Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

Bùi Giáng - Đại lão Cái bang

Bùi Giáng - Đại lão Cái bang
Bước vào năm Bính Tý (1996), Bùi Giáng vừa tròn tuổi thất thập. Với cuộc sống lang bạt kỳ hồ, túi vải, chân đất, lang thang giữa chợ đời, gầm cầu, hè phố, dầm sương dãi nắng, bữa đói bữa no gần 4 thập niên, qua bao thăng trầm bệnh tật, vẫn còn sáng tác ở tuổi cổ lai hy, đó là một hiện tượng.
Trong sinh hoạt Văn học, Nghệ thuật Việt Nam, Bùi Giáng để lại cho đời biết bao giai thoại, đó là một hiện tượng. Ngôn ngữ thi ca của Bùi Giáng là một hiện tượng. Hiện tượng Bùi Giáng.

Bùi Giáng, nhà giáo, dịch giả, nhà văn, nhà phê bình văn học, triết học nhưng đó chỉ là quán bên đường, người bạn tri kỷ tri bỉ: thi ca.

NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN

Bùi Giáng sinh ngày 17.12.1926 tại Vĩnh Trinh, Quảng Nam. Lúc nhỏ theo học Trung, Tiểu học ở Hội An, Quảng Nam rồi sau đó tiếp tục học Trung học ở Thuận Hóa, Huế. Năm 1945 đậu bằng Thành chung (Trung học), ông ở trong vùng kháng chiến thuộc Liên Khu V (Nam Ngãi bình Phú), năm 1950 ông đỗ Tú Tài II Văn chương. Ông ra Liên Khu IV (Thanh Nghệ Bình Trị Thiên) theo học Ðại học nhưng khi nghe Viện trưởng Ðại học đọc diễn văn, ông bỏ ý định theo học và theo đường núi Trường Sơn trở lại cố hương.
Theo lời người bào đệ, ông Bùi Vịnh, trong ngày Hội Thi Văn & Tư Tưởng Bùi Giáng ngày 21.10.95 tại Majestic, Huntington Beach, CA, Bùi Giáng "Có vợ vào lúc còn rất trẻ, sau năm 1945. Nhưng vì đi tản cư ở vào những nơi rừng thiêng nước độc, người vợ trẻ đã qua đời sau cơn bạo bệnh". Ông chung tình chung nghĩa với "mộng ban đầu", suốt nửa thế kỷ ôm vọng tưởng, điên loạn bởi "hồn nguyên tiêu" bao nhiêu hình ảnh mang dáng dấp của người tình muôn thuở vào cõi thiên thu, ngôn ngữ Bùi Giáng trở thành kỳ bí.
Theo lời người em là Bùi Vịnh: "Vào tháng Năm 1957, ông quyết định bỏ vùng Việt Minh trốn qua vùng Quốc gia. Và tại Huế, ông thi lại bằng Tú Tài tương đương, rồi vào Sài Gòn, ghi danh vào Ðại học Văn Khoa. Cả lần này nữa, sau khi nhìn danh sách các giáo sư giảng dạy, ông đã quyết định chấm dứt việc học ở trường của mình tại đây. Ông bắt đầu viết khảo luận, sáng tác và đi dạy học ở các trường Trung học tư thục ...".
Ông tinh tường về Anh, Ðức, Pháp & Hán văn, không biết ông theo học tiếng Ðức & tiếng Anh lúc nào nhưng khi nghiên cứu triết học Ðức, thơ văn Anh Mỹ, ông dịch và viết rất tài tình. Ông có trí nhớ kỳ lạ và "trí quên" rất độc đáo. Quên của ông cũng là hiện tượng và có lúc không biết gì cả, cùng với cử chỉ, hành động kỳ quái, người điên thời đại.
GS Vũ Ký, thầy dạy của ông, trong bài "Nhớ Về Ba Người Em Lỗi Lạc" trong Giai phẩm Quảng Ðà 94 "Từ năm 1943 ấy, Bùi Giáng thôi học ở Hội An, rồi lui về cố hương làm Tô Vũ mục dương ở Trung Phước, miền rừng núi xứ Quảng. Theo nhiều người cho biết, Giáng nghêu ngao làm thơ, ca hát, điên khùng suốt năm tháng. Lúc tôi gặp lại ở Sài gòn thì Bùi Giáng đã nghỉ dạy học tư để cầm cọ bôi mực loay hoay vẽ tranh trong căn nhà lụp xụp ỏ ngõ hẻm Trương Minh Giảng và Giáng cũng vừa mới in xong mấy cuốn sách giáo khoa".
"Với tất cả Bùi Giáng" của Trần Phong Giao, Bùi Giáng "Lập gia đình năm 18 tuổi, nhưng không được hưởng hạnh phúc bao lâu vì chiến tranh và nạn lụt đã cướp mất vợ và hai đứa con thơ của ông".
Ðó là mốc thời gian tuổi niên thiếu của ông được đề cập qua ba người có liên quan với ông nhưng đã khác nhau. Theo sự ghi lại của "người thầy cũ và cũng là người anh" thiếu chính xác dấu ấn quan trọng trong giai đoạn 9 năm "kháng chiến" đã ảnh hưởng sâu đậm trong cuộc đời Bùi Giáng. Ông tham gia "kháng chiến", theo Việt Minh nhưng khi đụng chạm thực tế, ông ngán ngẫm, gặp bất hạnh trong tình yêu, tâm hồn điên loạn...
Sau 3 năm "chia cắt" đất nước, phân ranh Quốc/Cộng, ông mới chọn lựa quyết định ranh giới giữa 2 miền. Bài thơ "Nỗi lòng Tô Vũ" của ông đã ghi "Kỷ niệm một đoạn đường mười năm chăn dê ở núi đồi Trung Việt".
Không bao giờ muốn và để ai đề cập "tiểu sử", theo ông "Thi sĩ sinh ra như mọi người giữa cỏ cây ly kỳ, và chết đi giữa cỏ cây ly kỳ, gay cấn". Tuy nhiên, công việc của nhà nghiên cứu Văn học cần phải tìm hiểu chính xác, nhìn lại Văn học Việt Nam, ông là khuôn mặt đặc biệt. Hy vọng, một ngày nào đó, có được "tiểu sử" của ông từ tuổi thơ đến thời điểm "tam thập nhi lập".
Trước năm 1975, nhiều cây bút viết về tư tưởng, thơ văn Bùi Giáng nhưng không đề cập về "tiểu sử" nên có nhiều nghi vấn cùng với giai thoại quanh ông. Tháng 5.1973, Mai Thảo và Nguyễn Xuân Hoàng của tờ Văn thực hiện "Số báo đặc biệt về thiên tài thi ca Bùi Giáng", 10 câu hỏi của Nguyễn Xuân Hoàng về Bùi Giáng có tính cách khác lại và cả hai cùng hỏi và nói "Chuyện rong chơi". Nhận định thơ văn của ông với Thanh Tâm Tuyền, Nam Chữ, Trần Tuấn Kiệt, Tuệ Sĩ.
Có nhiều tác phẩm đã đề cập đến ông, điển hình như Cao Thế Dung: Văn Học Hiện Ðại, Thi Ca & Thi Nhân, Du Tử Lê: Năm sắc Diện, Năm Ðịnh Mệnh, Tạ Tỵ: Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay, Trần Tuấn Kiệt: Thi Ca Việt Nam Hiện Ðại...
Gần 2 thập niên, tác phẩm của ông với số lượng đáng kể:
Sách Giáo khoa, Luận đề (1957 - 1959) : - Bà Huyện Thanh Quan, - Lục Vân Tiên, Chinh Phụ Ngâm & Quan Âm Thị Kính, - Truyện Kiều & Truyện Phan Trần, - Cung Oán Ngâm khúc, - Nguyễn Công Trứ, - Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu, - Phan Bội Châu, - Chu Mạnh Trinh, - Tôn Thọ Tường & Phan văn trị.
Sách dịch: - Cõi Người Ta của Saint-Exxupéry, _ Trăng Tỳ Hải của Albert Camus, André Gide, Martin Heidegger, - Khung Cửa Hẹp của A. Gide, - Hoa Ngõ Hạnh của Shakespeare, - Bạo Chúa Caligula của Albert Camus, - Ngộ Nhận của A. Camus, - Con Người Phản Kháng của A. Camus, - Mùa Hè Sa Mạc của A. Camus, - Kẻ Vô Luân của A. Gide, Orphélia Hamlet của Shakespeare, - Hòa Âm Ðiền Dã của A. Gide, - Hoàng Tử Bé của Saint-Exupery, - Mùi Hương Xuân sắc của Gerald de Narval, - Sương Bình Nguyên của các tác giả Âu Mỹ , - Kim Kiếm Ðiêu Linh của Ngọa Long Sinh...
Sáng tác: 
-Thơ: Mưa Nguồn, - Lá Hoa Cồn, - Ngàn Thu Rớt Hột, - Màu Hoa Trên Ngàn, - Bài Ca Quần Ðảo, - Sa Mạc Trường Ca...
-Biên khảo, Tạp văn, Tùy bút: - Tư Tưởng Hiện Ðại, 3 quyển, - Martin Heidegger & Tư Tưởng Hiện Ðại, 2 quyển - Sao Là Không Có Triết Học Heidegger?, - Ði Vào Cõi Thơ, - Thi Ca Tư Tưởng, - Sa Mạc Phát Tiết, - Sương Bình Nguyên, - Trăng Châu Thổ, - Mùa Xuân Trong Thi Ca, - Mùa Thu trong Thi Ca, - Thúy Vân, Tam Hợp Ðạo Cô, - Biển Ðông Xe Cát, - Ngày Tháng Ngao Du, - Ðường Ði Trong Rừng, - Lời Cố Quận, - Lễ Hội Tháng Ba, - Con Ðường Ngã Ba...
Tại hải ngoại, có 3 tuyển tập về thơ Bùi Giáng sáng tác vào sau năm 1975:
- Thơ Bùi Giáng, năm 1990, nhóm Việt Thường ở Canada thực hiện, gần 200 bài thơ.
- Thơ Bùi Giáng, Thế kỷ 1994, Phạm Xuân Ðài thực hiện, gồm 106 bài thơ.
- Thơ Bùi Giáng, California 1995, Bùi Vịnh & thân hữu thực hiện, gồm 81 bài thơ, tranh bìa "Thiếu nữ" do Bùi Giáng vẽ.
Sau khi Bùi Giáng qua đời, có rất nhiều tác phẩm của ông được ấn hành tại hải ngoại.
Suốt 4 thập niên, Bùi Giáng đã cống hiến cho đời, cho nền Văn học Nghệ thuật Việt Nam thật nhiều tác phẩm gồm đủ mọi thể loại. Một con người không có nơi nương tựa ổn định, thể chất gầy gò, bệnh tật, tâm tính lúc bình thường khi điên loạn mà tạo dựng "kho tàng quý báu" cho Văn học Việt Nam, điều rất lạ, không thể hiểu được.
NGÔN NGỮ & CUỘC SỐNG
Gần gũi, tiếp xúc với Bùi Giáng, mỗi lần, có thể nói giai thoại về ông, thương mến, cảm quý con người tài hoa nhưng sống đầy khổ hạnh.
Viết về Bùi Giáng, với Mai Thảo: "Bùi Giáng chất ngất một trời chữ nghĩa, Bùi Giáng trùng trùng một biển văn chương... Sự hình thành một tác phẩm nơi Bùi Giáng cuối cùng vẫn còn là một bí ẩn hoàn toàn trong cái vùn vụt, cái bất tuyệt thao thao, cái chớp mắt đã là của nó... Bùi Giáng đã đem lại cuộc đời biết bao nhiêu châu ngọc. Bằng tài thơ trác tuyệt. Bằng ngôn ngữ ảo diệu, không tiền khoáng hậu. Có ông, thi ca mới đích thực có biển có trời. Từ ấy, thi ca mới không cùng không tận". Thế mà, chân dung & đời sống của nhà thơ "Mái tóc ông đỗi màu. Mấy chiếc răng của bị gẫy, nụ cười vừa trẻ thơ vừa móm mém. Cặp mắt sâu hoắm xa khuất dần với mọi hình hài thực tế... Ông ấy chỉ còn da bọc xương trong quần áo thùng thình, mái tóc dài đạo sĩ, cái túi vải còn thêm cây gậy... Có lúc thấy nói ông đeo một xâu chuổi toàn giày dép và quần áo phụ nữ quanh cổ như một vòng gai quái dị, đám con nít reo hò chỉ chỏ người điên, người điên. Có khi nghe thấy, ông ẩn lánh ở ngôi chùa vùng ngoại ô thành phố, ăn chay niệm Phật cả ngày không nói". "Bùi Giáng cũng tạo được một cái lạ mà theo tôi là một cái ngang...
"Trần gian lắm kẻ không cơm áo
Mà con thờ thẩn cứ nhìn trăng."
Bùi Giáng có cái giọng bạt đó và cái giọng bạt đã ảnh hưởng vào âm vận của thơ Giáng" (Uyên Thao - Thơ Việt Hiện Ðại).
Sau năm 1975, thảm họa chung của đất nước, Bùi Giáng cũng bị nhốt 3 tháng ở trại giam Gia Ðịnh. Ông bất chấp tất cả. Ông gọi mầy tao khi bị hỏi cung, thản nhiên với thức ăn "cặn bả" của con người mà không bị nhiễm trùng. Thế rồi, tháng ngày sau đó, theo Phạm Xuân Ðài "Cuộc sống của anh tại Sài gòn hiện nay là của một cuồng sĩ, khi thì thu mình trong túp lều của anh tạ một khu vườn bên Gia Ðịnh, khi thì lang thang vô định trong cơn điên...Ði lang thang hàng chục cây số bất kể nắng mưa, múa may la hét suốt mấy ngày liền, kẻ lực sĩ chưa chắc đã làm được". Thế nhưng "Bùi Giáng như một ngọn lửa cháy liên tục mấy mươi năm nay trong thế giới thơ ca - của anh và của chúng ta. Ngọn lửa có khi thu lại thành một đám nhỏ, có khi bùng lên dữ dội, có khi bị gió bão lắt lay, nhưng vẫn là nguyên một ngọn lửa ấy từ đầu cho đến bây giờ".
Vũ Ký viết nhiều giai thoại về Bùi Giáng, một Bùi Giáng thông minh, tài hoa, điên khùng, lang bạt... một Bùi Giáng với tình yêu ảo tưởng trong thơ văn và một Bùi Giáng lãng mạn với bóng hồng ở tuổi 60. Không hiểu vì cơn gió nào, bỗng nhiên có hai cô, một cô là Ð.N.L.H ( giáo viên cấp ba, người Huế ) và một cô là H.H.T.V, cháu của nhà văn Cung Giũ Nguyên xách đồ đạc đến nhà Thùy ở luôn 2 tháng. Thùy là bạn học, đồng hương với Bùi Giáng, thường gặp gỡ nhau. Thế rồi cô L.H "lại rất mến trọng Giáng, thường la cà với Giáng tại nhiều quán cà phê, nhiều lúc tình tứ khiến mọi khách trong quán rất ngạc nhiên". Ðó cũng là một hiện tượng, thử tưởng tượng hình ảnh Ðại lão Cái bang ăn mặc rách rưới kỳ dị lại song bước cùng bóng hồng tuổi còn đôi mươi, tâm tình với nhau.
Ngày nay, ở trong nước đã có vài bài viết về ông với hình ảnh con người điên loạn sống bên lề cuộc đời nhưng thi văn của ông vẫn giữ thế đứng trong nền văn học. Văn chương, Nghệ thuật của ông như một cõi trời bao la, khác xa với tư tưởng của người cầm bút theo giáo điều chủ trương "hiện thực xã hội"!
Dẫn chứng vài cây bút tượng trưng viết về ông ở trên cho thấy con người của ông nửa tỉnh nửa động, đời sống của ông bất định, nay đây mai đó, ngôn ngữ của ông có lúc thật huyễn hoặc, kỳ bí, lúc thật bình dị, nhẹ nhàng, lúc thanh lúc tục. Quan niệm sáng tác của ông "chơi mà thôi", chẳng có gì bận tâm, chẳng có gì để bàn. Cuộc đời của ông ở giữa trần thế chỉ là Ngày Tháng Ngao Du, rong chơi, ung dung tự tại.
Trước kia, Thượng Tọa Thích Minh Châu dành cho ông căn phòng ở Ðại học Vạn Hạnh, ông chỉ để sách vở rồi rong chơi đầu đường xó chợ, gặp đâu ngũ đó bất kể nắng mưa, đêm ngày. Sau nầy, thân nhân lo cho ông túp lều trong vườn ở Gia Ðịnh, căn phòng nhỏ trên lầu ở đường Trần Quang Diệu Sài gòn, ông để đó, rong chơi dưới gầm cầu Công lý, vĩa hè.
Với ông, tư tưởng triết học Ðức của M. Heidegger, Nietzsche, thi ca của Holderlin, Walt Witman, Emily Dickinson...Văn chương Pháp của A. Gide, St Exupery, A. Camus, văn chương Anh của Shakespeara. Ông chọn lựa và chuyển ngữ rất tài tình. Cuộc đời của ông điên, tỉnh, ông đã đề cập trong tác phẩm, tình yêu huyễn hoặc thấy bàng bạc trong thơ văn. Tư tưởng triết học, tư tưởng cao siêu của con người, theo ông, đều có đề cập trong Kiều của Nguyễn Du.
Sức sáng tạo của ông rất kỳ diệu. Như một tay võ công tuyệt luân khi xuất chiêu liên tục bất tận. Trong một đêm, ông viết cả trăm trang cho một tác phẩm. Gặp ông, hỏi thơ để đăng, ông sáng tác ngay tại chỗ, viết như đã nhập tâm từ trước.
Ông có năng khiếu về ngoại ngữ và cách học của ông, chọn tác phẩm để học, đọc, tra cứu. Biết hết chữ nghĩa của tác phẩm là biết được ngôn ngữ nước đó. Vì vậy, khi tìm hiểu M. Heidegger, ông học tiếng Ðức mới hiểu được tư tưởng. Văn chương Pháp, Anh, ông chuyển dịch từ nguyên tác. Ông dịch Kim Kiếm Ðiêu Linh để học thêm chữ Hán. Chuyển ngữ lại từ tác phẩm "chuyển ngữ" thì không còn thoát được cái ý của nó. Chẳng hạn Ngàn Thu Rớt Hột nghe rất văn chương bóng bẩy, đó là "hình ảnh cứt" dê bao năm ông gần gủi với nó trên núi rừng. Làm sao chuyển ngữ thoát được cái âm điệu, hình ảnh bóng bẩy đó được.
Có lần Huy Tưởng gặp và hỏi chơi với ông chuyện chăn dê có thi phẩm "rớt hột", nghe nói ông có chăn bò ở quê đúng không? -đúng! đúng? đúng với cái đầu của họ. Rồi cười thoải mái, xem như hỏi chơi, nghĩ chơi, đáp chơi rồi thôi.
Nguồn thơ của ông dạt dào, bất tận, ông viết nhiều về hình ảnh ở quê hương, ở núi rừng Trung Việt. Ðiều bắt gặp trong thơ của ông với chữ Kim ở đầu. "Người tình trong thơ" Kim Novak, Kim Cương. Ngài ra với vài hình bóng Kim thấp thoáng:
"Ôi phương cảo Ôi Kim Liên
Cảo thơm Kim Thúy diện tiền Kim Hoa!
Ôi Kim Ngọc Ôi Kim Nga
Chắc gì mai hậu mà ra phụ lòng".
(Ra Hoa)
"Tuy nhiên hồn mộng chan hòa
Ðầu tiên Kim Thúy Kim Hoa thập thành
Cuối cùng thừa thượng Kim Thanh
Ði về vô tận tập thành Kim Liên
Kim Nga Kim Ngọc diện tiền
Ðầu sương cuối tuyết thần tiên bấy chầy".
(Cuối Ngày Em Ði)
Ông lang thang suốt 4 thập niên, thời gian quá dài cho một đời người, xem cuộc sống nhẹ như tơ hồng, xem cuộc đời ảo thật, thật hư, thế nhưng đôi lúc tìm trong thơ ông mới cảm nhận được nỗi thống khổ thiết tha cho mối tình đầu đời đã hoài công tìm lại:
"Chắp tay tôi lạy ông trời
Tìm người yêu giúp giùm tôi một lần"
(Tìm Em)
"Em nhớ hay không hồn hoa dại cỏ
Những ngậm ngùi đầu núi canh khuya
Vàng cao gót nai đầu truông hãi sợ
Gió cây rung trút lá mộng tan lìa"
(Nỗi Lòng Tô Vũ)
Hình ảnh người vợ, người tình ban đầu, yêu thương say đắm, đã vĩnh viễn ra đi để lại cho ông "điên" với tình, với thủy chung hình bóng cũ:
"Em chết bên bờ lúa
Ðể lại trên đường mòn...
...Ðêm cuồng mưa khóc điên
Trăng cuồng khuya trốn gió...
...Anh đi về đô hội
Ngó phố thị mơ màng
Anh vùi thân trong tội lỗi
Chợt đêm nào gió bờ nọ bay sang"
Bất hạnh trong tình trường, ông rong ruỗi trong nỗi bất hạnh đó qua ngôn ngữ bằng thơ, văn, bằng rái tim rướm máu, bằng tài hoa lỗi lạc của Bùi Giáng và có lẽ duy nhất với cái tên Bùi Giáng.
"Văn thơ cùng tư tưởng của Bùi Giáng đi vào lịch sử văn học đất nước, đánh dấu một giai đoạn của văn chương Việt Nam", phải hiểu con người Bùi Giáng mới cảm nhận được ý thơ, văn và tư tưởng của ông, ông sáng tạo lúc tĩnh, ngao du lúc động để mãi mãi đi tìm hình ảnh xa thẳm, mịt mù! Hồn thơ luôn luôn chất chứa trong Bùi Giáng, bất luận ngày đêm, gặp đối tượng khơi động, dòng thơ tuôn trào. Tâm hồn Bùi Giáng chu du, mộng mị khắp bốn phương trời để "thơ và giai nhân" kết tinh thành "thiên cổ lụy" ngất ngây, nồng nàn, say đắm hòa cùng điên dại trong ngôn ngữ thi ca.
Một hình bóng, suốt cả cuộc đời trôi nổi với hệ lụy khổ đau, một nhân tài không bao giờ có được mùa xuân nhưng với tâm hồn thanh thoát.
Tôi cười tôi khóc bâng quơ
Người nghe cười khóc có ngờ chi không? 
1926-1998 
Bùi Giáng, tuổi Bính Dần, sinh năm 1926 tại Thanh Châu, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Con thứ của ông bà Bùi Thuyên và Huỳnh Thị Kiều. Năm Mậu Dần ông được tròn 6 giáp, 72 tuổi. Ông được văn giới, không phân biệt không gian thời gian, yêu mến trọng vọng. Những tác phẩm đầu của ông là sách giáo khoa in năm 1957, như Một vài Nhận xét về Bà Huyện Thanh Quan, Lục Vân Tiên, Chinh Phụ Ngâm ... Nhưng tiếng tăm ông nổi bật từ tập thơ "Lá Hoa Cồn" (1963). Ông là một người tự học và học rất trễ, tuy nhiên khả năng tinh thông nhiều ngôn ngữ của ông, kể cả những ngôn ngữ khó như chữ Hán và tiếng Đức, làm kinh ngạc mọi người trong văn giới. 
Những cuốn sách đầu của ông là sách giáo khoa in năm 1957, Bùi Giáng đã là một tên tuổi quá quen thuộc với đông đảo bạn đọc. Ông thường tự nhận là "trung niên thi sĩ" cùng hàng loạt biệt danh trào lộng : thi sĩ Đười ươi, Brigitte Giáng, Giáng Moroe, Bùi Bán Dùi, Bùi Bàn Dúi, Bùi Tồn Lưu, Bùi Tồn Lê, Bùi Bê Bối, Bùi Văn Chiêu Lỳ... 
Ông được xem như một "ngôi sao" trên vòm trời văn hóa văn nghệ miền Nam trước đây, được không ít độc giả xưng tụng là "thiên tài", là "bậc thượng trí", là "đáng tiêu biểu hơn cả về thi ca bây giờ và có lẽ... vạn đại" và tôn ông làm "thần tượng". Gần đây, một số tác phẩm, dịch phẩm của Bùi Giáng được tái bản rộng rãi.Ông đã dịch nhiều sách Pháp, Anh, Hán văn như Hamlet của Shakespeare, Hoàng tử bé của Saint'Exupéry, Ngộ nhận của Albert Camus, Khung cửa hẹp,và Hòa âm điền dã của André Gide, Kim kiếm điêu linh của Ngọa Long Sinh... 
Ông đã biên soạn các tiểu luận triết học và văn học như Tư tưởng hiện đại,Thi ca tư tưởng, Lễ hội tháng ba, Con đường ngã ba, Con đường phản kháng, Đi vào cõi thợ.. Đặc biệt, gây nhiều tranh luận sôi nổi nhất là những tập thơ của ông, từ Mưa nguồn, Lá hoa cồn... đến Trăng châu thổ, Sương bình nguyên, Bài ca quần đảo, Rong rêu...Ai đã từng tiếp xúc Bùi Giáng trong trang sách lẫn ngoài cuộc đời, hầu như chưa thể bình luận gì về ông. Biết bình với luận thế nào khi kẻ khen thì tâng hết lời mà người chê thì lại đả tới số. Riêng vấn đề họ Bùi có điên chăng cũng đã làm tốn hao bao giấy mực. Người bảo ông điên. Người cho rằng ông giả vờ điên. Người lại quả quyết Bùi Giáng không điên. Sự thật ra sao, nếu nhìn từ góc độ khoa học? 
Về tài dịch, thì cuốn "Terre des hommes" đã được ông dịch và đặt tên là "Cõi Người Ta" thì quả thật không còn gì thần tình hơn. 
SAIGÒN ' Thi sĩ Bùi Giáng đã qua đời lúc 2 giờ chiều ngày Thứ Tư 7 Tháng Mười trong lúc đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫỵ Ông Bùi Giáng, 73 tuổi, là một thi sĩ có tiếng thơ độc đáo, cũng là tác giả nhiều tác phẩm văn xuôi về triết học, văn học, và ngay khi còn sống đã trở thành một huyền thoại trong làng văn nghệ Việt Nam vì nếp sống ngang tàng, không màng danh lợi của ông, dưới bất cứ chế độ nàọ. 
Thi hài thi sĩ Bùi Giáng sẽ được nhập quan vào sáng ngày 8 Tháng Mười và quàn tại nhà tang lễ chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn. Gia đình thi sĩ tại Sài Gòn cho biết sẽ an táng ông tại Nghĩa Trang Gò Dưa, Thủ Đức. Bào đệ của ông là ông Bùi Văn Vịnh sẽ tổ chức lễ phát tang, và các văn nghệ sĩ và độc giả yêu thơ sẽ làm lễ tưởng niệm ông tại vùng Tiểu Sài Gòn, miền Nam California. 
Người Việt đã loan tin khi thi sĩ Bùi Giáng được đưa vào bệnh viện ngày 23 Tháng Chín vì bị té, đứt mạch máu não. Theo tin của ông Bùi Văn Nam Sơn, một người bà con ở Đức về thăm thì thi sĩ Bùi Giáng té ngã khi đứng lên thắp đèn, sau khi ông đã uống nhiều rượụ Ông đã được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy, được mổ đêm 25 Tháng Chín, nhưng quá yếu nên rất ít hy vọng phục hồi. 
Giới văn nghệ sĩ ở Sài Gòn rất xúc động khi nghe tin Bùi Giáng vào bệnh viện, kéo nhau đến thăm ông. Tin ông vào bệnh viện được báo chí khắp nơi loan báo, ở trong nước cũng như ở hải ngoại. 
Thi sĩ Bùi Giáng sinh năm 1925 tại Quảng Nam, thủa nhỏ đã học ở Quảng Nam và 4 năm ở Huế. Khi trưởng thành ông sống ở Sài Gòn, nổi tiếng với hành trạng và văn chương phóng túng, ngang tàng. Những tập thơ nổi tiếng của ông là Mưa Nguồn, Lá hoa cồn, Mùa thu bi ca, Ngày Tháng ngao du, v.v. Ông viết các sách triết học như Tư tưởng hiện đại, Thế nào là siêu thực, Heidegger và Husserl, Hình ảnh Jean Paul Sarte, Martin Heidegger và tư tưởng hiện đại, Khổng Tử, Lão tử, Gandhi, v.v. Ông cũng dịch các tác phẩm của Albert Camus (L'homme révolté), André Gide, St'Exupéry, René Char, v.v. Về văn học Việt Nam, ông đã viết các khảo luận về truyện Kiều, Bà huyện Thanh Quan, Tản Đà, v.v. 
Nhưng khi nghe tin thi sĩ Bùi giáng qua đời, các độc giả trước hết sẽ nhớ đến các vần thơ trác tuyệt, mênh mông lãng đãng như các lời nhắn nhủ của ông sau đây: 
Em về mấy thế kỷ sau 
Nhìn trăng có thấy nguyên mầu ấy không 
Ta đi còn gửi đôi dòng 
Lá rơi có dội ở trong sương mù 
Và người Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ nỗi ngậm ngùi khi đọc Bùi Giáng: 
Hỏi rằng: người ở quê đâu?
Thưa rằng: tôi ở rất lâu Quê nhà. 
Lễ động quan Bùi Giáng được cử hành vào lúc 7 giờ sáng chủ nhật 11.10.1998, có đông đủ thân nhân và Bùi Tộc Vĩnh Trinh, tiễn đưa Bùi Giáng từ Chùa Vĩnh Nghiêm về chôn cất tại Thủ Đức. Họ Bùi nguyên gốc ở Nghệ An, sau dời đến Quảng Nam lập nghiệp kể từ đời Hậu Lê, quy tụ bao quanh các làng Vĩnh Trinh, Lệ Trạch, Cù Bàn, An Lâm, Cổ Tháp và Thành Châụ Tổ đình của họ Bùi đặt tại Thủ Đức. Trước ngày động quan Bùi Giáng, Hội Nhà Văn muốn biểu lộ sự kính trọng đối với một ngòi bút lớn đã qua đời, bằng cách đề nghị được an táng Bùi Giáng tại Nghĩa Trang Thành Phố nhưng người em trai của Bùi Giáng là Bùi Văn Luân không chấp thuận. Sau đó Hội Nhà Văn đề nghị hiến tặng hai mảnh đất hợp với hai mảnh đất của Bùi Tộc Vĩnh Trinh cho được rộng rãị tối thứ bảy, số người mến mộ thi văn Bùi Giáng, đa số là các học sinh, sinh viên, giới trẻ, đã tới nhà quàn Vĩnh Nghiêm tiễn biệt một thiên tài đã vĩnh viễn ra đi kéo dài tới 2 giờ khuya khiến không còn một chỗ trống để chứa ngườị. Sổ tang ghi tên nhiều người, dày tới hàng trăm trang. Đám tang có tới hàng ngàn người tham dự, được đánh giá là một trong những đám tang có đông người dự kể từ sau năm 1975... Trước khi hạ huyệt, nữ nghệ sĩ Kim Cương - một người từng được Bùi Giáng lúc sinh thời nói tới nhiều bên cạnh những nhân vật có thật của đương thời như Phùng Khánh, Marylin Monroe, Brigitte Bardot, Kim Novak, John Keats... - được mời đọc điếu văn. Tiếp tới nhà văn Sơn Nam, Huy Tưởng tiếp tục ngỏ đôi lời trước mộ người quá cố.
Vương Trùng Dương
Theo http://www.nhanmonquan.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn 4 Tháng Chín, 2023 Trích từ tiểu thuyết “Trò chuyện với thiên thần” của Trương Văn Dân Ba đang...