Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

Xuân Diệu, người của đời, người của thơ

Xuân Diệu, người của đời, người của thơ

Xuân Diệu là người bộc trực, dễ hiểu, dễ mến cả trong đời và trong thơ. Ông cũng là người có cá tính mạnh mẽ đến mãnh liệt, thể hiện một bản lĩnh sống và viết độc đáo, tự tin và sáng tạo. Tiếng thơ Xuân Diệu vì vậy, cho tới mãi mãi nguyên vẹn một sức mạnh “Dào dạt tình dâng nhịp thủy triều” (Gửi theo Anh Xuân Diệu - Tố Hữu).
1. Xuân Diệu - Người của đời
Đã ngót ba mươi năm đời vắng bóng Xuân Diệu.
Theo dòng năm tháng, Tố Hữu gợi cho ta một nỗi nhớ khôn nguôi“Thời gian ơi, nhớ chàng Xuân Diệu”. Ấy là nỗi nhớ một Người thơđã từng tồn tại với Đời. Nói như Thế Lữ thì Xuân Diệu là “một người của đời, một người ở giữa loài người”, một người mang “tấm lòng trần gian”. Một ẩn tượng đúng nhưng chưa thực sự thỏa đáng khi thấy Xuân Diệu là “Nhà thơ – Nhà lãng mạn” mà chưa thấy trước hết Xuân Diệu là “Người của đời” với tất cả nét “trần thế” mang trái tim “nhân thế”.
Khi vào đời, Xuân Diệu đã nhận ra một thực tế đau xót: “Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt/ Cơm áo không đùa với khách thơ”. Nhà thơ đã thấm thía cảnh nghèo khổ và những bất hạnh trong gia đình thời tuổi trẻ. Học để kiếm sống nhờ sự cưu mang của bạn thơ Huy Cận. Nhưng khi đỗ tham tá ngành thương chính, nhà thơ trở thành “nhà đoan”, cũng không đủ sống nên muốn làm nghề tay trái là nghề viết. Xuân Diệu và Huy Cận phải vật lộn với nghề viết và xuất bản. Các nhà thơ không thể “mơ màng” mà phải rất thực tế, phải biết tính toan đồng tiền phân bạc từ rất sớm là như vậy.
Xuân Diệu, cũng như thế hệ văn nghệ sĩ một thời từng sống qua thời gian cách mạng khó khăn buổi đầu, rồi hai cuộc kháng chiến. Nhà thơ sống trong thời kinh tế bao cấp, lại sống độc thân nên vất vả lo toan cuộc sống riêng cũng là một gánh nặng thường nhật.
Trong hoàn cảnh ấy, cuộc sống ấy đã tạo ra một Xuân Diệu có đầu óc và phong cách sống rất thực tế, thậm chí có phần thực dụng. Bạn bè thân thiết nhiều người biết ngoài vẻ “phóng khoáng”, nhà thơ thực chất là con người biết tính toán căn cơ, thậm chí có khi là rất chi li, cặn kẽ.
Có những “giai thoại” về chuyện chi tiền chợ cho người u già giúp việc. Nhưng có một chuyện thực mà tôi biết đó là ông chủ động đề nghị một “thực đơn” bổ dưỡng đầy đủ (thịt gà, trứng,… ) cho một buổi nói chuyện với sinh viên ở một nơi sơ tán thời chiến.
Tuy nhiên, khi nhấn mạnh nét thực tế của Xuân Diệu là để chỉnh sửa ấn tượng “lãng mạn” của nhà thơ. Thực ra nói cho đầy đủ thì Xuân Diệu là một nhà thơ sống rất đời.
Chất đời của Xuân Diệu thực chất là thấu hiểu sự đời, tình đời và do đó có phong cách sống trước hết là rất đời, rất trần thế của nhà thơ.
Chân lý nghệ thuật trước hết là chân lý đời sống. Lãng mạn trên cơ sở hiện thực là cách nhìn, kiểu tư duy của một quan niệm duy vật rất biện chứng:
Hai con mắt mở, ta nhìn
Cho sâu, cho sáng mà tin cuộc đời;
Rộng như lòng mẹ đưa nôi
Lại say đắm mãi như người tình nhân
(Tôi giàu đôi mắt)
Sự nhận thức được hình tượng hóa.
Xuân Diệu từng ví “đôi con mắt” như “hai mầm sống diệu kỳ”: “Hai chồi xanh bật sống, sáng cả đêm khuya/ Hai ánh, hai tia linh diệu vô cùng sự sống!” (Sự sống chẳng bao giờ chán nản).
Xuân Diệu là nhà thơ có hầu như đầy đủ sự trải nghiệm cuộc đời với nhiều sắc màu và cung bậc tình cảm: sướng vui, phấn khích, buồn tủi, khổ đau, tin tưởng, hy vọng, âu lo,… và cả sợ hãi trong đời và trong thơ.
Gần giống Tản Đà, nhà thơ Xuân Diệu có một thân phận chứa đựng nghịch cảnh và một tâm hồn tiềm ẩn những éo le, phức tạp, thậm chí đầy mâu thuẫn, trái khoáy.
Hoạt động xã hội thăng tiến, sự nghiệp thành đạt nhưng cuộc sống riêng như ngày càng chất chứa ẩn ức và đi trái chiều:
Anh xây xây mãi chưa tròn tình yêu
Như có một sự trớ trêu của số phận, ông hoàng của thơ ca tình yêu Việt Nam, “nhà thơ tình lớn của phương Đông” lại không có được hạnh phúc lứa đôi. Mặc dù từ thời trai trẻ, ông có nhiều người trộm nhớ, thầm yêu và cũng đã có mối tình với các cô gái xinh đẹp, tài hoa. Suốt đời là một sự cố gắng yêu đơn phương mà không hiệu quả (1). Nói cho đúng ra thì ông đã có một cuộc hôn nhân ngắn ngủi và nhanh chóng tan vỡ.
Xưa kia, Xuân Diệu đã có mâu thuẫn trong thế giới quan và nhân sinh quan. Đó cũng là tình trạng chung của một thế hệ các nhà thơ thời kỳ Thơ mới: Đau đời nhưng không chán đời, quay lưng với cuộc sống thực tại nhưng vẫn biết hướng tới một tương lai tươi sáng tuy còn mơ hồ; thoát ly mọi nẻo nhưng thực ra vẫn bám rễ cuộc đời. Riêng Xuân Diệu có nét đặc sắc hơn cả: bám riết trần thế, không hoàn toàn buông xuôi mà âm ỉ sức đề kháng. Để rồi, khi gặp Cách mạng thì sức đề kháng ấy nhanh chóng giúp đổi đời cũng như đổi thơ.
Trước đây, nhà thơ có lúc ngạo mạn vô lối: “Ta là Một, là Riêng, là Thứ nhất/ Không có ai bè bạn nổi cùng ta”. Nhưng rồi sau này nhà thơ nhận ra sự cô đơn và sợ hãi: “Chưa ai thông cảm hết nỗi cô độc của tôi”. Cô đơn là hội chứng chung một thời nhưng cô độc là cảnh riêng một đời. Vì vậy, nhà thơ cố gắng hòa đồng tối đa. Ngày nào “Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề” thì nay đã tan vào biển lớn nhân gian. Đời Xuân Diệu là sự nỗ lực thường xuyên giải tỏa, giải mãRiêng chung để đạt sự hòa hợp cao độ trong sự nghiệp cách mạng:
Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi
Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu
(Những đêm hành quân)
Chính vì sống thực với Đời, Xuân Diệu đã được Đời tạo dựng để trở thành nhà thơ – công dân, nhà thơ – chiến sĩ. Từ đó, chúng ta có được Xuân Diệu – Nhà thơ lớn của Cuộc đời lớn. Đó là cuộc đời“Của triệu người yêu dấu gian lao”.
Luôn khát vọng lý tưởng “vô biên” và “tuyệt đích” như không bao giờ thỏa mãn, nhưng Xuân Diệu đã sống hết mình, biết tận hiến cao quý:
Hiến cho non nước, hiến đời thân
Ấy là những vần thơ như di chúc với Đời trong Không đề: “Vẫy chào cõi thực để vào hư”.
2.Xuân Diệu – người của thơ
Khi Xuân Diệu xuất hiện trên thi đàn, làng thơ Việt Nam đã sửng sốt ngạc nhiên. Mọi người sớm nhận ra một nhà thơ trẻ đầy hứa hẹn. Thế Lữ khẳng định: “Một nhà thi sĩ mới: Xuân Diệu – như một “thiên tài khép nép” (2).
Xuân Diệu là một nhà thơ chân tài vì đã sớm hội đủ các tố chất thi sĩ đích thực.
Vẫn Thế Lữ, ông đã phát hiện từ sau bài thơ ngắn đầu tiên gửi báo Phong Hóa: “Bài thơ ấy tả cái sức huyền diệu, cái lực thần tiên của âm nhạc vang động tới tận tâm hồn. Tác giả thấy hương thơm của hoa, thấy vị say của rượu ngọt, màu hương thơm của ánh sáng và những cảnh sương khói hiển hiện lẫn lộn trong dòng suối, lời chim và tiếng khóc than”. Và đến các bài thơ sau: “Đó là một tâm sự nồng nàn kín đáo, một linh hồn rạng rỡ và say mê, đằm thắm, hiện ở những điệu thơ êm dịu và ái ân, thiết tha và bồng bột” (3).
Thơ Xuân Diệu mới vì đề cập tới nhiều thi đề mới, với những cảm xúc mới. Đặc biệt là giọng điệu mới, cách diễn đạt không như cũ và ngôn ngữ thơ mang nhiều sắc thái biểu cảm sinh động một cách kỳ lạ.
Tuy nhiên, cái mới, cái lạ thường ban đầu cũng gây nhiều tranh cãi. Thơ Xuân Diệu được nhiều người vồ vập nhưng cũng nhận được không ít ý kiến chê bai, đặc biệt là về ngôn ngữ, lối nói. Hoài Thanh cũng đã phát biểu cảm giác lúc đầu: “lối dùng chữ đặt câu quá tây của Xuân Diệu” và cả “những ý tứ người đã mượn trong thơ Pháp”(Xuân Diệu). Nhưng rồi chính nhà thẩm thơ bậc thầy này đã chóng “quên” đi những ấn tượng dễ ngộ nhận ấy, để nhận ra: “Cái dáng dấp yêu kiều, cái cốt cách phong nhã của điệu thơ, một cái gì rất Việt Nam, đã quyến rũ ta” (bài dẫn trên).
Thực ra, nhận xét Xuân Diệu “mới nhất trong các nhà thơ mới”(Hoài Thanh) là để nhấn mạnh cái nét tiêu biểu nhất, mạnh mẽ nhất, đôi khi có phần cực đoan của nhà thơ ở hàng thi bá một thời.
Trong dịp Hội thảo Nhìn lại Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoànsau 80 năm (4) đã có những tổng kết ngày càng thỏa đáng về vai trò của Thơ mới trong đó có thơ Xuân Diệu. Thơ mới là một cuộc cách mạng thi ca lớn chưa từng có. Vì vậy, nó diễn ra một cách toàn diện trên các mặt thi pháp, thi hứng, thi đề, giọng điệu và ngôn ngữ. Về thực chất đó là sự giải phóng cá nhân – sự lên ngôi của cái tôicùng với sự phá cách trong biểu hiện hình thức mới. Cảm xúccủa Xuân Diệu, Cây đàn muôn điệucủa Thế Lữ,… có thể coi là tuyên ngôn của phong trào Thơ mới.
Sau Cách mạng, Xuân Diệu vẫn là một trong những nhà thơ đi tiên phong trong sự nghiệp đổi mới nghệ thuật thơ ca.
Đặc biệt, cùng với các nhà thơ cách mạng mà người mở đường và dẫn đường tài ba là Tố Hữu, chính Xuân Diệu là người sớm nhất đi vào địa hạt thơ trữ tình chính trị. Hai bản tráng ca Ngọn quốc kỳ(1945) và Hội nghị non sông(1946) là minh chứng hùng hồn cho khuynh hướng ấy.
Thời kháng chiến, Xuân Diệu có những bài thơ đậm chất chính trị nói về Đảng, về chế độ mới thật mạnh dạn, thể hiện rõ ý thức của một nhà thơ – công dân – một thi sĩ kiểu mới, rất gần gũi với Maiacovski trong Cách mạng tháng Mười.
Cũng chính Xuân Diệu góp phần mở ra một cách thể hiện lãnh tụ theo một khuynh hướng mới. Đó là bức chân dung Ảnh Cụ Hồ:“Dân sinh ra nên nói tựa dân đồng/ Lời chuyện vãn lại nôm na tục ngữ/ Áo màu xám vẫn giữ tro vạn thuở/ Của nương dâu, bãi đậu hoặc vườn ngô/ Sống rau dưa, giày mũ vải thô sơ/ Đời giản dị đậm một màu hiền triết”. Ấy là bài thơ được viết từ 1945-1948, nghĩa là đồng thời với Bộ đội Ông Cụ(Nông Quốc Chấn – 1949), Đêm nay Bác không ngủ(Minh Huệ – 1951),… những bài thơ phát hiện vẻ đẹp bình thường mà vĩ đại của Bác Hồ.
Cùng với Chế Lan Viên, nhà thơ Xuân Diệu cũng có công đầu trong việc đi vào khai thác vốn văn học dân tộc và giới thiệu thơ thế giới để làm giàu cho tri thức văn hóa nói chung và thơ ca của bản thân. Ông nghiên cứu Các nhà thơ cổ điển Việt Nam (1981 – 1982)từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du tới Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương,… đồng thời giới thiệu các nhà thơ thế giới với ý thức “rước lên đàn cao vinh dự của những thiên tài loài người”.Chính vì vậy, “Trong phần tinh hoa của thơ ông, ngoài tinh túy dân tộc, còn có chút thâm thúy của thơ Đường, chất đằm thắm của Puskin, cái sâu xa nhân bản của Tagor, nét lớn lao bình dị của Hickmet, sự sôi nổi của các nhà thơ cộng sản Pháp mà Aragon là chủ soái, vẻ dữ dội của thi hào Xô viết với đại diện Maiacovski” (5).
Và như vậy, một cách khái quát, ta có thể thấy Xuân Diệu vững tiến trên hành trình hiện đại hóa thơ ca, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.
Xuân Diệu ra đi từ cuối năm 1985, tức là vào đêm trước của Đổi mới đất nước và nghệ thuật.
Tuy nhiên, những đóng góp âm thầm, cần mẫn, giàu sáng tạo nhiều khi còn trong dạng thử nghiệm, tổng kết lại chính là thành tựu trong tiến trình mạnh dạn tự đổi mới.
Đổi mới là cả một quá trình, qua nhiều sự tích lũy có tính chất tiệm tiến. Và như vậy, khi ta nhìn lại sự nghiệp thi ca và đánh giá một cách công bằng, ta vẫn thấy Xuân Diệu – Người thơ vẫn giữ được tư cách là một thi sĩ mới. Ông xứng đáng được vinh danh là một trong những nhà cách tân thơ ca của thế kỷ XX - có đóng góp tích cực cho nền thơ hiện đại Việt Nam.
Đoàn Trọng Huy
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thơ có cần thiết cho đời sống? 10 Tháng Ba, 2023 Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát nh...