Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Những mảng tối cuối đời nhạc sĩ tài hoa Thanh Bình

Những mảng tối cuối đời 
nhạc sĩ tài hoa Thanh Bình!
Trong sinh hoạt VHNT miền Nam 20 năm, dường như chỉ có một tác giả là nhà văn, trước khi trở thành nhạc sĩ, đó là nhạc sĩ Thanh Bình.
Nhạc sĩ Thanh Bình và ca sĩ Ánh Tuyết (Hình Bạch Mai)
Nhắc tới hai chữ “Thanh Bình”, có thể nhiều người không biết đó là ai? Làm gì? Nhưng nếu những người này được nghe lại một vài khúc nhạc, đẹp từ giai điệu tới ca từ của ông, nhiều phần họ sẽ nhận ra, đó là những ca khúc họ đã nghe qua, thậm chí đã ở lại và, từng hát thầm, hoặc hát theo ca sĩ. Như:
“…Con đường mình đi sao chông gai
Bước vào đời nhau qua bao nay
Em ơi! Em ơi! Sao đắng cay
Thôi dành vùi sâu tâm tư thôi
Hết rồi còn chi đâu em ơi
Hết rồi còn chi đâu em ơi”.

(Thanh Bình, trích “Tình Lỡ” (1)
Hoặc:
“Nghe như mùi hương xưa từ quá khứ đưa về
Lâng lâng hồn bay đi, lùi về xa dĩ vãng
Hay người xưa trong nắng thấy thu vàng mênh mông
Lá đò qua sông vắng mây mù trong mắt trong.
“Bao nhiêu thời gian qua đường nét đã phai mờ
Ôi bóng hình xa xưa chỉ còn trong quá khứ
Lâu rồi nhưng vẫn nhớ vẫn rong hồn bơ vơ
Cánh hồng bay theo gió chết đi còn tương tư…”

(Thanh Bình, trích “Tiếc một người”.(2)
Hoặc nữa:
“Những nẻo đường về đâu?
Bóng chiều chậm rơi bờ lúa nương dâu
Ôi những nẻo đường về đâu?
Ôi những nẻo đường về đâu?”

(Thanh Bình, trích “Những nẻo đường Việt Nam”).
Chẳng những có nhiều người không biết Thanh Bình là tác giả của những ca khúc vừa kể mà, đôi người viết về ông, cũng không biết rõ tiểu sử ông. Có người biết trước khi trở thành nhạc sĩ, Thanh Bình từng là một nhà văn khi còn rất trẻ. Nhưng những người này cũng không biết, ông có tác phẩm gì? Đã từng cộng tác với báo nào?
Phải đợi tới gần đây, đầu tháng Giêng 2014 vừa qua, bằng vào một bài viết từ lòng trân quý của nữ ca sĩ Ánh Tuyết, dành cho lớp nhạc sĩ đàn anh đi trước, lúc đó, người ta mới có được những hiểu biết cần thiết và cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa, nhưng bất hạnh vào cuối đời này.

Nữ ca sĩ Ánh Tuyết, trong bài viết của cô, cho biết:
“Nhạc sĩ Thanh Bình tên thật là Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1932, nguyên quán Bắc Ninh. Mồ côi mẹ khoảng 10 hay 11 tuổi sau vài năm cha mất. Ông có một chị và hai em gái. Nay chị và em gái út đã mất, còn cô em kế sống ở Pháp nhưng không có liên lạc gì. Năm 19-20 tuổi ông viết truyện dài Gió dập mưa vùi, Mình còn trẻ lắm. Khoảng 1952-1953, ông viết truyện ngắn và đưa tin văn hóa văn nghệ cho nhiều tờ báo: Tia Sáng, Liên Hiệp, Tin Sớm, Bình Minh, Văn Nghệ... với bút danh Thanh Bình. Nhạc sĩ Phó Quốc Thăng là cậu ruột của ông nhưng ông lại say mê cảm hứng học nhạc từ giáo sư âm nhạc Phạm Sửu tại Thanh Hóa. Từ năm 1950-1954, ông xuôi ngược các vùng miền Bắc Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Sầm Sơn, Hà Nội rồi sau đó vào Nam…” (Wikipedia - Tiếng Việt)
Bước vào nội dung chính của bài viết, ca sĩ Ánh Tuyết phác họa những đóng góp tinh thần của tác giả “Tình Lỡ”, khiến nhiều người trong chúng ta mắc nợ nhạc sĩ Thanh Bình một món nợ tinh thần lớn. Ca sĩ Ánh Tuyết nghiêm chỉnh đặt câu hỏi: “Đã mấy ai? Ngay cả các ca sĩ nổi danh, từng hái ra tiền nhờ hát những ca khúc của Thanh Bình, còn nhớ hay thoáng nghĩ về người nhạc sĩ đó?”
Trong chúng ta, những người từng mắc một món nợ tình thần với nhạc sĩ Thanh Bình, trước 1975, vốn đã biết rất ít về ông! Thì sau biến cố tháng 4-1975, chúng ta lại càng không biết gì về những khốn đốn, ngặt nghèo mà tác giả “Tiếc một người” đã và đang trải qua, nếu không có bài viết của ca sĩ Ánh Tuyết.
Người nữ ca sĩ nổi tiếng với bộ video nhạc Văn Cao nói riêng, nhạc tiền chiến nói chung, hiện ở Sai gòn ghi nhận:
“…Các tác phẩm của nhạc sĩ Thanh Bình được ông viết bằng cả tình yêu ngọt ngào, dung dị của hồn quê, tình yêu thương sâu sắc quê hương đất nước mình, với những cảm xúc đầu đời hồn nhiên của chàng trai lãng mạn, đau đến tận cùng những mối tình đã lỡ...
“Chỉ vậy thôi nhưng cũng quá đủ để đong đầy tình người hâm mộ dành cho ông. Âm nhạc của ông thật gần gũi với tâm tư tình cảm, đời sống con người qua các ca khúc mà ông đã âm thầm góp phần trong gia tài âm nhạc Việt Nam.
Sáng tác đầu tay của ông là ‘Những nẻo đường Việt Nam’ - viết từ tình yêu quê hương đất nước khi ông còn đang ở xứ Thanh: Những nẻo đường Việt Nam. Suốt từ Cà Mau thẳng tới Nam Quan. Ôi những nẻo đường Việt Nam. Ơ! Ta đắp đường làng ta. Nhắn ai đi, xin chớ quên quê nhà. Con đường về thôn vui quá! Tiếp đó, ‘Lá thư về làng’ cũng viết từ Thanh Hóa đã khiến bà con từ làng Thanh kéo đến thăm ông sau khi nghe Lá thư về làng qua làn sóng phát thanh của Pháp thời ấy. Với lời ca chân chất, cách dùng từ mộc mạc, cùng giai cảm đơn thuần nhẹ nhàng luyến thương sâu sắc, sao mà không đi thăm ông cho được: ‘Từ miền xa, viết thư về thăm xóm làng. Sắt son gửi trong mấy hàng. Thăm bà con dãi dầu năm tháng’... Hay một bức tranh quê rất Việt: ‘Em thơ ơi! Có còn học hành sớm tối? Áo nâu tươi, gái làng còn che môi cười. Và đàn bò còn nghe chim hót lưng đồi...’
“Ông có hàng loạt tác phẩm nổi tiếng đáng nhớ đã lần lượt ra đời trong những thập niên 1950, 1960 và 1970 của thế kỷ trước như: Tiếc một người, Chiều vàng trên sóng, Còn nhớ hay quên, Ðừng đến rồi đi, Gặp gỡ duyên nhau, Hợp đoàn mà ca lên, Mưa qua sông, Kẻ ở (thơ Quang Dũng), Bông súng đồng quê, Thương nhau hát lý qua cầu...
“Nổi tiếng nhất vẫn là ‘Tình lỡ’ - bản tình ca đã được nhiều thế hệ ca sĩ Việt Nam cất cao tiếng hát chinh phục trái tim khán giả mộ điệu, đã biết bao nước mắt, nụ cười xúc cảm theo lời ca. Cái thời khắc phân ly kẻ đi người ở đã để lại cho đời một tác phẩm mà mãi đến bây giờ hầu như ai ai cũng biết, cũng nghêu ngao thấm thía đến từng từ của cái phận đời đen bạc:
“Thôi rồi, còn chi đâu em ơi!
Có còn lại chăng dư âm thôi
Trong cơn thương đau men đắng môi
Yêu rồi tình yêu sao chua cay,
Men nào bằng men thương đau đây
Hỡi người! Bỏ ta trong mưa bay
Phương trời mình đi xa thêm xa
Nghe vàng mùa thu sau lưng ta
Em ơi, em ơi thu thiết tha”...

“Bài hát ông viết cho chính cuộc đời mình và cho một cuộc tình đẹp không phần kết. Họ lạc nhau khi đất nước chia cắt để rồi trọn đời ly biệt. Những cuộc tình ấy, người con gái ấy đã theo đuổi nỗi nhớ trong ông đến tận bây giờ…” (4).
Chú thích:
(1), (2), (3) dactrung.com
(4) Nđd.

Tình lỡ
Thanh Bình - Lệ Quyên
Du Tử Lê
Theo http://chutam.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...