Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

“Nét ngài” và “mày ngài”

“Nét ngài” và “mày ngài”
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du có dùng hai cụm từ “nét ngài” và “mày ngài” để tả lông mày. “Nét ngài” dùng trong mấy câu thơ phác họa khuôn mặt Thúy Vân: 
Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang 
và cả trong lời Tú Bà bày cho Thúy Kiều giở những ngón “nhoẻn miệng”, “chau mày”, thay đổi nét mặt thật linh động để cầm chân khách: 
Khi khóe hạnh khi nét ngài,
Khi ngâm ngợi nguyệt khi cười cợt hoa. 
Còn “mày ngài” được nhà thơ dùng trong mấy câu thơ vẽ dung mạo Từ Hải, và dùng đến hai lần. Lần thứ nhất, khi Từ mới xuất hiện trước mặt Thúy Kiều: 
Râu hùm, hàm én, mày ngài,
Vai năm tấc rộng thân mười thước cao; 
và lần thứ hai, sau khi Từ đã đánh Đông dẹp Bắc “Nghênh ngang một cõi sơn hà/Huyện thành đạp đổ năm tòa cõi Nam” trở về gặp lại nàng Kiều: 
Rỡ mình lạ vẻ cân đai,
Hãy còn hàm én mày ngài như xưa. 
Như vậy xét về đối tượng, sự khu biệt nghĩa giữa “mày ngài” và “nét ngài” tưởng như đã rõ: chỉ cần hoán dụ một thành tố đầu từ toàn thể ra bộ phận (mày → nét), Nguyễn Du đã gợi lên được dung nhan thanh tú của nữ giới. Nhưng rất lạ, trong Truyện Kiều, trong khi “nét ngài” chỉ dành riêng cho nữ thì “mày ngài” lại được nhà thơ dùng cho cả nữ và nam. Ông viết về quang cảnh trong ngôi lầu xanh của Tú Bà khi Thúy Kiều vừa đặt chân vào: 
Bên thì mấy ả mày ngài,
Bên thì ngồi bốn năm người làng chơi. 

Thế mới rắc rối. Mấy nàng kỹ nữ này cũng có cặp lông mày của Từ Hải hay sao? Nguyễn Du muốn hài hước hóa hạng người mà ông hết lòng bênh vực trong Truyện Kiều và cả trong thơ chữ Hán chăng? Hóa ra vấn đề không phải chỉ nằm ở chữ “nét”. Cũng không nhất thiết ở chữ “mày”. Tách riêng câu “Mày xanh trăng mới in ngần” (câu 1795) khỏi câu sau: “Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa” dám chắc người đọc vẫn liên tưởng dến một khuôn mặt phụ nữ. Cũng có khi Nguyễn Du buộc phải lựa chọn “nét” hay “mày” còn do sự đăng đối của câu thơ lục bát: trường hợp Khi khóe hạnh, khi nét ngài và Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang, nếu dùng âm trắc ở chữ thứ năm câu lục và ở chữ thứ sáu câu bát thì nghe hay hơn âm bằng, và ngược lại Bên thì mấy ả mày ngài dùng âm bằng lại hay hơn âm trắc; mặt khác, theo phép tiểu đối, một danh từ phải đối rất chỉnh với một danh từ nằm ở vế trước: 
Khuôn trăng/nét ngài
Khóe hạnh/nét ngài 
Nếu dùng “mày” thay cho “nét”, sự cân chỉnh của vế đối sẽ mất đi. Có thế thôi.
Vậy thì vấn đề còn lại chính là chữ “ngài” trong tổ hợp “mày ngài” và cả trong tổ hợp “nét ngài”. Khi dùng cho Từ Hải và khi dùng cho kỹ nữ, hay Thúy Vân, chữ “ngài” có sự khác biệt nào về sắc thái ngữ nghĩa hay tu từ? Đấy là chỗ tế nhị của ngôn ngữ nghệ thuật Nguyễn Du buộc ta phải tìm lời giải đáp.

Nhiều nhà nghiên cứu mặc nhiên coi “ngài” trong “mày ngài” và “ngài” trong “nét ngài” chỉ có một hàm nghĩa duy nhất là hình ảnh con tằm nằm ngang tượng trưng cho lông mày. Và đây không phải là sáng tạo của Nguyễn Du; ông chỉ mượn một cách dùng quen thuộc trong văn học Trung Quốc. Theo một số sách chú giải Truyện Kiều như Kim Túy tình từ của Phạm Kim Chi (1917) [1], Truyện Thúy Kiều của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim (1925) thì câu “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” là xuất phát từ câu văn trong sách Tướng thư: “Diện như mãn nguyệt mi nhược ngọa tàm  滿 : mặt như mặt trăng tròn mà lông mi như con tằm nằm ngang. Đây nói cái tướng phúc hậu của cô Vân” [2]. Còn trong bản dịch Kim Vân Kiều của Nguyễn Văn Vĩnh ra tiếng Pháp (in 1942) thì câu thơ Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang cũng được dịch giả tài danh này dịch là: “Le visage rond comme la lune pleine et les sourcils rappelant la forme du ver-à-soie couché tout de son long” [3], có nghĩa là khuôn mặt tròn như trăng tròn và đôi lông mày gợi lên hình con tằm nằm dài.
Chính là từ những cuốn sách có uy tín của các học giả thuộc lớp tiền bối như nói trên đây mà nhiều thế hệ cầm bút về sau khi nói đến “mày ngài” hay “nét ngài” đều có ngay ấn tượng khá thống nhất, rằng đấy là Nguyễn Du mượn điển “con tằm nằm”. Sách Truyện Kiều khảo đính và chú thích của Nguyễn Thạch Giang (1973) giải thích hai chữ “nét ngài” như sau: “Đây nói nét ngài là bởi chữ tàm mi (mày tằm), hay ngọa tàm mi (mày tằm nằm) = nét lông mày cong, đậm mà thanh. Chỉ lông mày đẹp nói chung” [4]. Còn sách Chữ nghĩa Truyện Kiều của Nguyễn Quảng Tuân (1994, 2003) thì mượn lại lời chú của Phạm Kim Chi, Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim nhưng không nêu rõ xuất xứ từ Tướng thư như hai học giả họ Bùi và họ Trần: “Diện như mãn nguyệt, mi như ngọa tàm (mặt đầy đặn như khuôn trăng tròn và lông mày xanh rậm như con tằm nằm ngang)” [5]. Và Truyện Kiều khảo đính và chú thích cũng của Nguyễn Quảng Tuân (1996) vẫn giữ nguyên lời chú gần như cuốn trước, có phần sát với Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ hơn: “Nét ngài nở nang: ý nói lông mày hơi đậm, cốt tả cái vẻ đẹp tự nhiên của Thúy Vân. Cả câu dựa theo lời trong Tướng thư: diện như mãn nguyệt mi như ngọa tàm = mặt như vầng trăng tròn, lông mày như con tằm nằm ngang, chỉ cái tướng phúc hậu” [6].
Tuy nhiên, chính sự mặc nhận lâu ngày thành nếp như thế lại gây một lấn cấn về mặt mỹ cảm. Nói lông mày của Từ Hải như con tằm nằm thì không khó chấp nhận. Nhưng nói lông mày của Thúy Vân, Thúy Kiều và cả mấy nàng ca kỹ đều là mày tằm nằm thì dù là ước lệ đi nữa, cũng ít ai có thể đồng tình. Hẳn là xuất phát từ điều lấn cấn đó mà trong lời chú của Nguyễn Thạch Giang, đã dẫn, có mở rộng thêm một vài ý xem ra hơi khiên cưỡng: đã nói “mày tằm nằm” (con tằm nằm ngang) thì sao lại còn “nét lông mày cong”? Và “mày tằm nằm” có “chỉ lông mày đẹp nói chung” hay không hay là chỉ lông mày đẹp của một giới người nào đó? Chắc nhà nghiên cứu đã không thể quên được nỗi ám ảnh về khuôn mặt của một Thúy Vân mà lại điểm đôi “lông mày sâu róm” nên đưa ra cách lý giải nước đôi khó hiểu như trên. Gần đây, một nhà nghiên cứu khác, ông Đổng Văn Thành, người Trung Quốc, dựa vào bản dịch Truyện Kiều của Giáo sư Hoàng Dật Cầu [7] dịch “nét ngài” là “ngọa tàm mi
”, đã có những lời mỉa mai châm biếm Nguyễn Du: “Nguyễn Du thì lại mượn “ngọa tàm mi” (mày tằm nằm) mà Tam quốc diễn nghĩa dùng để miêu tả Quan Vũ, trang nam nhi cao lớn, uy vũ, khoáng đạt, lắp vào khuôn mặt cô thiếu nữ mười phần xinh đẹp đó (Thúy Vân - NHC thêm). Nếu trên khuôn mặt thiếu nữ xinh tươi mơn mởn lại mọc ra một đôi lông mày võ sĩ vừa đen rậm, vừa thẳng cứng thì cái điều kệch cỡm nghiêm trọng ấy há chẳng phá hoại cả vẻ đẹp của cô thiếu nữ đó sao?” [8]. Ông Đổng Văn Thành chê trách Nguyễn Du cũng là dễ hiểu, vì ông chỉ dựa vào Hoàng Dật Cầu, mà Hoàng Dật Cầu thì có trong tay bao nhiêu bản Kiều của người Việt đã “chúng khẩu đồng từ” về “mày tằm nằm” rồi. Nghĩ lại, khoảng đầu những năm 60, người viết bài này cũng đã lâm vào một tình thế hài hước khi đinh ninh “nét ngài” hoặc “mày ngài” chỉ có một nghĩa là mày tằm.

Nhưng trước hết, hãy xin nói cái cách người Việt Nam tiếp thu ước lệ của nghĩa gốc. Mấy chữ “ngọa tàm mi” quả đúng là có trong chương mở đầu sách Tam quốc diễn nghĩa. Ở đoạn nói về dung mạo Quan Vũ, tác giả viết “Đan phượng nhãn, ngọa tàm mi ” - mắt đỏ như mắt phượng, lông mày [rậm] như con tằm nằm. Có lẽ độc giả Việt Nam vốn tiếp xúc với tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa từ rất lâu nên cũng đã từ khá lâu không ít người Việt quen thuộc với cách tả ví von này và sớm Việt hóa thành thành ngữ để chỉ người đàn ông có con mắt đẹp (sắc sảo, quắc thước): “Mắt phụng mày tằm” (Lục Vân Tiên: “Mày tằm mắt phụng môi son” - câu 349). Không biết thành ngữ “mắt phụng mày tằm” xuất hiện ở phía Nam hay ở phía Bắc trước, nhưng khi du nhập vào đất Bắc nó được chuyển âm theo tiếng Bắc: “Mắt phượng mày ngài”. Và điều đáng nói hơn là dần dần nó phai hẳn nghĩa gốc để chuyển sang một nghĩa phái sinh, không còn chỉ đôi mắt nam nhi mà... chuyên chỉ vẻ đẹp của đôi mắt phụ nữ: (Bần nữ thán: “Hễ hãy còn mày ngài mắt phượng/Hễ hãy còn má phấn môi son - câu 185-186; dân ca Thanh Hóa: “Tiếc thay mắt phượng mày ngài/Hồng nhan thế ấy nỡ hoài tấm thân” [9]). Với cô gái nhà nghèo trong Bần nữ thán thì “mày ngài mắt phượng” mà cô từng lấy làm tự hào nhất định không thể là cặp lông mày rậm rì và đôi mắt đỏ vằn tia máu của một người đàn ông, trái lại phải là cặp mắt đẹp với hàng lông mày thướt tha của phụ nữ. Bấy nhiêu dẫn liệu mách bảo ta một sự thực: khi viết Truyện Kiều, nếu có sử dụng hình ảnh “mày tằm nằm → nét ngài”, chắc chắn Nguyễn Du cũng cảm nhận nó theo hướng đã tái tạo lại của văn hóa Việt Nam đương thời hoặc trước thời ông chứ không bê nguyên xi “ngọa tàm mi” trong Tam quốc diễn nghĩa. Cho hay, việc phê phán cách dùng điển cố mà một văn nhân thi sĩ của nước này mượn từ một nền văn hóa khác đòi hỏi phải thấu hiểu mọi khả năng biến hóa nhằm làm mới điển cố ấy trong văn cảnh hoàn toàn khác so với nguyên gốc, nó có thể phục sẵn ở nguyên gốc dưới “tiềm năng chờ đợi” (horizon d’attente) nhưng khi chuyển sang môi trường mới, thông qua kinh nghiệm thẩm mỹ (expérience esthétique) [10] của một truyền thống văn hóa khác biệt, người tiếp nhận lại tạo nên một trường ngữ cảm đột biến mà nguyên gốc chưa hề có. Ở đây ta không trách Giáo sư Hoàng Dật Cầu dịch vụng, chỉ trách ông Đổng Văn Thành đã không biết dựa vào lý thuyết của mỹ học tiếp nhận để đặt một dấu hỏi hoài nghi, cho khỏi rơi vào võ đoán khi nặng lời với Nguyễn Du.
Nhưng hãy khoan. Cũng có thể hai chữ “nét ngài” của Nguyễn Du không liên quan đến “mày tằm nằm”. Còn nhớ vào những năm gần giữa thập niên 60 thế kỷ XX, tại Viện Văn học có những buổi tọa đàm sôi nổi nhằm góp ý cho bản Kiều khảo đính và chú giải của Viện trước khi đem xuất bản trong dịp kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du (1965). Là một thành viên Tổ văn học Cổ cận đại của Viện lúc ấy, tuy mới ra trường có mấy năm, tôi cũng được dự vào những cuộc thảo luận đó giữa các vị học giả. Tôi nhớ đây là những buổi trao đổi, đối thoại rất cởi mở, người trình bày và người góp ý đều có dịp bày tỏ hết chính kiến của mình. Vốn từng bị định kiến bởi điển “mày tằm nằm” từ hồi còn học ở trường, khi bàn đến mấy câu “Vân xem trang trọng khác vời/Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”, tôi cứ thấy có điều gì đó chưa thật yên tâm. Nghe các soạn giả cho biết còn có thể phiên âm “Vân xem trang trọng khác vời/Khuôn lưng đầy đặn nét người nở nang” - vì chữ trăng viết Nôm là 
Description: http://www.talawas.org/talaDB/pics/vh70306_2.gif gồm chữ nguyệt  biểu nghĩa và chữ lăng  biểu âm, song chữ nguyệt  lại cũng có thể hiểu là bộ nhục  chỉ những gì thuộc về thân thể, và trong trường hợp ấy thì Description: http://www.talawas.org/talaDB/pics/vh70306_3.gif lại phải đọc là lưng, một bộ phận trong cơ thể động vật cũng như con người; còn chữ ngài có hai cách viết Nôm: viết là Description: http://www.talawas.org/talaDB/pics/vh70306_4.gif (nhân biểu ý + ngại biểu âm) thì có nghĩa là “người”, còn viết là Description: http://www.talawas.org/talaDB/pics/vh70306_5.gif(trùng biểu ý + ngại biểu âm) thì có nghĩa là “con tằm”; tuy thế, chữ Nôm thường viết lẫn chứ không tách bạch rạch ròi mà nghĩa vẫn thông với nhau - tôi hứng thú với cách phiên âm thứ hai và giơ tay tỏ ý biểu đồng tình, nhất là khi nghe chính một nhà bác học như Trương Vĩnh Ký từ lâu cũng đã từng phiên Khuôn lưng đầy đặn nét người nở nang (1875). Giữa lúc các soạn giả đang trầm ngâm cân nhắc ý kiến của tôi thì một nhà nghiên cứu có mặt trong cuộc họp, ông Lại Ngọc Cang, nay đã quá cố, bằng những lời sắc sảo, nêu câu hỏi chất vấn ngay. Theo ông, trong việc lựa chọn dị bản của Truyện Kiều, bên cạnh các tiêu chí như tự dạng chữ Nôm và ngữ âm học còn có tiêu chí cần hết sức chú trọng là quan niệm thẩm mỹ của tác giả. Ca dao chúng ta thường nói đến “Những cô thắt đáy lưng ong” để hình dung vẻ đẹp của phụ nữ. Thử tưởng tượng một Thúy Vân “khuôn lưng đầy đặn nét người nở nang” nghĩa là từ trên xuống dưới thẳng đuột, không còn chỗ nào gọi là “eo” nữa thì trong mắt Nguyễn Du có còn là “ả tố nga” (người đẹp) nữa hay không? Tất cả phòng họp chợt tỉnh ra và cười ồ lên. Tôi cũng rất ngượng vì biết mình nhầm to, nhưng còn cố vớt vát: một người con gái không có eo lưng cũng còn dễ coi hơn một khuôn mặt phụ nữ lại có hai vệt lông mày rậm như hai con tằm nằm ngang trên mắt. Không ngờ, một trong mấy soạn giả là nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Vân mà chúng tôi thường thân mật gọi bằng bác, bằng giọng Nghệ trọ trẹ, thủng thẳng phân giải thắc mắc này của tôi. Đại ý ông nói: Trong tiếng Việt con ngài có hai nghĩa, nghĩa đầu tiên là con bướm tằm do con nhộng trưởng thành cắn kén chui ra; bướm tằm có hai loại đực và cái, sẽ giao phối với nhau đẻ ra trứng, trứng ấy lại nở ra thành con tằm. Vì ngài là một chặng trong quá trình sinh trưởng của giống tằm nên người ta cũng quen miệng gọi con tằm là con ngài. Nhưng nghĩa thứ hai này không phổ biến bằng nghĩa thứ nhất.
Ở đây, “mày ngài” trước hết có nghĩa nghĩa là lông mày của con ngài tức con bướm tằm rồi sau mới có thêm nghĩa là lông mày giống hình con tằm. Nếu ai đã sống ở những vùng trồng dâu nuôi tằm tất sẽ biết khi con ngài vừa ra khỏi kén, nhất là con cái, trên hai mắt có hai chiếc râu cong dài, đẹp như lông mày phụ nữ. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du có cái nhìn sự vật rất tinh tế và nhiều chỗ chính xác đến kỳ lạ, phải kiểm nghiệm qua thực tế mới hiểu nổi. Vì thế, có thể nói, trường hợp nhà thơ dùng “mày ngài” trong câu thơ miêu tả Từ Hải thì có phần chắc ông mượn điển “ngọa tàm mi”, còn trường hợp ông nói “nét ngài” để tả Thúy Vân, hay nói “mày ngài” để chỉ các ả ca kỹ thì chính là ông đang nói đến lông mày con ngài tằm mà ở vùng Nghệ Tĩnh ai đọc đến cũng hiểu.
Quả thực ý kiến của Nguyễn Đức Vân đã đánh tan được hầu hết mọi băn khoăn ngờ vực còn lại của chúng tôi. Ý kiến đó còn gợi mở một phương hướng mới trong phương pháp nghiên cứu văn học cổ. Đối với văn học cổ, tuy sách vở thư tịch là đối tượng chính nhưng cũng không thể chỉ đóng khuôn thuần túy trong sách vở mà phải kết hợp cả với quan sát, trải nghiệm từ cuộc đời thực. Vài năm sau, bản khảo thích và chú giải Truyện Kiều của Viện Văn học được công bố, tôi mở ra xem phần chú thích “nét ngài” thì thấy viết gần đúng như lời Nguyễn Đức Vân đã phát biểu trong cuộc tọa đàm hồi trước: “Nét ngài: nét lông mày. Ngài: con ngài, tức con bướm tằm, ở đầu nó có hai cái râu dài, thanh, cong cong hình bán nguyệt. Lông mày người con gái đẹp trông giống cái râu ngài, nên người ta thường gọi là “mày ngài”” [11]. Tôi biết, các soạn giả đã dựa chủ yếu vào kinh nghiệm sống thực tiễn của bản thân mà chú thích như vậy. Còn về “mày ngài” trong câu thơ dùng cho Từ Hải, Cũng sách ấy đã chú: “Râu hùm, hàm én, mày ngài: Tướng mạo của người anh hùng: râu dữ như râu hùm, hàm nở rộng như hàm chim én, mày cong và to như con tằm” [12]. Chỗ này các soạn giả lại dựa vào điển cố “ngọa tàm mi”. Rõ ràng là cùng một chữ “ngài” mà người biên soạn có cách chú linh hoạt chứ không cứng nhắc, về cơ bản hiểu rất đúng năng khiếu dùng chữ tinh tế bậc thầy của Nguyễn Du.
Nhưng tôi vẫn thắc mắc không hiểu vì sao những nhà chú giải đi sau nhóm Truyện Kiều của Viện Văn học lại không kế thừa ưu điểm này? Mãi khi mở đến Truyện Kiều do Giáo sư Đào Duy Anh chủ trì việc hiệu khảo (1979), tôi mới vui mừng thấy ông đã dựa khá sát vào bản của Viện, có bổ sung thêm cách hiểu của mình về tướng số học: “Nét ngài nở nang: chỉ nét lông mày nhỏ mà dài như râu con ngài (nga my) là tướng đàn bà nhiều phúc về đường con cái” [13]. Riêng về hai chữ “mày ngài” thì nhà học giả lại đồng tình với bản chú giải của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim: “Mày ngài: Khác với mày ngài ở câu 927, ở đây có lẽ là theo câu “my nhược ngọa tàm” của sách tướng xưa, chỉ lông mày to rậm” [14]. Ngẫm lại, Đào Duy Anh đúng là một học giả cỡ lớn, biết lắng nghe người khác, biết lựa chọn cái hay của những người nghiên cứu trước mình. Nhưng lời chú của họ Đào còn hé cho thấy ông đã tham khảo kỹ lưỡng cả từ điển Trung Quốc. Ông nói đến “nga my” rồi nói đến “diện nhược ngọa tàm” mà không hề nói đến “ngọa tàm mi” chắc là có lý do. Gần đây nhân đọc Đổng Văn Thành, tôi đã mở Từ hải bộ mới (1999) ra xem thì mới hiểu ra: điển cố “ngọa tàm mi”
(mày tằm nằm) hoàn toàn không có trong Từ hải. Nhưng cũng trong Từ hải đúng là có điển “nga mi” (mày ngài), được ghi như sau: “ 須彎 。因 。詩 北史 印。盡  [15]. Tạm dịch: Nga mi, cũng viết là (nga mi): Sợi râu cong, mịn mà dài của con ngài tằm. Nhân dùng để chỉ lông mày dài mà đẹp của phụ nữ. Cũng để chỉ vẻ mặt đẹp của phụ nữ. Bài “Thạc nhân” [ca ngợi người phụ nữ đẹp ở tuổi trưởng thành] trong “Vệ phong”, Kinh thi, có câu: “Đầu như đầu con tần, lông mày như râu con ngài”. Ly tao có câu: “Bọn phụ nữ ghen với mày ngài của ta”. [Mày ngài] cũng là cách gọi chung người con gái đẹp. Tư Không Đồ trong Mười bài cảm ngộ Nam Bắc sử viết: “Không dùng vàng ròng đúc ấn phong hầu/Nộp hết cho công tử để mua mày ngài”.
Thế là rõ. Trong Truyện Kiều, cùng một chữ “ngài” nhưng có hai nét nghĩa, tuy gần nhau mà không hề đồng nhất làm một. Chỗ thâm thúy của tiếng Việt là ở đấy và sự thử thách gian nan đối với người thâm nhập Việt ngữ cũng là ở đấy. Tôi hơi bùi ngùi, tiếc cho Giáo sư Hoàng Dật Cầu đã không vượt nổi một khoảng cách rất ngắn để đạt đến chỗ tận cùng tinh túy của ngôn ngữ Truyện Kiều. Chưa đi được thực tế về các vùng trồng dâu nuôi tằm như lời cụ Nguyễn Đức Vân dặn, tôi đành tìm trong từ điển bách khoa Pháp ngữ hình ảnh vài con ngài (bombyx du murier) giúp bạn đọc có cơ hội nhìn rõ “nga my” và không còn lẫn lộn với “mày tằm”.
Tuy nhiên, vẫn còn lại một điều chưa thật thanh thỏa: tại sao các bậc tiền bối như Nguyễn Văn Vĩnh, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim... lại nghiêng về hướng “mày tằm”? Cân nhắc hết mọi lẽ, tôi thấy lý do duy nhất vẫn là sự chi phối có thể hữu thức hoặc vô thức của quan niệm “công dung ngôn hạnh” Nho gia trong cách nhìn vẻ đẹp phụ nữ ở thời các cụ. Bước biến đổi của cách nhìn ấy chỉ xảy ra từ sau phong trào Tự lực Văn đoàn xuất hiện (1932). Hai chữ “gái mới” bắt đầu đi vào văn học cùng với phong trào này. Đó là cái giới hạn ngỡ như rất mỏng manh, co giãn, thế mà thế hệ những nhà văn sống chủ yếu trong 30 năm đầu thế kỷ XX đã không thể nào vượt lên được, không thể “bước qua lời nguyền”, cũng giống như trong xã hội chúng ta hôm nay, đâu có dễ lứa tuổi nào cũng biết đồng cảm với những tiếng “gào thét” của các siêu sao ca nhạc trên sân khấu, hay những biểu tượng văn học kiểu “bóng đè”, những vần thơ táo tợn và cả cách trình bày trang bìa rất “nghịch dị” của một tập thơ có tính chất... “dự báo phi thời tiết” v.v...? Tiếp nhận được những thứ ấy không chỉ đòi hỏi một cái đầu thông thoáng, cởi mở mà còn cả một vật lộn trong nhãn quan thẩm mỹ. Thời của các cụ, nghĩ về một Thúy Vân phải có bộ mặt tượng trưng cho sự phúc hậu với đôi mày rậm là điều không lạ. Không chỉ thế, các cụ hình như đã bị “đánh bẫy” bởi hình dung từ “nở nang” mà Nguyễn Du đặt tiếp ngay sau “nét ngài”.
Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim không giải thích hai chữ “nở nang” chứng tỏ hai ông hiểu nở nang theo cách hiểu hiện đại. (Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (2000): “Nở nang: phát triển một cách đầy đặn” [16]. Việt Nam từ điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ (1970): “Nở nang: to lớn ra” [17]). Nguyễn Văn Vĩnh dịch “nở nang: dévelopé, ample” cũng cùng ý ấy. Nhưng lại cần đặt dấu hỏi: vào thời Nguyễn Du sống, “nở nang” có nghĩa là gì? Nguyễn Thạch Giang dẫu đi theo hướng các cụ, đến từ này thì ông đã cảnh giác hơn. Ông giải thích: “Nở nang: tươi tốt”. Mở Đại việt quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (1895), ta tìm được lời giải cho bài toán hóc búa. “Nở nang Description: http://www.talawas.org/talaDB/pics/vh70306_6.gif” theo Paulus Của có hai nghĩa: 
1. Nở ra tươi tốt; 
2. Đẹp đẽ [18]. 
Có lẽ ở đây hiểu “nở nang” là tươi tốt hay đẹp đẽ đều ổn cả. Thế là một lần nữa ta lại có lý do để xác nhận Nguyễn Du đúng là người có nhãn lực bén nhạy, biết cảm xúc và miêu tả cái đẹp không phải chỉ khuôn trong bình diện đạo đức tư tưởng nhà nho mà còn đích thực trên bình diện thẩm mỹ.
[1] “Diện như mãn nguyệt, mi như ngọa tằm. Chú thích: Mặt như trăng tròn, lông mày như con tằm nằm ngang (ở Bắc gọi con tằm là con ngài)”. Tr. 54, bản in lại của Nxb. Tri tân, Sài Gòn, 1973. Những chỗ in sai đúng như trong sách.
[2] Tr. 54, bản in lại của Nxb. Văn hóa Thông tin, 1995.
[3] Tr. 15, bản in của Nxb. Văn học, 1994.
[4] Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, in lần thứ hai, 1976; tr. 350.
[5] Nxb. Văn học in lần thứ ba, 2003; tr. 13.
[6] In trong Nguyễn Du toàn tập, tập II, Nxb. Văn học và Trung tâm nghiên cứu quốc học, 1996; tr. 48.
[7] Nhân dân văn học xuất bản xã, Bắc Kinh, 1959.
[8] Đổng Văn Thành
. Trung Việt “Kim Kiều truyện” đích tỷ giảo . Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng  tập 4 (1986) và tập 5 (1987). Trích dẫn theo bản dịch của Phạm Tú Châu trong 200 năm nghiên cứu bàn luận Truyện Kiều. Nxb. Giáo dục, 2005; tr. 1571. Nguyên văn: “ 粗獷威 西 ” “ 。細 。又 直。又 。這 調
?”
[9] Theo Từ điển thành ngữ Việt Nam của Viện Ngôn ngữ học, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1993; tr. 407.
[10] Đều là thuật ngữ của H. R. Jauss, nhà mỹ học người Đức thuộc trường phái mỹ học tiếp nhận, 1921-1997.
[11] Truyện Kiều do Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Sĩ Lâm, Nguyễn Đức Vân hiệu đính và chú thích, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1965; tr. 13.
[12] Sách trên, tr. 160.
[13] Nxb. Văn học, 1979, tr. 178.
[14] Sách trên, tr. 256.
[15] Từ hải, Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 2000, tập hạ, tr. 5287.
[16] Nxb. Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học; tr. 741.
[17] Nxb. Khai trí, quyển hạ; tr.996.
[18] Nxb. Khai trí tái bản, 1974, Tome II; tr. 152. 

 Nguyễn Huệ Chi  
Theo http://www.talawas.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cung bậc - Chùm thơ Hữu Dũng

Cung bậc - Chùm thơ Hữu Dũng Cũng là/ cung bậc ấy thôi/ Mà sao/ cảm xúc/ xa xôi ùa về… Cung bậc Cũng là cung bậc ấy thôi Mà sao cảm xúc xa...