Chiếc taxi
màu trắng sữa vượt lên cây cầu bê tông mới bắc qua sông. Một vùng đảo trũng như
một cái thúng khổng lồ bên trong bày đặt bao nhà cửa, làng mạc và những cánh
đồng hiện ra trước mắt Thanh Giang. Trong cái thúng ấy có một địa chỉ mà cô
đang tìm về. Đấy là quê Biên, cô mới biết qua lời anh kể. Đã nửa tháng nay,
Biên nghỉ việc để về chăm bố, vì căn bệnh ung thư gan của ông đang giai đoạn
cuối. Ngồi trong xe, Thanh Giang nôn nóng mong đường ngắn lại. Quãng giờ nữa
thôi cô sẽ đặt chân xuống ngõ nhà anh. Cô và đứa con trai vừa tròn một tuổi sẽ
được cả nhà anh và dòng họ công nhận. Nhưng rồi cô lại bâng khuâng, muốn thời
gian dãn ra để lấy bình tĩnh ứng xử trước những người xa lạ.
Từ giã mảnh
đất nghèo vùng quê trung du, từ giã mái nhà bố mẹ chia tay nhau, chỉ vì mẹ cả
tin, ăn nằm với tay chủ nhiệm HTX để hắn trừ nợ bẩy tạ thóc lưu cựu bấy lâu...
Tý Giang trốn ông bà nội ra vùng mỏ Đông Bắc kiếm sống. Đầu tiên là những ngày
Giang đi bán kem, rồi hoà với bọn trẻ đánh giày, bán báo, bán vé số từ các nơi
tụ về xóm Liều bến Cây Si ven thành phố biển. Bữa đói bữa no. Lăn lóc và lang
thang. Nhưng vui và ồn ào y một tổ chim hoang. Có điều khác với đám trẻ đi làm
về chỉ cốt lăn ra ngủ, tối nào Tý Giang cũng tìm chỗ xem tivi và theo dõi hết
các tập phim truyện. Sớm hôm sau, mở mắt là cô bé đã thao thao thuật lại cho
cái Chiên, thằng Việt hoặc cả bọn cùng nghe và còn bình phẩm rất chi ra đầu ra
đũa. Nên bọn trẻ còn gọi Tý Giang là “Giang ti vi”.
Vốn sẵn
thông minh, “Giang ti vi” ngày càng lanh lợi, khôn ngoan trong mọi việc kiếm
sống. Tính Giang sòng phẳng, lôi thôi nói ngay, sẵn sàng giúp đỡ, chở che bạn.
Cô bé từng lao vào can thiệp, dẹp bọn “ma cũ”, đứng ra bênh vực những đứa trẻ
mới đến. Đồ tồi! Cùng một cảnh “Cô Zét, Giăng Van Giăng” với nhau, chúng mày
phải biết cụm lại mà sống chứ! Khi dàn hoà được chúng thì đầu Giang đã mọc liền
mấy quả táo mọng. Giang được bọn trẻ nể phục. Rất tự nhiên, thành thủ lĩnh điều
việc cho cả nhóm. Giang luồn lỏi khắp các ngóc ngách khai thác việc làm. Cái
dáng thoăn thoắt và tiếng nói trong trẻo của Giang đến đâu cũng dễ khiến mọi
người gần gũi. Rửa bát, lau nhà, dọn cống, giặt giũ cho người già, người ốm...
cô nhận tuốt, rồi nhanh chóng gọi bọn trẻ tới. Giang dặn bạn bè: - Muốn đều đăn
công ăn việc làm, trước hết chúng bay phải làm sạch sẽ đến nơi đến chốn và đặc
biệt phải sống đẹp, thực thà, không được tèm nhèm, tắt mắt của ai. Đứa nào
“phạm luật”, đừng có trách tao không nói trước! Nhiều đứa từng thấy nhẫn, kính,
tiền trong bếp, trong toilét nhà chủ, đều không dám động tới. Dân phố biết
tiếng tăm càng quí “Giang ti vi”.
Kiếm được
tiền, Giang chắt bóp gửi về nuôi ông bà đang yếu mỏi ở quê. Được tin bố lấy vợ,
mẹ đi lấy chồng khác, Giang càng chán ngán, chỉ còn lấy cuộc mưu sinh và đám
bạn làm vui. Những bữa xì xụp húp vội bát mì ăn liền lấy sức chống
chịu với cái đói dài dặc dạt theo công việc. Những bận chạy bọn nghiện săn đuổi
cướp mấy đồng vừa kiếm được... Những ngày con trai con gái ăn ngủ tùm lum, trêu
chọc nhau, khóc đấy cười đấy... thoắt chốc qua mau. Bím tóc đuôi gà dần toả dài
xuống đôi vai. “Giang ti vi” không còn vẻ lem luốc của cô bé bán kem nữa. Chân
tay trắng tinh như củ sắn mầm! Bọn con trai phố bắt đầu chỉ trỏ, ngấp nghé nhìn
trộm. Hình như có một cô gái rực rỡ, kiêu sa nào đó nhập vào cái Tý Giang sau
một đêm thoát xác? “Giang ti vi” đã thành cô Thanh Giang, một vầng trăng bất
ngờ mọc lên ở xóm Liều... Cái cây lớn lên từ cái mầm bé tẹo. Cái mầm bé tẹo
vượt qua những oặt uẹo, lấm láp mà vô tư nhắm trời xanh vươn lên. Nhưng khi cái
mầm bắt đầu khoe lá nhú búp thì quanh nó xuất hiện bao con mắt thèm khát cùng những
cơn mưa giông xối xả! Mười bốn tuổi, Giang đã chạm một tình huống bất ngờ khi
một lão chủ nhà bảo dọn buồng tắm trên tầng ba. Để ý Giang từ sớm, hắn ra ra
vào vào giả đò tìm áo mặc, rồi thình lình ôm chặt lấy cô, ép vào sát tường. Cố
giãy giụa, mãi không thoát, Giang liền luồn tay bóp nghiến “bộ ấm chén” của
hắn. Hắn rã rời, đổ sụp trên nền gạch hoa như một đống thịt. Sợ quá, Giang chạy
vột xuống tầng dưới. Gặp bà chủ đi đâu về, cô trấn tĩnh được ngay: - Cháu trót
làm vỡ bộ ấm chén... Bà lên mà xem. Cháu không làm cho bà nữa đâu! Vừa lúc lão
chủ thập thễnh bước xuống đầu cầu thang, mặt còn tái mét: - Thôi, bà trả tiền
cho nó. Có vỡ viếc gì đâu!... Chạy thoát, Giang mới hoàn hồn nghĩ không hiểu
sao mình lại có thể nhanh trí như vậy?
Điện thoại
di động chợt reo. Thanh Giang biết ngay Biên gọi: - Hai mẹ con đến đâu rồi em?
– Đến một ngã ba, xe đang vào ngả rẽ phía nam... - Đấy là ngã ba Minh Thành
trên đường về phố huyện Quảng Yên... Bố và cả nhà đang đợi em!...
Xe lướt êm
trên Quốc lộ 10 mới nâng cấp. Mặt nhựa tím xẫm dưới nắng. Theo cảnh vật hai bên
đường, những mảnh quá khứ cứ lặng lẽ mở ra, trôi hun hút về đằng sau... Những
đêm về khuya. Những ngày đi vắng. Những tối hẹn hò, dạo chơi trên bãi biển.
Những cuộc du hý trên những con tàu lênh đênh ngoài vịnh Hạ Long... Tất cả như
những tố chất kích hoạt cho cô gái nở nang và xinh đẹp. Nhưng cũng chính những
thứ ấy lại khiến cô sành sỏi và chai sạn, đến lọc lõi như người đang áp dụng
một trò đùa của tạo hoá. Những nhân vật gái giang hồ trong những bộ phim truyền
hình được dịp cô đem ra thể nghiệm. Với khuôn mặt ngời ngời trời phú, Thanh
Giang rất kịp thời nạp cho mình vốn ngoại ngữ tự học, thạo cả tiếng Trung và
tiếng Anh giao tiếp. Cô sắm những mốt quần áo rất thời thượng với cách ăn mặc
đài các của con cái những nhà giàu có, quyền quí. Thanh Giang như một đoá hoa
lạ xuất hiện trên bờ biển. Nhiều gã trai muốn hái mà không dễ tới gần bởi cách
ứng xử dẻo hoạt, nói năng bạo dạn, kiêu kỳ đến lạ lùng của cô. Cao ngạo và phớt
lờ bọn trai tơ, Thanh Giang chủ ý làm quen, bắt cặp với những đàn ông có hạng,
giàu có và quyền thế. Đôi mắt tinh anh luôn biết ném cái liếc lúng liếng vào
đúng lúc, đúng chỗ khiến nhiều bậc mày râu ngẩn ngơ, chết lặng. Nhưng cô cũng
rất ranh mãnh cảnh giác như con gà phải cáo, luôn biết cách thôi miên đưa con
mồi vào tròng và biết cách thoái lui. Sau mỗi cuộc chơi, Thanh Giang bao giờ
cũng để lại trong lòng bọn đàn ông “đồ cổ” những tiếc nuối, thèm
khát và đau đớn, đến nỗi khi gặp lại, họ phải ngậm hờn, nửa cười nửa mếu khó
thốt ra. Trong đám bạn, Chiên là người thường được Thanh Giang trút bầu tâm sự.
Dù khuya đến đâu, cô cũng tìm về ôm Chiên ngủ. Chiên từng thủ thỉ khuyên can:
- Không ngờ
mày thay đổi và nanh nọc ghê quá! Theo tao đừng nhẫn tâm như vậy! Đàn ông thật
đáng thương. Nhưng cũng thật đáng gờm! Tao sợ mày đứng trước vực thẳm! Hãy biết
ngồi nghỉ trước khi xuống dốc. Hãy tìm một chỗ nương thân đi mày ạ!... Thanh
Giang vỗ đồm độp vào lưng bạn:
- Yên tâm
đi. Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào. “Từ bi cũng một oản, nhăm nhăm cũng một
oản”. Như mày chưa hẳn đã chắc bíu gì đâu! Còn tớ ấy à? Giang tếu táo cầm tay
Chiên ấn vào chỗ kín: - Còn nguyên! Giá siêu cao đấy! “vốn tự có” của tao không
phải chuyện đùa! Tao có cách của tao, một nhà thám hiểm và nghiên cứu tâm lý
bọn dê già! Con rắn phải biết dùng chiếc răng độc của nó!
- Đời không
đơn giản như mày nghĩ. Với tao, qua những va đập, nghiệm ra rằng: Đấy là một
hỗn hợp khao khát, là những góc bí ẩn cần khám phá và khai thác. Đằng sau vẻ
đạo mạo cổ cồn calavát, nói năng như thánh như tướng của mấy cha ấy, thường là
những mưu mô giành giật, chia chác và bè phái, kể xấu nhau; là những con quỉ
phong tình, dâm đãng và rỗng tuếch. Cha nào càng nói hay, càng khoe sĩ, tao
càng đưa vào tầm ngắm và dồn “công lực”. Nhất là các lão vợ “quá đát”. Họ khát
tình. Thì ta khát tiền. Tiền của họ không phải từ mồ hôi nước mắt, họ không
tiếc. Ta phải rút nó bù vào nơi nước mắt mồ hôi của những người cơ cực đổ ra.
Nếu nhà tao không nghèo, không nợ, mẹ tao không bị lão chủ nhiệm lừa, thì đâu
xảy nỗi tan đàn xẻ nghé? Nhưng phải láu cá khép nhanh màn kịch giữa chừng. Nếu
sơ đễnh sẽ “nỏ thần vô ý trao tay giặc” như bỡn. Khi chiếm được thân xác mình,
chúng sẽ gieo những ân hận, những chát đắng kinh hoàng! Mày tin không? Một lần
tao gặp một lão trưởng phòng tài vụ một Công ty nọ trên bãi biển Tuần Châu. Bữa
tiệc trưa, tiếp tao giữa ba quân, hắn lờ đờ y con chuột ngày say thuốc. Vậy mà
đêm... hắn háu như cọp, vồ nghiến tao, hỏi: - Có “Nguyên đai nguyên kiện”? Tao
liền vạch ngực ra. Tròn căng như đôi cồn cát trắng phau không vết chân thú! Loá
mắt. Sướng rên. Hắn xỉa luôn cho tao một triệu. Nhét túi đã! Cho hắn vần thoả
thích bên ngoài, chốc sau tao mới rút “trong ấy” ra tấm băng Kôtêx nhoè nhoẹt,
đỏ lòm. Hắn thụt người lại...
Thanh Giang
cười ngặt nghẽo: - Mày ơi! Biết không em? Đấy là thuốc đỏ tao tẩm vào từ trước,
lừa hắn: “Thông cảm đi mèo cưng. Em đang kỳ... Hẹn mai nhé! Cơm chưa ăn gạo còn
đó. Được hông?” Sau đêm ấy, có mà lên giời mượn thang mới tìm được tao! Giọng
Thanh Giang say sưa, giòn kháy, như thuật lại một chuyện vui nào đó của người
khác. Rồi Thanh Giang kể về tay giám đốc một Công ty xuất khẩu Thuỷ sản từng bị
cô hút hồn trong một chuyến tàu du lịch trên vịnh Hạ Long: - Ông ta tuổi trạc
đầu năm đít sáu, nhưng hào hoa, ga lăng lắm. Tao xuất hiện. Ông ta một chút bối
rối, mặt bỗng đỏ rực và tự nhiên bốc giọng nói róc đủ thứ chuyện như một cô
đồng. Cao hứng, đọc cả thơ, rất diễn cảm những câu thơ tình quen tai dài lê
thê. Bọn đàn em vỗ tay tán thưởng không dứt: “Hôm nay sếp nhà mình nghệ sĩ
quá!”...
Suốt nửa
ngày tàu du ngoạn trên vịnh, gã giám đốc lân la bám riết Thanh Giang. Cô vẫn tỏ
ra thờ ơ, tư lự nhìn phía chân trời xa có những đám mây sà sát mặt biển. Gương
mặt đượm buồn. Trông càng đẹp. Giám đốc hỏi: - Vịnh biển nên thơ thế kia mà
hình như em không vui? - Lúc cháu xuống tàu, tuột mất chiếc nhẫn! Chán quá chú
ạ! – Ấy, sao lại “cháu”? Xã hội hoá đi em, cho vui. Anh xin làm người đền được
không?... Thế rồi, sau ánh nhìn lửa cháy của Thanh Giang, gã cuống cuồng nịnh
đầm không hề ý tứ: - Ngày xưa bên Tàu, nàng Điêu Thuyền có đôi mắt xiêu đổ cả
thành quách. Hôm nay anh gặp em có đôi mắt “giết người”! Đôi mắt dìm thuyền
trên cạn! Thanh Giang e thẹn: - Dạ, sếp quá lời! Cháu đã có ai “chết” đâu! -
Đấy, lại cháu rồi! Em tên gì? - Giáng Thanh! - Ôi cái tên thật đẹp. Tiếng của
trời rơi xuống! Chắc là hát rất hay? - Thử xem!... Cô đặt tiếp một cái liếc
dài. Đôi môi nở nụ cười mộng mị và bí ẩn.
Chiều tàn,
ông giám đốc xì xầm trao đổi với tay “đệ tử” đi cùng, bảo hắn cho
anh em đi dạo thoải mái trên vịnh đảo, sáng mai quay tàu lại đón. Ông ta tha
thiết mời Thanh Giang vui lòng rời tàu xuống một nhà bè ven chân núi hát
karaoke. Cô lưỡng lự. Trăm năm mới có dịp này em ơi! Đừng bỏ phí thời gian và
tuổi trẻ như một con tàu chở đầy vàng đang từ từ bị kẻ đời lấy mất! Đêm sóng
sánh trong căn phòng hẹp khá đủ tiện nghi, sang trọng không kém phòng nghỉ
khách sạn trên bờ. Tiếng nhạc quyện vào tiếng hát. Mùi nước hoa loại đắt tiền
sực nức cùng mùi mực nướng, tôm nướng thơm phức không gian. Gã hát hay ra phết.
Giọng vang và trầm, rất phong tình. Bài hát về biển. Gã cố ý nhấn nha câu
hát: “Mà sao nàng lại không yêu. Chê tôi nghề biển hồn treo cột
buồm...” Đột ngột, gã ghì chặt Thanh Giang, hổn hển: - Giáng
Thanh! Anh yêu em! Trời sắp đặt cho anh hôm nay mới được gặp em! Anh muốn em là
của anh mãi mãi! - Cưng bỏ vợ để lấy em, hay biến em thành cơm nguội? –
Không... Không thể... Vợ anh là một cái khoá cực nhạy. Lại có công cứu anh chết
đuối trong một canh vỡ nợ khi chưa lập Công ty... Hiện, anh là cái máy hái tiền
của bà ấy! Anh muốn cả hai, nhé? – Tham thế, chịu sao nổi? Cặp em khổ nửa đời!
– Khổ mấy cũng chịu được! Làm sao khổ bằng thời chiến tranh?... Sau những cái
hôn tấp cập lên vòm ngực trắng ngần, mát rợi son phấn, gã nhét vào xắc của
Thanh Giang một xấp tiền “cạo râu”...
- Mày ạ! Về
tao đếm lại mới biết ngót ba triệu đồng! Chưa từng thấy! Đủ biết lúc đê mê, bọn
đực già chẳng tính toán gì sất! - Đúng lúc cao trào nhất khi gã trườn tay xuống
bụng dưới khiến tao phát nhột, suýt ngã xuống ghế đệm, tao phải cố chịu và liền
nhăn nhó: - Hượm đã anh! Em tức nỗi buồn... Em đi tháo nước trong lòng em
ra! Gã buông vòng ôm: - Ư... anh đợi. Nhanh lên! Tao vội vã ra toilet cuối nhà
bè, chụm tay gọi nhỏ chiếc thuyền nan đang bán hàng tạp phẩm gần đó. Nhanh như
sóc, tụt xuống những thùng hàng và bảo cậu bé chèo biến vào biển đêm...
Hoàng hôn
treo trên thành phố bên bờ vịnh một bức tranh sơn dầu phết vội. Những mảng màu
sáng tối hắt nhoè nhập lên nhau. Thanh Giang cưỡi chiếc xe máy Jupitơ sang Cẩm
Phả thăm Thẩm và Chiến trong nhóm bạn cũ đã xin được việc làm tại một Công ty
chế biến gỗ cao cấp. Đến đoạn cổng Thư viện tỉnh, tự nhiên cô có cảm giác ớn
lạnh khi thấy hai gã đeo kính râm ngồi cúi trên xe máy đậu dưới gốc cây phượng
vĩ chợt ngóc đầu dậy nhìn theo. Thanh Giang lướt qua. Trong kính chiếu hậu, cô
thấy chúng vù xe, bám sát ngay đằng sau. Linh tính mách bảo sẽ có chuyện. Cô
lượn chậm, chúng cũng chậm. Cô rướn ga, chúng cũng rướn ga. Hai bên lừa miếng
nhau vượt lên và liên tục cầm cự trong khoảng cách rất ngắn. Đây là bọn nào
định trêu ghẹo hay hãm hại mình? Có lẽ chúng cố ý chờ đoạn phố vắng nào đó sẽ
gây sự? Dưới ánh đèn đường loang loáng, Thanh Giang lờ mờ nhận ra khuôn mặt
bánh đúc với đôi mắt lươn của thằng đi trước quen quen. Hình như đã gặp nó ở
đâu? Phải rồi, thằng cha đi cùng lão giám đốc trong một chuyến tàu trên vịnh,
mà cô từng cho lão trượt vỏ chuối dưới nhà bè! Chưa kịp suy tính né tránh thì
thằng đi đầu đã xáp Thanh Giang và vọt xe chặn đằng trước. Cô tăng ga. Thừa dịp
ấy, nó ngoặt tay lái chèn ngang. Một tiếng “rầm” trên quãng phố đèn mờ. Thanh
Giang rú lên, ngã soài trên mặt đường, bất tỉnh...
Đầu óc Thanh
Giang u u minh minh như có hàng trăm con ve sầu kêu inh ỏi. Một bóng áo xanh
thẫm cúi xuống: - Cô tỉnh lại chưa? - Anh là ai? -Tôi là người đưa cô vào viện.
Cô bị tai nạn xe máy. - Không! Không phải tai nạn. Nó định giết tôi. Tôi không
trêu ghẹo ai! Chúng cố ý hại tôi! – Mọi sự tính sau. Cô cần phải khỏe lại
đã! - Nhưng anh ở đâu mà cứu tôi? – Tôi ở Công ty xếp dỡ tàu biển,
gặp cô người một nơi xe một nẻo. Cô nằm sóng soài bê bết máu. Còn chiếc xe máy
bẹp róm dưới lòng đường. Một tẹm nữa trong đêm tối, ôtô chạy qua sẽ nghiền nát
cô!
- Trời ơi!
Chúng định giết tôi! Quân khốn nạn! Em cảm ơn anh nhiều!
Thanh Giang
hồi phục dần. Chiều nào anh cũng vào bệnh viện thăm cô, đem cho cô những bộ
quần áo mới để thay trút và ngồi bên nói chuyện đến tận khuya cho cô vợi nỗi cô
đơn. Gương mặt anh phong sương nhưng ánh vẻ trẻ trung. Đôi mắt lấp lánh hiền và
tươi tắn quá chừng. Giọng nói nằng nặng, hơi ngọng các vần của thổ âm vùng
biển, toát vẻ chất phác, đôn hậu, thật dễ mến. Anh bảo quê anh ở một làng ven
cửa sông, có những mái đình, mái chùa cổ kính rêu phong, có những chàng trai
chèo thuyền rất giỏi, những cô gái cấy lúa và đan lưới dẻo như múa. Đêm trăng,
trai gái hò đối nhau rung rinh cả sông nước. Cảnh quê thật thanh bình. Về nơi
ấy, em sẽ lạc vào một vùng cổ tích...
Ban đầu,
Thanh Giang còn nói giấu anh: Em ở thành phố Hải Phòng sang thăm người nhà. Anh
không hỏi thêm, nhưng ánh nhìn đã đoán được đằng sau những điều cô nói. Cô cố
gắng gạt hình bóng anh ra ngoài trí nhớ. Lạ thay, càng gạt bao nhiêu càng như
kéo gần lại bấy nhiêu. Ngày xuất viện, cô nén lòng:
- Anh đừng
quan tâm em nữa! Mãi biết ơn anh. Em khoẻ rồi. Em tự về... Chưa nói hết câu,
Thanh Giang đã bật khóc. Mọi ngày cứng rắn, nanh nọc thế mà giờ đây trước anh,
sao cô lại mềm yếu, nghẹn ngào? Cô đã dối anh. Cô hiện hữu ở ngay thành phố
này. Một bông hoa theo gió. Mặt đất dưới chân mà như ở nơi nào giữa đại dương.
Cô sẽ về đâu? Nhà cô ở đâu? Cho đến lúc này, Thanh Giang vẫn không cho Chiên và
nhóm bạn biết tai hoạ của mình. Cô không muốn phiền lòng chúng nó.
- Anh hiểu
cả rồi! Anh sẽ đưa em về Công ty anh. Nơi ấy rất vui và đang rất cần người! Anh
nắm tay cô bóp nhẹ. Bàn tay chuyền sang cô hơi ấm lạ kỳ, như có một luồng điện,
một luồng sinh khí chạy râm ran khắp cơ thể. Hơi ấm thực sự đàn ông ấy chưa bao
giờ Thanh Giang gặp được trong đời. Như có ai xui khiến, cứ thế cô kể với anh
về đời cô trong nước mắt như thể con chiên thú tội trước tượng Chúa. Anh nhìn
cô, đầy nỗi xót xa chia sẻ, rồi an ủi: - Mỗi người một cảnh ngộ em ạ! Đời sẽ bù
đắp cho em. Bây giờ cứ về chỗ anh đã. Toàn anh em cả thôi. Một gia đình những
người thợ, những người thuỷ thủ, như cùng núm ruột của mẹ. Họ sẽ rất thương em!
Sẽ có việc cho em làm kẻo buồn và tin rằng năm tháng sẽ trở nên ý nghĩa. Con
thuyền phải có bến đậu chứ em!...
Đường làng
những đoạn bê tông xuống cấp, xóc băm băm. Điện thoại di động lại reo. Tiếng
Biên hối thúc: -Đến đâu rồi em? – Dạ! Qua cái làng có đường dừa xanh biếc hai
bên! - Sắp đến làng anh rồi đó. Quá ngôi đình, em bảo tài xế rẽ tay trái! – Bố
yếu lắm hở anh? – Chỉ còn chờ em và con!...
Chiếc taxi
lắc nghiêng người khi lượn vòng vào một đoạn cua ngắn. Thanh Giang trầm ngâm
buông suy nghĩ theo chùm hoa lá bằng nhựa treo ở góc cửa kính chiếc xe lắc qua
lắc lại. Giá đời người như chùm hoa lá kia. Sắc màu cứ tươi thế mãi! Nhưng, nếu
vậy thì cũng thật nhàm chán, vô cảm! Trời cho ta tuổi xanh như chiếc lá, cánh
hoa thiên nhiên. Tươi non đấy, đậm sắc đấy, song lại nhanh chóng dạn dĩ và đổi
màu. Già nua và tàn phai. Cô đơn và trống trải... Rồi đây cuộc đời mình sẽ ra
sao? Nếu cứ diễn mãi trò săn mồi bắt bóng, say theo những cú chơi ú tim với bọn
đàn ông háo sắc? Và nếu không gặp anh? Đến bao giờ mình mới có giây phút vừa
hồi hộp lo lắng vừa lâng lâng hạnh phúc như thế này?
Biên sốt
ruột đi ra đi vào. Trong nhà, người đến hỏi thăm mỗi lúc một đông Các ông bà,
chú bác trong dòng họ đang định liệu mọi thứ chờ tình hình xấu của bố Biên sẽ
đến. Căn bệnh nan y hành hạ bố hàng tháng trời nay trong đau đớn. Ba ca “tia”
hoá chất tại bệnh viện K, rồi trả về, rồi thiên hạ nói đâu xâu đấy. Biên chạy
thuốc thang tận Bắc Ninh, Hoà Bình... Hàng trăm triệu bạc ngốn theo! Sự sống
vẫn “kịch đường tàu”. Bố đang thở hắt ra. Mẹ con Thanh Giang vẫn chưa về kịp?
Hơn năm
trời, ông Dặm kiên quyết chống lại quan điểm của Biên khi biết Biên cố tình yêu
và đòi lấy một cô gái xuất xứ không đẹp đẽ gì. Ông đập luôn chiếc ấm sứ xuống
mặt bàn. May mặt bàn lại gỗ phoóc, nên không vỡ: - Nhà đàng hoàng thế này, anh
không thể rước về một con bé người thiên hạ tứ chiếng!...
- Nhưng...
Chúng con yêu nhau. Con rất hiểu cô ấy... Cô ấy là một cô gái tốt, giàu nghị
lực, tự mình kiếm sống, dám vượt qua mọi chông gai... Chẳng qua chỉ vì hoàn
cảnh đưa đẩy. Với con, ngoài tình yêu, cô ấy còn thật đáng thương...
- Nếu vậy,
tự lo lấy! Tôi coi như không có anh!... Ông dứt khoát.
Mẹ Biên lau
nước mắt: - Thôi con cứ về cơ quan... để thư thư mẹ thuyết phục bố con! Chứ
ngay bây giờ trời không chịu đất, đất chẳng chịu trời, hỏng việc con ơi!.
Biên đón
Thanh Giang về cơ quan ra mắt bạn bè. Mọi người gom góp thêm cho hai người mua
lại căn nhà nhỏ trước đây làm kho chứa vật tư của Công ty ở cuối bến sát bờ
biển. Căn nhà được sửa chữa và đôi trẻ dành thời gian trang trí khá đẹp mắt,
không đến nỗi nào. Biên xin cho Thanh Giang vào một chân bán hàng giải khát ở
căng tin của Công ty. Cả ngày bận rộn, Thanh Giang làm việc rất tháo vát, thông
minh. Những lúc tĩnh tâm, cô bắt đầu nhận rõ mùi hương dịu nhẹ, tinh khiết của
những chùm hoa dại đâu đó ven đồi, ven bờ biển theo gió đêm thoảng vào căn
phòng nhỏ. Giữa những hỗn hợp của phiên chợ đời đầy rẫy cạnh tranh, lừa đảo,
dục vọng... đang lúc nhúc nhào trộn mà Thanh Giang từng nếm trải, bỗng bật ra
cái làn hương thật thanh tao. Biên! Chính anh là làn hương đó, Thanh Giang đã
cảm thấy từ bệnh viện? Anh, trong sáng và nhiệt tình, chân thật và cao cả, đến
nỗi cô nghi ngờ sao cõi đa đoan lại có người tốt đến vậy? Nhưng cô cũng không
khỏi chạnh buồn khi biết gia đình Biên không chấp nhận danh phận. Đời đâu dễ
dàng cảm thông những cô gái như mình! Nhưng tình yêu nồng nàn đã khiến cô xua dần
đi cảm giác chơi vơi, tủi thân. Thế rồi bé Kết ra đời. Con trai! Ông Dặm vẫn
không động tĩnh gì.
Từ ngày nghỉ
hưu, hai ông bà rời thành phố, về quê ở. Ông Dặm trở nên sống lãnh đạm, khe
khắt, đa nghi. Tính hào hoa, vui vẻ, hay nói hay cười một thuở biến đâu mất. Hễ
vợ con trái ý là ông nổi đoá, cục cằn, đập phá ngay mọi thứ. Ông tiếc đau đáu
cái thời sau chiến tranh, đến cơ được vinh thân phì gia thì đời lại nhanh quá.
Khi còn đương chức đương quyền, suốt ngày đêm dập dìu xe nọ xe kia đưa đón,
tiệc tùng đãi đằng đủ thứ. Bè bạn vây quanh như ruồi đậu bánh đa kê. Lúc về
vườn chẳng thằng chó nào nhòm ngó. Có ngày truyền thống Công ty gặp mặt hằng
năm, thì ai nấy ăn vội ăn vàng. Ghét cái bọn công chức mới toe thời nay chỉ
chạy rông hết bàn này bàn khác nâng cốc, cụng ly, tâng bốc lẫn nhau. Lắm lúc
đang nhồm nhoàm nhai xé miếng thịt gà, chúng giơ cốc sát mũi đòi “keng”. Không
thể nào tránh được, phải trếu tráo nuốt, suýt nghẹn... Bây giờ về quê, cái tuổi
“trẻ chưa qua già chưa tới” ra đình ra đám với dân làng chả biết làm gì cho
phải. Chân tay cứ lóng ngóng dư thừa. Thôi đành sà vào chiếu tổ tôm. Trò mới
tập, đâm ham như phải gái, nhưng thua liểng xiểng. Chả lẽ lấy vỏ ốc đem chơi?
Lương hưu cùng sổ tiết kiệm bay vèo vào cuộc mua vui. Càng thua, càng khó tính...
Trong nhà
Biên là lớn. Giá nó nghe lời khi ông còn ghế giám đốc, biết đâu nó sẽ kế tục
chỗ ngồi. Đằng này, mãn lính về nó lại ra tỉnh vào thẳng Công ty xếp dỡ. Nó
muốn tự đi bằng con đường của riêng mình. Còn cái Bình em gái nó đang học cấp
ba, suốt ngày lủi như trạch. Cho nên cảnh nhà ông giờ mới lỡ dở thế này. Ngoài
lục tuần ông vẫn chưa mụn cháu nội! Thấy ông trái nết, bà Đan cũng bỏ ra chùa
gia nhập hội Qui tụng kinh gõ mõ. Ngôi nhà cổ được trùng tu, nâng tảng, cột gỗ
đánh dầu bóng loáng. Toà cao tầng mới như một quả núi mọc lên giữa xóm. Hai cơ
nghiệp bề bề cạnh nhau đầy đủ tiện nghi, mà ông vẫn thấy quạnh vắng, thiếu một
thứ gì đó rất khó tả. Phải rồi, tiếng trẻ con! Giá có chúng nó quấy khóc thì
vui biết bao! Nhìn mấy thằng cha hàng xóm cũng tuổi mình bế cháu ra giếng rửa
đít mà thèm!
Đột nhiên
ông đổ bệnh. Phải ngay căn bệnh quái ác! May sao có cô em gái vượt
biên giờ định cư ở Canađa, khá giàu có, gửi tiền về. Chứ không keo này sạt
nghiệp từ tám hoánh. Lúc gần đất xa trời, lòng con người ta dịu lại. Ông nhớ
tới Biên và con bé thiên hạ chưa được quyền ông cho cưới. Chúng đã có một đứa
con trai. Biên khẳng định như đinh đóng cột con nó là dòng máu nhà ông, không
ai khác! Vợ ông đã ra thăm, về bảo: -Thằng bé như tạc! Giỏ ai quai ấy! Như vậy
là tông giống nhà ta vẫn còn! Ông đã có cháu nội! Nén cơn đau, ông gọi Biên
đến, thều thào:
- Biên ơi!
Thông cảm cho bố! Con có thương bố không?
- Dạ!
- Thế thì
con... gọi vợ con... đem... thằng cháu về đây cho bố!...
- Còn
nhưng... nhưng gì nữa? Anh hận bố anh ư?
- Không!
Nhưng ý con... Di động đây, con gọi xong, muốn bố nói trực tiếp cho Giang nó
tin. Vâng, Giang nó sẽ nghe bố... về càng nhanh hơn...
- Còn phải
thế nữa ư?
Ông nhìn con
trai như van xin. Biên bấm máy trao đổi nhanh với Giang: - Em bế con về
ngay.... Bố rất cần nhìn thấy cháu nội ngày hôm nay. Đây bố đây! Em nói chuyện
với bố nhé!... Ông yếu ớt cầm chiếc điện thoại di động từ tay Biên đưa tận tai,
vừa nghe vừa nói đứt quãng: -Con dâu à? Con về... cho cháu... về... gặp... ông
nội... nghe... con... Chiếc điện thoại tuột tay. Ông ngất xỉu. Cả nhà hối cập
cấp cứu. Một lúc lâu, ông hồi tỉnh, mở mắt nhìn xung quanh, thều thào: - Mẹ con
nó đâu? Chưa về ư? - Sắp bố ạ!.
Ngoài ngõ
chợt nhốn nháo. Chiếc taxi rì rì đỗ sững lại và tắt máy. Một phụ nữ trẻ bế đứa
con trai rất kháu khỉnh chui ra khỏi xe. Cả xóm đổ lại như xem hội:
- Ôi! Vợ chú
Biên! Đẹp gái quá! -Thằng cu mới giống bố làm sao! Như lột ấy!
Biên phấn
khởi chạy ra giang hai tay đón cả hai mẹ con: -Ôi Mạnh Kết! Papa nhớ con quá!
Sao chậm thế em?
- Sợ cảnh
sát giao thông bấm bằng, lái xe không dám chạy nhanh! Em cũng sốt ruột quá! Bố
tỉnh không anh?
- Bố tỉnh
táo. Đang đợi mẹ con em!
Thanh Giang hồi
hộp bước vào sân. Bà Đan đón bế thằng bé, vừa đi vừa hôn chùn chụt lên đôi má
bầu bĩnh, rồi đến bên giường đặt nó ngồi cạnh ông Dặm:
- Ông ơi!
Cháu nội ông về đây này! Cu Kết lạ lẫm khóc u ơ, với với hai tay về phía mẹ.
Ông kịp giơ tay bế nó lại vào bụng mình, âu yếm:
- Trời ơi!
Cháu tôi! Cháu ông đây, mà ông từng làm ngơ... Tha lỗi cho ông cháu nhé! Ông
gật gật đầu: - Con dâu đâu lại gần đây!... Thanh Giang sụt sịt, muốn khóc. Lau
khóe mắt, cô lúng túng đến bên giường, lễ phép: - Dạ! Thưa bố con đây ạ! Bỗng
cô sững lại. Vừa lúc ấy, ông Dặm nhìn lên, gặp gương mặt sáng ngời, xinh đẹp.
Tự dưng ánh mắt ông loé đầy kinh ngạc, rồi thoắt tối sầm. Tiếng ông vỡ vụn vào
không gian nóng bức:
- Trời... ơi...! Sao... lại...?.
- Trời... ơi...! Sao... lại...?.
Thanh
Giang cũng bất ngờ kêu lên:
-
Trời ơi! Ông giám đốc! Ông giám đốc!...
Cô xốc vội thằng
bé chạy ra ngoài, gục ngã ngay trước cửa chiếc taxi.
Dương Phượng Toại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét