Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

Nỗi lòng "Người cầm thước"

Nỗi lòng "Người cầm thước"
Người làm quan thì cầm cân nảy mực, người làm trọng tài thì cầm còi, người sống nghiệp viết lách mệnh danh là người cầm bút, còn sống nghề "gõ đầu trẻ", nghề giáo chúng tôi, cũng ví von một câu hóm hỉnh cho ra vẻ chữ nghĩa là "người cầm thước". Mà khi nói đến 'thước', người ta thường nghĩ đến “thẳng”, đến “chuẩn mực”, (mặc dù thực tế có nhiều loại thước chỉ dùng để vẽ đường cong!). Liệu rằng, lương tâm của những người sống trong ngành giáo giục ngày nay, trên đất nước Việt Nam này, có còn được thảnh thơi, đơn sơ, hay bị giằng xé, khổ đau trước những thay đổi? Người thầy giáo, cô giáo có còn giữ được phẩm chất/tư cách cao quý xứng đáng với nghiệp "trồng người"?
Trên các diễn đàn, các phương tiện truyền thông, ta đã nghe nói quá nhiều về các vấn nạn giáo dục – một nền giáo dục không có triết lý nhân sinh, không hướng đến phát triển con người toàn diện nhưng chỉ nhằm đào tạo ra những "con người công cụ". Một nền giáo dục mất cân bằng, khinh suất về đức dục và kỹ năng sống, nhưng lại nặng về khoa bảng, thi cử, tạo áp lực quá lớn cho học sinh, sinh viên, và lại xa rời thực tiễn..., vân vân và vân vân. Những điều ấy, thiết tưởng những người có mối quan tâm đều hiểu rất rõ. Thế nhưng, khi đối diện hằng ngày với những gương mặt non nớt nhưng đã phải nặng trĩu, cằn cỗi, phờ phạc vì sách vở, lòng tôi không khỏi xót xa. Xót xa hơn, khi các em bị áp đặt một chương trình học quá nặng nề, không có thời gian vui chơi, nghỉ ngơi, thì tự bên trong, các em hình thành một phản ứng tự nhiên là  kháng cự lại. Sự phản kháng ấy thể hiện ở thái độ ngang ngạnh, ngỗ nghịch, chống đối, bất hợp tác với cha mẹ, thầy cô. Tệ hại hơn, các em lén lút tìm thú vui trong những trào lưu không lành mạnh và độc hại của xã hội. Các em đang bị đánh cắp tuổi thơ, đánh cắp sự trong sáng hồn nhiên của tuổi học trò, và bị đánh cắp cả những ước mơ tử tế, những nhân cách đúng đắn để trưởng thành.
Ai là "kẻ cắp"? Trách nhiệm nặng nhất thuộc về chủ trương, chính sách. Thế còn những bậc cha mẹ, thầy cô giáo thì sao? Trong hoàn cảnh "lực bất tòng tâm", "tay ngắn không với tới trời", chúng ta đã làm gì để đồng hành, nâng đỡ con em? Chúng ta có đủ kiên nhẫn, đủ tình thương để cư xử với các em cách nhân ái, độ lượng, để bù đắp lại những lỗ hổng từ nền giáo dục, hay chúng ta giận dữ, hằn học, trừng phạt đối với những thái độ phản kháng của các em? Làm cho các em - những nạn nhân bé nhỏ yếu đuối của chúng ta - cảm thấy không được thấu hiểu yêu thương, bị bỏ rơi, bị xa cách bởi chính những người lẽ ra rất thân thương với mình. Sự thiếu vắng tính nhân bản trong giáo dục mấy mươi năm qua, cứ như một hố đen, một vết thương hằn sâu trong tính cách người Việt, nhất là người Việt trẻ - có thể nói đó là một xu hướng tuy không phải là của tất cả nhưng rõ ràng đang tác hại rất nhiều người. Vết thương ấy làm cho người ta đôi khi xử sự thiếu tính nhân văn một cách vô thức. Nhưng thật buồn thay, khi những người đứng trên bục giảng – những người có tầm ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách của trẻ – đôi khi lại không ý thức được những hành vi thiếu tính nhân văn của mình. Những lời "mắng chó chửi mèo", những lời xúc phạm đến nhân phẩm học sinh và phụ huynh đây đó vẫn tuôn ra từ miệng thầy cô giáo. Những cái tát tai nảy lửa, những cái xách ngược tóc mai, hay những kiểu trừng phạt học trò bằng cách ném thước xuống đất rồi bắt các em nhặt lên như kiểu người ta diễn xiếc thú..., những hành vi ấy không thể không làm chúng ta đau lòng! Một thứ văn hoá đay nghiến, thù nghịch, phản giáo dục lại diễn ra ngay trong môi trường giáo dục!
Một nền giáo dục thiếu triết lý nhân sinh còn dẫn đến một hệ lụy khác: giáo dục bị thương mại hoá, quan hệ thầy - trò có lúc trở thành quan hệ bán - mua kiến thức. Cái cao đẹp, nhân nghĩa, đức độ của người thầy dần dà không còn được cân đo bằng hiệu quả của việc truyền đạt và cảm thụ kiến thức nữa - cả với thầy, cả với trò và cả với phụ huynh. Đó là điều đáng lo ngại, và nó đã và đang diễn ra xung quanh chúng ta.
Là một giáo viên gần hai mươi năm trong nghề, tôi vẫn tin vào tâm hồn trẻ thơ. Cho dù vật đổi sao dời, cho dù tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá..., có biến động đổi thay thế nào đi nữa, thì những tâm hồn ấy vẫn luôn nhạy cảm với yêu thương, vẫn luôn rung động trước những điều thiện hảo. Những tâm hồn ấy cần lắm sự nâng đỡ chở che, cần lắm những hơi thở ấm áp của cha mẹ, những tiếng thì thầm ngọt ngào của thầy cô. Những tâm hồn ấy luôn cần những cây cao bóng cả để ngước nhìn, để hướng mắt lên bầu trời cao rộng. Ta có đủ đức độ để làm một cây cao bóng cả bên cạnh các em? Nếu không, thì ngàn lời nói hay cũng trở nên vô nghĩa!
Tôi đang đối diện với một bi kịch của "người cầm thước": tôi biết các em đang hứng chịu một nền giáo dục tồi tệ, khuyết tật; tôi biết các em đang chịu áp lức quá lớn trong việc hấp thụ kiến thức; nhưng chính tôi, hằng ngày tôi phải làm công việc như một cái ống máng, một băng chuyền để dẫn những "thức ăn" vô vị, vô bổ đó vào tâm trí các em. Và chính tôi đã thúc ép các em cố "nuốt". Tôi cũng buộc phải làm như thế với chính các con của tôi. Bởi nếu không, tôi e rằng những học trò thân yêu, cũng như những đứa con của tôi, sẽ bị "chết yểu", bị ngoặm nuốt bởi những thực tại hung ác của xã hội trước khi chúng trưởng thành.
Có người bảo tôi phải can đảm "vứt" nền giáo dục này qua một bên, thà là thất học, bất tài, còn hơn có học mà thất đức, để rốt cục trở thành những kẻ chỉ giỏi phá nát xã hội! Ý kiến đó cũng có cái lý của nó, nhưng tôi không tin nó đúng toàn diện. Bởi kiến thức khoa học là khách quan và cần thiết giúp con người và xã hội phát triển. Chúng ta phải xây dựng cái thiếu, chứ không thể vì cái thiếu mà hủy hoại luôn những cái đang có. Vả lại tôi phải có niềm tin và hy vọng để sống. Tôi tin Thiên Chúa và những điều thiện hảo của Ngài vẫn hiện diện giữa thế gian. Ngài vẫn cho tôi gặp gỡ những gương mặt Thiên Sứ nơi cõi đời đầy sự dữ này. Những Thiên Sứ ấy sẽ góp phần thay đổi thế giới trong ân sủng của Ngài. Tôi tin những ai thành tâm thiện chí sẽ được dẫn dắt, nâng đỡ và cứu độ. 

Tôi phải cố giữ những học trò bé nhỏ của tôi trên ghế nhà trường. Thà để cho các em bận bịu với sách vở, còn hơn để các em sa vào những cám dỗ chết người. Chỉ cần lơ là một chút, không bắt kịp kiến thức, các em sẽ nản chí buông thả luôn. Tôi không am tường về mảng tệ nạn xã hội, nhưng tôi hãi hùng khi nghe chính miệng học trò kể về những lần tụm năm tụm bảy vào quán trà sữa phì phà hút si-sa, một dạng chất gây nghiện nhẹ rất "hot" với giới trẻ ngày nay. Những làn khói xanh khiến tâm trí lâng lâng, những hương thơm nhè nhẹ quyện hút hồn người. Một đám gái trai là đà, sóng sánh trong hơi say giữa căn phòng máy lạnh ấm cúng, nệm ghế êm ái. Chuyện gì sẽ xảy ra sau đó? Khi si-sa không "đủ đô", quán trà sữa không đủ ấm thì các em sẽ chạm đến thứ gì và sẽ đi đâu?
Thiển nghĩ cần có một cái nhìn sâu sát, toàn diện, đầy trìu mến yêu thương để nâng đỡ các em. Và cũng cần có những hiểu biết đầy đủ về những nguy cơ xã hội đang đợi chờ, rình rập các em, để từ đó, các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo có sự quan tâm đúng mực hơn nữa đến con em của mình. Và có lẽ trên tất cả, các em cần những gương mẫu sống động, những lời nói, việc làm cụ thể giàu tính nhân văn, chuyển tải những giá trị cao đẹp của sự thật, tự do, công bằng, yêu thương, để từ đó, các em nhận ra một sự thật trọn vẹn nơi chính mình: ta là một con người cao quý chứa đựng nhiều chiều kích, có thể xác, linh hồn, có lương tâm, tình cảm, có lý trí, ý chí, có khả năng mở ra với Đấng siêu việt và là một con người độc nhất vô nhị. Con người ấy đáng được trân quý và gìn giữ. Đừng giản lược, đừng cắt xén, cũng đừng lãng quên các chiều kích ấy. Đừng để một ngày kia, khi biết nhận ra các giá trị nhân bản và thánh thiêng ấy,  thì phải đau đớn ân hận một cách muộn màng!.
Mẩu Bút Chì
Theo http://www.conggiaovietnam.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cà phê vườn Hà Nội - Cho một ngày suy nghĩ

Cà phê vườn Hà Nội Cho một ngày suy nghĩ… Cà phê Hà Nội mà dung từ “uống” nghe có vẻ thô tục và không đúng. Cà phê Hà Nội là cái khoảng th...