Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

Vẻ đẹp thơ Xuân Diệu, Hành trình "thức nhọn"

 Vẻ đẹp thơ Xuân Diệu,
Hành trình "thức nhọn"

Không phải ngẫu nhiên Xuân Diệu được nhà nghiên cứu Hoài Thanh đánh giá là “ Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” và không phải ngẫu nhiên độc giả yêu thơ biết đến một thi sĩ Xuân Diệu như con chim sơn ca của Thơ mới. Bởi một lẽ, với Xuân Diệu, thơ là tiếng nói từ trái tim và tâm hồn của con người trong sự cảm nhận ngất ngây và đắm say với thiên đường trên mặt đất. Nhà thơ luôn ý thức được điều quan trọng và tuyệt vời trong cảm xúc của con người đó là hành trình thức nhọn giác quan để sống một cách “ toàn tâm, toàn trí, toàn hồn”.
Đó là một điều dễ dàng lý giải vì sao trong thế giới thơ đầy quyến rũ và tình ái, Xuân Diệu luôn có một sự cảm nhận tinh tế cuộc sống bằng nhiều giác quan khác nhau. Nhà thơ không chỉ nhìn, động chạm vào tạo vật mà còn biết lắng nghe, biết thưởng thức cuộc sống như một món ăn mà tạo hóa ban tặng cho con người. Điều đó tạo ra nét riêng độc đáo trong phong cách của Xuân Diệu.
Trong thơ, Xuân Diệu là một trong những nhà thơ của phong trào Thơ Mới sử dụng một cách triệt để phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác trong hành trình thu nhận vẻ đẹp của tạo hóa và cuộc sống. Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác (Còn gọi là ẩn dụ bổ sung) là sự kết hợp của hai hay nhiều từ ngữ chỉ những cảm giác sinh ra từ những trung khu cảm giác khác nhau. Đây là một biện pháp tu từ được sử dụng linh hoạt, giàu màu sắc cá nhân. Có rất nhiều nhà thơ đã sử dụng biện pháp này như một yếu tố không thể thiếu để biểu cảm, trong đó, nhà thơ Xuân Diệu đã có những cảm nhận tinh tế cảnh vật và con người qua biện pháp tu từ ấy.
 Khao khát giao cảm, vồ vập trong những ham muốn tận hưởng vẻ đẹp cuộc sống bằng cái nhìn của cặp mắt xanh non, Xuân Diệu luôn mang đến những ý thơ mang sự táo bạo của cảm xúc. Có được điều đó là nhờ vào sự nhanh nhạy, sự cảm nhận kỳ diệu giác quan của người nghệ sỹ. Nhà thơ không đến với cuộc sống bằng những lối mòn quen thuộc như người ta thường cảm nhận mà bằng sự chuyển đổi cảm giác, thi nhân dường như biết “ luồn” cả vào tạo vật bằng nhiều cách khác nhau để cảm xúc của mình tuôn trào mãnh liệt.
Là nhà thơ của cảm thức về thời gian, Xuân Diệu luôn “ gắn” ở đôi bàn chân mình và trong xúc cảm của mình “ đôi bánh xe” vô hình để chạy đua cùng thời gian. Nhà thơ luôn lo sợ thời gian trôi chảy, khi ấy tuổi trẻ cũng theo đó mà tàn phai đi mãi. Chính vì vậy, thi nhân luôn coi tháng giêng là một tháng đẹp nhất của mùa xuân, là sự khởi đầu của vạn vật. Vẻ đẹp ấy được thi nhân cảm nhận một cách độc đáo, khác thường:
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
                                                               (Vội vàng)
Tháng giêng đến với con người và vạn vật, với màu sắc mới mẻ, tươi đẹp mà ta chỉ thường cảm nhận được bằng thị giác. Và chỉ bằng giác quan ấy, người ta có thể thấy được tháng giêng hấp dẫn và đẹp nhường nào. Với Xuân Diệu, không chỉ dừng lại ở việc ngắm nhìn cảnh vật tháng giêng mà nhà thơ còn tận hưởng bằng cảm giác của vị giác. Ông ngắm nhìn tháng giêng say sưa và tưởng như đó là một món ăn ngon, hấp dẫn. Món ăn ấy lại được diễn tả bằng một phép so sánh tu từ độc đáo càng làm tăng sự cảm nhận độc đáo mà tinh tế của thi nhân. Trong sự cảm nhận vị giác “ ngon” đã chứa đựng cả ánh mắt nhìn đặc biệt và ước muốn nếm thử. Cách chuyển đổi cảm giác ấy cho ta thấy cái vốn chỉ có thể ngắm nhìn, thành cái có thể sáp lại, va chạm được bằng cảm giác của vị giác.
Mùa thu là một thi đề quen thuộc trong thơ và mùa thu cũng hiện diện độc đáo trong thơ Xuân Diệu. Với thi nhân, mùa thu đến là mang đến những cảm nhận về sự phai tàn, rơi rụng của cây lá, sự bâng khuâng của lòng người. Và đặc biệt, cái rét về tự bao giờ cùng mùa thu đã làm cho lòng người thêm lạnh giá. Cảm giác ấy được thi nhân “lắng nghe” được một cách thần tình:
Đã nghe rét mướt luồn trong gió
( Đây mùa thu tới)
Mỗi khi mùa thu về, thời tiết chuyển mùa, báo hiệu những cơn gió heo may mang hơi lạnh trở lại, và con người cảm nhận sự giao mùa ấy chủ yếu bằng xúc giác, một cảm giác da thịt. Cái rét mướt ở đây chưa rõ rệt như mùa đông, mà chỉ là một chút ít và phải thật tinh tế mới nhận thấy nó đang lẫn trong không khí, đang len lỏi trong làn gió thổi về. Đã quá quen với việc cảm nhận cái rét rõ rệt bằng cảm giác da thịt rất thông thường, Xuân Diệu cảm nhận cái rét bằng thính giác- giác quan nhạy bén nhất. Nhà thơ như nghe thấy được, như phân biệt được chút rét mướt ít ỏi trong làn gió trở thành tín hiệu mong manh báo hiệu mùa thu bắt đầu.
Từ sự cảm nhận tạo vật trong sự thức nhọn các giác quan, Xuân Diệu còn chuyển hóa sự cảm nhận ấy vào bên trong tâm hồn của mình. Đó là sự cảm nhận tinh tế trong sự hòa điệu giữa nhạc, thơ, men rượu và tình yêu. Trong bài Huyền diệu, nhà thơ đã viết:
Này lắng nghe em khúc nhạc thơm
Say người như rượu như người tối tân hôn
                      ( Huyền diệu)
Khúc nhạc thường được cảm nhận bằng cảm giác của thính giác, ở đây lại được cảm nhận bằng khứu giác. Tác giả không miêu tả âm thanh, giọng điệu của bản nhạc, mà miêu tả cái linh hồn của bản nhạc, tức là cảm nhận hương vị của bản nhạc. Bằng khả năng quan sát và tưởng tượng của mình, nhà thơ đã biến cái không thể ( bản nhạc không mùi vị)thành cái có thể ( bản nhạc có mùi thơm) mà vẫn hợp lý. Bởi ở đây không phải là hương vị “thơm” thông thường, mà nó còn là tâm hồn, tâm trạng, là cảm xúc của người đang say sưa tận hưởng. Cả câu thơ toát lên chất men của sự sống dạt dào, mãnh liệt.
Trong sự ngất ngây của cảm xúc trước vẻ đẹp của thiên đường cuộc sống, sự trào dâng của con tim đang ôm trọn cả sự sống đang mơn mởn, hấp dẫn, nhiều khi thi nhân như muốn “nuốt” trọn những cái tuyệt vời vào con người của mình trong sự giục giã, thôi thúc:
Hãy uống thơ tan trong khúc nhạc
Ngọt ngào than gọi thuở xa khơi
                                          ( Huyền diệu)
Trong thực tế ta chỉ cảm nhận hương vị của thức uống bằng vị giác. Nhưng Xuân Diệu đã vượt lên trên sự cảm nhận vị giác thông thường, tiến đến sự hòa hợp với thị giác mà cảm nhận sự vật, tạo nên hình ảnh mới lạ đó là “uống thơ”. Thơ là nghệ thuật mà ta chỉ có thể cảm nhận bằng mắt, cảm thụ bằng tâm hồn, chứ chưa có ai uống thơ bao giờ. Xuân Diệu khát khao thơ, khao khát cuộc sống tươi đẹp đến mức vồ vập, có thể dốc cạn cái ly “ thơ” ngọt ngào ấy ngay lập tức. Với lòng ham sống của mình, nhà thơ đã vận dụng và huy động mọi giác quan, làm sống dậy cảm giác hòa trộn xuyên thấm lẫn nhau tạo nên tiếng lòng đồng điệu. Phải là nghệ sĩ mới có cái “nghe” kì diệu ấy và cũng là lúc chính nhà thơ làm cho độc giả trở thành nghệ sĩ.
Nhưng “Huyền diệu” vẫn còn là cái thô sơ, phải đến “Nguyệt cầm” thì mới thật là huyền diệu trong cảm nhận của thi nhân:
Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân.
 Nhờ phương thức ẩn dụ chuyển đổi cảm giác mà thơ Xuân Diệu có cả họa, nhạc hay chính tâm hồn nghệ sĩ hóa thành nhạc, thành họa và thơ! Dường như ngôn ngữ đưa ta vào một thế giới mới, một thế giới huyền diệu hơn, phong phú hơn và đánh thức trong ta những cảm quan nghệ thuật hằng ấp ủ trong lòng mỗi người.
Cứ như thế, các giác quan của Xuân Diệu dần dần được “thức nhọn” trong cảm xúc mãnh liệt của thi nhân. Sự lay động của tâm hồn đã lan tỏa thành những giác quan kỳ diệu để thưởng trọn vẻ đẹp của thiên đường trên mặt đất. Chính bằng điều này, Xuân Diệu đã mang đến cho thơ mới một luồng gió mới, một cách cảm nhận mới mẻ mà không phải ai, không phải thi nhân nào cũng có được. Đó là một hành trình sáng tạo trong thơ và cũng là hành trình “thức nhọn” các giác quan của thi sĩ để mang đến cho thơ vẻ đẹp lung linh, hấp dẫn và kỳ diệu.
 Nguyễn Thế Lượng
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thơ có cần thiết cho đời sống? 10 Tháng Ba, 2023 Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát nh...