Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

Cuộc đời và tình yêu của Picasso: Danh họa Tây Ban Nha

Cuộc đời và tình yêu của Picasso: 
Danh họa Tây Ban Nha
Picasso, một trong những nhân vật vĩ đại nhất của nghệ thuật tạo hình, đã trải qua thời kỳ thơ ấu thật êm đềm, hạnh phúc. Cậu lớn lên trong một gia đình vốn có truyền thống hội họa lâu đời.
Cha cậu, ông Ruiz Blasco là giáo sư trường mỹ thuật Barcelona, người đã chăm chút từng bước đi chập chững đầu tiên của Picasso trên con đường hội họa. Cậu sớm hấp thụ những không gian chan hòa màu sắc chung quanh, đắm mình trước khung cảnh tuyệt mỹ của thiên nhiên qua bàn tay kỳ diệu của người cha. Picasso nhận thức đời sống bằng những bức tranh treo đầy trong nhà. Còn gì giúp trí tưởng tượng của thời thơ ấu bay bổng hơn bằng hội họa? Cậu ngắm say sưa hàng giờ, thậm chí suốt ngày chỉ một bức tranh mà thôi.
Năm 13 tuổi, Picasso vào học trường mỹ thuật của cha rồi sau đó chuyển sang trường mỹ thuật Madrid, tiếp cận với thủ pháp tả chân theo lối cổ điển của các nhà danh họa Rivera, Velasquez và Goya.
Cậu bé mơ mộng, thích lang thang suốt ngày ngoài trời. Trên lưng một chiếc ba lô đựng thức ăn, đồ uống, tay xách bản vẻ, tay cầm cọ sơn, Picasso chậm rãi bước đi, mắt quan sát tất cả những gì thiên nhiên đang phơi bày. Từ cành cây, ngọn cỏ, cho đến con đường làng, mái nhà ngói đỏ, từ con bướm nhỏ xinh xinh bay chập chờn khoe sắc, cho đến đàn bò mộng xa xa đang thảnh thơi nằm phơi nắng, thỉnh thoảng rống lên những tiếng khiến Picasso giật mình nhưng lại cảm thấy vui tai.
Thiên nhiên dịu dàng như bà tiên, ngọn gió đưa hương hoa dại ven đường…, tất cả tạo nên một cảm xúc mãnh liệt làm say sưa cậu bé có tâm hồn nghệ sĩ. Picasso, mẹ chàng, gốc người Genova (ý). Mọi hơi thở của lá, mọi dạo chơi của bầy chim trên trời cao đều lắng động trong tiềm thức của Picasso. Nó hiện về trọn vẹn trong những giấc mơ đẹp của chàng họa sĩ tí hon này.
Năm 1897, Picasso gởi tác phẩm "Khoa học và nhân ái" (Science et Charité) đến dự cuộc triển lãm Madrid. Và kết quả thật bất ngờ, tác phẩm được bằng danh dự, điều đó giúp cậu quyết theo con đường hội họa suốt đời. Nhưng vào năm 1900 Picasso sang Paris (Pháp), có lẽ vùng đất này chưa cảm nhận được tinh thần trong tranh của cậu, không biệt đãi lắm, nên Picasso đâm ra thất vọng chán nản...
Cậu trút tất cả nỗi buồn xa xứ cô đơn của mình vào tác phẩm "Ưu tư" (Mélancolie), diễn tả một người đàn bà sầu muộn đang co mình lại. Từ đó về sau cậu bắt đầu ký tên của dòng họ mình là R.Ruiz.
Picasso sống vất vưởng tại xóm Montmartre, vật lộn với đói và rét. Hình ảnh hiện lên trong các bức tranh của cậu luôn luôn có dáng dấp của những kẻ nghèo hèn, rách rưới.
Vào năm 1905, một sự kiện đột biến đã làm thay đổi toàn bộ cuộc sống nội tâm của chàng trai trẻ Picasso.
Ở máy nước đường Ravignan, Picasso đang ôm siết trong tay một con mèo nhỏ chỉ còn da bọc xương mà chàng vừa nhặt được bên đường. Cái máy phun nước ra, và trong khi chàng lom khom đưa bình hứng, nước bắn tung tóe xuống đường, dội ngược lên, làm ướt gấu váy và đôi chân Fernande. Nàng nhìn chàng, mỉm cười, ánh mắt loé lên cái nhìn là lạ khi thấy chàng mặc chiếc áo được mua ở chợ trời với giá 1 quan 45 xu.
Chàng trai thấp, mập mạp đó ngẩng đầu lên và chạm phải một khuôn mặt đẹp tuyệt vời với đôi mày đầy dặn, đôi mắt màu hạnh nhân, cái miệng có đôi môi dầy mọng đỏ. Ấp a ấp úng mãi chàng mới cất tiếng được :
-Thưa cô. .. tôi. .. tôi muốn tặng cô một món quà.
- Ông cứ tặng.
- Đây, cái này đây. .. Con mèo - Chàng trao con mèo cho nàng.
- Cám ơn ông. - Nàng nói, giọng lộ vẻ xúc động thật sự.
- Cô đến thăm xưởng vẽ của tôi một ngày gần đây chứ?
- Vâng, tôi sẽ đến.
Nàng giữ đúng lời hứa. Nàng đến và ở lại đấy trong căn phòng trọ của Picasso ở đường Ravignan. Picasso đã yêu nàng với tất cả những tình cảm nồng nàn của một chàng trai 24 tuổi với chất của một nghệ sĩ. Nàng quả là giấc mộng vàng của chàng. Nàng đẹp đến nỗi lịch sử nghệ thuật chỉ gọi nàng dưới biệt danh "Người đẹp Fernande ".
Nàng tên là Fernande Olivier (do tên của người chồng đã ly dị), còn nhũ danh của nàng là Bellevallée.
Giống như khi Victor Hugo yêu nàng Juliette, Picasso không cho Fernande ra khỏi nhà. Nếu Hugo đối xử độc tài với người yêu vì nghĩ rằng sẽ giúp cho Juliette xóa nhòa quá khứ "trăm ong ngàn bướm" đã qua thì Picasso yêu nàng như tín đồ cuồng say trước mối tình thiêng liêng đầu đời.
Chàng tự nguyện làm tất cả việc nhà thay cho nàng. Khi nhà buôn tranh Sagot (trước làm hề ở gánh xiếc) trả cho chàng 15 xu một bức vẽ, chàng liền đi chợ mua những thứ nàng ưa thích nhất. Đương nhiên là những vật dụng, thức ăn phù hợp với túi tiền của hai người lúc đó. Chàng thích chải tóc cho nàng, nấu ăn hay quét nhà.
Nếu xem bức tranh "Người đàn bà ngủ" chúng ta sẽ thấy một người đàn ông ngồi kề bên giường của một người đàn bà ngủ, có cái nhìn như say đắm, như bị mê hoặc, đó chính là Picasso.
Và hai năm sau, một tuyệt phẩm ra đời bằng chính tình yêu của chàng: bức "Chân dung Fernande". Picasso đem bức tranh treo cạnh chiếc áo của Fernande mặc ngày lần đầu hai người gặp nhau. Chiếc áo được xếp gọn, đặt trên đầu tủ ngăn giữa hai lọ sứ màu xanh cắm hoa giả. Picasso ngắm tới ngắm lui hàng tháng trời.
Một hôm, bạn chàng - nhà thơ Max Jacob trông thấy hỏi:
Đây là cái gì?
Picasso trả lời ngắn gọn:
Nếu yêu thì anh sẽ hiểu.
Sau đó, Picasso đem giấu biệt bức tranh, cất vào tủ gắn trong tường để chiêm ngưỡng riêng.
Trong con người Picasso hội họa và tình yêu luôn song hành. Khi tình yêu tạm thời trong trạng thái cân bằng thì chàng lao đầu vào sáng tác. Tiền phong của nền hội họa thời bấy giờ họa phái "Fauvisme" chú trọng đến màu sắc, nhưng Picasso cảm thấy nhạt nhẽo, vô vị khi thưởng thức bức tranh của họ.
Bạn bè giới thiệu Picasso với nhà thơ Apollinaire, chàng thi sĩ này khuyên Picasso nên tìm "một con đường mới, một nghệ thuật mới". Và quả nhiên, Picasso trở nên "hiện đại" thật. Năm 1907, chàng trưng bày một bức tranh vuông và lớn, mỗi cạnh hai mét rưỡi, nhan đề là “Mấy cô gái ở Avignon”. Năm cô gái điếm này không có nét đẹp kiểu "mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da" hay "khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang". Hình thù của họ thật quái dị, mặt méo mó, tay chân, thân thể là những hình học chắp nối. Thế là một họa phái "điên" ra đời dưới những con mắt sành hội họa thời bấy giờ.
Năm 1909, cũng thể nghiệm theo lối sáng tác với tư duy nghệ thuật quá tân thời đó, Picasso hoàn thành một họa phẩm tình yêu thứ hai nhưng thật khác với bức tả chân dung Fernande ban đầu.
Gương mặt người thiếu nữ trong tranh bị cắt ra từng mảnh nhỏ, những hình khối đó như bị cuốn vào một cơn bão tố quay cuồng. Picasso đã làm việc suốt sáu tháng trời, giam mình trong phòng bốn tuần lễ cuối cùng để hoàn tất bức tranh này.
- Ferdinando, em đến xem em đây!
Nàng bước đến trước khung vải. Mặc dù tính tình điềm đạm nhưng nàng chợt giật mình, lùi bước lại khi thấy bức tranh.
- Anh điên rồi! - Fernande sợ hãi thốt lên …
Bức tranh trông có vẻ kỳ quái hơn cả những bức mà chàng sáng tạo trước đây (từ năm 1905 đến 1907) như "Khỏa thân ngồi" (Nu assis), "Gia đình những người làm xiếc rong" (La famille des Saltimbanques) và "Nữ hoàng Isabelle"…
Chàng ở giai đoạn chuyển mình, thâm nhập vào thế giới nghệ thuật da đen, bước chân đến ngưỡng cửa của trường phái lập thể phân tích, lập thể tổng hợp. Những buổi làm việc, nghiên cứu giữa mùa hè đổ lửa ở vùng Horta de Ebro- Tây Ban Nha, những ngày lang thang trên các cánh đồng xơ xác, đã thật sự đưa Picasso đến nhiều dạng khô khan của các hình kỷ hà qua bức Réservoire (Hồ chứa). Bức tranh cho thấy chàng chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng của Cézanne: "Tất cả trong thiên nhiên đều căn cứ trên những hình nón và hình cầu”.
Ở Montmartre, những người bạn của chàng như Gertrude Stein, Itchoukine…đều cho là chàng điên loạn. Nhưng Picasso rất tự tin những điều chàng thực hiện. Bằng một lối chữ nghĩa Pháp không chính xác gì cho lắm, Picasso gởi thử mời bạn bè và nhà buôn tranh danh tiếng Amboise Vollard đến.
Khi họ bước vào nhà, các bức tranh đều được đặt quay vào tường, Picasso chậm rãi đem ra từng bức đặt trên mỗi giá vẽ.
Gertrude Strein đi đi lại lại trước mỗi bức tranh, thỉnh thoảng tay đưa lên sửa kính, khi đến bức cuối cùng, không kềm chế nổi, ông thốt lên:
Giờ thì tôi biết anh diễn tả cái gì rồi. Tôi hiểu rồi. Anh muốn vẽ chiều không gian thứ tư chớ gì. Thật là quái gở! - Ông ôm bụng cười toáng lên.
Itchoukine ngồi im lặng, tay nhịp nhịp trên đùi theo lối Nga. Kế bên là Ambroise Vollard – một con người điềm tĩnh chỉ vào bức tranh và nói : "Tôi mua" rồi móc trong túi ra 1 xấp giấy bạc. Còn nhà thơ Max Jacob ngồi gật gù cất giọng thánh thót như đang đọc thơ:
- Picasso, tất cả những hình khối mà anh đem vào tranh, tuyệt một cách kỳ lạ.
Picasso cảm thấy hài lòng, cười với mọi người. Riêng Fernande, nàng ngẫm nghĩ: "Mình yêu một kẻ điên, nhưng hai người kia cũng điên nốt". Nàng chỉ hiểu những bức tranh của người yêu vẽ vào giai đoạn chàng chưa gặp nàng ở máy nước mà thôi. Đại khái là bức "Nhạc sĩ Tây Ban cầm già" (Le vieux guitariste) và bức "Đám tang Casemagas" (L’enterrement de Casemagas)…Nàng cảm nhận được tình cảm sâu sắc, tấm lòng yêu thương và nỗi đau khổ vô bờ của Picasso trước thân phận con người qua bức tranh đó.
Trừ một vài người thân có nhãn quan nghệ thuật gần gũi với tinh thần sáng tạo của Picasso như bạn đồng nghiệp G.Braque, còn hầu hết đều lên án chàng là "lập dị", "ngông cuồng", "loạn thần kinh" …
Dư luận ồn ào phản đối đến nỗi Picasso và Braque sau này không dám ký tên vào mặt trước các bức tranh của họ. Có người yêu cầu chính quyền không được trưng bày tranh "lập thể" trong các viện bảo tàng. Thiên hạ mắng nhau bằng danh từ "đồ Picasso!". Tai họa giáng vào đầu hai họa sĩ thiên tài liên tiếp. Bởi vì, cái mới trong nghệ thuật bao giờ cũng là sự nổi loạn đáng trách. Người ta quen chiêm ngưỡng những bức tranh cổ điển rồi. Nếu lúc trước họa sĩ dùng bóng xen với màu sắc làm cho hình nổi lên thì đến lượt Picasso, chàng lại sử dụng hình học, phỏng theo nghệ thuật Bắc Phi và Trung cổ, chủ tâm "đánh" vào mắt người xem, tạo cho hình nổi bật lên.
Năm 1914, khi thế chiến thứ nhất bùng nổ, người bạn thân Braque lên đường nhập ngũ khiến Picasso hụt hẫng, rơi vào trạng thái cô đơn. Mặc dù khuynh hướng mới do Picasso khởi xướng đã có chỗ đứng khá vững vàng trong căn nhà hội họa năm châu, nhưng chàng vẫn cảm thấy mình bị cô lập, không ai có thể hiểu được chàng. Picasso muốn quên đứa con "lập thể" do chàng khai sinh và chuyển sang sống với đứa con nuôi "tượng hình” (Figuration).
Sau tám năm yêu đương mặn nồng, mối tình đầu của Picasso tắt lịm một cách đau đớn vì nàng Fernande Olivier bị cơn bệnh lao hiểm nghèo cướp mất năm 1917.
Bolga Koklova, một ngôi sao của đoàn múa Ba Lê Diaghilev (ở Nga) đến như một vị công chúa có liều thuốc giải sầu thần diệu, nàng đã cho Picasso uống những mật ngọt tình yêu vương giả, giúp chàng gượng dậy, thoát khỏi nỗi buồn xa bạn, mất người yêu đầu đời.
Họ cưới nhau và sống cuộc sống huy hoàng, khác hẳn thời trước nghèo rách mồng tơi ở Montmartre.
Năm 1921, con trai đầu lòng của Picasso chào đời, chàng đặt tên là Paulo, người hiện nay vẫn còn sống và thừa hưởng một gia tài khổng lồ. Nhưng hình như không có gì vĩnh cửu trong các mối tình của giới nghệ sĩ, họa chăng nó chỉ tồn tại trên trang giấy như một nhân chứng, một ấn tích của cuộc đời họ. Nó chỉ tồn tại trong thơ ca và những tác phẩm nghệ thuật khác. Còn giữa thực tại ngổn ngang của con người, tình yêu của họ là những chiếc lá vàng đã hết thời kỳ xanh tươi. Những mối tình bay theo gió, lượn lờ giữa đất trời rồi tan mất trong cát bụi thời gian. Năm 1933, Olga ly thân và 22 năm sau nàng từ giã cõi đời, bước sang một chiều không gian nào khác mà dân gian thường gọi là địa ngục hay thiên đàng.
Tại nhà Picasso, khung cửa giữa buồng ngủ và xưởng vẽ không bao giờ đóng kín. Những mối tình này tiếp mối tình kia, đôi khi sóng cồn dữ dội nhưng có lúc êm như mặt nước hồ thu giữa trưa nắng lửa ở Tây Ban Nha. Nhưng cuối cùng, vẫn là vụ lộn xộn, ly khai đầy nước mắt. Cuộc đời tình ái của Picasso chỉ là những mẩu hạnh phúc chóng qua, mãnh liệt rồi úa tàn, quy luật muôn đời của tạo hóa hay của trái tim con người nghệ sĩ quá nhiều đam mê, quá nhiều khao khát những điều mới lạ?
Sau mỗi giai đoạn sáng tác của Picasso, người ta đều nhận ra những bóng dáng đàn bà. Lịch sử nghệ thuật "xanh hồng, lập thể, siêu thực … " của Picasso đã ghi nhận tên tuổi năm người yêu và hai vợ của chàng. Cho dù là hôn thê hay nhân tình, họ cũng là những mẫu vẽ, những đối tượng thẩm mỹ sâu sắc khiến Picasso rung động và sáng tạo những họa phẩm tuyệt vời.
Picasso là một điển hình cho sức làm việc không mệt mỏi.
Ba giờ chiều, lúc mọi du khách đều an giấc, tiếng ve sầu ca vang điệp khúc quen thuộc, rỉ rả, đều đều dưới bầu trời oi bức, những bờ biển vắng vẻ. Tất cả vùng Côte d’Azur yên ả, lắng sâu trong tĩnh mịch. Thành phố ven biển vào mùa hạ đã qua nhịp điệu ồn ào, náo nhiệt trong ngày.
Trên ngọn đồi cao Mougins, một bóng người thong thả bước vào xưởng vẽ. Dáng người mập lùn, đầu hói, mình mặc độc chiếc quần tắm, ông ta lầm lũi như một chú bò mộng đang bước vào đấu trường. Đôi mắt đỏ ngầu của ông hướng về đống cọ sơn và bút chì nằm hỗn độn giữa những vật linh tinh trên một diện tích rộng 75 mét vuông.
Picasso lim dim đôi mắt, nghiêng đầu sang trái rồi qua phải, lùi lại ngắm thật kỹ dáng người thiếu nữ ngực trần đang đứng xuôi tay trông cái thảng thốt, bàng hoàng, đôi mắt nâu mở to sợ hãi như bất ngờ bị một gã đàn ông xa lạ xô cửa, xông vào lúc mình không còn mảnh vải che thân. Thân hình cô gái thon gầy với làn da xanh xao toát ra vẻ mơ hồ, kỳ lạ, một loại màu xanh trong suốt được tôn vinh bằng những đường viền ánh sáng, phản chiếu sắc trắng bạc. Gò ngực độn cao đang phập phồng qua làn khói thuốc mờ mờ trước mặt Picasso.
Ông nhìn chăm chú vào vùng ngực cô gái ra chiều khích động. Picasso nhích từng bước chậm chạp, người ngả về phía trước như ôm cô gái, cánh tay phải run run đưa lên trong trạng thái vô thức của kẻ lên đồng, ngập ngừng rồi bỏ xuống. Picasso lùi trở lại. Ánh mắt cô gái trở nên kinh hoàng tột độ. Picasso giơ tay trái bấu vào mặt, đầu gục xuống. Giây lát sau, ông ngửa mặt lên trời buông tiếng thở dài, lắc đầu rồi quyết định bước tới.
Picasso không nhìn đôi mắt mở to hoảng sợ. Gò ngực mới nhú quyến rũ lạ thường. Từng bước, từng bức, Picasso đưa tay phải lên, chấm vào bộ ngực non tơ màu hồng nhạt. Và cứ thế, cho đến chiều tối mịt, hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác đỏ rực. Picasso tiến tới, trở lui, đi qua, đi lại, ngắm nghía trước giá vẻ như không bao giờ chán. Đồng hồ điểm một giờ sáng. Picasso ngã vật người ra chiếc ghế bố, thở hổn hển. Bức tranh đã hoàn tất, trác tuyệt trong không gian màu sắc. Ánh đèn chiếu vào bốn góc của khung vải. Nơi đó, màu đỏ gạch âm ỉ sức nóng, lan nhẹ vào thân thể màu xanh lạnh lẽo. Picasso đã hoàn thành động tác cuối cùng.
Tám giờ trôi qua, nhà danh họa trở về đánh một giấc ngon lành. Đối với Picasso, những danh từ khoái lạc, nghỉ ngơi hoàn toàn vô nghĩa. Có người hỏi Picasso rằng ông suy nghĩ gì về hội họa. Picasso trả lời: " Có những họa sĩ biến vầng mặt trời thành một vết màu vàng. Nhưng có những họa sĩ khác biết dùng nghệ thuật và trí tuệ của mình để biến một vệt màu vàng thành vầng thái dương ".
Tính đến ngày nay, Picasso đã lập được một kỳ lục sáng tạo phi thường, xét cả về lượng cũng như về chất. Có người ước tính là Picasso đã cống hiến cho những người yêu nghệ thuật 50 ngàn bức vẽ, 10 ngàn tranh sơn dầu, 1.000 tác phẩm điêu khắc, 1.000 đồ gốm, 2.000 đồ vật và 500 bức tranh khắc. Riêng về hội họa, Picasso không bị giới hạn bất cứ chủ đề nào, từ những bức chân dung, phong cảnh, tĩnh vật đến những bức "Composition", những tác phẩm thời sự, những bức tranh lịch sử có chủ đề hoang đường …
Picasso sáng tác tùy hứng, ghi tác phẩm của mình lên bất cứ vật gì, từ những mảnh giấy, miếng vải cho đến các mảnh bìa, mảnh kiếng và gỗ …
Picasso cầm búa thợ rèn cũng điêu luyện như cầm cọ sơn. Ông dùng chất cường toan thợ chạm không chút ngượng tay.
Dù cho Picasso dùng bất cứ chất liệu gì để sáng tác, nó luôn luôn quan tâm của các nhà phê bình và những người thích nghệ thuật tạo hình.
Năm 1937, nội chiến Tây Ban Nha bộc phát, Picasso kêu gọi dư luận thế giới lên án cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này.
Thông điệp của ông gửi nhân loại, là bức Guernica, một bức tranh lập thể vĩ đại, mô tả cảnh hỗn độn đẫm máu của cuộc chiến, đầu người, đầu vật chồng chéo lên những khúc tay, khúc chân …
Giai đoạn này, Picasso đã đạt đến đỉnh cao của trường phái lập thể. Người ta càng bàn luận về những tác phẩm của ông nhiều hơn khi thế chiến thứ hai chấm dứt. Nhiều người mua tranh của ông với giá đắt khủng khiếp, có người không hiểu ông muốn diễn đạt cái gì nhưng họ vẫn đổ xô tìm mua và sôi nổi tranh luận với nhau về những hình thù quái dị trong các tác phẩm của ông.
Tên tuổi của Picasso bay đến những vùng hẻo lánh giá băng ở Bắc cực và đến đại lục Phi Châu hoang dã. Đâu đâu cũng biết ông. Chưa có một họa sĩ nào lúc sinh thời được nhiều người biết đến như Picasso. Những nhà văn, nhà phê bình, nhà nghiên cứu nghệ thuật tạo hình đã viết 250 cuốn sách về Picasso, bốn viện bảo tàng dành riêng để trưng bày những tác phẩm của ông. Picasso càng nổi tiếng ông càng khiêm tốn hơn.
Ông không thích đi du lịch chỉ thích dạo bộ quanh quẩn vùng ông sống để tìm cảm hứng sáng tạo. Khách mộ điệu từ bốn phương trời đổ xô đi tìm ông như những tín đồ hành hương đến thánh địa.
Họ hy vọng sẽ nhận thức một điều gì đó bổ ích cho cuộc đời họ, gương lao động không mệt mỏi, bí quyết giữ gìn sức khỏe, kiến thức về hội họa hay bất cứ cái gì khác đặc biệt trong cuộc đời ông.
Một phụ nữ Mỹ vượt Đại Tây Dương tìm Picasso. Trong tám ngày bà ta đứng rình ở cổng sắt để chiêm ngưỡng thần tượng trong mơ của mình, nhưng cuối cùng chỉ hoài công. Thế là bà ta đâm ra rượu chè be bét, khóc lóc thảm thiết rồi xách valise về nước.
Picasso tuyên bố với mọi người rằng ông thích sống ẩn dật, đừng ai làm phiền ông vì tất cả thì giờ ông dành cho công việc sáng tạo. Ông không hề nghĩ đến chuyện viết sách phơi bày những kỹ thuật quan trọng trong nghề nghiệp của ông. Picasso không thích biểu diễn tài nghệ của mình trước mắt đồ đệ và giới mộ điệu. Có lẽ chỉ có những người đàn bà yêu ông mới chứng kiến tận mắt giờ phút sáng tạo xuất thần của ông.
Ngoài Fernande người tình đầu, Picasso còn những đêm nồng say với M.T.WATTER, 17 tuổi, sinh được một gái: với Donar. Maar, với Françoise. GILLOT, sinh được một trai một gái.
Và ngày 2 tháng 3 năm 1961, ông bí mật kết hôn với Jacqueline Roque tại tòa thị sảnh Vallauris. Đây là người tình cuối cùng của đời ông, một phụ nữ trẻ, tóc đen dài, khuôn mặt hiền hậu và đều đặn. J.Roque 35 tuổi còn Picasso thì… mới 80 tuổi (!!). Người ta tưởng tượng cuộc hôn nhân này diễn ra chú rể già nua, lọm khọm, đầu bạc trắng ngồi kế một cô dâu trẻ măng trên chiếc xe hoa lộng lẫy. Đôi lúc quên khuấy đi, nàng gọi Picasso bằng bác. Nhưng không, họ xứng đôi vừa lứa khi sánh vai đi bên nhau, mọi ý nghĩ của những người chưa gặp Picasso lần nào đều tiêu tan.
Họ ngạc nhiên khi biết cụ già 80 tuổi vẫn mạnh khỏe và xốc nổi như những chàng thanh niên. Họ hỏi bí quyết. "Cải lão hoàn đồng" của Picasso thì ông cười, vui vẻ nói: "Tôi ngủ nhiều, ít khi dậy trước 12giờ trưa, không nóng giận, lo buồn, làm việc nhiều, uống nước trái cây nhiều, ăn nhiềuLúc nào tôi cũng cười với bạn bè và những người chung quanh. Tôi làm cho người khác vui bằng cách hóa trang, mang mũi giả râu giả, nón cao bồi … những món đồ mà ông bạn Gary Cooper của tôi tặng".
Một buổi tối ở Cannes, Picasso đến nhà bạn dự tiệc. Ông mặc bộ đồ smoking viền đỏ, mang đôi dép sơn đen, bộ đồ ông mặc lúc đánh quần vợt. Tuần nào cũng vậy, anh thợ may Sapone ở Nice giao cho Picasso năm cái quần khác kiểu. Ông đi chợ "từng xu nhỏ" nhưng rất hào phóng với người nghèo.
Đêm nọ ông dùng cơm ở một tiệm ăn tại Lavandou, gặp một cô gái chạy bàn là đồng hương và cùng tên với ông. Cô ta kể cho Picasso nghe về cảnh nghèo khổ, túng quẫn của gia đình cô, ông khách cảm động nhưng trong túi thì chỉ có 10 ngàn quan cũ. Ngay tức khách họa sĩ này lấy rượu vang đỏ pha với tàn thuốc lá, vẽ một mạch la liệt lên mấy tấm khăn ăn. Nửa đêm, ông khách ngừng tay, thế là cô hầu bàn đủ tiền mua nhà cho mẹ và đồ nữ trang quý giá cho mình.
Picasso giờ đây đã trở thành triệu phú nhờ tài năng nghệ thuật của mình. Ông dọn nhà từ Cannes về Mougins. Picasso ngụ tại ngôi biệt thự của dòng họ Guiness của vua là De với giá 1 triệu quan. Căn nhà này rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, gồm 20 phòng.
Picasso ngụ vẫn còn yêu J.Roque tha thiết. Những lúc rảnh rỗi, nằm vắt tay lên trán, Picasso nghĩ ngợi mông lung về cuộc đời tình ái của mình. Nàng Fernande là mối tình thiêng liêng nhất của ông, rồi những bóng đàn bà khác loáng thoáng qua đời ông, ngắn ngủi nhưng cũng mang lại nhiều dư âm hạnh phúc.
Đến tuổi 90, Picasso mới nhận thức được một điều, rằng mình đã tìm được một người đàn bà là nửa tâm hồn mình, người tình cuối cùng và hiện nay là vợ ông. Picasso yêu người đàn bà này với tất cả những rung động còn sót lại của một trái tim đã đập suốt gần một thế kỷ. Ông không muốn J.Roque sanh nở nhiều sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của nàng. Nhỡ một mai cơn bệnh ngặt nghèo cướp nàng khỏi vòng tay ông thì sao? Ông không bao giờ đi đâu mà thiếu bóng nàng J.Roque. Họ vẫn hôn nhau say đắm, công khai trước hàng trăm ngàn cặp mắt giữa thanh thiên bạch nhật. Picasso không muốn rời nàng. Jacqueline chỉ xa ông khi nào nàng đi tắm ở bãi bể Cannes hay cỡi ngựa chung quanh các ngọn đồi ở Mougins. Jacqueline là người duy nhất được vào xưởng vẽ khi Picasso đang làm việc. Nàng là người mẫu tuyệt vời để hình thành những bức chân dung hoặc khỏa thân do chính tay Picasso vẽ.
Con người tài hoa này sống ẩn dật, vui thú với vợ và cô con gái Catherine. Tòa biệt thự là một xưởng vẽ khổng lồ của ông. Muốn dùng bữa, ông chỉ còn một chỗ trống duy nhất đó là nhà bếp. Vì thế, nàng J.Roque khuyên ông nên tu sửa lại sân thượng để có thêm chỗ trong nhà.
Sức sáng tạo, khả năng làm việc của Picasso thật phi thường. Tùy theo ngày, ông vẽ đầy một tập giấy vẽ, họa hai bức tranh có cạnh mỗi bức 3 mét, hoặc vẽ thể nghiệm khoảng nửa tá tranh để nghiên cứu một cách biểu hiện mới.
Bỗng một dạo nọ, mùa xuân mang tặng Picasso những cảm hứng lạ lùng, ông quăng lọ sơn, lao vào chạm khắc. Picasso làm việc ròng rã một tháng trời và kết quả là đã khắc xong 50 bản in bằng đầu bút nhọn, bằng chất cường toan hoặc tiêu toan. Ông sáng tác nhiều bản trong một ngày, sau đó, nếu không hài lòng, ông tự tay dùng sắt bào sửa lại, y như một tay thợ nguội lành nghề, Picasso cho người mang những bản khắc này đến xưởng nhà của Aldo Gommelynck, nhưng ông muốn xem ngay tức khắc những bản đã chạy thử chưa ráo mực in, vì thế nhà ông hôm đó bận rộn cho đến sáng.
Picasso không xem thường phương pháp nào hay chú trọng quan điểm nào. Ông luôn đi tìm cái mới. Picasso dấn thân vào ngành kỹ nghệ khắc trên vải sơn mà ngày xưa chỉ dùng cho giới học trò, một ngành đang xuống dốc trầm trọng. Picasso đã giúp nó trỗi dậy, lấy lại phong độ của thời hoàng kim. Ông khắc lên vải để in thành nhiều màu gấp sáu lần trước đó.
Sự thành công này được các chuyên gia ngành khắc đánh giá là một sự kiện sáng tạo nghệ thuật lạ lùng. Đúng như nhà văn La Mã Marcus Tullius Cicero đã nói: "Những sản phẩm vĩ đại đều kết tinh từ cảm hứng thần thánh".
Picasso kỳ vĩ như vậy là nhờ khát vọng vươn lên phía trước, mục đích cuộc sống của ông là ngôi sao dẫn đường, từng bước đưa ông đến đỉnh vinh quang, Picasso là một trong những người hạnh phúc nhất vì ông đã nung nấu một lý tưởng lớn lao và đấu tranh cho lý tưởng đó với tất cả tài năng và trí tuệ của mình.
Picasso sinh ra trong một gia đình trưởng giả, đáng lẽ ra ông rất bảo hoàng. Đến 55 tuổi, ông vẫn chưa nhúng tay vào chính trị. Nhưng vào năm 1936, sau chuyến oanh tạc Guernica, Picasso nghiêng về phía cộng hòa. Sau đó lúc 63 tuổi, năm 1944, ông gia nhập đảng cộng sản.
Đường lối chính trị trong con đường nghệ sĩ của Picasso rất phức tạp, mâu thuẫn nhau ngay trong nhận thức xã hội. Nhưng chính trị luôn luôn là cái gì râu ria, nằm bên ngoài cứu cánh của đời ông.
Về già, Picasso càng "bế môn tỏa cảng" hơn. Ngôi biệt thự sang trọng khác, Notre Dame de Vie, được gìn giữ bằng hàng rào kẽm gai, những hào sâu và lúc nào cũng có người canh gác. Khách muốn gặp ông, phải dừng ở cổng ra vào, dùng máy Interphone tự giới thiệu. Căn nhà y như một pháo đài. Từ người giữ cửa, tài xế, những người đàn bà phụ giúp trong nhà cho đến J.Roque đều là những người hộ vệ tích cực mỗi khi không có Paulo ở nhà.
Picasso ít tiếp xúc với người lạ, nhưng những khi người nào may mắn gặp ông trên đường phố đều công nhận rằng nhà triệu phú ẩn dật kia vẫn chưa quên quá khứ nghèo nàn của mình cách nay non nửa thế kỷ, thời gian đầu sống như con chó ốm ở thành phố Paris, nước Pháp.
Picasso rất giản dị. Nếu đến dùng cơm ở nhà hàng, hôm nào làm bẩn tay, ông sẽ xuống bếp rửa trước khi dùng khăn lau chén. Đến dự triển lãm, ông vẫn mặc quần cụt áo ngắn và đội nón rộng vành. Có lẽ ông nghĩ rằng "là nghệ sĩ thì phải lên cao nhất về mặt trí tuệ, nhưng con người thì nên ở trong bóng tối".
Một hôm, lúc từ nhà ông nha sĩ quen đi ra, Picasso vấp phải một tay nhà báo địa phương, từ lâu ông ta vẫn hằng mong ước được lên Mougins. Lần này, nhìn gương mặt chờ đợi thấp thỏm của anh ta, Picasso cảm động và mời ông ta về nhà mình.
Vừa đặt chân vào xưỡng vẽ, anh nhà báo sung sướng nói:
- Thưa họa sư, sự tiếp xúc và thăm xưởng vẽ của ngài là một món quà sinh nhật đẹp nhất, năm tôi 70 tuổi.
Nhà danh họa tỏ ý kinh ngạc:
-A, hôm nay là ngày sinh nhật của ông à? Thế người ta đã tặng ông những gì chưa, ông lấy đỡ hai bức họa này đi, quà của tôi đây.
Tranh của Picasso bị "copie" rất nhiều. Nhưng vị cha đẻ của trường phái lập thể không hề muốn tố giác các kẻ gian kia vì ông sợ rằng "Phải đối đầu với những bạn đồng nghiệp của mình".
Trong lần sinh nhật thứ 83, Picasso cao hứng nói với bạn bè:
- Chỉ có tình yêu mới đáng kể.
Bạn bè cũng không ai ngạc nhiên gì câu nói đó. Bởi vì bản chất tâm hồn nghệ sĩ ắt phải vậy. Ngoài ra, cụ già họa sư đó còn sức khỏe cường tráng của một chàng thanh niên kia mà. Ông vẫn còn đủ sức bơi như một con kình ngư trên bể Cáp d’Antibes và nhảy đầm "over night" không ngừng nghỉ.
Cảnh sát đã có lần phải can thiệp một buổi dạ vũ quá ồn ào tại nhà Picasso, lúc đó đã ba giờ sáng.
Ngày hôm sau, nhà danh họa không được vui, tỏ vẻ mệt mỏi và than đau. Giới thân cận với Picasso thừa biết đó là "cơn bệnh ngoại giao" để thoát khỏi sự rầy rà với những người bảo vệ an ninh, trật tự xã hội, Họ biết Picasso đôi khi vướng phải vài trận đau dạ dày đột xuất, một cơn sưng phổi, vài lần nhức đầu … nhưng mười lăm năm gần đây ông không hề bệnh tật, vẫn yêu đương cuồng nhiệt, làm việc như bò mộng đấu trường.
Mãi đến chín năm sau, ngày 8 tháng 4 năm 1973, Picasso lại than đau, nhưng không phải do "ngoại giao" nữa, ông đã giã từ vợ thân yêu, giã từ con cái, bạn bè, giã từ thành phố Mougins đã nuôi dưỡng ông những năm cuối đời, giã từ hội họa và những người yêu mến tài năng của ông, Picasso qua đời hưởng thọ 92 tuổi.
Ông đã sống trọn vẹn, trung thực với tình yêu. Những người đàn bà đi qua đời ông, tên tuổi họ gắn liền với Picasso mãi mãi. Các tác phẩm bất hủ của ông đã đóng góp những giá trị to lớn cho nền nghệ thuật tạo hình của nhân loại.
(*): Bài này trích từ YEUVIETNAM.COM, Bản của tác giả gửi.
       Vương Trung Hiếu
Theo http://www.vanchuongviet.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cô nhỏ Trúc quan âm

Cô nhỏ Trúc quan âm Cách nhà tôi nửa cây số, về phía trái, là một trường tiểu học. Cách trường tiểu học này chừng trăm thước lại có trường...