Thứ Năm, 12 tháng 4, 2018

Thử đi tìm thời gian sáng tác và xuất xứ của bài ca dao

Thử đi tìm thời gian sáng tác 
và xuất xứ của bài ca dao
Bài ca dao “Mười quả trứng” nằm trong chương trình Văn học (Những câu hát than thân), được giảng dạy ở bậc Phổ thông Trung học, là một trong những bài ca dao hay nhất của văn học dân gian nói về đức tính cần cù chịu thương chịu khó của người nông dân Việt Nam xưa. Đã có hàng trăm sáng tác phân tích nội dung, nghệ thuật và nhiều khía cạnh khác nhau về tác phẩm, tuy nhiên trong bài viết này người viết muốn đi tìm nguồn gốc xuất xứ của bài ca dao cũng như xác định tương đối khoảng thời gian bài ca dao ra đời.
Bài ca dao “Mười quả trứng” được in trong sách giáo khoa năm 1992 và 2000 như sau:
Tháng giêng, tháng hai,
Tháng ba, tháng bốn,
Tháng khốn, tháng nạn
Đi vay đi dạm
Được một quan tiền
Ra chợ Kẻ Diên
Mua con gà mái
Về nuôi hắn đẻ ra mười trứng
Một trứng: ung
Hai trứng: ung
Ba trứng: ung
Bốn trứng: ung
Năm trứng: ung
Sáu trứng: ung
Bảy trứng: ung
Còn ba trứng nở ra ba con:
Con: diều tha
Con: quạ bắt
Con: mặt cắt xơi
Chớ than phận khó ai ơi
Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây.
Rất dễ tìm trong tài liệu, sách vở ghi xuất xứ bài ca dao này là ca dao Trung bộ, ca dao Bình Trị Thiên, hoặc gần hơn là ca dao Quảng Trị. Nhận định trên có lẽ không có gì bàn cãi về tính xác thực, nhưng việc xếp loại này được quy tập với một không gian quá rộng, trong khi bài ca dao gắn liền một địa danh tương đối đặc biệt đó là chợ Kẻ Diên. Trong một số bài viết gần đây sau khi phân tích về vị trí địa lý và căn cứ vào việc sử dụng ngôn ngữ địa phương, nhiều tác giả đã cho rằng bài ca dao trên xuất phát từ cụm Ô Lâu vùng nam Hải Lăng. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể đi tìm chứng cứ để khoanh vùng nơi xuất xứ tác phẩm này một cách khu trú hơn.
Đi tìm các địa danh cổ tại nam Hải Lăng chúng ta bắt gặp rất nhiều làng có tên Kẻ, như làng Kẻ Đôộc (Phước Tích), Kẻ Né (Mỹ Xuyên), Kẻ Gùn (Siêu Quần), Kẻ Đâu (Trường Sanh), Kẻ Vịnh (Hưng Nhơn), Kẻ Văn (Văn Quỹ), Kẻ Lạng (Lương Điền) và Kẻ Diên (Diên Sanh).
Chợ Kẻ Diên hay còn gọi Cấy Diên, Duyên Sinh hay Diên Sanh, nay thuộc xã Hải Thọ, là một chợ tồn tại khá lâu tại vùng đất Hải Lăng, chợ này có tên trong “Ô châu cận lục” của Dương Văn An, được nhắc đến trong “Đại Nam nhất thống chí” và cả trong “Đồng Khánh địa dư chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, chợ nằm trên trục đường thiên lý Bắc Nam và là trung tâm của huyện lỵ Hải Lăng.
Vậy bài ca dao trên có phải xuất xứ từ làng Diên Sanh không? Căn cứ vào ngôn ngữ địa phương được thể hiện trong bài ca dao, ta dễ dàng nhận định là không thể, vì người Quảng Trị có cách dùng từ rất đặc biệt, khi đi chợ tại quê mình người ta chỉ gọi đi chợ và không gọi tên chợ, còn đi chợ ở địa phương khác, ngoài gọi tên chợ còn có thêm từ định hướng kèm theo như: ra chợ, vô chợ, lên chợ, xuống chợ hoặc qua chợ (nếu chợ đó cách nơi ở một con sông). Qua tra cứu các dị bản của bài ca dao chúng ta nhận thấy có một số từ thay đổi, đây là một trong những tính chất đặc trưng của dòng văn học truyền khẩu, tuy nhiên cụm từ “Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái” là không có dị bản. Vì vậy chiếu theo cách gọi của người dân Quảng Trị ta dễ nhận thấy rằng “ra chợ Kẻ Diên” chỉ có thể là các địa phương nằm ở phía Nam của Diên Sanh (Hải Thọ) theo trục đường Thiên lý như: xã Hải Trường, Hải Sơn, Hải Chánh (Quảng Trị)… Phong Hòa (Thừa Thiên). Các địa phương còn lại để đến với chợ Kẻ Diên phải dùng các từ định hướng khác như: xuống chợ gồm các làng thuộc xã Hải Thượng, Hải Lâm; lên chợ gồm các xã Hải Thành, Hải Hòa, Hải Khê, Hải Dương, Hải Ba; vô chợ gồm những làng của các xã Hải Quy, Hải Xuân, Hải Thiện.
Về phía Nam của chợ Diên Sanh, tại thời điểm này có các chợ Ưu Điềm, Mỹ Chánh và chợ Lương Điền (Kẻ Lạng), chợ Mỹ Chánh và chợ Ưu Điềm là hai chợ lớn, cùng nằm ở bờ Nam của sông Ô Lâu, vì vậy việc người dân ở các làng thuộc xã Phong Hòa (Thừa Thiên) và các làng thuộc xã Hải Chánh (Quảng Trị) bỏ chợ Ưu Điềm, Mỹ Chánh để đi chợ Kẻ Diên là không thực tế, vừa xa xôi vừa cách trở đò giang, cũng cần nói thêm đây là món hàng mà hai chợ này luôn sẵn có. Nói về chợ Kẻ Lạng, tuy không sầm uất như chợ Kẻ Diên nhưng cũng là chợ khá lớn, chợ đông vào buổi chiều nên còn gọi là chợ Hôm Lạng, tại đây có bến đò Hôm Lạng, thông thương đường thủy qua làng Mỹ Xuyên (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế), vì vậy người dân tại vùng này khó có thể bỏ qua chợ mình để lội bộ gần mười cây số đến chợ khác chỉ để mua con gà mái. Một số làng thuộc xã Hải Tân như Hà Lỗ, Câu Nhi, Văn Quỹ (hướng Đông - Nam) cũng có thể dùng từ “ra chợ Kẻ Diên”, tuy nhiên muốn đến chợ phải qua sông Ô Giang và khi đã chấp nhận đi theo đường thủy thì chợ Hôm Lạng, Ưu Điềm có khoảng cách gần và tiện lợi hơn rất nhiều.
Địa danh còn lại là làng Trường Sanh của xã Hải Trường, cùng thời điểm tồn tại chợ Kẻ Diên, làng Trường Sanh cũng có một ngôi chợ nhỏ gọi là chợ Quán, chợ tọa lạc tại xóm Quán thôn Mỵ (Mỵ Trường), chợ này ra đời sớm hơn các chợ khác trong vùng, tuy nhiên do yếu tố địa lý và giao thông không thuận lợi chợ Quán dần dần thu hẹp và chỉ tồn tại một vài quán nhỏ bán gia vị, bánh trái, nông sản, rau củ…, muốn có những thứ hàng hóa khác người dân thường phải ra chợ Kẻ Diên hoặc vô chợ Hôm Lạng hay qua chợ Mỹ Chánh để mua sắm.
Sau khi điểm qua lộ trình giao thương của một số địa phương nằm ở phía Nam Hải Lăng, ta thấy xuất xứ của bài ca dao “Mười quả trứng” được khu trú cao nhất vẫn là các vùng dân cư của các làng thuộc xã Hải Trường.
Để xác định thời điểm ra đời của bài ca dao cũng là vấn đề tương đối khó, nhưng không phải không tìm được, chúng ta có thể lần tìm dựa vào giá cả được thể hiện trong bài ca dao. Trước tiên ta thử tìm hiểu về chủng loại và giá trị tiền tệ cổ qua từng thời kỳ để dễ dàng minh họa rõ nét về thời điểm ra đời của chúng.
Từ thời Bắc thuộc, nước ta dùng các loại tiền của Trung Quốc, đến năm 968, sau khi dẹp loạn Mười hai Sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, niên hiệu Thái Bình và năm 970 cho đúc tiền Thái Bình Hưng Bảo, mở đầu kỷ nguyên tiền tệ Đại Việt, các thời đại sau tiếp tục đúc tiền theo hình thức như vậy.
Đơn vị để tính tiền gồm: quan, tiền và đồng (tức trự tiền, là đơn vị nhỏ nhất). Mỗi quan gồm mười tiền, mỗi tiền gồm bao nhiêu đồng thì tùy theo sự quy định của từng thời đại. Năm 1225, Trần Thái Tông có chế định dùng tiền: giao thương mua bán trong nhân dân mỗi tiền là 69 đồng thường gọi là tiền bớt, khi nộp lên các cơ quan công đường 1 tiền ăn 70 đồng. Năm 1428, tiền Thuận Thiên do triều Lê Thái Tổ đúc: tính 50 đồng là một tiền. Năm 1439, dưới triều Lê Thái Tông: định 60 đồng làm 1 tiền. Quy định 1 quan gồm 600 đồng, ổn định mãi cho đến khi nhà Nguyễn chấm dứt năm 1945.
Tuy vậy, khoảng cuối thế kỷ XVIII lại xuất hiện thêm một hình thức tiền đặc biệt đó là tiền quý (cổ tiền) và tiền gián (sử tiền): mỗi quan tiền quý ăn 600 đồng như cũ, nhưng mỗi quan tiền gián chỉ ăn 360 đồng.
Do xuất hiện hình thức tiền gián này ta mới có thể tạm thời giải thích được giá cả trong bài ca dao trên, cho dù thời điểm đi mua gà là thời điểm khó khăn nhất trong năm, nhưng cũng không vì thế mà phải bỏ ra một quan tiền chỉ để mua một con gà mái, vì vậy có thể đây là một quan tiền gián. Chúng ta tạm dẫn một bài ca dao “Đi chợ tính tiền” khác để tham khảo thời giá một số hàng hóa thông thường, trong đó có giá gà:
Một quan tiền tốt mang đi
Nàng mua những gì mà tính chẳng ra?
Thoạt tiên mua ba tiền gà,
Tiền rưỡi gạo nếp với ba đồng trầu.
Trở lại mua sáu đồng cau,
Tiền rưỡi miếng thịt, giá rau mười đồng.
Có gì mà tính chẳng thông,
Tiền rưỡi gạo tẻ, sáu đồng chè tươi.
Ba mươi đồng rượu chàng ơi,
Ba mươi đồng mật, hai mươi đồng vàng
Hai chén nước mắm rõ ràng,
Hai bảy mười bốn kẻo chàng hồ nghi.
Hăm mốt đồng đậu nấu chè,
Mười đồng nải chuối, chẵn thì một quan! 
Việc dùng một quan tiền tốt từ câu đầu đã cho chúng ta biết bài ca dao này cũng ra đời vào thế kỷ XVIII, vì như trên đã nói việc sử dụng tiền tốt (tiền quý) và tiền gián chỉ xuất hiện trong thời gian này. Chính vì lẽ đó đã có giai thoại văn chương về chuyện mượn tiền của thi sĩ Hồ xuân Hương với Chiêu Hổ, thay vì mượn năm quan tiền quý (3.000 đồng), Chiêu Hổ cho mượn năm quan tiền gián (1.800 đồng) nên nữ thi sĩ mới có bài thơ trách cứ:
Sao nói rằng năm lại có ba?
Trách người quân tử hẹn sai ra.
Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt.
Nhớ hái cho xin nắm lá đa!
Và được Chiêu Hổ đùa cợt đáp lại:
Rằng gián thì năm, quý có ba!
Bởi người thục nữ tính không ra.
Ừ rồi thong thả lên chơi nguyệt.
Cho cả cành đa lẫn củ đa.
(Theo sử liệu Hồ Xuân Hương sinh năm 1772 và mất năm 1822)
Vì vậy một quan tiền trong bài ca dao “Mười quả trứng” phải là một quan tiền gián chứ không thể là một quan tiền tốt được, với một quan tiền gián (360 đồng) thì giá cũng đã gấp đôi giá mua gà trong bài “Đi chợ tính tiền” Thoạt tiên mua ba tiền gà (180 đồng), chỉ một điều khác nhau là gà trong bài “Đi chợ tính tiền” là gà trống còn gà trong bài “Mười quả trứng” là gà mái. (Để biết được gà trong bài “Đi chợ tính tiền” là gà trống cũng hết sức đơn giản, chỉ căn cứ vào các món hàng trong bài ca dao ta biết rằng đây là thực đơn dành cho một lễ cúng, tất nhiên là lễ cúng không thể dùng gà mái được!).
Chúng ta thử điểm qua giá trị tiền tệ giai đoạn từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Như trên đã nói, lúc này một quan vẫn ăn sáu trăm đồng, tuy nhiên đồng tiền ở thời điểm này rất có giá trị, nhất là giai đoạn Pháp thuộc. Trong tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, đoạn kể về cảnh chị Dậu đến nhà vợ chồng Nghị Quế năn nỉ bán một đứa con lên bảy tuổi (cái Tý) và một ổ chó (một chó mẹ và bốn chó con) giá chỉ hai đồng để đóng tiền sưu cho ông chú đã mất. Cho dù trong cuộc mua bán phía chị Dậu đã bị ép giá, nhưng việc chỉ thiếu hai đồng anh Dậu phải mất một buổi sáng đến gõ cửa rất nhiều nơi vẫn không vay được đành phải tính đến chuyện bán con, chứng tỏ đồng tiền thời điểm này có giá đến dường nào (một con gà mái trong bài ca dao có giá gấp 300 lần một đứa bé và một ổ chó). Để có lộ phí cho chồng đi thi Trạng nguyên, một bà vợ phải chắt chiu nhiều tháng trời mới có một quan tiền: “Một quan là sáu trăm đồng/ Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi/ Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy/ Hai bên có lính hầu đi dẹp đường” (Bài thơ Thời Trước - Nguyễn Bính). Với sự chênh lệch giá cả trên, khó có thể bài ca dao “Mười quả trứng” lại rơi vào khoảng thời gian này.
Từ các cứ liệu trên chúng ta có thể ước chừng bài ca dao này ra đời khoảng cuối thế kỷ XVIII.
Việc đi tìm nguồn gốc xuất xứ và thời gian ra đời một tác phẩm văn học dân gian là điều không mấy dễ dàng, sẽ không tránh khỏi những thiếu sót về mặt chủ quan trong khi các yếu tố chứng cứ thường không đủ vững chắc, tuy nhiên cho dù bài ca dao được ra đời ở vào thời điểm nào và vùng miền nào của Hải Lăng cũng là niềm tự hào chung đối với người Quảng Trị. Điều đó cũng không hề giảm đi giá trị thẩm mỹ, tính nhân văn của một giai phẩm đã đi vào cuộc sống, tình cảm của người dân Việt Nam.
Khê Giang
Theo http://www.tapchicuaviet.com.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  NSND Lê Huy Quang: Phải biết thua người khác! 24 Tháng Tám, 2023 Thiết kế mỹ thuật sân khấu có vai trò quan trọng góp phần làm nên thà...