Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

Cảnh xuân trong Bức tranh quê

Cảnh xuân trong Bức tranh quê
Nữ sĩ Anh Thơ (Vương Kiều Ân) sinh 1921 tại thị trấn Ninh Giang (Hải Dương). Tuổi thơ ấu, nhà thơ gắn bó với khung cảnh của một thị trấn nhỏ nằm cạnh dòng sông Luộc. Gọi là thị trấn nhưng phố xá không nhiều, chỉ cần bước ra vài trăm mét là thấy làng nối làng, ruộng nối ruộng. Khung cảnh ấy đi vào thơ qua cái nhìn trong trẻo yêu đời của một nữ sinh. Tập thơ Bức tranh quê (1939) được giải thưởng về Thơ của Tự lực văn đoàn. Tập thơ gồm 45 bài, trừ 3 bài nói về Tết nhất thì có đến 6 bài viết về mùa xuân. Nhân ngày xuân đọc lại Bức tranh quê, là để cảm nhận lại vẻ đẹp của xuân quê hương chúng ta cách đây gần một thế kỷ, nhất là được tiếp xúc với một tâm hồn thơ nữ (không nhiều) được hai nhà phê bình Hoài Thanh - Hoài Chân trân trọng chọn lựa đặt trong "ngôi đền thiêng" - Thi nhân Việt Nam (thơ mới Việt Nam 1932-1945).
Trong 6 bài thơ viết về mùa xuân có 3 bài viết về cảnh xuân ban ngày, ba bài viết về cảnh xuân ban đêm. Hãy cùng đi qua một ngày xuân hơi lạnh, nắng vàng hơi ửng, giữa lúa đồng xanh rợn sóng tận chân mây… Cái thứ hoa xoan thôn dã từng rụng vơi đầy trong thơ Nguyễn Bính, giờ đây lại tơi bời trong Mưa xuân: Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng/Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi/Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng/Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời (Chiều xuân).

Đã qua tiết sơ xuân nên không thấy hình ảnh của hoa đào mà chỉ có đồng lúa trải rộng trong tầm xanh rờn và ướt lặng mưa xuân. Cánh cò trắng ẩn hiện, những cánh én đan dệt, rồi cỏ xanh triền đê như mời gọi cánh bướm rập rờn, từng đàn sáo bay đi bay về mổ vu vơ… Tất cả chấm phá nên những nét đặc trưng nhất của mùa xuân nơi đồng bằng Bắc Bộ. Ở một vùng rộng xa không một bóng núi.
Cảnh nào cũng có bóng dáng hoạt động con người nhưng không phá vỡ cái không gian thanh bình. Một cô nàng yếm thắm mải mê làm cỏ chợt giật mình khi bắt gặp lũ cò bất ngờ bay lên. Thật ra, lũ cò cũng lặng lẽ kiếm ăn trong đám lúa bỗng gặp người mà hoảng hốt. Con người làm việc nhưng nhẹ nhàng trong không gian gần như tĩnh lặng. Hình ảnh Cô nàng yếm thắm, mang tính chấm phá song có sức gợi về một vẻ đẹp thiếu nữ thanh tân hòa hợp trong không gian đồng quê. Câu thơ Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa thật dung dị, nhưng chữ ăn mưa lại được dùng rất mới. Chỉ có lòng yêu mến thiên nhiên tha thiết cùng óc quan sát bén nhạy, cảm xúc đằm trong cảnh vật mới có thể viết nên những câu thơ tự nhiên mà gợi hình, gợi cảm như thế.

Gặp phiên chợ xuân, tác giả viết là Chợ đông quá…, nhưng đông mà không xô bồ. Tựa như thủ pháp vẽ tranh đông người, các gương mặt ấy như bị nhòe đi, dành nhiều hơn nét bút cho những nhân vật chính: các chàng trai giương ô, mấy cụ già gật gù say, rồi người đoán thẻ… xung quanh các cô gái chen vai xem bói nhân duyên…
Đọc lại Bức tranh quê, là để cảm nhận lại vẻ đẹp của xuân quê hương chúng ta cách đây gần một thế kỷ.
Dường như ngòi bút Anh Thơ muốn tạo nên bức tranh hoàn chỉnh về mùa xuân nên đã dành hẳn ba bài viết về đêm. Bài Đêm rằm tháng Giêng có thể xem là khung cảnh điển hình của đêm mạnh xuân. Tháng Giêng - nhất là ngày rằm là cao điểm của các thủ tục tâm linh, cúng lễ. Không khí tại một ngôi chùa làng thật náo nhiệt:  Chùa mở hội người làng nô nức tới/Trong khói hương trầm ánh nến xôn xao/Các bà lão yếm hồng tươi khoe mới/Các cô nàng khuyên bạc sáng như sao.
Như một sự dàn cảnh tự nhiên, các bà cùng các nữ tú ở trong chùa thành tâm lễ cầu, các nam thanh thì cứ đi lại ở ngoài sân. Dưới ánh trăng bàng bạc, họ niệm Phật nhưng chẳng mấy kính lễ. Dường như đến đây là để đi xem, đi tìm người bạn tình… Vậy nên, họ hành xử tín ngưỡng có khi không kém phần tinh nghịch: Thỉnh thoảng họ nam mô lên một loạt/Và cười trêu các ả đến dâng hoa. Câu thơ nào cũng có tính từ, động từ chỉ sắc thái, hoạt động… Ngôi chùa như có sức hút mọi bàn chân. Khi đến thì nô nức, vào trong chùa thì hớn hở và khi cầu thì xoa xuýt kêu oan…
Đến bài Đêm trăng xuân lại đẹp như một bức tranh lụa: Đồng lặng lẽ sương mù buông bát ngát/Ao âm thầm mây tới ngập mênh mang/Gió im ắng tự từng không man mác/Mưa bay trăng nhè nhẹ dệt tơ vàng.
Tác giả miêu tả mùa xuân ở nhiều thời điểm, nhiều góc nhìn và không quên tả một đêm xuân không trăng. Cứ tưởng làng xóm sẽ yên ắng lắm, nhưng không: Trong các ngõ người đi ra từng tụm/Những đàn ông vào điểm họp quân bài/Các cô gái ra bờ sông hát đúm/Mấy bà già cõng cháu đến nhau chơi (Đêm xuân).

Nữ sĩ tuy Tây học nhưng gia đình cơ bản mang gia phong truyền thống, cô thiếu nữ ấy lớn lên trong phong cảnh thiên nhiên nơi đồng quê tươi đẹp, cái cảm xúc tự nhiên về phồn thực âm dương, về lứa đôi đã len lỏi trong thơ tự khi nào: Ngoài đồng vắng trời đêm mà che nón/Có hai người đi lẻn tới nương dâu (Đêm xuân).
Đọc lại chùm thơ xuân của Anh Thơ trong Bức tranh quê ta như lần giở lại bộ sưu tập ảnh về mùa xuân xưa. Ấn tượng chung mang lại là một cảnh xuân đầm ấm tình người của làng quê nơi đồng bằng Bắc Bộ. Một thiên nhiên tươi mới, thanh sạch. Nhìn chung thơ thiên về tả, nhưng do khéo nắm bắt cái thần của cảnh vật nên nét vẽ khá tinh tế, nhiều câu thơ đạt độ tài hoa. Trong cái ngữ điệu thơ tám tiếng vốn ảnh hưởng từ thơ lãng mạn Pháp, với cảnh sắc Việt, tâm hồn Việt… người đọc vẫn thấy hồn thơ của nữ sĩ họ Vương chân chất đồng quê, nền nã lại tươi mới.
Gần một thế kỷ đi qua, lịch sử đã đi một bước rất dài. Cảnh đồng quê mùa xuân cũng như sinh hoạt của cộng đồng đã có nhiều đổi khác. Song như một gợi ý: những vẻ đẹp nào bảo lưu và phát triển được từ trong quá khứ ta có thể nâng niu và gìn giữ được chăng?.
NGUYỄN VIỆT THANH
Theo http://www.baohaiduong.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bộ phim Đất rừng phương Nam: Một số điều “lấn cấn” về nội dung và nghệ thuật cùng với phản hồi của cục điện ảnh 17 Tháng Mười, 2023 “Đ...