Đưa tiếng đàn bầu đi khắp nhân gian
Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Anh Tú độc tấu đàn bầu trên sân khấu
Nhà
văn hóa Diên Hồng (TP Tuy Hòa) - Ảnh: Y.LAN
Bị ép học đàn bầu từ năm 8 tuổi, sau đó ngộ ra và gắn bó với
nhạc cụ một dây này cho tới bây giờ, Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Anh Tú đã buồn vui
cùng những giọt đàn đầy mê hoặc, đã trút tâm tư vào suối âm thanh và nhận được
sự đồng cảm của khán giả khắp nơi.
Những ai từng xem chương trình biểu diễn của Nhà hát Ca múa
nhạc Thăng Long (Hà Nội) tại TP Tuy Hòa hẳn đều khó quên tiết mục độc tấu đàn bầu
của Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Anh Tú. Đó là màn biểu diễn thể hiện sự sáng tạo kết hợp
với kỹ thuật điêu luyện. Và những tràng pháo tay giòn giã đã vang lên.
* Các nghệ sĩ thường dùng tiếng đàn bầu để thể hiện những bản
nhạc Việt trữ tình sâu lắng, còn anh độc tấu “Tình đất đỏ miền Đông” và một nhạc
phẩm nước ngoài với phong cách mới mẻ, khác lạ. Từ đâu mà có sự khác biệt đó,
thưa anh?
- Tiếng đàn bầu rất ngọt ngào, tình cảm. Ca khúc “Tình đất đỏ
miền Đông” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn và “Hãy nói lời êm dịu” - nhạc nước ngoài -
cũng đều rất tình cảm; đặc biệt là nhạc phẩm thứ hai rất mượt mà, nói về tình
yêu - đề tài muôn thuở. Tôi chọn “chất liệu” đấy và độc tấu với phong cách mới,
trẻ trung. Muốn có phong cách ấy thì phải tập luyện rất kỹ mới thể hiện được.
Cây đàn bầu xưa kia gắn với những người mù hát xẩm. Thế thì
mình nhắm mắt vẫn chơi được, cần gì phải nhìn nữa, đúng không? Từ chỗ ngồi chơi
đàn, tôi chuyển sang đứng, lại còn nhún nhảy, xoay bên này bên kia. Tôi nghĩ
khán giả không chỉ cảm nhận tiếng đàn mà còn xem biểu cảm của người nghệ sĩ, từ
đó tôi có phong cách này khi chơi nhạc nhẹ. Đến khi biểu diễn các tiết mục dân
gian thì tôi lại mặc áo dài, đội khăn xếp, ngồi chơi đàn như các cụ ngày trước.
* Vì sao anh lại chọn đàn bầu mà không phải là một nhạc cụ
nào đó thịnh hành và dễ diễn tấu hơn?
- Việc này là do bố tôi. Tôi học đàn từ năm 8 tuổi, lúc đó
chưa có ý thức gì về các nhạc cụ nhưng bố tôi cứ bắt học, mà phải là đàn bầu.
Khi vào nhạc viện, tôi “phát hiện” có nhiều nhạc cụ trông ấn tượng hơn, hấp dẫn
hơn, nào là kèn, nào là violon, piano… Tôi học vài năm thì bắt đầu chán, vứt
đàn lia lịa rồi giả vờ bảo rằng nó bị vỡ. Đến khi biểu diễn cho khách nước
ngoài xem và họ “nhảy dựng” lên vì thích thú, tôi mới thấy giá trị của cây đàn
bầu, chứ còn năng khiếu và sự nhanh nhạy thì mình đã có từ bé.
Sau này, mỗi khi ra nước ngoài biểu diễn, tôi nhận thấy đàn bầu
rất được trân trọng. Với bạn bè quốc tế, chúng ta thường đưa đàn bầu ra “khoe”,
vì đó là một nhạc cụ độc đáo của người Việt. Sau khi ngộ ra, tôi càng tìm hiểu
chuyên sâu thì càng say mê đàn bầu.
* Chơi đàn bầu rất khó, vì chỉ có một dây. Theo anh, đâu là
thử thách lớn nhất của nhạc cụ này đối với những người “trót” mê nó?
- Hát thì có lời, ca sĩ truyền cảm xúc bằng lời. Đàn bầu chỉ
có tiếng mà chơi giống như hát thì thà rằng người ta nghe hát. Phải thể hiện,
luyến láy trên cả hát thì người ta mới thấy đáng nghe. Và bên cạnh kỹ thuật còn
phải xây dựng phong cách biểu diễn. Nếu đứng một chỗ chơi đàn thì chưa cuốn hút
người xem.
- Tôi có những lần thử nghiệm với cây đàn bầu. Hồi đó còn
nghèo, tôi còn đi xe đạp. Tôi ôm đàn về đầu làng, ngồi nơi quán nhỏ và chơi đàn
khi người dân quê đi làm đồng. Tôi chơi đến bài thứ năm, thứ sáu và nhận ra người
ta thích dân ca, thích những bài quen thuộc; chơi càng ngọt ngào thì họ càng
thích. Tôi chơi đến bài thứ bảy thì có một ông cụ trong làng mời về nhà, mổ gà,
nấu cơm mời ăn để tôi chơi cho cả nhà nghe, cả xóm nghe. Tôi nghiệm ra: Muốn
chinh phục người lao động thì tiếng đàn phải thể hiện những gì thân thuộc, gần
gũi với họ. Đấy là một kỷ niệm.
Biểu diễn ở nước ngoài thì nhiều, song tôi nhớ nhất là lần biểu
diễn trước Kissinger vào năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết và ông
ta đến Hà Nội. Một chương trình biểu diễn được tổ chức, có thiếu niên tham gia
và có tiết mục độc tấu đàn bầu. Trong 4 người học đàn bầu khi đó, 3 bạn kia
toàn được điểm 10, còn tôi toàn điểm 8 vì nghịch nhiều, không chịu học. Hôm ấy
3 bạn điểm 10 chẳng may ốm cả, tôi được thay vào. Hai cô giáo đưa đi, lo cho
tôi từ chiếc khăn quàng đỏ cho đến đôi dép. Tôi chơi bài “Con kênh xanh xanh”.
Qua đêm diễn đấy, tôi nhận ra tiếng đàn bầu rất đặc biệt, rất được trân trọng
và bắt đầu có ý thức học hành. Tôi cảm ơn bố đã ép tôi học đàn.
* Xin cảm ơn anh!.
Nghệ sĩ Hoàng Anh Tú sinh năm 1963, quê ở Phú Thọ. Cùng cây đàn bầu, anh trải qua 15 năm học ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), từ sơ cấp đến đại học. Sau khi tốt nghiệp, anh gắn bó với Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long cho đến bây giờ. Anh là một trong các nghệ sĩ vừa được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Lễ phong tặng sẽ diễn ra trong tháng 1/2016.
YÊN LAN (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét