Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

Bùi Giáng.. Những ngày ngắm gió

Bùi Giáng... Những ngày ngắm gió
Ta đi còn giữ đôi giòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù 
Bùi Giáng.

Như thế Nàng Kiều hay Nàng Thơ đã mang Trung niên Thi sĩ ra đi tít cõi sa mù, đi khuất. Tôi đã lặng người khi nghe tin ông mất vì bị té và bể mạch máu trong đầụ. Không biết là ông té thật hay ông chỉ vung một tuyệt chiêu cuối cùng cho hai vùng não bộ trái và phải hòa nhập thành một cõi uyên nguyên mà cánh chuồn chuồn của ông đã không ngừng nghỉ kiếm tìm trong mấy chục năm qua? 

Có thể lắm bởi vì cái sự vụ hai miền hai cõi đã không từng gây ra lắm cảnh đoạn trường cho chúng ta đó hay saọ. Hẳn là ông đã tìm thấy được mùa xuân phía trước, cái cõi nguyên xuân của Mưa Nguồn, Xin chào nhau giữa con đường.

Mùa xuân phía trước miên trường phía sau? Ngày ông mất, anh Thi Vũ tặng tôi tập thơ "Đêm ngắm trăng" của Bùi Giáng mới xuất bản ở Việt Nam gần đây. Thật là một món quà quý giá vì xa nước đột ngột năm 1975, tôi không giữ được một tập thơ nào của ông ngoại trừ vài ấn bản mới xuất hiện sau này ở hải ngoại. 

Một trong những trang đầu của Đêm ngắm trăng có ba chữ Ngày ngắm gió được đặt trong dấu ngoặc, đứng đơn độc một mình. Có thể ít người chú ý tới nhưng tôi đã dừng lại thật lâu để đọc mãi ba chữ ấy và bất giác đối với tôi nó mang một ý nghĩa thật mênh mông phiêu hốt như cuộc đời của Bùi Giáng.
Ông đã đứng ngắm những trận gió hỗn mang từ Cổ hy đến Tây phương Tuyệt mù hư vô chủ nghĩa, trở lại chốn huyền môn tâm pháp Đông phương, một đôi lần lận đận trước Con đường ngả ba (1), những cơn tẩu hỏa nhập ma làm ông thất điên bát đảo trước Ngả ba của Bát nhã Ba la mật. 
Hãy nghe ông định nghĩa thế nào là Ngả ba: "Ấy là một loại Ngả ba riêng biệt. Một loại ngã ba theo dõi mãi con đường trong mỗi bước chân đi, trong từng mỗi mỗi niệm, mỗi mỗi sát na thù thắng. Trên con đường tư tưởng, không ai một lần vượt qua Ngã Ba là coi như vĩnh viễn từ nay không còn Ngả Ba nào chon von eo óc khiến bàng hoàng. Phải luôn luôn thể hội một điều: Ngã Ba còn hằng tại ở mãi dưới bước chân đi hàng hai theo thể lệ chữ 'Bát' cho máu me đánh mãi nhịp chữ 'Không'..." Nhưng không sao, trước những câu hỏi siêu hình hiểm hóc của Đường vô núi, Lối ra rừng ông tiếp tục hô lớn "không phải, không phải" hoặc "không biết, không biết, và không biết..." sống trọn vẹn vai trò Lão ngoan đồng của cõi tư tưởng bởi chưng.
Ngày mai cá sóng phiêu bồng
Ngàn trăng ngậm bóng sương đồng ra đi
(Đêm ngắm trăng)
Không biết, không biết hay chỉ là sự bất lực của chữ nghĩa - "Ở trong còn lắm điều hay/ Nỗi đêm khép mở nỗi ngày riêng chung" (Nguyễn Du). Và thản nhiên ngắm gió trước những ngã ba sinh tử kiệt cùng của tư tưởng trong suốt cuộc đời của ông, thái độ rất chịu chơi của kẻ có nội công thâm hậu khác hẳn với những lối làm dáng của các triết gia đùa giỡn với chữ nghĩa đương thời.
Nói đến những cơn điên tam đảo tứ, trong những bài viết về Bùi Giáng, một số không nhỏ thường đặt câu hỏi là ông có điên hay không và những giải thích dài dòng chung quanh chuyện điên. Có lẽ chúng ta không nên mất thì giờ cho những câu hỏi như vậy, câu hỏi không cần phải đặt ra bởi vì "Người ta vốn điên, điên một cách thiết yếu đến nỗi không điên cũng là điên theo một lối khác - Les hommes sont si necessairement fous, que ce serait être fou par un autre tour de folie, de n'être pas foụ (Pascal)". 
Bùi Giáng đã dùng câu này để mở đầu cho lời tựa của bản dịch Mùi Hương Xuân Sắc (Sylvie Souvernirs Du Valois) của
Gérard De Nerval. Như vậy câu hỏi nên đặt ra là liệu chúng ta có phải điên hay không điên một cách thiết yếu để thấy cái nghĩa lý của những câu thơ: 
Người điên ngôn ngữ điệp trùng
Dở chừng như mộng dở chừng như mê
Thưa em ngôn ngữ quặt què 
Làm sao nói được nghiệp nghề người điên
(Thơ Bùi Giáng, Thế kỷ 1994)
Lời tỉnh táo, lời mê man
Điệu tha thiết rống điệu bàng hoàng ca...
Tặng nhau từ ngữ lạc lầm 
Cũng xin hồng lệ hãy đầm đìa tuôn
(Y Ư Mộng Du Ư Mê, sđd)
Hiển nhiên vấn đề không còn phải là điên nhưng chính cái hạn hữu của ngôn ngữ đã làm con người ngộ nhận nhau. Không gì đáng buồn hơn khi chợt thấy rằng chúng ta không hơn không kém chỉ là những người mù sờ voi, mọi lối nhìn chỉ là phiến diện của lăng kính đời. Người ta đã nhân danh những giá trị, những danh xưng để Việt Nam trở thành một bãi chiến trường trong mấy chục năm qua. Thế hệ của tôi là những thanh niên lớn lên ở thời sáu mươi, chúng tôi chóng già với khói thuốc ở những quán cà phê và những khắc khoải hiện sinh. Ý Thức Mới, Im Lặng Hố Thẳm của Phạm Công Thiện như những làn gió mới để chúng tôi quên đi cái chủ nghĩa hiện sinh buồn nôn của thời thượng lúc bấy giờ. Nhưng chiến tranh sát nách, chúng tôi đã không còn có nhiều thì giờ nữa. Đa số chúng tôi từ giả hố thẳm của tư tưởng và lao đầu vào cuộc chiến trước mặt, một hố thẳm thực sự, kết tủy của những bế tắt của triết học Tây phương trước những Ngả Bạ Tôi nhớ Phạm Công Thiện với lời gởi thật trang trọng đến Nguyễn Du trong đầu trang sách của Im Lặng Hố Thẳm như một "người cha tóc trắng của thi ca và tư tưởng Việt Nam, ngồi im lặng trên mây núi Hồng, già với gió thu.." nhưng hình như ông không dành nhiều trang sách ở phía trong cho Nguyễn Du vì một lý do này hay một lý do khác cho đến gần ba mươi năm sau. Trái lại, Bùi Giáng trong mọi vần thơ đã làm sống lại người cha tóc trắng đó, đã mang sinh khí mới cho dòng lục bát nói riêng và thi ca Việt nói chung. 
"Thơ Nguyễn Du thi hiện một cách đoạn trường như thế, thì sự cố nào xảy ra cho thằng tài tử? Ấy là sự cố Mưa Nguồn, Lá Hoa Cồn... Mọi bài thơ tôi viết ra, đều là vịnh thơ Nguyễn Du tại chỗ gay cấn âm thầm nhất. Dịch thơ từ đó biến ra làm Vịnh Kiều, trong từng cơn cưỡng bức. Cưỡng bức thơ Nguyễn Du cũng là tự mình cưỡng bức mình."
(Thi ca tư tưởng, An Tiêm, tr. 63)
Tại sao ông lại cưỡng bức mình quá đổi như thế? 
"Thơ là cái gì không thể bàn tới, không thể dịch, diễn gì được. Người ta có thể diễn tả một trận mưa rào bằng lời thơ. Thì có lẽ muốn diễn tả một bài thơ, người ta chỉ có thể phát động một trận mưa rào, hoặc một cơn gió thu. Mà muốn thực hiện sự đó, thì ngoài việc làm thơ ra, con người không còn phép gì khác. Thế có nghĩa là: muốn bàn tới thơ, diễn dịch thơ, người ta chỉ có thể làm một bài thơ khác."
(Thi ca tư tưởng, An Tiêm, tr. 14)
Và ông đã làm rất nhiều bài thơ khác, những thiên khảo luận như là một lối gõ cửa, đưa người đọc bước vào những ngưỡng cửa khác nhau của Thi Ca và Tư Tưởng, từ Tây sang Đông, Heidegger, Hoelderlin, Nietzsche, Khổng, Lão, Trang, Nguyễn Du... Những lối dẫn nhập có vẻ đùa giỡn nhưng rất gạn lọc và nghiêm túc vì ông cho rằng "...kẻ nào tự xét mình từ trong tinh thể mà ra chả có chi là phiêu bồng tí chút thì chả nên cưỡng cầu tự ép uổng ghé vào thi ca thâm xứ làm chị.." (Đi Vào Cõi Thơ). 
Lời nhắn nhủ cần được gởi đến cho những nhà phê bình văn học theo lối từ chương sách vở. Đã có một vài nhà phê bình ở hải ngoại mất rất nhiều thì giờ phân tích ông với lối chả có chi là phiêu bồng tí chút đó. Quả thật họ không nên cưỡng cầu tự ép uổng vào thi ca thâm xứ của ông làm gì. 
Tôi yêu Bùi Giáng nhất ở chỗ ông cũng là một thi sĩ ngợi ca tình yêu lãng mạn. Ai trong chúng ta lại không một lần lận đận, một lần lỡ dở trong tình trường nhất là khi sự đổ vỡ ấy lại là lần đầu tiên trong đời. Có lẽ sự trắc trở của thuở ban đầu đó đã khiến ông yêu Thúy Kiều nhiều hơn vì đồng cảnh ngộ?
Những nàng kiều nữ gặp giông bão trong tình trường hoặc là những quyến rũ mê hoặc của thuở thanh xuân trở thành những nhân vật hoặc đề tài ưng ý đối với ông. Alissa của Khung Cửa Hẹp chết trong cô đơn, Môi cười ở cuối sân ga/ Phố nào cố quận xưa là tiễn nhau/ Lệ vàng xanh mắt mai sau/ Chùm bông tuyệt mỏng pha màu vĩnh lỵ Adrienne của Mùi Hương Xuân Sắc chết trong tu viện, Trang hồng kim hải ra hoa/ Trổ bông mùa phượng tên là Adrienne/ Anh về đuối mộng cuồng điên/ Mùa thu quốc sắc ưu phiền ngập trang. Cô gái lạ thiên thu Thánh nữ thấp thoáng Adrienne đã có những liên hệ gì đến Mẫu thân Phùng Khánh Trí Hải ni cô (Không biết, không biết và không biết. Chắc ông sẽ trả lời như vậy nếu được hỏi).
Từ Mưa Nguồn đến Chớp biển, Bùi Giáng luôn luôn nhắc đến đâu đó một mối tình đầu dang dở nhưng cảm động hơn cả là trong tập thơ cuối cùng Đêm ngắm trăng, ở tuổi hơn bảy mươi hình bóng người tình đầu tiên, Nàng tiên một lần, rõ ràng hơn và xuất hiện trong nhiều bài thợ Một điểm cần ghi nhận là có nhiều câu từ những tập thơ trước như Mưa nguồn chẳng hạn đã được lập lại trong những tập in sau nàỵ:
Mai sau còn dự Hội nào 
Ngó nhau từ kỷ niệm đầu bão giông
(Đêm ngắm trăng, Mưa nguồn)
Tình thứ nhất? mộng mưa nguồn 
Từ nay vĩnh viễn con đường chẻ đôi
(Đêm ngắm trăng)
Bỏ người yêu bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời 
Bây giờ riêng đối diện tôi 
Còn hai con mắt khóc người một con
(Mưa Nguồn)
Ngày mai vĩnh biệt cõi đời 
Trùng lai có lẽ cuối trời biệt ly
(Đêm ngắm trăng)
"Có một ngày như thế... anh đị..." lời nhạc của Trịnh Công Sơn như một nhắc nhở cho chúng ta cái mỏng manh của kiếp người đến và đi, phiêu bồng như một áng mây nhưng đã từ lâu trong cõi Mưa Nguồn ta đã thấy một người thi sĩ của trần gian đã yêu chốn này rất mực...
Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi 
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu.

(Mưa Nguồn)
Đầu năm 1999
Vũ Hoàng Thư
Theo http://www.nhanmonquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Câu hỏi lãng quên 2

Câu hỏi lãng quên 2 Chương 10 Kính nói thế nhưng không giải thích bởi thầm nghĩ chưa chắc giải thích về quyền lực của sự cầu nguyện đã có lợ...