Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

Chiêm nghiệm đời thơ Xuân Diệu

 Chiêm nghiệm đời thơ Xuân Diệu

Hầu như dư luận nghiên cứu đã thống nhất một nhận định về sự chuyển biến kỳ lạ: Xuân Diệu trước và sau cách mạng là hai con người khác hẳn nhau.
Có một câu hỏi lớn như nỗi day dứt nơi Xuân Diệu, nhất là ở thời dấn thân bước vào đường thơ cách mạng: “Làm thế nào một thi sĩ trước cách mạng chưa có chủ nghĩa Mác – Lênin trong sáng tác của mình không chết (nói về mặt thi sĩ), không chuyển ngành, không bỏ thơ dù để sang một nghệ thuật khác mà lại trở thành một thi sĩ trong cách mạng, của cách mạng?”.
Câu hỏi đó đã hàm chứa câu trả lời: cách mạng.
Xuân Diệu đã lấy đời và thơ của mình làm một giải đáp như minh chứng hùng hồn.
Cùng thế hệ nhưng Chế Lan Viên “Đi xa về hóa chậm/ Biết bao là nhiêu khê”, Huy Cận sớm đến với cách mạng, tiến rất nhanh về chính trị nhưng chững lại khá lâu trong kháng chiến chống Pháp. Xuân Diệu hầu như nhanh chóng nhập cuộc với cách mạng cả trong đời và trong thơ. Đây là so sánh sơ lược trên đại thể.
Riêng với Xuân Diệu thì nhà thơ lại có nhiều nét rất tiêu biểu. Hoài Thanh từng nói “cái ngạc nhiên của làng thơ Việt Nam là Xuân Diệu đến” (Xuân Diệu – Thi nhân Việt Nam). Sau này, có thể nhận xét ông đã làm nên điều ngạc nhiên, còn lớn hơn là đã bước qua được cái bóng to lớn của mình – vị chủ tướng của Thơ mới xưa kia – để trở thành nhà thơ lớn của Cách mạng.
Ở Xuân Diệu, đặc điểm rõ nhất là cái nội lực tích cực, mạnh mẽ tiếp nhận được cái ngoại lực mãnh liệt trong cuộc sống chiến đấu của nhân dân cách mạng:
Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi,
Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu.
(Những đêm hành quân)
Là một thi sĩ trước Cách mạng, Xuân Diệu có nỗi buồn sầu và đau đớn của một thân phận nô lệ. Bi kịch tâm hồn của Xuân Diệu cũng là bi kịch tinh thần và tư tưởng của một thế hệ trong một thời đại – thời đại mà con người bị đẩy vào đau khổ, tủi nhục, thời đại mà thân phận cá nhân cũng như cái tôi nghệ sĩ bị vùi xuống ngập ngụa bùn đen.
Buồn là âm hưởng chung của phong trào Thơ mới.
Buồn, sầu, hiu hắt, lạnh lẽo tràn ngập câu thơ Xuân Diệu. Hãy chỉ nói mùa thu. Một đêm thu ở Nguyệt cầm: “Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm/ Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân… Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời/ Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi/ Long lanh tiếng sỏi vang vang hận”. Hay như mở đầuĐây mùa thu tới: “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang/ Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”. Thơ như dự cảm mùa đông buồn bã giá lạnh đang đến. Thu mà đã thấm thía cái ảm đạm thê lương.
Khi Nhớ mùa thu tháng Tám, Xuân Diệu nói lên những rung động hoàn toàn mới mẻ. Trong tâm hồn, nhà thơ đã tràn ngập niềm vui mới mà cách mạng đem lại:
Thu từ đây không thu thảm thu sầu
Mà thu đương nhuộm màu xuân tươi mát
Ấy là nhà thơ muốn nhắc đến sự so sánh với Đây mùa thu tới, Ý thu, Thu, Thơ duyên…
Mùa xuân cũng gợi cái gì chóng phai tàn như một sự thật, một mối đe dọa tàn nhẫn: “Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua/ Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già/ Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất” (Vội vàng).
Dù sao, xuân trong thơ Xuân Diệu cũng tươi hơn, giàu sức sống hơn.
Nhà thơ từng tự bạch: “Với lòng tôi trời đất chỉ có hai mùa Xuân và Thu, hai mùa đặc biệt ý nhị, hai mùa có bình minh… Xuân với Thu là hai bình minh trong một năm, sự thay đổi hệ trọng nhất của tâm hồn” (Thu – Trường ca). Thay đổi thời tiết chính là thay đổi tấm lòng là vì vậy.
Mùa là thời gian. Xuân Diệu đã chiến thắng thời gian bằng nội lực chủ quan, bằng tốc độ sống với cảm thức “Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm”, và bằng cả cường độ sống, dồn nén, chất chứa để thăng hoa trong“một phút huy hoàng”. Vì vậy, từ lâu đã có định nghĩa Xuân không mùa của Xuân Diệu.
Cái cảm nhận của “thu lòng”, “xuân lòng” đã tạo nên sự đảo lộn quan niệm của chính nhà thơ “Thu không phải là mùa sầu… Xuân, người ta ấm mà cần tình. Thu, người ta về lạnh sắp đến mà cũng cần đời. Cho nên không gian đầy những lời nhớ nhung”.
Đó là đôi nét phác thảo về đặc sắc của không gian, thời gian nghệ thuật Xuân Diệu để thấy sự đổi thay của tư tưởng nghệ thuật.
Nhìn chung lại, Xuân Diệu đã tiến hành một cuộc cách mạng trong chính tâm hồn mình. Cuộc chuyển động ấy là tiệm tiến từ trước cách mạng và bùng phát sau này.
Có một mạch nguồn rất sâu xa, rất căn cốt trong tâm khảm mỗi con người, như một truyền thống ngàn đời, đó là hồn dân tộc(1).
Hồn dân tộc nằm trong văn hóa, văn hiến lâu đời của lịch sử một cộng đồng cư dân.
Thời mất nước, một thực tế hết sức đau xót, mỉa mai là hơn 90% dân số nước ta mù chữ. Ngay từ cấp tiểu học, tiếng mẹ đẻ đã được học như một ngoại ngữ.
Nhắc lại hiện tượng đau xót một thời ấy để thấy một hành động rất có ý nghĩa là tháng 2 năm 1945, Xuân Diệu đã dũng cảm làm một cuộc diễn thuyết đầu tiên về đề tài Sinh viên với quốc văn do Tổng hội Sinh viên Việt Nam tổ chức. Sau đó, bài diễn thuyết được xuất bản với nhan đề đã mở rộng Thanh niên với quốc văn. Thời đi học, Huy Cận cũng từng thu gom sách truyện quốc ngữ từ văn học dân gian đến cổ điển, đóng bìa cứng, mạ vàng dòng chữ ở gáy mỗi tập ba chữ chói lọi: Hồn cổ Việt. Qua đó, ta đủ biết cái hồn dân tộc thiêng liêng đã hiện hình sinh động, cụ thể như thế nào trong giới thanh niên học sinh yêu nước. Và điều đó quá đủ để minh chứng hùng hồn tấm lòng ái quốc, ái quần đã biến thành một sức mạnh tinh thần lớn, tập hợp, thu hút quần chúng cách mạng.
Một dấu son in đậm trong đời Xuân Diệu khi ông tham gia hoạt động Việt Minh cùng Huy Cận từ những năm 42, 43 của thế kỷ XX: Xuân Diệu là một trong số những văn nghệ sĩ hiếm hoi được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và an nghỉ vĩnh hằng tại nghĩa trang Mai Dịch.
* * *
Chuyển động đi đến cách mạng của Xuân Diệu là cả một quá trình: từ tư tưởng đến nghệ thuật và nhất là từ ý thức, tình cảm đến hành động.
Điều quan trong nhất là sự nhanh chóng nhập cuộc của nhà thơ: chúng ta chứng kiến Xuân Diệu – một thi sĩ trong Cách mạng.
Xuân Diệu tham gia Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội. Ông trình làng bản tráng ca đầu tiên như mối lương duyên đầu tiên với cách mạng: Ngọn quốc kỳ, Hội nghị non sông. Xuân Diệu xuống đường và đã tham gia cầm đầu biểu tình quần chúng để chống lại bọn phản động Việt Quốc, Việt Cách từng gây rối, chống đối với chính quyền cách mạng non trẻ. Nhà thơ còn “phản pháo” bọn phản động bằng những bài thơ đả kích mạnh mẽ: Tổng bất… đình công, Một cuộc biểu tình, Vịnh cái cờ…
Với những hoạt động nổi bật, Xuân Diệu được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I (1946-1960). Tháng 5 năm ấy, ông là thành viên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn sang hội đàm tại Pháp. Sau chuyến đi, Xuân Diệu có thiên phóng sự dài Từ trường bay đến trường bay đăng trên báo Cứu Quốc và cho xuất bản tập Việt Nam nghìn dặm phản ánh phong trào đấu tranh yêu nước của Việt kiều, lính chiến và lính thợ từ những năm 40 của thế kỷ XX.
Tháng 12 năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Xuân Diệu lên chiến khu Việt Bắc công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam (1946-1947), phụ trách mục Mỗi tuần một câu chuyện văn hóa trên đài. Tập Việt Nam trở dạ(1948) in những câu chuyện ấy. Từ năm 1948, ông tham gia Ban chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam và sau đó công tác trong Ban biên tập tạp chí Văn Nghệ từ số đầu tiên. Ông giữ mục Tiếng thơ giới thiệu phong trào sáng tác thơ ca của bộ đội và quần chúng. Tập Tiếng thơ (1951) là tập hợp bài viết của mục này (1948-1957). Năm 1949, Xuân Diệu được kết nạp Đảng và từ đây ông cầm bút với một tư cách mới, một ý thức chính trị mới.
Lướt qua một số dòng tiểu sử như vậy để thấy ngay từ đầu, từ rất sớm, Xuân Diệu đã ở trong dòng chảy hào hùng của cách mạng và kháng chiến như một con người trong cuộc – hành động, sôi nổi và hăng hái nhất.
Có một hoạt động đặc biệt mà ông hơn hẳn bạn bè văn nghệ sĩ đó là cuộc đi sâu vào công chúng bằng văn thơ. Xuân Diệu tìm thấy lẽ sống trong thâm nhập và giao lưu với quần chúng qua nói chuyện và trao đổi về văn thơ – là người chiếm giải quán quân về “hạng mục” này. Tổng kết cho đến cuối đời, ông đã thực hiện khoảng 500 cuộc nói chuyện thơ, bình thơ (có ý kiến cho rằng thực tế có thể gấp đôi số ấy).
Đó là một cách đi thực tế đời sống, đi vào các tầng lớp công chúng, từ bình dân đến trí thức để tìm hiểu, trải lòng, giao cảm thân tình mà sâu sắc. Đây là hoạt động qua văn thơ, bằng văn thơ một cách rất hiệu quả.
“Hành quân” không mệt mỏi, “đi trên đường lớn” là một nhu cầu bức thiết của nhà thơ. Đó là một cuộc dấn thân vào đời thực sự của một thi sĩ trong cách mạng với tuyên ngôn “Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao” (Những đêm hành quân).
Với cuộc đời, Xuân Diệu đã đi và đã đến, bằng cả tấm lòng say mê yêu đời và khát khao sống, khát khao giao cảm hết sức mạnh mẽ.
Từ hòa bình, nhà thơ có điều kiện đến các đơn vị bộ đội, về nông thôn, vào xưởng máy, thăm trường học. Nhất là sau ngày thống nhất, ông đi thăm quê mẹ Bình Định và nhiều tỉnh, thành miền Nam: Sài Gòn, Mỹ Tho, Cà Mau, Pleiku… cho đến chuyến cuối cùng năm 1985. Nhà thơ đã nhận diện cuộc sống đích thực, đã đi và đã thấy.
Tuy nhiên, không chỉ là những cảm xúc mà còn cả những suy nghĩ về cuộc sống. Đó là những triết lý hồn nhiên trong thơ như sự linh diệu của sự sống qua Quả sấu non trên cao, sự bất diệt của sự sống qua Sự sống chẳng bao giờ chán nản… Nhà thơ từng quan niệm sống cho ra sống: “Sống toàn tâm, toàn trí, sống toàn hồn/ Sống toàn thân và thức nhọn giác quan” (Thanh niên – Gửi hương cho gió). Ngày nay, sống phải lạc quan, chiến đấu và bảo vệ sự sống: “Này là lúc sự sống bừng lên rất cao tiếng hát/ Như tình yêu thắng sự chia ly càng thêm thắm thiết/ Mồ hôi ta đổ, ruộng ta mơn mởn lúa xanh/ Giọt máu ta rơi, đường ta dính liền Nam Bắc… Chúng ta yêu sự sống bền dai, vĩnh viễn, bao la!/ Nhất định chúng ta gìn giữ nhóm nhen sự sống”(Sự sống chẳng bao giờ chán nản).
Do đó, dễ hiểu vì sao chủ đề, đề tài thơ Xuân Diệu sau 1945 hết sức phong phú, xoay quanh hai mảng lớn là xây dựng và đấu tranh, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp giải phóng miền Nam.
Thế hệ Thơ mới, nói như Chế Lan Viên, đã đi từ chân trời cá nhân đến mọi người, từ thung lũng đau thương đến cánh đồng vui. Với Xuân Diệu, có thể nói sát sao hơn là từ sự cô đơn tiến đến hòa đồng, từ cái tôi cô độc hòa nhập vào cái ta cộng đồng.
Xuân Diệu đặc biệt có mối quan hệ máu thịt với giới trẻ, trong đó có thanh niên học sinh và những người viết trẻ. Nếu thâm nhập vào quần chúng nhân dân, nhà thơ tìm được sức sống nói chung thì khi giao kết với tuổi trẻ, nhà thơ như được tiếp thêm sức xuân. Chính Xuân Diệu đã có con mắt xanh với Trần Đăng Khoa, là một trong các nhà thơ, nếu không muốn nói là người dầu tiên, phát hiện một tài năng thần đồng. Cũng chính ông đã nói với bạn văn về Phạm Tiến Duật: một Apollinaire của Việt Nam. Đây là một tâm sự chung: “Chúng ta nhớ anh Xuân Diệu là nhớ đến một người anh lớn, đã giành cho các em lòng yêu thương thắm thiết và sự săn sóc chí tình” (Nhà thơ thân thiết của chúng ta – Thiên Mai). Nhà thơ có hẳn một công trình Trò chuyện với các bạn làm thơ trẻ (1961) như tâm huyết nghề nghiệp được gửi gắm. Từ đó, Xuân Diệu cũng như tìm ra được những năng lượng mới trẻ trung, sung sức cho mình. Tác phẩm công phu Sự uyên bác với việc làm thơ được công bố vào sớm ngày 19-12-1985 tại Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ III như thông điệp cuối cùng và lời tạm biệt thân thiết nhất trước phút “Vẫy chào cõi thực để vào hư”.
Đời Xuân Diệu có hai hành trình “đi xa”: Viễn du vào thời gian quá khứ và không gian ngoài biên giới.
Nhà thơ lãng mạn từng say mê và truyền lửa tình yêu quốc văn cho thanh niên xưa kia nay có điều kiện khảo cứu sâu tầng tầng, lớp lớp nguồn mạch văn học dân tộc. Ông là người chịu khó tìm tòi, phủi những lớp bụi thời gian rồi soi rọi bằng thứ ánh sáng tinh tường hiện đại. Xuân Diệu thực sự đã có đóng góp như những phát hiện. Nhận xét thâu tóm của Mai Quốc Liên là rất tiêu biểu: “Mặt khác, trong thơ Xuân Diệu, ta cũng nhận ra những xúc cảm dân tộc, một lòng yêu nước không nén nổi, dồn vào trong như những âm hưởng, những hình ảnh: “Mây trắng về đâu bay gấp gấp/ Con cò trên ruộng cánh phân vân”. Ta nghe trong câu thơ những nỗi niềm dân tộc, và điều đó, chính Xuân Diệu đã tiếp nhận một phần trong văn mạch dân tộc, trong ca dao, trong thơ ca cổ điển”(2). Công trình bề thế Các nhà thơ cổ điển Việt Nam (1981, 1982) coi như tập đại thành nghiên cứu một đời thơ.
Do công tác hoạt động xã hội và do uy tín danh tiếng cá nhân, Xuân Diệu đã có nhiều dịp đi giao lưu văn hóa ở nước ngoài. Cũng như Chế Lan Viên, Huy Cận, nhà thơ làm nhiệm vụ sứ giả văn hóa, tiến hành cuộc hội nhập văn minh toàn cầu từ rất sớm. Một vinh dự lớn là ông được Viện Hàn lâm nghệ thuật Cộng hòa Dân chủ Đức bầu làm Viện sĩ thông tấn. Xuân Diệu cũng là nhà dịch thuật hàng đầu với công trình đồ sộ giới thiệu các nền thơ và đại biểu ưu tú của thơ ca thế giới: Hungaria, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ, Cuba, Ấn Độ, Liên Xô… và cũng nhận được nhiều giao lưu của bạn bè khắp năm châu: Alexei Vasiliev, Blaga Dimitrova, Marian Tcasev, Mireille Gangsel…
Đến với thế giới, một mặt là cho, giới thiệu và chuyển tải thông điệp của văn học, văn hóa dân tộc, mặt khác là nhận, tiếp thu tinh hoa văn thơ, văn hóa nhân loại.
Thơ dịch là tấm lòng đối với tấm lòng, là một niềm giao cảm cao quý. Mikhail Ilinxki đã tôn vinh: “Nhà thơ quốc tế chủ nghĩa Xuân Diệu tiến hành công việc dịch thuật rất lớn”(3). Dịp đi Pháp về, Xuân Diệu tâm sự đã có sự trải lòng và nói được lòng biết ơn với những nhà thơ Pháp, từ Charles d’Orléan đến Claudel, qua Ronsard, Lamartine, Musset, Baudelaire, Verlaine, Victor Hugo…(4).
Tuy nhiên, ta cần hiểu một điều rất quan trọng này: học tập và biến hóa, sáng tạo, học người (kể cả cha ông) và bè bạn là để làm nên mình. Đó là tâm niệm một đời của nhà thơ Xuân Diệu: “Tôi là học sinh của nhiều nhà trường, mãi mãi tôi vẫn là học sinh. Dù vậy, tôi đi trên đôi chân của mình và điều cơ bản nhất mà thơ tôi hiến bạn đọc là những giọng điệu của tôi, là tâm khảm, là linh hồn của tôi”(5).
Xuân Diệu là nhà thơ của cách mạng, nhà thơ lớn của nhân dân. Cuộc đời ông là một bài thơ tuyệt đẹp.
Xuân Diệu từ giã cõi đời trong niềm tiếc thương khôn xiết của giới văn nghệ sĩ. Tố Hữu, người đồng chí và bạn thơ thân thiết, đánh giá: “Xuân Diệu là một nhà thơ lớn đặc sắc, độc đáo của nền thơ Việt Nam hiện đại… Xuân Diệu đi theo cách mạng một cách tự nhiên như vậy vì Xuân Diệu là người trung thực. Đã là người trung thực thì phải đi theo cách mạng. Xuân Diệu là nhà thơ sống hết mình và làm việc hết mình”. Phạm Văn Đồng ghi vào sổ tang những dòng đầy xúc động: “Tôi ghi ở đây những tình cảm và niềm thương tiếc vô hạn với một nhà thơ, nhà văn và người đồng chí quý mến Xuân Diệu”.
Tôi đã được dự lễ tưởng niệm và đưa tang nhà thơ Xuân Diệu. Một đám tang lớn chưa từng có của một nhà thơ – người của công chúng – người hát dạo công huân giữa cuộc đời. Đường phố tắc nghẽn như trái tim tạm ngưng nghỉ để tiễn biệt một trái tim từng đập cùng nhịp với nhân dân một đời. Ngoài chính khách các cấp, trí thức, văn nghệ sĩ, các tầng lớp xã hội còn đông đảo thanh niên học sinh, sinh viên… và những người bình dân.
Thơ Xuân Diệu vẫn sống mãi. Mượn cách nói của nhà thơ với văn Nguyên Hồng, đó là những vần điệu vẫn phập phồng mãi theo hơi thở cuộc đời.
Chú thích:
1) Xem Đoàn Trọng Huy – Hồn dân tộc nhiệm màu từ Thơ mới in trongNhìn lại Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn. NXB Thanh Niên, 2013.
(2) Mai Quốc Liên - Xuân Diệu qua Thi hào dân tộc Nguyễn Du in trongXuân Diệu - Về tác giả và tác phẩm. NXB Giáo Dục, 1998.
(3), (4), (5) Xem Đoàn Trọng Huy - Xuân Diệu in trong Tinh hoa văn thơ thế kỷ XX (I). NXB Giáo Dục, 2007.
Đoàn Trọng Huy
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thơ có cần thiết cho đời sống? 10 Tháng Ba, 2023 Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát nh...