gì đó. Chị, tóc xõa dài, mắt to đen. Anh, tóc phủ dài, ngồi cạnh bên. Và cây đàn trong tay, dây đàn đeo trên vai cất lên những âm thanh quen thuộc,... theo em xuống phố trưa nay... Bài kế tiếp, là một trong những ca khúc tôi mê nhất, anh viết khi một mình vào Sài Gòn. Và gởi về cho chị, lúc ấy còn ở Đà Lạt, với những câu tưởng chừng như quái gỡ... 
Màn đêm mở huyệt sâu
Mộng đầu xin dài lâu
Một vì sao lạ rơi, nghe hồn tê tái, trên dòng hương khói bay...
Ái ân ơi đừng phụ lòng ta
Nhớ thương sâu xin gửi người xa
Khóc nhau trong cuộc đời
Giấc mơ xưa khăn phủ vành sô
Có yêu nhau ngọt ngào tìm nhau
Chết bên nhau thật là...
hồn nhiên! 
Chị hát, anh đàn. Bên một dòng suối, trên một tảng đá, ngồi tựa lưng và nhau, xa mà chẳng xa. Và êm êm phía xa, có tiếng rì rào của suối, của gió, của cây, hát cho họ nghe bài tình ca của chúng. Để anh cười, chị cười, rạng rỡ trong tình yêu... 
Có thể nói, tôi thích những ca khúc của Lê Uyên Phương không chỉ khơi khơi ở chỗ nghe thấy hay rồi thích, như biết bao nhiêu những người khác. Có những ca khúc của họ, gắn liền với những tao ngộ của tôi, của những ngày sống và lớn lên, của những chiêm bao trăn trở, của những nụ cười và những giọt nước mắt. Có khi là những "vết sẹo dài theo năm tháng" (?), lâu lâu lại âm ỉ nhói đau. Và cũng có khi là chút mật ngọt tan ở đầu lưỡi, cho tôi đứng dậy sau mỗi phút yếu lòng. 
Đêm Việt Nam, một đêm cuối năm chín mươi. Tôi sắp phải ra đi, đi thật xa, không hứa hẹn lần trở về. Đi, xóa hết chuyện xưa, làm lại một con người mới. Có một người bạn học khác cũng sắp phải đi xa, thế là đám bạn cũ từ thời trung học làm một buổi gặp mặt - chia tay sau một thời gian tản mác. Dù chẳng thoải mái cho lắm (vì rất nhiều lý do), tôi vẫn đến. Buổi gặp gỡ tràn tiếng cười vui, ngập những câu chuyện góp nhặt từ muôn phương bạn bè tôi san sẻ cho nhau. Không khí không trầm lắng như một buổi chia tay đúng nghĩa. Rồi chuyển qua phần giải trí. Sau hơn mươi bài hát gì đó, có người đề nghị tôi góp vui. Vài người nhao nhao ủng hộ đề nghị đó. Cũng phải, chính tôi là kẻ sắp phải đi xa, cũng nên để lại một chút gì với những người ở lại. Thế là tôi hát. Không hiểu vì sao, tôi lại chọn trúng Lê Uyên Phương, và chọn đúng... Không Nhìn Nhau Lần Cuối. Có những lý do không thành hình, phát ra gần như là vô thức. Tôi ơi, tại sao lại chọn nó! 
Thế là tôi hát. Bắt đầu từ "thôi đành giã từ niềm vui mong manh, chung đường tình đi loanh quanh, đến nay bước chân đã bơ vơ rồi... Thôi đành cúi đầu phận người long đong, xa nhau như nước xa nguồn - một ngày niềm vui tìm đến, rồi mãi mãi xa" cho đến "thôi đành giã từ niềm vui trong ta, con đường tình... ôi bao la, đến nay bước chân đã hoang mang rồi. Thôi đành cúi đầu phận người long đong, xa nhau xa cách muôn trùng - tình yêu một lần tìm đến, còn mãi thiết tha...", hình như bài hát gói trọn cả một chuỗi ngày dài rất dài đã qua trong tôi. Tôi mở mắt, bàng hoàng nhận ra những giọt nước mắt mình đang chảy xuống. Nhìn xung quanh, có những khuôn mặt ngơ ngác, có những tiếng xầm xì, có cả những tia nhìn đầy thương hại. Có lẽ nhiều người trong số họ không bao giờ và sẽ chẳng bao giờ hiểu nổi, nhưng tôi chẳng trách họ. Tôi đã để lại tôi với họ, thì cái hình ảnh thằng tôi để lại dù có là thế nào, cũng vẫn là tôi, ngờ nghệch với con đường dài trước mặt. 
Đêm Việt Nam, một đêm hè mười một năm sau. Đêm Sài thành hầm hập hơi người. Tôi ngồi giữa bao người, rạng rỡ, tự tin. Những cốc rượu, những ly bia chếnh choáng. Nơi đó, có những người bạn thân, có gia đình tôi, có cả những người bạn lớn tuổi. Một buổi gặp mặt thân mật của người Việt sẽ mất đi phần nào ý nghĩa nếu không có lời ca tiếng đàn. Đêm ấy cũng chẳng ngoại lệ. Có khác đi, là sự có mặt của một vài người tôi không dám nghĩ tới. Mấy ông anh họ tôi làm ở bên Văn Hoá Nghệ Thuật, ai dè lại quen biết rộng rãi thế. Tôi được nghe những ca khúc rất lạ, những ca khúc hình như chưa bao giờ được phổ biến. Tôi ngồi đó, say sưa, lòng thầm cám ơn mọi người. Tay tôi vô thức cứ rót rượu, cứ cạn ly, nào biết men rượu có khả năng trợ giúp sự can đảm đến vậy. Rồi người ta bảo tôi hát. Và tôi chọn Lê Uyên Phương, ca khúc Kỷ Niệm Trong Chiều. Nhẹ nhàng hơn, không tan nát như những ca khúc khác. Tình tự hơn, tại vì tôi muốn thế mà. Và tôi cũng chọn rải dây, để cho lời hát, cảm xúc của người hát làm chủ thể... 
Nhớ em, đường chiều hoa nắng gót chân thềm in
Tuổi đời trong trắng biết bao ân tình ngọt ngào
Chờ đợi tay em trong phút si mê cuồng điên
Ngày mai hỡi... cố nhân
Buồn khoé mắt ngây thơ sáng hoa đời
Còn chi nữa người ơi!
Trả em quay về... chiều chiều gợi giấc mơ... 

Tôi đâu ngờ bài hát lại thành công đến vậy. Im lặng một hồi. Nhiều người nhìn tôi kỳ lạ, không nói. Nụ cười họ nói cho tôi nghe. Một người cầm một cốc rượu đi từ đằng kia đến, cạn ly, và chỉ nói có mấy chữ "dễ thương lắm, cám ơn em!" Tôi biết người này trước giờ ít nói, vì những gì anh muốn nói, hầu hết đã nằm trên trang giấy, giòng nhạc. Tôi sung sướng đến nổi da gà, trẻ con thế đấy. Và người ta muốn tôi hát thêm một bài nữa. Tôi vẫn chọn Lê Uyên Phương, Đêm Chợ Phiên Mùa Đông. Đơn giản, vì tôi biết có chị tôi ngồi đó. Thuở nào, lúc tôi còn là thằng bé chưa bể tiếng, chị tôi dạy tôi hát bài này. Tôi muốn tặng lại cho chị tôi, cho mọi người, và tôi biết, chị tôi rồi sẽ chẳng nhịn được. Thế là sẽ có cái vụ hát bè, theo đúng nghĩa ca khúc... Lê Uyên Phương... 
Tôi bắt đầu, hơi cười cười. Tôi biết chị tôi đang đấu tranh tư tưởng lắm. Đến đoạn điệp khúc, "Ơ, gió rung ngọn đèn vàng...", tôi mở bừng mắt, nhìn sang chị tôi, cổ vũ. Thế là chị tôi mê mải... "Ơ, gió say lòng rộn ràng..." Hai chị em tôi, say sưa hát, hát để mà quay trở lại với mấy mươi năm về trước. Phựt một tiếng, dây sol đứt. Thây kệ, chị em tôi vẫn hát, quay lại một vòng nguyên ca khúc... Một nụ cười thoáng... qua! 
Bài hát hết, nhưng có nhiều chuyện chỉ mới bắt đầu. Ví dụ như là kỷ niệm, bắt đầu sống lại với chị em tôi, với nhiều người. Và đêm Sài Gòn không còn ngột ngạt nóng. Ấm hơn chút tình thân thuộc, tình tri ngộ! 
Một ngày đông cuối năm 91. Quán Tao Nhân có Lê Uyên hát. Tôi từ dưới San thành bươn bả lên nghe hát. Lúc đó còn khó khăn lắm, phải cắc củm chi tiêu để bồi dưỡng cho tinh thần. Chị hát một mình, và hát rất nhiều ca khúc không phải của anh. Cũng như cuốn Ca Khúc Da Vàng mới ra kia, cũng như những ca khúc đang trình bày trên kia, dù hay tôi cứ thấy có gì đó thiêu thiếu. Giọng chị sau này có khoẻ hơn, nồng hơn, phát âm tròn hơn, nhưng những ca khúc không phải của anh, làm như chị không cảm được hết. Tôi ngồi đó, bắt đầu suy nghĩ miên man. Có lẽ, chuyện người ta nói là thực. Sự hiện diện của người em gái, của một thi sĩ trong đời sống họ đã đẩy họ ra xa nhau. Nên tôi tiếc rùi rụi, chẳng nghe thêm được mấy bài hát. Phần thứ hai là phần yêu cầu, tôi táo gan yêu cầu chị hát "Nỗi Buồn Dâng Hiến". Trên máy vi âm, chị xin lỗi, vì "bài này Lê Uyên lâu rồi không hát, cũng chẳng tập, nên chẳng nhớ lời." Có chút buồn buồn trong tôi. Cái ca khúc đã hơn một lần tôi hát, ca khúc tôi thuộc từng chữ, nhớ từng chỗ phải cần lấy hơi, ca khúc của anh chị không thuộc. Tôi không trách chị chị ơi, tôi chỉ buồn mình đến chẳng phải lúc. Có một thời, thời bế tắc nhất của một thiếu niên đang lớn, đầy những ước mơ, bỗng thấy tất cả sụp đổ tan tành, tôi vẫn thường hát "Nỗi Buồn Dâng Hiến"... 
Em mơ cuộc đời thêu hoa
Ôm tâm tư buồn bàn tay như Giáng Tiên
Sông Tương ơi đừng vì tương lai gió sương
Đâu những linh hồn xưa cũ
Biết bao giờ hết buồn vì thương
Biết bao giờ thấy màu thời gian ...
Tương lai mịt mờ mãi mãi
Tương lai mịt mờ mãi mãi...
Vì đâu? 
Thuở đó, có mấy ai hiểu tôi? Lúc này, có mấy ai hiểu cho tôi? 
Thay vì Nỗi Buồn Dâng Hiến, chị hát Bài Ca Hạnh Ngộ. Chị kể về chuyện anh sửa lại khổ cuối của ca khúc, từ "một mai trao áo hồng, là khi trao tiếng cười, luôn ghi kỷ niệm ban đầu yêu thương" sang "ngày hôm nay có đôi, rồi mai chia gánh đời, luôn ghi kỷ niệm ban đầu yêu thương..." Hay hơn, nghe cũng u ẩn hơn. Để đến khi chị hát, cũng ngậm ngùi hơn, trở thành "ngày hôm xưa có đôi... một mai chia..." Mà phải, chia rồi, nhưng chắc những kỷ niệm vẫn còn đó chưa xa... 
Lần khác, tôi đến một quán khác, nghe anh biểu diễn. Một mình, với cây đàn muôn thuở. Vẫn tiếng đàn ấy, vẫn giọng hát ấy, vẫn những ca khúc ấy, không có chị bên cạnh, hầu như mất một phần sinh khí. Như lá cây không đủ chất diệp lục, sống cũng lây lất không ngày mai. Anh hát "ta đâu ngờ tình xưa vẫn còn như ngày ấy, khi xa... người (ơi) sao đành quên?" (xin lỗi anh chị, tôi tự ngắt và bỏ dấu...), nghe buồn tê tái. Một người đàn ông nức nở, chắc đau hơn một người phụ nữ nức nở, tôi nghĩ vậy. Anh vẫn gục đầu, cái khoảng trống trước mặt vẫn mênh mông, mênh mông. Tôi nhìn anh, nhớ lại hồi nào nhìn chị, bỗng mù mờ tin rằng rồi sẽ có một ngày họ sẽ trở lại bên nhau, để hát cho tôi nghe những ca khúc tôi yêu thương biết bao. Không có người này bên cạnh người kia, lúc nào cũng có một cái bóng sẫm màu tang tóc cho một người, một lỗ hỗng xót xa cho một người. Và để lại cả một sự thiếu vắng trong mỗi ca khúc được trình bày. Chắc chắn, họ sẽ tái hợp, tôi nhận ra vậy, vì họ sinh ra vốn thuộc về nhau, kết hợp bằng tình yêu thiết tha, và bằng những ca khúc thiết tha dành cho nhau. Và họ trở lại với nhau thật! 
Ra khỏi lớp, tôi phóng lên xe bus, chuyển qua xe BART về Fremont. Ở đó, có mấy người bạn đã chờ sẵn. Tối hôm ấy, anh chị hát ở Garden City. Người ta đến Garden City để đen đỏ, còn tôi thì đến để nghe hát. Tám giờ rưỡi, anh và chị bước lên cái khán đài nho nhỏ dựng tạm trên lối đi. Lác đác chừng vài mươi người ngồi chung quanh, dõi mắt chờ đợi. Sau vài câu giới thiệu, họ bắt đầu. Tiếng đàn guitare của anh trỗi dậy, nghe như reo vui. Lòng tôi cũng muốn mở cờ theo tiếng đàn,... Vũng Lầy Của Chúng Ta đó,... qua đi qua đi những cơn mê... qua đi qua đi những cơn... muộn phiền. Ơ hay, đời bỗng dưng vui! 
Một tiếng đồng hồ dài, hai người họ say mê hát những ca khúc của... ba mươi năm về trước. Vẫn nồng nhiệt, vẫn những tin yêu trong mắt, trong môi, trong mỗi lời ca tiếng đàn. Tôi ngồi nghe như nuốt lấy. Đêm ấy, tiếng đàn anh vang lên rộn rã chi lạ, giọng hát chị vang lên tình tứ chi lạ. Như có một thông điệp họ muốn gửi gắm đến mọi người, hình như là tình yêu. Phải rồi, không có tình yêu thế gian này rồi có ra gì cơ chứ! Tha hồ mà nghe bằng thích, từ những ca khúc trong tập Khi Loài Thú Xa Nhau đến những ca khúc của Yêu Nhau Khi Còn Thơ, những ca khúc ba mươi năm trước đã yêu, ba mươi năm sau còn yêu bạo. Tôi lại yêu cầu Nỗi Buồn Dâng Hiến, và lại bị chối từ. Nhưng tôi chả buồn chút nào, vì cái lý do quá ư là thuyết phục. Họ mới tái hợp, chị chưa tập bài này. Vả lại, ca khúc đó không có chỗ cho cả hai người họ hát, không có chỗ cho... một đêm vui. 
Sau khi giải lao chừng mươi phút, anh chị quay trở lại sân khấu. Lần này, anh muốn trình tấu ca khúc mới nhất (phổ thơ), Máu Biếc Xanh Và Ngực Tối. Anh vào khúc dạo nhạc, đầu lắc lư nghiêng ngả, mắt lim dim, tay vung vẩy gảy đàn. Hay, hay! Bất chợt mà lạnh sống lưng! Im lặng! Một ông Mỹ tự nhiên đứng lên vỗ tay ì xèo, và hét lên những câu ngợi khen. Cái gì mà "phù thủy" đó, cái gì mà "thiên tài" đó! Cám ơn ông, nhưng càng cám ơn nếu ông im lặng ngồi xuống. Đôi lúc, sự im lặng tán thưởng là lời khen bằng vạn những tiếng vỗ tay ầm ĩ hay những câu tán dương nghe kêu như mõ. Xin lỗi ông vậy nhé! 
Chị hát, bắt đầu từ câu đầu tiên đã thấy... đã! Hai người họ, một đàn một hát, cứ như đã nhập vào ca khúc. Hát như vậy mới là hát, không phải hát bằng... diện mạo hay bằng... tướng tá!... Máu biếc xanh trên vai người em nhỏ... hơi rung vút lên, tiếng đàn run lên, hai người họ run lên, và biết bao nhiêu người ở đó cũng run lên, trong đó có tôi. Lúc nào cũng vậy, nghe hát trực tiếp là tôi khoái nhất. Âm nhạc là một phần của đời sống, thực như đời sống, cho nên đôi khi có những tiếng động nhiễu, ca khúc lại thực hơn thì phải, biết đâu! Nói chung là tôi thích vậy... 
Tôi rời Việt Nam, lòng thắc thỏm lo âu. Chẳng là trong túi quần có một cuốn tape nhạc tôi giấu bố mẹ lận theo. Khi Loài Thú Xa Nhau đó, tình khúc Lê Uyên Phương đó. Tôi đi học xa nhà, quen với một người cũng mê Lê Uyên Phương. Chị lớn hơn tôi nhiều tuổi, lại mê hát. Chị có một người bạn hát, tôi được một người bạn... giống như tôi. Và lâu lâu, chúng tôi ngồi hát với bạn bè, cái đinh của những buổi văn nghệ bỏ túi thường là những ca khúc của... Lê Uyên Phương. Vì tôi thích hát bè, và vì những ca khúc Lê Uyên Phương thích hợp để hát bè. Một lý do nữa, bạn tôi thuộc Lê Uyên Phương thì nhiều, lại chẳng thuộc những người khác là mấy. Đi coi hai người họ hát về, tôi lại càng thích hát nhạc của họ. Có thêm một vài ca khúc, để những đêm trắng dài hơn, để đời sống sinh viên giàu hơn những kỷ niệm. Tôi vẫn nghĩ mình chẳng giàu có gì hơn ai, ngoài những kỷ niệm loại ấy, những kỷ niệm tôi mang theo hoài với đời mình. Cho nên tôi cám ơn anh chị, nhiều nhiều nhiều lắm! 
... Rồi anh đi, đột ngột! Cái dự định hoàn thành cuốn Yêu Nhau Khi Còn Thơ đành dang dở. Tôi ngẩn ngơ, nhưng nghe rằng anh đã đau khổ biết bao nhiêu trên giường bệnh, tôi lại thấy mình ích kỷ vì... tiếc. Cơn bạo bệnh sau này lấy mạng của anh Sĩ Phú, cũng chính là cơn bạo bệnh cướp mất anh ra khỏi vòng tay yêu thương của vợ con. Trong đoạn phim tôi coi lại, anh nằm đó, hai tay đặt lên nhau. Cái cục u trên ngón tay lại chẳng phải là cội nguồn của sự chia xa, vậy mà bao nhiêu lần, bao nhiêu người đã lo lắng vì nó. Anh nằm đó, vẫn là người nhạc sĩ tài hoa tôi yêu thích. Cho tôi nhìn lại một lần nữa, hàm râu, nụ cười, bàn tay, để rồi anh đi đi mãi. Nơi ấy, giờ đây chắc bình yên, có bao nhiêu những người bạn đã cùng anh hít thở khí trời Đà Lạt, những người bạn cùng anh chuyên chở giòng nhạc Việt vào lòng người. Chỉ thiếu chị bên cạnh, chắc nếu anh muốn hát cho họ nghe cũng khó. Anh chị hai người, thiếu một người là thiếu... hơn một nửa. Nghe lạ nhưng mà quen, nghe dần rồi sẽ quen. Vì tôi đã từng nghe Uyên Uyên đàn, nghe Umi hát với chị. Vẫn là một sự thiếu vắng không bù đắp nổi!. 
Hôm nay, tôi viết một chút tâm tình tạ ơn anh chị, đã làm giàu thêm đời sống này, giàu thêm đời sống tôi. Và tặng bạn tôi, như đã hứa! Cuối cùng, tôi tặng DT, tặng anh chị Cả, tặng các bạn gần xa. Ở nơi đây, tôi bắt đầu viết rất nhiều những cảm xúc, và nếu như tôi muốn ngừng lại, cũng mong ngừng lại ở nơi đây. Cám ơn tất cả!.

Dạ khúc cho tình nhân - Lê Uyên Phương
 Triệu Thần
Theo http://www.dactrung.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý Nhà thơ Trần Quang ...