Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương

Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương

Thơ Hồ Xuân Hương là thứ thơ không chịu ở trong cái khuôn khổ thông thường, một thứ thơ muốn lặn thật sâu vào sự vật, vào những đáy rất kín thẳm của tâm tư, những đáy kín thẳm ấy không phải là lạc lõng, cô đơn, cá nhân, chủ nghĩa, mà trái lại, được hàng vạn người đồng tình, thông cảm. Thơ Xuân Hương không cầu an, người nghiên cứu thơ Xuân Hương cũng không thể cầu an.
Những bài thơ của Xuân Hương để lại, chúng ta hiện nay cần phải đọc với một trí phán đoán, cần phải thông cảm và hiểu cái nội tâm thơ Xuân Hương, muốn vậy, cần phải đặt thơ Xuân Hương vào hoàn cảnh lịch sử, hoàn cảnh xã hội xưa, trong đó thơ Xuân Hương đã sản sinh ra. Ta phải lấy cái nghĩa phản kháng bao trùm cả thơ ấy. Ví dụ, hãy thử lấy một bài thơ như bài “Quán Khánh” với những câu:
Đứng chéo trông theo cảnh hắt heo
Đường đi thiên thẹo quán cheo leo…
Bài thơ này chỉ có thể làm trong thời đại cũ, một thời đại cuối vua Lê chúa Trịnh, tất cả mọi cái, từ vua chúa đến quan lại, sư mô … đều “lộn lèo”cả rồi! Vì xã hội đã lộn tùng phèo như vậy, nên Xuân Hương mới “đứng chéo trông theo cảnh hắt heo” chứ không chịu đứng thẳng hai chân một cách trang nghiêm. Theo tôi nghĩ, trước đây là đứng tréo, tréo hai chân lại – chữ tréo sinh ra chữ trẹo – trẹo chân phải sang bên trái, chân trái sang bên phải, đứng một cách xách mé, sẵn sàng trêu chọc, thách thức, tuy nhiên, chữ chéo cũng có nghĩa tức nghiêng lệch, đứng một bên chứ không đứng vào giữa, đứng tréo chân có nghĩa đậm đà hơn là đứng chéo lệch, nhưng ở Bắc Bộ hay viết lẫn (và đọc tréo ra chéo). Xuân Hương mới làm một bài thơ với toàn những nét khập khiễng cong quẹo (Xỏ kẽ kèo tre đốt khẳng kheo) và kết bài thơ bằng một con diều ở trên trời nó cũng “lộn lèo”! Đó là sự chế giễu, một cái ứa gan của Xuân Hương với xã hội cũ.
Nói chung, chúng ta cần trân trọng, cần tránh rơi vào cái chủ nghĩa của chúng ta hiện nay, và cố gắng phát huy gia tài văn học và tinh thần của ông cha để lại, một gia tài cha ông ta phải nhen nhúm dựng xây và bảo vệ rất gian khổ, trải bao lận đận, chìm nổi, mất mát, mới đến chúng ta ngày nay. Đối với thơ Xuân Hương, hay thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm v.v… cũng vậy.
1. Thời con gái đi học chữ Nho:
Các sách kể lại rằng khi cha nàng mất, nàng được mẹ nuôi cho ăn học. Đi học, hay có những chuyện tinh nghịch không thể tránh được giữa học trò, giữa hai thứ học trò con gái, con trai. Thời này, người ta truyền lại rằng một hôm Xuân Hương trượt chân ngã giữa sân, bọn học trò con trai cười rộ chế giễu, Xuân Hương ứng khẩu đọc ngay chữa thẹn:
Giơ tay với thử trời cao thấp
Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài
(Nhưng lối thơ khẩu khí nói theo lối “to tát” này ta không thường thấy ở thơ Xuân Hương, đây có thể chỉ là một giả thuyết thôi).
Bài thơ “Vịnh giếng” ta có thể tin là nàng làm ở thời này:
Ngõ ngay thăm thẳm tới nhà ông
Giếng tốt thanh thơi, giếng lạ lùng
Cầu trắng phau phau đôi ván ghép
Nước trong leo lẻo một dòng thông
Cỏ gà lún phún leo quanh mép
Cá diếc le te tách giữa dòng.
Giếng ấy thanh tân ai đã biết
Đố ai dám thả nạ dòng dòng?
Trong bài, tài thơ đã rất cao, không non tay chút nào hết, nhưng tình thơ, tứ thơ còn ôm ấp một cái gì non tơ, mới mẻ, từ chiếc cầu trắng đến dòng nước trong đều “thảnh thơi”, cỏ gà không phải là mọc cao, cá diếc không phải là quẫy mạnh, cái giếng rất thanh và tân. Tuy không có gì làm bằng chứng cả, nhưng ta sẵn sàng tin những ngườI bảo rằng bài này là lúc Xuân Hương còn đi học, đây là “thời con gái” hay “lúa con gái”.
2. Thời Tổng Cóc:
Có thuyết bảo rằng, Xuân Hương lần đầu tiên lấy chồng, lại bị ép uổng lấy một người tổng già góa vợ, tục gọi Tổng Cóc (lại có thuyết bảo lần đầu Xuân Hương lấy ông phủ Vĩnh Tường). ThờI Tổng Cóc không có gì là vui, vì khi ông Tổng Cóc chết đi, Xuân Hương có một cái thở dài thoát nợ, như ngực vừa cất được một cái gì đè nén:
Chàng Cóc ơi! Chàng Cóc ôi!
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi!
Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé.
Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi!
Xuân Hương đã khổ lắm với người này, thì mới lấy cái tên “Cóc” ra mà đay nghiến. Nòng nọc đứt đuôi, Xuân Hương bảo Tổng Cóc chết hẳn đi, chết không phản hồi, Xuân Hương muốn chôn Tổng Cóc hai lần, và bôi vôi vào, đánh dấu vào, thật là đào sâu chôn chặt.
3. Thời ông phủ Vĩnh Tường:
Một người chồng nữa của Xuân Hương là ông thủ khoa làm đến quan tri phủ Vĩnh Tường (thuộc Vĩnh Yên), lấy nàng làm vợ lẽ. Xuân Hương nào có cái hạnh phúc tuy ngắn ngủi nhưng cũng dạt dào của bà Đoàn Thị Điểm, ngoài ba mươi tuổi lấy làm vợ kế của danh sĩ Nguyễn Kiều, hai vợ chồng rất tương đắc, rất quí nhau (1). Xuân Hương mặc dầu có một ông chồng hay chữ cũng rất khổ:
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!
Đến nỗi phải hạ một câu:
Thà trước thôi đành ở vậy xong!
Thì cuộc tình duyên với ông thủ khoa thật cũng chẳng có gì vui sướng, và cũng chỉ được ít lâu thì chồng mất. Lần này Xuân Hương không khóc cộc lốc như đối với Tổng Cóc là một kẻ cường hào dốt chữ, mà nàng khóc với bao suy nghĩ, một tiếng khóc nấc lại hai lần “Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ôi!”. Nhưng bài thơ chững chạc, đĩnh đạc quá:
Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ôi,
Cái nợ ba sinh đã trả rồi,
Chôn chặt văn chương ba thước đất,
Tung hê hồ thỉ bốn phương trời.
Cán cân tạo hóa rơi đâu mất,
Miệng túi càn khôn khép lại rồi
Hăm bảy tháng trờI đà mấy chốc,
Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ôi!
Những là “cán cân tạo hóa”, ”miệng túi càn khôn”, thơ Xuân Hương thường không hay dùng nhiều chữ như vậy. Cái tính cách “ông phủ” của người mất rõ quá, người thật yêu đương của mình chết, mình chẳng còn ruột gan đâu mà nói đến “cái nợ ba sinh đã trả rồi”. Bài thơ có tiếc thương, nhưng không rõ là yếu mềm, trái lại bài thơ nói về “lấy lẽ” thì rõ thực là tức tưởi, đớn đau. Hai đời chồng của Hồ Xuân Hương, mỗi lần một lần nông nổi như vậy.
4. Thời Chiêu Hổ:
Các sách có chép lại những giai thoại giữa Xuân Hương và Chiêu Hổ, nhưng vẫn không rõ: hai người làm “bạn thân” xướng họa với nhau vào đoạn đời nào của Xuân Hương? Lúc Xuân Hương đã góa hai lần rồi? Hay là giữa hai lần góa? Chiêu Hổ thọ 71 tuổi, sống từ triều Lê Cảnh Hưng đến triều Nguyễn Minh Mạng, tác giả Vũ trung tùy bút, là một danh sĩ rất tài giỏi. Theo ông Văn Tân (2), thì Chiêu Hổ kém Xuân Hương “chừng trên dưới mười tuổi gì đó”, nhưng trên thực tế của những bài thơ xướng họa với nhau, thì hai người cùng là rất trẻ, rất bằng vai; nếu chẳng bằng vai thì khó mà xướng họa như vậy. Đây là một đoạn rất lý thú của đời Xuân Hương. Chiêu Hổ và Xuân Hương bình đẳng lạ lùng, Xuân Hương không cho mình là “phận đàn bà” đào tơ liễu yếu, chịu thua sút phận đàn ông như tư tưởng thông thường thời ấy. Xuân Hương đối chọi nhau từng chữ với Chiêu Hổ, đua ganh nhau từng vần thơ đã đành, mà ở cái giọng đùa giễu trong các bài thơ, ta thấy Xuân Hương là một gái bản lĩnh nhìn thẳng mặt đàn ông.
Người ta kể rằng: có lần Xuân Hương hỏi vay Chiêu Hổ năm quan tiền, Chiêu Hổ đã hẹn cho vay rồi, nhưng sau đó đưa có ba quan, Xuân Hương ngang nhiên gọi Chiêu Hổ là Cuội (nói dối như Cuội ngồi gốc cây đa):
… Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt,
Nhớ hái cho xin nắm lá đa.
Chiêu Hổ cũng chẳng phải tay vừa, họa lại nguyên văn và đe Xuân Hương:
… Ừ rồi thong thả lên chơi nguyệt,
Cho cả cành đa lẫn củ đa.
Nếu Chiêu Hổ mà còn ngại ngần thì Xuân Hương mỉa mai cho:
Những bấy lâu nay luống nhắn nhe
Nhắn nhe toan những sự gùn ghè
Gùn ghè nhưng vẫn còn chưa dám
Chưa dám cho nên phải rụt rè
Nhưng nếu Chiêu Hổ mà dám, thì Xuân Hương lại tự xưng bằng “chị” và lấy ngay cái tên “Hổ” ra mà liên tưởng đến cái “hang hùm”:
Anh đồ tỉnh? Anh đồ say?
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày?
Này này chị bảo cho mà biết:
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay!
Xuân Hương bản lĩnh như vậy, Chiêu Hổ có một tâm tính cũng xứng với tâm tính Xuân Hương, Chiêu Hổ cũng rất “nôm”, rất thực. Chiêu Hổ thật là anh học trò Việt Nam thời xưa, được xếp sau nhất quỉ nhì ma, hơn thế nữa kia, ma cũng sợ, quỉ cũng kinh. Thơ họa của Chiêu Hổ phản công rất hăng, rất liều. Hăm dọa, cương quyết:
Hỡi hỡi cô bay tớ bảo nhe
Bảo nhe không được gậy ông ghè!
Ông ghè không được, ông ghè mãi
Ghè mãi rồi lâu cũng phải rè.
Nhanh trí khôn, hợp pháp hóa cái liều lĩnh của mình, và còn dấn lên hùng hổ:
Này ông tỉnh! Này ông say!
Này ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày!
Hang hùm ví bằng không ai mó,
Sao có hùm con bỗng trốc tay?
Chúng ta không chê Chiêu Hổ ăn nói lối “dùi đục”, mà lại lý thú thấy đôi bạn thơ, đôi bạn lứa Xuân Hương – Chiêu Hổ như câu đối hợp nhau, chắc ai cũng thấy rằng hễ có Xuân Hương thì có Chiêu Hổ, nhớ đến Chiêu Hổ là nhớ đến Xuân Hương. Ta nghĩ giá hai người thành đôi lứa! Nhưng “tuy vậy, nàng cũng không lấy được Chiêu Hổ” (3). Ta lấy làm lạ hơn nữa, là theo tục truyền, thì Xuân Hương ra cho Chiêu Hổ một câu đối, khi ông này thi đậu được bổ làm quan:
Mặc áo GIÁP, dảI cài chữ ĐINH, MẬU
KỶ CANH khoe mình rằng QUÍ
[* Lấy những chữ trong thập can (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quí). Ý muốn chế giễu Chiêu Hổ, vừa thi đỗ mặc áo đẹp của tân khoa ra vẻ ta đây.]
Đó là một câu chào mừng cho Chiêu Hổ, chỉ pha một chút đùa kích nhẹ nhàng. Thế mà Chiêu Hổ đối ngay lại bằng một lời mắng nặng nề:
Làm đĩ CÀN, tai đeo hạt KHẢM, TỐN
LY ĐOÀI khéo nói rằng KHÔN
[* Lấy những chữ trong bát quái (Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài). Ý mắng Xuân Hương là con đĩ càn rỡ, lại còn tự phụ, khoe khéo, khoe khôn. Những chữ Mậu, Kỷ, Canh ở câu trên và Tốn, Ly, Đoài ở câu này là thêm vào để lấy âm thanh cho dễ đọc.]
Đây không phải chỉ là việc lấy chữ trong bát quái chọi với chữ trong thập can, quan Phạm Đình Hổ sao lại lên mặt với bạn thơ của mình như vậy? Sao vô lễ đến mức ấy? Phạm Đình Hổ nhận được thơ hỏi thăm của Xuân Hương, đã làm thơ đáp lại, trong đó có câu:
Này đã mần cha thằng Xích tử (*)
Rày thì đù mẹ cái hồng nhan (**)
(*) Xích tử : con đỏ, trỏ dân chúng
(**) Theo Lê Thước, thì hai câu này là của Nguyễn Công Trứ – thân hai câu này là vô nghĩa lý: tại sao đã được mần cha thằng xích tử, thì lại đù mẹ cái hồng nhan! Không thèm đù nữa, hay lại đù hơn bao giờ hết? Chẳng qua đây là đối chọi chữ chan chát cho thích.
Những chuyện tục truyền như thế này, rất có thể không phải là sự có thật (có ý kiến cho Chiêu Hổ chỉ là nhân vật trong giai thoại, không phải là Phạm Đình Hổ), nếu mà có thì như vậy thật đáng buồn biết chừng nào, Chiêu Hổ thì có vợ con, yên nhà yên cửa, tốt thân tốt thế, quan lớn sống lâu! Còn Xuân Hương thì lận đận, long đong, chưa bề nào! Hạ những lời đùa như thế giữa hai người tài tử ai đáng hơn ai?
(1) : Bà Đoàn Thị Điểm 37 tuổi mới lấy chồng, 44 tuổi thì mất
(2) : trong quyển Hồ Xuân Hương của Văn Tân
(3) : Theo Nam Thi Hợp Tuyển của Nguyễn Văn Ngọc
5. Khóc hổ người cười ra nước mắt:
… “Xuân Hương là một người có bản lĩnh mạnh mẽ. Cái việc nàng phải bị xã hội phong kiến coi là “đàn bà” thấp kém, bị khinh là “phụ nhân rẻ rúng” chỉ càng làm cho sự phản ứng của nàng mạnh lên. Mắt hàng ngày nhìn thấy cái xã hội phong kiến bất công, khắc nghiệt, giả dối, tan rữa, nàng phản kháng cái xã hội ấy. Nàng lấy những vật rất tầm thường mà tự ví mình để chọc thiên hạ, em như bánh trôi nước bị người ta nặn, em như quả mít trên cây bị người ta mân mó, em như con ốc nhồi bị người ta ngó ngoáy, nhưng ốc nhồi vẫn ngang nhiên “đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi”, quả mít vẫn “vỏ nó xù xì, múi nó thơm”, bánh trôi “vẫn giữ tấm lòng son”. Suốt đời nàng, nàng sẽ châm chọc mãi cái xã hội ấy, không cho nó ăn ngon ngủ yên. Xuân Hương sẽ cười, cười nhọn, cười sắc, cười gằn, nàng sẽ rượt đuổi các nhân vật xấu xí của nó mà cười vào tận óc, nó không thể bịt tai lại được.
Bánh trôi nước
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổI ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son
Quả mít
Thân em như quả mít trên cây,
Vỏ nó xù xì, múi nó dày.
Quân tử có thương thì đóng cọc,
Xin đừng mân mó nhựa ra tay.
Ốc nhồi
Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi
Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi
Quân tử có thương thì bóc yếm
Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi.
Bọn công tử bột nhà giàu có tiền, tập tễnh làm thơ, hau háu ghẹo gái, hợm hĩnh khoe chữ, Xuân Hương gọi giật họ:
Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Lại đây cho chị dạy làm thơ!
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa…
Họ đã trót đề thơ không hay lên tường chùa, Xuân Hương không tha thứ:
Dắt díu đưa nhau đến cửa chiền
Cũng đòi học nói, nói không nên
Ai về nhắn bảo phường lòi tói
Muốn sống đem vôi quét trả tiền
Xuân Hương bảo họ câm mồm đi:
Một đàn thằng ngọng rủ xem chuông,
Nó bảo nhau rằng ấy ái uông! (ấy cái chuông)
Bọn cậu viên, cậu ấm không thực bụng yêu thương, chỉ định quẩn quanh chim chuột. Bọn bạc tình, bọn nhạt nhẽo, Xuân Hương lấy cau, lấy trầu ra mà mắng khéo hoặc mai mỉa. Các sách kể chuyện rằng: có một cậu con nhà giàu quyền quí nhưng đầu óc rỗng tuếch cũng đến lăm le, bị Xuân Hương cho đưa trầu cau ra mời, mà trầu cau lại có hai câu thơ này kèm theo:
Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương mới quệt rồi
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá bạc như vôi.
Bọn quan võ hoạnh hoẹ, lăm lăm một thứ sát khí rỗng tuếch, Xuân Hương dành cho họ một cái choảng đích đáng, lấy ngay y phục họ mà vẽ họ y như hệt, còn bôi màu vào:
Bác mẹ sinh ra vốn chẳng hèn
Tối tuy không mắt sáng hơn đèn.
Đầu đội nón da loe chớp đỏ
Lưng đeo bị đạn rủ thao đen.
Bọn quan thị – Thị vào chầu thị đứng xem, thị thấy thèm thị không có ấy – chỉ vì “không có ấy” mà được làm quan, lại nhiều lúc làm quan to (các chúa Trịnh về sau rất trọng dụng quan thị) , Xuân Hương vặt trụi họ ra:
Rúc rích thây cha con chuột nhắt
Vo ve mặc mẹ cái ông bầu
Đố ai biết được vông hay trốc (4)
Còn kẻ nào hay cuống với đầu
[* Một vế dưới của bộ câu đối xưa được truyền tụng, đối lại với : Vũ cậy mạnh vũ ra vũ múa, vũ mắc mưa vũ ướt cả lông (mấy chữ đồng âm với vũ & thị có nhiều nghĩa). Hai câu đối này là của bọn quan võ và quan thị trong triều đình chế nhạo lẫn nhau.]
Xuân Hương hỏi tướng giặc Sầm Nghi Đống (5) đi xâm lược nước người chết bỏ xác, trên kia có bài thơ “đứng tréo”, ở đây là bài thơ “trông ngang”, trông lên thì chiêm ngưỡng, trông xuống thì che chở, trường hợp này chỉ đáng trông ngang bằng nửa con mắt thôi:
Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo
Kìa đền thái thú đứng cheo leo
Ví đây đổi phận làm trai được,
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu!
Đặc biệt, đối với sư “hổ mang”, Xuân Hương dành cho nhiều bài đả kích hơn cả. Họ là người không có dân tộc (chẳng phải Ngô, chẳng phải ta). Sư chỉ là giả dối, được người ta dâng oản cho, coi như thần Phật, nhưng vãi thì nấp ở sau lưng. Xuân Hương không chịu được đến cả cái giọng tụng kinh kéo dài và cái nhạc chập choeng kèm theo, nghe khôi hài, ngái ngủ:
Chẳng phải Ngô, chẳng phải ta
Đầu thì trọc lốc, áo không tà
Oản dâng trước mặt dăm ba phẩm
Vãi nấp sau lưng sáu bảy bà
Khi cảnh, khi tiu, khi chũm chọe
Giọng hì, giọng hỉ, giọng hi ha…
Thời Hồ Xuân Hương, cuối đời Lê Trịnh, Phật giáo trước đã suy, nay lại càng suy đốn, số sư ngày càng đông ăn hại của dân, làm điều bậy bạ. Ngoài cái lý do xã hội ấy, có thể còn một lý do nữa khiến Xuân Hương đả kích sư. Xuân Hương là người rất ham sống, bám chặt lấy cuộc sống, nay thấy những người đàn ông, lưng cũng dài, vai cũng rộng, rõ ràng là kẻ nam nhi đủ mắt đủ tai đủ người, mà bỗng dưng lại đi yếm thế (chưa chắc!), lại đi làm những người dở dang, uổng phí, Xuân Hương thấy mà nảy ra một cái tức giận sâu sắc chăng? Xuân Hương đay nghiến họ nhiều lắm:
Người xưa cảnh cũ đâu đâu tá.
Khèo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu!
(Tây Hồ Hoài Cổ)
Đang giữa bài thơ vịnh hang Thanh Hóa, Xuân Hương cũng choang cho sư, và cả tiểu nữa, ăn no béo mập:
Một sư đầu trọc ngồi khua mõ
Hai tiểu lưng tròn đứng giữ am.
Xuân Hương nhè đầu sư mà cho ong đốt:
Nào nón tu lờ, nào áo thâm
Đi đâu chẳng đội để ong châm
Đầu sư há phải gì (6) bà cốt
Bá ngọ con ong bé cái nhầm
Giễu sư, Xuân Hương giễu cả chùa:
Quán Sứ sao mà cảnh vắng teo?
Giễu cả những vật để thờ cúng:
Chày kình tiểu để xuông không đấm
Tràng hạt vãi lần đếm lại đeo
Giễu cả sự tu hành:
Cha kiếp đường tu sao lắt léo
… Trái(chái)* gió cho nên phải lộn lèo.
(* ”Chái gió” đọc lái lại thành “*** giái”)
Và cũng không nể gì cả cái tòa sen của Phật:
Tu lâu có lẽ lên sư cụ
Ngất nghễu tòa sen nọ đó mà!
Trong cái xã hội phong kiến lúc suy tàn thì những tên gọi “hiền nhân”, “quân tử”, “anh hùng” chỉ còn là những cái vỏ rỗng ruột, chỉ còn là những danh hiệu bất tài, bọn hèn nhát đang cầm quyền, lợi dụng đắp phủ lên mình chúng. Xuân Hương đã bóc cái lớp vỏ sơn kia của những nhân vật để lòi cái cốt gỗ mục bên trong. Xuân Hương mát mẻ vờ kính nể họ, để chế giễu họ:
Hiền nhân quân tử ai mà chẳng
Mỏi gối chồn chân cũng phải trèo…
(Đèo Ba Đội)
Quân tử chi mà chuyên môn sờ mít:
Quân tử có thương thì đóng cọc
Xin đừng mân mó nhựa ra tay
Và ngoáy ốc:
Quân tử có thương thì bóc yếm
Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi.
Quân tử chi mà đứng chảy nước dãi trước bức tranh “Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng”:
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt
Đi thời cũng dở, ở không xong!
Quân tử ơi là quân tử ơi! Trước cái cảnh đẹp “dẫu không bồng đảo cũng tiên đây”, nào là nhạn điểm, mây trùm, nào vừng nguyệt chếch, nào là lá thu bay, lẽ nào đành bất lực:
Hỡi người quân tử đi đâu đó!
Thây cảnh sao mà đứng lượm tay?
Cho nên, cái “quạt” đặc biệt của Xuân Hương (Chành ra ba góc da còn thiếu, khép lại đôi bên thịt vẫn thừa), Xuân Hương đem phất vào mặt anh hùng, đem đội lên đầu quân tử:
Mát mặt anh hùng khi tắt gió
Che đầu quân tử lúc sa mưa.
Vua chúa cũng thế thôi, Xuân Hương coi họ rất tầm thường, cũng chỉ là “một cái này”, nhất là chúa Trịnh:
Hồng hồng má phấn duyên vì cậy,
Chúa dấu, vua yêu một cái này.
Và đến cả trời, Xuân Hương cũng huých cho cái bác “hóa công” kia, chê trách như bằng vai phải lứa:
Khéo léo bày trò tạo hóa công!
Ông chồng đã vậy, lại bà chồng.
(Đá Ông Chồng, Bà Chồng)
Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm
Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom…
… Lâm tuyền quyên cả phồn hoa lại
Rõ khéo trời già đến dở dom.
(Động Hương Tích)
Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc,
Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm.
(Hang Cắc Cớ)
Xuân Hương chế giễu đả kích cả một xã hội phong kiến thời mình như vậy, với một giọng dõng dạc, chủ động, đàn chị. Xuân Hương cười. Nhưng cái cười của Xuân Hương, cùng một tính chất với cái cười của Tú Xương sau này và còn ở trên một bậc cao hơn, là một cái cười lớn lao, Xuân Hương không lấy một thứ văn hạng nhì ra để làm “thơ trào phúng”. Những nhà trào phúng vĩ đại không nhe răng ra mà cười, không chửi bằng lời nói, họ ném cả trái tim của họ, ném cả cuộc đời của họ vào cuộc đời, cũng như những nhà thơ trữ tình vĩ đại. Trong xã hội cũ, thơ của họ thực chất cũng là máu và nước mắt, mặc cái áo trào phúng đó thôi. Nhà hài kịch vĩ đại Pháp Molière (thế kỷ 17) chết (7) trên sân khấu khi đang diễn hài kịch Người bệnh tưởng, đã viết nhiều hài kịch kiệt tác, làm cho người ta cười rất nhiều, nhưng cái cười vui của ông đúng là như Alfred de Messet, nhà thơ Pháp ở thế kỷ 19 đã nói:
Cái vui cười mạnh chắc, rất buồn và rất lâu
Đến nỗi mới cười xong, ta thấy cần phải khóc.
Những thiên tài trào phúng, tính cổ kim, họa chỉ có vài, ba, bốn… Những nhà trữ tình vĩ đại, vẫn là quí hiếm, nhưng còn tính được hàng chục…Xét như vậy, để thấy cho hết cái cười lớn lao của Xuân Hương. Miền Nam ta có câu tục ngữ rất hay: Khóc hổ ngươi, cười ra nước mắt. Đúng với Xuân Hương lắm!
Xuân Hương muốn mượn cái cười để đánh cho đau vào cái xã hội cũ, nhưng trái tim nàng, đời nàng đã bị nghiến trong cái guồng máy oan nghiệt của nó. Trào phúng của Xuân Hương chặt với trữ tình…
(4): Lá vông nhọn, lá trốc bè bè : theo chú thích của Trần Thanh Mại thì có câu tục ngữ “Ngồi lá vông, chổng mông lá trốc”
(5): Một tướng của triều Thanh sang đánh ta, bị chết trận ở Đống Đa năm 1789.
(6): Ca dao:
Bà cốt đánh trống long tong.
Nhảy lên nhảy xuống để ong đốt gì.
(7): Molière (1622-1673) tác giả của những hài kịch trứ danh: Người biển lận, Trưởng giả học làm sang, Người bệnh tưởng, Đạo đức giả, Kẻ đau đời…
Tranh của Alexander Smirnov
Xuân Diệu
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ có cần thiết cho đời sống

Thơ có cần thiết cho đời sống? Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát những câu thơ tương tác ...