Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2019

Lời từ biệt cuối mùa thu: Cả yêu thương, cả tủi hờn buồn giận, em ùa vào, em trút xuống mùa thu

Lời từ biệt cuối mùa thu: 
Cả yêu thương, cả tủi hờn buồn giận, 
em ùa vào, em trút xuống mùa thu
Đang là tháng Mười. Chất Thu đã mướt đẫm cỏ cây hoa lá đất trời. Dáng Thu đã đậm đầy mỗi bước chân đong đưa trên hè phố, hương Thu đã lướt thoảng trong từng hơi thở. Đã thấy nắng Thu lung linh, rạng ngời trong mắt, gió Thu đùa vui với tóc, mưa Thu mướt mát trên những lối đi quanh co, những khóm hoa dại, những hàng cây lá chợt khơi vàng…
Đằm sâu trong mùa thu Hà Nội đã nhiều năm rồi mà sao chiều nay lòng ta vẫn thấy rưng rưng khi nhặt một cánh lá vàng rơi, thoáng thấy màu tê tái hiện lên ở đằng sau sắc vàng còn đang tươi mới. Sao vẫn thấy bối rối khi chợt nghe tiếng hát cất lên từ đâu đó: “Tháng Tám, mùa thu, lá khởi vàng chưa nhỉ? Từ độ người đi thương nhớ âm thầm. Có phải em là mùa thu Hà Nội”…
Có phải em mùa thu Hà Nội…
Ta không phải là mùa thu Hà Nội trong bài hát này nên chắc chẳng cần phải chờ đến nghìn năm sau mới níu bóng quay về. Nhưng ta đã và đang được sống trong mùa thu Hà Nội, được tận hưởng hơi thở của mùa thu, đã biết được rằng mùa thu Hà Nội thật dài, thật sâu, thật da diết và thật đắm đuối. Vì rằng, nó không giống như những điều mà tôi đã được học từ bé về thời tiết bốn mùa ở Việt Nam.
Ở Hà Nội, đâu phải một năm chỉ có bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Mùa gì, và bao nhiêu mùa, là tùy theo từng người cảm nhận thôi. Giống như bác Trần Tiến ấy. Khi hát về “Giấc mơ Cha-pi”, bác ý cứ khăng khăng rằng: ở trên ngọn núi cao kia, là không có mùa đông, không có mùa nắng, mùa mưa gì hết…; là chỉ có một mùa thôi - Đó là mùa… yêu nhau.
Ở Hà Nội, mùa là đi theo tháng năm, đi theo cảm xúc. Nào là Hà Nội mùa chim làm tổ, mùa nhớ, mùa yêu. Nào là Hà Nội của mùa lá rụng, mùa hoa sen, mùa cúc họa mi, mùa hoa loa kèn, mùa hoa sữa, mùa hoa bằng lăng… Các mùa cứ miên man miên man nối nhau đi vào tâm tưởng của mỗi người, cứ đong đầy những kỉ niệm.
Người Hà Nội và những người chỉ có một chút liên quan đã tốn bao nhiêu giấy mực với các mùa này. Họ thường ví mùa thu là mùa lá rụng, là mùa của lá vàng rơi. Mùa thu Hà Nội thật đẹp. Đẹp đến xôn xao. Đẹp đến chênh chao. Các ngôn từ thật hay có thể nói ra, có thể kể đến, cũng là dành để nói về những mùa thu yêu thương, những mùa thu vàng Hà Nội.
Đây nhé, có bài hát với những giai điệu rất hay về mùa thu, nói rằng mùa thu phải là mùa lá rụng: “Mùa Thu vàng tới, là mùa lá vàng rơi. Và lá vàng rơi, khi tình Thu vừa khơi”…
Mùa Thu vàng tới, là mùa lá vàng rơi. 
Và lá vàng rơi, khi tình Thu vừa khơi
Nếu cứ nói mùa lá vàng rơi là mùa Thu tới thì có lẽ Mùa Thu Hà Nội nên được tính thời điểm bắt đầu là từ tháng 4, khi cơn gió xuân bất chợt hát khúc sang Hè. Nói thế, vì tôi thấy cứ đến tháng Tư là lá vàng khơi sắc trên những hàng cây, trên những con phố Hà Nội. Lá vàng trải thảm cho những bước chân đong đưa nắng.
Thật tuyệt khi được cùng Tình yêu của mình ngắm những chiều thu vàng lung linh trên con phố quen hay nghe tiếng mưa rơi trên mái nhà, cửa kính xe ô tô. Cứ thấy nắng dát vàng trên lối Thu đi, cứ thấy mưa mang cái không khí mát lành, là biết rằng Thu đã tới, bất kể đó là ngày hạ hay đêm đông.
Và cứ thế mùa Thu theo ta đến tận tháng 12, thời điểm cuối cùng của một năm. Thời nào, khắc nào, ta cũng bắt gặp tiết Thu về trên đất Hà thành. Riêng có “tháng Giêng bung biêng, tháng Hai ngọt ngào và tháng Ba không ưu tư” là có vẻ như đang cất mùa Thu của ta vào đâu đó.
Đến với mùa Thu Hà Nội, chắc ta không thể bỏ qua cung đường ven Hồ Tây để được thỏa chí tang bồng, đằm mình vào những chiều nắng Thu trong, để thấy bao nhiêu là huyền diệu trong cảnh mùa Thu đến từ nẻo hoàng hôn thần thoại trong bài thơ Chiều thu vàng của nhà thơ Minh Huyền:
Một góc đường thu nắng lao xao
Nắng dịu ngọt ru chiều vào trong mắt
Nắng tơ óng rắc lung linh lên tóc
Nắng khơi vàng sắc lá thu tươi.
Nắng tơ óng rắc lung linh lên tóc. Nắng khơi vàng sắc lá thu tươi.
Không gian pha lê, hư thực, chơi vơi
Chiều tinh khôi soi mắt hồ trong vắt
Nắng dịu dàng duỗi mình trên mặt nước
Sóng vàng, sóng bạc long lanh.
Nắng dịu dàng duỗi mình trên mặt nước. 
Sóng vàng, sóng bạc long lanh.
Em cứ lo… chiều mong manh, nắng tan
Lo mây tím sớm dắt chiều vào tối
Trước diệu kỳ, ta ngồi yên không nói
Chỉ lặng nhìn khung trời thần tiên…
Trước diệu kỳ, ta ngồi yên không nói
Chỉ lặng nhìn khung trời thần tiên…
Trân quý vô cùng phút cuối ngày an nhiên
Ta thảnh thơi ngắm khung trời thần thoại
Bao lo toan buông theo ngày bận mải
Trong diệu huyền…
Thu ngân khúc bình yên…
Nhưng thích hơn cả có lẽ là những chiều được cùng những người bạn thân của mình ngồi ngắm mưa, nghe tiếng thu rơi với những diệu khúc rất riêng. Mưa như buông từ mái hiên, lãng đãng trôi trên cửa kính. Nhìn ai cũng vui hơn mỗi khi thấy mưa, ta luôn có cảm giác bình yên, giống như khi được ngắm nhìn tình yêu của mình thảnh thơi bên ly cà phê vậy.
Như thể mọi cái bụi bặm, nóng bức, nực nội của những ngày qua, đã và đang được cơn mưa mát lành kia gột rửa và trôi đi mất tiêu rồi. Và thế là, như một quy ước giữa con người với thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá, chỉ cần được cùng những người bạn tri kỉ ngắm cảnh đất trời soi mắt nhau những ngày mây gió trong veo lung linh vạt nắng pha lê, hay khi đất trời thỏa thê cơn khát mưa về, thì ta đã cảm thấy vui lắm rồi, lại đầy cảm xúc, lại có thể viết thơ được.
Bình yên trong cảnh Thu mỹ diệu ấy, thành quen, rồi khi xa mùa Thu, thì ai cũng cảm thấy nhớ lắm, thương lắm, yêu lắm, nhiều nhiều lắm lắm…
Mỗi khi ngắm cảnh đất trời giao hòa trong cái lung linh của nắng Thu, trong cái mướt mát của mưa Thu, người ta dễ bị nhiều cảm xúc đưa dắt. Trong tâm trí của những người của không gian xưa, mùa thu không chỉ đẹp êm đềm, đẹp lung linh mà nó còn man mác những nỗi niềm sâu lắng. Nó có thể là bóng dáng một người nào đó, bất ngờ bị một sợi nắng vô tình rớt xuống đời mà ngu ngơ với những nỗi niềm thầm kín; tay cầm sợi nắng làm tin, ngược đường, ngược nắng gió, đi tìm vầng mây hoang dại còn sót lại sau trận bão giông như trong bài thơ “Có một lần” của nhà thơ Thúy Hằng:
“Có một lần mùa thu đi qua
Vô tình rớt vào đời ta giọt nắng
Giọt nồng nàn mà sao xa vắng
Giọt lung linh
giọt của phù hoa.
ó một lần mùa thu đi qua
Vô tình vương vào tâm ta nỗi nhớ
Ta ngẩn ngơ như người mắc nợ
Loay hoay hoài ngồi gỡ
những chênh chao.”

Có một lần mùa thu đi qua. Vô tình vương vào tâm ta nỗi nhớ. 
Ta ngẩn ngơ như người mắc nợ
Nó có thể là một người nào đó, lúc này đây, đang ở xa lắc xa lơ, xa mùa Thu Hà Nội, cũng đang lang thang trong chiều Thu, lòng những mong trở về dòng sông xưa, gỡ lời thề cỏ may và rồi âm thầm tìm một chỗ vắng, để… khóc. Rồi có thể nó cũng là một cô gái nào đấy, cũng đang tấm tức, hớt hải, chạy dọc mùa thu, để tìm người yêu của mình, như cô gái trong bài thơ Không đề của nhà thơ Bùi Thanh Huyền:
“Em chạy dọc mùa thu tìm anh
Chạy tức tưởi, chạy âm thầm trong lá rụng
Cả yêu thương, cả tủi hờn căm giận
Em ùa vào, em trút xuống mùa thu…”
Bao nhiêu là bao dung, thông cảm, xót xa trước những tức tưởi dồn nén của người yêu lắm, thương lắm “mùa thu kiếm tìm” ấy, nhà thơ Hồng Oanh đã góp lời để mùa Thu được bình yên hơn trong bài thơ Lời cũ với Dã Tràng, rằng:
Buông đi em
Những nỗi buồn riêng
Ta xây lại từ những gì mất mát
Lời không mới với dã tràng xe cát
Trong âm vang, hình như biển trở mình”…
Và những lời tâm tình với mùa thu ấy, cứ thế vang xa, cứ thế đong đầy, khiến mùa Thu mỹ diệu trong bài thơ “Nhặt ở vườn Thu” của Hồng Oanh chợt lắm ưu tư, chợt nhiều tâm sự:
“Thu cứ dát vàng vào những miên man
Những khoảng lặng tưởng không còn bão tố
Chỉ bất chợt lòng bời bời lá đổ
Mới bàng hoàng: Mình cũng vào thu!”.
Có lẽ chỉ có những người đang trong tuổi Thu mới thấm thía cái bàng hoàng khi biết rằng mình đang “vào thu”, khi thấy lá thu bời bời rơi rụng. Bởi vì họ đã sống với Thu, đã không chỉ “vào Thu” mà Thu đã “vào mình” từ lâu, lâu lắm rồi.
Tuy nhiên, họ cũng biết rằng, sống trong mùa Thu ngập tràn hạnh phúc và có lúc vương vấn nỗi niềm ưu tư ấy, chỉ cần mình thay đổi tâm thái đi, thì cuộc sống của mình sẽ nhẹ nhàng hơn, thanh thản hơn nhiều lắm. Nhất là với những người đàn bà cứ giấu cả mùa Thu vào mắt… Nhất là với những tâm hồn thơ đang nặng lòng với Mùa Thu Hà Nội.
Dường như mùa thu đang chọn họ, thơ đang chọn họ, để ngay cả lúc họ tĩnh tại bình yên nhất, mùa Thu và thơ vẫn cứ tưng tửng dắt họ đi, để rồi họ lại bung biêng, chênh chao, hết mình với mùa Thu, níu giữ mùa Thu, cho mình, cho tất cả mọi người, cho cả những ngày còn lại trong năm. Họ chính là những người đã lai dắt mùa Thu về với nhau trong nỗi nhớ tơi bời, trong niềm hạnh phúc khó nói thành lời.
Hà Nội mấy ngày nay mưa nhiều, khí lạnh đã se sắt tràn về, đã thấy những dải khăn lụa thoáng bay trong gió. Mùa Thu chắc cũng đã đến lúc phải dợm gót quay đi, nhường chỗ cho những chiều đông gió lạnh luồn vào khoảng trời trống vắng. Nên, đâu riêng một cánh chim trời, đâu riêng một lá vàng rơi, đâu riêng một khoảng đường quen, đâu riêng một ngõ nhỏ thắm màu hoa tím, đâu riêng một mình tôi… đang chênh chao rơi vào tâm trạng nhớ lắm, thương lắm, yêu lắm mùa Thu ơi!.
24/10/2017
Minh Ngọc
Nguồn: Daikynguyenvn.com
Theo https://vn.trangcongnghe.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...