Thứ Ba, 9 tháng 5, 2017

Phá Tam Giang: Đầm nước vẫn còn mãi phơi thơ

Phá Tam Giang: 
Đầm nước vẫn còn mãi phơi thơ
“Mỗi người đều có một bài hát riêng cho mình nhưng đối với tôi thì bài tôi yêu nhất là một ca khúc phổ từ bài thơ của thi sĩ Tô Thùy Yên, Chiều Trên Phá Tam Giang…bài hát diễn tả tâm sự những người tình giã từ Sài Gòn ra đánh trận ở chiến trường Trị Thiên. Khi nói tới Phá Tam Giang thì người ta thường nhắc tới hai câu thơ “Thương em anh cũng muốn vô, sợ truông nhà Hồ sợ Phá Tam Giang.” Tam Giang là tên của ba con sông đã gắng liền với lịch sử, sông Ô Lâu, mở cửa mở rừng trên đồng phá, sông Bồ và sông Hương cùng phát nguồn ở ngã ba Sình rồi chạy tới tận Trường Sơn, tại đây là bóng dáng hùng vĩ của núi Ngọc Trản, của Hòn Chén, của đỉnh Mang, nối liền với Bạch Mã, với Hải Vân. Tất cả những nguồn nước dẫn về Phá Tam Giang, và trước khi chảy ra biển Đông thì biến thành một vùng nước xoáy như là nỗi nhớ của người tình dành cho người tình còn đâu đó ở trong khuôn viên thư viện của đại học..”
Tôi mượn lời trên của Việt Dzũng để vài giòng chuyến đi Phá Tam Giang của mình. Bài thơ “Chiều Trên Phá Tam Giang” tôi nghe sao ác tà mùi chiến tranh, không hiền hòa như một Tam Giang nước lặng sóng li ti tôi thấy trong một buổi sáng tháng Ba vừa rồi. Đầm nước vẫn còn mãi phơi những giòng thơ cô liêu khi Tô Thùy Yên “thấy trong lòng đời nở thật lẻ loi một cành mai nhị độ“.
Tôi tưởng Tam Giang xa thành phố Huế lắm, nhưng từ khách sạn Morin taxi đến Phá chỉ 7km qua đường Bà Triệu, xuống đường Tố Hữu, đụng đường vành đai một thành phố Huế, đoạn này được đặt tên là đường Tự Đức. Đến ngã tư Phú Mỹ thì đi tiếp đến làng Chuồn, tức là làng An Truyền,một hệ đầm trên Phá. May quá, đây đúng là nơi tôi muốn đến nên thầm cám ơn người anh đã mách đường cho. Từ bến đầm Chuồn, thuyền đưa chúng tôi vào phá, vừa rời bến thì tiến vào vùng nước mênh mông ngay.
Đẹp quá làm tôi mất bình tĩnh, cảm giác mênh mông bất tận đến ngơ ngác không ngờ trước cái kỳ lạ của đầm phá làm tôi loay hoay trên mạn thuyền, xoay mắt nhìn tứ phía. Từng hàng lưới thẳng, xéo bày khắp nơi trên phá như một trận địa. Nắng buổi sáng còn mềm nên nước lặng, chỉ có chiếc thuyền làm xao động những cây cọc soi bóng dưới nước mà thôi. Tôi thảng thốt, bàn tay người nào dựng lên những rừng lưới trùng điệp này thật đáng phục. Tiếng giải thích những nơi trên phá của người bạn đi cùng rất thông thái về lịch sử địa danh của Huế vang bên tai sau lưng tôi, nhưng tôi có nghe được đâu khi mắt và tai mãi dõi theo khung cảnh chung quanh mình.
Người ta nói nơi đây cò, vạc, sâm cầm bay trắng nước nên tôi nghĩ ngay đến ngày trở lại phải là một ngày có mặt trời lên và mặt trời lặn, từ bình minh đến hoàng hôn chắc phải đẹp lắm. Nhất định tôi sẽ trở lại, bởi vì tôi chỉ mới thấy một phần, nên mơ có ngày đi được từ nam chí bắc 30 dặm, từ đông sang tây 6 dặm của phá, dù khi nhìn lại những hình ảnh mình chụp, tôi phải đồng ý với bạn tôi sao trông xa xôi và hiu hắt. Ừ nhỉ, giờ tôi mới biết tại sao lòng chĩu buồn khi đi trên vùng nước mênh mông ấy.
Vùng ven biển Quảng Trị, Thừa Thiên có những đụn cát, người mình gọi là độn, hay trảng. Trên đó có cây thưa và cây bụi. Truông nhà HỒ theo các nhà nghiên cứu nằm gần làng Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, giáp với huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Nơi đây có bọn cướp ẩn núp cho nên dân chúng đi ngang qua đó sợ bị cướp.
Sau này quan Nội Tán Nguyễn Khoa Đăng đã đánh vào sào huyệt của chúng và dẹp yên vùng này. Cho nên có câu ca dao:
Phá Tam Giang ngày nay đã cạn
Truông nhà Hồ Nội Tán cấm nghiêm
(Trần Ngọc Bảo)
Chiều Trên Phá Tam Giang
www.youtube.com/watch?v=8jnuTy2afms 

Đợi Chờ. Photo: TongMai 
Chiều trên phá Tam Giang
Anh chợt nhớ em
Nhớ ôi niềm nhớ ôi niềm nhớ
Đến bất tận
Em ơi
Em ơi.
Giờ này Thương xá sắp đóng cửa
Người lao công quét dọn hành lang
Giờ này Thành phố chợt bùng lên
Để rồi tắt nghỉ sớm
Ôi Sài Gòn Sài Gòn giờ giới nghiêm
Ôi Sài Gòn Sài Gòn mười một giờ vắng yên
Ôi em tôi Sài Gòn không buổi tối.
Giờ này có thể trời đang nắng
Em rời Thư viện đi rong chơi
Hàng cây viền ngọc thạch len trôi
Nghĩ đến ngày thi tương lai thúc hối
Căn phòng nhỏ cao ốc vô danh
Rồi nghĩ tới anh
Rồi nghĩ tới anh
Nghĩ tới anh.
Giờ này có thể trời đang mưa
Em đi dưới hàng hiên sướt mướt
Nhìn bong bóng nước chạy trên hè như đóa hoa nở vội
Giờ này em vào quán nước quen
Nơi chúng ta thường hẹn
Rồi bập bềnh buông tâm trí
Trên từng đợt tiếng lao xao.
Giờ này thành phố chợt bùng lên
Em dòng lệ bất giác chảy tuôn
Nghĩ tới một điều em không rõ
Nghĩ tới một điều em sợ không dám nghĩ
Đến một người đi giữa chiến tranh
Lại nghĩ tới anh
Lại nghĩ tới anh
Nghĩ tới anh …
Có một đoạn cô liêu tôi trích từ bài thơ của Tô Thùy Yên:
Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Rực chiếu bao nhiêu giấc mộng đua đòi
Như những mặt trời con thật dễ thương
Sẽ rơi rụng dọc đường lên dốc tuổi
Mỗi sáng trưa chiều tối đêm khuya
Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Coi chuyện đó như lần đi tuyệt tích
Trong nước trời lãng đãng nghìn trùng
Không nghe thấy cả tiếng mình độc thoại
Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Thấy trong lòng đời nở thật lẻ loi
Một cành mai nhị độ
Thấy tình yêu như vận hội tàn đời …





















 
Photo: TongMai 
 Bến đầm Chuồn. Photo: TongMai
Đầm Chuồn Hội Quán. Photo: TongMai
Đầm Chuồn Hội Quán. Photo: TongMai
Thanh Liên, Mai.  Photo: TranNgocBao
Đầm Chuồn Hội Quán - Thanh Liên và Bảo. Photo: TốngMai
Đầm Chuồn Hội Quán - TranNgocBao, Mai
TranNgocBao, Mai
 Tống Mai
Theo https://thantrinhomhue.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuố...