Vài cảm nhận về các cung bậc trong
Nam Bộ đã vùng đất đã có trên 300 năm tuổi. Theo dấu chân những cư dân đi mở đất
ca dao dân ca cũng được hình thành để ghi nhận lại những cảm xúc, những tâm tư
tình cảm của người bình dân. Tình yêu lứa đôi là đề tài muôn thuở của thơ ca
nói chung và ca dao nói riêng.
Năm 2002, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh cho ấn hành công trình VĂN HỌC DÂN
GIAN SÓC TRĂNG do giáo sư Chu Xuân Diên làm chủ biên và nhóm sinh viên, cán bộ
giảng dạy của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học
xã hội và nhân văn, Khoa Ngữ văn và Báo chí sưu tầm, công trình, đã tổng hợp
công phu những lời thơ tiếng hát trong cộng đồng cư dân ở đất Sóc Trăng. Theo
đó, tình yêu lứa đôi cũng xuất hiện đậm nét trong phần ca dao, dân ca. Tìm hiểu
nó ở các cấp bậc tình cảm cũng có gặp nhiều thú vị! Có thể tạm định dạng các
cung bậc ấy bắt đầu từ khi họ gặp nhau làm quen rồi ngỏ lời để cả hai cùng thề
nguyền ước hẹn. Từ đó, thương nhớ nhau bằng nỗi lòng tương tư nặng trũi. Nhớ
thương nhau tìm đến nhau trong hạnh phúc hay là dở dang thì cũng điều là kết
thúc! Kết thúc trong hương vị chia tay mặn đắng hay ngọt ngào của một mái lều
tranh với “hai quả tim vàng!”
Có gặp nhau thì mới làm quen để ngỏ lời yêu thương.
Nội trong lục tỉnh Nam Kỳ Thấy em nhu mì ăn nói anh thương.
Chàng trai đi khắp vùng lục tỉnh Nam Kỳ đến đây gặp cô gái mà anh ta cho là “ăn
nói nhu mì” rồi thương ngay!
Hay trong một buổi chiều dạt dào cảm hứng thấy được các cô anh chàng tự bộc bạch:
Chiều chiều vịt lội bờ sen
Tình cờ tôi gặp người quen tôi chào Hiu hiu gió thổi vườn đào
Bốn cô trong đó cô nào tôi thương?
Cũng cung bậc ấy nhưng đôi lúc nói được nói văn hoa hơn:
Rồng nằm kẹt đá hoá long
Anh đi lục tỉnh giáp vòng
Tới đây trời khiến đem lòng thương em.
Đôi khi anh chàng “nọ” cũng không ngần ngại bày tỏ suy nghĩ của mình:
Cam sành lột vỏ còn the
Thấy em còn nhỏ anh ve để dành.
Chỉ “làm quen” để dành cho ngày mai thôi, quả là lo xa hết chỗ nói!
Một lời bày tỏ buổi sơ ngộ chân thành mà thật táo bạo, như chính tấm lòng của họ.
Gắn liền với cánh đồng thửa ruộng, nơi hàng ngày họ cùng một nắng hay sương
“cui cút làm ăn”, cũng xuất hiện những vần thơ mộc mạc của ngày đầu gặp gỡ:
Trèo lên thanh trục cho cao
Thấy lưng em cấy dạ nào hổng thương.
Họ là người dưng khác họ nhưng “đem lòng nhớ thương" ngay từ những lần đầu
gặp gỡ.
Thò tay mà ngắt cọng ngò
Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ.
Đúng là “tình trong như đã mặt ngoài còn e”!
Cũng có khi cả hai người cùng làm chung một công việc gì đó và chàng trai không
ngần ngại ngỏ lời:
Chèo ghe đi bẻ trái bần
Nước chảy lần lần anh bóp tay em.
Từ chỗ táo bạo muốn bóp tay đến một “đòi hỏi” khác cũng không xa:
Trứng vịt để lộn trứng gà Thấy má em trắng anh đà muốn hun
Xung quanh cô bác giáp vòng
Muốn hun về chốn loan phòng mà hun
Nhiều tình cảnh được phản ánh cũng đáng thương thật:
Gió đẩy đưa rau dừa quặn quỵu
Anh thương nàng lịu địu xuống lên.
Hay một cảnh ngộ khác, nàng còn bà mẹ già, nhà lại xa xôi:
Tàu Nam Vang chạy ngang Cồn Cát
Thuyền cầu bơi gần sát mé nga
Thấy em còn chút mẹ già
Muốn vô hoạn dưỡng biết là được không.
Một sự “khéo léo” đáng nể mà chàng dùng “tán” nàng trong một lời ca khác:
Kính lời thăm má với ba Còn nàng mai mốt anh qua thăm nàng
Rất tế nhị giữ gìn ý tứ khi đế nhà người mình yêu, chứ không đến nỗi “quên về”
như câu ca “quạ kêu nam đáo nữ phòng”:
Thăm em một chút anh về
Đường xa viễn vọng anh sợ bề mẹ cha.
Đọc lời đối đáp sau đây mới thấy lời “tán tỉnh” rất sắc, mà lời đáp lại của
“con gái Ba Xuyên” cũng chẳng dễ chịu chút nào:
Các chàng trai đến từ Nhơn Ái đất Cần Thơ buông lời trêu chọc:
Trai nào bảnh bằng trai Nhơn Ái Đầu thì hớt chảy tóc tém bảy ba
Mặc pijama khăn quàng choàng cổ
Thấy gái Ba Xuyên ngồ ngộ nên thố lộ đôi lời:
- Cấy cày cực lắm em ơi
Theo anh về vườn anh trái một đời ấm no.
Các cô không ngần ngại:
Gái Ba Xuyên tuy quê mùa sàn dã
Tóc dài bỏ xoả mặc áo bà ba
Nắng táp mưa sa mà mịn da dài tóc
Không đẹp bằng ai nhưng hay lừa lọc
Tuy quê rang quê rít mà hỏng thích trai vườn
Chớ trai mà dở dở ương ương Ngồi không hái trái thì hết đường tương lai.
Như vậy, ý tình đã rõ…
Cũng chính vì lời đối đáp như vậy nên không ít chàng trai âu lo, một âu lo hợp
lý:
Ngó lên Châu Đốc, ngó xuống Vàm Lau
Thấy buồm bạn chạy sóng bủa theo sau
Anh thương em ruột thắt gan bàu
Biết em có thương lại chút nào hay không?
Nhiều lúc khi nghe được lời ngỏ ý sau khi gặp nhau, quen biết nhau, các cô
“dùng kế hoãn binh” để tìm người tâm đầu ý hợp:
Ngó lên chữ ứ, ngó xuống chữ ư
Anh thương em hỏng thẳng em ừ Anh đừng làm vội, mẫu từ em hay
Hay một lời cảnh báo đáng yêu:
Về nhà cha mẹ rầy la Anh đừng san qua sớt lại ắt xa duyên tình.
Cũng có lúc các chàng không dám bạo dạn “đặt vấn đề” ngay mà phải vòng vo dò
xét “đối tượng của mình một cách kỹ càng:
Mặt trời xế bóng về tây Cô kia cắt cỏ bên đày bên vơi
Cô còn cắt nữa hay thôi
Cho tôi cắt với làm đôi vợ chồng.
Nếu cô gái im lặng thì có lẽ là tiến trình “làm quen” đã tốt đẹp! Còn nếu cô
gái trả lời “thôi” thì cũng là … rồi!
Nhiều khi phải cặn kẻ hỏi thăm để rộng đường lui tới:
Trời mưa cho ướt lá cà Biết mặt em đấy biết nhà em đâu.
Hay nói bóng gió xa xôi để tìm hiểu:
Chim quyên ăn trái nhãn lồng
Nó kêu bớ bậu có chồng hay chưa? Về phía người con gái, trong văn học bình dân
nói chung và văn học dân gian Sóc Trăng nói riêng, họ không phải hoàn toàn thụ
động mà chính các cô cũng lém lĩnh tìm người “tâm đầu ý hợp” với mình:
Em đây thật gái chưa chồng Anh đà chưa vợ sao dây tơ hồng chẳng se.
Nhiều cô táo bạo hơn tự khẳng định:
Khổ qua đắng khổ qua đèo
Anh nào chèo lái là “mèo” của em.
(Hoặc: Anh nào cấy gỏi là “mèo” của em)
Các cô tự khẳng định “tiêu chuẩn” rõ ràng cho các chàng trai:
Ngọc còn ẩn bóng cây tùng
Thuyền quyên còn đợi anh hùng sánh đôi.
Tự ví mình là “ngọc” đợi “anh hùng” nữa mà thôi! Thật là hết ý!
Nhưng không phải lúc nào cũng chỉ là phận “thuyên quyên” với “khách anh hùng”,
mà ở họ còn là sự đồng cảm với các chàng trai trong cảnh cơ hàn dãi dầu vì miếng
cơm manh áo:
Thuyền than mà đậu bến than
Thương anh vất vả cơ hàn nắng mưa Đương nhiên không phải đối tượng nào khi “ngỏ
lời cũng thành công. Nhiều khi người con gái sẽ tế nhị mà đáp lời lại người
“nhiều chuyện” với mình:
Nghe anh em cũng muốn thương nhiều
Nhưng hoa kia đà có chủ khó chiều dạ anh Quyết liệt hơn cô nàng trở giọng xưng
“chị” mà nói:
Em cắt thì chị trả công Mặt đây chẳng đáng làm chồng chị đâu.
Gặp nhau, ướm lời để làm quen nếu thành công thì coi như “đầu đã xuôi” người
trong cuộc tấn công tới đối tượng bằng những lời hò hẹn sắt đinh:
Anh còn son em cũng còn son Ước gì ta được là con một nhà
Họ mơ đến ngày vầy duyên mai trúc:
Vái ông tơ năm ba chầu hát
Vái bà nguyệt năm bay cuốn kinh
Đôi ta gá nghĩa chung tình
Dẫu ăn cơm quán ngủ đình em cũng ưng.
Dầu nghèo khổ khi thương nhau họ sẵn sàng cùng nhau đi cùng trời cuối đất miễn
là họ được gần nhau.
Nhiều khi, do một nguyên nào đó mà họ chỉ là nạn nhân, chứ họ hoàn toàn vô tội,
chàng trai mạnh miệng hứa hẹn:
Kinh Xáng mới đào tàu Tây đương chạy
Hai đứa mình có thương thì thương đại
Đừng có nghi ngại bớ điệu chung tình
Bao nhiêu thù oán để mình anh bao.
Vượt qua tất cả những lễ nghi và điều kiện khắt khe mà phong tục tập quán đặt
ra, họ đến với nhau bằng niềm hạnh phúc vô biên:
Rượu lưu ly chân quỳ tay rót Cha mẹ uống rồi nối gót theo anh
Đã thề non hẹn biển mà còn vì một nguyên nhân nào đó phải xa mặt cách lòng thì
tương ta da diết. Có thể nói trong các cung bậc ở ca dao tình yêu lứa đôi, những
lời thương nhớ là mãnh liệt hơn cả:
Đêm nằm chiếc bóng đèn tây
Vái cho gặp bạn khỏa khuây cơn buồn Họ không ngần ngại thừa nhận:
Gió sao gió thổi sau lưng
Dạ sau dạ nhớ người dưng thế này.
Không chịu đựng nổi thì tìm cách để gặp mặt người thương:
Giả đò mua khế bán chanh Giả đò đi chợ thăm anh đỡ buồn
Rồi thì:
Một chờ hai đợi ba trông Bốn thương, năm sáu nhớ; bảy tám chín mong, mười
tìm.
Tôi xa mình ông Trời nắng tôi nói mưa Canh ba tôi nói sáng, giữa trưa tôi nói chiều.
Nhiều cô mượn áo người thương mà tìm hơi:
Anh về để áo lại đây
Đêm khuya em đắp gió tây lạnh lùng.
Nhìn kỷ vật mà không nguôi thương nhớ:
Dù ai bấm chỉ cổ tay
Thì anh cứ giữ nhẫn này cho em Một nỗi lòng nhớ thương thường trực:
Đêm năm canh ngày sáu khắc Thương nhớ chàng không giấc nào nguôi.
Có khi vượt cả thời gian của “đời người":
Sông dài cá lội bặt tăm
Phải duyên chồng vợ ngàn năm em cũng chờ.
Chờ em cho hết sức chờ
Chờ cho rau muống lên bờ trổ bông.
Nhớ thương quên ăn mất ngủ, cũng bởi vì tình. Quả là quá sức, đây là hình dáng của một kẻ tương tư:
Chim chuyền nhành ớt líu lo
Sầu ai nên nỗi ốm o gầy mòn.
Nhiều khi nó gắn liền với không gian “buồn thiu”:
Chim quyên thỏ thẻ, canh khuya vắng vẻ cô phòng Em thề tạc với non sông
Thương ai mà đêm đợi ngày trông
Liễu bồ thổn thức lâm vòng tương tư.
Nhìn vật có đôi mà người thì chiếc bóng, thì không thể chịu nổi:
Hồi hôm tôi có vô đình Hạc chầu đủ cặp sao hai đứa mình lẻ đôi
Gắn liền với cung bậc tương tư nhớ thương nhau là sự đợi chờ người thương cho đến
khi nên duyên chồng vợ, dù hiện tại không phải là không còn cách trở:
Nước trong con cá giỡn sao
Đôi ta lịu địu ngày nào nên duyên Họ chờ đợi bất chấp cả không gian, thời gian
để chứng tỏ tình yêu chung thuỷ và bất diệt của mình:
Anh nói với em sơn cùng thuỷ tận Anh nói với em nguyệt khuyết sao băng
Đôi ta như rồng lượn trong trăng
Dẫu xa mấy đi nữa cũng khăng khăng đợi chờ.
Ca dao phần lớn dùng nghệ thuật “nói quá” để khẳng định:
Chừng nào cầu ván hết đinh
Mái chùa hết ngói hai đứa mình mới xa nhau Chờ đợi rồi nói lên lời nguyện ước:
Đôi ta giao nghĩa bất ngờ Lòng ưa dạ muốn còn chờ mẹ cha.
Khi đã yêu nhau da diết hò hẹn tương tư thương nhớ, đợi chờ như thế rồi mà với
một lý do nào đó, chẳng hạn như:
Chuối non vú ép chát ngầm
Trai tơ đòi vợ khóc thầm nửa đêm
- Khóc rồi mẹ lại đánh thêm
Vợ đâu mà cưới nửa đêm cho mày.
Họ không được gần nhau, thế là một hình thức “nổi loạn” xuất hiện. Nổi loạn
cũng bằng nhiều cách. Xin được bắt đầu từ việc họ quyết tâm đến với nhau vượt cả
đạo đức gia phong. Hình thức nổi loạn ấy xuất hiện ở ca dao Nam Bộ và Sóc Trăng
có phần nhiều hơn ca dao ở Bắc Bộ, có lẽ là do tâm lý phóng khoáng hơn, luật lệ
và nghi thức phong kiến cũng có phần nhẹ nhàng hơn. Khi nổi loạn thì cả trai và
gái đều “sôi nổi” hào hứng hưởng ứng.
Cá trê là nghĩa, cá dĩa là tình
Má không thương, má không gả cho mình
Một chàng trai làm liều, một cô gái mạnh dạn khẳng định:
Mẹ cha bú mớm nâng niu
Tội trời em chịu không yêu bằng chồng Một chàng trai khác thì xui người mình
yêu “trốn nhà” theo mình:
Đồng hồ đánh vội sáu giờ
Em không sửa soạn lên bờ theo anh.
Hay:
Thương nhau cuốn gói cho tròn
Chờ cha mẹ ngủ em lòn theo anh Chàng trai này lại cương quyết “bảo vệ” người
mình yêu, nếu việc “ăn cơm trước kẻng” kia có lỡ vỡ:
Trời mưa sa lác đác Hột cát nhỏ dầm dầm
Anh thương em anh lén khóc thầm
Không cho cha mẹ biết ăn nằm với ai
Còn đây là lời băn khoăn về hậu quả “tày trời” của cô gái:
Mẹ cha an giấc đừng làm động đất cha mẹ hay
Lén nhau ôm ấp đêm nay Giấu sao cho nhẹm việc này xấu thay
Rồi cô nhận được sự trấn an của người tình:
Miệng đời mặc kệ họ chê bay
Keo sơn đà gắn chặt dạ đây
Rủi mà em bậu có thai anh nhìn.
Sự nổi loạn là biểu hiện thái độ bất bình, phản kháng chống lại bởi duyên tình
dang dở của “đôi trẻ” là do “người lớn” gây nên:
Do ông tơ se duyên kết nợ: Bắt ông tơ quánh sơ ít chục
Mối chi sậm sờ ông ngủ gục không se.
Hoặc:
Rồi đây ta kiện ông tơ
Chỗ thương không vấn, vấn vơ nơi nào? Do cha mẹ đôi bên:
Bí lên ba lá trách ba với má sao chẳng bỏ giàn
Để cho qua với bậu chung làng mà chịu cách xa.
Có khi một kết cục đau đớn xảy ra:
Sống làm chi anh một ngã, em một đàng Nắm tay ta nhảy xuống suối vàng cho
có đôi.
Tự do vượt qua lễ giáo, “cãi cha cãi mẹ trăm đường con hư” cũng không phải là
sai. Sau những giờ phút ái ân hạnh phúc, cũng không ít cặp nhân tình đẹp lứa xứng
đôi. Song, cũng còn nhiều cảnh đau đớn đến quặn lòng mà người con gái phải chịu
đựng hậu quả thua thịêt. Các cô đã cảnh giác với những tên “Sở Khanh” như vầy:
Còn duyên kẻ đón người dưa Hết duyên đi sớm về trưa một mình
(Hoặc: Hết duyên như ổ ong tàn ngày mưa)
Hay tệ bạc hơn nữa là:
Bông súng mọc dưới thềm đìa
Chim chi hút nhuỵ bỏ chìa trơ trơ
Không đặng chàng ước chàng mơ
Đặng rồi bỏ thiếp bơ vơ một mình.
Vở kịch hay nào cũng đến hồi kết, tình đẹp nào cũng đến hồi kết thúc. Ở trên đã
điểm qua phần nổi loạn trong ca dao tình yêu lứa đôi, đó cũng là một phần của hồi
kết. Nhưng kết cục ấy chỉ mới một điểm trong cái kết cục tổng thể. Kết cục
chung ở đây tạm coi như có hai ngả rẽ.
Ngả rẻ thứ nhất: dang dở, chia tay.
Đứng thấy nhan sắc mà mê Bỏ em hiu quạnh trăm bề em nhớ thương
Mầm mống của sự chia ly: Mình nói rằng vài bữa mình vìa (về)
Hay là mình muốn phân chia chữ tình.
Do sự bội bạc của thói đời:
Trách ai ở bạc như vôi
Để em đứng ngồi trông ngóng thở than.
Hoặc:
Chê đây lấy đó sau đành Em chê cam sành lấy phải quýt hôi
Tại cha mẹ hay một lý do rất “vô duyên” nào đó ngoài ý muốn:
Tiếc công tôi súc ống lau bình Cậy mai tới nói phụ mẫu nhìn bà con.
Vì không môn đăng hộ đối:
Bởi anh mang chữ hàn vi
Phiền thay phụ mẫu em khinh khi kẻ nghèo
Vì bị nhà gái “đòi” cao không sao lo nổi:
Anh về bán ruộng cây đa
Bán cặp trâu già mới cưới đặng em
Vàng vòng không sắm sửa đủ cho “cô dâu” tương lai chàng trai cũng đành chào thua:
Em thương anh em chẳng đòi nhiều
Đôi bông lượng mốt cái kiềng lượng hai.
Vì tuổi tác không hợp:
Màn treo sát đất gió phất màn lem
Anh không đặng tuổi nên em không gần.
Không vượt qua được những thử thách khắc nghiệt, oái oăm:
Đố anh tìm được cái vẫy con cá trê vàng
Cái gan con tép bạc thì em nguyền theo không?
Hoặc do tính cách “trăng hoa” mà “lén phén” chuyện xằng của bậc mày râu, để rồi
bị bắt bí, tự thua:
Nghe anh hay chữ tôi hỏi thử đôi lời Ví mà anh đối đặng thì người ngợi ca:
- Vợ anh buôn bán đường xa
Có cô em vợ mượt mà ở chung
Đang đêm mưa gió bão bùng
Lỡ cô em vợ trúng gió anh dùng cách chi?
Phụ tình nhưng vẫn nặng tình:
Sắt lâu còn có khi mòn
Mẹ cha ép buộc duyên con
Phụ tình lỗi ấy con còn ăn năn.
Nhiều khi sự dang dở kia là do chàng trai chậm chân lỡ bước:
Anh không thương, người khác thương rồi
Phủi tay anh đứng dậy đừng ngồi uổng công
Dù có ăn năn thì cũng đã là tan vỡ. Nhiều chàng trai tuy có đau khổ nhưng cũng
lắm lúc mạnh dạn dứt tình:
Thương không thương tôi cũng không cần Lựu với lê khó kiếm chớ ổi bần khó chi.
Một sự trách móc nhẹ nhàng mà thấm thía:
Chim đa đa đậu nhánh đa
Chồng gần không lấy đi lấy chồng xa
Mai đây cha yếu mẹ già Chén cơm đôi đũa bộ kỷ trà ai dưng
Gặp nhau muộn màn trong hối tiếc:
Em đã có chồng như ngựa có yên
Anh đà có vợ như chim quyên có bầy
Bây giờ gặp lại nhau đây
Đừng nói nhừ vầy cho nó mắc công.
Nhiều chàng cũng ngỏ lời bằng cảnh ngộ thật đáng thương!
Khi nào nặng gánh anh chờ
Qua cầu anh đợi, bây giờ bỏ anh.
Không đợi lâu họ cũng nhận được những câu trả lời lại:
Bước xuống cầu cầu quằn cầu gãy
Bước xuống tàu nước chảy tàu nghiêng
Tại anh căn nợ đảo điên
Bây giờ anh trách anh phiền làm chi.
Cuối cùng là tuyệt vọng não nề:
Đũa bếp có đôi chìa vôi đủ bạn
Anh xa em rồi làm bạn với ai.
Ngả rẽ thứ hai: sự son sắt chờ ngày loan phượng hòa minh cùng hót vang bản nhạc
chung tình:
Chừng nào Ngã Bảy xây thành Chợ Ba Rinh xe lửa chạy anh mới đành xa em.
Tình yêu kia luôn luôn nồng nàn bùng cháy:
Yêu nhau từ độ má hồng
Đến khi má tóp lưng còng cũng yêu
Cho dù có “chết” họ cũng không rời xa:
Phụ mẫu đánh em quật quà quật quại treo tại nhành dương
Phụ mẫu bảo từ ai thì em chịu chứ từ bỏ người thương em không từ.
Với cô gái là thế, với chàng trai cũng không kém phần chung thuỷ: Dế kêu khỏa lấp cơn sầu
Mấy lời em nói bạc đầu anh chẳng quên.
Hay:
Dao phay kề cổ máu đổ anh không màng
Chết thời anh chịu chết chớ buông nàng anh không buông.
Tình yêu đó giúp họ nên vợ nên chồng. Từ đây, giai đoạn yêu thương nồng cháy đã
tạm kết thúc để chuyển sang một cung bậc mới: tình cảm vợ chồng trong gia đình
bé con mà họ vừa tạo dựng:
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.
Sống bên nhau tình yêu nên nghĩa ngày thêm mặn nồng:
Chim quyên ăn trái nhãn lồng
Thia thia quen chậu vợ chồng quen hơi
Như ngày đầu yêu nhau, giờ đây họ khẳng định tình nồng duyên thắm ấy trong bất
kỳ hoàn cảnh nào:
Đạo nào bằng đạo vợ chồng
Dầu lâm cơn hoạn nạn cũng bế bồng nuôi nhau.
Trong đạo vợ chồng lại kéo theo một hệ quả nữa. Hạnh phúc dạt dào như trên đã
nói thì thật đáng mừng và trân trọng:
Vợ chồng như đôi chim cu
Chồng thời đi trước vợ gật gù theo sau.
Nhưng cũng lắm khi chung sống rồi lại vỡ tan, gây nên nhiều cảnh tượng đau lòng
chua chát cho những trẻ thơ, những nạn nhân vô tội:
Trời mưa bong bóng phập phồng
Má đi lấy chồng con ở với ai Một người chồng đào hoa sẽ tan nhà nát cửa như
chơi:
Một chồng một vợ thì sang Một chồng hai vợ tan hoang cửa nhà
Một chống một vợ hiệp hoà
Một chồng ba vợ ắt là phân chia.
Não lòng hơn:
Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ
Kẻ ngoài cuộc “thừa gió bẻ măng”:
Nước ròng trong ngọn chảy ra
Tin em chồng chết, anh bôn ba qua liền.
Một hạnh phúc mới đang đến hay đang xa dần trong tâm hồn những người trong cuộc… vẫn vang vọng trong lòng người đến tận hôm nay và mai sau,…
Như vậy với tất cả các ngõ ngách trong những trạng thái của người mới bắt đầu
yêu cho đến hồi kết thúc đều được ca dao dân ca ghi nhận lại. Đó là những hạt
ngọc quý giúp chúng ta - những kẻ hậu sinh - hiểu biết và càng trân trọng tâm
tình của tiền nhân ngày trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét