Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

Văn hóa ứng xử của người dân Cửu Long qua hình tượng “cá tôm” trong ca dao

Văn hóa ứng xử của người dân Cửu Long 
qua hình tượng “cá tôm” trong ca dao
Cà Mau khỉ khọt trên cây 

Ruộng đồng lai láng cá bầy đua bơi 

Cà Mau nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung, đồng ruộng mênh mông, đất đai cò bay thẳng cánh, kênh rạch, sông ngòi chằng chịt là điều kiện sinh sống lý tưởng cho hàng trăm loài cá tôm, … Ngay từ khi mới đặt chân đến vùng đất hoang sơ này cách nay vài ba thế kỷ, con người không khỏi “bàng hoàng” bởi những con cá con tôm sống lâu đến “có râu”: 

Chèo ghe sợ sấu cắn chưn 
Con chim kêu cũng sợ con cá vùng cũng kinh. 
Và rồi với đôi bàn tay giàu nghị lực chịu thương, chịu khó, với bộ óc thông minh sáng tạo, với tâm hồn thật thà chân chất mà phóng khoáng như vùng đất đầy ắp phù sa, họ đã biến những cánh đồng phèn chua nước mặn trở thành những ruộng lúa phì nhiêu. Đi liền với chén cơm, bồ lúa, cá tôm lại trở thành thứ thực phẩm không thể thiếu phục vụ con. Từ những món ăn thường nhật đến khi đãi bạn bè phương xa đến thăm, hay ở những lễ hội cưới nói, giỗ chạp, cá tôm hầu như không lúc nào vắng mặt. Từ nét sinh hoạt văn hoá ẩm thực hàng ngày, cá tôm lại đi vào đời sống tâm hồn của người bình dân. Cụ thể, nó xuất hiện với một tần số khá cao qua những lời thơ tiếng hát đậm đà hương vị chân đất chân quê. Xin được nhắc lại cùng bạn đọc những hình ảnh “cá tôm” trong các câu ca dao về văn hoá ứng xử của người miệt đất chín rồng ấy! 
Từ những món ăn bên mâm cơm, bàn tiệc… 
Những món ăn dân dã, dễ làm, không mất nhiều thời gian chế biến: 
Ví dầu cá lóc nấu canh 
Bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm. 
Nghe qua tưởng chừng như nghịch lý, nhưng điều mà câu ca dao thể hiện được người bình dân nói rất đúng nếu ai đã thưởng thức qua hương vị của những canh cá lóc! 
Cá lóc, cá trê, cá rô, … là những loài sống rất phổ biến ở đây. Cá lóc trở thành “đặc sản” thứ thiệt trong ăn uống: 
Bắt con cá lóc nướng trui 
Làm mâm rượu trắng đãi người phương xa 
Cá lóc xỏ lụi bằng que tre, nhánh trúc cắm chút đầu xuống dưới chất rơm khô đốt cho đến khi cá chín vàng, lấy cây cạo cho hết lớp vảy cháy đen bày cá ra trên nửa tàu lá chuối xiêm lớn, nước mắm me, ớt, rau rừng hái sẵn mang về, cùng “ly rượu đế” đã làm cho khách phương xa … ấm lòng, hả dạ! 
Con cá, con tôm cũng có thể nói thay người: 
Muốn ăn cơm trắng cá trê 
Theo nghề chài lưới thì về với anh 
Miệng chài, tấm lưới là những dụng cụ đánh bắt … cá tôm. Nó cũng từng là “nghề nghiệp” sinh sống của không ít người lao động ở vùng đất mới. (Cũng xin được mở ngoặc nói thêm: chài lưới để bắt cá tôm tức là đâm hà bá – nhứt phá sơn lâm, nhì đâm hà bá, theo dân gian đây là nghề hạ bạc!) 
Từ cá làm ra mắm, mắm có nhiều loại mắm trê, mắm lóc, mắm bò hóc, mắm còng, … mắm có nhiều cách ăn: ăn sống, chưng, chiên hoặc kho, … mắm trở thành hương vị đồng quê quyến luyến hồn người xa xứ: 
Muốn ăn bông súng mắm kho 
Thì vô Đồng Tháp ăn no đã thèm 
Phải chăng đó cũng là lời ngợi ca sự giàu đẹp trù phú của những nơi còn hoang hoá. 
…đến nhiều thông điệp của người bình dân muốn gởi gắm vào hình tượng …con cá! 
Qua những lời mộc mạc kia, con cháu hậu sinh hôm nay có thể thấy được những phong tục của cha ông cha ngày trước để lại: 
Cồng cộc bắt cá dưới sông 
Mấy đời cháu ngoại giỗ ông bao giờ 
Cồng cộc là loại chim hay bắt cá ở bàu, đìa, nơi lắm cá tôm. Tác giả dân mượn hình ảnh ấy để nói lên một tục lệ của gia đình phụ hệ. “Con gái là con người ta”, cháu ngoại tức là người ngoài không phải lo hương khói cho “ông bà ngoại” sau này, mọi việc hậu sự chỉ do cháu nội, người “bên trong” lo lắng! Một thực tế, có khi phủ phàng và biết đâu ẩn đằng sau câu ca ấy còn là những lời trách hờn mà người bình dân muốn gửi gắm. Có dị bản nữa như chứng mình điều đó: 
Cồng cộc bắt cá dưới bàu 
Ông ngoại mày giàu mầy giỗ đầu heo 
Cháu ngoại không giỗ ông ngoại, nhưng nếu “ông ngoại giàu” cháu giỗ đầu heo! Thật là nghe qua “đã thấy hơi đồng mà ghê”! 
Hình ảnh cá tôm cũng không thiếu trong những câu ca đậm đà tình nghĩa: 
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa 
Miệng nhai cơm bún lưỡi lừa cá xương 
Một người con chí hiếu nhớ bóng hình của người mẹ thân yêu ngày xưa, người mẹ ấy đã chắt chiu như chim mẹ mớm mồi cho con, lo cho con từng miếng ăn giấc ngủ! Từ đó, phận làm con tự cảm thấy trách nhiệm thiêng liêng đối với đấng sinh thành: 
Ba đồng một khúc cá buôi 
Cũng mua cho được mà nuôi mẹ già 
Sang lĩnh vực khác, vượt ra ngoài khuôn khổ gia đình, bước ra ngoài xã hội: 
Nước không chưn sao kêu bằng nước đứng 
Con cá không trèo sao gọi cá leo 
Mượn nghệ thuật chơi chữ, câu ca như muốn gửi gắm nhiều ẩn ý với con người và cuộc đời đầy … ngang trái, oái ăm. Dù đó là sự thực trăm phần! 
Nói đến thân phận chim lồng cá chậu ca dao có câu: 
Thân em như cá trong lờ 
Hết nơi vùng vẫy không biết nhờ nơi đâu 
Đại từ nhân xưng em ở đây hàm nghĩa, thấp, bé nhiều hơn để chỉ giới tính. Lời thơ có lẽ xuất phát tự đáy lòng của ai đấy trong hoàn cảnh “cùng đường” không lối thoát! 
Song, chuyện đời lúc nào cũng có hai mặt: 
Sá bao cá chậu chim lồng 
Hễ người quân tử cố cùng mới nên 
Bất chấp hoàn cảnh, con người cần có ý chí, nghị lực vươn lên! Ai làm được điều đấy, dân gian đã thẩm định rồi, chắc chẳng thể sai được! 
Hoặc giả ở đó có những ước mơ: 
Thiếp như cá ở biển đông 
Chờ khi nước cạn hoá rồng lên mây 
Cái ngày cá chép vượt vũ môn hoá rồng kia có lẽ còn xa, nhưng mơ ước vẫn phải cứ ước mơ. Thế thôi! 
Trên con đường hoạn lộ, chốn quan trường không ít điều … bẽ bàng: 
Cá trong lờ lờ đờ ngoắt ngoải 
Cá ngoài lờ khắc khoải chun vô 
Mượn hình tượng có thật của con cá để nói đến con người. Người được “ở đấy” thì ngay than đêm thở, người ở ngoài ngỡ đấy ấm êm nên cố tìm, cố vượt để … vào vị trí đó! Không khác chi bầy cá sặc có con chui vào lờ, chờ người đến bắt về chiên kho, làm khô, làm mắm, vậy mà đám còn lại không biết … thân biết phận tránh đi … lại cố chun vào … rọ! 
Một trường hợp khác, trong cuộc sống đôi lúc người ta cố tránh vỏ dưa liền gặp ngay vỏ dừa: 
Chê tôm ăn cá lù đù 
Chê thằng ỏng bụng lấy thằng gù lưng 
Tôm là thứ thuỷ sản ngon hơn gấp nhiều lần cá lù đù. Hai con vật được đem ra so sánh với hai dạng người: thằng ỏng bụng và thằng gù lưng! Thế mới biết nói thâm thúy đến dường nào! Nghịch cảnh đó còn được dân gian cố tình trêu ngươi bằng hình tượng “nói ngược” độc đáo: 
Buổi chợ đương đong con cá lòng tong anh chê lạt 
Buổi chợ tan rồi con tép bạc khen ngon 
Quả thật, câu ca rất đa chiều, đa tầng nghĩa. Cá lòng tong dùng để kho tiêu, là món ăn đạm bạc, không thể nào sánh được với tép bạc, con vật cùng họ nhà tôm này có thể chế biến nhiều món ăn “cao cấp” hơn nhiều. Vậy, cách nói ngược ấy nói lên điều gì? Phải chăng là cuộc đời quá nhiều bạc bẽo (dùng từ bạc đa nghĩa trong “tép bạc”?), trắng hoá đen, vật đổi sao dời khó bề liệu tính! 
Cám cảnh, biết trước việc mình làm hiệu quả không cao, nhưng không còn cách nào khác: 
Nước sông đang chảy vội ngừng 
Muốn quăng câu sợ cá lạ cần không ăn 
Hay đây cũng là những ý tưởng lưu luyến buổi ban đầu của cung bậc “ngỏ lời” nhằm ướm thử “đối tượng” trong tình yêu lứa đôi! Có lẽ nên hiểu cả hai nét nghĩa ấy, song có điều tuỳ trường hợp cụ thể mà vận dụng vào để từ chủ thể trữ tình dân gian thành chủ thể của chính người ngâm nga hay đọc thầm cho hợp cảnh, hợp tình, hợp lý…! 
Để phê phán những người trông mặt mà bắt hình dong, nhìn thoáng bề ngoài đã vội vàng nhận xét, nhưng sự thật của nội dung thì hoàn toàn trái ngược: 
Dưới sông cá lội có cờ 
Tưởng đâu ô mã ai ngờ lý ngư 
Ô mã là ngựa đen, còn lý ngư là cá chép. Hai giống vật hoàn toàn khác xa nhau vậy mà … chủ thể trữ tình ở đây lại … không nhận ra nỗi. Sự “cố ý” đó phải chăng là một bài học ở đời dành cho hậu thế! 
Tương tự, đối với những người nông nỗi chẳng rõ lẽ phải trái: 
Cá sặt mà rượt cá rô 
Ăn nói xô bồ chẳng biết trước sau 
Ở đây, bài học rút ra có khác đi chút ít. Nếu ở trên cái cười dành cho kẻ “mắt không sáng” thì ở đây cái cười, dành cho kẻ huyên thuyên lắm mồm! 
Chuyện thế gian sao dời vật đổi cũng là chuyện thường tình: 
Con cá lóc nằm trong bụi lách 
Con chim le le đứng đó mà lo 
Lo cho biển cạn thành gò 
Sông sâu lắp lại con đò thôi đưa 
Nước chảy đá mòn, trách sao lòng người không thay đổi, có lẽ nỗi niềm u uất, hoài vọng “chuyện ngày xưa” của nhân vật trữ tình thốt ra từ bài ca trên nhằm vào chỗ đó! Tuy vậy, cũng cần lưu ý tính đa nghĩa, nghĩa nước đôi, lấy chuyện “bãi bể hóa cồn dâu” để nói đến nhân tình thế thái vốn không ít lần xuất hiện trong ca dao! 
Thoạt nghe ngỡ là người kiên nhẫn, chịu khó nhưng thực tình đấy là chuyện làm không đâu vào đâu. 
Liều mình lặn xuống ao sâu 
Đặng đo miệng cá uốn câu cho vừa 
Quả là một việc làm … vớ vẫn hơn cả chuyện “lo bò trắng răng”. Bài học ấy hẳn rất có giá trị cho những ai không tiên liệu, làm chủ được mục đích cho công việc của mình. 
Chuyện ở đời đen trắng, trắng đen, khôn dại, dại khôn khó bề liệu lường. 
Cá không ăn câu kêu bằng cá dại 
Cá mắc câu rồi đổ tại cá tham ăn 
Nếu “không biết nghĩ suy” không biết “cân nặng nhẹ”, không biết “dò nông sâu” chắc sẽ để tiếng cười cho người khác, thậm chí thiệt thân vô ích! 
Và cũng từ chuyện dáng hình của cá người bình dân gửi gắm, răn dạy con người. 
Cá lưỡi trâu sầu ai méo miệng 
Cá trèn bầu nhiều chuyện trớt môi 
Sự thật hình dáng hai loại cá này là thế, nhưng nghĩa của nó không dừng lại ở, đọc kỹ mà xem. 
Đôi lúc, trong kinh nghiệm chọn mặt hàng, các bà, các chị cũng thật sâu sắc: 
Mua cá thì phải xem mang 
Mua bầu xem cuống mới toan không nhằm 
Muốn biết cá tươi hay cá ươn xem mang cá đỏ hay tái sẽ nhận được dạng. Cũng vậy, muốn biết bầu tươi hay bầu héo, úa xem lấy cuống bầu tất sẽ biết ngay! Một kinh nghiệm nhỏ nhưng thật đáng để cho những ai quan tâm đến công việc … bếp núc! 
Từ món ăn ngon canh chua bông so đũa nấu với cá rô đồng quen thuộc: 
Canh chua nấu cá rô đồng 
Lơ mơ có kẻ mất chồng như chơi 

Đằng sau món hấp dẫn kia, dân gian còn phát hiện ra đấy là một món bỗ dưỡng có tác dụng hỗ trợ tốt về mặt sinh lý vợ chồng. Họ rất tinh tế khi nêu lên lời cảnh báo như vậy! 
Con cá cũng xuất hiện cùng những tâm sự thầm kín: 
Sông dài cá lội huyên thuyên 
Lòng anh muốn bắt cá lội riêng một mình 
Hoặc trong cảnh ngộ: 
Nước trong cá đuối chạy theo 
Lái buôn hết gạo bỏ neo cầm chừng 

Một điểm nhấn quan trọng trong cuộc đời con người là tình yêu lứa đôi. “Cá tôm” cũng chứng kiến bao nụ cười tươi rói, bao giọt lệ thầm của các chàng trai cô gái đang yêu. Xét thấy vấn đề quá đa dạng nên xin được đề cập vào một dịp khác, tỉ mỉ và sâu sắc hơn. 
Tóm lại: bằng những ngôn ngữ mộc mạc chân chất mà không kém phần thâm thúy, từ những nét văn hóa ẩm thực, dân gian đã đúc kết bao nhiêu hình tượng để rút ra những bài học có giá trị nhân văn cao cả cho những ai không quên nguồn cội. Đi tìm trong di sản ngày xưa, người viết bài này cảm thấy mình như những đứa con thơ được may mắn các bậc sinh thành nâng niu chăm chút. Có học ở đó mới có nên người: 
Cá không ăn muối cá ươn 
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư!.

Trần Minh Thương
Theo http://diendan.vnthuquan.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuố...