Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2019

Tết Làng bánh tráng, bánh phồng - Nhộn nhịp tiếng chày xuân

Tết Làng bánh tráng, bánh phồng
Nhộn nhịp tiếng chày xuân 
Từ lâu bánh phồng, bánh tráng nghiễm nhiên trở thành món ăn dân dã, đậm đà hương vị quê nhà bên tách trà hàn huyên tâm sự trong mỗi gia đình...
Từ lâu bánh tráng, bánh phồng đã trở thành món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người dân Nam Bộ
Một mùa xuân nữa lại đến; hoa mai, hoa đào đã nở rộ từ khắp muôn nơi; khắp phố phường đâu đâu cũng rộn ràng nhộn nhịp, dường như tất cả đã “thay màu áo mới”.
Mùa xuân chính là thời khắc của đất trời giao thoa - mùa của ấm no sum họp; là thời điểm khiến tâm hồn mỗi chúng ta nao nao khó tả, ai ai cũng hối hả và náo nức đúng không?
Cứ mỗi dịp Xuân về, đồng nghĩa một năm cũ sẽ khép lại và chúng ta sẽ chào đón một năm mới với những dự định mới và ước mơ cho riêng mình. Năm nay, mọi người đã chuẩn bị gì để đón một cái Tết sum vầy bên người thân và gia đình mình? Tết này bạn sẽ làm gì, đi đâu?
Mà dù làm gì, có đi đâu cũng nhớ dành chút thời gian cho gia đình; phải tận hưởng những giây phút bên người thân yêu, bởi đơn giản “Tết là dịp để về” mà. Còn những ai mà chưa biết phải làm gì và đi đâu thì hãy đồng hành cùng Kênh VOV Giao thông trong chương trình “Mekong - Điểm hẹn đầu Xuân”.
Điểm hẹn đầu xuân hôm nay là những trải nghiệm vô cùng thú vị về một vùng đất mà tin chắc rằng khi đến đây, sẽ cảm thấy thích thú. Nơi đây không nổi tiếng với những dãi cát trắng, nắng vàng, không núi non trùng điệp, cũng không có thung lũng tình yêu lãng mạn chiều xuân, mà nơi đây nứt tiếng với những làng nghề truyền thống trăm năm. Điều đặc biệt là cứ hễ tết đến xuân về, tiếng chày quết bánh cứ rộn rã, làm người ta cứ nao nức không thôi….
Vùng đất mà Kênh VOV Giao thông vừa nhắc đến chính là Bến Tre. Và ngày hôm nay trong chương trình “Mekong - Điểm hẹn đầu xuân”, hãy cùng ghé về thăm lại làng bánh tráng, bánh phồng nổi tiếng xứ dừa.
Từ lâu bánh tráng, bánh phồng đã trở thành món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người dân Nam Bộ; chiếc bánh phồng, bánh tráng nghiễm nhiên trở thành món ăn dân dã, đậm đà hương vị quê nhà bên tách trà hàn huyên tâm sự trong mỗi gia đình.
Theo phong tục của người Việt, trên bàn thờ cúng gia tiên những ngày Tết thì các gia đình luôn bày đầy đủ các món ăn, đặc sản để cúng ông bà, thể hiện tấm lòng yêu kính với tổ tiên. Vì thế, những ngày Tết, các làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng ở miền Tây Nam Bộ cũng hối hả, tất bật sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
“Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc”, câu nói ấy dường như đã thể hiện hết sự khéo léo, uy tín của làng nghề làm bánh tráng dừa đặc trưng ở Bến Tre rồi. Nơi đây, hế hệ sau cứ tiếp nối ông cha, làm hưng thịnh cả một làng nghề đã có hơn trăm năm tuổi. Làng nghề hoạt động quanh năm nhưng sôi động nhất có lẽ là vào giai đoạn những ngày giáp Tết.
Cứ vào khoảng cuối tháng 11 âm lịch là những chủ lò tại làng nghề Bến Tre lại tất bật chuẩn bị mọi thứ để sẵn sàng phục vụ cho thị trường Tết cổ truyền. Vậy thì, điểm làm nên sự khác biệt của bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc là gì? Mà khiến ai đã từng một lần thưởng thức cũng phải nhớ mãi!
Hãy cùng tìm hiểu những điều làm nên hương vị đặc trưng riêng của bánh tráng nơi đây, cùng trải nghiệm quy trình làm bánh, cũng như tìm hiểu xem không khí Tết của bà con Miền Tây như thế nào!
Từ tờ mờ sáng PV Kênh VOV Giao thông đã bắt chuyến xe đầu tiên để kịp về Bến Tre đây và giờ này thì đã có mặt tại Huyện Giồng Trôm rồi. Hôm nay, sẽ có một hành trình đầy trải nghiệm trên quê hương xứ dừa. Cách đây khoảng 3 ngày thôi, tại làng nghề làm bánh tráng đâu đâu cũng thấy hình ảnh những vỉ bánh tráng phơi đầy sân rồi.
Trên đường về đây, từ xa xa đã ngửi thấy hương thơm của nước cốt dừa (thơm lắm luôn!) thứ gia vị không thể thiếu trong mỗi chiếc bánh của người dân Nam Bộ, không phải vì nơi đây nhiều dừa mà có lẽ đó là hương vị của sự ngọt ngào, tinh túy ẩn sau tấm lòng nồng hậu, tha thiết của người dân xứ miệt vườn thân thương.
Hầu như, các lò bánh tráng Mỹ Lồng đều tập trung ở ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm. Không phải đợi đến ngày Tết làng Mỹ Lồng mới rộn rã tiếng cối xay gạo, mà từ lâu âm thanh ấy đã là nhịp thở thường nhật của người dân nơi đây nơi. Bánh tráng Mỹ Lồng là đặc sản, niềm tự hào của người dân xứ dừa Bến Tre. Và để chuyến đi của chúng ta thêm thú vị, Kênh VOV Giao thông có mời thêm 1 vị khách rất đặc biệt sẽ cùng đồng hành và hướng dẫn cho chúng ta, anh Nguyễn Hồng Sơn - cán bộ văn hóa Xã Mỹ Thạnh.
Làng nghề bánh tráng tất bật chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán
Lúc này Kênh VOV Giao thông và Anh Sơn đã tới chân cầu Chẹt Sậy rồi, bên kia cầu là những xóm nhỏ bao đời qua chuyên làm nghề bánh tráng, loại bánh tráng nổi tiếng mà người ta quen gọi là bánh tráng Mỹ Lồng. Nhiều thế hệ người Mỹ Lồng suốt một đời tận tụy, truyền bí quyết lại cho con cháu để giữ lấy cái nghề của cha ông. Như anh Sơn có chia sẻ thì những ai quan tâm có thể đi xe khách, xe máy hoặc di xe buýt, thâm chí đi bằng ghe tàu để ghé thăm làng nghề truyền thống này đúng không anh?
Thật thú vị khi đi đến đâu tại xã Mỹ Thạnh cũng thấy cả gia đình đều quây quần làm bánh, trước sân, nhà nào cũng tranh thủ lúc trời có nắng phơi bánh nè, dọc hai bên đường là những phên bánh tráng trải dài thẳng tắp, nối liền nhau từ nhà này sang nhà khác, sang sát nhau, rất đẹp mắt! Ở đây, nhà nhà, bất kể người già, trẻ con, thanh niên đều tham gia, mỗi người một công đoạn để làm bánh. Rồi, bây giờ thì anh em mình sẽ ghé vào một hộ làm bánh tráng để xem năm nay bà con mình sản xuất như thế nào và đón tết ra sao anh nhé.
Có về làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng vào những ngày này mới cảm nhận hết không khí ngày Tết của bà con mình. Đến với làng nghề sản xuất bánh tráng Mỹ Lồng, mọi người không chỉ được thưởng thức hương vị béo thơm của bánh ngay tại lò mà còn thưởng thức âm thanh mùa xuân, ngắm những phên dừa phơi bánh tráng khắp mọi nẻo đường, được hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt của bà con vùng sông nước.
Có thể thấy, để làm một chiếc tránh tráng đúng là không đơn giản tí nào, rất công phu và khéo léo
Tỉ mỉ từ khâu chọn, pha bột và đó mới thật sự là bí quyết làm nên tên tuổi bánh tráng Mỹ Lồng. Theo bà con chia sẻ bí quyết chính là nằm trong phần nước cốt dừa béo ngậy của xứ sở dừa xanh. Đó là sự kết tinh của sự sáng tạo, tài hoa người làm bánh.
Có thể nói, Bến Tre, một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, cây lành trái ngọt quanh năm. Bến Tre đã tạo dựng nên nhiều làng nghề khác nhau Đến với mỗi làng nghề, chúng ta sẽ tìm thấy những giá trị văn hóa truyền thống khác. Qua đó, còn có thể tìm hiểu về lịch sử hình thành, phát triển của làng nghề hàng trăm năm tuổi, được tận mắt chứng kiến những đôi bàn tay điêu luyện tạo nên những sản phẩm mang tính đặc trưng riêng nữa.
Du lịch miệt vườn, sinh thái là loại hình du lịch mang tinh chất đặt trưng của sông nước Bến Tre đấy. Những năm gần đây, có một điểm du lịch mới được giới trẻ đặc biệt yêu thích. Đó là Khu du lịch Lan Vương nằm ở xã Phú Nhuận, thành phố Bến Tre. Đến với Lan Vương, mọi người sẽ được khám phá môi trường sinh thái tự nhiên, dã ngoại, du thuyền trên sông, có cơ hội giao lưu đàn ca tài tử, được thưởng thức các món ăn đặc trưng Nam Bộ độc đáo.
Nếu yêu thích khung cảnh mát mẻ của miền Tây sông nước thì Cồn Phụng cũng là một điểm tham quan lý tưởng mà các bạn không thể bỏ qua trong dịp Tết năm nay đấy. Đây được xem là điểm du lịch sinh thái miệt vườn hấp dẫn nhất Bến Tre mà mọi người nên một lần đặt chân đến khám phá.
Đến với Cồn Phụng, sẽ được ngồi trên thuyền ngắm cảnh sông nước thưởng thức nước dừa ngọt lịm, rong ruổi trên những chiếc xuồng nhỏ, len lỏi qua những con rạch đầy dừa xanh, đi xe ngựa khám phá khung cảnh thôn quê, tham quan cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, kẹo dừa - đặc sản nổi tiếng của Bến Tre.
Thêm một điểm đến vui chơi “cực đã” nữa mà các bạn nên biết chính là khu du lịch Làng Bè An Khánh, Châu Thành. Khu du lịch này gần cầu Rạch Miễu với khung cảnh sông nước hữu tình miền Tây Nam Bộ, gắn liền với nghề nuôi cá bè của dân địa phương.
Đến đây, mọi người sẽ được khám phá nhiều trò chơi thú vị như: đu tàu dừa, đi cầu khỉ, đạp xe thăng bằng qua cầu, đi dây qua sông, tát mương bắt cá. Ngoài ra, một địa điểm không thể bỏ là vườn cây ăn trái Cái Mơn, ở Chợ Lách, du khách sẽ bị cuốn hút trước những vườn chôm chôm chín đỏ, vườn dâu xanh ngắt, vườn bòn bon trĩu quả hay những liếp cam, quýt, bưởi, nhãn che khuất cả lối đi.
Tự nhiên nói đến Chợ Lách, mới nhớ đến câu hò:
Hò ơi! Bến Tre dừa xanh bát ngát,
Đường đi Ba Vát gió mát tận xương
Em về Chợ Giữa, Giồng Trôm,
Đừng quên Chợ Lách, Cái Mơn đợi chờ.
Khép lại hành trình tại xã Mỹ Thạnh, bây giờ chúng ta sẽ sang một làng nghề nổi tiếng không kém: Đã nói tới Bánh Tráng Mỹ Lồng thì không thể không nhắc đến Bánh Phồng Sơn Đốc! Và Người Bến Tre làm ra Bánh Phồng Sơn Đốc trứ danh như thế nào?
Điểm đặc trưng của bánh phồng Bến Tre là béo và xốp
Trong lúc mọi người tìm hiểu về bánh tráng Mỹ Lồng thì PV Kênh VOV Giao thông đã có thời gian thưởng thức bánh phồng Sơn Đốc đấy. Rất ngon! có bánh phồng sữa và bánh phồng dừa nường nữa. Thơm quá trời! Nhâm nhi bên tách trà nóng thì không gì bằng! Bây giờ xin giới thiệu với mọi người một “hành khách mới” sẽ lên “chuyến xe” và đồng hành cùng Kênh VOV Giao thông là một chàng trai rất là vui tính, dí dỏm - anh Trung An là một cán bộ Văn Hóa, phụ trách tại xã Hưng Nhượng.
Khi mà nói về nguồn gốc ra đời của làng nghề này cho đến tận bây giờ không ai biết rõ chính xác từ khi nào. Ngày xưa bánh phồng chỉ làm vào dịp Tết hoặc làm quà cho bà con xa quê hương. Dần dần, người ta thấy bánh phồng có thể đem lại thu nhập nên nhiều hộ làm hằng ngày. Làng nghề tập trung ở 2 ấp của xã Hưng Nhượng. Sau khi được công nhận làng nghề cho đến nay đó là thương hiệu độc quyền khi nhắc đến sẽ nhận ra được đó là bánh phồng Sơn Đốc, Giồng Trôm Bến tre.
Hãy cùng theo chân Kênh VOV Giao thông vào hộ Chú Tư (ông Lê Văn Xổng) để xem chú làm ra những chiếc bánh phồng như thế náo nhé.
Danh tiếng của bánh phồng Sơn Đốc đang ngày càng vang xa. Những ngày Tết đến, Xuân về, để được thưởng thức những chiếc bánh phồng nướng thơm ngon, người ăn phải kỳ công, chuẩn bị bếp than đỏ hồng để nướng bánh. Đặc biệt, trong thời khắc giao thừa đón năm mới, ngồi bên chiếc lò than đỏ rực, thưởng thức chiếc bánh phồng bên người thân, không chỉ thể hiện ý nghĩa ấm cúng, đoàn viên bên gia đình mà còn khiến mọi người quên những lo toan sau một năm làm việc vất vả.
Còn nhiều người lớn tuổi, chiếc bánh phồng tuy nhỏ nhưng khi nướng lại phồng to lên, biểu hiện cho sự phát triển, thịnh vượng trong năm mới. Chính những ý nghĩa sâu xa của chiếc bánh phồng ngày Xuân đã giúp cho người dân làng nghề bánh phồng sống được với nghề đấy ạ. Có về Bến Tre vào nhưng ngày cuối năm mới cảm nhận được hết không khí, cảm xúc bồi hồi, xao xuyến nhớ về Tết quê mà ai cũng một làn trải qua.
Như mọi người cũng đã biết, dù đây chưa phải là nghề có thu nhập cao nhưng người dân xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre vẫn duy trì cho đến nay, vì đó là nghề truyền thống của ông bà qua bao thế hệ.
Bởi, đối với họ, đây không chỉ là nguồn thu nhập mà còn là trách nhiệm của người dân nơi đây, phải làm sao làm ra những sản phẩm mang hương sắc miệt vườn quê hương Sơn Đốc, chiếc bánh phồng đã có mặt trên nhiều địa phương. Nhiều khách Việt kiều khi về nước cũng đặt mua bánh phồng Sơn Đốc mang về như mang theo một chút tình quê hương xứ dừa Bến Tre. Sở dĩ bánh tráng, bánh phồng của Làng nghề vẫn giữ vững được “hương vị và tiếng thơm” chính là nhờ vào cái tâm của những nghệ nhân, bên cạnh đó là sự quan tâm, quản lý Làng nghề của chính quyền địa phương và các ngành hữu quan.
Hy vọng chuyến đi đã góp phần mang đến không khí tưng bừng rộn rã của Mùa Xuân, bên tiếng chày quết bánh, tiếng giã gạo, tiếng cười nói thân thương của bà con làng nghề, cùng hương vị trên quê hương 3 đảo dừa xanh. Nhân dip năm mới Mừng xuân Kỷ Hợi: Chúc cho sức khỏe cả nhà an khang. Chúc cho cuộc sống giàu sang. Gia đình hạnh phúc ấm no sum vầy.
Bánh tráng Mỹ Lồng - bánh phồng Sơn Đốc là cả niềm tự hào lớn lao của người dân xứ dừa bên cạnh nhiều sản vật của đất trời. Bánh tráng Mỹ Lồng đã nổi danh là loại bánh ngon, một trong những đặc sản xứ Dừa được nhiều du khách ưa chuộng. Đặc biệt, thời điểm Tết Nguyên đán, Làng nghề Bánh tráng Mỹ Lồng, người người, nhà nhà đều tập trung làm bánh, tăng cường hoạt động hết công suất, để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Mặc dù, Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng vẫn còn phải đối diện với nhiều thách thức nhưng có thể khẳng định bánh tráng Mỹ Lồng đã có “chỗ đứng” khá vững chắc trong lòng người tiêu dùng. Những chiếc bánh tráng béo, thơm, giòn rụm sau khi nướng chín càng làm tăng hương vị ngọt ngào ngày Xuân, là món quà mộc mạc, dân dã nhưng đong đầy tình cảm cho nhau giữa những người thân, bè bạn.
Và, cũng không biết từ bao giờ làng nghề truyền thống sản xuất bánh phồng Sơn Đốc ở xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đã trở nên nổi tiếng không chỉ vùng ĐBSCL mà còn có mặt ở một số nơi trong cả nước. Chiếc bánh phồng Sơn Đốc thơm ngon, đậm đà hương vị của xứ Dừa trở thành món quà xuân ý nghĩa, phổ biến trong những ngày Tết vùng miệt vườn sông nước Nam bộ.
Thưởng thức chiếc bánh phồng trong những ngày Xuân về, chắc hẳn mọi người sẽ cảm nhận được công sức của những bàn tay khéo léo, tinh thần chịu thương chịu khó của người dân, góp phần làm cho ngày xuân thêm phần ý nghĩa. Tin rằng, cuộc sống bà con nơi đây sẽ ngày càng khởi sắc, phồn vinh, phát triền bền vững cùng đặc sản quê nhà, để ngày Tết có thêm những hương vị ngọt ngào, thấm đậm tình người, tình đất, tình quê.
Đong cho đầy hạnh phúc
Gói cho trọn lộc tài
Giữ cho mãi an khang
Thắt cho chặt phú quý
Cùng chúc nhau như ý
Hứng cho tròn an khang
Chúc năm mới bình an
Cả nhà đều sung túc.
Theo http://vovgiaothong.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng...