Khoảng lặng trong tiếng đàn
Người tu khi quý vật gì thì xem vật đó là tri kỷ, nâng niu hết
mình. Qua con mắt thiền lực đôi lúc làm cho vật đó trở thành sống động, sống động
mà không mang một cái Ta nào cả. Thực thực hư hư, hư hư thực thực.
Khi người ta đàn cho mình nghe mình không chịu nghe, để hôm
nay bỗng muốn nghe một tiếng đàn mà không có người đàn. Đời lắm khi lạ, cái gì
nó nằm trơ trơ trước mắt mình không biết quý, đến khi nó đi đâu mất mình lại đi
tìm. Con người sinh ra có con mắt để nhìn, cái miệng để nói, cái tai để nghe,
nhiều lúc mình không biết nghe lại đem cái tai đi nghe tầm bậy. Có cái tai biết
nghe kinh, biết thưởng thức âm điệu tiếng đàn đáng lắm chứ!.
Thỉnh thoảng những chiều mưa, chiều nắng tôi hay ghé đến một
ngôi cổ tự để nghe tiếng đàn của người bạn. Nhớ câu chuyện thế này. Có một người
nghệ sĩ lên chùa thăm nhà sư. Khi lên, gặp lúc nhà sư đang ngồi thiền mặt quay
vào tường, người bạn hiểu ý, không muốn phiền nên lặng lẽ lấy cây bút vẽ một
chiếc đàn rồi bỏ về. Chuyện không có gì mà cây đàn trở thành linh vật. Mỗi lần
gió thổi thì âm thanh tiếng đàn vang lên khắp chùa nên gọi là Náo Linh Sơn, làm
động chùa.
Bạn tôi thích đàn. Mỗi lần bạn ôm chiếc đàn dường như quên hết
mọi chuyện xung quanh. Bạn nhắm mắt say sưa phiêu cùng tiếng đàn. Tôi tự cảm nhận
bao ngũ quan của bạn đều đặt trong sự chú tâm từng nốt nhạc cung bậc thanh âm.
Trông bạn với khuôn mặt ốm nhỏ, thân hình gầy gò hiện lên nét u hoài khắc khổ
qua làn kính cận của người tri thức chân tu. Bàn tay xương sóc là bàn tay tài
hoa. Từng ngón ấn vào là bao ngữ điệu trần gian lên tiếng.
Tôi thích hát nhưng không có giọng hát. Thích đàn lại không
có khiếu đàn. Được cái khi ngồi với bạn là tôi đủ tự tin để hát cho bạn đàn. Bạn
cứ bảo tôi hát đi, hát nghe được lắm, hay mà. Thực ra, tiếng đàn của bạn hòa lẫn
chất khàn quê mùa của tôi là tôi nghe giọng tạm được. Chỉ khi bạn đàn tôi mới
can đảm hát. Bởi tiếng đàn réo rắt theo tôi chứ tôi không hề theo âm tiết nhịp
điệu của đàn. Song không kém gì tiếng hát của Viễn Du. “Bàn tay em năm ngón
ru trên ngàn năm. Trên mùa lá xanh ngón tay em gầy nên mãi ru thêm ngàn năm”
(Trịnh Công Sơn). Có lần bạn nói với tôi: “ Mình thích đàn cho một ai đó hát, nếu
không là tự mình hát cho chính mình. Giọng mình không hay như ca sỹ, được cái
nó là của mình, và chính mình phải thích nghe cái giọng của mình, không cần người
khác thích! Nghe câu nói tôi mới nhận ra những khi bạn vừa đàn, vừa hát, vừa dừng
lại trầm ngâm, đó là lúc khoảng lặng riêng của chính bạn. Trong một bản nhạc
bao giờ cũng có những dấu lặng, mà dấu lặng là hiển thị đỉnh cao của nghệ thuật.
Vì không có dấu lặng bản nhạc không còn là bản nhạc. Dấu lặng tạo ra sự rung cảm
làm cho lời ca và ca từ có khoảng cách nhịp điệu cân xứng giúp người nghe có
thì giờ để chiêm nghiệm cảm nhận cái hay, cái đẹp của từng vận từng lời.
Tôi không nghĩ bạn chơi đàn hay hơn nhiều nhạc sĩ tài
ba khác. Nhưng tôi quý bạn ở cái nghiêm túc và tôn trọng tiếng đàn trong khi
chơi đàn. Người tu khi quý vật gì thì xem vật đó là tri kỷ, nâng niu hết mình.
Qua con mắt thiền lực đôi lúc làm cho vật đó trở thành sống động, sống động mà
không mang một cái Ta nào cả. Thực thực hư hư, hư hư thực thực. Đọc “Những điệp
khúc cho dương cầm” của thầy Tuệ Sỹ cũng là thực thực hư hư. Hư và thực là hai
khía cạnh đồng tồn tại ở trần gian này. Điệp khúc cho dương cầm là tiếng nói
tinh hoa siêu việt đưa lòng người đi từ thế giới vô hình về thế giới hữu hình,
hay hữu thanh xuất phát từ cõi vô thanh. Tất cả đều là dấu lặng, nốt lặng, khoảng
nghỉ để người nghệ sĩ thực thụ thả hồn vào thanh âm.
Rồi phím đàn lơi lỏng;
Chùm âm thanh rời, ngón tay rát bỏng
Chợt nghe nguyệt quế thoảng hương
Điệp khúc chậm dần theo dấu lặng. (Tuệ sỹ)
Sự tỉnh thức một người nằm ngay sau dấu lặng. Thời Bụt có thầy
sa môn ban đêm tụng kinh Di Giáo của Bụt Ca Diếp. Giọng nghe buồn, áo não, đượm
đầy căng thẳng hoang mang. Bụt biết và hỏi: “ Trước kia ở nhà thầy làm nghề
gì?- Dạ, con tấu nhạc gảy đàn. Dây đàn chùng thì sao? - Dạ, tiếng khàn đục âm
vang không ngân nga. Dây đàn căng thì sao? – Dạ, âm thanh đứt đoạn. Dây đàn
không căng, không chùng thì sao?- Dạ, thì khi gảy lên âm rền vang réo rắt, nghe
rất hay. Bụt dạy: người tu cũng giống như thế, đừng vội vàng hấp tấp cũng đừng
lười biếng giải đãi. Nếu hấp tấp thì thân mỏi mệt, mỏi mệt thì ý phiền não, phiền
não dẫn đến buồn chán thụt lùi. Nên phải biết quân bình thân tâm để lòng luôn
yên vui thanh tĩnh.
Bụt là nhà đại nghệ sĩ tài ba chân chính, qua tiếng đàn thấy
lòng người, đưa người về khoảng lặng, khoảng lặng tâm linh, khoảng lặng thanh
tĩnh, khoảng lặng của đạo.
Người tu cũng chỉ cần hai từ “thanh tĩnh”. Trong sáng
và tĩnh lặng ở đâu, nơi đâu đều phải có. Mất khoảng lặng là cuộc sống mất ý
nghĩa. Qua tiếng đàn của bạn tôi hiểu, đời tu chỉ là khoảng lặng trong tiếng
đàn.
Hồng Bối
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét