Cho đến bây giờ dù đã sống ở Sài Gòn hơn 30 năm nhưng khi nói
chuyện với tôi, nhiều người – thậm chí cả người quen … hơi bị lâu - vẫn rất ngạc
nhiên khi biết tôi là “người Nam bộ” bởi chất giọng Hà nội “đặc sệt” của tôi…
Nhớ lần đầu về quê ở An Giang và Cao Lãnh sau ngày giải phóng, khi nghe tôi
thưa gửi bà con nội ngoại đều kêu lên “nó nói tiếng gì không phải tiếng Việt
mình…” làm cho tôi vừa buồn cười lại vừa tủi thân! Thật ra, trường hợp “người Nam giọng
Bắc” như tôi không phải là cá biệt.
Vào những năm 1954 - 1955, hàng ngàn người con Nam Bộ theo sự
điều động của cách mạng đã tập kết ra miền Bắc, với niềm tin và hy vọng chỉ sau
hai năm sẽ được trở về quê hương yêu dấu. Ba má tôi cũng nằm trong số đó. Và
không ai có thể hình dung được rằng mãi hai mươi năm sau mới lại được đặt chân
về đôi bờ Đồng Nai, Vàm Cỏ, Cửu Long… Hai mươi năm, một thế hệ mới đã kịp ra đời
và lớn lên ở Hà Nội - miền Bắc, đó là thế hệ chúng tôi. Nhưng trước chúng tôi
còn có thế hệ sinh ra trong những năm kháng chiến chống Pháp ở bưng biền miền
Tây hay chiến khu miền Đông. Phần lớn anh chị chúng tôi theo ba má tập kết ra
miền Bắc rồi được sống và học tập trong các trường “học sinh miền Nam” ở Đông
Triều, Hải Phòng và ở cả Nam Ninh, Quế Lâm bên nước bạn Trung Quốc. Sống giữa
thầy cô, bạn bè là người Nam bộ nên thế hệ anh chị tôi cho đến khi về lại Sài
Gòn vẫn nói “giọng Nam Bộ”, tuy cũng có “lai” chút ít!
Còn thế hệ của tôi ngay từ 2-3 tháng tuổi đã vào nhà trẻ, đi
mẫu giáo rồi học phổ thông ở Hà Nội hay nhiều vùng quê khi đi sơ tán. Láng giềng,
bạn bè, thầy cô, người thân hay sơ… hầu hết là người Hà Nội. Và như một tất yếu,
chúng tôi trở thành người Hà Nội – ít nhất là ở giọng nói Hà Nội
Hà Nội – miền Bắc, đó là tuổi thơ của tôi, tuổi thơ nghèo khó
nhưng thật sự êm đềm, thật sự “thơ”. Có thể nói rằng nền tảng văn hóa cơ bản của
tôi được hình thành ngay từ khi ấy. Đó là vốn tri thức tiếp thu từ nhà trường,
sự hiểu biết từ cuộc sống, là cách ứng xử tinh tế, quan hệ chân thành của người
Hà Nội … đã là những yếu tố góp phần tạo nên tính cách một con người. Mà lạ
thay khi ở Hà Nội tôi thường “bị” nhận diện là “con gái miền Nam”. Lúc ấy
tôi vẫn nghĩ là do mình không có được làn da trắng trẻo và vóc dáng tròn trịa
như các bạn gái khác. Nhưng sau này tôi hiểu còn một nguyên nhân khác, đó là
tính cách và lối sống người Nam bộ đã được ba má di truyền lại cho
tôi và may mắn thay, sự tiếp thu văn hóa từ giáo dục, từ cuộc sống hay từ di
truyền, ở tôi hình như không mâu thuẫn.
… Trong ký ức của tôi Hà Nội là những sớm mùa đông lạnh giá,
theo tàu điện leng keng tôi đi từ Chợ Hôm qua đền Voi Phục đến trường
Yên Hòa ở tận Cầu Giấy; là buổi tối mùa hè ran tiếng ve kêu cùng bạn bè kéo
nhau lên Tràng Tiền thi ăn kem cốm … Hà Nội với tôi còn là ngày 18 tháng 12 năm
Bảy Hai, ba tôi đưa tôi qua cầu phao Chương Dương, một mình đạp xe đi sơ tán với
đôi mắt má tôi đỏ hoe đứng ở đầu cầu dõi theo; là những ngày cuối tháng Tư năm
Bảy Lăm, cả khu tập thể cùng chia vui với gia đình tôi theo bước chân của đoàn
quân giải phóng Sài Gòn… Hà Nội với tôi là đêm mùa thu tràn hương hoa sữa, cùng
bạn bè lang thang khắp nơi để chia tay vì ngày mai tôi sẽ trở về quê hương chưa
một lần tôi được biết…
Những năm gần đây tôi thường về lại Hà Nội vào mùa thu. Vẫn
những con đường thoảng hương thơm dịu dàng của cốm, thoáng màu xanh ngọc bích của
hồng, vẫn cheo leo gác nhỏ cà phê bên Hồ Gươm mờ sương sớm… dường như tuổi thơ
của tôi, tình yêu của tôi vẫn còn đâu đây, để rồi mỗi lần chia xa Hà
Nội lại một lần ngậm ngùi, thời gian đã trôi qua không trở lại….
Vậy mà sao chiều nay hoa vẫn vàng đến nao lòng như thế, cúc
ơi…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét