Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

Xuân Diệu - Vây giữa tình yêu

 Xuân Diệu - Vây giữa tình yêu

TRI KỶ TRONG ĐỜI, TRI KỶ TRONG THƠ
Sau hòa bình lập lại được ít năm, tôi có dịp được quen biết hai ông. Lúc này Huy Cận và
Xuân Diệu đang vào mùa bội thu thơ ca thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Huy Cận
trong khoảng năm năm cho xuất bản ba tập thơ Trời mỗi ngày lại sáng, Đất nở hoa và Bài
thơ cuộc đời. Trong buổi trao đổi về tập Bài thơ cuộc đời khi tác phẩm vừa xuất bản, Huy Cận
rất vui và bảo: “Tôi chín lại với thực tế mới”. Còn Xuân Diệu thì sau Mũi Cà Mau – Cầm tay lại
có Một khối hồng. Tôi đến căn nhà 24 Cột Cờ trong buổi đầu với nhiều cảm mến. Căn phòng
Xuân Diệu gợi không khí làm việc, những tủ sách xinh xắn, bàn làm việc với những trang
sách mở nơi chủ nhân miệt mài, sáng tạo. Thỉnh thoảng gặp Huy Cận đi làm về cũng ghé
lại trò chuyện. Xuân Diệu hơn Huy Cận hai tuổi. Huy Cận ở cả tầng hai phía trên. Hai ông
cùng quê ở Hà Tĩnh quen và làm thân với nhau ở Trường Quốc học Huế. Huy Cận có lần hỏi
tôi: “Theo anh thì Nghệ An và Hà Tĩnh đất nào đậm chất thơ hơn?”. Tôi ngẫm nghĩ, Nghệ An
có nhiều nhà thơ lớn đặc biệt có Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh có Nguyễn Du và thời
hiện đại có Xuân Diệu, Huy Cận. Tôi trả lời là thật khó so sánh, mỗi miền một vẻ. Nếu thêm
Hồ Xuân Hương vào đất Nghệ An thì có thể còn khó so sánh nữa. Huy Cận cười và bảo
Nghệ An đậm chất thơ cách mạng còn Hà Tĩnh thì đậm chất trữ tình. Huy Cận và Xuân Diệu –
cặp song sinh ấy – thật là một hiện tượng hiếm có trong thơ hiện đại.
Trước Cách mạng tháng Tám, thơ đã dẫn mối cho hai người kết giao ở nhà trường. Xuân
Diệu học năm thứ ba, Huy Cận học năm thứ nhất. Chuyện đi đón Gôđa đã dẫn tới việc bị cắt
học bổng suýt bị đuổi học và sau hội đồng giáo sư đã bảo vệ họ. Trong tập thơ Lử thiêng,
Huy Cận đã viết bài Mai sau với ý thơ người an ủi chàng Huy Cận là Xuân Diệu:
Rất yêu thương xin nhớ gọi giùm tên,
Rất an ủi của bạn chàng Xuân Diệu.
Và đến bài Mai sau II Huy Cận vẫn xem Xuân Diệu là niềm vui lớn của đời mình. Cũng vì thế
mà khi Xuân Diệu ra đi, Huy Cận xót xa đau đớn với những ý thơ:
– Diệu ơi Diệu đã về yên tịnh
– Xuân ơi Xuân, Huy gọi còn nghe?
– Huy lên dây, đàn xuân về đồng vọng
và biết bao kỷ niệm của hai cuộc đời thơ:
Đi về mấy dạo hai thân một hồn.
Trước Cách mạng, năm 1942, một hôm đi chơi Mỹ Tho, Xuân Diệu mua tặng Huy Cận một
mảnh vải đẹp trong hiệu may:
Mỹ Tho một sáng lạ lùng,
Hai chiều vải dệt tao phùng Xuân Huy.
Huy Cận nói: “Chúng mình lãng mạn lắm, lãng mạn nhưng không sa đọa. Huy Cận thường
khoe trên đời này tôi chẳng nghiện gì từ những thứ nghiện của Tú Xương: “Một trà, một rượu
một đàn bà – Ba cái lăng nhăng nó hại ta” cho đến những đam mê của thời hiện đại”. Còn
Xuân Diệu qua nhiều lần tiếp xúc cũng không thấy mê say một thứ gì. Có lần Xuân Diệu về
Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp nói chuyện về thơ. Có em hỏi nhà thơ làm bài Lời kỹ nữcó gửi chút tâm tình riêng gì không? Xuân Diệu tỏ ý hơi bực mình. Ông nói đọc thơ phải hiểu cái hồn cốt của nó. Kỹ nữ ở đây là hình ảnh tượng trưng của người con gái tài sắc, ca kỹ nổi tiếng như trong sách Tàu như Đỗ Thập Nương mà vua chúa thèm muốn cũng không dễ chinh phục. Nhưng rồi số phận của họ cũng rơi vào cô đơn giống như nhà thơ đến với cuộc đời: “Chớ để riêng em lại gặp lòng em” đó chứ không phải mấy ả cô đầu đàn hát ở Khâm Thiên, Ngã Tư Sở. Đấy không phải là chốn để nhà thơ đặt chân tới.
Huy Cận kể: Trước Cách mạng, nhiều năm chứng minh ở xa nhau nên nhớ nhau nhiều lúc
buồn đến khóc. Một hôm gửi chiếc khăn mùi xoa có nước mắt cho Diệu:
Chiếc khăn đẫm lệ cho Xuân,
Lệ non sông, lệ trầm luân một nguồn.
Còn Xuân Diệu có lần kể là mỗi khi nhận được thơ của Huy Cận thì ngâm nga mãi. Ông nói:
“Khi Huy Cận gửi cho mình bài Nhạc sầu viết về một đám ma và tiếng nhạc buồn:
Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế!
Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường; thì mình không chịu được. Tiếng kèn đám ma cứ văng vẳng bên tai. Mình gửi thư cho Huy Cận và bảo bài thơ của Cận làm cho Diệu không chịu đựng nổi. Phải bít chặt hai tai lại vẫn như nghe tiếng kèn đám ma rên rỉ:
Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế!
Kèn đám ma hay ấy tiếng đau thương;
Của cuộc đời? Ai rút tự trong xương,
Tiếng nức nở gửi gió đường quạnh quẽ!
Sầu chi lắm trời ơi! Chiều tận thế.
Xuân Diệu ra trường và đi làm tham tá Nhà đoan ở Mỹ Tho. Ông rất khổ tâm với cảnh trái
nghề, trái nghiệp “thi sĩ hóa Tây đoan”. Xuân Diệu vẫn chờ khi Huy Cận đậu kỹ sư sẽ về cùng
sống với nhau với đồng lương tối thiểu. Cuối năm 1942, Huy Cận tốt nghiệp kỹ sư canh
nông và về làm việc ở Sở Nghiên cứu tằm tang. Ông nói: “Tôi chuyên về sâu bọ học. Tôi mổ
xẻ giỏi kể cả ruồi muỗi”. Ông nói tiếp:
“Đầu năm 1943 Xuân Diệu đánh điện hỏi: “Diệu đã từ chức được chưa?”. Huy Cận bảo: “Từ
chức ngay và về chúng mình sống với nhau ở phố Hàng Bông”. Lúc này lương tôi 90 đ đủ
nuôi hai người và gửi 10 đ nuôi hai em đang học ở Thanh Hóa. Giá gạo chỉ 8 đ một tạ.
Chúng tôi sống tạm đủ, đầm ấm. Chuyện này cũng có người băn khoăn. Nhà văn Nguyễn
Công Hoan sau này có lần hỏi: “Xuân Diệu yên tâm sống với đồng lương Huy Cận à? Không
nghĩ rằng một ngày kia Huy Cận có vợ thì sao. Anh khờ thế”. Xuân Diệu trả lời: “Tôi không
nghĩ đến điều ấy. Tôi tin rằng Huy Cận nó chẳng bao giờ bỏ rơi tôi”.
Xuân Diệu tuổi nhỏ ở Bình Định. Bình Định tình cảm, thiên nhiên đẹp, ca dao Bình Định rất
hay. Xuân Diệu cũng hay ca hát. Ông hát hay nhiều bài cải lương. Một lần trong đêm trăng
ngồi dưới bóng hoàng lan, Xuân Diệu ca điệu Nam ai, với giọng ấm và vang. Có lẽ ông cũng
không thật hứng thú với nhạc hiện đại. Sau thời kỳ học ở Quy Nhơn, Xuân Diệu ra Hà Nội
học ở trường Bưởi rồi năm thứ ba lớp tú tài về học ở Quốc học Huế. Những tháng năm học
ở Quốc học Huế bồi đắp và bổ sung thêm cho hồn thơ và phong cách Xuân Diệu. Từ miền
Trung ra miền Bắc là sự mở đầu cho một giai đoạn mới. Thiên nhiên miền Bắc đẹp, bốn
mùa rõ rệt, những ấn tượng về không gian, thời gian đậm nét tạo ra nhiều hình ảnh đẹp
trong thơ. Thời kỳ chung sống với Huy Cận ở Hàng Bông tuy khó khăn nhưng hai nhà thơ đã
có dịp gần gũi nhau thêm. Huy Cận giới thiệu Xuân Diệu vào hoạt động Việt Minh trong
phong trào thanh niên và Tổng hội Việt Minh. Xuân Diệu trong thời kỳ Tổng khởi nghĩa đã
chống Quốc dân đảng quyết liệt và có lần bị chúng vây bắt ở bờ Hồ nhưng nhờ mọi người
giúp đã thoát. Đi theo kháng chiến chống thực dân Pháp, Huy Cận là quan chức chính phủ,
còn Xuân Diệu hoạt động cho phong trào của Hội Văn nghệ Việt Nam. Có khi ông đi theo
chiến dịch, làm thơ, viết giới thiệu thơ bộ đội và quần chúng cách mạng. Và đến hòa bình lập
lại thì hai người ở hẳn bên nhau cho đến khi Xuân Diệu qua đời. Tòa nhà ấy trước đây chthơm. Xuân Diệu thường thức khuya và lao động không mệt mỏi. Huy Cận lại dậy sớm, sau
khi thể dục và vệ sinh cá nhân thì ngồi vào bàn làm thơ. Huy Cận có thói quen là thích đọc
cho người khác nghe những bài thơ vừa viết xong.
Những câu thơ nôm na của Huy Cận phác họa đôi nét sinh hoạt của hai người:
Đêm đêm trên gác đèn trong,
Cận ngồi cặm cụi viết dòng thơ ba.
và:
Sáng ra gõ cửa Diệu ơi
Nghe giùm thơ viết đêm rồi ra sao.
Kết thúc cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, Xuân Diệu và Huy Cận đã qua thời trẻ:
Đứa 57 đứa 55112 tuổi vẫn chăm với đời.
Chuyện trò trao đổi về thơ Xuân Diệu thường góp cho Huy Cận bổ sung nhiều ý thơ hay. Nhà
phê bình Hoài Thanh đã nhắc câu thơ: “Trên thành son nhạt chiều tê tái sầu” được Xuân
Diệu gợi ý đổi thành “Trên thành son nhạt chiều tê cúi đầu”. Câu thơ không còn chỉ là những
dòng tình cảm mà đã hình tượng hóa nói lên những chiều buồn buồn qua năm tháng như
đọng lại thành hình ảnh. Huy Cận cũng nói là 12 câu thơ sau cùng của bài Hoa đêm là do
Huy Cận viết. Xuân Diệu cũng bảo là được, hòa hợp với nhau. Huy Cận nhắc đến câu của
Montaigne: “Parce que c’est lui, parce que c’est moi” (bởi vì là anh ấy bởi vì cũng là tôi). Huy
Cận nói: “Tôi và Xuân Diệu đều giỏi tiếng Pháp nhưng cả hai không hề viết một câu thơ tiếng
Pháp”. Có lần Huy Cận cho tôi xem chiếc huy chương đồng được tặng khi học ở phổ thông
cho học sinh giỏi nhất tiếng Pháp. Còn Xuân Diệu cũng đã dịch hàng trăm bài từ tiếng Pháp
sang tiếng Việt. Bước vào tuổi sáu mươi, đã đến lúc các nhà thơ cũng muốn ngắm hình
bóng mình qua những tấm ảnh thời trẻ và ở những độ tuổi khác nhau. Bức ảnh phóng to của
Xuân Diệu và Huy Cận chụp ở Sài Gòn năm 1940 thời kỳ trước Cách mạng là tác phẩm gây
ấn tượng mạnh về tuổi trẻ, tình bạn và tình cảm trong sáng yêu đời. Huy Cận kể lại là một lần
Nguyễn Gia Trí vẽ cho Xuân Diệu bức họa. Xuân Diệu nói: “Anh cần tôi ngồi mấy giờ để vẽ thì
tôi xin sẵn sàng ngồi”. Nguyễn Gia Trí bảo: “Không cần, tôi thuộc anh rồi”. Nguyễn Gia Trí
cũng hay đùa vui: tuổi trẻ Xuân Diệu đam mê yêu đương đến sau này về già sẽ diễn ra cảnh:
Em xích lại và đưa lưng anh đấm
Chuyện này báo Ngày nay có lần cũng giễu vui trong đôi câu đối Xuân Diệu bước vào chợ
Đồng Xuân, đứng trước những quả dưa ngon và đọc:
Hỡi dưa hồng ta muốn cắn vào ngươi và vẽ Xuân Diệu đến tuổi giả:
Em xích lại và đưa lưng anh đấm.
Huy Cận cũng biết chuyện này và than phiền: “Xuân Diệu suốt đời không vợ không con nên
cũng không diễn ra cảnh vợ chồng già”. Trong phòng Xuân Diệu có một pho tượng bán thân
màu xám khá đẹp có hồn của nhà nặn tượng Song Văn. Có thể còn một pho tượng của một
nghệ sĩ ở Đà Nẵng tạc cho ông. Tôi nhớ dạo ấy Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa III họp ở
Đà Nẵng. Phòng Xuân Diệu ở cạnh phòng tôi trên gác 2. Ở trước cửa có một hành lang
được mở rộng ra và có kê một bộ bàn ghế để khách nghỉ ngơi chuyên trò. Một buổi sáng,
Xuân Diệu dậy sớm hơn mọi khi và như có công việc gì phải chuẩn bị. Khoảng bảy giờ thì
nhà điêu khắc mang theo một bị đất sét và đồ nghề đến. Xuân Diệu mời anh đi ăn sáng,
uống cà phê và sau đó thì bắt tay vào công việc. Thỉnh thoảng qua lại tôi cũng dòm ngó một
chút. Nhà điêu khắc khá nổi tiếng ở Đà Nẵng đã sáng tác thành công nhiều chân dung nhân
vật tiêu biểu. Và đến Xuân Diệu một vị khách quý, không dễ mấy khi có chuyện kỳ ngộ. Để
cho vui và tạo không khí, Xuân Diệu đọc một số bài thơ. Thời gian cứ thế thấm thoắt đã mấy
giờ. Phác thảo trên nét lớn đã hiện hình. Xuân Diệu đi lại ngắm nghía và bảo: “Pho tượng có
cốt cách và bề thế lắm nhưng sao mình không thấy giống mình”. Nhà điêu khắc mỉm cười và
nói: “Anh cứ yên tâm, cái khó là cốt cách và nét tạo hình chung, lát nữa em sẽ vuốt nhữngđường nét tỉ mỉ và không thể giống ai khác ngoài Xuân Diệu”. Xuân Diệu khẽ lắc lắc và gậtđầu.
Huy Cận cũng quan tâm đến tượng nhưng lại ở khía cạnh khác. Anh cũng có một pho tượng
bán thân màu trắng. Chị Lệ Thu vợ Huy Cận nhận xét là pho tượng không được giống ông.
Nhà thơ hay triết lý về tình đời này cảm thấy sự trôi chảy của thời gian và giới hạn của con
người trong cõi nhân thế qua những vần thơ sâu sắc về pho tượng:
Cuộc đời ta nặn, nặn ta,
Cái khuôn ai đúc, đúc mà có êm.
Đất ta may hãy còn mềm,
Mặt đời chưa rạn nặn thêm tháng ngày.
Mai đây nằm xuống đất dày,
Đất nguyên thủy lại đắp đầy mặt xương.
Bấy giờ may mới định khuôn,
Hôm nay bạn hỡi vui buồn chưa yên.
Hôm nay cuộc đời đã chia về đôi ngả, kẻ âm người dương. Xuân Diệu ra đi vội vàng còn để
lại nhiều công việc dang dở. Sống hăng say hoạt động, sáng tạo trên nửa thế kỷ có bao điều
hay điều lạ. Xuân Diệu chưa kịp viết trang hồi ký nào. Huy Cận đã có sáng kiến viết hồi ký
song đôi. Hồi ký là của riêng mỗi cuộc đời, của riêng mình nhưng làm sao có được khi Xuân
Diệu vội vã ra đi. Huy Cận – người bạn đời tri âm tri kỷ từng gắn bó năm tháng với Xuân Diệu
sẽ nói hộ phần nào cuộc đời của Xuân Diệu với bạn đọc. Hai nguồn thơ giàu bản sắc và
khác biệt nhau về phong cách sáng tạo cùng nảy nở trên một mạch đời, tình đời nhân hậu
và gắn bó thủy chung
XUÂN DIỆU, “ÔNG HOÀNG CỦA THƠ TÌNH YÊU”
Nhận xét về thơ tình, Tố Hữu – một nhà thơ mà cảm hứng thi ca ít đầu tư vào khu vực này đã
viết về Xuân Diệu: “Thơ tình rất khó viết và không dễ để có được một bài hay. Chúng ta đã có
một ông hoàng về thơ tình. Có thể nói, Xuân Diệu là nhà thơ lớn nhất của thời kỳ hiện đại.
Có thể có ai hơn? Tôi nghĩ chưa ai vượt được Xuân Diệu”( ).
Xuân Diệu đã đến với tình yêu từ tuổi trẻ. Nhịp đập của trái tim nhà thơ đã bắt vào bao sợi
dây thương mến của đời, của tình yêu đôi lứa nương cho cảm hứng thi ca bay lên. Thi sĩ đã
nguyện cầu cho số phận và xin được ngọn lửa thiêng của ngôi đền tình yêu để thắp sáng
suốt cuộc đời thơ. Trong một đêm hè năm 1979, ngồi bên biệt thự có vườn đào trĩu quả ở
chân núi Vitôsa thuộc thành phố Sôphia, nhà thơ nữ bậc nhất của Bungari, Bagriana đã giới
thiệu với tôi và nhà thơ Trần Đăng Khoa tập thơ tình thế giới chọn lọc của bà. Bagriana nhìn
về phía chúng tôi và nữ thi sĩ Đimitrôva và nói: “Tôi bắt đầu bằng Puskin và kết thúc bằng
Xuân Diệu. Tôi chọn Xuân Diệu, thơ tình Xuân Diệu là của chúng ta. Tiếng nói của thơ tạo
nhiều giao cảm, nhất là thơ tình nhưng không phải không có những ngăn cách về thời đại,
dân tộc và kênh văn hóa khác nhau. Xuân Diệu đã vượt qua tất cả để đến với mọi người, mọi
miền đất lành”.
Tình yêu bắt nguồn từ cuộc sống, thơ tình của Xuân Diệu cũng được khơi nguồn từ sức
sống trong đời và thiên nhiên tạo vật. Xuân Diệu có lần nói: “Sống phải có kỷ niệm, yêu phải
xúc động đến đáy sâu tâm hồn, nếu không thì cuộc sống có ý nghĩa gì?”. Và Xuân Diệu đã
yêu, đã yêu say mê như người tìm kiếm lẽ sống, như kẻ mộ đạo:
Tôi khờ khạo quá, ngu ngơ quá,
Chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì.
Nhà thơ ấy đã đến với cuộc đời với tấm lòng tin cậy, gắn bó chân tình như yếu đuối ngẩn
ngơ trước tình yêu, tình bạn nhưng ở bên trong là cái trí sáng tỏ, là tấm lòng bền vững như
Xuân Diệu đã chiêm nghiệm:
Phải can đảm mới bền gan yếu đuối,
Phải khôn ngoan mới dư trí dại khờ
Cũng vì thế thơ Xuân Diệu có sức hút của hương hoa thơm trong mùa đầu, của hạnh phúc
và vị đời cay đắng qua trải nghiệm.
Thơ tình Xuân Diệu nhiều màu vẻ. Nói như nhà thơ Thế Lữ: “Và ông đã du ngoạn trong xứ
tình yêu mến, nói cho ta hay những đường lối ẩn khúc quanh co( ). Và Tế Hanh: “Nhìn nhận
toàn bộ sự nghiệp thi ca của Xuân Diệu thì tài năng bộc lộ nổi trội nhất là ở mảng tình đưa
anh lên nhà thơ số một của dân tộc. Thơ tình của anh nói tới nhiều trạng huống tình cảm,
nhiều cảnh ngộ và ngõ ngách tâm hồn, có nhiều bài hay đến độ toàn bích, nhiều câu thơ hay
đã trở thành châm ngôn tình yêu”.
Trong thơ tình, Xuân Diệu khao khát tình yêu vô biên và tuyệt đích và dường như có lúc nhà
thơ đã đến được với xứ sở của tình yêu hạnh phúc.
Nhưng cũng thực ngắn ngủi cho dù vội vàng, chăm chút vội vã với từng phút giây của thời
gian, Xuân Diệu đã nói lên niềm vui của cuộc sống, vẻ đẹp của sự sống trong đời và thiên
nhiên tạo vật giữa thế giới chất chứa nhiều bất công, đau khổ. Nhà thơ Tố Hữu đã nhận xét:
“[…] thơ tình Xuân Diệu là tiếng ru của con người yêu đời, yêu cuộc sống. Chao ôi giữa xã
hội mà con người là chó sói với con người, tiếng reo vui của tình yêu là lớn lắm. Đó là dấu
hiệu của người thiết tha yêu cuộc sống, yêu tự do. Tình yêu nam nữ lúc này cũng là tình yêu
chung. Khao khát tình yêu tự do của nam nữ cũng là khao khát tự do nói chung, có thể tình
yêu nào đó cũng khởi đầu từ tình yêu nam nữ”( ). Nghĩ như thế là đúng đắn và thấu đáo. Đó
chính cũng là mặt mạnh của thơ Xuân Diệu so với những nhà thơ khác mà nỗi buồn riêng
lấn át.
Thơ tình Xuân Diệu cũng mang nặng nỗi buồn như quy luật muôn đời của tình yêu và thơ
tình. Những bài thơ tình nổi tiếng nhất của Tago, Lamáctin, Phêlích Arơve, Êxênhin,… cũng
là những bài thơ tình buồn. Buồn vì nhớ thương, xa cách đợi chờ, vì sự cách biệt của cảnh
ngộ gia đình đôi lứa, vì những định kiến xã hội tạo nên những ngăn cách… Tế Hanh nhận
xét: “Những bài thơ tình hay của Xuân Diệu thường nói về nỗi đau”. Trong thơ tình Xuân Diệu
có nỗi buồn của cảnh “tương tư chiều”; của “trái tim mang nặng ưu phiền”; của tâm trạng
mới yêu: “Mở miệng vàng và hay nói yêu tôi – Dù chỉ là trong một phút mà thôi!”; của người
tình đến muộn: “Suốt đời nuốt lệ vào trong ngực – Đem ái tình dâng kẻ phụ ta” và của cả tâm
trạng: “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”… Sau Cách mạng tháng Tám, thơ tình của
Xuân Diệu có bớt đi nhiều nỗi buồn nhưng vẫn còn những khoảng cách và tâm trạng buồn
không dễ dàng xóa đi về tình yêu đôi lứa trong thơ. Dù sao cái chuyện thường tình: “Yêu là
chết ở trong lòng một ít – Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?”, chẳng phải là một quy luật phổ
biến đó sao? Trong nền thơ ca phong phú giàu chất anh hùng ca và đậm đà màu sắc trữ
tình của dân tộc Việt Nam, thời kỳ nào cũng có những áng thơ tình hay. Cho dù kinh sách của Nho học, hay lời cầu nguyện ở chùa chiền cũng không ngăn cản được trái tim thổn thức.
Tình yêu là một tình cảm thánh thiện, sâu đậm tình người. Lời hò hẹn, lời nguyện cầu, lời tỏ tình, lời thề nguyện của từng đôi lứa đều là lời nói đẹp, là ngôn ngữ riêng và mang ý nghĩa chung với cuộc sống hiện nay và mai sau. Chúng ta vui mừng có Xuân Diệu, nhà thơ vây giữa tình yêu và tình đời cao đẹp.
Hà Minh Đức
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thơ có cần thiết cho đời sống? 10 Tháng Ba, 2023 Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát nh...