Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017

Thơ xưa và nay về mùa thu

Thơ xưa và nay về mùa thu 
Thơ xưa về mùa Thu trong văn học sử có 3 loại: (1) tả cảnh, (2) vừa tả cảnh và tả tình, (3) tả một cảnh hay tình đặc biệt từ mùa Thu, muốn tránh khỏi 2 khuynh hướng trên. 
Cảnh không gian mùa Thu (đa số là cảnh thiên nhiên), ngoài những thông thường là sông, núi, biển, ao, rừng…. thì có thực vật và động vật ở dưới đất, trên trời và khí hậu. Thực vật gồm có cây cành, hoa và lá. Thường là cây cành khô tiêu điều và lá vàng rơi rụng. Những cây được mô tả là lau, liễu, ngô đồng, thùy dương; đôi khi có cây hoè hay cây trúc, cây tùng. Hoa của mùa thu là cúc (vàng), hải đường và sen. Động vật thường là chim, đặc biệt là nhạn (én), quạ và ngỗng. Dưới đất thì có cá, vịt, dế, ếch hay ểnh ương trong mùa mưa. Thi nhân tiền chiến có thêm nai (vàng) hay cô gái trẻ. Nếu không mưa, thì trời xanh, ít mây (cô vân) và trăng sáng, tròn hay trăng trong. Ngoài ra còn có gió tây hay heo may rồi sương và tuyết. Thời tiết mát lạnh và không khí êm nhẹ. Thi nhân không quên âm thanh của mùa thư từ thiên nhiên, động vật hay tiếng sáo và tiếng đàn. Thi nhân thường có Thu Cảm tức là cảm giác hòa đồng với cảnh Thu và thích uống rượu hoặc đi chùa. 
Từ cảnh mùa Thu, thi nhân cảm động sinh ra Cảm Tình gồm có sầu buồn, mơ, nhung nhớ, cô đơn, xa vắng, ly biệt… và say (có khi với rượu). Đối tượng của tình thu là quê nhà, non nước, người thương yêu (như tình nhân hay vợ chồng) hay đặc biệt là Mỵ Châu, Chức Nữ và Hằng Nga. Một đối tượng khác thuộc về thời gian đó là Lão (và Bệnh). 
Chúng ta hãy nhìn lại Văn học sử từ đời nhà Trần để tìm những bài thơ cũ bằng chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc Ngữ: 
(1) Thơ nước ta bắt đầu từ đời nhà Trần thì cũng có thơ về Cảnh mùa Thu. Thơ tả cảnh lần lượt xuất hiện qua đời nhà Hậu Lê, đời nhà Nguyễn, thời Pháp thuộc (tiền chiến) và thời VN cộng hòa: 
Đời nhà Trần: 
TẢO THU 
Dạ khí phân lương nhập họa bình 
Tiêu tiêu đình thụ báo thu thanh 
Trúc đường vọng thích hương sơ tận 
Nhất nhất tùng chi võng nguyệt minh.
(Tổ sư Huyền Quang) 
ĐẦU THU 
Hương đêm mát dịu bình phong lạnh
Xào xạc thu sang lá động cành 
Trúc đường thong thả hương vừa đốt 
Cành cây chăng lưới lọt trăng thanh. 
(Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch) 
PHIẾM CHU
Tiểu đĩnh thừa phong phiếm diểu mang 
Sơn thanh thủy lục hựu thu quang 
Sổ thanh ngư địch lô hoa ngoạn 
Nguyệt lạc ba tâm giang mãn sương.
(Tổ sư Huyền Quang) 
ĐI THUYỀN
Mênh mông theo gió con thuyền nhỏ 
Thu sáng ngời xanh nước với cây 
Tiếng sáo thôn chài lau lách vọng 
Trăng lặng giòng sông sương trắng đầy. 
(Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch) 
THU NHẬT
Lâm lưu mao xá bản phi huynh 
Tiểu phố thu thâm hứng chuyển thanh 
Mai tảo cúc phương hiền tử đệ 
Tùng thương trúc sấu lão công khanh 
Thụ huyên phong nộ tâm nan động 
Vân tận thiên cao nhãn tự minh 
Tây vọng yên hoa phi tích nhật 
Thuần lô tứ viễn bất câm tình. 
(Trần Nguyên Đán) (*) 
NGÀY THU

Nhà cỏ cài then đứng mé sông 
Vườn thu trong trẻo hứng mênh mông 
Con em tài tuấn dường mai cúc 
Khanh tướng già nua tựa trúc thông (tòng) 
Cây rộn gió gào lòng vẫn vững 
Mây quang trời bổng mát thêm trong 
Phồn hoa ngoảnh lại xa ngày trước 
Vược cá thuần rau vướng nỗi lòng. 
(Đào Phương Bình dịch) 
(*) Ông Trần Nguyên Đán là em vua Trần Nghệ Tông và là ông ngoại của ông Nguyễn Trãi. 
Đời nhà Hậu Lê: 
VỊNH CẢNH MÙA THU 1 
Một nhạn hòa truyền lệnh Nhục Thu (*) 
Song thưa ngần ngật lọt hơi thu 
Vàng phô rãnh cúc khi sương rụng 
Bạc điểm ngàn lau thuở tuyết mù 
Đèn sách trên yên nghề cử tử 
Can qua ngoài ải việc chinh phu 
Thảnh thơi đêm có vầng trăng giãi 
Sáng tỏ làu làu khắp chín châu. 
(Lê Thánh Tông/ thi nhân đời Hồng Đức) 
(*) Nhạn=chim én. Nhục Thu=vị thần giữ hành Kim, trông coi việc mùa thu (sách Lễ ký) 
VỊNH CẢNH MÙA THU 2 
Hơi may hây hẩy lọt chồi ngô (*) 
Đòi trận so le nhạn khiếp thu (*) 
Xan xát vàng, buông chậu cúc 
Phau phau bạc, phất cờ lau 
Hòe pha khóm lục chim phơi ngọc 
Nguyệt giãi dòng trong cá hớp châu (đớp ngọc châu) 
Với hỏi kia ai trong tuyết tĩnh 
Thủa về niềm niệm mãi sông Ngô. (**) 
(Lê Thánh Tông/thi nhân đời Hồng Đức) 
(*) Ngô=ngô đồng. Đòi trận=nhiều đàn 
(**) Sông Ngô: chuyện Trương Hàn người Ngô Quận làm quan ở Lạc Dương thời Tây Tấn nhân “cảm” tiết mùa thu nhớ quê hương nên cáo quan trở về. 
VỊNH CẢNH MÙA THU 3 
Lác đác ngô đồng mấy lá bay (*) 
Tin thu hiu hắt lọt hơi may 
Ngàn kia cách nước xo le địch (*) 
Mái nọ bên tường đủng đỉnh chày (*) 
Lau chống bãi nam ngàn dặm lợp 
Nhạn về ải bắc mấy hàng bày 
Quý Ưng, Tống Ngọc, dường bao nữa (**) 
Khi ấy nhiều người cám cảnh thay. 
(Lê Thánh Tông/thi nhân đời Hồng Đức) 
(*) Ngô đồng đến mùa thu thì rụng lá. Địch=sáo. Chày: chày giả gạo (**) Quý Ưng=tên tự của Trương Hàn. Tống Ngọc có thơ thương cảm về mùa thu. 
MÙA THU CHƠI THUYỀN 
Nước xuôi nước ngược sóng dâng triều 
Thuyền khách chơi thu nọ phải dìu 
Chèo vượt bóng trăng nhân lúc hứng 
Buồn giong ngọn gió mặc cơn phèo 
Phơ phơ đầu bạc ông câu cá 
Leo lẻo giòng xanh nước mắt mèo 
Le vịt cùng ta như có ý 
Đến đâu thời cũng thấy đi theo. 
(Nguyễn Bỉnh Khiêm) 
Đời nhà Nguyễn Tây Sơn: 

VÃN THU THAM THIỀN
Khuất chỉ phiêu bồng ký ngũ niên 
Kim thu thôn tự nhất tham thiền 
Cúc hoa sơ quải hoàng kim giáp 
Bối diệp trọng chiêm bạch ngọc thuyên 
Vãng sự kỷ hồi hòe quốc mộng 
Cố ngô y cựu trúc lâu duyên 
Linh am tự tại linh quang tĩnh 
Sảng nhập ngân câu tú thủy liên. 
(Ngô Thì Nhậm) 
THAM THIỀN VÀO BUỔI CUỐI THU
Bấm đốt năm năm dạt khắp miền 
Chùa quê thu lại bước tìm lên 
Cánh vàng vừa tách xòe hoa cúc 
Lá bối lần xem bén vị thiền 
Chuyện cũ giấc hòe bao ảo mộng 
Thân xưa lầu trúc vẫn tiền duyên 
Am thiêng còn đó tòa sen lặng 
Khí mát hồ trong mặt nước êm. 
(Khương Hữu Dụng dịch) 
Đời nhà Nguyễn: 
VỊNH MÙA THU 
Trời thu phảng phất gió chiều 
Mây về Ngàn Hống buồn treo ráng vàng (*) 
Sang thu tiết hơi may hiu hắt 
Cụm sen già lã chã phai hương 
Sương giày giậu trúc đóa hoa vàng 
Son nhuộm non đào cành lá đỏ 
Lãnh vũ như ty trùng chức dạ 
Tình thiên tác chỉ nhạn thư không 
Phúc đâu đâu một trận hảo phong 
Trên cung Quảng xa đưa hương quế 
Giời biếc biếc nước xanh một vẻ 
Khéo hóa công khéo vẽ nên đồ 
Một năm được mấy mùa thu. 
(Nguyễn Công Trứ) (*) 
Tên tiếng Nôm của núi Hồng Lĩnh (cũng là quê hương của ông Nguyễn Công Trứ) 
THU DẠ ĐỘC TỌA TỨC SỰ 
Minh nguyệt nhập tiền hiên 
Cô ả khuy thanh tôn 
U nhân ái dạ tọa 
Tương đối diệc vong ngôn 
Khởi lập miện không vũ 
Nhân chi thiệp nhàn viên 
Tức tức hậu trùng ngữ 
Thu thu giang điểu huyên  
Minh cư đạm độc thích 
U thưởng diệu tư luân 
Bạc chước sấn hương dạ 
Úy ngã cơ lưu hồn. 
(Cao Bá Quát) 
Đêm thu ngồi một mình tức cảnh
Trăng sáng lọt hiên trước 
Bóng nghiêng bầu rượu nhòm 
Người buồn thích đêm vắng 
Ngồi lặng đối trăng suông 
Đứng dậy nhìn trời đất 
Tiện bước dạo quanh vườn 
Trùng tới mùa, ran rỉ 
Chim bên song véo von 
Riêng thích ở nơi vắng 
Tự vui trong cảnh buồn 
Nhân đêm thanh nhắp chén 
Yên ủi nỗi cô đơn. 
(Khương Hữu Dụng dịch) 
THU CẢM

Thu vũ liên hà giáp ngạn phồn 
Ngư ca ái ái náo tiền thôn 
Thiên biên nhất nhất hoành không lộ 
Giang thượng song song phá lãng đồn 
Cao thọ loạn dao phong tự chiến 
Lạc hoa bất tụ thủy như bôn 
Biên chu nhất trạo tri hà vãng 
Tháp thượng đàm tâm tửu mãn tôn. 
(Bùi Hữu Nghĩa) 
CẢM XÚC MÙA THU 
Sen gặp mưa thu rộ loáng bờ 
Rộn nghe thợ lưới hát u ơ 
Chân mây cò ráp cành dài đặc 
Mặt sóng nước đưa tóc bạc phơ 
Gió thổi cây chồm rung lấp cập 
Nước đùa hoa rụng chảy lờ đờ 
Giong thuyền nào biết đi đâu hử? 
Cùng khách chuyện riêng say gật gờ. 
(Nguyễn Hữu Nghĩa dịch)
THU ĐIẾU 
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo 
Một chiếc thuyền con bé tẻo teo 
Sóng nước theo làn hơi gợn tý 
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo 
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt 
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo 
Tựa gối ôm cần lâu chẳng đặng 
Cá đâu đớp động dưới chân bèo. 
(Nguyễn Khuyến) 
THU VỊNH 
Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao 
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu 
Nước biếc trong như làn khói phủ 
Song thưa để mặc bóng trăng vào 
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái 
Một tiếng trên không ngỗng nước nào 
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút 
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào. 
(Nguyễn Khuyến) 
THU ẨM 
Năm gian nhà cỏ thấp le te 
Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe 
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt 
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe 
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt 
Mắt lão không vần cũng đỏ hoe 
Rượu tiếng rằng hay hay chẳng mấy 
Độ năm ba chén đã say nhè. 
(Nguyễn Khuyến) 
Thời Pháp thuộc: 
ĐÊM THU CẢM TÁC 
Khen ai khéo vẽ nét trời thu 
Nước biếc non xanh một bức đồ 
Bên vách rỉ reo đờn cánh dế 
Ngoài sân lác đác mõ nhành ngô 
Mây năm tầng bũa, rồng phun nước 
Trống bốn bể vang, ếch được mưa 
Đêm vắng cùng ai trò chuyện nhỉ? 
Chuông chùa xen với tiếng nam mô. 
(Phan Bội Châu) 
THU RỪNG 
Bỗng dưng buồn bã không gian 
Mây bay lũng thấp giăng màn âm u 
Nai cao gót lẫn trong mù 
Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về 
Sắc trời trôi nhạt dưới khe 
Chim đi lá rụng cành nghe lạnh lùng 
Sầu thu lên vút song song 
Với cây hiu quạnh với lòng quạnh hiu 
Non xanh ngây cả buồn chiều 
Nhân gian e cũng tiêu điều dưới kia, 
(Huy Cận) 
ĐÊM THU 

Vườn thu óng ả nét thùy dương 
Đưa nhẹ đêm thu cánh hải đường 
Lóng lánh rẻo vàng gieo bến nguyệt 
Phất phơ tơ nhện tỏa ngàn sương 
Chim hồi hộp mộng cơn mê lá 
Cúc vẩn vơ hồn ngọn gió hương 
Say khước hơi men thời Lý Bạch 
Non xa mây phới nếp Nghê Thường. 
(Quách Tấn) 
Thời VN cộng hòa: 
TIẾT THU 
Ẩm ướt cỏ hoa đã ngán mùi 
Đất trời ầm ĩ vẫn chưa nguôi 
Sương trùm, ngọc thố đang buồn bã 
Mây phủ, kim ô luống ngậm ngùi (*) 
Lạnh suốt ngày đêm còn gió thốc (*) 
Nắng sơ giây lát lại mưa vùi 
Cảnh thu ảm đạm chiều thu vắng 
Khúc nhạc uền(h) oan(g) mãi sụt sùi. (**) 
(Lãng Ba) 
(*) Ngọc thố=thỏ ngọc, ám chỉ mặt trăng. Kim ô=quạ vàng, ám chỉ mặt trời 
(**) Tiếng kêu của con ểnh ương 
(2) Đây là những bài thơ về mùa Thu vừa tả cảnh vừa tả tình bắt đầu từ cuối đời Hậu Lê với ông Nguyễn Trãi: 
Đời nhà Hậu Lê: 
THU DẠ KHÁCH CẢM 
Tây phong hán thụ hưởng tranh tranh 
Diêu lạc thanh bi cửu khách tình 
Hoàng diệp mãn đình thu quá bán 
Thanh đăng hòa vũ dạ tam canh 
Bệnh đa cốt sấu miên ưng thiểu 
Quan lãnh thân nhàn mộng diệc thanh 
Nhất niệm tức lai thiên niệm tức 
Kê trùng tự thử liễu tương tranh. 
(Nguyễn Trãi) 
Đêm thu đất khách cảm hoài
Cây lộng gió tây vẳng tiếng đàn 
Dạt dào tình khách tiếng bi than 
Sân đầy lá úa thu già nửa 
Mưa hắt đèn xanh khắc chửa tàn 
Ngủ ít, xương gầy do bệnh lắm 
Mộng thanh, mình rỗi bởi quan nhàn 
Một niềm dứt ấy, muôn (ngàn) niềm dứt 
Gà bọ thôi tranh kẻo hại thân.
(Đào Duy Anh dịch)
TRUNG THU ĐỐI NGUYỆT HỮU CẢM  
Thiên cao thu nguyệt minh 
Dao dao tương đối nhân 
Tích niên thử kim dạ 
Cao đường bạch phát xuân 
Nguyệt hạ thiết tửu quả 
Mỗi tiếu ngô gia bần 
Kim niên thử kim dạ 
Cô vẫn nhập vọng tần 
Vân gian hà sở kiến 
Trường không nguyệt nhất luân 
Đăng tiền hí nhi nữ 
Trùng vi ức ngô thân 
Quan lý mãn nhai mạch 
Ca quản động bàng lân 
Hữu hoài đối minh nguyệt 
Bất giác lệ triêm cân. 
(Bùi Huy Bích) 
Cảm xúc trước trăng thu

Trăng thu trong sáng trên cao 
Xa xôi đối diện người vào cung trăng 
Trăng xưa đêm ấy nhớ chăng 
Song thân tóc bạc trán nhăn dãi dầu
Vẫn vui rượu dưới trăng thâu 
Cười nhà ta đã bao lâu vẫn nghèo 
Năm nay đêm cũng tiêu diêu 
Ngắm nhìn mây lượn liêu xiêu trên trời 
Thấy gì đây nữa mây ơi 
Mênh mông bàng bạc một trời trăng non 
Trước đèn đùa với các con 
Mà lòng thương nhớ mỏi mòn song thân 
Phố đông thiên hạ quây quần 
Bên nhà hàng xóm sáo ngân vang rền 
U hoài ngắm ánh trăng lên 
Mà dòng lệ chảy bên thềm thắm khăn.
(Phạm Đình Nhân dịch) 
THU VŨ 
Thiên cách vân âm thảm bất minh 
Tiêu tiêu thu vũ lạc nhân đình 
Đoản trường khô thụ chi đầu lệ 
Thù cấp hoàng tiêu diệp thượng thanh 
Ngâm đoạn đê mê thiên lý mộng 
Sầu khiên liêu lạc ngũ canh tình 
Thâm khuê tối khổ như hoa diện 
Nhất phiến sầu dung dạ bất thành. 
(Hồ Xuân Hương) 
MƯA THU 
Trời cách mây mù thảm chả (chẳng) xanh 
Mưa thu sân vắng giọt buồn tanh 
Đầu cành cây héo châu dài vắn 
Trên lá tiêu vàng tiếng chậm thanh 
Hát dứt đê mê mơ vạn dặm 
Sầu giăng quạng quẽ nỗi năm canh 
Khuê sâu rất khổ mày hoa ấy 
Vẻ mặt buồn thương vẽ (dạ) chẳng thành. 
(Bùi Hạnh Cẩn dịch)
THU NHẬT TỨC SỰ
Tây phong lạc dạ áp hàn chi 
Ly cúc tiêu sơ tuyết vị phi 
Mật vũ tà phi nhân sĩ diện 
Cô vân miêu chức viễn sơn my 
Liên dư tàn hạ lưu xuân đới 
Liễu bạng nhiêu hương lão thúy y 
Đề điểu mạc phi tri ngã huống 
Thanh thanh trường động cố hương ty (tư) 
(Hồ Xuân Hương) 
NGÀY THU TỨC CẢNH
Đêm qua lành lạnh gió tây về 
Dậu cúc đìu hiu tuyết chửa đi 
Mưa nặng sông chia mờ vẻ mặt 
Mây trơ non thẳm vẽ đường mi 
Sen tàn hạ cuối dây thơm sót 
Liễu ngả xuân thừa biếc áo che 
Chim hót nỗi mình chăng có thấu 
Lời lời dài đọng nỗi lòng quê. 
(Bùi Hạnh Cẩn dịch)
Đời nhà Nguyễn Tây Sơn: 
TRUNG THU 
Thị niên khứ tuế trung thu nguyệt 
Nhiệt thủy Minh viên vạn lý nhân 
Nga tỷ ngọc nhan toàn tự cựu 
Sứ hoa ban mấn hựu thiên tân 
Thời quang cường bán tùy kim dạ 
Khách huống thiên đa lão thử thân 
Tưởng đắc gia hương hoan tịch thượng 
Cử tôn dao vị chúc hồi nhân. 
(Ngô Thì Nhậm) 
TRUNG THU 
Thu trước thu nay trăng mấy độ 
Vườn Minh sông Nhiệt khách ngàn khơi 
Ả Hằng mặt ngọc yên như cũ 
Đầu Sứ hoa râm trắng nữa rồi 
Thu tiết đêm nay hơn nửa hết 
Tha hương thân khách chóng già thôi 
Quê nhà tưởng tượng đang nâng chén 
Chúc Sứ xa về giữa tiệc vui. 
(Khương Hữu Dụng dịch) 
THU DẠ LỮ TÌNH

Mai dịch thê lương thấu khách trình 
Bích ngô chi thượng báo thu thanh 
Song hàm tĩnh luyện giang phong bạch 
Chẩm lộng hàn quang hải nguyệt sinh 
Án thượng hữu hoài đăng nhất điểm 
Lâu tiền hà xứ địch tam canh 
Thùy chân tòng xướng câu ly khúc 
Lao lạc yên ba mộng bất thành. 
(Ngô Thì Nhậm) 
TÌNH LỮ KHÁCH ĐÊM THU 
Thê lương quán trọ khách buồn thê 
Ngô đồng trút lá báo thu về 
Bên song trắng xóa dòng sông lặng 
Mép gối xanh mờ cát biển xa 
Nhung nhớ, đêm tàn lay án độc 
Mơ màng, sáo vọng giục canh ba 
Kìa đâu vắng khúc sầu ly biệt 
Giấc mộng chìm trong khói sóng nhòa. 
(Ngô Quang Nam dịch) 
THU CHÂM (*) 
Thanh tòng nguyệt dạ tam thiên hộ 
Hưởng động Trường An thập nhị nhai 
Viễn thú vị ưng năng đáo nhĩ 
Thiên ư hoa dịch đảo thu hoài. 
(Ngô Thì Nhậm) 
Tiếng đập vải mùa thu 
Trăng khuya chày vải nện sương 
Vẳng đưa khắp nẻo phố phường 
Chắc gì thấu tới ải quan 
Sứ hoa xúc động can tràng nhớ thu. 
(Lổ Côn dịch) 
(*) Xem chú thích bài Thu Dạ ở dưới. 
Đời nhà Nguyễn: 
THU DẠ 
Bạch lộ vi sương thu khí thâm 
Giang thành thảo mộc cộng tiêu sâm 
Tiễn đăng độc chiếu sơ trường dạ 
Ác phát kinh hoài mạt nhật tâm 
Thiên lý giang sơn tần trướng vọng 
Tứ thì yên cảnh độc trầm ngâm 
Tảo hàn dĩ giác vô kỳ khổ 
Hà xứ không khuê thôi mộ châm.(*)  
(Nguyễn Du) 
ĐÊM THU 
Móc trắng thành sương thu lạnh loang  
Bên thành cây cỏ vẻ tiêu hoang 
Đèn khêu độc chiếu đêm dài dặc 
Tóc vắt trăm lo vận lỡ làng 
Nghìn dặm núi sông lòng luyến nhớ 
Bốn mùa mây khói dạ sầu mang 
Khổ thay rét sớm người không áo 
Khuê phụ chày xa dục nắng tàn. 
(Nguyễn Tam dịch) 
(*) Nghề làm vải ngày xưa có đoạn dùng chày nện vải trên một tảng đá (=châm) cho vải mềm mại mỏng đẹp. Âm thanh nện vải nầy gợi cảm hứng rất lớn cho thi nhân ngày xưa, đặc biệt dùng miêu tả nỗi lòng chinh phụ nhớ chồng (chinh phu) ngoài biên ải. Ở đây là chinh phụ nện vải để may áo rét cho chồng. 
THU CHÍ
Tứ thì hảo cảnh vô đa nhật 
Phao trịch như thoa hoán bất hồi 
Thiên lý xích thân vi khách cửu 
Nhất đình hoàng diệp tống thu lai 
Liêm thùy tiểu cát tây phong động 
Tuyết ám cùng thôn hiểu giốc ai 
Trù trướng lưu quang thôi bạch phát 
Nhất sinh u tứ vị tằng khai. 
(Nguyễn Du)

THU ĐẾN 
Bốn mùa cảnh đẹp được bao ngày 
Vùn vụt thoi đưa gọi chẳng lùi 
Ngàn dặm năm chày thân khách trọi 
Một sân thu đến lá vàng bay 
Gió tây gác nhỏ rèm lay động  
Còi sớm làng xa tuyết phủ đầy 
Ngày tháng trôi mau buồn tóc bạc 
Nỗi riêng u uất chửa chừng khuây. 
(Nguyễn Thạch Giang dịch)
Thời Pháp Thuộc: 
GIÓ THU THU SANG
Trận gió thu phong rụng lá vàng 
Lá rơi hàng xóm lá rơi sang 
Vàng bay mấy lá năm già nửa 
Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng? 
Trận gió thu phong rụng lá hồng 
Lá bay tường bắc lá sang đông 
Hồng bay mấy lá năm hồ hết  
Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng không.  

(Tản Đà) 
Thu sang
Khắp nẻo hồng mai trải lá vàng 
Đàn ve dắng dỏi đón thu sang 
Lòng ơi chớ để đêm trăng lạnh 
Giấc mộng gia hương bướm phụ phàng. 
TÌNH THÙ 
Xưa tiễn thu đi chiếc lá hồng 
Nay thu về với bóng trăng trong 
Sương qua hoa biết tình thu trượng 
Mượn gió đưa hương ấp ủ lòng. 
(Quách Tấn) 
ĐÊM THU NGHE HỌA KÊU 
Từ Ô Y Hạng rủ rê sang 
Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng 
Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng 
Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng 
Bồn chồn thương kẻ nương sông bạc (*) 
Lạnh lẽo thương ai rụng giếng vàng (*) 
Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi 
Tình hoang mang gợi tứ hoang mang. 
(Quách Tấn) 
(*) Ô Y Hạng=xóm áo đen, nơi những nhà quyền quý họ Vương và họ Tạ ở kinh đô Kiến Nghiệp bên Tàu thời Đông Tấn. Kiến Nghiệp nay là Nam Kinh. Chữ “Ô” ở đây nghĩa là đen chứ không phải là con quạ (tác giả chơi chữ). 
(*) Sông bạc=Ngân hà, nhắc chuyện Chức Nữ. Giếng vàng=Giếng Trọng Thủy, nhắc chuyện Mỵ Châu. 
BUỒN THU 
Ấp úng không ra được nửa lời 
Tình thu bi thiết lắm thu ơi 
Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt 
Hiu hắt hơi may thoảng lại rồi 
Nằm gắng đã không thành mộng được 
Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi 
Ngàn trùng sương tỏa cây e lạnh 
Cảnh sắp về đông mắt lệ rơi. 
(Hàn Mặc Tử) 
TIẾNG THU 
Em không nghe mùa thu 
Dưới trăng mờ thổn thức 
Em không nghe rạo rực 
Hình ảnh kẻ chinh phu 
Trong lòng người cô phụ 
Em không nghe rừng thu 
Lá thu kêu xào xạt 
Con nai vàng ngơ ngác 
Đạp trên lá vàng khô. 
(Lưu Trọng Lư) 
THU 

Hôm qua thu mới về 
Với một cành hoa gãy 
Sương nặng gieo đầu tre 
Lạnh tràn theo gió đẩy 
Thu tới trong vườn bên 
Ngợ ngàng màu cúc mới 
Đêm qua bên láng giềng 
Êm tựa nhàn, thu tới 
Cô gái nhỏ thung dung 
Qua miếng vườn hoa nhỏ 
Đất nằm in dưới cỏ 
Hoa tạ màu nhớ nhung. 
(Huy Cận) 
ĐÂY MÙA THU TỚI 
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang 
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng 
Đây mùa thu tới, mùa thu tới 
Với áo mơ phai dệt lá vàng 
Hơn một loài hoa đã rụng cành 
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh 
Những luồng run rẩy rung rinh lá 
Đôi nhánh khô gầy sương mỏng manh 
Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ 
Non xa khởi sự nhạt sương mờ 
Đã nghe rét mướt luồn trong gió 
Đã vắng người sang với chuyến đò 
Mây vẫn từng không chim bay đi 
Khi trời u uất hận chia ly 
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói 
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì
(Xuân Diệu) 
TRUNG THU 
Tuổi nầy cũng dự lễ Trung Thu 
Góp mặt làng văn chén tạc thù 
Thi hữu chuốt lời xinh tựa vẽ 
Ca công cất giọng đẹp như ru 
Đầy đường xanh đỏ, đèn dưng cộ (*) 
Khắp chợ tùng chen, trống múa cù (*) 
Thấy trẻ vui đùa, vui gượng gạo 
Nước non sầu thảm bóng trăng lu. 
(Lãng Ba) (*) Cù lân và cộ đèn. 
Thời VN cộng hòa: 
THU (Xướng) 
Thu ơi, ai nhuộm lá thu vàng 
Lá ngập tơi bời đến ải quan 
Cây cỏ ngậm ngùi sầu thế hệ 
Nước non vương vấn hận thời gian 
Vườn thơ vắng bướm hương tàn tạ 
Cánh nhạn tung mây gió phũ phàng 
Ôi mảnh hồn trăng từ vạn kỷ 
Gieo chi đất bụi một màu tang. 
(Nguyễn Vỹ) 
THU (Họa) 
Tàn lục lưa thưa điểm lá vàng 
Heo mây heo hắt giục thu sang 
Sương lồng trướng khói: mờ gương thỏ 
Gió vén rèm mây: chẳng bóng nhàn 
Khí mát xông thềm, hơi dế lạnh 
Mưa dầm trĩu nhánh, giọng thiền khan 
Bắc Nam kinh vỹ trời tuy khác 
Thu đến sầu thu cũng ngập tràn. 
(Trần Văn Hương) 
THU 

Giong buồm lục tỉnh về chơi 
Mưa thu nhớ mãi mây trời miền Tây 
Ba mươi ngày trước bao ngày 
Lang thang bờ bến dọc dài đồng xanh 
Giòng sông rộng, sống mông mênh 
Trời mây trăng nước gió bềnh bồng đưa 
Nhớ nhung những tháng ngày xưa 
Thân còn khỏe mạnh hồn chưa rã rời 
Tha hồ du lãm khắp nơi 
Long Xuyên Châu Đốc đất trời miền Tây 
Thu xưa sống lại thu nầy 
Thu xưa nô nức thu nay buồn buồn 
Buồn vui cũng một cỗi nguồn 
Nhấp nhô ngọn sống vui buồn xuống lên. 
(Bùi Giáng) 
(3) Đây là những bài thơ đặc biệt muốn ra khỏi 2 khuynh hướng trên: SƠN VŨ 
Thu phong ngọ dạ phất thiềm nha 
Sơn vũ tiêu nhiên chẩm lục la 
Dĩ hĩ thành thiền tâm nhất phiến 
Cùng thanh tức tức vị thùy đa. 
(Tổ sư Huyền Quang) 
NHÀ NÚI 
Gió thu xào xạc thổi ngoài hiên 
Núi vắng lều tranh gối cỏ mềm 
Nếu quả thiền tâm là một khối  
Tiếng trùng sao réo gọi thâu đêm. 

(Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch) 
MUỐN LÀM THẰNG CUỘI 
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi 
Trần thế em nay chán nữa rồi 
Cung quế đã ai ngồi đó chửa 
Cành đa xin chị nhắc lên chơi 
Có bầu có bạn can chi tủi 
Cùng gió cùng mây thế mới vui 
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám 
Tựa nhau trông xuống thế gian cười. 
(Tản Đà) 
CHIỀU THU 
Chiều thu mây trắng nhớ nhung 
Những trăm nghìn nỗi mông lung nhớ gì 
Nhớ gì có lúc lâm ly 
Có lần thư thái thuận tùy nhớ nhung 
Nhớ gì cũng thể như không 
Nhớ gì cũng được - nhớ mong không gì 
Không gì cả! Chẳng có gì 
Nhớ gì chẳng có, có vì nhớ suông. 
(Bùi Giáng) 
(1) Khuynh hướng thơ Thu ngày nay trước hết là đem sự sống động của chính tác giả vào (bối) Cảnh Thu như 2 bài họa dưới đây của bài Thu Điếu của ông Nguyễn Khuyến. 
THU ĐIẾU 
(Nguyên bản) 
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo 
Một chiếc thuyền con bé tẻo teo 
Sóng nước theo làn hơi gợn tý 
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo 
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt 
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo 
Tựa gối ôm cần lâu chẳng đặng 
Cá đâu đớp động dưới chân bèo. 
(Nguyễn Khuyến) 
THU CẢM 

(Họa 1) 
Sân vắng bóng người, muỗi véo veo 
Chiều thu ảm đạm thấy buồn teo (theo) 
Hoa tàn theo nắng, cành khô cứng 
Lá rụng đầy sân, gió thổi vèo 
Nhớ bạn cố tri, sầu áo não 
Thương người cố cựu, ốm tong teo 
Ao sâu nước đục không còn cá 
Thơ thẩn vài câu, đứng đá bèo! (*) 
(Phan Thượng Hải) 
(*) Giống như ông Trạng Quỳnh. 
THU CA 
(Họa 2) 
Mặt hồ yên tĩnh, nước trong veo 
Thu cảm lạnh người thấy tí teo (lạnh theo) 
Xa lánh tình đời tìm vắng vẻ 
Sợ e miệng thế phải vòng vèo 
Thu đàm lắm lúc quên cằn cỗi? (*) 
Thu cuối trong đời bệnh ốm teo! 
Thu điếu ôm cần lâu chẳng động 
Thu ca ướt át mát tai bèo. 
(Phan Thượng Hải) 
(*) Đàm=đàm luận, chuyện trò. 
(2) Một số thi nhân viễn xứ cũng dùng mùa thu để riêng tỏ tình yêu cố quốc nồng ấm mà thôi: 
THU MƠ 
(Nguyên bản) 
Mỗi độ thu sang ta thẩn thơ, 
Mơ về đất nước cách đôi bờ. 
Mơ dân chủ thực không còn mộng, 
Mơ tự do rồi chẳng phải mơ. 
Mơ ngọn cờ vàng bay phất phới, 
Mơ người em gái đợi mong chờ. 
Mơ mùa thu tới quê hương đẹp, 
Mơ gặp mẹ già với trẻ thơ… 
(Chánh Minh Nguyễn Văn Minh) 
(3) Tuy nhiên căn bản về Cảnh Thu và Cảm Tình trong mùa Thu vẫn không thay đổi vì đó là Cái Đẹp trong thơ Mùa Thu của thi nhân: 
THU MƠ 
(Họa) 
Thu về gợi cảm hứng nhà thơ 
Lãng mạn tâm tư khắp cõi bờ 
Nguyễn Khuyến ôm cần say cảnh đẹp 
Tản Đà nhìn lá thả hồn mơ 
Sóng tình tiền chiến yêu sầu khổ 
Nỗi nhớ tha hương mộng ngóng chờ
Theo giấc thụy miên đầy quyến rũ 
Hiu hiu gió mát quyện thành thơ. 
(Phan Thượng Hải) 
THU LÃNG MẠN 
Ngoạn cảnh si tình nghĩ vẩn vơ 
Mùa thu quyến rũ dệt thành thơ 
Đất trời ảm đạm sinh buồn bã 
Vạn vật tàn phai thấy thẫn thờ 
Lộng nguyệt thanh thiên xây cõi mộng 
Hoàng hoa lạc diệp thả hồn mơ 
Buồn mơ thương nhớ say theo rượu 
Lãng mạn thi nhân thỏa đợi chờ. 
(Phan Thượng Hải) 
THU VỀ 

(Nguyên bản) 
Hạ khuất thu về tưởng bóng em 
Ngoài hiên lá đổ ngập bên thềm 
Lưng trời gió thổi mây bay thoảng 
Mặt nước bèo trôi sóng gợn êm 
Năm tháng phôi pha lòng lữ khách 
Tuổi đời dang dở mộng chinh yên 
Thu nầy gợi nhớ trăng thu cũ 
Dưới mái trường xưa một dáng tiên 
(Cư sĩ Bùi Đình Liệu) 
(4) Cái Đẹp là một hiện tượng Buồn và không lối thoát nhưng thi nhân hiện đại đã đưa ra những lối thoát dựa trên “Tịnh Tâm”, “Hưởng Nhàn” và nhất là “Tri Túc” trong tuổi già. Nhờ đó thi nhân lại càng thêm cảm hứng với mùa Thu hơn nữa? 
THU VỀ 
(Họa) 
Chớm lạnh vào thu nghĩ đến em 
Đạo tràng thưởng nguyệt dạo quanh thềm 
Trăng trong mường tượng người xưa cũ 
Gió thoảng mơ hồ tiếng dịu êm 
Thục nữ cách xa lòng vẫn nhớ 
Thiền môn gần gũi dạ chưa yên 
Trời thu lãng mạn hồn cư sĩ 
Mơ mộng hình hài một Giáng Tiên. 
(Phan Thượng Hải)  
THU HỨNG 
Gió mát hiu hiu bóng xế tà 
Thu về cảm hứng sướng đời ta 
Nhấp trà nhắm rượu, người khoan khoái 
Tức cảnh sinh tình, dạ thiết tha 
Thấy lá vàng rơi thương mỹ nữ! 
Nhờ trăng huyền ảo tưởng tiên nga 
Quên hè nắng cực, chờ đông giá… 
Thích thú lăng nhăng hết thấy già. 
(Phan Thượng Hải) 
(*) Một trà một rượu một đàn bà. Ba cái lăng nhăng nó quấy ta. (Tú Xương)  
MÙA THU CỦA TUỔI GIÀ 
(Nguyên bản) 
Lá rụng đầy sân ngập lối vào 
Gió Thu thoáng nhẹ nhạc lao xao 
Ông già lọm khọm đưa cần chổi 
Bà lão lui cui đẩy cán cào 
Lửa nhóm một lùm nương gió quyện 
Tình khơi hai bóng dựa vai nhau 
Hong tay khói ấm mùi thu thảo 
Nắng xế ai tô bạc trắng đầu. 
(Kế Đô Đỗ Kiểm) 
MÙA THU CỦA TUỔI GIÀ 
(Họa) 
Nhà vắng đìu hiu gió lạnh vào, 
Trời Thu ảm đạm sắc xanh xao. 
Lá vàng trước ngõ đầy cây chổi 
Cành mục ngoài sân mắc lưỡi cào. 
Lúc trẻ hai người cùng góp sức, 
Về già đôi lứa sống nương nhau. 
Tình yêu gắn bó bao dâu bể, 
Ngày tháng phôi pha bạc mái đầu. 
(Chánh Minh Nguyễn Văn Minh) 
VÀO THU 

(Họa) 
Xuân hết Hè qua Thu đã vào 
Nhìn màu lá đổi dạ xôn xao 
Mảnh vườn lúc trước siêng năng cuốc 
Đống đất khi nay biếng ngại cào 
Con cái trưởng thành đi tuốt luốt 
Mẹ cha hưu dưỡng ở bên nhau 
Gần xa nhịp bước cùng lui tới 
Mãi sánh bờ vai dẫu bạc đầu 
(Thạch Ngọc Trương Ngọc Thạch) 
THU TÀN 
(Họa) 
Danh lợi phù sinh chẳng bước vào 
Thu tàn đông đến tránh xôn xao 
Lòng còn thương nhớ, tim thôi nhói 
Thân trải gian lao, ruột hết cào 
Tráng chí hùng tâm thành quá khứ 
Tiện nhàn tri túc sống gần nhau 
Tình già nghĩa cũ cùng chia sẻ 
Thơ thẩn trần gian lúc bạc đầu. 
(Phan Thượng Hải) 
MÙA THU DẪN CHÁU ĐI CHƠI 
(Họa) 
Sáng sáng công viên ghé bước vào 
Ngắm đàn cháu nhỏ tiếng lao xao 
Thằng em hớn hở, vui hay phá 
Con chị hung hăng, giận cứ cào 
Cầu tuột, xích đu, theo chẳng kịp 
Năm mười, cút bắt, trốn kề nhau 
Mùa Thu tuổi tác thôi băng giá 
Bởi có mùa Xuân tựa mái đầu 
(Phan Huệ Lan) 
THU HƯƠNG 
Mùa thu tàn tạ tiếc thu hương 
Qua đến lập đông đã tận tường 
Sắc đẹp hoa xuân tuy vẫn nhớ 
Tình nồng nắng hạ hết còn vương 
Tử sinh từng trải đời vô ngã 
Lão bệnh cưu mang cảnh đoạn trường 
Man mác trong ta bao kỷ niệm 
Cùng nhau chia sẻ một niềm thương. 
(Phan Thượng Hải) 
Ngoài việc làm không gian thêm sống động và vẫn giữ cảm tình, thi nhân hiện đại đem tâm tình và thời gian vào thơ mùa thu. Tất cả những thể thơ cũng đã được dùng trong thơ về mùa Thu. Như vậy thơ về mùa thu đã hoàn hảo, không thêm bớt được nữa. Bài thơ Thu mới làm dưới đây cũng trong vòng lẩn quẩn với Cảnh Tình Thu giống như thơ xưa mấy trăm năm về trước? 
DÁNG THU 
Yểu điệu nàng thu đến dịu dàng 
Bên hồ bán nguyệt bóng trăng loang 
Lung linh mặt nước soi màu biếc 
Rực rỡ rừng phong trổ sắc vàng 
Nhặt chiếc lá rơi sầu diệu vợi 
Gom cành hoa rụng nhớ mênh mang 
Bóng chiều thấp thoáng trên sông vắng 
Vọng tiếng xa xa én gọi đàn. 
(Vô Danh Thị) 
Tuy nhiên khí hậu mùa Thu ở California cũng tạo ra một ý thơ mới lạ về thơ Mùa Thu? 
THU NÓNG QUÁ TRỜI 
(Xướng) 
Vừa mới vào thu nóng quá trời 
Cháy rừng lan rộng khắp nơi nơi 
Tầng mây từng cụm bay lơ lửng 
Bãi biển đầy người tắm đã đời 
Lũ trẻ thả diều quên mệt nhọc 
Cụ già trốn nắng thích nằm ngơi 
Môi trường phá hủy do nhân loại 
Bởi vậy đừng than trách tại trời. 
(Chánh Minh Nguyễn Văn Minh) 
THU ĐẾN CALI 
(Họa) 
An cư viễn xứ cũng nhờ 
Trời Thu đến Cali, nóng khắp nơi 
Hạn hán thiên nhiên không toại ý 
Tiện nghi nhân tạo vẫn vui đời 
Tâm tư vô niệm càng thơ thẩn 
Hoa cỏ để tàn được nghỉ ngơi 
Dẫu có khát khao còn nhớ nước 
Thủy chung thức ngộ biết ơn Trời. 
Phan Thượng Hải
Theo http://phanthuonghai.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Câu hỏi lãng quên 2

Câu hỏi lãng quên 2 Chương 10 Kính nói thế nhưng không giải thích bởi thầm nghĩ chưa chắc giải thích về quyền lực của sự cầu nguyện đã có lợ...