Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Ám ảnh đêm trong thơ Ly Hoàng Ly

Ám ảnh đêm trong thơ Ly Hoàng Ly
Tôi thật sự bị mê hoặc mỗi khi nghe câu hát "Người đàn bà dấu đêm vào trong tóc" trong bài Khúc Mùa Thu của nhạc sĩ Phú Quang phổ thơ Hồng Thanh Quang. Lời hát ấy gợi cho ta nhận ra nỗi cô đơn và đau khổ tột cùng của thân phận người phụ nữ mà đại thi hào Nguyễn Du đã xa xót thốt lên trong tác phẩm Truyện Kiều nỗi tiếng của mình:
Đau đớn thay phận đàn bà
Nỗi mê hoặc nầy đã khiến tôi giật mình khi nhận ra sự ám ảnh đêm trong thơ Ly Hoàng Ly mà nếu làm một phép thống kê đơn giản ta cũng nhận biết được điều ấy.
Trong tập thơ Cỏ Trắng của Ly Hoàng Ly (xuất bản 1999), nếu tính những bài thơ trong đó có sử dụng từ đêm thì có 14/38 bài. Đó là các bài: Tiếng đàn đêm, Đi tàu đêm, Hát đêm, Ngựa đêm Bắc Hà, Đêm mùa xuân tình duyên, Mưa hát, Sợ, Khắc hoạ, lời cuối đông, Gọi duyên, Chỉ là tình yêu, Hồng tro, Giấc mơ, Lời thì thầm cho anh.
Tỉ lệ ấy được tăng dần trong tập thơ Lô Lô ( xuất bản 2005) với các bài thơ có sử dụng từ đêm là 27/38 bài. Đó là các bài: Chiều im im, Đêm chảy lên trời, Mỏng mòng mong, Đêm là của chúng mình, Sóng đêm, Ngoặc đơn trong đêm, Đêm và anh, Mở nút đêm, Lụt đêm, Đêm trong vườn, Đêm về đi để sáng, Khúc đêm, Nửa đêm, Trầm cảm, Discotheque, Tôi muốn, Mobile phone, Lô Lô, Gáy, Cắt, Tranh Trinh Lê, Người trong tranh, Người đàn bà và căn nhà cổ, Thuật ướp xác, Ăn xin hạnh phúc, Performance photo.
Thật vậy, chỉ nhìn vào những thông số nêu trên, ta có thể cảm nhận được hình tượng đêm xuất hiện trong thơ Ly như một tín hiệu thẫm mỹ. Đêm đã trở thành một thế giới nghệ thuật chứa đựng trong đó những dự phóng của nhà thơ. Hay nói một cách siêu thực chính Ly là người gọi hồn cho đêm.
Đêm trong thơ Ly không còn là thời gian vật lý mà đã biến thành một dòng ý thức. Đó là một thực thể linh động luôn gắn với một quan niệm về nhân sinh, về cái đẹp. Chính điều này đã tạo nên nét riêng trong thi pháp thơ Ly.
Tôi chưa làm một thống kê đầy đủ để biết trong thơ đương đại Việt Nam có nhà thơ nữ nào sử dụng từ đêm trong thơ nhiều như Ly. Nhưng chỉ cần nhìn vào tần số từ đêm xuất hiện trong thơ Ly, có thể khẳng định đêm trong thơ Ly đã trở thành một thủ pháp nghệ thuật mang tính quan niệm. Đêm trong thơ Ly là đêm của tiếng gọi tâm linh, một tâm linh cựa quậy, sinh động trong hành trình đi tìm bản thể của chính mình. Đó là đêm của tiếng đàn "nhẹ khuấy không gian" tan chảy vào tâm hồn tạo thành một cộng hưởng sâu sắc làm cho thi nhân không còn cảm giác mình đang hiện tồn mà đã tan chảy trong vũ trụ đêm.
Màn đêm dang tay
Ôm tiếng đàn vào lòng...
Không hiểu
ta đang bay trong tiếng đàn
hay tiếng đàn đang lơ lửng
trong ta...
(Tiếng đàn đêm)
Đêm không chỉ có tiếng đàn mà còn có tiếng hát. Nhưng không phải tiếng hát của Người mà tiếng hát của Mưa. "Mưa hát", mà lại hát trong đêm là một liên tưởng thú vị và bất ngờ. Tiếng hát của mưa  đã tạo hồn cho đêm, làm cho đêm thêm lung linh, huyền ảo.
Trời về đêm
Khi trời về đêm
Mưa đuổi nhau,
Mưa hát
(Mưa hát)
Nhưng không dừng lại ở đó, với cảm quan tinh tế của một nữ thi sĩ, tác giả không chỉ lắng nghe thanh âm của đêm qua tiếng "Mưa hát" mà còn cảm nhận được cái "Mùi đêm" lẫn vào mùi hoa Ngọc lan, lẫn vào trong mưa tỏa trong không gian đêm đầy quyến rũ.
Mùi ngọc lan lẫn vào mùi đêm
Lẫn vào trong mưa
Lẫn vào trong tôi
Đuổi nhau,
Hát
(Mưa hát)
Và như vậy, đêm đã trở thành một sinh thể. Đêm không chỉ biết hát, đàn, mà có cả mùi, có cả "màu đêm" với:
Những con ngựa đêm hí bạt gió
vọng màu đêm Bắc Hà
Hình như lúc nầy ta không còn thấy sự cách biệt giữa con người và thiên nhiên. Ý niệm về một Thiên Địa Nhân hợp nhất trong triết học Đông phương được minh định ở đây rất rõ ràng và sâu sắc. Tôi lẫn vào trong Mưa. Mưa lẫn trong Tôi. Cả Tôi và Mưa lẫn vào trong tiếng hát, trong mùi hoa Ngọc Lan và mùi của Đêm... Tất cả tạo thành một giao hưởng đêm đầy hư thực, bay lên cùng sao trời để:
Nghe mưa hát suốt đêm
(Mưa hát)
Màu đêm trong thơ Ly không chỉ là màu của không gian đêm tỉnh lặng trong hạnh phúc, an lành mà đó còn là màu của một không gian rần rật vỡ đêm với những âm thanh sôi động vang vọng từ những cuộc đời đầy gian lao vất vả của cuộc mưu sinh mà hình ảnh đoàn ngựa thồ là chứng nhân của biết bao nỗi buồn trong những lo toan cơm áo...
Đoàn ngựa thồ gõ vó đường núi âm âm
Tiếng hát rần rật vỡ đêm
Vỡ lòng...
Ngựa ơi ta hiểu sao mắt mi buồn hơn màu đêm xứ Bắc
(Ngựa đêm Bắc Hà)
Trong thơ Ly đêm đã trở thành thế giới của tâm thức. Nên đêm không chỉ là hiện thân của những nỗi đau trần thế mà còn là nơi trở về của bản thể. Sau những ồn ào của cuộc sống, đêm như một cái phểu thanh lọc tâm hồn, một thứ "Sóng đêm" phản tỉnh của tâm linh để con người nhận ra chính mình.
Những hỗn loạn của ban ngày
Đêm không bắt được
Những nỗi lòng như sông uẩn khúc
Chỉ chảy được về đêm
(Sóng đêm)
Nhưng kết tinh tiếng gọi hồn của đêm trong thơ Ly chính là đêm miên viễn của tình yêu đôi lứa. Đêm tình yêu trong thơ Ly như một "cây đàn muôn điệu" với nhiều cung bậc thanh âm khác nhau. Đó là đêm của sự gắn bó ái ân nồng nàn đến cuồng nhiệt của người phụ nữ với một ý thức rất cao về nữ quyền
Đêm là của chúng mình
Tình yêu thắp sáng đêm
Đêm là của chúng mình
Sao nở ngủ
hở anh.
(Đêm là của chúng mình)
"Đêm là của chúng mình/ sao nỡ ngủ hở anh". Câu thơ như một tuyên ngôn hiện sinh cháy bỏng khao khát yêu đương của người phụ nữ. Điều ấy có thể "gây sốc" với những phụ nữ chịu ảnh hưởng sâu nặng của quan niệm đạo đức truyền thống nhuốm màu sắc nho gia. Nhưng lại phù hợp với những người phụ nữ hiện đại khi họ luôn ý thức rằng người phụ nữ vẫn có quyền được yêu và được thụ hưởng tất cả những giá trị của tình yêu, kể cả những giá trị về phương diện nhục cảm mà đã có thời được xem như một điều cấm kỵ trong cuộc sống lẫn trong văn học. Điều mà Vi Thuỳ Linh đã xác quyết  trong thơ
Khu vườn ắng lại chỉ còn Anh và em
Khởi đầu phận sự thiêng liêng
Những cặp chân khoá chặt nhau khước từ chân lý
(Anh sẽ ru em ngủ - Đồng Tử)
Đó cũng là cảm thức trong thơ Đoàn Ngọc Thu:
Thôi,
Em sẽ làm tình cùng trăng, cùng gió và cả mặt trời
Đêm cong mình lên và trăng mềm phủ sáng
(Yêu II - Quá Giang)
Vì vậy đêm trong thơ Ly là đêm của một không thời gian tâm lý, là đêm của hiện hữu chất chứa trong đó sự thăng hoa của tình yêu với những khát vọng thành thực.
Chiều
im im và sạch sẽ
Ngồi trong phòng tắm
im im chờ đêm lên
(Chiều im im)
Mong chờ đêm lên không chỉ hiện hữu trong thực tại mà còn chảy tràn vào trong cả giấc mơ, trong tâm thức của người con gái tạo nên những rung cảm mãnh liệt.
Đêm về
Những sợi trong suốt ngân lên
Tôi rung mình bay bổng
(Giấc mơ)
Vì đêm vừa thực lại vừa ảo, vừa hiện hữu lại vừa hư vô. Và có khi đêm đã vượt thoát khỏi sự dẫn dụ của con người để "chảy lên trời" làm "buốt óc tôi" làm "tóc rơi nghẹt sông", "Máu tuột khỏi tim" "Đáy sông khô cạn". Bài thơ Đêm chảy lên trời thể hiện sự liên tưởng phong phú, giàu cá tính sáng tạo với những hình ảnh gợi cảm, gợi hứng, gợi tình... Đó là đêm của những cuồng vọng yêu đương ngây ngất đầy bản năng nhưng không tầm thường mà trái lại rất nhân văn thể hiện một vẻ đẹp thánh thiện.
Tôi khát nước
Ngửa mặt lên trời hút đêm vào miệng
lênh láng trời đen
Nhảy xuống lòng sông
Nằm chờ đêm ngập
Mặt trời nằm ốp la trên đất
Thiên thần mút lòng đỏ bằng đầu cánh mỏng
Thản nhiên nhìn
đêm chảy
chảy lên
tôi...
(Đêm chảy lên trời)
Nhưng đâu phải lúc nào con người cũng mạnh mẽ và dồn nén khát dục như thế!? Bởi dục vọng của con người thì vô hạn mà năng lượng chắp cánh cho những dục vọng ấy lại vô cùng hữu hạn. Cho nên, nhiều khi con người cảm thấy bất lực trước những khát thèm trong đời sống. Đó chính là bi kịch của phận người. Ly đã nhìn thấy rõ tấn bi kịch nầy và thể hiện điều ấy thật tinh tế với một sự đồng cảm sâu sắc. Đây chính là căn tính tạo nên giá trị nhân bản trong thơ Ly
Mở mãi, muốn mở mãi
Mà bầu ngực vẫn trắng, không đêm.
Mở mãi, muốn mở mãi
Bầu ngực này căng đêm
Soi vào gương
bất lực và khóc
Trong vô vàn những giọt nước mắt
Một giọt đêm ứa ra từ bầu ngực trắng.
(Mở nút đêm)
Cho dẫu là thiên tài chăng nữa, đã là con người, chúng ta luôn đứng trước những giới hạn. Vì vậy, sự bất lực của con người trước những khát/ tham/ dục vọng của chính mình cũng là điều tất yếu. Chúng ta cần nhận ra sự giới hạn này để biết chế ngự và biết làm chủ bản ngã/ năng của mình. Người con gái trong thơ Ly tuy chứa đầy dục vọng đến cuồng nhiệt, nhiều khi muốn đốt cháy mình trong những đam mê nhục cảm. Nhưng họ không bao giờ tự buông thả mình dù là trong đêm, vì đêm thường đồng loã với "tội lỗi". Ngược lại, ta vẫn thấy một sự phát sáng từ trong tâm hồn của họ rực rỡ trong "màu đêm", "mùi đêm", "bóng đêm". Phía ấy cũng là một phần thanh âm tiếng gọi hồn của đêm trong thơ Ly với những âm vang đồng vọng thể hiện vẻ đẹp tâm hồn nguời phụ nữ. Đó là nỗi lo sợ hồn nhiên, đầy nữ tính của người con gái khi đối diện với người mình yêu trong đêm lặng lẽ. Bởi vì:
Em sợ phải khờ dại
Sợ tan trong mắt anh
(Sợ)
Rõ ràng đêm ở đây chính là tâm trạng của người con gái vừa sợ đánh mất mình trong tình yêu nhưng cũng sợ mất tình yêu trong anh. Tâm trạng này tuy mâu thuẫn nhưng lại rất thành thực. Tình yêu bao giờ cũng là hiện thân của sự tận hiến nhưng không bao giờ đồng loã với sự buông thả. Vẻ đẹp của tình yêu bao giờ cũng đồng hành với những khát vọng kiếm tìm. Cái ranh giới mong manh ấy đòi hỏi ở con người một sự đốn ngộ, một nghị lực để vượt thoát trước những cám dỗ của bản năng. Bởi lẽ nếu không tỉnh táo thì sẽ rơi vào bi kịch và lúc đó
Soi vào gương thấy đêm hốc hác
biết mình đã bị bẫy vào đêm
(Lô Lô)
Bởi vì:
Đêm trước mặt là thực
Đêm ngoài kia là ảo ảnh.
(Lô Lô)
Đêm ngoài kia là ảo ảnh hay đời ngoài kia cũng chỉ là ảo ảnh. Nhận thức được điều này nên đêm trong thơ Ly không chỉ có những yêu đương cháy bỏng, những khát vọng cuồng si mà đêm còn là tiếng gọi thẳm sâu trong tâm thức trước những nỗi cô đơn chất ngất của phận người mà khi đọc lên lời thơ đã làm ta nhói buốt tận tâm hồn.
Đêm giật mình thức giấc
Không thấy anh bên cạnh
Không hiểu sao lòng bàn tay đầy nước
Đêm rót lên mình những giọt lạnh
(Nửa đêm)
Bởi lẽ, trong tình yêu bao giờ người con gái cũng gánh chịu những thiệt thòi, những mất mát, hy sinh nhiều khi như là sự lựa chọn của định mệnh
Em không biết đến tình yêu nồng nàn
Rượu tình yêu có say những đêm không anh
Người phụ nữ tự trói mình
Bằng sự dửng dưng của anh
(Trầm cảm)
Và đêm bây giờ chỉ là sự hoài niệm, trong nỗi trống vắng đơn côi với những nhớ thương tiếc nuối mà người con gái chỉ biết thì thầm gởi cho đêm như một tiếng gọi hồn
Anh đã đi rồi hồng ơi sao màu tro
Hồn tro ủ lửa cho đêm,
Hay cho anh?
Vầng trăng kia lạnh lắm!
(Hồng Tro)
Đêm luôn gắn với những hoài niệm, những khát vọng, trong kí ức thi nhân như một vô thức trong sáng tạo nên đã trở thành một căn tố trong thi pháp của thơ Ly. Vì vậy, đêm trong thơ Ly không còn là đêm của không thời gian vũ trụ mà đã trở thành một mã văn hoá, mã thẩm mỹ trong thế giới nghệ thuật thơ của Ly. Nó là sự kết tình những vui buồn, hờn giận, yêu thương, được mất, những hạnh phúc, khổ đau mà Ly đã trải nghiệm trong đời. Đó cũng là tâm thức bao trùm lên hành trình sáng tạo nghệ thuật của Ly. Giải mã được hình tượng đêm trong thơ Ly chúng ta sẽ chạm đến mã văn hoá, mã thẩm mỹ trong thơ Ly, từ đó mới mong giải mã được thế giới nghệ thuật thơ của Ly.
Bùi Giáng cho rằng: "cõi thơ là cõi bồng phiêu" đi vào cõi thơ là đi vào một thế giới mà ở đó mọi hiện thực đều chông chênh, huyễn hoặc. Hiện thực trong thơ bao giờ cũng là hiện thực tâm trạng. Nó không chỉ có hiện thực bên ngoài mà còn là hiện thực bên trong, là ảo ảnh của hiện thực. Hiện thực ấy hiện hữu trong thơ Ly như những mảnh vỡ của tâm hồn thi sĩ mà ở đó đêm đã trở thành một ẩn dụ của tâm linh.
Cắt đêm ra từng mảnh nhỏ
Rồi khâu đêm lại  bằng tóc
Cho đến khi đầu trọc
Cắt ta ra từng mảnh nhỏ,
Rồi khâu ta bằng hết đêm này đến đêm khác
Cho đến khi trắng hếu đêm         
(Cắt)
Thật vậy, khi đối diện với đêm là lúc con người đối diện với chính mình. Vì vậy đêm trong thơ Ly chính là một mảnh hiện thực của tâm linh, nhưng không phải là một thứ tâm linh mang tính siêu hình mà đó là thứ tâm linh thể hiện một chiều kích khác của hiện thực đời sống. Đó là một cõi hiện thực đầy ảo diệu mà thơ cần khám phá.
Thơ đi từ cõi thực đến cõi mộng và ngược lại từ cõi mộng thơ lại về với cuộc đời thực. Hành trình của thơ cũng là hành trình của huyền thoại và cổ tích. Và đêm trong thơ Ly là một bản giao hưởng vang lên những tiếng gọi hồn như một sự ám ảnh của tâm linh không chỉ trong vô thức mà cả trong tiềm thức và ý thức của thi nhân.
Không muốn đêm cũng thấy đêm
Không muốn đêm cũng có đêm
Trên đầu là đêm
Dưới chân cũng là đêm      
(Khúc đêm)
Có khi nào ta rơi vào cảm giác đầy ma mị ấy ta sẽ cảm nhận sâu sắc về tiếng gọi hồn trong đêm của thơ Ly đồng vọng trong ta như thế nào?! Và khi ấy, biết đâu trong một sát na nào đó của hiện hữu ta bắt gặp bản thể của mình mà ngày thường ta đã đánh mất nó, chối bỏ nó, chạy trốn nó trong cuộc sống trần thế vốn quá nhiều bụi bặm và bất an này. Và trong cõi thẳm sâu của tâm linh có khi ta lại nghe vang vọng tiếng gọi hồn của chính ta từ trong cõi u mê. Và khi đó, cũng như Ly ta bỗng "giật mình" để rồi:
Nhắm mắt
Trùm kín chăn
Nghe đêm cuộn quanh mình    
(Khúc đêm)
Trần Hoài Anh
Nguồn: http://www.vanchuongviet.org/
Theo http://4phuong.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong thể loại thơ đương luật văn học trung đại Việt Nam

  Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong thể loại thơ đương luật văn học trung đại Việt Nam 1. Khái niệm 1.1. Thể loại Đường luật   Thơ Đ...