Sự thức tỉnh của cảm thức mùa thu
Mùa thu nghiễm nhiên trở thành đề tài hấp dẫn và “an toàn” nhất
cho những người làm thơ. Bởi lẽ, chỉ cần viết về sự rơi rụng của cảnh, xao động
của tâm hồn cũng đủ tạo ra một thứ đọc được. Thế nhưng, cũng vì lẽ đó, nó chìm
dần vào thứ hỗn độn vô định của những mạch cảm sáo mòn, của cái trung bình cảm
hứng.
Thu tàn tạ
Thử đọc lại một “thói quen” nghĩ về thơ thu ta thấy vẻ đẹp của
nó như được đóng khung bởi một thứ cảm hứng (và cũng là quan niệm) từ sự tạo sắc,
điểm sương sầu muộn từ muôn vật:
Gió vàng hiu hắt cảnh tiêu sơ
Lẻ tẻ bên trời bóng nhạn thưa
Giếng ngọc sen tàn bông hết thắm
Rừng phong lá rụng tiếng như mưa.
(Ngô Chi Lan)
Thử đọc thêm một đoạn thơ thu khác cũng vậy:
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Ðạp trên lá vàng khô
(Lưu Trọng Lư)
Điều thú vị ở đây là sự gặp gỡ giữa con người và tạo vật. Vạn
vật sau chu kì sinh trưởng đã đến lúc thu mình ngưng kết trong lớp vỏ khô ẩn
náu tiết đông giá lạnh. Bởi thế mà những gì quen thuộc trong mắt bấy lâu nay
như sự xanh tươi, viên mãn đến lúc phải rơi rụng. Sự biến chuyển đó kỳ thực
cũng chỉ là một cách thay đổi trạng thái, thể thức của thiên nhiên. Nhưng, cùng
với nó là tiết trời giá rét tác động không nhỏ đến thể trạng con người Á Đông
mà với những kẻ “bị trời đầy” thì nó “biến chứng”thành một thứ tâm bệnh. Thế
nên, nhân cái sự đó mà trăm thứ tình điệu, triết lí gặp dịp ngưng kết thành một
giọng não nề. Cảnh vật tàn tạ bỗng dưng thành đẹp trong sự mất mát. Cái mất đi
đồng hành với cái quý. Cái mất đồng nghĩa cái có giá trị. Tất cả như một thứ hồi
quang chiếu ngược. Những “bóng nhạn thưa”, “sen tàn”, “lá phong rụng”, hoa thu
rơi… trở thành một thứ quy định của mĩ cảm buộc tất cả phải phục tùng. Không thế
mà Thơ mới của Lưu Trọng Lư vẫn còn say đắm với những thứ ấy: Con nai vàng
ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô. Sự khác biệt ở đây có chăng là: Xé rào cho
những biểu tượng mới. Không còn là “cánh nhạn thưa” đã cũ mòn đến độ không đủ sức
gợi cảm về hình dáng, bóng vía mà ép xác vào chữ nghĩa. “Con nai vàng” ở đây
mang cái hồn của “con nai bị chiều đánh lưới” - trong thơ Xuân Diệu-một thực thể
mang tâm trạng của tác giả. Thậm chí, Chế Lan Viên còn nhắc lại rõ ràng hơn,
ông như một đại diện cho cả một thế hệ thi sĩ Thơ mới nói lên sự hứng khởi với
quan niệm về mùa thu:
Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng
(Chế Lan Viên)
Mùa trước hay mùa này thì cũng là cái sầu nhằm thiêng hóa một
điển phạm lớn nhất ấy là mùa thu. Cái mùa đẹp vì đang mất. Mất mát của mùa thu
sau nghe còn thống thiết, bi lụy hơn mùa thu trước. Bản thân trong hai sự mất
mát ấy đã có những cấp độ nhằm gia tằng chiều sâu, tạo lớp lang cho bức tranh sầu
muộn mà nhiều thế hệ thi sĩ đã nương tựa vào đó để tìm ra một cách diễn đạt
riêng cho mình.
Nhưng nói như thế, không có nghĩa là thi sĩ nào cũng ngoảnh mặt,
quay lưng với thu mới mà nức tiếng khen thu cũ. Tản Đà có lẽ là người biết gieo
sầu vào hiện tại mà vẫn làm tâm can người đọc quặn thắt vì quá khứ. Thứ tâm bệnh
truyền kiếp được ông “ủ” trong hồn vía thơ mình:
Trận gió thu phong rụng lá vàng
Lá rơi hàng xóm lá bay sang
Vàng bay mấy lá năm già nữa
Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng
Trận gió thu phong rụng lá hồng,
Lá bay tường bắc lá sang đông
Hồng bay mấy lá năm hồ hết
Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng không
Từ lối thơ song ngữ Hán-Nôm kiểu tự dịch của Nguyễn Khuyến
nay chuyển thành lối thơ ẩn dấu gạch ngang khi các từ ngữ nôm na và trang trọng
đặt cạnh nhau là cả một câu chuyện dài. Có lẽ áp lực của việc phản ánh thực tại,
của việc tâm hồn Việt cần sự diễn đạt bằng thứ lời lẽ thuần chủng đã buộc những
người lâu nay khư khư bảo vệ Thi, Thư phải thỏa hiệp bằng một lối thơ như thế.
Chỉ có điều sự mới-cũ song song đó chỉ là tiểu tiết góp phần làm nên bức chân
dung của sự mất mát mới mẻ. Một dáng hờ “thơ thẩn” hay “tựa cửa”- tưởng mới-
nhưng kì thực là hiện thân của một cái ta mờ nhạt trong thơ cũ. Một cá thể dám
đương đầu với quy luật ư? Không. Dáng tựa cửa hay hờ hững đã là một motif quen
thuộc. Người viết thường gài người ngóng đợi ở cuối bài để làm người đọc thấy
đau đớn thay cho kẻ không thức ngộ kia.
Thu kết tinh
Nhưng đọc lại một bài thơ thu của Nguyễn Khuyến bỗng dưng thấy
nhà thơ gối đầu hai thế kỉ ấy có những cảm nhận khá tinh tế:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng nước theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo!
(Thu điếu)
Đọc đến đâu cũng thấy cảnh thu quen thuộc, thanh đạm, hợp với
thứ thơ tả cảnh ngụ tình, minh họa triết lí Nho gia. Nhưng không hẳn thế. Đọc
kĩ lại chẳng có câu nào thật thu theo nghĩa tàn héo cả. Lá vàng là hình ảnh duy
nhất trên nền xanh nhưng chỉ là nét vẽ chứ không phải màu sắc ám dụ kiểu mùa
thu cổ điển. Nhưng hình ảnh còn lại đều đạt đến sự sâu lắng và ngưng kết. Tao
nhã, tung tẩy nhất là hai câu thơ này:
Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Trời đạt đến độ tĩnh lặng “xanh ngắt” cũng là màu đậm nhất,
tinh chất nhất. Ngõ vằng khách mà lòng người vẫn bình thản không lo sợ a dua
thói đời cũng là sự điềm đạm, tỉnh táo, giác ngộ cao nhất chăng?
Như được tiếp thêm thi hứng từ cảm quan về sự ngưng kết tinh
túy của mùa thu, nhà thơ hiện đại nhìn ra được cái hửng sáng, tươi tắn trong cảnh
quan xưa cũ. Nhưng, để làm được điều ấy là cả một sự dũng cảm. Xưa kia, với cái
nhìn thời gian như vòng quay tuần hoàn thì mọi biến chuyển chỉ nằm trong một
chu trình. Khó mà tìm ra một cấp số tiến về đại lượng thời gian trong sự quanh
quẩn của can, chi, của hồi ức Nghiêu, Thuấn, thái tổ, thái tông. Năm tháng rồi
đến triều đại, đến số phận lịch sử đều nương vào đó mà tồn tại trong quan niệm.
Từ khi có văn minh phương Tây và nền khoa học thực nghiệm, phân tích, đại lượng
thời gian mới có cấp số tiến “bất phục phản” theo chiều véc tơ. Sự thay đổi này
đem đến một sự ám ảnh thời gian, đem lại giá trị thực của hiện tại, của cuộc sống
trần thế. Người ta bắt đầu lắng nghe hơi thở cuộc sống, đo đếm được nhịp sống.
Từ những Xuân Diệu cuống quýt: Nhanh với chứ, vội vàng lên với chứ/ Em
em ơi tình non sắp già rồi đến Phạm Công Trứ quê kiểng cuối thế kỷ công
nghiệp và ánh sáng mà vẫn viết những câu thơ về mùa thu tiều tụy:
Sen tàn mướp cũng đi tu
Lá tre đã thả một mùa heo may
Con sông không ốm mà gầy
Mắt em không tối mà đầy hoàng hôn
Thơ thu cứ theo chiều hướng nhạt dần, tàn dần, cạn dần và héo
dần. Cấp số tiến của thời gian chính là ngọn gió vô hình lấy đi tất cả. Phải
chăng đó là sự tỉnh táo của tư duy khoa học thực nghiệm được khúc xạ vào văn
chương thành cảm thức như thế. Nhưng đến một lúc nào đó, khi cái thái quá, phiến
diện, quá tải của cách tân qua đi, người ta sẽ tìm ra sự kết hợp (hay hòa hợp)
giữa cũ và mới để tìm ra một mẫu số cảm quan chung. Hữu Thỉnh chính là người đã
làm được như vậy:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây màu hạ
Vắt nửa mình sang thu.
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
(Sang thu)
Ở đây thời gian như một dòng sông (dòng thời gian, dòng ý thức)
nhưng có hai dòng chảy xuôi - ngược. Một khi đã phả hương, đã sương khói có
nghĩa là báo hiệu ngày tàn tạ. Cánh chim lạc thời vội vã bay đi tránh rét hay cố
níu lấy ngày xanh. Cơn mưa ngày hôm qua còn tưới mát cho muôn vật giờ vơi dần,
cạn dần… Thế nhưng đã có rất nhiều thứ đang đầy dần lên, dày dặn, mạnh mẽ, cứng
cáp lên. Ở cái tuổi của thu, mầm xanh hôm nào giờ đã cứng cành, gió bão không
quăng quật được nữa. Ở cái “độ thu” của đời người cũng là lúc cứng tuổi, không
biến động nào làm lung lay, xao động được nữa. Mặc kệ cánh chim trên cao vội vã
bay đi, giờ chớp được thiên thời nên dòng sông “dềnh dàng” mà giãi bày sự sâu xa đầy chiêm nghiệm của mình. Cứ thế, một xuôi - một ngược, một đầy - một vơi,
một vùn vụt Tây phương - một tuần hoàn Á đông mà tạo nên cảm thức mùa thu thật
độc đáo. Cảm thức ấy không chỉ là sự độc đáo của riêng những bài thơ thu mà còn
thể hiện sự trưởng thành của thi ca Việt Nam. Hay nói đúng hơn đó là một sự thức
tỉnh thực sự của cảm thức mùa thu.
Bùi Việt Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét