Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Tết sắp đến, chợt nhớ ra hoa đào, hoa mai, và ngàn hoa đua sắc
của ba miền. Hoa trong blog này ít quá, dù các người đẹp như hoa không thiếu. Để
có không khí sắp đón xuân, mong các bạn đóng góp những bài về hoa.
1. Không thể không nhớ tới câu thơ cổ của thi sĩ thời Đường bởi
không thể không ngây ngất khi ngắm cả một vườn đào Nhật Tân trong ánh nắng những
ngày giáp Tết đầu xuân Sài Gòn. Trời Sài Gòn những ngày này thật lạ, sáng
mù sương se se, chiều xuống gió heo heo, đêm về không khí như được ướp đá mát lạnh,
chỉ có chút nắng giữa trưa. Hình như Sài Gòn được chia cái rìa vươn dài
xuống phương Nam từ những cơn gió mùa đông bắc rét đậm của Miền Bắc, hay là cái
khí lạnh đã theo những cây hoa đào “hành phương Nam”, để giữ cho vẻ đẹp của đào
không bị nắng Sài Gòn làm “rám” cánh đào. Những cây Bích Đào, cánh hoa tròn
xinh, sắc thắm cứ rực lên lồ lộ quyến rũ, những cành Đào phai cánh mỏng trong
suốt, nõn nà, ửng hồng, e ấp hoang ảo. Và trên đất Sài Gòn, giữa nắng gió phương
Nam, đào Nhật Tân- Hà Nội như nàng tiên nữ đẹp phiêu dật trong muôn hoa xuân
phương Nam.
2. Có lẽ cành đào đầu tiên vào phương Nam là cành đào của
làng hoa Ngọc Hà được Vua Quang Trung- Nguyễn Huệ sau khi đánh tan 20 vạn quân
Thanh, giải phóng Kinh thành Thăng Long, vào ngày mùng 5 Tết, gửi vào Phú Xuân
tặng Công chúa Ngọc Hân báo tin chiến thắng. Và kể từ mùa xuân đầu tiên đất nước
Việt Nam thống nhất, Nam- Bắc sum họp một nhà tháng 4.1975,những cành đào Nhật
Tân- Hà Nội đã xuôi đường thiên lý Bắc- Nam, qua sông, băng đèo, vượt núi , vào
phương Nam góp sắc màu xuân “ánh hồng” tuyệt đẹp.Đào như một nhan sắc mong manh
sương khói diễm lệ, như một vẻ đẹp vừa quyến rũ vừa hư ảo,khiến người ngắm hoa
như lạc vào một cõi mơ mộng đắm say liêu trai.
Và có lẽ thế mà Đào lúc nào cũng được nâng niu, ưu tiên ở một
góc đẹp nhất trong khu chợ hoa hay khu trưng bày cây cảnh trong công viên, có
nhiều bóng cây che phủ không cho ánh nắng táp xuống, lại được bao bọc xung
quanh nhiều cây nước đá phả hơi mát làm dịu cái nóng, để Đào như vẫn được tắm
trong gió lạnh phương Bắc, mà yên tâm phô diễn sắc đẹp cho người Sài Gòn ngắm
nhìn.
Người Sài Gòn cũng rất biết cách thưởng thức Đào, dù đã quen
với hoa mai. Họ không khác với người Hà Nội gốc khi chọn cho mình những cây đào
thế, với nhiều dáng vẻ rất đẹp: Long giáng, Phượng vũ, Bạt phong, Song thụ,
Huynh đệ đồng khoa, Mẫu tử, Tráng sĩ tung hoành, Trực xiên, Tam đa, Ngũ phúc, Độc
hành, Túy ông, Thượng mã, Giai nhân… Còn đào cành, thì luôn chọn những cành đào
có dáng thế tròn, cành nhỏ quấn quýt tụ hội, như một sự tròn đầy viên mãn, hay
có dáng vươn cao như một sự phát đạt thăng tiến…còn hoa cũng là sự kén chọn khá
tỉ mỉ. Nụ phải đầy mập mạp, có chấm hồng sẫm với bích đào,hay phớt hồng với đào
phai, các nụ phải gần sát nhau, không cách xa rời rạc, nụ cũng phải có đủ 3 tầng,
từ nụ già, nụ tơ đến nụ mầm để hoa nở liên tục trong 3 ngày Tết, và hoa không bị
thưa thớt.
3. Nơi sảnh đón làm thủ tục nhập cảnh cho Việt Kiều về quê ăn
Tết dân tộc ở sân bay Tân Sơn Nhất, ngoài những trang trí đặc trưng của ngày Tết,
lúc nào cũng có 2 cây mai vàng- đào bích đứng sóng đôi, tượng trưng cho Bắc-
Nam thống nhất, sum họp một nhà. Cây đào bích có dáng thế của cánh chim đang
bay,Việt Nam đang trong vận hội mới để phát triển và hội nhập, hoa nở rất đẹp.
Tôi đã chứng kiến rất nhiều người khi đi ngang qua đã cố dừng bước ngắm hoa với
nhiều ánh mắt chứa đựng không chỉ là trầm trồ vẻ đẹp của hoa mà như ẩn dấu những
kỷ niệm xa xưa đầy tâm trạng.Một thiếu phụ có tên Hoa Xuân, Việt Kiều Úc, đứng tần
ngần, chùng chình bên cây hoa đào, ngượng ngịu khi được hỏi thăm:” hoa đẹp
quá,đã lâu lắm tôi mới được thấy tận mắt một cây đào Hà Nội thật sự. Cách đây
hơn 30 năm, tôi cũng đã một lần được thấy khi còn nhỏ, trong Hội Hoa xuân năm đầu
tiên đất nước thống nhất, ở trước cửa Dinh Độc Lập.Vâng, bên Úc cũng có hoa
đào, nhưng nhập của Nhật hay nước nào đó, không đẹp và không thân thuộc như đào
Hà Nội”.
Một lần khác, tôi thấy có cụ bà trong chuyến bay từ Pháp về,
cụ cũng đứng rất lâu bên cây hoa đào, nói gì đó một mình. Tôi lại gần, xem cụ
có cần giúp đỡ, thì thấy cụ lúng túng nói bằng thứ ngôn ngữ rất lạ,tôi hỏi lại
cụ bằng tiếng Việt, cụ lắc, hỏi tiếng Anh cụ cũng lắc, chuyển qua hỏi tiếng
Pháp, cụ mới chậm rãi nói:” Tôi người Việt, nhưng là dân tộc H’Mông,tên ngày bé
của tôi là Mỹ, quê tôi xa lắm, trên miền núi cao ở Sapa, xa quê lâu lắm không
còn nhớ gì hết, chỉ nhớ màu hoa đào khi xuân về, nhà tôi khi xưa trước cửa có
trồng một cây đào, nó bằng tuổi tôi, không biết bây giờ còn không. Nhìn cây đào
này, ký ức đang dần trở về trong tôi…”
Và không hiếm khi chứng kiến cảnh các em bé người Việt, chỉ
trỏ hai cây hoa mai- đào, líu lo ngọng ngịu thứ tiếng Việt không dấu, và đến
bên cây đào vuốt ve cánh hoa trìu mến, lạ lẫm trong sự thích thú. Không ít lần
thấy những ông- bà già đứng lặng trước cây hoa đào, lén lau một giọt nước mắt,
cả một thời thanh xuân của họ có lẽ ùa về cùng lúc khi nhìn thấy màu hoa đào của
hòai niệm.
4. Không biết bắt đầu từ mùa xuân nào, sắc hồng của hoa đào
Hà Nội đã có trong các trang trí xuân của Sài Gòn, đào luôn sánh vai bên mai
vàng phương Nam như một đôi tình nhân mùa xuân không tách rời.Và cũng như một sự
đón đợi bí ẩn của những người yêu hoa ở phương Nam, ai cũng háo hức chờ những
cành đào đầu tiên vào Sài Gòn như chờ một người tình. Sắc hồng của hoa đào như
một sự quyến rũ mê hoặc trong nắng phương Nam, làm cho những người dù tính cách
có mạnh mẽ đến thế nào mà nhìn những nụ đào hàm tiếu, những cánh đào mềm mại,mong
manh, hồng tươi,cũng dịu lòng.
Vườn hoa Tao Đàn, Hội Hoa xuân, đường hoa Nguyễn Huệ, các
công viên lớn nhỏ trong thành phố …, đào Nhật Tân- Hà Nội như nàng tiên thướt
tha, đẹp thanh thoát giữa muôn ngàn lòai khoe sắc vườn xuân, những dáng
thế đào cổ thụ tạo một phong thái Thăng Long- Hà Nội ngàn năm, như mang cả thần
thái thanh lịch, tinh tế, vẻ đẹp cổ xưa của kinh thành vào phương Nam, cho người
Sài Gòn như đắm như say. Và cả con đường hoa Nguyễn Huệ, như duyên dáng hơn
trong sự điểm xuyết của những cây đào được mang một cách kỳ công từ Hà Nội vào.
Những cây đào cổ kính mang vẻ đẹp như một câu chuyện thần thoại cổ tích xưa đứng
trước những tòa nhà cao tầng lộng lẫy trên đường hoa như một sự tương phản thú
vị,giống một sắp đặt nghệ thuật giữa màu sắc và hình khối, giữa vẻ đẹp thần
tiên của tự nhiên với sáng tạo của con người, tô điểm thêm sắc thái cho một
xuân phương Nam nhiều phong vị hấp dẫn.
Nhiều công viên trong thành phố, cũng bị hấp lực của sắc hồng
hoa đào, nên không còn lạ, khi chen vào màu vàng rực rỡ của hoa mai như làm nền,
là những cây đào Hà Nội e lệ trong màu hồng, để những thiếu nữ Sài Gòn khi đứng
bên hoa đã làm nhiều đôi mắt nam nhân ngẩn ngơ, hoa và người “nhân diện đào hoa
tương ánh hồng”, một bức tranh mùa xuân thấm đẫm chất thơ.
5. Sài Gòn, phương Nam, đang vào Xuân, các con đường ngập hoa
và sắc màu mùa Xuân. Trong cái gió nắng, trong hương xuân tràn trên phố, hoa
đào Hà Nội không chỉ là làm đẹp sắc xuân phương Nam mà như một biểu tượng “ngàn
năm thương nhớ đất Thăng Long” của người Sài Gòn, người phương
Nam hướng về 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.
Hoài Hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét