Kể từ khi Huyền Trân Công Chúa vì nước ngàn dặm ra đi, hai châu Ô,
Lý như những báu vật được vua Chiêm dâng lên, Huế đã về với chúng ta. Rồi Huế
trở thành thủ phủ của các Chúa Nguyễn, trở thành kinh đô Phú Xuân thời Tây Sơn
và tiếp theo là kinh đô dưới thời các Vua nhà Nguyễn. Trong một thời gian dài
Huế là trung tâm chính trị, văn hóa xã hội của cả nước. Nhưng cái giá trị vĩnh
cữu hơn của Huế là Huế đã xây dựng được một tính cách văn hóa Huế. Đó là sự tổng
hòa giữa thiên nhiên, lịch sử và học thuật. Và cũng chính từ đó thu hút mọi người
đến với Huế.
Thời tiết của Huế có bốn mùa rõ rệt: Xuân, Hạ, Thu, Đông - Mùa nào hương vị nấy.
Hôm nay, ngày mai và ngày mai nữa đã và sẽ có bao nhiêu nhà
thơ đi về trên nẻo đường thu của Huế?
Riêng những nhà thơ Tiền chiến đã khắc họa được một cách đầy
ấn tượng về những ngày thu của miền đất sông Hương, núi Ngự mà từ lâu mỗi lần đọc
ta lại bắt gặp biết bao tình cảm lãng mạn, chân thành, thương mến, hoài cảm.
Nói đến thơ viết về mùa thu không mấy ai không biết bài “Tiếng Thu” của Lưu Trọng Lư. Tác giả đã khắc họa một bức tranh đầy nghệ thuật nhưng lại chứa đựng nỗi niềm của con người thời đại: “Con nai vàng ngơ ngác – Đạp trên lá vàng khô”.
Nói đến thơ viết về mùa thu không mấy ai không biết bài “Tiếng Thu” của Lưu Trọng Lư. Tác giả đã khắc họa một bức tranh đầy nghệ thuật nhưng lại chứa đựng nỗi niềm của con người thời đại: “Con nai vàng ngơ ngác – Đạp trên lá vàng khô”.
Nỗi niềm ấy là nỗi niềm quạnh quẽ, hoang vắng, ngập ngừng bước
chân đi tới. Một lần nữa ta nghe tiếng lòng giữa mùa thu lạnh:
“ Lòng anh như nước hồ thu lạnh.
Quạnh quẽ đêm soi bóng nguyệt tà.
Ngày tháng anh mong chầm chậm lại.
Hững hờ em mặc tháng ngày qua.”
(Khi thu rụng lá –L.T.L)
Vỹ Dạ là một làng xinh đẹp của Huế mà có người ví như
viên ngọc bích trên chiếc nhẫn sông Hương. Bích Khê đã say đắm trước vùng đất
xanh biếc tre trúc ấy:
“Vỹ Dạ thôn, Vỹ Dạ thôn.
Biếc che cần trúc không buồn mà say”
Đối với núi non, sông nước, thôn, làng là thế. Còn với
mùa thu Bích Khê đã miêu tả như sau trong bài thơ “Tỳ Bà”
“Nàng ơi! tay đêm đương giăng mềm.
Trăng đan qua cành muôn tơ êm.
Mây nhung pha màu thu trên trời.
Sương lam phơi màu thu muôn nơi….”
Vượt lên cả phong cảnh hiện thực để bắt gặp một hồn
thu lãng đãng của kẻ lãng du:
“Thu ôm muôn hồn hơi phiêu diêu
Sao tôi không màng: kêu em yêu.”
Và cuối cùng tác giả nhận ra:
“Ô hay buồn vương cây ngô đồng.
Vàng rơi! vàng rơi! Thu mênh mông”.
Một mùa thu khác của Huế đã được Quách Tấn ghi lại, đó
là mùa thu Huế sau ngày khói lửa của cuộc thế chiến thứ hai:
“Nắng nhạt chiều thu quá rộn ràng
Sầu vương lau lách lạnh thành hoang
… Gầy guộc gió sương tùng Thế miếu
Bẽ bàng trăng nước trúc Hương giang”
(Viếng thành Huế sau ngày khói lửa – Q.T)
Xuân Diệu với bút pháp mới mẻ và mạnh mẽ đã nhìn mùa
thu của Huế lúc bấy giờ:
“Rặng liễu đìu hiu đứng đợi tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Đây mùa thu tới, mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt là vàng.”
(Đây mùa thu tới – X.D)
Mùa thu của Lưu Trọng Lư và Xuân Diệu đều là những mùa
thu lạnh– lạnh không gian, lạnh thời gian và lạnh cả nỗi niềm. Cái lạnh riêng
và cái lạnh chung tất cả đều mang một chút hận, một chút xa vắng:
“Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời
Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người”
(Nguyệt Cầm – XD)
Và để rồi khắc họa nhân vật thu:
“ Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì”
Còn Nguyễn Bính thì sao? Con người phiêu bạt giang hồ ấy
khi đến Huế dừng chân ở xóm Ngự Viên cạnh đường Gia Hội. Ở đây ngày xưa và vườn
Thượng Uyển, nơi muôn loài kỳ hoa dị thảo khoe hương sắc, chẳng khác gì chốn
tiên bồng, tiên cảnh mà nay thì khó tìm dấu vết, Với một tâm trạng hoài cổ của
Bà Huyện Thanh Quan –“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo – Nền cũ lâu đài bóng tịch
dương”, Nguyễn Bính thương tiếc những bóng dáng của nàng Tôn nữ, dấu ngựa
bạch của chàng Trạng Nguyên và của bao nhiêu điều khác nữa. Nay chỉ còn một mùa
thu buồn giữa xóm vắng:
“Buồn thu rơi nhẹ đôi tờ lá
Xóm vắng rêu xanh những lối hài…”
(Xóm Ngự Viên – NB)
Trong bài thơ “Giời mưa ở Huế” Nguyễn Bính cũng cho ta
biết mùa thu ngày xưa của Huế trời mưa nhiều lắm, mưa dai dẳng, mưa kéo dài
không như bây giờ thời tiết đã thay đổi một cách quá quắt:
“Giời mưa ở Huế sao buồn thế
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày
…. Thu về lại giở gió heo may.”
Đối với Thanh Tịnh mùa thu gợi lại buổi học đầu tiên của
thời thơ ấu, còn Nguyễn Bính đến với buổi sáng Thu tựu trường như để thể chiêm
ngưỡng một vẻ đẹp thời hoa niên của các cô nữ sinh Đồng Khánh nết na, kiều diễm.
“ Những nàng thiếu nữ sông Hương
Da thơm là phấn, môi hường là son
… Gió thu cứ mãi trêu ngươi
Đôi thân áo mỏng tơi bời bay lên
Dịu dàng đôi ngón tay tiên
Giữ hờ mép áo làm duyên qua đường.”
(Tựu trường – NB)
Ngắm nhìn một cách cụ thể như thế, nhưng trong lòng vẫn
cứ thấy có một khoảng cách, gập ghềnh, chơi vơi, mênh mông…
“Chừ đây bên nớ, bên tê
Sương thu xuống gió thu về bềnh bồng”
(Lửa đò – NB)
Để rồi cuối cùng:
“Người về để lạnh phòng không
Thu rơi từng cánh cho lòng nhớ thương”
(Thu rơi từng cánh – NB)
Văn Cao đã viết: “Huế là một nguồn sáng tạo của tôi trong những năm 40.
Thơ và nhạc là điều tôi tìm nguồn từ ấy, có lẽ lịch sử và cảnh vật của cố đô có
những điều gây cảm xúc cho sáng tạo…”
Qua bút tích chúng ta thấy Văn Cao đã có thời gian gắn bó với Huế,
để rồi từ đó chúng ta có “Thiên thai, Suối mơ, Huế xưa, Một đêm đàn lạnh trên
sông Huế” và biết bao hình ảnh và ý tưởng của Huế bàng bạc trong các tác
phẩm khác của Văn Cao.
Riêng “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế” mùa
thu đã hiện ra rất đặc biệt vừa hiện thực, vừa siêu thực. Những câu hỏi đặt ra
đã đánh động vào tâm thức của người đọc trước những biến thiên của lịch sử và
văn hóa mà Huế là chứng nhân.
“Sao đàn u hoài gì mùa thu?
Sao đàn u hoài gì mùa thu?
Tri âm nghe thử dây đồng vọng
Lạc lõng đêm vàng khi nhạc ru”
Tử Kỳ mãi còn đi tìm Bá Nha, trên con đường tìm kiếm ấy.
tháng ngày đầy cả thương tích, đầy cả nhớ nhung:
“Một đêm đàn lạnh trên sông Huế
Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh”
(Một đêm đàn lạnh trên sông Huế -VC)
Có một điều rất lạ trong bài thơ Màu thời gian, Đoàn Phú Tứ không sử dụng
một chữ Huế nào cả mà ta vẫn thấy được cái “Màu thời gian tím ngát” ấy
là cái màu mùa thu của Huế, của các cô gái sông Hương. Và cái ‘Hương thời gian
không nồng – Hương thời gian thanh thanh” ấy là hương mùa thu của Huế.
Nhìn chung những bài thơ viết về mùa thu ở Huế của các nhà thơ Tiền chiến đều đượm nỗi buồn – Cái buồn của một thời lịch sử, của một giai đoạn đất nước nói chung, của Huế nói riêng, cái buồn của cả một thế hệ thi ca đáng trân trọng chứ không phải đáng giận bởi vì giữa cái buồn ấy lại ẩn chứa một khát vọng vượt ra, vươn lên một ngày xuân nắng ấm và sáng lạng – Nói như Yến lan:
Nhìn chung những bài thơ viết về mùa thu ở Huế của các nhà thơ Tiền chiến đều đượm nỗi buồn – Cái buồn của một thời lịch sử, của một giai đoạn đất nước nói chung, của Huế nói riêng, cái buồn của cả một thế hệ thi ca đáng trân trọng chứ không phải đáng giận bởi vì giữa cái buồn ấy lại ẩn chứa một khát vọng vượt ra, vươn lên một ngày xuân nắng ấm và sáng lạng – Nói như Yến lan:
“Không lẽ mùa thu lạnh
Mà vắng vẻ trước sau”
(Chim bạch câu – YL)
Và Chế Lan Viên:
“Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng
….Chao ôi! mong nhớ! ôi mong nhớ
Một cánh chim thu lạc cuối ngàn”.
(Xuân – CLV)
Nhà thơ Bùi Giáng khi đến Huế đã để lại hai câu thơ:
“Dạ thưa! xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”
Vâng! núi Ngự còn đó! Sông Hương còn đây!
Riêng tôi, ngoài sông Hương núi Ngự ra sẽ còn mãi những bức
tranh Thu của các thi sĩ tiền chiến khắc họa giữa bầu trời thi ca của Huế, Làm
chứng nhân cho hồn người - hồn nước của một thời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét