Thứ Năm, 26 tháng 9, 2019

Tuổi trẻ và nhạc xưa: Lời ca

Tuổi trẻ và nhạc xưa: Lời ca
Lời ca hay ca từ chiếm một vị trí rất quan trọng trong một bản nhạc, nhất là đối với các sáng tác của các nhạc sĩ thế hệ trước, những người chú trọng trau chuốt phần lời. Một bài hát thành công, ngoài phần giai điệu đẹp thì lời ca phải biểu cảm và truyền tải một thông điệp có ý nghĩa. Chính nhờ vậy mà những tác phẩm nhạc xưa mới sống mãi với thời gian: ‘Cô láng giềng’ của Hoàng Quý hay ‘Bến xuân’ của Văn Cao - Phạm Duy rồi ra đời vào thập niên 1940 của thế kỷ trước nhưng đến nay chúng ta vẫn còn thấy người mộ điệu ngân nga.
Trong góc nhìn không mang tính nhạc thuật cao của một người yêu nhạc, Dòng Nhạc Xưa nhận thấy lời nhạc được hình thành bằng những cách sau đây: 
(1) Nhà nhạc sĩ tự sáng tạo ra lời nhạc, 
(2) Nhạc sĩ phổ theo một bài thơ, 
(3) Nhạc sĩ dựa theo một câu chuyện lịch sử và 
(4) Nhạc sĩ viết nhạc và một người khác đặt lời.
Nào chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu đôi nét về những hình thức này:
1. Nhạc sĩ hoàn toàn sáng tạo lời nhạc
Có thể xuất phát từ một câu chuyện rất riêng tư của chính bản thân hoặc có thể hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng bay bổng của một nghệ sĩ, nhà nhạc sĩ sẽ thổi lời ca vào khuôn nhạc. Đây là hình thức phổ biến nhất trong việc đặt lời ca cho những bản nhạc xưa.
Có thể lấy đơn cử một ví dụ là bản ‘Mùa thu trong mưa’ của nhạc sĩ Trường Sa. Theo tâm sự của chính nhạc sĩ khi ấy còn là hạm phó tàu tuần duyên mang tên Trường Sa thì trong một chiều dừng chân ở bến Mỹ Tho, một cơn mưa ập đến và khi cơn mưa chưa dứt, đường phố chưa lên đèn thì ông đã sáng tác xong nhạc phẩm này.
2. Nhạc sĩ đặt lời theo một bài thơ
Phổ theo một bài thơ để hình thành phần lời ca rất phổ biến trong nền nhạc xưa. Chúng ta có thể kể ra ‘Ngậm ngùi’ được Phạm Duy phổ từ bài thơ cùng tên của Huy Cận hay gần đây hơn là ‘Phượng hồng’ được nhạc sĩ Vũ Hoàng lấy cảm hứng hứng từ bài thơ ‘Chút tình đầu’ của Đỗ Trung Quân.
Tùy vào niềm cảm hứng và hướng sáng tác, nhạc sĩ có thể dùng nguyên vẹn hay chỉ một vài ý thơ. Ví dụ khi nhạc sĩ Huỳnh Anh viết bản ‘Rừng chưa thay lá’, ông dường như dùng lại toàn bộ bài thơ của Hoàng Ngọc Ẩn.
Trong khi đó nhạc sĩ Dzũng Chinh chỉ lấy vài ý từ bài thơ nổi tiếng ‘Màu tím hoa sim’ của Hữu Loan để làm nên ‘Những đồi hoa sim’ bất hủ.
3. Nhạc sĩ đặt lời ca dựa vào một câu chuyện lịch sử
Có không ít trường hợp các nhạc sĩ lấy cảm hứng từ một sự kiện hay một nhân vật lịch sử để làm nên ca khúc. Đơn cử là bản ‘Hận Đồ Bàn’ của nhạc sĩ Xuân Tiên. Ông đã mượn câu chuyện mất nước của Vương Quốc Chiêm Thành xưa để viết nên một ca khúc đầy ai oán cho một phần lịch sử của dân tộc Chăm.
4. Nhạc sĩ chỉ viết nhạc còn lời ca do một người khác viết
Trong tân nhạc Việt Nam có không ít trường hợp nhà nhạc sĩ chỉ làm nên phần giai điệu, sau đó nhà văn, nhà thơ mới thổi lời ca vào các khuôn nhạc. Một ví dụ là bản ‘Lệ đá’ do Trần Trịnh viết phần nhạc rồi sau đó được Hà Huyền Chi viết phần lời.
Hoặc chúng ta vẫn thường nghe nói ‘Con đường xưa em đi’ của Châu Kỳ nhưng phần lời là sự đóng góp của Hồ Đình Phương.
Chúng tôi xin tạm kết thúc bài viết ở đây. Nếu quý vị thấy có điểm nào liên quan đến việc đặt lời ca cần thảo luận, xin hãy cho chúng tôi biết.
Theo https://www.dongnhacxua.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhất Linh trong sự tiếp nhận của văn học miền Nam 1954 -1975 14 Tháng Mười Hai, 2022 Không phải ngẫu nhiên, trên tạp chí Văn, một tron...