Thứ Năm, 29 tháng 7, 2021

Lột trần Việt ngữ 2

Lột trần Việt ngữ 2

Chương IX - Về loại từ Cái và Con

Khi học ngôn ngữ của các dân tộc gốc Mã Lai, chúng tôi có nhận thấy một điều kì dị này là trừ ngôn ngữ Việt Nam ra, còn thì không có nhóm Mã Lai nào có loại từ CÁI hết, và có nhiều dân tộc không hề có bất cứ loại từ nào.

Theo nghiên cứu của giáo sư Trần Ngọc Ninh (Bách khoa số 349, ngày 15/07/1971) thì cái cây chẳng hạn, là một từ, tức là một đơn vị bất khả phân, và như thế cái không còn là loại từ nữa, như chúng tôi đã nói. Nhưng chúng tôi hơi nghi ngờ vì Việt ngữ, qua cuộc kiểm soát của chúng tôi, chỉ là Mã Lai ngữ một trăm phần trăm, mà không có nhóm Mã Lai nào có những từ có CÁI đứng trước hết.
Thí dụ ta nói Cái thang thì Mã Lai Nam Dương nói Tanga, Chàm nói Thang; Nhựt Bổn nói Tana chớ không hề nghe họ nói Cái Tanga, cái Thang, cái Tana bao giờ. Lại thí dụ ta nói Cái cửa sông thì Mã Lai nói Kưala sôngai, tức cũng không có Cái đứng trước.
Mà không riêng gì Mã Lai Nam Dương, mà Cao Miên, Thái, Chàm, hay Nhựt Bổn gì cũng thế cả, không ai có Cái hết.
Đồng bào Thượng Bru giàu loại từ nhứt, nhưng vẫn không có loại từ CÁI.
Như vậy ta phải hiểu rằng CÁI của Việt Nam là loại từ mới sáng tác về sau, do một ảnh hưởng ngoại lai, chớ gốc tổ không có, mà các nhóm khác, tuy có chịu ảnh hưởng ngoại lai, cũng không có, vì CÁI sở dĩ nảy sanh ra trong Việt ngữ chỉ vì một ngộ nhận của dân chúng Việt Nam, mà khi nói đến ngộ nhận thì phải hiểu rằng các dân tộc khác không cùng chung ngộ nhận với ta, nên họ không hề có CÁI.
Chúng tôi tìm học, mà thấy rằng CÁI chỉ mới xuất hiện sau Mã Viện thôi, chớ không có lâu đời lắm, mà, như đã nói, chỉ do một sự ngộ nhận của dân chúng Việt Nam.
Nên biết rằng trong đạo quân viễn chinh của Mã Viện, tuy có quân Dạ Lang, quân Quảng Đông, Phúc Kiến, nhưng chủ lực quân vẫn là người Hoa Bắc, vì các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến chỉ mới bị nhà Tần chinh phục trước đó không lâu, và họ chưa biến thành Tàu, và nếu có mặt họ, họ cũng nói một thứ tiếng Tàu ba trợn. Quân Dạ Lang cũng không phải là người Tàu.
Vậy ngôn ngữ được nói quanh các trại quân, phải là Quan Thoại. Mà Quan Thoại thì có danh từ CÁ (họ cũng đọc là Cá, các nhà nho ta cũng đọc như thế), nhưng danh từ ấy không phải là loại từ, nó là danh từ, và có nghĩa là Đơn vị.
Ta cứ nhìn vào một gia đình Quảng Đông ở Sài Gòn thì rõ. Dân Quảng Đông cũng nói tiếng Tàu, nhưng đọc bậy bạ cả, y hệt như các nhà nho ta, chớ không bao giờ có ngôn ngữ Quảng Đông như ai cũng tưởng.
Một ông gia trưởng Quảng Đông chia bánh cho con ông ta, và ông ta nói: Dzách cô, lượng cô, xám cô, v.v.
CÔ là CÁ đọc sai chớ không có gì, và ý ông ta muốn nói: “Một đơn vị, hai đơn vị, ba đơn vị” đấy.
Dân Lạc Việt đã nghe lính Hoa Bắc nói: Ýi cá, lèng cá bằng Quan Thoại, và ngộ nhận rằng trước tên các món vật, phải có từ CÁ (đọc sai là CÁI) mới là hay. Thế rồi ta chấp nhận từ ấy, nó biến thành loại từ của ta, và đồng thời biến hẳn văn phạm ta, vốn không có loại từ CÁI bao giờ cả, trước Mã Viện.
Nếu không hiểu như chúng tôi, thì không sao cắt nghĩa nổi tại sao không có nhóm Mã Lai nào có CÁI hết, trừ Mã Lai Việt Nam.
Trước đây, ta không biết ta thuộc chủng nào, và tin theo ông H. Maspéro rằng là ta là một chủng riêng biệt, không dính với ai cả, thì nếu chỉ có ta là loại từ CÁI, không làm ai thắc mắc hết. Nhưng nay biết chắc một trăm phần trăm rằng ta là Mã Lai, và ba bốn mươi dân tộc khác nữa cũng là Mã Lai, thì sự kiện chỉ có một mình ta có loại từ đó, phải được đặt thành vấn đề nghiên cứu và được giải đáp thỏa đáng.
Chủ trương rằng CÁI và CON không thể giao hoán với nhau cũng không ổn. Rõ ràng ca dao ta hát:
Cái cò, cái vạc, cái nông
Chẳng những CÁI đã giao hoán với Con vật, mà giao hoán cả với Con người nữa. Đó là dấu hiệu lạm dụng của buổi đầu ngộ nhận, ta dùng CÁI loạn xà ngầu, sau rồi ta mới hạn chế nó để dùng làm loại từ chỉ đồ vật bất động mà thôi.
Chúng tôi lại có bằng chứng rằng dân Lạc bộ Trãi, hồi thời Trung cổ nói Con nhà, Con đá, Con trời, thay vì nói Cái nhà, Ông trời, Cục đá như ngày nay.
Vậy Cái là loại từ khả phân. Tánh cách khả phân lộ rõ trong hai câu đối thoại sau đây:
“Bác làm gì đó?”
“Tôi đốn cây”.
Không thể nói tôi đốn Cái cây. Còn tánh cách có thể giao hoán, thì câu ca dao trên kia đã cho thấy, mà không phải tại ca dao cổ nên mới còn giữ tánh cách đó, mà cả tục ngữ hiện kim cũng còn mang tánh cách giao hoán vì ta thường nói: “Phận con ong, cái kiến” và loại từ Cái chỉ mới có mặt sau Mã Viện mà thôi.
Còn CON? Loại từ CON thì dân Lạc bộ Chuy và Lạc bộ Trãi có. Nhưng đó cũng là loại từ mới xuất hiện về sau, tuy xuất hiện trước loại từ CÁI, nhưng vẫn không lâu đời lắm.
Theo một chương tới, quý vị sẽ thấy rằng CON, KO, O chỉ có nghĩa là NGƯỜI hồi cổ thời. Nhưng danh từ NGƯỜI lại ra đời, thay cho CON, O. CON hóa ra dư dùng và người ta cho nó một cái nghĩa khác. Ta dùng nó để làm loại từ (Mot générique) đặt trước các vận động (con chim, con vụ) hoặc các vật nhỏ bị động (con dao).
Sự thay bực đổi ngôi xảy ra vào thời nào? Ở một chương tới chúng tôi cho rằng vào khoảng 500 năm trước Tây lịch, tức vào thời mà một ông Hùng Vương vay mượn KITA của Lạc bộ Mã. Thời đó, NGƯỜI đã xuất hiện, nhưng chưa mang dấu huyền và chỉ mới mang nghĩa là MẦY.
Đối với tai của người Cổ Việt còn sống sót ở đèo Mụ Già là người Khả Lá Vàng thì CON CHÓ có nghĩa là NGƯỜI CHÓ vì họ biết CON mà không biết NGƯỜI, lại không biết CON với tư cách loại từ.
Ta may mắn còn ca dao, tục ngữ xưa, nên ta mới dựng lại được xâu chuỗi biến dạng của các danh từ và nhờ thế ta mới thấy mọi thay đổi, NGƯỜI nguyên thỉ, NGƯỜI cổ, NGƯỜI trung cổ ra sao.
Chúng tôi bắt gặp sự vay mượn và biến nghĩa của Con trong ngôn ngữ của người Mạ. Người Mạ là đồng bào Thượng trên Cao Nguyên Lâm Đồng, họ cũng thuộc chi Lạc bộ Trãi như ta (nhưng các ông Tây đã nói liều rằng họ là Cao Miên).
Trong ngôn ngữ Mạ, Con được dùng như danh từ và có nghĩa là Người y như nơi người Thái, nhưng nó cũng được dùng như loại từ, giống hệt như Việt Nam. Đó là chứng tích biến nghĩa nhưng chưa xong, và chứng tích đó đánh dấu thời mới biến nghĩa Con, được dùng như thế đó, tức vừa là danh từ có nghĩa là Người, vừa là loại từ.
Dấu vết thời gian còn nguyên vẹn trong ngôn ngữ Mạ. Họ lạm dụng Con y hệt ta lạm dụng Cái để gọi Cái Cò, Cái Vạc, Cái Nông, vì họ nói Con Trời, Con Đá, Con Cây .
Có lẽ xưa kia, thuở ta còn ở vào trình độ của người Mạ ngày nay, ta cũng nói con trời, con đá, con cây, y hệt như người Mạ. Đó là sự lạm dụng của buổi đầu.
Người Mạ có những bài dân ca như sau:
Kúp kon sim, any tơm ta any
Kúp kon Mạ any tơm ta đuốt
Dịch nghĩa:
Bắt con chim, tôi chỉ sanh sự với tôi.
Bắt người Mạ, tôi phải đánh nhau với họ.
Chỉ trong hai câu, ta đã thấy rằng Con được dùng với cả hai nghĩa: danh từ (có nghĩa là người ) ở câu dưới, và loại từ ở câu trên.
(“bắt người Mạ” là bắt các tù binh trong những cuộc chiến tranh bộ lạc, tục đó nguyên vẹn nơi người MẠ của thế kỷ 20)
Nhưng chẳng những có Con Mạ, mà lại có Con Trời nữa:
Ring tua con trô, tua tiở
Cóp tua mi, tua any
Dịch nghĩa:
Trời đồng ý với đất (con tro = con Trời)
Anh với em đồng ý với nhau
Ta lại còn một danh từ Cái rắc rối nữa, tưởng cũng nên nói rõ ra, mặc dầu danh từ này không gây ngộ nhận bao nhiêu.
Khi người Tàu nói họ đi Cái xị, tức đi Thị, đi Chợ, thì Cái ở trong trường hợp nầy, hoàn toàn không liên hệ đến những Cái khác. Cái ở đây là danh từ Tàu mà ta đọc sai là Nhai và có nghĩa là Đường phố. (Rue)
Thị của Tàu, không phải chỉ có nghĩa là chợ, mà còn có nghĩa là thành phố. Vậy đi Cái xị là đi Nhai thị, tức đi qua các phố của thành phố, y hệt như Việt Nam nói Đi phố. Đi Cái Xị của Tàu, không hề chỉ có nghĩa là Đi Cái Chợ đâu, mặc dầu khi nói như vậy, họ cũng có thể đi chợ, nhưng không phải luôn luôn đi chợ, miễn có đi qua các Cái, tức các Nhai là đủ rồi.
Hiện ở Chợ lớn, ngoài các bảng tên phố của nhà nước, người Tàu thường đặt một bảng nhỏ đề chữ Tàu, để đồng bào họ biết đâu là đâu. Đại khái có một ngõ hẻm mang tên là Ô-Y-Hạng, còn đường Lý Nam Đế nguyên vào thời Pháp thuộc tên là Rue de Canton, thì nay nó mang tên chánh thức của nhà nước là đường Lý Nam Đế, nhưng có bảng nhỏ chữ Tàu để là Quảng Đông Nhai, mà họ đọc là Quảng Tống Cái.
Danh từ Cái này ta không có dùng trong Việt ngữ, mà chỉ biến thành Nhai trong Hán Việt mà thôi, nhưng đôi khi cũng gây ngộ nhận vì nghe người Tàu nói rằng họ đi Cái Xị, ta ngỡ họ nhứt định phải đi Cái thị, tức Cái chợ.
Luôn tiện, chúng tôi cũng xin nói rõ về tĩnh từ Cái của Việt ngữ. Cái không hề có nghĩa là giống Cái, mà oái oăm thay, lại có nghĩa là giống đực.
Trong Mã Lai ngữ, tĩnh từ Laki, bị Chàm biến thành Licáy và Việt biến thành Cái, có nghĩa là đàn ông, là giống đực, là lãnh tụ. Ngón tay Cái không phải là ngón tay của cô nào hết, mà là ngón tay to nhứt. Đường Cái không phải là đường để cho người đẹp đi dạo mà là đường rộng rãi, thợ Cái là thợ “xếp” đấy.
Con dại cái mang, không phải là Mẹ chịu trách nhiệm, mà là cha lãnh đủ, và Bố Cái Đại Vương, không phải là ông Phùng Hưng và bà Phùng Hưng, mà chỉ có ông Phùng Hưng thôi.
Hiện người Mã Lai có thành ngữ Ibu LáKi.
Ibu = Bu= Mẹ
Láki = Thủ lãnh
Và thành ngữ đó có nghĩa Mẹ là nhà lãnh đạo.
Ở chỗ này, có hơi nhiêu khê cần phải nói thật rõ. Thành ngữ Ibu Láki của Nam Dương (Lạc bộ Mã) là thành ngữ đã sẵn có của họ vào thời mà họ còn theo mẫu hệ. Nay họ đã theo phụ hệ rồi thì đáng lý gì họ phải sửa lại thành Babu Láki vì:
Babu = Bố
Láki = Lãnh tụ
Nhưng họ lại không buồn sửa. Ta người Việt Nam, ta đã sửa Ibu Láki vào thời Phùng Hưng thành Babu Licáy, vì ta đã theo phụ hệ vào thời đó. Sau ta biến mãi thì Babu Licáy trở thành Bố Cái.
Nhưng Ibu hay Babu gì cũng không quan trọng. Điều chính yếu là Licáy = Cái = Lãnh tụ, và Cái của ta là Đàn ông, là Lãnh tụ chớ không là giống Cái.
Đại Cồ Việt, cũng thế. Cồ chỉ là Láki, là Cái mà thôi. Hiện trên Cao Nguyên đồng bào Thượng dùng tiếng Cái với các nghĩa sau đây: Cái đầu, Quan trọng, Thủ lãnh.
Còn Cái có nghĩa là giống Cái là do ngữ nguyên khác tạo ra, đã nói rõ ở đầu Chương.
Miền Nam có thành ngữ “Đàn bà lại cái” để trỏ người bán nam bán nữ. Đó là tiếng Mã Lai rõ ràng.
Lại = Lagi = Mà lại còn
Cái = Đàn ông
Đàn bà lại cái có nghĩa là đàn bà mà lại còn là đàn ông.
Lagi còn để dấu ở tỉnh Bình Tuy ở đó có một làng tên Lagi. Có lẽ người Chàm hay người Việt đã nuốt mất tiếng chớ Lagi không, chẳng có nghĩa trong địa danh. Tỉnh Bình Tuy là đất Cực Nam của Chiêm Thành, thuở Chúa Nguyễn diệt Panduranga, nên ở đó còn lắm địa danh Chàm tức địa danh Mã Lai, vì người Chàm rõ ràng là Mã Lai, Lạc bộ Mã.
Ngôn ngữ có sức sống mãnh liệt. Cách đây vài mươi năm, người Việt miền Nam có sáng tác thành ngữ ”Đàn bà lại đực”. Cũng với cái nghĩa bán nam bán nữ, vì họ quên nghĩa cũ nên lấy thành ngữ “lại cái” vô nghĩa. Họ hiểu Cái là giống cái, còn Lại là trở thành. Đàn bà lại cái = Đàn bà trở thành giống cái, thì quá vô lý.
Thế nên họ mới sửa lại, để cho nó hữu lý ra. Nhưng toàn thể người Việt miền Nam đều nhứt định dùng thành ngữ có vẻ vô lý, không ai dùng thành ngữ mới cả, mặc dầu nó có vẻ hữu lý hơn.
Tại sao cái có vẻ hữu lý lại bị tẩy chay? Vì tiềm thức và tâm để của dân tộc còn mơ màng nhớ mang máng cái nghĩa cũ, tuy ngày nay có vẻ vô lý, như ngày xưa thì đúng.
Cái đúng đó đã bắt rễ thật sâu, thâm căn cố đế nơi tâm não họ, nên cái mới, có vẻ hữu lý bao nhiêu, họ cũng gạt bỏ ra ngoài.
Đáy lòng của họ còn giữ Lagi Licáy.
Có một cuộc tranh luận rất vui vẻ về nghĩa đúng của câu đầu của bài hát Bắt cái hồ khoan. Đây là dịp mà chúng tôi trình ra sự thật để dứt khoát cuộc tranh luận sôi nổi đó, bằng vào phương pháp truy nguyên các danh từ cổ mà chúng tôi tìm lại được tất cả. Những danh từ của Lạc biến mất tại Việt Nam có hai loại, một loại còn nằm đó, nhưng thiên hạ không còn ai biết nghĩa nữa. Một loại nằm ở các quốc gia Mã Lai khác, từ Đại Hàn đến Nam Ấn, đến Trung Mỹ.
Vụ nầy chúng tôi có ám chỉ trong quyển sử của chúng tôi, nhưng không dám nói dài dòng, vì quyển sử quá dài, nhà xuất bản hết tiền in, bắt phải thu ngắn lại còn 900 trang, thành thử phải nói tắt về quá nhiều việc.
Nguyên ông M. Durand có giải thích Bắt cái hồ khoan nhưng không ổn gì hết, chỉ cắt nghĩa được có tiếng Hồ mà ông dịch là “Ohé!” một loại tiếng để cùng gọi nhau làm việc, của Pháp.
Ông Ngô Quý Sơ (Hanoi 1943) giải thích rằng: "Trước khi kéo nhau đi thành hàng thì trẻ con bắt thăm bằng cách ai rút được cái rơm nào ngắn nhứt thì làm trưởng đoàn. Như vậy, trẻ con gọi là Bắt Cái. Rồi thành ra bắt cái hồ khoan”.
Ông Lê Khánh Vân giải thích rằng Bắt Cái = bắt cá.
Còn nhiều người tầm nguyên câu nầy, nhưng chúng tôi chỉ trích những ông có tìm được chút đỉnh sự thật, hoặc có nói cái gì độc đáo mà có sai, vẫn được trích.
Ông Tân Việt Điểu ở nguyệt san Văn Hóa số 56 (1960) thấy là chưa ổn nên cho rằng Bắt cái = Bát cạy, và đó là từ ngữ Chàm mà ta mượn ở miền Trung, và Bát là Cây chèo còn Cạy là bơi chèo.
Sự thật ra sao thì ta cần biết thật rõ. Đó là hai động từ Trung cổ, mà ta mượn của người Mường tại Hồng Hà, chớ không phải là mới vay mượn về sau nầy của Chàm, mà Bát và Cạy cũng không giản dị như ông Tân Việt Điểu đã giải thích, mà nghĩa của Bắt Cái cũng không phải do Bát Cạy mà ra.
Bằng chứng là ta mượn Bát Cạy của người Mường lộ rõ ra trong tự điển K.T.T.Đ, họ có định nghĩa, mà định nghĩa rất rành rẽ hơn Huỳnh Tịnh Của rất nhiều lại có đưa thí dụ là một câu thơ Việt miền Bắc: "Một con thuyền cạy bát bên giang”.
Bắc Việt vẫn có tiếp xúc với người Chàm, nhưng chúng tôi cho rằng bắc Việt không có mượn của người Chàm, vì họ có văn thơ dùng hai tiếng đó, họ lại định nghĩa đúng hơn Đàng Trong mà đại diện là Huỳnh Tịnh Của.
Nếu chỉ là vay mượn nơi người Chàm, tại Đàng Trong thì luôn luôn tự điển K.T.T.Đ có viết: “Theo Huỳnh Tịnh Của” hoặc: "Tiếng của Đàng Trong” hay là: "Tiếng của Nam Kỳ”. Về Bát Cạy thì tự điển đó, chẳng những không có ghi như thế, lại đưa thơ miền Bắc ra làm thí dụ, thì là miền Bắc cũng có Bát Cạy, và cạnh họ đã có người Mường để họ vay mượn, không cần phải mượn xa đến thế vì Mường và Chàm là một, hồi đời xưa.
Một lần nữa, chúng tôi thấy rằng cần phải nhắc rằng ở cả ba nơi đều có Lạc bộ Mã, vì có chứng tích. Ở Bắc Hà có tổ tiên của người Mường, chưa bị Trãi hóa (chúng tôi nói Trãi hóa mà không nói Việt hóa vì Mường hay Chàm, hay Phù Nam gì cũng đều là Việt cả). Ở miền Trung, có người Chàm. Ở miền Nam có người Phù Nam mà chúng tôi sẽ chứng minh rằng họ còn tồn tại hồi đầu thế kỷ 17, thuở dân ta di cư vào Nam.
Vậy danh từ nào, vay mượn của ai, và tại đâu, đều có thể biết được cả. Không phải hễ cứ là tiếng Chàm thì nhứt định phải vay mượn ở miền Trung vì bốn dân tộc sau đây, ăn nói y hệt nhau: Mường Trung Cổ, Chàm hiện kim, Phù Nam trung cổ và Nam Dương hiện kim (có chứng tích).
Ta đã biết rằng Mường, Chàm, Phù Nam, Nam Dương, đều là Mã Lai, thứ Mã Lai mà chúng tôi gọi là Mã Lai đợt II, Tây gọi là Austronésien còn Tàu cổ thì gọi là Lạc bộ Mã. Vậy tất cả các dân tộc đó đều có Bát, Cạy, nhưng dưới hình thức khác và nghĩa hơi khác một tí.
Và khi một danh từ khá cổ của ta mà gốc Lạc bộ Mã thì là ta vay mượn của người Mường tại Hồng Hà, chớ không phải là của Chàm, sau đới nhà Lý. Và nên nhớ rằng người Mường thuở xưa sống lẫn lộn với ta chớ không có biệt lập như ngày nay, và họ cũng chưa bị quá nhiều ảnh hưởng của Lạc bộ Trãi là ta, như ngày nay, mà vẫn nói tiếng Mã Lai Nam Dương, y hệt như Chàm.
Nhũng danh từ mới vay mượn của Chàm sau đời nhà Lý đều vì những tiếng đó không có dấu vết Trung cổ.
CẠY là KUẮK và nó chỉ có nghĩa là tránh né nhau trên sông, trên biển, không cứ phải bên nào.
BÁT là PỐT có nghĩa là Kéo cây chèo khó khăn. Không có tiếng nào có nghĩa là BƠI CHÈO và CÂY CHÈO cả.
Ta, người Việt Nam, Mã Lai đợt I, tức Lạc bộ Trãi, ta đã biến nghĩa, nhưng biến rất tài tình, không biến liều lĩnh mà dựa theo những ý nghĩ sâu kín của lòng dân tộc của ta là dân Mã Lai, mặc dầu ta chỉ là Mã Lai đợt I, bộ Trãi, nhưng hai thứ Mã Lai, đều đồng dân tộc tính với nhau, đồng tâm hồn với nhau.
Chúng tôi nói PỐT của Lạc bộ Mã là kéo cây chèo khó khăn. Tại sao lại khó khăn? Ta nên nhớ rằng cổ sử Trung Hoa tả dân Việt lấy bên Trái làm bên thuận. Vậy khi trạo phu phải lái từ tả qua hữu, tức đi nghịch với thói quen của họ là họ nghe khó khăn lắm.
Thế nên dân Việt mới cho PỐT cái nghĩa là lái từ tả sang hữu (trên sông) hơi khác với nghĩa thật, nhưng vẫn hữu lý, vì chính nghĩa thật cũng chỉ là một cách nói bóng bẩy rằng là lái từ tả sang hữu.
Tự điển K.T.T.Đ đã định nghĩa đúng rằng BÁT là lái từ tả qua hữu, còn Huỳnh Tịnh Của thì nói là cả hai tiếng đều có nghĩa là từ tả qua hữu, hoặc ngược lại, tức sai hơn miền Bắc tức sự vay mượn không xảy xa ở Đàng Trong mà ở Đàng Ngoài, vay của người Mường, tức thuộc vào thời Trung cổ của Việt sử, 500 T.K vậy, chớ không phải từ thời nhà Lý mà ta đánh Chàm đâu.
Còn CẠY? Chúng tôi đã giải thích rằng KUẮK chỉ có nghĩa là tránh né nhau trên mặt sông. Nhưng dân ta đã trót cho PỐT cái nghĩa là tránh từ tả sang hữu, thì tổ tiên ta phải gán cho Kuắk cái nghĩa là từ hữu sang tả, như thế mới có chủ động từ chính xác để dùng trong việc hành thuyền.
Đó là căn cội và nghĩa thật đúng của CẠY và BÁT.
Nhưng nó không liên hệ gì tới BẮT CÁI hết.
Ông Durand đã vô tình đúng, khi dịch HỒ ra OHÉ, vô tình vì ông không biết lấy một tiếng Mã Lai nào cả. Còn ông Ngô Quý Sơn thì tri tình đấy, nhưng chỉ đúng phần nào thôi, vì ông không biết ngữ nguyên của BẮT CÁI. Ông đúng vì hiện nay dân ta vẫn còn nói BẮT CÁI để diễn tả cái ý bắt thăm để làm cái, trong những cuộc đỏ đen.
Ngày nay, ở Nam Kỳ, người mình, trong giới cờ bạc, cũng thường nói “LÀM CÁI” và “BẮT CÁI”. Làm cái là gì thì ai cũng biết cả rồi. Còn bắt cái được dùng trong trò đánh cắc tê mỗi người lật một lá bài, hễ ai lớn nút thì được làm cái, tức vẫn cứ bắt thăm để làm Licáy.
Ông Tân Việt Điểu giải thích về BẮT CÁI khác với chúng tôi vì ông nghĩ rằng Bắt Cái do bài hát HẢI HỒ KHOAN của Đào Duy Từ mà ra. Đó là bài hát mà họ Đào làm ra cho thủy thủ hát, và trẻ con bỏ mất HẢI, chỉ còn chữ Hồ Khoan.
Theo ông, hễ chèo thuyền là có nói BÁT CẠY, và thủy thủ vừa hô Bát Cạy, và thủy thủ vừa hô Bát Cạy vừa hát Hải Hồ Khoan, trẻ con bắt chước, nhưng bỏ sót tiếng Hải.
Trẻ con bỏ sót một tiếng thì cũng có thể có được nhưng xem ra khó có thể lắm, ví BÁT CẠY là tiếng chuyên môn mà trẻ con cứ nhớ được thì HẢI không là tiếng khó, sao chúng lại quên?
Nhưng suy luận của chúng tôi chưa bác nổi kiến giải của ông Tân Việt Điểu đâu, vì đó chỉ là suy luận, thường thiên lệch, chớ không phải chứng tích vững. Chứng tích vững là đây:
Theo chỗ chúng tôi nhớ, thì bài hát ấy không có tên là HẢI HỒ KHOAN, mà là Quan hải hồ khoan. Vì thế mà nhà xuất bản của Đào Duy Anh ở Huế mới lấy tên là nhà xuất bản Quan Hải.
Quan = Nhìn
Hải = Biển
Đó là hai tiếng có nghĩa. Dưới đây là ba tiếng vô nghĩa:
Hải = Biển
Hồ = Hồ
Khoan = Rộng
Hải hồ khoan vô nghĩa vì nó sai văn phạm chữ nho. Văn phạm đó phải là Khoan hồ hải, và chuyển sang tiếng Việt là Biển hồ rộng. Cái tên mà ông Tân Việt Điểu đưa ra, nếu chuyển sang tiếng Việt thì là Rộng biển hồ, tức sai văn phạm.
Chúng tôi không tin rằng một bực danh nho như Đào Duy Từ lại lầm về văn phạm Tàu, khi ông đặt tên bài hát của ông là Hải hồ khoan.
Nhưng vấn đề, không phải là thảo luận về văn phạm Tàu, vì nó chẳng liên quan gì tới bài này hết, nhưng cần nói ra sự thật, vì sự thật đó, cho biết một sự thật lớn hơn, có liên hệ đến vấn đề.
Nếu Đào Duy Từ không sai văn phạm Tàu thì bài hát không thể nào là Hải hồ khoan được, mà phải là Quan hải hồ khoan, và Hồ khoan nhứt định KHÔNG PHẢI là chữ nho, bởi chữ nho phải là Khoan Hồ.
Không phải là chữ nho thì là tiếng Việt chớ không còn tiếng nào khác mà nằm ở đó được, hay đúng ra là tiếng Lạc, nhưng Lạc bộ Mã chớ không phải Lạc bộ Trãi.
Đào Duy Từ là nhà nho không cách mạng, ít lắm cũng về văn chương, văn phạm. Vậy khi ông ghép chữ Nho Quan hải vào với chữ Nôm Hồ khoan thì đích thị là Hồ khoan là một tên riêng (Nom propre), tên của một bài hát cổ hơn, vì là tên riêng nên ông không có dịch ra chữ Nho, phải để nguyên như vậy để ghép vào chữ Nho.
Thí dụ muốn viết: Tôi đọc truyện Les Misérables thì một nhà nho cẩn thận phải viết: Ngô độc Les misérables chớ không thể viết Ngô độc Bần cùng nhân truyện, vì không dịch, người đọc sẽ biết ngay sách ám chỉ là sách nào, còn dịch thì quá nguy, bởi Nhựt Bổn cũng có một tác phẩm Bần cùng truyện, mà KHÔNG LÀ bản dịch Les misérables của V. Hugo.
Ấy, Đào Duy Từ ghép chữ Nho và chữ Nôm chính vì ông là nhà nho thông minh, nhất định không dịch tên riêng sợ người đọc không hiểu ông định ám chỉ đến cái gì. Ông không dịch thì người ta biết ngay rằng:
Quan hải = Nhìn biển
Hồ khoan = để ca bài Hồ khoan của dân tộc .
Thế thì ngay trong tên của bài hát của họ Đào, nhà nho ấy đã tiết lộ rằng có một bài hát cổ hơn mà ông đã ám chỉ đến trong cái tên của bài hát của ông. Bài hát cổ hơn là bài Bắt cái hồ khoan. Vậy Bắt cái hồ khoan không phải xuất hiện do bài hát của Đào Duy Từ, như ông Tân Việt Điểu đã viết, mà ngược lại bài hát của Đào Duy Từ bắt nguồn từ bài Bắt cái hồ khoan.
Nhưng tại sao họ Đào lại không đặt tên bài hát của ông là Quan hải bắt cái hồ khoan, mà lại bỏ bớt hai tiếng Bắt Cái? Vì ông quên nghĩa BẮT CÁI, nhưng còn nhớ nghĩa của HỒ KHOAN.
Ai biết được HỒ KHOAN là gì thì hiểu được bài hát cổ và hiểu được thâm ý của Đào Duy Từ, và biết được thêm rất nhiều truyện bí mật của thời Trung cổ nước ta, tức những gì xảy ra 500 năm trước Tây lịch mà bọn Lạc bộ Mã đến ở trọ với vua Hùng Vương.
Quyển sử của chúng tôi bị xén hết 1000 trang, tức xén tất cả những gì mà Chương ngôn ngữ tỉ hiệu đã cho biết về đời sống tinh thần, đã cho ta biết cái mà giáo sư Trần Ngọc Ninh chê là tiền sử học dở, không cho biết được. Quả tiền sử học không biết nhiều chi tiết, nhưng cổ ngữ học thì vạch rõ từng ly từng tí mọi việc nhỏ nhặt nhứt.
Ông Durand đã tình cờ đúng, khi ông dịch Hồ = Ohé. Chúng tôi nói ông vô tình vì ông không biết tiếng Mã Lai.
Mã Lai Lạc bộ Mã, tổ tiên của người Mường, tại Bắc Việt có hai tiếng là AIHO và HAI, đồng nghĩa với nhau, và Chàm biến thành HỜI, HỚI, và ta biến thành HÈ, HỠI, HÔ, HỐ, ƠI và ƠI ỚI. Đó là tiếng dùng để gọi nhau.
Hồ là do aihô, còn khoan là do kuang. Bắt cái hồ khoan là :
PƠR LICÁY AHÔ KUANG!
Pơr= bắt
Licáy = Cái = lãnh tụ, thủ lãnh (Bố Cái Đại Vương)
Ahô = Ới, hè!
Kuang = Thủ lãnh, tù trưởng, chủ soái
Câu đó dịch thoát là: "Thủ lãnh ơi ta nỗ lực để bắt tướng thủy quân (của địch) hè!”
KUANG to hơn LICÁY nên ta gọi thủ lãnh của ta là Kuang còn gọi thủ lãnh địch là Licáy.
Chúng tôi đã chứng minh trong quyển sử rằng vào thời Đào Duy Từ ta còn biết tiếng của Lạc bộ Mã, chưa biến dạng. Bằng chứng là tên xưa của cửa là được Ngô Thì Sĩ phiên âm là Cô la, tức phiên âm địa danh Kưala của Lạc bộ Mã. Các sử gia xưa ta luôn luôn dịch, khi nào họ dịch được. Nếu là Cửa Lò thì họ Ngô đã gọi là Lô Môn hoặc Lô Khẩu, nhưng họ Ngô lại phiên âm tức nơi đó, vào thế kỉ 17, còn mang tên là kưala y hệt như vào thời Gia Long mà cửa Thuận An cứ còn được gọi là Eo, một danh từ của Lạc bộ Mã.
Tên của bài hát cổ gồm 4 tiếng, nhưng chỉ có 2 tiếng là danh từ chung của hai chi Lạc, đó là LICÁY và AHÔ, còn Pơr tuy hơi giống bắt, nhưng không phải là ngữ nguyên của bắt. Kuang thì không bao giờ thành Việt ngữ về sau hết, vì bị lẫn lộn với Quan.
Chủng Mã Lai vô địch về thủy vận, nhưng Lạc bộ Mã nổi danh hơn Lạc bộ Trãi, và có lẽ đó là bài hát của bọn Lạc bộ Mã xin quyền sống chung với vua Hùng Vương, phục vụ nhà vua trong thủy quân của nhà nước Văn Lang.
Xin nói rõ về AHÔ. Lạc bộ Mã có hai tiếng dùng để kêu gọi là AHÔ! Và HAI!
Chàm biến thành HỜI và HỚI. ĐỒNG HỚI là cánh đồng của người Chàm. Còn ta thì biến rất nhiều. Chỉ có hai tiếng đó mà nó đẻ ra HỞI, ƠI, ỜI ỜI, ÔI Ớ, Ê (Coi chừng: ÔHÔ là tiếng Tàu, còn Ô HAY là tiếng của Lạc bộ Chuy tức Miến Điện, Tây Tạng, Cao Miên).
Đã bảo Chàm biến hai thành HỚI và HỜI, nhưng sao ta lại dùng Hời và Hới của họ để chỉ họ, hai tiếng đó, đâu phải là tiếng của ta? Một nhà trí thức Chàm rỉ tai cho tôi biết rằng không nên gọi họ là HỜI, là Hới, họ sẽ tức giận ghê lắm, vì đó là tiếng mà ta gọi kẻ không trọng.
Nguyên khi xưa, tại biên giới, họ không thấy ta họ cứ gọi mãi: “Hời, Hới” hoặc “Hời! Hời”. Ta chẳng hiểu gì hết, bèn dùng hai tiếng đó để trỏ họ, một cách châm biếm, ý muốn nói rằng đó là dân ưa nói “ Hới, Hời”.
Chương X- Vùng núi An Tai hay là yếu tố Mông Cổ trong Việt ngữ
Khi sách nầy chưa in xong, chúng tôi có dùng Chương I để làm một cuộc thuyết trình, sau buổi nói chuyện thân mật, có chừa thì giờ cho quý vị thính giả nêu thắc mắc.
Một vị giáo sư có khuyên chúng tôi, khi ám chỉ đến quyển Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam (chớ không phải đến buổi thuyết trình) rằng nên cẩn thận khi chủ trương rằng Nhựt ngữ chứa đựng 65% tiếng Tàu và 35% tiếng Mã Lai.
Theo vị giáo sư thì Nhựt ngữ có chứa đựng dân tộc Mã Lai là khám phá của chính một nhà ngữ học Nhựt. Nhưng các nhà ngữ học Âu Mỹ kiểm soát lại thì thấy rằng dân tộc Mã Lai trong Nhựt ngữ rất ít và thuyết của nhà ngữ học Nhựt bị bỏ quên luôn.
Tưởng đây là một vấn đề hay, chúng tôi trình bày lại thật rõ chủ trương của chúng tôi để tự bào chữa và để tự cho thấy rằng các ông Nhựt ông Tây đều không đúng.
Khi thuyết của nhà bác học Nhựt ra đời thì chúng tôi cũng hay biết, nhưng có một điều mà nhà bác học đó không hay biết, mà cho tới nay các ông Tây cũng chưa biết là có hai thứ Mã Lai: Austroasiatiques và Anstronésiens, mà Tàu gọi là Lạc bộ Mã và Lạc bộ Trãi, hai thứ đó chỉ giống nhau về ngôn ngữ có 40% mà thôi, vì khi dời Himalaya, định cư ở các địa bàn khác thì họ sáng tác khác hết.
Phân biệt họ là các nhà tiền sử học mà công trình không được các nhà ngữ học biết. Và các nhà ngữ học chỉ tiếp tục biết có một thứ Mã Lai độc nhứt là Mã Lai Nam Dương vì dân đó đang tự xưng là Mã Lai.
Trong quyển sử, chúng tôi trình bày rõ là Nhựt Bổn là Mã Lai hỗn hợp y hệt như Việt Nam. Nhưng các nhà ngữ học cứ chỉ biết độc có một thứ Mã Lai thì họ bác nhà bác học Nhựt hơi oan. Với lại chính nhà bác học Nhựt đó cũng chỉ biết có một thứ Mã Lai độc nhứt.
Thế thì trong số vốn Mã Lai mà Nhựt còn giữ được là 35%, chính nhà bác học Nhựt và các nhà ngữ học thế giới cũng chỉ thấy có 7% danh từ Mã Lai, còn văn phạm thì không có Mã Lai gì hết.
Tại sao là Mã Lai hỗn hợp, thì đáng lý phải có 2/3 = 17,5% danh từ Nam Dương, thế mà lại chỉ có 7%? Vì người Nhựt biến nát danh từ Nam Dương hết, không chuyên môn không thể nhận ra.
Chúng tôi xin trình ra một thí dụ: ”Hiện nay và BÂY GIỜ” người Nam Dương nói là MASA INI.
INI là trạng từ chung của chủng tộc mà ta còn giữ được dưới hình thức NI, NẦY, v.v. Nhựt cũng giữ được hồi cổ thời. Nhưng họ bị hậu duệ của Phù Tô tràn ngập hồi cuối nhà Tần, thành thử họ bị truyền nhiễm cú pháp HIỆN ĐẠI. Thế nên họ dời INI, để trước MASA, nó hóa ra là INI MASA = HIỆN ĐẠI. Ini masa được dùng mãi cho đến thời canh tân thì họ lại viết dính các danh từ của họ lại, vì bắt chước Tây (tức cách đây không lâu).
Trong cuộc viết dính đó, NI bị nuốt và SA bị nuốt, nên nay chỉ còn IMA. Khi so MASA INI với IMA, không còn nhà bác học nào mà biết hai tiếng đó cùng gốc mà ra hết.
Thế nên sự thật có 17% tiếng Nam Dương, nhưng các ông chỉ biết có 7%, rồi các ông chê rằng thuyết đó sai. Nhà bác học Nhựt cãi không được cũng đành chịu thua. Vả lại vào năm mà nhà bác học Nhựt đó khám phá ra sự kiện nói trên thì khoa tiền sử học làm việc chưa xong. Khoa học chưa thấy dấu vết di cư của chủng Mã Lai từ Đại Hàn xuống Đông Nam Á. Như thế, ngôn ngữ của hai đàng phải giống nhau 100% họ mới nhìn nhận, phương chi lại giống nhau có 7% nhưng cũng đã nát hết như MASÉ biến thành MAĐÁ, MATI biến thành NAKI.
17% danh từ Lạc bộ Trãi thì không bao giờ được ai biết cả. Nhà bác học Nhựt đó đã khám phá một sự kiện lớn lao, cũng không biết có bọn Trãi trên đời nầy. Các ông Tây lại càng không biết hơn, vì các nhà bác học Âu Mỹ làm việc ở Đông Bắc Á không có làm việc ở Đông Nam Á và ngược lại. Không có ai ở Đông Bắc Á mà biết tiếng Việt Nam và tiếng Thượng Việt cả.
Danh từ của bọn Lạc bộ Trãi là bọn thua trận bị phe Thiên Hoàng là Lạc bộ Mã lãnh đạo, tuy ít bị biến sai như danh từ Nam Dương, nhưng không ai biết tiếng Việt Nam và tiếng Thượng Hải thì làm sao đây?
Thí dụ, con sán (xơ mít) của ta thì Nhựt gọi là SANA. Sana đâu phải là tiếng Nam Dương, nhưng các ông chỉ biết có tiếng Nam Dương, thế mới chết. Cái SỪNG của ta, Nhựt gọi là TSUNO, cũng đâu phải là tiếng Nam Dương, thế nhưng các ông chỉ biết tiếng Nam Dương thì làm thế nào?
Vậy các ông bèn kết luận rằng Hàn ngữ và Nhựt ngữ thuộc dòng An Tai ngữ.
Văn phạm của Nhựt như thế nầy:
Ở đây chi có con chó là có hay không?
Ta nói:
Ở đây có con chó hay không?
CHI, người Nhựt nói là NÔ, nhưng đó cũng là sự truyền nhiễm của 127 huyện của Phủ Tô, chớ Mã Lai không bao giờ có cú pháp đó. Tuy nhiên họ vẫn khác Mã Lai ở điểm động từ CÓ bị dời ra đàng cuối câu.
Nhưng không vì thế mà phủ nhận họ là Mã Lai được. Về vấn đề văn phạm bị biến, chúng tôi đã nói nhiều trong quyển sử. Chính danh từ mới trường tồn, còn văn phạm thì rất dễ bị mất, ngược hẳn với tin tưởng của mọi người.
Vậy ông Nhựt và ông Tây không nhận diện được 8% tiếng Nam Dương trong Nhựt ngữ và tuyệt đối không biết 17% danh từ của Lạc bộ Trãi tức của Đại Hàn, Việt Nam và Thượng Việt. Đại Hàn gọi con chó là con KAI (con cầy) khiến các ông Tây điếc tai, cho đó là tiếng Mông Cổ! Họ gọi TRĂNG là TAL, các ông Nhựt cũng điếc tai luôn, vì Nhựt đã quên danh từ Trăng của chủng tộc vay mượn của Tàu hàng trăm năm rồi: Nguyệt ( yụyt ( Tsuk (i).
Đó là danh từ của Lạc bộ Trãi mà Đại Hàn là Lạc bộ Trãi thuần túy 100%, không dùng lấy một danh từ Nam Dương nào hết như Nhựt và ta đã dùng.
Chúng tôi cảm tạ vị giáo sư tử tế đó, đã lưu ý chúng tôi đến một điểm có thể sai lầm to mà uổng công học hỏi. Nhưng chúng tôi sẵn sàng đối thoại với các nhà bác học Âu Mỹ, nếu họ thèm đếm xỉa đến chúng tôi.
Và chúng tôi đã có bồ rồi. Theo tiết lộ của giáo sư Nghiêm Thẩm thì Nhựt cũng đã chợt biết trên đời nầy có bọn Trãi mà chính ta và Thượng Việt là Trãi. Họ có đến Sài Gòn để nghiên cứu có ghé thăm giáo sư để tâm sự, nhưng không biết họ đã hay biết rằng:

Sana = Sán (xơ mít)

(Việt Nam)

Tsuno = Sừng

(Việt Nam)

Mau = Múa

(Việt Nam)

Mai = May

(Việt Nam)

Arau = Rửa

(Khả Tu)

Inú = Anuk

(Khả Tu)

Hay chưa? Đó là danh từ của Trãi mà Nhựt và ta với Thượng Việt đều giống hệt nhau, người Nam Dương không có trừ Kơmarau = Rửa
Kamu = Cắn
Kamiau = Cắn nhau
Rõ như ban ngày.
Ấy đó, cái 35% tiếng Mã Lai trong Nhựt ngữ, thành phần nó như thế đó, nhưng lại có 17% danh từ Trãi mà không nhà bác học nào biết hết, còn lại 17,5% danh từ Nam Dương thì các ông chỉ nhận diện được có 7% hóa ra không đáng kể và khám phá của nhà bác học trên bị bỏ trôi là vì thế và buồn lắm là chính người khám phá cũng đánh chịu Forfait khi mà người ta cho thấy rõ là chỉ có 7,5% thì không thể nói rằng là chỉ có 7,5% thì không thể nói rằng tiếng người có gốc Mã Lai được.
Khi mà KIRI của Chàm và của Nam Dương có nghĩa là Bên trái, bị nông dân miền Trung Việt biến thành RÌ để điều khiển trâu cày, thì thiên hạ nhận diện còn được, chớ Nhựt biến thành HAĐIRI thì chỉ có trời mà biết rằng KIRI và HAĐIRI đồng gốc Mã Lai.
Bây giờ chúng tôi xét qua chủ trương Âu Mỹ cho rằng Hán ngữ và Nhựt ngữ thuộc gia đình An Tai ngữ, xem nó có đúng hay không, chúng tôi đã bác bỏ chủ trương ấy trong cuốn sổ của chúng tôi.
Trong quyển Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, chúng tôi đã cực lực bác bỏ chủ trương của sách Âu Mỹ cho rằng Hàn ngữ và Nhựt ngữ gốc là ngôn ngữ của vùng núi Altai (tây bắc nước Tàu) và cho rằng hai ngôn ngữ đó chỉ là đó chỉ là Mã Lai ngữ.
Các ông Tây đã học rồi nên mới dám viết như vậy, nhưng chúng tôi lại cả gan bài xích các ông, không phải là cãi bướng mà vì các ông ăn nói không minh bạch, khiến cả thế giới đều hiểu lầm.
Cho hay, khoa học không thể nói mù mờ như người thường mà phải chính xác, nên chúng tôi phải bác bỏ, vì mặc dầu các ông nói đúng, nhưng thiên hạ lại hiểu sai.
Vùng núi Altai hồi cổ thời chia thành hai khu vực rõ rệt. Ở tây nam, người dân là Nhục Chi, nói tiếng Ấn Âu, tức tiếng Tây. Đó là xứ Thổ Lỗ Phồn. Khu tây bắc là địa bàn Mông Cổ, mà về sau Mông Cổ đặt Kinh đô Quaraqo- roum của họ ở đó.
Khi vùng đại danh vùng núi Altai thì ai muốn hiểu sao cũng đúng cả, nhưng thiên hạ lại hiểu là vùng Tây Nam, tức vùng Nhục Chi và Hàn ngữ và Nhựt ngữ là tiếng Tây.
Chúng tôi cũng đã dịch Altai là Tây Vức trong quyển sử của chúng tôi, không phải vì chúng tôi không biết rằng các ông Tây nói đúng, họ chỉ nói không minh bạch mà thôi nhưng chúng tôi có mục đích bác bỏ ngay vì giấy sắp lên giá khi in quyển đó, chúng tôi phải lọc bớt trang thì không thể nói dài dòng được mà hễ nói tắt là phải bác bỏ.
Vậy đại danh mơ hồ vùng núi Altai của sách Âu Mỹ chỉ có nghĩa là Mông Cổ. Nhưng nếu chúng tôi dịch đúng thì phải giải thích dài dòng, mà các ông Tây cũng không nói đúng hơn gơ-ram nào cả.
Ba dân tộc : Đại Hàn, 2/3 Nhựt Bổn và 2/3 Việt Nam đều là Mã Lai Hoa Bắc nước Tàu, chớ không làm sao mà họ lại nói tiếng Mông Cổ như các ông Tây đã lầm.
Nhưng các ông Tây đã lầm vì quả trong Hàn ngữ và Nhựt ngữ có yếu tố Mông Cổ. Việt ngữ cũng mang chút ít yếu tố Mông Cổ nhưng các ông Tây không biết nên không nói đến Việt Nam.
Tại sao ba ngôn ngữ đó lại mang yếu tố Mông Cổ? Vì Lạc bộ Mã có lai giống với Mông Cổ trên một tỉ lệ 1/15 như sọ ở hang làng Cườm đã cho thấy. Riêng Đại Hàn và Nhựt, vì ở quá gần đó nên yếu tố Mông Cổ về sau, tức sau cuộc hợp chủng lần đầu, lại tăng thêm, nhiều nhứt là Đại Hàn. Nhưng các yếu tố Lạc bộ Trãi thì các ông Tây mù tịt, nên không bao giờ nói đến, mặc dầu đó là yếu tố căn bản, ít lắm cũng trong Việt ngữ và Nhựt ngữ, còn trong Hàn ngữ thì quá ít, nhưng vẫn có. Đại Hàn mất gần hết danh từ của Lạc bộ Trãi, nhưng cứ còn.
Các ông không biết hai điều:
I - Không biết có Mã Lai đợt I tức Lạc bộ Trãi,
II - Không biết là Lạc bộ Trãi có lai giống với Mông Cổ tại Hoa Bắc.
Nhưng cái sọ ở hang làng Cườm đã gạt gẫm các ông Tây ở Hà nội và các ông cho là lai Tàu, mà lai tại cổ Việt, tức Tàu đã tới xứ ta từ 5000 năm rồi.
Nhựt có tĩnh từ XIUUA, mà các ông kí hiệu theo Anh là SEWA, mà riêng Nhựt đã dùng để chỉ tới hai văn thể của họ là SETSEWA và SEWA MONO.
Các ông Tây có biết tiếng Mông Cổ, và thấy trong Hàn ngữ và Nhựt ngữ có một số danh từ Mông Cổ, nhưng không hề có SEWA và MÔNÔ chỉ có MÓN của Lạc bộ Trãi.
Ở Nhựt SETSEWA = TÍCH XƯA = LÉGENDE
Còn MONOSEWA = một thể kịch diễn tuồng Phong tục, vì xưa cũng có nghĩa Phong Tục, trong Sơ Đăng ngữ.
Vậy trong cả ba quốc gia Đại Hàn, Nhựt Bổn, Việt Nam đều có một số danh từ Mông Cổ mà không ai dè, không dè nhứt là ở Việt Nam.
Danh từ KẺ là danh từ của Mông Cổ, có nghĩa là người dưới hình thức sau đây KÉ. KẺ CHỢ có phải chăng là người ở chợ?
Mông Cổ: Ké
Cao Miên: Kê
Việt Nam: Kẻ
NGƯỜI chỉ là một danh từ do một ngữ nguyên khác tạo ra.
KẺ đẻ ra CON.
Nhưng CON và NGƯỜI ra đời rồi mà KẺ vẫn còn được thịnh dụng, qua câu ca dao tương đối mới, biết rằng nó mới vì trong đó có danh từ TIỀN và CAU. Hồi cổ thời ta đâu có nói Cau mà nói là NANG, y hệt như Chàm và Mã Lai.
Đồn rằng Kẻ Trọng lắm cau
Kẻ Cát lắm lúa, kẻ Mau lắm tiền
Nhưng KẺ không đẻ ngay ra KON đâu, mà có hai ba thế hệ giữa dòng đời của bọn ấy. Kẻ đẻ ra KO của dân Làc (ở Đà Lạt), KO đẻ ra CÂU của dân Mạ (ở Lâm Đồng) rồi KO và CÂU mới đẻ ra CÔ AI của Bru và NCỐ của Pacóh, rồi mới đến KON của Thái và CON của Việt Nam hồi cổ thời.
Đây là xâu chuỗi biến dạng.
Hệ thứ nhứt

Mông Cổ:

Cao Miên:

Việt Nam:

KẺ

Làc:

KO

Bru:

CÔAI

Pacóh:

NCÔH

Mạ:

CÂU

Thái:

KON

Cổ Việt Nam:

CON

CON thì hiện Thái còn dùng đẩ chỉ NGƯỜI.
Nhưng có bằng chứng nào để dám khẳng định rằng trong Việt ngữ có một thời nào đó, CON có nghĩa là NGƯỜI hay không? Có. Bằng chứng rất vững và rất lâu đời, cổ ít lắm cũng bốn ngàn năm.
Ta có danh từ kép BÀ CON. Bà con phải chăng là người phía bên Bà? Không thể nào mà Bà con lại là BÀ và CON CHÁU, bởi còn anh, chị, chị em, chú, bác, cô, dì, đủ thứ hết, tại sao lại chỉ trỏ có BÀ và CON CHÁU thì quá vô lý.
Vậy CON chỉ có thể là NGƯỜI.
Nhưng tại sao lại là người phía bên bà? Tại chế độ mẫu hệ cổ thời. Con theo họ mẹ. Nhưng người bên bà, bên mẹ là người đồng tộc, còn kẻ bên ông là người ngoại tộc, không là bà con (theo chế độ mẫu hệ).
Vậy bà con là người đồng tộc nhưng mà là tộc bà.
Ta lại có từ ngữ to con hay TO người. Rõ ràng:
Con = Người
Cũng nên biết hai điều nầy:
I - TO CON chỉ được nói ở miền Nam, còn ở miền Bắc thì không, hoặc rất ít được nói. Thế thì dùng từ ngữ miền Nam để nói chuyện cổ thời là sai chăng?
II - Không sai. Chúng tôi đã chứng minh trong quyển sử rằng miền Bắc mất ngôn ngữ rất nhiều, thời vua Lê Chúa Trịnh, nhưng lưu dân đi Trung, đi Nam thì giữ được bởi nguyên nhơn mất ngôn ngữ chỉ xảy ra tại đất Bắc mà thôi. Lưu dân ăn nói theo Bắc cổ thời.
Ngay ở Chương II của sách này cũng đã có chứng tích như thế. Người miền Bắc không hiểu ca dao tục ngữ miền Bắc mà người miền Nam thì hiểu.
III) Chữ TO trong từ ngữ trên đây chứng minh được gốc gác miền Bắc của từ ngữ vì người miền Nam chỉ nói LỚN và BỰ mà không nói TO trừ trường hợp độc nhứt là từ ngữ TO CON mang từ miền Bắc vào.
Vậy thuở xưa, chính miền Bắc đã nói TO CON chớ không nói TO NGƯỜI và đó là chứng tích dở, mặc dầu miền Nam chỉ mới được khai sanh hơn ba trăm năm.
Nhưng đến hình thức KON thì có biến. Kon mọc đuôi rất dài, biến thành KONANG tức thêm ANG. Mã Lai như đã bắt đầu đa âm rồi. Tiếp vĩ ngữ ANG trong KONANG có nghĩa là MẠNH. Quả thật người Nam Dương có danh từ LANANG là Đàn ông lực lưỡng.
(KON) ANG có thể ban đầu là người mạnh. Người mạnh là người đàn ông, khác với người đàn bà là người yếu nên chủng Mã Lai mới tạo ra LANANG = Lan + ang để chỉ đàn ông và tạo PƠRTINA, WAHINA để chỉ đàn bà là kẻ yếu, và giữ KONANG để chỉ NGƯỜI tổng quát.
Mã Lai sáng tác lanang trước khi di cư đi Nam Dương và cho Kon mọc đuôi thành konang cũng trước khi đi Nam Dương. Đến nơi một thời gian họ mới biến ra konang để rồi rụng đầu, hóa ra ngày nay người của họ là ORANG.
Tại sao không để nguyên KONANG mà biến thành KORANG? Là tại ảnh hưởng Ấn Độ. Cứ nghe một ông Ấn Độ ở Sài Gòn nói tiếng V. N. là đủ hiểu cả: ”Côrơ ơirơ, tôirơ, yêurơ, côrơ, lắmrơ.”
KONANG đã có trước khi Lạc bộ Mã di cư đi Nam Dương, vì bọn ở lại bên Tàu có nhiều nhóm bị Hoa hóa sâu đậm lắm rồi thế mà về tiếng người họ không dùng tiếng Tàu, mà nói Nang, Náng, Nàng.
Nang (Phúc Kiến)
Náng (Triều Châu)
Nàng (Hải Nam)
Trong quyển sử, chúng tôi đã lầm mà nói rằng bọn ở lại, đã chịu ảnh hưởng Trung Hoa nên mất âm R, KO-RANG biến thành KONANG rồi lại chịu ảnh hưởng độc âm của Trung Hoa thêm một cú nữa thì KONANG bị co rút thành NANG.
Nhưng chúng tôi học lại thì thấy khác. KONANG đã có trước KORANG. Tại Trung Hoa nó chỉ mất đầu KO mà thôi. Tại Nam Dương thì N biến thành R vì thói lạm phát R của Ấn Độ. Ở Chàm cũng có ảnh hưởng Ấn Độ, nên nó biến thành urang (mất đầu K).
Ta cũng có một thời nói KONANG, tuy không còn dấu vết trong ca dao, nhưng đồng bào Thượng có thì ta phải có. Mãi cho đến ngày nay mà người Sơ Đăng còn nói KO- NỐU = Người.
Tóm lại dấu vết KO, KON, KONANG đều còn đủ mặt trong lãnh thổ Việt Nam, chỉ có riêng xã hội Việt Nam thì thiếu KONANG nhưng người Sơ Đăng còn giữ được.
Hình thức Ko thì còn giữ được đầy rẫy ở cao nguyên Lâm Đồng, và KO = Người trong ngôn ngữ của riêng dân Núp, Kâyông Việt. Việt… CO LÀC là NGƯỜI DÂN LÀC.
Trong ngôn ngữ Bru COÂi là NGƯỜI. CÔAI BRU là NGƯỜI DÂN BRU. Trong ngôn ngữ Mạ thì CÂU là NGƯỜI. CÂU MẠ là NGƯỜI DÂN MẠ.
Lại có đại biến, riêng tại lưu vực Hồng Hà. Đó là cuộc xâm lăng của Mã Viện và Mã Lai ngữ ở đó bị độc âm hóa. Konang bị ép như mía của các chị bán nước mía. Và hóa thành O, đã mất đuôi, lại đứt đầu.
Nhưng cấm nói vô bằng chứng. Bằng chứng là đây. Ta có hai ba câu ca dao khá cổ mà trong đó O = NGƯỜI:
O mi coi dáng nhu mì
Cứt dê bỏ bị mà đi khắp làng.
O mi là CON NGƯỜI CỦA MI rõ ràng.
Tự điển K. T. T. Đ định nghĩa O là CÔ. Đành thế, nhưng O phải có nghĩa gì nữa thì câu ca dao này mới là có nghĩa, chớ nếu O chỉ là CÔ thì là gì? Xin thay thế chữ O bằng chữ CÔ ở câu trên để xem sao.
Cô mi coi dáng nhu mì
Cứt dê bỏ bị mà đi khắp làng.
Không có nghĩa gì hết. Tại sao lại chê “cô” của một kẻ nào đó. Cô của hắn phải đã già rồi, không cần được người đời nói đến nữa. Người ta có khen chê thì chỉ khen chê em gái của kẻ đó, hoặc chị của kẻ đó thôi: Không, O trong câu nầy, không thế nào mà có nghĩa là CÔ được, mà đúng là Người: Người của mi coi dáng nhu mì.
Chữ O với nghĩa là CÔ, chỉ hữu lý trong câu ca dao sau mà thôi:
O bà cũng nọ mần chi
Hễ ông thương đặng thì dì cũng hơn
Đấy, O là Cô đấy, nhưng người chép ca dao, ông Nguyễn Văn Ngọc, cũng đã chép sai một tiếng. Đó là NỎ chớ không phải NỌ. NỎ cũng cứ là tiếng Mã Lai và có nghĩa CHẲNG. Xin chuyển ra danh từ đời nay:
Cô bà cũng chẳng làm chi
Hễ ông thương được thì dì cũng hơn
Chữ O với cái nghĩa là CÔ là danh từ Chàm (Lạc bộ Mã) mà ta vay mượn và quả câu ca dao thứ nhì là ca dao miền Trung bằng vào nhưng tiếng mà miền Bắc không có dùng, thí dụ MẦN thay cho LÀM, ĐẶNG thay cho ĐƯỢC.
Chữ O trong câu ca dao thứ nhứt là danh từ của Lạc bộ Trãi, tức đó là sự co rút tới mức triệt để của Konang.
Đó là hình thức sau Mã Viện, chớ trước Mã Viện, ta đa âm thì phải dài hơn, nhưng không biết nó ra sao, vì không tìm được dấu vết, có thể là KONANG, mà cũng có thể là KONỐU như nơi người Sơ Đăng.
Câu ca dao trên đây, chắc chắn là bắt gốc tại Đàng Trong vì có những tiếng mà chỉ có Đàng Trong mới dùng, vì vay mượn của Chàm: MẦN, ĐẶNG (thay vì ĐƯỢC) và chính người Chàm xưa gọi CÔ là O.
Thế thì O gốc Chàm trong câu sau phải khác với O Bắc Việt trong câu trước. O sau là của Lạc bộ Mã có nghĩa là CÔ, O trước của Lạc bộ Trãi có nghĩa là CON.
Đây là xâu chuỗi được hồi phục:
Thế hệ thứ nhứt

Mông Cổ:

Cao Miên:

Việt Nam:

KỂ

Làc:

KO

Mạ:

KÂU

Bru:

CÔAI

Pacóh:

NGÔH

Thái:

CON

Việt Nam:

CON (trước Mã Viện)

Việt Nam:

O (sau Mã Viện)

Sơ Đăng:

KONỐU

Việt Nam:

KONANG (Không có chứng tích)

Lạc bộ Mã:

KONANG (Chưa di cư)

Lạc bộ Mã:

NANG (Bọn ở lại thành Tàu)

Lạc bộ Mã:

KORANG (Bọn di cư đi Nam Dương)

Lạc bộ Mã:

ORANG (Rụng đầu K)

Dân Sơ Đăng, bằng chứng vào ngôn ngữ, là Lạc bộ Trãi, thế nên mặc dầu không tìm thấy dấu vết KONANG trong ngôn ngữ ta, trong biểu đối chiếu trên đây, chúng tôi để Việt Nam có Konang vì Sơ Đăng có thì ta phải có.
Danh từ KONỐU quan trọng hơn hết vì nó là cái khoen biến chuyển từ KON ra KONANG. Trong xâu chuỗi nầy, ta thiếu mất một dân tộc nói KONANG, nhưng KONỐU đã cứu vãn được xâu chuỗi. Quí vị sẽ biết rõ người Sơ Đăng ở những Chương sắp tới, họ gần gũi ta lắm, trong các nhóm Thượng, nhiều danh từ Việt, không nhóm nào có cả, trừ Sơ Đăng.
Thế ta vừa khám phá ra danh từ cổ Việt nó giúp cho cái xâu chuỗi danh từ thành hình rõ rệt, nhưng không phải là giả thuyết chút nào cả. Đó là hai danh từ O và CON.
XIN ĐẶC BIỆT CHÚ Ý: Chúng tôi nói rằng trong Việt ngữ cổ thời O và CON đều có nghĩa là NGƯỜI và chúng tôi đưa ra chứng tích là ca dao tục ngữ, từ ngữ.
Nhưng chúng tôi xin trình ra chứng tích mạnh hơn, thấy được trong ngôn ngữ của dân tộc khác.
Trong ngôn ngữ Sơ Đăng, BÀ CON họ nói là NHONG O.
NHONG là BÀ, O là CON, y hệt như ta, và vào thời cổ, dân ta đã nói BÀ O thay vì BÀ CON y hệt như người Sơ Đăng hiện kim.
Khi ta thấy KƠPÔ của Nam Dương biến thành TRÂU của Việt Nam qua một xâu chuỗi biến dạng thì cái gì cũng có thể biến thành cái gì cả.

Nam Dương:

KƠPÔ

Xi Tiêng:

KƠRPU

Sơ Đăng:

KÔPOU

Chàm:

KAPAO

Ra Đê:

KBAO

Giarai:

KBAO

Cao Miên:

KÀPÂY

Rôplai:

CÙVAU

Khả Tu:

KAPIU

Jêh:

KAPÌU

Các phụ chi Mạ:

GAPU

Mạ:

R PU

Duan:

R PU

Khả Lá Vàng:

SALU

Việt Nam trung cổ:

T LU

Bắc Việt nông thôn:

TRU

Việt Nam:

TRÂU

Úm ba la Kơpô = Trâu
Nếu chúng tôi nói TƠLO của Nam Dương = TRỨNG của Việt Nam, chắc không ai tin cả. Nhưng nếu biết rằng sách của các cố đạo hồi thế kỉ 17 không viết là TRỨNG mà viết là TLỨNG thì quý vị sẽ hơi hơi tin.
Nhưng Mã Lai Nam Dương lại có một danh từ nữa để chỉ Trứng, đó là TƠRONG, biến dạng của TƠLO. Quí vị chắc đã tin rồi.
Nguyên TRÁI CÀ, Mã Lai gọi hệt như Ăng Lê là TRỨNG CÂY (Egg plant). Và TRỨNG CÂY không còn là TƠLO nữa mà tiến đến TƠRONG.
Tơlo = Tlứng
Tơrong = Trứng
(Nghĩa Sơ Đăng còn tiến xa hơn Nam Dương nữa, vì họ nói là TRÓNG, cái dấu sắc đó, đưa họ xít lại gần ta hơn)
(Cũng nên biết rằng có một loại cà tên là CÀ TRỨNG mà người Bắc hình như gọi là CÀ PHÁO vì nó giống cái trứng chim. Việt Nam đã đánh mất TRỨNG CÂY trong thời bị đô hộ và CÀ chỉ là tiếng Tàu, đọc theo Quan Thoại, nhưng người Thượng thì còn, như danh từ Sơ Đăng cho thấy).
Thế hệ thứ nhì
Hệ người thứ nhì, theo linh cảm của chúng tôi, có thể là thế hệ thứ I, danh từ thật sự của chủng Mã Lai hồi thuở còn ở Himalaya, chớ không phải là của người Mông Cổ.
Vì đó là danh từ quá cổ, cổ đến tám ngàn năm là ít, nên dấu vết chỉ còn thấy được trong hai dân tộc: Việt Nam và Sơ Đăng:
Việt Nam: Gã
Sơ Đăng: Gá
GÃ và GÁ đều mang hai nghĩa: HẮN và NGƯỜI trong Việt ngữ và Sơ Đăng ngữ. Hệ này biến dạng như sau:
Việt Nam: Gã
Sơ Đăng: Gá
Sơ Đăng: N’gê (Mọc đầu N)
Tới hình thức N’GÊ thì Sơ Đăng cho nó cái nghĩa hẳn là NGƯỜI, không còn mang hai nghĩa như GÁ nữa. Và xâu chuỗi cứ tiếp tục:

Sơ Đăng:

V.N:

Sơ Đăng:

N’GÊ

Giarai:

NGAAI (đổi đuôi)

Bà Na:

BNGAAI

Jêh:

MANGAAY

Mường:

M’WAI

Phi Luật Tân:

M’NUI (đổi đuôi)

Cao Miên:

M’NƯ

Khả Bolonens:

P’NUI

Khả Lá Vàng:

R’NUI

Khả Tu:

MANƯIH

Việt Nam:

NGƯƠI

Nhưng NGƯƠI của ta thành hình thiếu dấu huyền. Nó là NGƯƠI và được dùng với nghĩa là MẦY. Không phải là NGƯỜI của ta thành hình sau các dân tộc khác, mà đó là hình thức kế chót của riêng ta, còn xưa hơn, có lẽ ta cũng nói là NGÊ y như Sơ Đăng hay một cái gì na ná như thế. Ta đã lập quốc còn người Sơ Đăng thì không chắc đã có nước thì ngôn ngữ của ta phải tiến nhiều hơn ngôn ngữ của họ. Biết điều đó rồi, ta cần hiểu rằng NGƯỜI là hình thức sau của ta, chớ không phải là nó có sau các dân tộc khác.
Sự gạt gẫm của các xâu chuỗi biến dạng, chúng tôi đã lưu ý quý vị rồi ở biểu đối chiếu đại danh từ Tôi, là không phải gặp Chàm tại Quảng Bình, ta mới mượn CAU của họ để biến thành TAU.
Ngươi ra đời thiếu dấu huyền. Điều đó không có gì lạ. Lạ là ta chưa cho nó cái nghĩa là NGƯỜI. Nhưng không. Dĩ nhiên là con đẻ của NGÊ, nó phải có nghĩa là NGƯỜI. Nhưng ta đã có KON nên ta gán cho NGƯƠI một nghĩa khác là MẦY.
Thời nầy cũng còn để dấu vết, trong câu ca dao sau đây:
Còn đời ngươi ấy ngươi ơi,
Nào ngươi đã bảy tám mươi mà già
Sơ Đăng đi thẳng từ KÊ đến NGÊ, còn ta thì lại ngừng lại ở Ngươi và cho nó nghĩa khác. Tại sao? Chương trước đã cho quý vị thấy rằng là vua Hùng Vương đã vay mượn TA của Lạc bộ Mã, và hồi cổ thời thì chỉ có Mầy với Ta mới đáng kể, vì gia đình nguyên thỉ chỉ có hai nhân vật đó. Thói quen ấy kéo dài đến thời vua Hùng Vương.
Ngươi thành hình nhưng bị gán cho cái nghĩa là MẦY, tức cũng cứ là NGƯỜI, nhưng NGƯỜI KHÁC, không phải là TA, tức TA KHÁC.
Trong giai đoạn nầy, ta lại dùng ngươi để chỉ một bộ phận của con mắt.
Việt Nam: Con ngươi
Sơ Đăng: Kongê
Tại sao lại có cái nghĩa đó? Là vì CON NGƯƠI là nơi mà MẦY thấy bóng hình của mầy trong đó.
Rồi thì NGƯƠI đội dấu huyền và thành CON tức các MẦY bởi vì CÁC MẦY khác cũng thấy bóng hình của họ trong đó. Vậy CON NGƯƠI của ta là tất cả mọi người, tức là CON vậy. NGƯỜI TA là kẻ có hình bóng trong CON NGƯƠI của TA, tức là CON vậy.
NGƯỜI TA ra đời, cạnh tranh với CON và cả thắng vì nó có ngữ nguyên gốc tổ là GÁ, GÃ, còn CON do ngữ nguyên ngoại chủng là KÉ của Mông Cổ.
Một cái luật trong Việt ngữ mà chúng tôi đã xướng ra trong quyển sử, được xác nhận lại ở đây một lần nữa “Khi một danh từ của ta, gốc ngoài, thì luôn luôn nó bị ta cho nó một nghĩa kém cỏi. KẺ là NGƯỜI mà ta không trọng.
HAY là trạng từ của Lạc bộ Chuy. Vậy khi một cậu con trai tán gái không khéo, cô ấy kêu lên “Ô hay, cái ông nầy!” Cô ấy chê đấy, chớ không phải là khen đâu!
Vương Quan nói với Thúy Kiều:
Vương rằng chị nói HAY sao?
Cậu em đó cũng đã chê chị chớ không phải khen bằng trạng từ HAY đâu. Trạng từ của Lạc Bộ Trãi là giỏi.

Việt Nam:

Giỏi

Thượng Việt:

Rơgởi

Nhựt Bổn:

Zyoozu

Thượng Việt và Nhựt tuyệt đối, không biết HAY.
Thế thì hồi thái cổ ai cũng nói giống nhau hết, trong đại khối Mã Lai nhưng lai giống với Mông Cổ rồi, mới có KẺ và KẺ mới đẻ ra đủ thứ như ngày nay.
Nhưng cái danh từ GÁ thái cổ, chắc chỉ còn tồn tại quanh núi Himalaya. Người Népal ở gần núi đó nhứt. Hiện họ có di cư đến Sài Gòn, chúng tôi có tiếp xúc với họ và quả họ không nói là KÈ, KẺ gì hết bởi họ không có lai với Mông Cổ. Nhưng họ chỉ xuất hiện ở vỉa hè Lê Lợi về đêm, và bận buôn bán, nên chúng tôi không học hỏi với họ được bao nhiêu, vả lại họ cũng nói tiếng Anh ba trợn, chỉ biết: Mắt, Rẻ, Bao nhiêu, v.v... mà thôi.
Nên biết hai điều nầy:
I) Lạc bộ Mã không hề lai giống với Mông Cổ hoặc với Tàu như tiền sử học đã cho thấy. Nhưng một nhóm Lạc bộ Trãi là bọn Bộc Việt đã vượt Hoàng Hà để xuống Hoa Nam với Lạc bộ Mã, thành thử Lạc bộ Mã mới có KORANG con đẻ của KÉ Mông Cổ được.
Người Chàm (Mã) đã đánh mất hệ thống GÁ của Lạc bộ Trãi, nhưng người Giarai (Mã) lại còn giữ được với danh từ NGAAI mà Chàm không có.
HỌ cũng là tiếng Mông Cổ. Trong Mông ngữ HÔYIN là một bộ lạc trong đó tất cả mọi người, đông hàng vạn đều đồng tông. Ta đã biến HO = HỌ và YIN = DÒNG.
Về sau bộ lạc tan rã, nhưng Họ và Dòng thì còn. Nhưng dưới thời vua Hùng Vương còn bộ lạc thì các bộ lạc ấy chắc được gọi là Hoyin (nếu chưa biến dạng) hoặc Họ, Dòng nếu đã biến dạng rồi.
ÔNG cũng là tiếng Mông Cổ. Vua, họ gọi là KHAN, Tàu phiên âm là HẢN. Ông vua = Ong khan (không có dấu mũ)
Các ông ưa bắt ta làm bà con với Tàu, cứ quả quyết rằng ta học Ông với Tàu mà không dè rằng các dân tộc đều cùng học một thầy, thầy Mông Cổ.
ÔNG bị Lạc bộ Trãi ở Cao Nguyên biến thành:
Kong (người Sơ Đăng)
Un (các phụ chi của dân Mạ)
Nhưng UN của Mạ lại là BÀ chớ không là Ông như Kong của Sơ Đăng, vì trải qua năm tháng, có sự thay đổi chế độ mẫu hệ, phụ hệ, chế độ thì biến, nhưng danh từ thì còn.
Nhưng người Chàm có ÔNG là vì họ chịu ảnh hưởng của Việt chớ Lạc bộ Mã không hề có lai giống với Mông Cổ.
Người Sơ Đăng chưa hề thấy mặt Tàu lần nào cũng không có học của ta. Vậy khi nào mà một danh từ mà Việt, Hoa, Sơ Đăng đều có, là danh từ Mông Cổ chớ không phải của Tàu đi vào ngôn ngữ Sơ Đăng do trung gian Việt Nam, trừ danh từ ĐỒNG, và CHANH, THÙNG thì quả họ đã học của ta.
Điều trên đây, có thể biến thành một luật văn phạm mới: “Những danh từ mà ta ngỡ là Hán Việt, không là Hán Việt, nếu người Sơ Đăng có. Đó là danh từ Mông Cổ mà chính Tàu cũng đã học. Ta và Sơ Đăng học trước Tàu vì đã có bằng chứng là ta làm chủ Hoa Bắc trước Trung Hoa (trừ Đồng, Chanh và Thùng mà Sơ Đăng học của ta).
Có một điều nầy, có thể nói là kinh dị, mà không nói quá lố chút xíu nào hết. Là người Sơ Đăng, đọc những danh từ mà ai cũng ngỡ là Hán Việt đó, bằng giọng Quan Thoại. Ấy người Tàu di cư đến Việt Nam chỉ là Quảng Đông, Phúc Kiến, v.v tức Tàu Hoa Nam, không có dùng giọng Quan Thoại. Nếu rủi có một người Tàu lọt được vào cộng đồng Sơ Đăng thì cũng không vì thế mà người Sơ Đăng biết giọng Quan Thoại (Nhưng không hề có người Tàu lọt được vào đó).
Đây là bằng chứng. Cái danh từ mà ta học theo Hán Việt là danh từ HẦU (cuống họng) Quan Thoại đọc là HÓ mà người Sơ Đăng cũng đọc là HÓ.
Tại sao vậy? Vì danh từ đó không phải của Tàu mà là danh từ Mông Cổ và dân Tàu và dân Sơ Đăng đều bắt chước Mông Cổ.
Còn ta, chắc thuở xưa ta cũng đọc là HÓ y hệt như Sơ Đăng, nhưng sau vì lẽ nầy hay lẽ nọ, ta đọc sai đi, còn người Sơ Đăng thì cứ giữ được mãi cái giọng Mông Cổ đã học từ 5000 năm rồi.
Những danh từ Mông Cổ mà Tàu có, ta đều có, nhưng ta học thẳng với Mông Cổ từ Hoa Bắc chớ không học của Tàu. Thí dụ: Con SÓI, Tàu nói là SÀI, Mông Cổ nói là SHAKAL. QA của Mông Cổ là LỚN thì:

Mông Cổ:

QA

Thái:

TO

Việt Nam:

TO

Sơ Đăng:

TOX (I)

Bru:

TÒA

Quan Thoại:

TA (Đại)

Nhựt Bổn nói O, nhưng không chắc lắm rằng đó là biến thể của Qa Mông Cổ, nhưng rất có thể, vì họ lai với Mông Cổ mãi về sau Tây lịch nữa, chớ không phải chỉ lai cách đây 5000 năm như Thượng Việt và Việt Nam.
Quý vị đã thấy chúng tôi trình bày về xứ của người Sơ Đăng mà chúng tôi muốn tới, nhưng thất bại cả hai lần. (Chương I)
Thế mà người Sơ Đăng lại có tiếng Hán Việt, và họ lại đọc rất đúng giọng Quan Thoại, chớ không phải đọc sai như các nhà nho Việt Nam.
Chưa hề có nhà ngữ học Âu Mỹ nào thấy được điều đó cả, mặc dầu chúng tôi học ngôn ngữ của người Sơ Đăng qua sách Pháp và sách Mỹ.
Quý vị có biết tại sao người KUY gọi con cá là QAKA hay không? Nếu họ cho mọc đầu K thì cứ cho, đâu có gì lạ. Là vì người KUY là Lạc bộ Trãi vốn đã lai với Mông Cổ mà âm Q tức đọc như K nhưng chìm trong cái HÓ. QAKA không phải là KAKA mà là KAKA CHÌM, KAKA ĐIẾC. Thế nên Mông Cổ mới đặt tên kinh đô của họ là QARAKOUROUM.
Cũng nên biết rằng Quan Thoại cổ thời cũng không có âm K mà dùng toàn âm Q. Quan Thoại TÂN ÂM, tức Quan Thoại vừa được đổi mới, tức trở về Quan Thoại đúng của cổ thời, cũng dùng toàn âm Q, thay cho K và cho tôi, thí dụ TẦN (Thỉ Hoàng) được viết là QIN, CA CA là anh, được viết là QAQA khi nào họ cần La Mã hóa văn tự cho người ngoại quốc đọc.
Một động từ mà ai cũng tưởng là của Tàu, nhưng nó là của Mông Cổ. Đó là động từ Khát (nước).

Quan Thoại:

KHUA

Sơ Đăng:

KHÚA

Hán Việt:

KHÁT

Việt Nam:

KHÁT

Nhựt Bổn:

KATSU

Sơ Đăng đọc đúng Quan Thoại nhứt mà cái Quan Thoại đó chỉ là Mông Cổ.
GÈER là cái lều bằng da thú của Mông Cổ, nào ai dè đã đẻ ra NHÀ của Việt Nam. Nhưng xin xem các biến dạng dưới đây:

Mông Cổ:

GÈER

Sơ Đăng:

(HN)GÊI

Rơngao:

(HN)YÊ

Sơ Đăng Konpring:

(HN)HÂY

Khả:

HNJƠM

Jêh:

NIƠ

Mạ:

NHI

Xi Trên:

NHI

Kơyong:

NYIA

Lamet:

NA

Trung Việt nông thôn:

Mường:

NHA

Việt Nam:

NHÀ

Danh từ NGƯỜI của Nhựt là HITÔ, của Đại Hàn là SA-RAM, xem ra chẳng ăn nhằm gì với các danh từ của Lạc bộ Trãi cả, và đó mới là yếu tố An Tai thật sự, nhưng một loại An Tai khác hơn vì chủng Bắc Mông gô lích gồm hàng trăm nhóm khác nhau, bọn Trãi đi Việt Nam đã hợp chủng với một nhóm khác hơn là bọn Trãi đi Đại Hàn và Nhựt, thế nên danh từ NGƯỜI của ba quốc gia này mới anh đi đường anh tôi đường tôi, Hàn và Nhựt đánh mất GÁ của Mã Lai, lại không có mượn KÉ của nhóm lai với bọn ở hang làng Cườm.
Nhưng cũng xin nhắc lại rằng yếu tố Mông Cổ rất yếu trong Nhựt ngữ, chớ không phải là căn bản như các ông Tây đã nói. Trong Hàn ngữ, nó tương đối mạnh hơn, nhưng căn bản cứ là Tàu và Lạc bộ Trãi. Trong Việt ngữ thì các ông Tây không hề biết là có, nhưng tuy có mà lại còn yếu hơn ở Nhựt ngữ nữa.
Việt = Mã Lai + Mông Cổ
Nên ta có dùng danh từ Mông Cổ là chuyện dĩ nhiên. Còn Tàu là:
Tàu = Nhục Chi + Mông Cổ
Thì họ có dùng danh từ Mông Cổ hay không? Có. Tiếng ÔNG đã cho thấy như vậy. Tuy nhiên căn bản của tiếng Tàu là tiếng Tây vì Nhục Chi là Tây. Họ chỉ chịu ảnh hưởng Mông Cổ ở điểm độc âm mà thôi, còn thì danh từ nguyên thỉ của họ phần lớn là tiếng Tây hết thảy.
Đây là một tiết lộ làm kinh ngạc cả những nhà bác học Âu Mỹ. Tiếng Tàu là tiếng Tây hồi nào hở trời. Nhưng sự thật là thế.
Cái món mà Tàu thấy trước nhất và nhiều nhứt là CÁT vì nơi họ lai giống Nhục Chi + Mông Cổ là vùng Altai. Đó là một vùng sa mạc.
Mông Cổ gọi cát là Gô (bi). Tàu không có gọi như vậy. Quan Thoại gọi là SÁ mà ngữ căn Ấn Âu là Sabulum, Pháp biến thành SABLE, Anh biến thành SAND.
Nếu chỉ giống có một vài danh từ thì chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng lại giống hết thảy:

Quan thoại

Ngữ căn Ấn Âu

TI-I (Đất)

TERA (La Tinh)

WỈ (Dạ dày)

VISCERA (La Tinh)

WÍ (Nhỏ lắm)

MIKROS (Hy Lạp)

PI (Mũi)

RHINO (?)

ƠL (Tai)

OTO (?) TAR (Nhật Nhỉ Mạn)

XẸ (Máu)

SERUM (La Tinh)

PHÍ (Phổi)

PTY, PTUALON (Hy Lạp)

XƠN (Thân thể)

SƠLƠRA (Phạn)

PỈ (Da)

PELLIS (La Tinh)

DÃ (Răng)

PADA (Phạn)

YÊL (Mắt)

EYE (Nhựt Nhĩ Mạn)

FỎ (Lửa)

FOCUS (La Tinh)

MIL, MÉL (Lúa mì)

MILIUM ( La Tinh)

SÀI (Củi)

SALE, CALE (Calorie)

PHÁL (Bột)

FARINA (La Tinh)

Một danh từ khá lâu đời, nhưng có sau những danh từ trên đây:

Quan Thoại

Phạn

Tsơ (Tơ lụa)

Satơra

Vậy Ấn hay Hoa đã phát minh ra Tơ? Truyền thuyết của hai dân tộc đó đều cho rằng họ phát minh ra Tơ. Đố ai biết ai nói láo. Chữ Tơ của cả hai đến đồng gốc Ấn Âu. Theo chúng tôi thì chính bà Tây Vương mẫu đã phát minh ra Tơ. Bà ta là nữ vương của rợ Nhục Chi đấy và đã ảnh hưởng đến cả Ấn lẫn Hoa. Đó là vua của Nhục Chi mẫu hệ và bị đồng hóa với bà Luy Tổ của Tàu trong truyền thuyết Trung Hoa, đến những đời Hán, Đường mà Tàu còn mượn nhạc Nhục Chi thì đã biết “Rợ” đó có rợ hay không.
Ta cần chú ý đến sự kiện tối quan trọng sau đây là người Sơ Đăng luôn luôn là cái khoen thứ nhì trong các xâu chuỗi. Từ X… đến GÁ cũng cứ người Sơ Đăng đứng hạng nhì, từ GÈER đến (Hn) GÊI cũng lại là người Sơ Đăng đứng đầu các nhóm Lạc bộ Trãi. Trong quyển sử, ta đã biết quốc gia Đạo Minh của người Khả Lá Vàng. Sơ Đăng phải chăng là quý tộc của quốc gia đó, cái quốc gia Lạc bộ Trãi song đôi với Văn Lang?
Dĩ nhiên Lạc bộ Mã không có lai với Mông Cổ nên nói khác về Nhà:

Miền Dưới:

RUMẢ

Chàm:

THANG

Rađê:

SANG

Giarai:

THANG

Churu:

SÀNG

Việt Nam:

NHÀ SÀN

Họ đồng hóa cái THANG và NHÀ vì muốn lên nhà sàn, phải leo thang.
THANG là danh từ của Lạc bộ Mã, Nam Dương nói là TANGA, Nhựt Bổn biến thành Tana và cho nó cái nghĩa là cái kệ có nhiều tầng, tức cũng cứ là cái THANG. Thang của Lạc bộ Trãi, còn thấy được:

Khả Lá Vàng:

MƠN

Mạ:

GƠNG

Sơ Đăng:

KƠNG

Việt Nam:

MÓNG

Ta có câu tục ngữ: ”Móng đàng đông, cầu vòng đàng tây.) Cái MÓNG, cũng được người ta gọi là cái Thang để lên trời.
Danh từ dưới đây, chỉ mới có vào đời Chu, thì chắc không là đồng gốc mà là vay mượn của nhau nhưng không biết ai vay của ai.

Tàu: SÁCH (sách)

SASTƠRA (Phạn)

Dĩ nhiên là các món về sau, ông Tàu sáng tác khác ông Tây Nhục Chi hết thảy, nhưng những món mà ông Tàu sơ khai thấy và có, đều là danh từ của ông Tây Nhục Chi, ông ấy nói tiếng Tây vì ông ấy thuộc chủng Irano – Indo – Européen.
Ta thấy nhiều sách đời Chu phải được chú giải thì người Tàu mới hiểu, là vì có những danh từ gốc Nhục Chi trong đó mà đến cuối đời Chu, Tàu sáng tác khác, chỉ khi có những nhà bác học như Khổng Tử mới hiểu được mà thôi.
Trong một bài thơ của Kinh Thi có ba câu sau đây:
Lân chi lốc (Lốc viết là giác)
Chân chân công tộc
Hu ta lân hề
Các nhà nho ta thường giải thích rằng chữ GIÁC là cái sừng, phải đọc là LỐC cho nó hợp vận với TỘC. Nhưng ông thi nhân tác giả của bài thơ đó, vào thuở ấy, ông ta có phương tiện loan báo cho dân biết rằng chữ GIÁC phải đọc là LỐC hay không? Và nếu có, dân có bằng lòng nghe hay không.
Ngay như ngày nay mà ta dồi dào phương tiện, ta cũng không làm sao mà bắt độc giả chấp nhận một câu ca dao như sau:
Trăng rằm mười sáu trăng treo,
Chị em ta túng kéo chỉ bán bông.
Nếu là chữ TÚNG ở chỗ chữ NGHÈO rồi bắt họ đọc là NGHÈO cho nó ăn với vận TREO, họ sẽ gởi ta đi Biên Hòa mất.
Làm thơ, có đâu muốn gieo vần thế nào thì gieo rồi bắt thiên hạ đọc những vận sai ấy cho hợp với vận trên hay vận dưới. Nguyễn Đình Chiểu phải viết “Dưới đèn xem truyện Tây Minh” chớ không thể viết: “Dưới đèn xem truyện Tây Tống” rồi bắt ta phải đọc Tống là Tinh cho hợp với NHƠN TÌNH ở dưới.
Cái sừng, Phạn ngữ nói là CH, LA thì anh Tây Nhục Chi cũng nói na ná như thế là CH, LÔ, thế nên thi nhân đó làm thơ bằng một vận cổ Hoa gốc Nhục Chi là LỐC.
Về sau, ai đó (Khổng Tử hoặc ông nào khác) sửa sang lại và chợt thấy dân đã sáng tác GIÁC từ lâu mà quên LỐC nên ông chép là GIÁC, nhưng chú rằng Giác phải đọc là LỐC, LỐC có thật sự, dưới đời Hạ Thương chẳng hạn, bị các ông san định tự ý sửa lại là GIÁC rồi chua rằng phải đọc GIÁC là LỐC.
Thành thử chúng tôi rất khâm phục ông Nguyễn Văn Ngọc, vì nhiều danh từ cổ mà ông quên nghĩa, ông cứ để nguyên, không san định gì hết. Nhờ thế mà ta mới khám phá được nhiều sự thật về cổ thời.
THI SÁCH là ông Thi CƯỚI VỢ. Nhưng không phải chỉ có man di Giao Chỉ là không hiểu, ngỡ ông lấy họ Thi tên Sách mà cả các nhà bác học Trung Hoa cũng không hiểu, phải đọc chú thích mới biết rằng SÁCH là động từ cổ có nghĩa là CƯỚI VỢ, và ông ấy chỉ là ông Thi cưới con gái của Lạc tướng Mê Linh.
Nhưng nếu ai cũng đọc kỹ câu sử của THỦY KINH CHÚ đều thấy một điều kì dị nầy là câu văn đó thiếu mất một động từ “con trai của Lạc tướng Châu Diên tên là Thi Sách, con gái Lạc tướng Mê Linh tên là Trưng Trắc làm vợ” v.v Rõ ràng là thiếu động từ “CƯỚI”. Nhưng vì không ai biết tiếng Nhục Chi nữa mà chỉ biết SÁCH là danh từ mà Tàu sáng tác về sau và có nghĩa khác, nên cứ nhắm mắt cho phép câu văn đó thiếu động từ, và xem SÁCH là tên của ông ấy y hệt như ta không hiểu tại sao mo cau mà gọi là mo nang, vì thuở xưa tổ tiên ta là Mã Lai, mà trong ngôn ngữ Mã Lai, Nang là Cau. (Đã có giải thích rồi về vụ mo nang này và tên nước Văn Lang, ở đầu sách).
Danh từ Phạn BANGSA là GIỐNG NÒI, còn BÀNG HỆ của Trung Hoa là Nhánh bà con không thẳng dòng.
Mặc dầu không thẳng dòng, nhưng cũng cứ là một giống nòi. Nhưng mà tại sao lại không thẳng dòng? Vì dân lai căn tự thấy mình mới là chánh tông, và chánh tông Ấn Âu thì lại bị coi là không thẳng dòng.
Không phải BANG SA biến dạng thành BÀNG mà thôi. Hệ được thêm sau, và Hệ đồng gốc Mông Cổ với ta, gốc HOYIN, ta biến thành HỌ DÒNG, nhưng Tàu biến thành HỆ.
Thành thử trong BÀNG HỆ, vừa có danh từ Ấn Âu, vừa có danh từ Mông Cổ, đúng là danh từ lai căn của dân Tây lai Mông Cổ.
Nhưng Tàu không đổi mới hết, nên ta mới thấy được hàng trăm danh từ gốc Ấn Âu rõ ràng còn sót lại trong Hoa ngữ.
Ta cứ tưởng tượng rằng CON TẰM do TÀM của Tàu. Thật ra thì dưới thời nhà Chu, Tàu gọi con Tầm là CHƯƠNG. Nhưng họ bỏ danh từ CHƯƠNG để lấy danh từ TÀM mà đó là danh từ của Thất Mân tức của Lạc bộ Mã, tức của ta phần nào.
Tại sao họ lại bỏ CHƯƠNG? Vì đó là danh từ quá cổ và gốc Nhục Chi mà họ không thích cũng như trong vòng vài năm nay báo chí văn nghệ quyết định bỏ tiếng ĐẠI VĂN SĨ mà dùng tiếng NHÀ VĂN LỚN. CHƯƠNG là danh từ của bà Tây Vương Mẫu.
Truyền thuyết Tàu cho rằng họ phát minh tơ lụa trước nhứt. Truyền thuyết Ấn Âu cũng nói như thế và cả hai đều có danh từ y như nhau. Nhưng có hai sự kiện trên đây cần được ta suy gẫm:
1) Tơ lụa ở Cachemire có một loại may áo xong, có thể vò áo lại rồi bỏ trọn trong một cái chén uống trà nhỏ. Đó là sự thật vào thời Trung Cổ Âu châu.
2) Sự thật ngày nay là tơ lụa Nhựt tốt hơn tơ lụa Tàu và bán chạy hơn, trên thị trường quốc tế. Mà Nhựt là Trãi + Mã, kẻ có danh từ TÀM.
Trong quyển sử chúng tôi có viết rằng dân Nhục Chi đã biết lửa, dân Mông Cổ cũng thế, nhưng dân lai căn là Tàu thì lại kể truyền thuyết Phục Hy dạy họ làm lửa, trong đất Tàu.
Truyền thuyết đã lầm lẫn địa bàn. Phục Hy là một nhân vật Nhục Chi đã dạy Nhục Chi lửa, với danh từ FOCA, FOCUM, FOCUS gì đó, chớ không phải là nhân vật Tàu, dạy dân Tàu, tại đất Tàu. Thế nên lửa của Tàu mới là FỎ.
Ta lại phải trở về với ông Mông Cổ giả là ông Nhựt. Thật ra thì ông ta đâu có trá hình làm Mông Cổ, tại các ông Tây bắt ông ta phải làm Mông Cổ đó thôi.
Ông đó có nói là KẺ là CON gì hay không? Tuyệt đối không. Ông ta nói là HITÔ. Chúng tôi rất nghi rằng ông ta biến dạng tiếng HẮN của Lạc bộ Trãi, và quả thật, HITÔ cũng có nghĩa là HẮN.
Hitô = Người
Hitô = Hắn
Lạc bộ Mã chỉ nói ĐIA mà Trung và Nam Việt biến thành DÀ, DẢ, DA. Bắc Việt đã biến sai NYA của Lạc bộ Mã ra là NÓ, vì NYA có nghĩa là CỦA HẮN chớ không phải HẮN.
Trung và Nam cũng có biến NYA thành NỐ, nhưng dùng rất đúng vì NYA của Chàm đời xưa vừa có nghĩa là CỦA HẮN vừa có nghĩa là CÁI NGỮ ĐÓ. NỐ của Trung và Nam cũng có nghĩa là CÁI NGỮ ĐÓ, CÁI THỨ ĐÓ.
Vậy ông Nhựt không hề là ông Mông Cổ như ông Tây đã nói mò, mà chỉ là ông Mã Lai hỗn hợp y như Việt Nam, tức vừa dùng danh từ của Lạc bộ Trãi như XƯA, MÓN vừa dùng danh từ của Lạc bộ Mã, như KUDA của Nam Dương là con NGỰA bị họ biến thành KURIGE.
Danh từ CON là con của ta đẻ ra và Trẻ con của bọn Trãi thì Đại Hàn đã đánh mất. Họ nói A-DUL và A-I mà chúng tôi tìm không được ngữ nguyên, có lẽ đó là danh từ Mãn Châu.
Nhưng Nhựt còn giữ được dưới hình thức:
Ko = Con (đẻ)
Komodo = Trẻ con
Đó rồi thì nó đẻ ra Con, Kon, Kuan, Coan hàng trăm thứ, trong khối Trãi, khá giống Con là Người về hình dáng nhưng ngữ nguyên và nghĩa thì khác.
Danh từ Con (đẻ) và Trẻ con của Lạc bộ Mã là Anak mà dân ta biến thành Con nít, tức Con trong Con nít chẳng dính líu gì đến Trẻ con, bởi Con nít gốc Mã, Trẻ con gốc Trãi, Chàm, Giarai, Rađê, Rôglai, Churu biến ra lu bù là Inứ, Ina, Ana v.v.
Chỉ có dân tộc Việt Nam mới phân biệt Con (đẻ) và Trẻ con bằng cách thêm Trẻ vào đó, và dân tộc Nhựt Bổn bằng cách thêm Đômô vào con, các dân tộc khác thì chỉ dùng độc một danh từ để chỉ Con (đẻ) và Trẻ con.
Các nhà ngữ học Mỹ, chỉ làm việc ở Cao Nguyên có 5 năm, nhưng kết quả lại bằng 10 công trình của Pháp trong vòng một trăm năm. Nhưng xem ra các ông chưa biết Austroasiatiques là gì, bằng chứng là các ông gọi Nam Dương ngữ, Chàm Ngữ là Austroasiatiques.
Và bỏ chung Trãi và Mã với nhau. Ngôn ngữ Thượng đồng gốc với Việt ngữ, nhưng các ông cứ can đảm viết rằng đó là phụ ngữ của Miên ngữ.
Chàm ngữ là ngôn ngữ Lạc bộ Mã, tức Austronèsien, thế mà các ông cũng cứ cho đó là ngôn ngữ Autroasiatiques.
Chắc còn lâu, vấn đề ngôn ngữ ở Đông Nam Á mới được biết đúng, vì cái hội ngữ học ở Mỹ là hội lớn, có đầy đủ phương tiện, và ngoài họ ra, chắc không ai làm việc bằng họ, thế mà họ đã sai lầm về căn bản rồi thì sự sai lầm đó trở thành sự thật cổ điển, được thế giới nhìn nhận thì phải lâu lắm, khi may ra chúng tôi có chút ít tên tuổi nào về mặt quốc tế, thì chủ trương của chúng tôi mới được thiên hạ chú ý tới và chừng ấy cái thành trì sai lầm nói trên sẽ bị phá vỡ. Nhưng còn lâu.
Chương XI - Một ngàn danh từ Phù Nam trong Việt ngữ miền Nam
Miền Nam có những danh từ, từ ngữ mà Trung Bắc không có, và xem lại thì đó là danh từ của Nam Dương.
Hời hợt, có thể cho rằng đó là danh từ mà ba thứ người sau đây đã đưa vào miền Nam:
1) Bọn lính đánh thuê cho Pháp, người Phi Luật Tân, họ có đến Sài Gòn, một mớ có ở lại sau cuộc xâm lăng năm 1859.
Nhưng biến cố 1859 là biến cố quá mới, mà bọn ở lại để làm gì và được bao nhiêu người, đã đưa những danh từ nào vào Nam, người miền Nam đều biết thật rõ.
Họ ở lại non một trăm người, tất cả đều làm cảnh sát viên tại thành phố Sài Gòn, tự xưng là Mata Mata, tức cảnh sát viên, và bị người Nam gọi là ma tà (để đùa và khinh) hoặc gọi là mả tà với cái nghĩa là cảnh sát viên.
Nhưng Pháp chỉ dùng bọn này có 5 năm rồi giải nhiệm hết. Đa số hồi hương. Năm sáu anh làm nghề đánh xe ngựa đờ luýt của thành phố Sài Gòn vào thuở ấy mà ta gọi là xe Song Mã (được Tản Đà làm thơ tả cái thú đi dạo mát bằng loại xe ấy) và Pháp gọi là xe Calèche.
Bọn ấy tự xưng là dân MANÍ (Manila), và cũng được ta gọi là Chà và Maní. Danh xưng Chà Và, ban đầu phiên âm Java để trỏ người Java, sau lại thì chỉ tất cả những thứ dân đen nhiều hay ít mà ta không biết là ai (Ấn Độ, Phi Luật Tân, Phi Châu, v.v.) Danh xưng MANÍ biến thành danh từ MANIN để chỉ lối húi tóc của đa số người miền Nam nay. Người Phi Luật Tân bị da trắng trị 400 năm trước ta, nên họ húi tóc theo da trắng hết, năm họ đến Sàigòn.
Danh từ thứ ba và thứ tư mà bọn ấy để lại là danh từ XÀ ÍT ( Sãis) có nghĩa là Thằng đánh xe, nhưng ta đã bỏ danh từ ấy từ năm Calèche bị ô tô thay thế, vào khoảng năm 1930. Chỉ có danh từ thứ tư là biến thành từ ngữ rất thịnh dụng ở miền Nam cho đến ngày nay.
Miền Bắc nói THẮNG NGỰA VÀO XE, nhưng miền Nam nói BẮT KẾ. Bắt kế là do PƠRKAI KUDA mà ra, Pơkai = Thắng vào xe, Kuda = Con ngựa.
Bọn đó lấy vợ Việt, sanh con ra và con cháu kế nghiệp ông cha cho đến năm 1930. Có lẽ họ đã thành Việt Nam hết, nhưng tuyệt đối không có đưa thêm danh từ nào vào Việt ngữ trừ bốn danh từ trên.
Chúng tôi biết chắc vị trí của bọn đánh thuê ấy nhờ quen biết với gia đình M. Một gia đình Phi-Việt độc nhứt không làm nghề đánh xe ngựa, mà nhập Pháp tịch, lấy vợ Việt, và làm nghề săn bắn hổ báo.
Chúng tôi mất liên lạc với gia đình này sau biến cố 1945, và họ đã giống Việt Nam lắm rồi, và nếu họ không làm Tây, thì không ai biết được họ là người ngoại quốc.
Về người Phi Luật Tân, nhiều người biết lắm và riêng chúng tôi biết rõ và chắc hơn, nhờ gia đình M.
Như thế, ta loại ảnh hưởng Phi Luật Tân quá dễ dàng, mặc dầu họ ăn nói không khác Nam Dương bao nhiêu và có thể bị tình nghi là kẻ đưa ngôn ngữ vào Nam.
Nhóm bị tình nghi thứ nhì là bọn Mã Lai, lính của Mạc Cửu vì sử có ghi rằng Mạc Cửu có mộ một số lính người Mã Lai. Danh xưng Mã Lai không biết chỉ rõ quốc gia nào, có lẽ cứ là Java, vì Java thường vào lục địa hơn hết.
Nhưng vì họ là lính Mạc Cửu thì thường bại trận, nên bọn ấy chết trận còn chẳng bao nhiêu. Lại không có tài liệu cho biết bọn ấy đã được giải ngũ và được định cư, mà nếu có, cũng không thể đưa ngôn ngữ vào toàn cõi Nam Kỳ, nhứt là đó là toàn những danh từ rất tế nhị.
Còn ai nữa? Trịnh Hoài Đức cho biết có thương thuyền Mã Lai đến buôn bán với Nông Nại Đại Phố? Sinh quán ở Biên Hòa, chúng tôi biết rõ Nông Nại Đại Phố. Quanh thành phố ấy không có người Việt gốc Mã Lai.
Sau rốt là người Châu Giang đã nói rõ ở Chương I. Họ là dân Java theo bước viễn chinh của quân xâm lăng xứ Cao Miên. Cao Miên quật cường và đuổi xâm lăng được rồi thì họ ở lại đông đảo, nhứt là tại Cao Miên nay.
Người Việt Châu Đốc hoàn toàn không có học gì của họ cả, kể cả con số 1 của họ, như vậy mãi cho đến ngày nay.
Thế thì nếu có một ngàn danh từ của Lạc bộ Mã trong Việt ngữ miền Nam, ta phải kết luận rằng đó là ảnh hưởng của Phù Nam, họ còn sống sót vào đầu thế kỉ 17 mà ta di cư vào đây. Người Phù Nam có ngôn ngữ y hệt như người Nam Dương.
Tưởng cũng nên nói rõ về người Châu Giang ở Châu Đốc, kẻo có người lại cứ cho rằng những danh từ lạ trong Việt ngữ miền Nam là do ta học với người Châu Giang.
Người Châu Giang sống biệt lập, giữa ta và họ có một bức tường văn hóa.
Tại sao quân xâm lăng Java lại ở Cao Miên và Châu Đốc mà không bị trả thù? Vì họ là cán bộ giỏi, Cao Miên kém hơn họ nên cần họ. Vả lại đó là thường dân nối gót xâm lăng chớ không phải là binh sĩ.
Về sau, tức vào những thế kỉ 15, 16, họ còn được Cao Miên biệt đãi nữa là khác vì có người Java làm đại thần trong trào Cao Miên, rồi vua Cao Miên lại cưới vợ Java nữa.
Và tại sao ta không có chịu ảnh hưởng của họ và ngược lại? Vì đạo Hồi. Đó là một tôn giáo bất khoan dung. Đã vậy nông dân ta lại rất tin nhảm. Họ bảo rằng họ nghe được mùi thịt heo nơi ta, nên họ không thích cho ta vào làng họ. Trong khi đó thì ta thấy khăn của họ vẽ chữ rằn ri, có lẽ chỉ là những câu chúc lành của kinh Koran, viết bằng quốc ngữ Nam Dương chớ không có gì, thế mà dân ta ở quanh đó, rất sợ, cho rằng đó là bùa, và bùa ấy sẽ hại kẻ lạ.
Họ không thích chung đụng với ta vì lý do tôn giáo chớ không phải vì ghét ta rồi chực chờ hại ta, bằng những chiếc khăn có vẽ bùa đó đâu. Đối với họ, thịt heo là cái gì nhơ bẩn, cần tránh cho thật xa, chỉ có thế thôi, ta không nên ngộ nhận rồi sợ hãi họ.
Nhưng ta đã ngộ nhận, nên tuyệt đối không có ảnh hưởng qua lại nào, cả đến số 1, số 2 của họ, ta cũng không biết. Nó là Sa, Đua, Tíga, Ơmtat, vân vân, trong khi dân miền Nam thạo tiếng Cao Miên, ở quốc ngoại, còn một ngôn ngữ quốc nội là ngôn ngữ vùng Châu Giang thì ta tuyệt đối không biết.
Vậy dầu cho họ là ai đi chăng nữa thì ngôn ngữ của họ cũng không hề ra khỏi 5 làng vùng Châu Giang.
Cho rằng người Phù Nam còn tồn tại vào cái thế kỉ mà dân ta di cư vào Nam, tức thế kỉ 17, có người bảo rằng là không thể có được vì họ đã bị Cao Miên diệt quốc từ thế kỉ thứ 6, thứ 7 S.K.
Nhưng khi mà dân Mêlanê, dân Négritos, dân đồi mồi của thời trước Tây lịch đến còn đủ mặt trong lãnh thổ ta (xin xem lại quyển sử) thì người Phù Nam cũng phải còn. Cao Miên không hề có chánh sách diệt tộc Phù Nam, lại không đủ giỏi để đồng hóa toàn thể dân Phù Nam vào thế kỉ 17, tức làm xong công việc đồng hóa trong vòng một ngàn năm (ngược lại, chính họ bị Phù Nam đồng hóa vì trong ngôn ngữ Cao Miên, đầy dẫy danh từ Phù Nam) thì dân Phù Nam phải còn.
Hơn thế trong một bài nghiên cứu đăng ở tạp chí B.S.E.I ông P. Dupont đã chứng minh rằng Cao Miên không bao giờ có chiếm đất Nam Kỳ khi diệt quốc Phù Nam, mà chỉ chiếm trung ương của Phù Nam là nước Cao Miên nay, vì họ không đủ quân lực, bởi đế quốc Phù Nam rất lớn, họ chiếm tới Nam Miến Điện đã hết quân rồi.
Dân Cao Miên tự động di cư đi chiếm các vùng đất tốt nhứt của một vùng vô chủ là Long Xuyên, Châu Đốc, Sóc Trăng, v.v. và dân Phù Nam mất vua nhưng lại còn quá nhiều đất ở Nam Kỳ, mặc dầu là đất xấu.
Chúng tôi đã cho thấy ảnh hưởng của vùng Châu Giang đối với ngôn ngữ ta. Nó là một con số không to tướng. Nếu lính Mạc Cửu và bọn thương hồ Mã Lai có ở lại thì ảnh hưởng của họ cũng đã giống hệt ảnh hưởng của vùng Châu Giang.
Bọn Phi Luật Tân thì có để lại năm ba danh từ được biên ra đầy đủ ở Chương tự vựng.
Bọn để lại khắp miền Nam một ngàn danh từ tế nhị, đôi khi bác học nữa, phải là bọn khác, văn minh hơn là lính đánh thuê cho Mạc Cửu, cho Pháp, văn minh hơn là bọn lái buôn thuyền biển.
Nhưng chứng tích của chúng tôi rất nghèo. Ta chỉ biết là năm ta di cư vào Nam (1623), ta đặt tên cho một cửa sông Cửu Long là Cửa Bà Lai. Bà Lai là danh xưng thứ 5 mà người miền Nam dùng để chỉ Lạc bộ Mã. Đây là 6 danh xưng đó:
Miền Dưới
Chà Và
Mã Lai
Bà Ba
Bà Lai
Kiến Hổ
Dân Mã Lai nào đã định cư đông đảo tại một cửa sông Cửu Long? Cửa sông đó, nằm cách Hà Tiên 400 cây số theo đường chim bay, và 400 cây số rừng rậm mà đến nay ta chưa khai phá hết. Lính của Mạc Cửu, có ở lại, chỉ định cư quanh Rạch Giá, Hà Tiên là cùng.
Hẳn bọn Bà Lai ấy là một cộng đồng Phù Nam đông đúc, còn ở các nơi khác, họ sống rời rạc, nên không có nơi nào mang địa danh trùng với danh xưng mà người miền Nam dùng để trỏ họ.
Như đã nói và sẽ giải thích, dân Phù Nam có ngôn ngữ như Chàm ngữ và Nam Dương ngữ. Đó là Lạc bộ Mã, thì thuở ấy ta có thể lầm lẫn họ với người Nam Dương và gọi họ là Bà Lai.
Chứng tích nầy không đủ mạnh, nhưng sự bác bỏ lính của Mạc Cửu và lính đánh thuê cho Pháp thì rất vững. Nhà bác học tiền bối là cụ Trương Vĩnh Ký đã giải thích rằng Bà Lai là BARAY. Đó là danh từ Cao Miên trỏ một hồ nước nhơn tạo để dẫn thủy NHẬP ĐIỀN.
Nhưng ở cửa sông Cửu Long chỉ có dẫn chứng XUẤT ĐIỀN, chớ không bao giờ phải đắp đập Baray để mà dẫn thủy NHẬP ĐIỀN.
Ta phải kết luận rằng những danh từ đó do một thứ dân Lạc bộ Mã không có theo đạo Hồi, họ là người độc nhứt có thể chung đụng với ta, trao đổi văn hóa với ta. Thứ người ấy chỉ có thể là người CHĂM, tức người Chàm không theo Hồi giáo, nhưng thứ người Chàm ấy vẫn có mặt ở miền Trung, mà miền Trung lại không có những danh từ Mã Lai và miền Nam thì có, thì chỉ còn một thứ người nữa mà thôi, người Phù Nam.
Quí vị đã thấy cuộc chung đụng của dân ta với cộng đồng Châu Giang nó ra sao nào rồi. Tôn giáo Hồi đã ngăn chặn mọi tiếp xúc. Họ có đi ra ngoài để làm hai nghề: bán tơ lụa của họ dệt, và bán thuốc rê lậu thuế mà họ mua ở Cao Miên về, vì họ rất được người Cao Miên trọng đãi, khác xa với người Chàm mà Nguyễn Hữu Kính đặt tên là Cô Man.
Nhưng trong các cuộc buôn bán ấy, họ tránh đưa văn hóa và ngôn ngữ của họ ra ngoài, không phải vì cố ý giấu, mà vì họ biết tiếng Việt, bởi một số người đã đi ra ngoài làng ăn học hầu làm quan. Chính nhưng người đó đã đưa Việt ngữ vào Châu Giang.
Chúng tôi đã hỏi thăm người miền Trung, miền Bắc, đã tra tự điển miền Trung miền Bắc, nhưng đều không thấy những dân tộc đó ở hai nơi ấy. Có thể tự điển có thiếu sót và những người mà chúng tôi hỏi thăm, không thạo ngôn ngữ lắm. Như thế, trong 10 danh từ mà chúng tôi đưa ra, sẽ có lối 2 danh từ mà Trung và Bắc có, nhưng cứ còn lại 8 danh từ mà Trung và Bắc tuyệt đối không có.
Như thế, chúng tôi lại phải theo dõi hai nhóm Lạc bộ Mã nữa, có mặt ở miền Nam, vào một thời nào đó.
Có vị lại sẽ thắc mắc hỏi sao chúng tôi lại biết ngôn ngữ Phù Nam. Ngôn ngữ này, không khó biết lắm. Chúng tôi đã chứng minh rằng trống đồng là phát minh của bọn Lạc bộ Mã, mà người ta đã tìm được trống đồng tại trung ương của Phù Nam (Cao Miên nay). Thế thì Phù Nam là Lạc bộ Mã mà ta biết rõ ngôn ngữ.
Một danh từ độc nhứt của Phù Nam mà loài người biết được lại giống danh từ Chàm. Đó dân tộc EO, trong địa danh OC EO.
Nên nhớ rằng mãi cho đến trào Minh Mạng mà dân ta còn gọi cửa Thuận An là CỬA EO, tức gọi theo Chàm.
EO và OC EO là gì? Đó là một sự đọc sai của dân ta chớ thật ra nó là EA, một danh từ Lưỡng Hà, vừa có nghĩa là nước, vừa có nghĩa là sông. Chính dân Lưỡng Hà đó đã đi khai hóa ba nước Chân Lạp, Chiêm Thành và Nam Dương, chớ không phải là dân Ấn Độ như các quyển sử Tây đã viết sai vào hồi tiền chiến. Nhưng ở đây không phải là nơi nói nhiều về vấn đề này được, chỉ biết rằng chỉ có Chàm và Phù Nam mới đọc đúng EA, Nam Dương thì đọc sai là AYER, còn Cao Miên thì không có mượn danh từ đó.
Khi ông Malleret tới OC EO để nghiên cứu thì dĩ nhiên ông phải ghi chép theo người Việt đọc sai, và đọc mất chữ.
ÓC EO, đúng ra là TL’OK EA LING. Ông Malleret không thạo tiếng Mã Lai, tiếng Chàm nên chẳng biết đó là gì, đành cứ viết theo lối gọi của dân Việt ở Rạch Giá.
TL’OK = Cái vịnh
EA LING = Nước linh láng = Biển
Danh từ BIỂN người Chàm và người Phù Nam sáng tác khác với lối Lạc bộ Mã, chớ người Nam Dương không có gọi biển là EA LING mà gọi là LỐT (chính dân ta cũng đã Việt hóa EA LING thành ra Gio Linh, địa danh ấy có thể là THỊ TRẤN GẦN BIỂN, mà ta không hiểu, đã nuốt đến ba từ: THỊ, TRẤN và GẦN, chỉ còn chừa lại có EA LING bị biến thành Gio Linh).
Hai tĩnh từ LÁNG và LINH của Chàm và Phù Nam tràn ngập xứ ta ở các tỉnh Bình Thuận, Bình Tuy, ở đó Láng là một bãi đất lớn minh mông, cò ở Hậu Giang, Cửu Long thì cũng thế, hơn thế lại có cả một địa danh là LÁNG LINH nữa.
Vậy OC EO = Vịnh Biển
Và dân Phù Nam ăn nói vừa giống Nam Dương, vừa giống Chàm, nhưng chắc chắn là có khác nên các danh từ mà miền Nam vay mượn mới không được miền Trung biết, mặc dầu miền Trung là đất Chàm.
Chúng tôi chỉ biết rằng Phù Nam có khác Chàm, nhưng lại thấy rằng họ giống Nam Dương hơn, vì nhưng danh từ mà miền Nam vay mượn, giống danh từ Nam Dương, mà không phải do người Java Châu Giang đưa ra ngoài, cũng không phải bọn lái buôn Java đưa vào Nông Nại Đại Phố vì bọn ấy chắc không đủ thì giờ để đưa ngôn ngữ, đưa những danh từ quá ư tế nhị vào nước ta. Chỉ có một dân tộc sống chung với ta hàng trăm năm mới đủ thì giờ ảnh hưởng lớn lao đến ta như vậy mà thôi.
Chúng tôi xin nói qua chút ít về địa lý tổng quát. Về thủy trào ở sông ngòi (tức không kể thủy trào ngoài biển), có 5 hiện tượng tất cả.
Hai hiện tượng đầu, đại khối Mã Lai đều có danh từ để chỉ, nhưng họ nói khác nhau hết, chỉ có Việt Nam và Thái nói giống nhau.
I) Hiện tượng thứ nhất là nước ở biển tràn vào sông, hai lần trong mỗi 24 giờ, và chảy lên nguồn. Đó là ở miền Nam, còn ở Trung với Bắc thì nước chỉ chảy ngược có vài mươi cây số thôi. Hiện tượng đó:

Bắc và Trung Việt:

Nước lên

Thái:

Num (hoặc Nam) Khên

Nam Việt:

Nước lớn

II) Hiện tượng thứ nhì là nước lên nguồn rồi lại chảy trở ra biển, cũng cứ hai lần mỗi 24 giờ:

Thái:

Num (hoặc Nam) long

Việt toàn quốc: Nước ròng
Người Mã Lai đợt II nói khác ta:

Nước lên:

Nước lôrong

Nước ròng:

Nước surút (tức nước rút)

Ta thấy một chi tiết hơi kỳ kỳ là trạng từ LÊN của Nam Dương là LÔRONG, khá giống trạng từ XUỐNG của Thái và của ta là LONG, là RÒNG.
Nhưng còn ba hiện tượng nữa thì khắp các địa bàn Mã Lai trên thế giới, không nơi nào có danh từ để chỉ hết, trừ ở Mã Lai Á, Nam Dương, Phi Luật Tân và Nam Kỳ.
Nhưng cả ba nơi kia đều dùng danh từ khác hẳn Nam Kỳ. Đây, ba hiện tượng đó:
Ba hiện tượng đó, hai quốc gia rất văn minh là Nhựt và Đại Hàn, vẫn không có danh từ và phải mượn của Tàu, nhưng Tàu lại thiếu thành ra họ dựa vào Tàu để sáng tác nhưng cũng thiếu.
Thí dụ Đại Hàn chỉ có danh từ là Tiểu trào thủy, danh từ sáng tác hơi chướng đời, đáng lý gì phải Tiểu thủy trào, nhưng danh từ đó lại chỉ hiện tượng ở biển nữa là REFLUX, mà reflux lại khác với hiện tượng ở sông mà chúng tôi sắp nói đến.
Đây, ba hiện tượng đó:
III) Hiện tượng thứ ba cũng cứ là nước lên, nhưng lên rất cao vào những ngày trăng tròn. Chúng tôi tìm trong các từ điển Bắc và Trung, không thấy có trạng từ nào chỉ hiện tượng đó cả. Chúng tôi thấy có động từ NHẨY, nhưng lại được định nghĩa khác. Nước lụt cũng được gọi là nước nhẩy, trong khi đó thì không có tiếng riêng để chỉ hiện tượng vừa nói.
Người Nam Dương gọi hiện tượng đó là CON NƯỚC KƠLING, tức CON NƯỚC LINH LÁNG TRÀN ĐỒNG.
Nếu dân Nam Kỳ bắt chước họ, thì ta cũng nói y hệt như họ. Nhưng không, dân miền Nam đã sáng tác, nhưng không phải là sáng tác phất phơ, mà mượn một danh từ của họ, mượn cái trạng từ LÔRONG có nghĩa là NƯỚC LÊN và biến thành NƯỚC RONG.
Hiện tượng nầy, Pháp gọi là VIVE EAU, Anh gọi là SPRING-TIDE.
Thấy rõ là ta không có vay mượn, mà đã sáng tác, nhưng sáng tác bằng cách mượn cái trạng từ đồng nghĩa mà khác ý của họ. Nhưng việc quan trọng là ta vay mượn của ai. Như đã nói, lính của Cửu Mạc không thấy được sử ghi là được giải ngũ để làm nông dân, và nếu không có đi nữa, họ cũng không ra khỏi vùng Hà Tiên. Còn bọn lính đánh thuê Phi Luật Tân thì không bao giờ được định cư cả, trừ lối mười anh đánh xe Cadèche ở Sài Gòn.
IV) Hiện tượng thứ tư là nước xuống rất nhiều vào những ngày trăng khuyết, được Pháp gọi là MORTE EAU và Anh gọi là NEAP-TIDE trường hợp nầy thì dân Việt miền Nam sáng tác mà không dựa vào ai cả. Họ gọi hiện tượng đó là NƯỚC KÉM.
V) Hiện tượng thứ năm không phải là hiện tượng mà chỉ là sự kiện. Vào những ngày trăng đầy thì nước lên cao hơn mực thường đến năm, sáu tấc Tây. Cái mực nước quá cao đó, Mã Lai đợt II gọi là PƠRNAMA và Nam Kỳ bắt chước gần đúng, nói là NƯỚC ĐẦY MÀ. MÀ có nghĩa là mực nước sông cao dị thường vào những ngày trăng đầy.
Đó là năm động, trạng từ rất tế nhị, chớ không phải là danh từ thường, mà cả những quốc gia Mã Lai văn minh rất cao, cũng không có. Nhựt không có.
Dưới đây là một động từ cũng rất tế nhị. Cái lồng chim, người Mã Lai có tiếng gọi cũng như ta, có biến dạng chút ít:

Việt Nam:

lồng

Mã Lai:

Kurong

Nhưng người Phù Nam lại biến danh từ đó thành động từ với âm cuối, âm RONG để chỉ việc nhốt chim trong lồng, nhứt là nhốt cá trong vịm. Động từ nầy thì khắp thế giới Mã Lai không đâu có cả mà nghi rằng người Việt miền Nam học của lính Mạc Cửu hay của bọn đánh thuê Phi Luật Tân năm 1859, hoặc của Châu Giang.
Chúng tôi biết đó là sáng tác của Phù Nam vì một dân tộc kia, vốn là thần dân của Phù Nam hiện còn tồn tại và có động từ đó. Đó là người Mạ, hiện đang định cư ở cao nguyên Lâm Đồng. Theo nghiên cứu của ông Bourotte và của riêng chúng tôi thì thuở xưa kia, địa bàn của họ là từ lối Mỹ Tho đổ lên. Chúng tôi lại biết rằng họ đồng tông với Việt Nam, nhờ có học ngôn ngữ của họ. Vậy họ là thần dân của Phù Nam ngày xưa, và không thể có động từ RONG, vì ta không có thì họ cũng không có. Họ đã học động từ ấy của Phù Nam.
Dân Việt ở miền Nam, thêm dấu nặng, biến thành động từ RỌNG (không có dấu mũ). Nhưng không phải là ta học của người Mạ, vì người Mạ chỉ dùng động từ ấy để nói về chim, còn ta thì nói về cá, mà dân Phù Nam chuyên ăn cá chớ không ăn chim như dân Mạ. Thế thì ta học RỌNG với Phù Nam chớ không phải với Mạ.
Miền Nam có câu ca dao:
Trắng như bông, lòng anh không chuộng
Đen như cục than hồng, lòng muốn, dạ ưa.
Ta cũng nên biết rằng người bình dân đặt ca dao rất hay, không thể bắt bẻ họ được như là bắt bẻ thơ của thi sĩ. Nhưng trong câu ca dao nầy, có một chi tiết vô lý. Đa số bông mang màu đỏ, màu vàng và màu tím. Bông trắng hiếm hơn ba thứ kia.
Thế thì so sánh màu da của một người đẹp với hoa trắng, không được ổn lắm. Nhưng nếu ta biết rằng tiếng Mã Lai TƠ BÔNG có nghĩa là BỘT thì mọi việc sẽ rõ ràng hơn. Tác giả vô danh đã so sánh với BỘT, chớ không phải với BÔNG.
Chúng tôi không thấy người miền Trung giành câu ca dao trên đây là của họ, thì khó lòng mà nói rằng chính họ đã sáng tác bằng cách nói theo người Chàm. Đó là ca dao miền Nam. Hơn thế Chàm cũng không gọi Bột là Bông bao giờ.
Người miền Bắc nói LANG THANG, nhưng người miền Nam lại nói LANG BANG chính vì người Phù Nam nói LANGBANG y hệt như người Nam Dương.
Người dân vùng Rạch Giá thường nói đến CỦI TRÀM LỤC. Tự điển Huỳnh Tịnh Của định nghĩa rằng đó là cây tràm chìm dưới đầm lầy. Nhưng tự điển Mã Lai viết LỤT với chữ T và định nghĩa rằng là gỗ mục mà chưa nát.
Người dân từ Hậu Giang đổ xuống mũi Cà Mau cứ gọi các kinh nhỏ nối liền các dòng nước lớn là CÁI TẮT. Sao họ không gọi cái đó là KINH TẮT? Vì người Phù Nam gọi dòng nước ngắn ấy là KATAK.
Người miền Nam nói LÀM BỘ mà không nói GIẢ VỜ như người miền Bắc, chính là người Phù Nam nói MƠM BUA (Mần Bộ), như người Nam Dương.
Người miền Bắc hỏi: ”Thế à?” Nhưng người miền Nam hỏi: “Vậy hả?” cũng cứ vì Phù Nam hỏi: ”Ya kả?”
Người miền Bắc nói TRẬN MƯA, ĐÁM MƯA, nông dân miền Nam nói CÂY MƯA là nói theo Mã Lai Phù Nam.
Người miền Bắc nói TO, người miền Nam nói BỰ, chính vì người Phù Nam nói PỰPỰT.
GIÓ NGƯỢC CHIỀU, được miền Bắc gọi là GIÓ CHƯỚNG, nhưng miền Nam nói là GIÓ CẤN vì Mã Lai đợt II gọi gió ấy là SAKAL.
Khi kêu lên một tiếng kinh ngạc, người miền Bắc kêu là gì, chúng tôi quên mất rồi. Nhưng người miền Nam kêu là ỦA, mà Mã Lai đợt II cũng kêu y hệt như vậy.
Có một loài hươu nai sừng rất to, chỉ có mặt ở xứ lạnh, chớ không có mặt ở xứ ta. Loài nai ấy, người miền Nam gọi là NAI CHÀ, mà CHÀ là do danh từ CHÀ VANG của Phù Nam có nghĩa là CÁI SỪNG TO LỚN.
Danh từ NAI CHÀ, bắt chúng tôi nghĩ đến địa danh TRÀ VINH. Nhiều sách viết là do tiếng Cao Miên là TRAPENG. Nhưng thuở bé, chúng tôi nghe người ta gọi nơi ấy là CHÀVANG mà CHÀVANG cũng cứ là một danh từ Phù Nam đồng âm với CÁI SỪNG TO, nhưng có nghĩa là NHÁNH SÔNG. Quả thật ở đó có nhánh sông Cửu Long, còn TRAPENG là gì thì không nghe ai giải thích hết, hoặc có giải thích mà không ổn.
Địa danh Gò Vấp cũng rất nhiều ý nghĩa. VẤP là loại gỗ quí như gỗ lim của đất Bắc. Dĩ nhiên là nếu có cây Vấp ở đó thì dân ta đã đốn sạch rồi, sau ba trăm năm định cư ở miền Nam. Nhưng cái gò thì phải còn, nếu không có xe ủi đất của Huê Kì hoạt động nơi đó. Nhưng cái gò lại không còn mà xe ủi đất cũng chẳng có ủi nơi đó lần nào cả.
Nhưng trong ngôn ngữ Phù Nam GOVAP có nghĩa là HOA HỒNG. Dân Lạc bộ Mã ưa lấy tên hoa để đặt tên xứ, đặt cả tên nước nữa. Thí dụ tên của Chàm là BNGƯ CHĂMPA tức BÔNG SỨ, BÔNG ĐẠI. KONTUM là NỤ HOA, thì nơi đó được đặt tên là HOA HỒNG thì tưởng cũng không đáng cho ta ngạc nhiên.
Người Phù Nam có động từ chết để dùng riêng cho cá, vì miền Nam là xứ cá. Con cá chết, họ nói con cá NGÁP. Người Việt miền Nam mà có ăn học, cũng dùng đúng y như họ tức Ngáp = Chết (chỉ riêng loài cá). Nhưng các bà hàng tôm hàng cá thì dùng động từ ấy sai. Nguyên con cá, trước khi chết nó có hả miệng ra rồi khép lại, y hệt như con người ngáp. Các bà hàng tôm, hàng cá tưởng rằng NGÁP là ngáp như người, và họ hiểu rằng khi con cá nó ngáp là nó báo hiệu rằng nó sắp chết. Nhưng thật ra thì ngáp = (cá) chết, không có nghĩa là ngáp bao giờ.
Người Lạc bộ Mã gọi một loài chim kia là Ó MALAI, người miền Nam cũng gọi y hệt như vậy. Chữ Malai nầy có nghĩa khác, chớ không phải là chỉ dân Mã Lai đâu. Malai nghĩa là có chùm lông trên đầu, còn họ thì tự xưng là dân MALAYU.
Người miền Bắc nói BÁC BỎ. BÁC là tiếng Tàu. Người miền Nam nói bất cũng đồng nghĩa, nhưng đó là động từ Phù Nam, BATAL.
Miền Nam có hai câu ca dao mà chúng tôi quên mất vế trên. Vế dưới như sau đây:
Tránh đi nước mặn, sợ hà ăn chơn.
HÀ là danh từ Phù Nam chỉ một loài sâu ở nước, thật sự thì nó chỉ gậm gỗ của ghe thuyền mà thôi. Nhưng trạo phu thường bị lỡ chơn và họ đổ lỗi cho con HÀ, nên mới có câu ca dao trên.
Nếu chúng tôi cứ kể mãi như thế nầy thì chán quá lại không đủ giấy vì có hơn một ngàn danh từ. Vậy chúng tôi xin trình ra thêm một danh từ nữa, rất là ngộ nghĩnh, nó làm đề tài tranh luận trong giới học giả miền Nam từ 50 năm nay, nhưng chưa ngã ngũ ra sao cả.
Khác hẳn với miền Trung và miền Bắc, người con cả ở miền Nam không được gọi là CẢ, mà chỉ được gọi là HAI mà thôi.
Đa số học giả miền Nam đã giải thích như thế nầy: Thuở bôn đào ở miền Nam, vua Gia Long có một người con cả. Ông hoàng Cả ấy đã can vua cầu viện ngoại quốc và bị nhà vua xử cực hình. Dân chúng mến đức ông hoàng Cả nên kiêng tên ông.
Thiểu số thấy rằng lối giải thích đó không đứng vững, nhưng không cãi lại được. Nó không đứng vững vì không có tài liệu nhỏ lớn nào kể câu chuyện đó hết. Không có tài liệu, không có nghĩa là câu chuyện không có. Nhưng câu chuyện không có vì các lẽ sau đây:
I) Khi dân ta kiêng tên một người thì họ dùng một danh từ khác để thay thế. Ngày nay, các ông cha, bà phước miền Nam cứ còn nói YẾNG SÁNG thay cho ÁNH SÁNG vì kiêng tên cúng cơm của vua Gia Long. Họ kiêng tên Nhậm thì họ nói TRÁCH NHIỆM, họ kiêng tên hoàng tử ĐẢM thì họ nói CAN ĐỞM.
Tại sao có phương pháp thay thế đó? Rất là dễ hiểu. Từ đời Hùng Vương thứ nhứt đến nay, dễ thường ba ngàn năm đã trải qua rồi và có ít lắm là một vạn vua, hoàng thân quốc thích và đại thần cần phải cữ tên, mà nếu mỗi lần kiêng, phải bỏ đi một tiếng là đã không còn ngôn ngữ Việt Nam nữa vì Việt ngữ thuở xưa cũng chỉ có lối một vạn tiếng là cùng.
II) Theo dã sử thì Cả không phải là tên của ông hoàng ấy mà không ai biết tên là gì. Cả chỉ là con trưởng của vua Gia Long mà thôi. Thế thì quá vô lý. Người ta chỉ kiêng tên cúng cơm, chớ không bao giờ lại kiêng tước vị, ngôi thứ.
III) Ông tiên chỉ trong làng miền Nam vẫn được gọi là ông HƯƠNG CẢ. Mà hưởng chức hội tề là một thứ quan, tuy chỉ là quan loại bỏ túi, nhưng cũng cứ là quan, hồi tiền chiến. Mà quan thì càng có lý do kiêng tên hơn dân nữa, nhưng họ cứ dám dùng tiếng Cả như thường thì dân đâu có cần bảo hoàng hơn quan.
Nhưng con Cả, được dân Phù Nam gọi là con HAK. Họ có hai danh từ:
Anak sulong = Con nít đầu lòng
Đó là danh từ chung của đại khối Mã Lai nên toàn quốc ta đều có. Còn danh từ ANAK HAK là danh từ riêng của họ.
Vậy ANH HAI chỉ là ANH HAK, CHỊ HAI chỉ là CHỊ HAK, mà thôi.
Tiếng CẢ là tĩnh từ chung của đại khối, nhưng người Nam Dương chỉ dùng để nói Biển Cả, Nghiệp Cả chớ không chỉ con bao giờ. Với con thì họ dùng HAK.
Có một câu hỏi mà có lẽ quý vị đã tự thầm đặt ra từ nãy đến giờ: ”Nếu quả người Phù Nam còn tồn tại thì họ biến đi đâu mà không ai thấy cả? Rất dễ giải thích sự biến mất của người Phù Nam. Ở Cao Miên thì họ biến thành người Cao Miên, còn ở Nam kỳ thì họ biến thành người Việt. Mà họ biến được dễ dàng cho đến đỗi không ai biết và Cao Miên, Việt Nam, Phù Nam đến đồng chủng với nhau.
Chúng tôi đã quan sát và có thấy sự kiện sau đây. Từ Gò Công xuống tới mũi Cà Mau, có rất nhiều người Việt Nam có tóc dợn sóng. Tóc dợn sóng là biệt sắc của chủng Mã Lai thuần túy, không bị lai giống với Mông Cổ như ta. Hễ có lai giống với Mông Cổ thì tóc phải thẳng.
Những người Việt có tóc dợn sóng ấy gốc Phù Nam. Tây lai, Ấn Độ lai, cũng có tóc dợn sóng, nhưng đó là thị dân, chớ không phải nông dân. Ở Biên Hòa, Bà Rịa lại cũng có người có tóc dợn sóng. Đó là người Việt lai với Mạ từ 6, 7, 8 đời rồi. Mạ là Lạc bộ Trãi thuần túy, và dĩ nhiên cũng có tóc dợn sóng.
Chương XII - Hoa Phật bị hạ bệ
Có danh từ Ấn Độ trong Việt ngữ hay không? Dĩ nhiên là có. Đó là những danh từ Phật giáo, nhưng được phiên âm tới 2 lần, từ Phạn sang Hoa rồi từ Hoa sang Việt.
Nhưng nếu có những danh từ thường và danh từ Phật giáo KHÔNG PHIÊN ÂM thì thật là bất ngờ. Đây là một danh từ Phật giáo không qua trung gian Tàu: NAM MÔ. Phạn ngữ là NAMAH. Tàu viết là NAM VÔ. Nếu qua trung gian Tàu, các sư ta đã đọc là NAM VÔ, nhưng các sư ta cứ đọc là NAM MÔ. Thế nghĩa là ta đã học thẳng với Ấn Độ.
Trần Trọng Kim có cho biết rằng dưới trào hậu Lý Nam Đế có nhà sư Ấn đến đây lập ra Thiền tông. Thế là đã rõ. Họ đến vào thời ta độc lập và ta học Nam Mô thẳng với họ.
Nhưng nếu có những danh từ thường thì sao? Cũng dễ hiểu? Ông tổ Thiền tông ấy hẳn không tới đây một mình và có các chú tiểu Ấn Độ đi theo. Nếu sư tổ không tiếp xúc với dân chúng thì các chú tiểu phải tiếp xúc.
Thế nên một số danh từ Ấn Độ mới len và Việt ngữ. Có một động từ nầy mà chúng tôi rất nghi là của Ấn Độ, nhưng không dám chắc lắm. Đó là động từ THUÊ. Phạn ngữ là SIUUA, kí hiệu quốc tế là SEWA.
Xin nhắc rằng khoa ngữ học bất kể kí hiệu, vì kí hiệu rất gạt gẫm, mà chỉ kể âm đọc (Phonème). Về phương diện Phonème thì đồng hóa THUÊ và SEWA được mà không bị khoa ngữ học bắt bẻ.
Nhưng sẽ có nhiều người nghi ngờ về THUÊ và SEWA thì xin bỏ qua vậy, vì chúng tôi đã bí đâu, chúng tôi còn hàng tá tiếng Phạn trong túi mà không ai bắt bẻ được hết.
Một nhà bác học Pháp đã đối chiếu truyện Cây đa thằng Cuội của ta, chuyện Hậu Nghệ của Tàu và một chuyện Ấn tương tợ như thế và thấy rằng cả chuyện Tàu, lẫn chuyện Việt đều bắt nguồn từ chuyện Ấn.
Chắc không ai ngạc nhiên. Văn hóa Ấn có thể vào tới Việt Nam, trước khi ta tiếp xúc với Tàu, vì kinh đô Ấn gần nước ta hơn kinh đô Tàu, và Ấn cũng là một quốc gia có một nền văn minh lớn đủ khả năng lan tràn đi xa. Nhưng vì ta ở quá xa họ, nên ta thoát được ảnh hưởng lớn của họ mà chỉ mượn có một số danh từ.
Ai cũng nói danh từ CHÙA của ta, do TỰ của Tàu mà ra. Nhưng đọc cái tiếng TỰ đó, theo bất kỳ giọng nào của Trung Hoa, cũng không thấy rằng nó có thể biến thành CHÙA được hết.
Nhưng nếu ta biết rằng Phạn ngữ chỉ cái chùa bằng danh từ HUNA thì ta sẽ thấy nguồn gốc của chùa:
Huna → Hua → Chua → Chùa
Tiếng Phạn đã có lan vào Việt ngữ mà không ai dè. Dĩ nhiên là những danh từ Phật giáo như Sa di, Tỳ kheo thì ai cũng biết rằng đó là tiếng Phạn vì các nhà sư đã có đi học Ấn Độ và có biết tiếng Phạn. Nhưng các sư, hoặc chỉ học những danh từ triết tôn, nên không biết danh từ thường hoặc không có dịp cho ta biết rằng nhiều danh từ thường, cũng do Phạn ngữ mà ra. Thí dụ, danh từ CHÙA là danh từ tôn giáo, chắc chắn các sư biết do HUNA, nhưng cũng chẳng nghe các sư giảng như vậy lần nào cho ta rõ.
Nhưng danh từ Chùa quá mới, đối với các danh từ thường. HUNA vào đất Việt, và có lẽ dưới thời Lý Phật Tử, ông ấy đã rước sư Ấn về Giao Chỉ.
Nhưng nhà sư Ấn đó, hẳn không có thì giờ để phổ biến các danh từ thường, có vẻ có đã lâu đời lắm rồi, có trước Tây lịch nữa.
Ta đã thấy trong ngôn ngữ ta có tiếng Mông Cổ, tiếng Tamoul. Nhưng không ai dè rằng có tiếng Phạn, dĩ nhiên là phải trừ các danh từ Phật giáo ra. Ta chỉ kể những danh từ thường mà thôi.
Có ai dè rằng SÁNG SỦA gồm một trạng từ Phạn là SUACHA có nghĩa là SÁNG SỦA hay không?
Ta cứ viết văn phạm cho rằng SỦA vô nghĩa. Nhưng nó có nghĩa SÁNG SỦA đấy và đó là tiếng Phạn. Phạn ngữ nói UDARA SUACHA = bầu trời sáng sủa.
Nhưng hoa SEN, cũng là tiếng Phạn thì thật là không biết nó qua ngả nào, vì Chàm gọi hoa đó khác ta, Cao Miên cũng thế.
Danh từ Mông Cổ lọt vào Việt ngữ đã 5000 năm rồi, nhưng ta biết tại sao, còn SUACHA và SEN thì thật là bí. Nhưng SEN là hoa nhà Phật, tức cái gì thiêng liêng quí báu lắm, vậy tại sao tên hoa đó bị tẩy chay trong các gia đình Bắc Việt?
Hẳn là phải có một lý do thầm kín nào mà chưa ai thử truy ra.
Danh từ chỉ loại hoa phật đó rất thiêng liêng ở Ấn Độ, thế mà nó bị tẩy chay tại Việt Nam thì đó là chứng tích không phải Phật giáo Ấn Độ đã đưa nó vào ngôn ngữ Việt dưới trào Lý Phật Tử, mà danh từ đó đã tới cổ Việt trước Phật giáo và bị tẩy chay trước Phật giáo, tức khá cổ, trước Tây lịch, chớ không phải sau Tây lịch.
Thế nghĩa là đã có ảnh hưởng Ấn Độ tới lưu vực Hồng Hà rất lâu đời mà không ai hay biết, và nhất là không phải qua trung gian Cao Miên và Chàm vì hai dân tộc ấy gọi tên hoa đó khác Ấn Độ và ta. Danh từ Phạn không giống hệt ta được, nó chỉ là SENROJA, nhưng ta biết rằng là đồng gốc.
Dân Saka theo đạo Bà La Môn đã đi khai hóa Chân Lạp tại Trung Lào, mà cái Chân Lạp đó thì có biên giới chung với ta thì họ có đưa chút đỉnh văn hóa Ấn vào nước Văn Lang, không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng riêng về tên hoa Sen thì không phải do họ được, và cũng không phải Chàm.
Nhưng tại sao đất Bắc Hà kiêng kị tên SEN?
Tôi đang ngồi nói chuyện với một người bạn gốc Hà Nội, thì một cô gái đi qua cửa của tôi. Tôi gọi nó:
"Sen ơi, sao con không góp tiền hụi?"
Góp tiền hụi có nghĩa là Thu tiền họ. Họ ở đây là cái bát mà mẹ cô bé ấy cầm cái.
Con bé đó xinh đẹp, đã trổ mã, lại ăn mặc lịch sự, nên anh bạn ấy hỏi:
"Con người xinh đẹp như thế mà lại bị đặt tên là con sen? Sao kỳ thế?"
Tôi bật cười. trong câu hỏi của tôi có ba từ đặc biệt miền Nam là góp tiền hụi, nhưng anh bạn đó hiểu, còn Sen thì anh ấy lại không hiểu.
Tôi bật cười vì tôi hiểu sự kinh ngạc của bạn tôi. Hoa Sen là hoa nhà Phật, hương sắc lưỡng toàn nên ta mới có bài ca dao ca ngợi hoa đó:
Trong đầm gì đẹp bằng sen...
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Thế mà người Việt đất Bắc lại rất sợ tên của loài hoa quý đó, vì con nhỏ sai vặt trong bất cứ nhà ai, cũng bị đặt tên là con sen cả, không biết từ đời thuở nào, và SEN đã bị hoen ố vì cái chức vụ thấp kém đó, nên tên Sen bị kiêng kị, không có cô gái nào của đất Bắc mang tên Sen cả. Họ dám đặt tên con họ là cái Hĩm, nhưng nhứt định không dám đặt tên là Sen.
Chúng tôi đã hỏi tất cả các cụ gốc miền Bắc, nhưng không ai cắt nghĩa cho trôi sự kiêng kị đó.
Và khi chúng tôi học sinh ngữ Á Đông để viết sử, chúng tôi mới khám phá ra sự thật. Hoa Sen đã bị hoen ố trước Chúa giáng sinh nữa, tức trước cả thời đạo Phật được truyền sang xứ ta thảo nào toàn cõi Bắc Hà đều sợ cái tên đó.
Thủ phạm đã làm hoen ố hoa sen là An Dương Vương, kẻ đã cướp nước ta và diệt vua Hùng Vương thứ 18 của ta.
Xin nhắc rằng vua An Dương Vương là cháu nội của vua nước Thục cuối cùng, lưu vong xuống Quảng Tây. Dân Ba Thục là dân Thái, mà dân Quảng Tây cũng thế, họ ăn nói chỉ khác nhau như Nam Việt và Bắc Việt.
Trong ngôn ngữ Thái có hai từ ngữ mà ta đọc hơi sai một chút, và chúng tôi xin chuyển âm thật đúng:
Sauu chai = Trẻ trai (để sai vặt)
Sauu hiin = Trẻ gái (để sai vặt)
Cũng nên nhớ là Thái An Dương Vương xâm lăng ta bằng lính Thái Quảng Tây. Hoàng gia Thái, lính của Thái, lại giữ ngôi được tới 49 năm thì dân ta hẳn phải có người hợp tác với quân xâm lăng và chính bọn hợp tác đã nhiễm ngôn từ của địch.
Thuở ấy, chắc họ cũng ăn nói y hệt như hoàng gia và lính tráng, tức nói SAUU CHAI chớ không nói là THẰNG NHỎ như ngày nay, và nói SAUU HIIN chớ không nói là CON SEN.
Ngày nay, ta đọc SAUU thành SAO, chớ thuở ấy, ta đọc SAUU là SEN.
Sauu hiin = Sen hĩm
Tĩnh từ Sauu của Thái rất khó đọc, sách Ăng lê ghi là SAOW, nhưng vẫn không diễn đúng âm của Thái được, mà SEN hay SAO của ta lại càng sai hơn.
HIIN bị ta đọc HĨM, nhưng đó là danh từ chung của đại khối Mã Lai và ta đã cho một nghĩa tục trước khi bị họ xâm lăng. Thế nên khi ta hợp tác với họ, ta chỉ còn dám nói Sen mà không nói Hĩm (xin xem Chương về Hĩm).
TRẺ TRAI về sau bị biến thành THẰNG NHỎ còn được dùng cho tới ngày nay, còn TRẺ GÁI thì vì HĨM đã được gán cho cái nghĩa khác mất rồi, nên chỉ còn TRẺ mà trẻ đó thì ta đọc sai là SEN. Nếu thuở ấy ta đọc sai như ngày nay là Sao, thì một thứ hoa đẹp của ta không mất địa vị và đã có khối người đẹp mang tên là cô Sen.
Vậy hoa Phật bị hạ bệ đúng vào thời An Dương Vương. Đây là biến dạng độc nhứt mà ta biết chắc chắn thời điểm, còn các biến dạng khác thì ta chỉ biết đại khái về một thời điểm quá rộng có khi đến ba trăm năm.
Tội nghiệp loài hoa quý đó quá, và tội nghiệp cho gái Việt không được mang tên Sen, chỉ vì một sự đọc sai.
Nay biết sự thật, tưởng ta nên xóa ngộ nhận. Và thời cuộc sẽ giúp ta xóa dễ dàng vì hiện nay, trong một trăm gia đình, chưa chắc có một gia đình dám mượn con Sen, vì chúng nó đi làm sờ - nách-ba hết cả rồi, các bà nội trợ đành tự sai khiến mình vậy.
Ước mong sẽ có nhưng giai nhân tên là Lý Thị Sen mà không bị ai coi thường như xưa nữa.
Chúng tôi lại truy nguyên coi tại sao một thứ hoa quý khác là hoa nhài (lài) cũng bị đồng bào miền Bắc tẩy chay. Ở đất Bắc, thôn nữ bần cố nông cũng không dám mang tên Nhài, vì Nhài còn tệ hơn Sen nhiều bực, bởi hoa Sen bị đồng hóa với tôi tớ gái, còn hoa Nhài lại bị đồng hóa với con đĩ.
Sự kiêng kị với Nhài, khe khắt hơn với Sen nhiều lắm.
Nhưng với Nhài thì thủ phạm không phải là An Dương Vương nữa, mà là một bọn khác, xưa hơn, đó là bọn Lạc bộ Mã, đã đến nước ta trước An Dương Vương đến ba trăm năm.
Nơi bọn Lạc bộ Mã tĩnh từ chỉ tánh cách dâm đãng của phụ nữ là KƠLINHHÀI. Kơ, dính liền với Linhhài, chớ không phải KẺ là NGƯỜI đâu.
Có người nói tại hoa nhài nở về đêm nên mới bị mang cái tiếng đó, nhưng tại sao có khối hoa khác cũng nở về đêm, thí dụ hoa quỳnh, hoa nguyệt quế, v.v. lại không bị mang tiếng đó? Và cái vụ Sauu = Sao = Sen đã cho ta thấy quá rõ là không phải vì tánh cách của hoa chút nào hết mà vì ta đã biến âm sai mà thôi.
Tiếng XANH của ta lại bị Thái biến ra thành SAUU. Hóa ra trong tiếng Thái SAUU vừa là Gái trẻ sai vặt, lại vừa là XANH.
Về hoa nhài thì đó là danh từ độc nhứt mà toàn thể Mã Lai đều nói giống nhau:

Việt Nam:

Lài (nhài)

Cao Miên:

Mlít

Thái:

Ma li

Miền Dưới:

Mơlati

Sẽ có người nói rằng tất cả đều học của Tàu vì Tàu gọi hoa đó là Mạt lị. Nhưng còn ngờ.
Chương XIII- Yếu tố Mê-na-lê trong Việt ngữ
Khi Lạc bộ Trãi di cư đến V.N. thì họ chưa biết nông nghiệp, theo tiền sử học.
Nhưng theo nhơn chứng là Lạc bộ Mã (nhóm Mường) di cư đến sau bọn Trãi 2500 năm thì nhơn chứng đó đã thấy Trãi có vua chúa, tức đã giỏi nông nghiệp, và bọn đó đành thần phục bọn vua chúa ấy (Hùng Vương). Tiền sử học cho biết rằng Lạc bộ Mã đã biết nông nghiệp hồi còn ở bên Tàu, mà vua Hùng Vương không mất nước thì hẳn vua Hùng Vương phải đã tiến lên giỏi hơn bọn đến sau (vào năm 500 T.K)
Thế thì bọn Trãi đã tự lực tiến lên nông nghiệp tại Việt Nam, và dĩ nhiên là họ sáng tác danh từ. Tuy nhiên, không phải là họ sáng tác tất cả mọi danh từ, mà họ có học với thổ dân. Thổ dân văn minh nhứt ở Đ. N. A. thuở ấy, là chủng Mê-la-nê. Nhưng chủng đó, mãi cho đến ngày nay vẫn chưa tiến lên nông nghiệp.
Nhưng không vì thế mà họ không có danh từ để dạy ta học, vì vẫn có chuối rừng, bí rừng, bầu rừng.
Vậy làm thế nào để biết danh từ nào ta học của họ, danh từ mà ta sáng tác. Tưởng có thể biết được không tới 100%, nhưng vẫn biết được hơn 70%, bằng cách dựa vào sự kiện nầy là chủng Mê-la-nê rời rạc chớ không có thống nhứt. Chủng Mã Lai giỏi hơn, mà mãi cho đến ngày nay, ta vẫn nói khác hơn Sơ Đăng thì cách đây 5000 năm Mê-la-nê rất bời rời về ngôn ngữ. Thế thì những danh từ nào mà người Mạ ở Lâm Đồng lại nói giống Bắc Việt, thì chắc chắn đó là chủng tộc cùng nhau sáng tác.
Đừng nói chi là các món mới mà ngay cả thiên nhiên cũng bị gọi khác thì hẳn phải có ảnh hưởng của Mê-la-nê. Thí dụ chúng tôi thấy rằng về núi non, có ba hệ danh từ, cả ba đều là của Mã Lai:
PHU NÔNG { Đẻ ra đa số danh từ
GU NÔNG
NÚI, chỉ có Việt Nam với Sơ Đăng là có
NGÀN, chỉ có Việt Nam với Sơ Đăng là có
Nhưng người Chàm Ninh Thuận thì lại chỉ núi bằng danh từ CHỚK mà không tìm thấy cả ở vùng Đa Đảo nữa, thì hẳn đó là danh từ của Mê-la-nê ĐỊA PHƯƠNG, vì Đa Đảo xưa cũng do Mê-la-nê làm chủ mà họ không có thì tiếng Chớk phải là danh từ riêng của Mê-la-nê miền Trung Việt.
Ta thử tìm xem trong các thứ thổ sản, ta đã sáng tác thứ gì. Về tên loài cá nhiệt đới là 4 loại lóc, trê, rô, sặc, xem ra giống nhau cả, tức cùng nhau sáng tác tại chỗ, tuy mỗi nhóm mỗi học khác nhau chút ít nhưng thấy là biết rằng cùng nhau sáng tác, bởi nếu học của Mê-la-nê, thì Mạ không thể nói giống Bắc Việt được vì Mê-la-nê ở hai nơi đó nói khác nhau.
Về rau đậu, chúng tôi nhận thấy điều nầy lạ lắm là nhóm đầu dọc là nhóm Sơ Đăng gọi Bầu, Bí, Dưa gì cũng bằng danh từ PẤU hết.
Có lẽ đó là sáng tác đầu tiên của nhóm Trãi. Các nhóm khác, có địa bàn tương đối tốt hơn, nên tương đối văn minh hơn, mới có phân biệt về sau.
Họ phân biệt bằng cách nào? Dưa thì không nấu, ăn vẫn được, còn bầu bí, phải nấu.
Vậy PẤU có thể đẻ ra BẦU và BÍ và các danh từ của các nhóm khác như Bol, Buôn, v.v. nhưng ta chỉ nói đến ta ở đây mà thôi.
Chữ BÀO và cả chữ HỒ LÔ của Tàu, xem ra là chữ phiên âm, chớ không phải tiếng nguyên thủy, vậy không có vấn đề vua Hùng Vương chưa biết Bầu, đợi Mã Viện tới, ta mới học Bào của Tàu. Xem ra thì cái gì Tàu cũng học của ta cả. Thí dụ ta và Thượng Việt gọi MÍT là TRÁI MÍT và hồi xưa, ta gọi là B’LÁI MÍT mà Tàu thì là BA LA MẬT. Thế thì BA LA MẬT là phiên âm B’ LÁI MÍT chắc một trăm phần trăm. CHUỐI cũng thế, DỪA cũng vậy v.v.
Nhưng PẤU không thể đẻ ra DƯA. Một sự lạ hiện ra nữa, là người Sơ Đăng gọi tất cả là PẤU chỉ trừ bí đỏ (bí ngô) thì họ gọi là TUA là TƯA. Có lẽ rồi chủng tộc chỉ lấy TUA, TƯA để gán cho DƯA, thuộc loại khác.
Về việc sáng tác danh từ, xem ra thì các dân tộc không cần nhọc xác cho lắm, cứ gán ghép bậy bạ cho có mà thôi. Thí dụ trong tiếng Anh thì họ chỉ thêm danh từ NƯỚC và trái MELON, là nó hóa ra DƯA HẤU, mặc dầu hai thứ đó khác nhau một trời một vực. Trái Melon, bề ngoài mường tượng như bí ngô, thịt lại giống đu đủ, chẳng dính líu gì đến dưa hấu hết.
Sẽ có bạn cho rằng chúng tôi chỉ suy luận để đoán mò. Nhưng thật ra đã có người làm như thế, đó là Ăng lê đã biến Melon thành Dưa hấu bằng cách thêm tiếng NƯỚC vào.
Vậy PẤU của Sơ Đăng biến thành BẦU và BÍ của ta.
TUA, TƯA của Sơ Đăng biến thành DƯA của ta.
Có DƯA rồi thì lại phải sáng tác nữa vì nó lu bù thứ dưa. Nhưng ông tổ Sơ Đăng đã gọi DƯA HẤU là PẤU thì ta cũng cứ gọi trái đó là TƯA PẤU cho xong, rồi thì TƯA PẤU biến hóa thành DƯA HẤU.
Thuở bé chúng tôi đọc tiểu thuyết Quả dưa đỏ, và không nhớ tác giả hay ông thầy của chúng tôi giải thích rằng Dưa Hấu, do DƯA HẢO tức DƯA NGON của Tàu mà ra. Nhưng giờ xét lại thì không thể có. Câu chuyện xảy ra dưới thời Hùng Vương mà dân ở Quảng Đông chưa bị nhà Tần đánh chiếm, thì ta làm thế nào để biết tĩnh từ HẢO của Tàu. Mà Tàu gọi Dưa Hấu là Dưa Tây chớ không bao giờ gọi là Dưa Hảo.
Vậy DƯA HẤU do TƯA PẤU đẻ ra thì hữu lý hơn, mặc dầu theo ngôn ngữ Sơ Đăng thì TƯA PẤU có nghĩa là BÍ NGÔ DƯA, còn theo Việt ngữ cổ thì DƯA HẤU có nghĩa là DƯA DƯA, tức hơi kỳ kỳ, nhưng có kỳ thế nào cũng chỉ kỳ như Melon + Nước = Dưa hấu của Ăng lê là cùng.
Vấn đề Bầu, Bí, Dưa đã được giải quyết. Nhưng PẤU không thể đẻ ra được Mướp. Nhưng bọn Lạc bộ Mã đến sau, gọi Mướp là TI MUN, TA MƯN, TI MĂN, tất cả đều có thể đẻ ra MƯỚP được hết.
Đó là sáng tác thuở ban đầu từ 5000 đến 2500 năm nay.
Sáng tác về sau thì lại khác nữa, vì lại có nhiều thứ bí. Bí đỏ, bị gọi là bí ngô khiến có nhiều người tưởng rằng là ở bên Ngô (bên Tàu) đưa sang. Nhưng Nhựt Bổn, Nam Dương và Ấn Độ đều gọi bí ngô là trái dưa Kocbuja, tức gốc nó ở Cao Miên, và bên Tàu không có Bí Ngô vào thời đó. Bí ngô thật đã làm cho ta bí.
Nhưng BÍ gọn lỏn, mà miền Nam và miền Trung gọi là BÍ ĐAO, thì rất dễ biết do đâu mà ra. Tự điển K.T.T.Đ định nghĩa rằng vì loại bí đó dài và quăn như lưỡi đao nên bị gọi là bí đao. Thật sự thì BÍ không bao giờ quăn cả. Hơn thế ta đã phải có danh từ trước khi ta bị Tàu chinh phục để ta học tiếng ĐAO với họ. Bí đao chỉ là tiếng Chàm. Họ gọi nó là Dak và DAK không hề có nghĩa là ĐAO. Đó là danh từ nguyên thỉ của họ để chỉ TRÁI BÍ, không có nghĩa nào khác hết. Họ gọi nó là BO DAK nghĩa là TRÁI DAK chớ họ không có danh từ BÍ.
Nhưng CHUỐI thì chắc chắn là ta học của chủng Mê-la-nê, ví các nhóm đều gọi khác hết.

Việt Nam:

Chuối

Chàm:

Patay

Thái:

Kluay

Mạ:

Prit

Không thể nối kết Kluay và Patay được vì không có cái khoen nối kết nào cả. Cũng không thể nối kết CHUỐI và KHUAY vì không có khoen nối kết.
Cây MÍA cũng bê bối lắm:

Sơ Đăng:

Kôtếo

Mạ:

Chao

Nam Dương:

Tơbu

Việt Nam:

Mía

Cao Miên:

Ompâu

Ta hiểu được sự kiện nầy dễ dàng. Chủng Mê-la-nê không biết nấu nướng nên không ăn bí, ăn bầu, ăn mướp gì hết, không có đặt tên, thành ra ta phải sáng tác, nên các nhóm đều giống nhau, còn chuối rừng, mía hoang thì ăn được nên họ có đặt tên, ta học với họ, hóa ra mỗi nhóm mỗi nói khác.
Trái DỪA cũng ở trong trường hợp đó. Tuy nhiên Việt Nam, Sơ Đăng và Mạ vẫn nói khá giống nhau, tức Trãi cùng sáng tác với Trãi, Chuy cùng sáng tác với Chuy, Mã cùng sáng tác với Mã, chớ không học của Mê-la-nê, mặc dầu Mê-la-nê có danh từ Dừa.
Ta và các nhóm khác còn học của Mê-la-nê nhiều thứ nữa chớ không phải chỉ có hai danh từ ấy. Nhưng Chương nầy không là tự vựng Mê-la-nê ngữ ở Việt Nam.
Riêng danh từ DỪA thì Chàm, Giarai và Rađê nói theo Nam Dương, nhưng có biến dạng, Cao Miên nói theo Dravidien Nam Ấn, còn Việt Nam, có lẽ chỉ biến DƯA thành DỪA, bởi đã bảo loài người sáng tác danh từ rất là lấy lệ, hai thứ đó khác nhau, nhưng họ mặc kệ.
Cũng nên biết rằng DƯA của ta lại cũng có nghĩa là LÉGUME. Bất kì thực vật nào ngâm nước muối cũng được gọi là Dưa hết, mà cơm của trái dừa thì đôi khi cũng được ăn như ăn Légume.
Ta cứ ngỡ Măng cụt là tiếng Mã Lai, nhưng không. Đó là tiếng Cao Miên và chắc đất đai Phù Nam xưa là nơi sản xuất loại trái đó nên ta và Thái Lan đều gọi theo Cao Miên, cả Chàm và vài nơi cũng gọi theo Cao Miên, và Măng cụt có lẽ là sáng tác riêng của Phù Nam, khi mà chỉ một mình họ có loại trái đó, thuở ban đầu ở Đ.N.A lục địa.
Mã Lai có danh từ Mang kok, nhưng nó chỉ vật dụng chớ không phải trái cây, còn măng cụt thì họ gọi khác.
Trầu thì toàn thể Đ.N.A LỤC ĐỊA và Nam Dương đều gọi như nhau, có lẽ là sáng tác tại chỗ và tập thể của Lạc bộ Trãi, Lạc bộ Mã tới sau, học với Lạc bộ Trãi.
Ta không biết Bí ngô tại sao lại bị gọi là bí ngô, nhưng ta biết Bắp tại sao được gọi là Lúa ngô. Người Chàm gọi Bắp là NGƠI, T’NGƠI. Ta bắt chước Chàm chớ xưa kia, Bắc Việt vẫn gọi là Bắp y hệt như Thái (POT) và Cao Miên (POT).
Phụ chú
CHUỐI, ta nói là CHUỐI, còn Quan Thoại thì nói là CHÉO thế thì ai học của ai?
I) Chuối không thể mọc ở xứ lạnh được.
II) Ngô Sĩ Liên, dựa vào sử Tàu, chép rằng Sĩ Nhiếp, dưới thời Tam Quốc, thường biếu xén chúa Ngô nên rất được tin dùng. Trong các của lạ Giao Chỉ, có CHUỐI và DỪA.
Vậy ai ham làm học trò của Tàu, cứ tin rằng ta biến CHÉO thành CHUỐI.
Một số nhà bác học Mỹ tin rằng Đ.N.A đã biết nông nghiệp 15.000 năm rồi, khiến trí thức V.N đã theo dõi nghiên cứu của họ, có ngộ nhận phần nào. Nên nhớ rằng các nhà tiền sử học không phải là sử gia. Họ chỉ tìm biết loài người ở một nơi nào đó, vào một thời nào đó, mà không cần biết con người ấy là ai.
Vậy nếu quả Đ.N.A đã biết nông nghiệp từ 15.000 năm thì đó là nông nghiệp của chủ đất trước khi chủng Mã Lai đến, tức của chủng Mê-la-nê, chớ không phải là tổ tiên ta đã có mặt ở đây từ 15.000 năm.
Tuy nhiên họ cũng chỉ có chứng tích cổ nhứt là 5.000 năm, phù hợp với thời điểm định cư của Lạc bộ Trãi và Lạc bộ Chuy ở Đông Nam Á. Thời điểm 15.000 năm chỉ là thời điểm ước đoán mà không có chứng tích.
Sự kiện chủng Mê-la-nê dạy Hoa tộc nông nghiệp cũng chỉ là sự ước đoán mà không có chứng tích nào hết, ngược lại còn có chứng tích “phản đề”, vì Hoa tộc trồng lúa mì hồi thượng cổ, tuyệt đối không biết lúa gạo, còn Đông Nam Á thì trồng lúa gạo, tuyệt đối không biết lúa mì.
Cách thức thuần hóa hai loại mễ cốc ấy khác hẳn nhau, dân trồng lúa gạo không thể dạy dân trồng lúa mì được và ngược lại.
Tóm lại, chưa có đủ chứng tích thật chính xác về văn minh của kẻ đi trước chủng Mã Lai, và cái gì cũng được giao lại ở thời điểm 5.000 năm là thời điểm định cư của hai thứ dân: Lạc bộ Trãi và Lạc bộ Chuy.
Tuy nhiên, trước Mỹ, Pháp cũng đã biết rằng Mê-la-nê ở Miến Điện, Đông Ấn Độ văn minh cao bằng bọn đến sau, nhưng ở V.N thì không. Mê-la-nê ở V.N kém hơn Mê-la-nê ở các nơi khác. Họ còn tồn tại giữa ta. Đó là phụ nữ Mường KHÔNG NHUỘM RĂNG ĐEN NHƯ ĐÀN ÔNG MƯỜNG, và thấp bé hơn đàn ông Mường. Họ giỏi giang y như phụ nữ ta, nhưng đồng bào của họ trên Trường Sơn thì không biết trồng trọt. Đó là bằng chứng họ đã học với Lạc bộ Trãi chớ không phải đã văn minh rồi khi Lạc bộ Trãi đến nơi.
Chương XIV - Sơ Đăng, một dân tộc đầu đàn
Chúng tôi tin rằng người Thượng Việt là gốc tổ của Lạc bộ Trãi và Thượng Nam Dương là gốc tổ của Lạc bộ Mã.
Đại danh từ Any đã cho thấy gốc tổ ấy ra sao và người MẠ đã giữ được. Nhưng chúng tôi có lưu ý quý vị rằng người Mạ không phải là đầu đàn, vì họ chỉ may mắn giữ được có một đại danh từ đó.
Chính người Sơ Đăng mới là đầu đàn, ít lắm cũng ở Đông Nam Á. Nhưng còn Nam Ấn và Trung Mỹ nữa, mà chúng tôi chưa kịp học ngôn ngữ cho nhiều. Đại Hàn ngữ, chúng tôi cũng chỉ mới bắt đầu học khi viết gần xong quyển sách này.
Tin Thượng Việt
Thượng Việt không có chịu ảnh hưởng ngoại lai, đời sống bình yên nên ít thay đổi và ít biến dạng danh từ.
Tại sao Đa Đảo cũng nói AKA mà chúng tôi chỉ xem Thượng Việt là gốc? Vì Đa Đảo ở biển, chịu quá nhiều ảnh hưởng ngoại lai. Ngày nay nhiều đảo, toàn dân là Tây lai, hoặc Tàu lai. Riêng Hạ-uy-di, thì có thể cho đó là một đảo Nhựt lai.
Tuy phong tục và ngôn ngữ ở Đa Đảo (Polynésie) cứ còn là phong tục và ngôn ngữ Mã Lai. Nhưng họ đã biến bậy quá nhiều rồi.
Danh từ Mã Lai được giữ nguyên vẹn rất lâu đời, nhưng trái lại cũng có một số danh từ bị biến đến không còn truy ra được nếu không học đủ ba bốn chục sinh ngữ Á Đông để tìm những cái khoen nối kết.
Nếu không có người Chàm Bình Tuy thì không làm sao mà ai biết được rằng TAI của Thái do MẤT (chết) của Việt Nam mà ra:

Nam Dương:

MATI

Việt Nam:

MẤT

Chàm Ninh Thuận:

MƯ TẠI

Chàm Bình Tuy:

HTAI

Thái:

TAI

Khi ta thấy KƠPAO là TRÂU biến ra, TAI là MẤT biến ra thì những danh từ trông xa lạ với nhau mà chúng tôi cho là đồng gốc, không phải là chúng tôi nói liều, mà đã học cẩn thận rồi, nhưng thiếu chỗ để viết hết ra xâu chuỗi biến dạng đó thôi.
Thí dụ biểu đối chiếu dưới đây, tuy vài dân đã cho nó nghĩa khác, nhưng truy ra đều đồng gốc hết:

Việt Nam:

SÂU

Miền Dưới:

SAUÚA (Sawah)

Nhựt Bổn:

SAUUA ( Sawa)

Cao Miên:

CHRÂU

Mạ:

ZIRÂU

Bà Na:

JRÂU

Sơ Đăng:

TRÂU

Xi Tiêng:

JƠRU

Miền Dưới chỉ dùng tĩnh từ nầy trong một trường hợp độc nhứt: RUỘNG SÂU. Còn Nhựt thì cho SAWA cái nghĩa là đầm lầy.
Tin Sơ Đăng
Người Mạ sống cạnh người Nam Kỳ thuở xưa. Còn người Sơ Đăng chỉ có các cố đạo là nỗ lực lên trên ấy, mà những danh từ Việt được các cố đạo dạy họ, ta đã biết cả.
Nhưng danh từ không do các cố đạo dạy họ mà trùng với Việt thì vô số kể, kể cả những danh từ rất tế nhị như LỒI ỐI đã nói đến rồi. Đó là những danh từ mà cả người Mạ, sống lẫn lộn với người Nam Kỳ cũng không có.
Những ông lái buôn quế ở Tam Kỳ thì có tiếp xúc được với Sơ Đăng tại Trà Mi. Nhưng họ hẳn không bỏ công ở lại Trà Mi để dạy Sơ Đăng LỒI ỐI, vì Trà Mi tuy ít núi non, vẫn là vùng sơn lam chướng khí mà trừ quân đội ra, không ai ở lại để làm gì, còn Sơ Đăng thì chê Trà Mi ít núi nên không thèm ở.
Chúng ta đã thấy vai trò đầu đàn của Sơ Đăng trong hai danh từ quan trọng NHÀ và NGƯỜI.
Nhưng không phải chỉ có thế, nhìn vào bản đối chiếu danh từ MƯA, ta cũng thấy rõ như vậy:

Xi Tiêng:

MI

Mạ:

MIU

Các phụ Chi Mạ: MI

Mã Lai Á:

AMA

Nhựt Bổn:

AMÊ

Việt Nam:

MƯA

Sơ Đăng:

MÊI

Chính danh từ Sơ Đăng là cái khoen nối kết giữa danh từ MÂY và MƯA của các nhóm Trãi. Mây đẻ ra Mưa. Mêi đẻ ra MƯA và MÂY.
Sơ Đăng có những tiếng Việt sơ khai mà không nhóm Thượng nào có cả:

Uâng

= Muấng

Noa

= Nua (Già)

Ngo

= Ngàn (Núi)

Inúa

= Núi

Luô

= Lụt (nước lụt)

Jolón

= Sóng

Hmôi

= Mai (sớm mai)

Lo

= Lố (dạng)

Xẻ

= Xế (chiều)

Rồ

= Hồi

Xrua

= Xưa

Drối

= Trước

Potok

= Bao tử( Dạ dày)

Roma

= Mỡ

Pit

= Béo

Ning

= Nín

Xẹt

= Xẹo (thẹo)

Xong

= Sưng

Uán

= Uốn

Tói

= Nói

Mnháu

= Nhạo (báng)

Ngán

= Ngắm

Luan

= Thoáng

Hván

= Hám (hôi hám)

Khíu

= Hiu (buồn hiu)

Xau

= Sợ

P’loang

= Lo

Nguán

= Ngoan

Mona

= Mau

T’Xrống

= Xuống

K’Têang

= Ngang

Mung

= Mượn

Xróng

= Chông (gai)

Hén

= Bén (sắc)

Ap

= Áp (chảo)

Chôu

= Cháy

Ngói

= Khói

= Vò (rượu)

Hat

= Hát

Xoang

= Xang (Múa vũ)

Vêang

= Gian (nhà)

Nêố

= Nữa

Trung

= Trong (ở)

Ngêi

= Nghêu (lêu nghêu)

Ropong

= Dòng (họ)

Tovó

= Tròn vo

Đây là những danh từ giống thẳng, nhưng còn hàng ngàn danh từ giống nhưng phải có xâu chuỗi mới thấy được. Cũng nên biết rằng người Mường giống ta một trăm lần hơn, nhưng không nên kể đến vì họ sống chung với ta từ 2500 năm rồi còn người Sơ Đăng thì không có tiếp xúc với ta.
Chương XV - Tàn tích mẫu hệ trong Việt ngữ
Xin nhắc lại sơ một điều mà chúng tôi đã viết ra rồi trong quyển sử. Là mãi cho đến năm 1861, khoa học mới biết và mới công nhận rằng có chế độ mẫu hệ trong nhân loại, và HÌNH NHƯ bất kì dân tộc nào cũng đã trải qua chế độ mẫu hệ cả.
Năm đó, một quyển sách độc đáo ra đời, quyển “Chế độ mẫu hệ” của nhà bác học Bachofen, trong đó soạn giả đã dựa vào các văn kiện cổ thời Hy Lạp để chứng minh rằng Hy Lạp buổi đầu theo mẫu hệ.
Chừng ấy các nhà bác học mới tin những quyển du kí được viết trước đó mà họ cho là truyện trinh thám.
Và điều nầy kì lạ nhứt là trong các chủng, chỉ còn có chủng Mã Lai là còn theo mẫu hệ, người Phi Châu kém hơn nhiều, vẫn bước sang chế độ phụ hệ rồi.
Hậu Hán Thư cũng đã có ghi chép về vài dấu vết mẫu hệ còn sót lại ở Giao Chỉ, thuở nước ta bị Trung Hoa chinh phục. Đó là tục Levirat ở vài làng tổng của ta.
Nhưng còn dấu vết trong ngôn ngữ hay không? Có vẻ là còn. Dân ta nói VỢ CHỒNG mà không nói CHỒNG VỢ, cho đến các cụ nhà Nho tiêm nhiễm Nho giáo sâu đậm, vẫn nói: “Tình nghĩa vợ chồng”. Mà đừng tưởng là các cụ bị luật bằng, trắc chi phối, bởi các cụ có thể nói: “Nghĩa tình chồng vợ” mà câu văn cứ còn nhạc điệu hoài.
Truyền thuyết ta kể rằng dưới trào Hùng Vương, con gái nhà vua luôn luôn tên là MỆ NÀNG. Tại sao không nói đến con trai?
Người hành khất đi xin ăn, thường hát:
Bớ cơm, bớ gạo,
Làm phước gặp phước,
Làm doan (duyên) gặp doan.
Bà con cô bác
Cứu kẻ bần hàn ờ…ờ…ờ
Nội một câu kêu xin ăn đó chứa đựng hết hai dấu vết mẫu hệ. Cô (nữ) cứ đứng trước Bác (nam).
Và BÀ CON chớ không ÔNG CON đâu. Đã bảo thuở xưa CON là NGƯỜI, thì BÀ CON là người phía bên bà, tức người đồng họ (theo mẫu hệ) còn người phía bên ông không đồng họ nên không được xem là người trong dòng.
Ngày nay đáng lý gì phải là ÔNG CON, nhưng đã quen miệng rồi thì danh từ cổ cứ còn, mặc dầu chế độ đã thay đổi ngược hẳn trước.
Tại sao lại có từ ngữ “gái nạ dòng”? NẠ là MẸ thì có phải chăng NẠ dòng là dòng mẹ?
Từ ngữ nầy không có thể đồng thời với hậu Hán Thư mà ta đã bước sang phụ hệ rồi, nhưng còn sót mẫu hệ ở vài nơi, và bọn theo phụ hệ khinh bỉ bọn theo mẫu hệ, vì ta nghe thấy được giọng khinh bỉ trong từ ngữ đó.
Từ ngữ đó hàm cái ý “gái đã có nhiều con”, tức có nhiều con với nhiều chồng (ám chỉ sự đa phu có thể có), tức là gái không tốt đẹp gì đối với mắt của bọn đã tiến lên phụ hệ rồi.
Ca dao ta lại hát:
Ai về, tôi gửi buồng cau,
Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy.
Đứa con trong hai câu dân ca trên đây, có vẻ không được biết lễ giáo Khổng Mạnh chút nào hết. Có người giải thích rằng dân ca ta chống lại Khổng, Mạnh, thuở ta mới bị trị. Cho rằng chủ trương đó đúng đi. Nhưng tại sao họ lại chống? Có phải chăng là vì lễ giáo đôi bên khác nhau, họ chưa quen chịu đựng nên họ khó chịu, họ mới chống lại? Mà nó khác nhau nhứt là ở chỗ đạo Nho chủ trương chồng chúa vợ tôi, khác hẳn nơi họ mà vợ là xếp trong nhà. Tuy Giao Chỉ đã ra khỏi chế độ mẫu hệ rồi, nhưng chưa lâu, bằng vào sự tồn tại của tục Levirat ở vài nơi. Vậy đàn bà còn được trọng lắm, mặc dầu đàn ông đã cầm quyền. Ta cứ nghe câu ca dao miền Nam sau đây thì rõ:
Lấy Triều Châu, cầm xâu chìa khóa
Lấy Quảng Đông, chèo ghe đi bán cá
Người Triều Châu là Lạc bộ Mã. Họ đã bị Tàu bắt theo phụ hệ hơn hai ngàn năm rồi mà vẫn còn trọng đàn bà thì biết đàn bà Giao Chỉ dưới thời Mã Viện, Sĩ Nhiếp được trọng đến mức nào. Nhưng Sĩ Nhiếp lại dạy dân ta cái chuyện khinh phụ nữ thời hẳn phải có chống đối.
Chương XVI - Xửa = Thiệt
Thường thì các nhà nho ta đọc Quan Thoại sai đến 40 phần trăm. Chỉ có vài tiếng hiếm hoi như QUÍ họ mới đọc đúng được.
Nhưng cái sai của các cụ thì thường không sai nhiều: Hài (Sông) = Hà.
Nhưng có một số danh từ, các cụ đọc khác hẳn, khác như Trắng với Đen, khiến ta phải thắc mắc.
Chúng tôi đã tìm cách giải thích về hai tiếng PÍN bị đọc là TÂN và TU bị đọc là ĐỘC thay vì TỦ (cái tủ). Nhưng không lấy gì làm chắc.
Một lối giải thích nữa của chúng tôi thì chắc đúng 100% DIỄN là MÂY bị đọc là VÂN. Vân là Awan vốn tiếng Mã Lai có nghĩa là Mây. Đó là Mandi Quảng Đông và Việt để kháng Tàu.
Mỗi ngày chúng tôi mỗi tìm tòi, và chúng tôi tìm được thêm một sự thật nữa về
Xửa = Thiệt (cái lưỡi)
Tại sao Xửa không bị đọc sai là XƯA, là XỬA là XỪA là SƠ, v.v. mà bị đọc là THIỆT?
Không có gì lạ cả? Người Việt cổ gọi cái lưỡi là PIÊT. Tổ tiên ta đọc XỬA là THIỆT là tiêu cực để kháng Trung Hoa, chớ không phải là đọc sai.
Vậy lối giải thích của chúng tôi trong quyển sử, chưa chắc đã đúng. Chúng tôi cho rằng các cụ đọc PÍN của Quan Thoại, là Tân, có lẽ vì kiêng tên một người trong hoàng tộc Việt Nam, sau này ta thu hồi độc lập, chớ không thể nào mà các cụ nhà Nho lại đọc sai quá xa như vậy. XỨA đọc là THỰC tức chỉ sai chút ít mà thôi, luôn luôn như vậy, nhưng có một số danh từ bị đọc sai một trời một vực, như Xửa = Thiệt.
Ta đã biết rằng vua Hùng Vương nói khá giống người Khả Lá Vàng hiện nay:
Ai = Tôi
Aka = Cá
Và hiện nay thì:

Khả Lá Vàng:

Piêt

= Lưỡi

Mạ:

Lapiết

= Lưỡng

Jêh:

Alpiat

= Lưỡi

Sơ Đăng:

Rpê

= Lưỡi

Đó là các nhóm thuộc chi Trãi. LƯỠI chỉ là danh từ của chi Mã, vì ở Việt Nam có ba chi Lạc sống hỗn hợp với nhau, danh từ riêng của ba chi cạnh tranh nhau, chi Trãi đa số, nhưng đôi khi danh từ của họ cũng bị danh từ của hai chi khác lấn lướt.
XỬA là LƯỠI bị đọc là THIỆT là vì thế, còn tại sao XƯA là ĐẦU GỐI lại bị đọc là TẤT? Cũng cứ vì tiêu cực để kháng vì danh từ Mã Lai là LUTÚT mà chắc hồi cổ thời ta nói là LUTẤT nên ta mới để kháng bằng cách đọc XUA là TẤT. Vậy BÍT TẤT là danh từ kép gồm toàn tiếng Việt, chớ không phải là một tiếng Việt và một tiếng Tàu.
Ngộ nghĩnh lắm là người Nam Dương sáng tác tên cho món vật dụng đó thì không nói là BÍT LUTÚT mà lại nói là QUẦN CỦA CẲNG. Tuy nhiên thấy rõ là họ đồng tâm hồn với ta, mặc dầu sáng tác khác. Quần của cẳng vẫn bít cái TẤT (Bít tất đời xưa lên khỏi gối, mà cho cả đến nay, bít tất phụ nữ cũng thế).
Người Tàu chánh gốc, nói máu là XẸ. Nhưng tại sao Quảng Đông và Việt không đọc sai là XÉ là XÈ, là XẺ mà lại đọc là HUỴT là HUYẾT. Cũng cứ là vì tiêu cực để kháng vì tiếng Thái, máu, nói là LƠÁD. Đó là Thái ngày nay chớ Thái đời Tần thì gọi là HƠAD, thế nên họ mới đọc xỏ lá XẸ là HUỴT. Ta là Việt, ta cũng để kháng, nhưng không đọc là MAU mà đọc là HUYẾT và đọc theo Thái chơi cho vui vì đó là lân bang bà con mà ta thạo ngôn ngữ.
Cứ cái đà đó mà tìm, ta sẽ biết các nhà nho ta đọc nhiều tiếng Tàu sai quá sức tưởng tượng HÙNG bị đọc là HỒNG thì quá dễ hiểu vì nó chỉ sai tí ti thôi. DÍL bị đọc là YÊN tuy hơi xa nhưng còn nối kết được, chứ như TU mà đọc là ĐỘC thì hẳn phải có lý do như THIỆT và TẤT.
Ta có thể bạo gan nói rằng ta đã biết chế tạo cái TỦ và ta gọi CÁI TỦ bằng tiếng Việt là ĐỘC, và ta đọc chữ TU của Tàu là ĐỘC vì lý do tiêu cực để kháng.
Trong cổ vật Đông Sơn không hề có cái tủ, nhưng tủ bằng gỗ thì làm thế nào mà còn được để cho các nhà khai quật tìm thấy.
Nếu không cắt nghĩa như vậy thì không sao hiểu được sự kiện các nhà nho ta viết chữ TU mà lại đọc là ĐỘC.
Chúng tôi nói Khả Lá Vàng gọi cái lưỡi là PIÈT, nhưng Việt Nam hẳn phải đọc khác hơn một chút là THIỆT, vì đã có bằng chứng ta đọc khác Khả Lá Vàng.

Việt Nam

Khả Lá Vàng

Trai

Trùi

Gái

Guôi

Mắt

Mat

Bắp vế

Bốk

Óc

H’tóc

Uống

Óc

Ăn

An

Bố

Bo

Mẹ, Mợ

Có những danh từ, không phải là tiếng Tàu chút xíu nào hết. Thí dụ BẤT của Nam Kỳ có nghĩa tương đương với BÁC của miền Bắc. Đó là động từ của Lạc bộ Mã: Batal.
Nhưng chỉ riêng người Nam lầm tưởng của Tàu, vì người Bắc không có dùng động từ BẤT đó.
Trạng từ sau đây thì toàn quốc đều lầm: TẤT
TẤT là HẾT là XONG là tiếng Tàu
TẤT là ẮT HẲN là tiếng Tàu
Nhưng TẤT CẢ là tiếng Lạc bộ Mã
TẤT TẢ, TẤT TƯỞI là tiếng Lạc bộ Trãi
THỎA không là tiếng Tàu như ai cũng tưởng mà là tiếng Lạc bộ Mã. Đó là trùng hợp ngẫu nhiên với Tàu.
Nhiều học giả Việt Nam, hễ thấy tiếng ta hơi hơi giống tiếng Tàu, liền quả quyết rằng là ta học của Tàu.
Trong quyển sử, chúng tôi đã đưa ra một lối phủ nhận có chứng tích là tĩnh từ XA bị nhiều ông cho rằng do HÀ của Tàu mà Quan Thoại đọc là XÁ có nghĩa là XA. Quả đúng là Quan Thoại có XÁ bị các nhà nho ta đọc là HÀ.
Nhưng Lạc bộ Chuy có CHXANGAI là Xa, mà chắc một trăm phần trăm không phải học của Tàu vì âm X của Tàu len vào ngôn ngữ Lạc bộ Chuy đều biến thành Tàu hết, không có ngoại lệ. Thí dụ XÉ của Quan Thoại bị biến thành TE của Cao Miên thì XÁ của Quan Thoại phải bị biến thành TANGAI, chớ không thể thành CHXANGAI được.
Nam Dương lại có SANGAT, đồng gốc với CHXANGAI. Chàm thì có HATAH, Sơ Đăng có Sak, Rôgai có ATA, Khả Tu có Atagh.
Các ông lại cứ quả quyết rằng GẦN do CẬN của Tàu mà ra, nhưng Nam Dương lại có ĐƠNGAN mà tiền sử học thì quả quyết rằng Lạc bộ Mã không có chịu ảnh hưởng của Tàu. ĐƠNGAN bị toàn thể đồng bào Thượng bỏ âm sau, chỉ nói ĐƠN. Việt Nam rủi ro bỏ âm đầu, nói GẦN hóa ra bị tình nghi là ăn cắp của Tàu. Nhưng cái âm sau đó, bị Chàm biến thành GEK thành thử Chàm không bị tình nghi. Nhưng GẦN của Rađê là GĂM khiến các ông rất tức giận mà không lôi kéo Rađê vào Tàu và Việt được vì họ ở cách xa Tàu và Việt và các dân tộc sống giữa họ và Việt lại không nói GĂM, GAN gì cả để mà cho rằng Việt làm trung gian giữa Tàu và Rađê.
Các ông lại quả quyết rằng ĐÈN của Việt do ĐĂNG của Tàu. Nhưng Tàu đọc Đăng là TẨN chớ không có đọc là Đăng như các cụ nhà nho. Vả lại đèn La Mã đầu Tây lịch đã tìm thấy ở Cao Miên, đèn Trung Hoa đời Hán đã tìm thấy ở bên Tàu đều 10 lần xấu xí hơn đèn Đông Sơn thì có lý nào ta lại học với kẻ kém hơn ta.
Các ông lại lôi kéo CHU của Tàu vào CHUA của Việt, nhưng CHU của Tàu thì Tàu đọc là XỦ mà không có nghĩa là Chua mà là GIẤM, trong khi đó thì:

Việt Nam:

Chu

= Chua

Cao Miên:

Môchu

= Chua

Sơ Đăng:

Chôu

= Chua

Nam Dương: Chuka = Chua Cay (chỉ vẻ mặt)
Các ông bảo RƯỢU do TỬU của Tàu mà ra, nhưng trên Cao Nguyên các nhóm Lạc bộ Trãi chưa hề thấy mặt người Tàu đều có rượu và gọi món đó là :

Sơ Đăng:

Trôu (giống rượu ở âm sau)

Mạ:

Rơnơm (giống rượu ở âm trước)

HÀM của Tàu chỉ là Ngậm trong miệng còn Hàm là cái Hàm là tiếng Mã Lai:

Nam Dương:

Robang

= Hàm

Nam Dương:

Keng

= Càm

Mạ và các phụ chi: Cang
Các ông bảo TRÀ là tiếng Tàu, nhưng TRÀ lại là tiếng Thái của dân Tây Âu, CHÈ là tiếng Lạc của dân Thất Mân.
TÀM cũng là tiếng Lạc của dân Thất Mân. TÂN LANG là cây cau của Tàu, viết thành chữ thì hoàn toàn vô nghĩa, mà họ đọc là Pấn lạn, mà tiếng Mã Lai là Pin nang, Chàm nói là Nâng, Việt là Nang (Mo nang= Mo cau)
Tóm lại:
Đồ bên Tàu các chú đem qua
Mì bên Tàu các chú bày ra
(Bài ca Nam Kỳ điệu Khổng Minh tọa lầu, có tánh cách đùa cợt bọn mê Tàu rất thạnh hành từ năm 1900 đến 1930).
Chương XVII - Trời và ngày
Bạn Nguyễn Mạnh Côn cho biết rằng người Nhựt chỉ Trời bằng danh từ ngoại quốc mà họ đọc là SORA. Đành thế. Nhưng chúng tôi đâu có đối chiếu các ngôn ngữ khác, mà chỉ đối chiếu Mã Nhựt thôi.
Người Nhựt có hằng tá danh từ Trời mà một là của Ấn Độ: SAMA, nhưng họ lại dùng sai. SAMA của Ấn chỉ trỏ VÒM TRỜI, còn họ thì dùng để chỉ ÔNG THIÊN, và tại sao họ sai, chúng tôi xin giải thích.
Trong quyển sử của chúng tôi, chúng tôi có để lộ ra một mâu thuẫn lớn:
I) Chúng tôi cả tin vào tiền sử học.
II) Mặt khác chúng tôi lại bác tiền sử học, họ cho rằng nhóm Nhựt bộ Mã từ Nam Dương đi lộn trở lên Nhựt để cướp ngôi của nhóm Lạc bộ Trãi đã có mặt ở đó từ hơn 2.500 và đã dựng nước rồi.
Vì điểm sử đó không liên hệ đến ta, nên nếu có sai cũng không sao, và chúng tôi cố ý sai để chờ đợi một cuộc bắt bẻ về sự mâu thuẫn đó. Khi một điểm sử có mâu thuẫn, thì điểm sử ấy phải sai. Khi kẻ cả tin vào tiền sử học, lại nói rằng tiền sử học sai, thì phải bắt bẻ kẻ đó. Nhưng không có ai bắt bẻ chúng tôi về mâu thuẫn đó cả, mặc dầu tám tháng đã qua rồi, thành thử nay chúng tôi xin trình ra sự thật: tiền sử học đúng. Nhưng sách tiền sử học không dịch ra đây được thì chúng tôi ủng hộ tiền sử học bằng ngôn ngữ, và trong sách nầy tài liệu ngôn ngữ tìm được chỗ đứng hợp lý.
Khoa khảo tiền sử có thể thiếu sót mà không thể sai. Họ có chứng tích hẳn hoi nên họ mới dám viết như thế.
Nhưng dĩ nhiên là họ không có chứng tích ngôn ngữ như chúng tôi, và đây là loại chứng tích ấy.
Nhựt Bổn, từ Nam Dương đi Nhựt RẤT TRỄ mãi sau khi tiếp nhận văn minh Ấn Độ rồi, mới đi, bằng chứng là trong Nhựt ngữ đầy dẫy tiếng Ấn Độ:
Sama = Trời
Macham → Michi = Đường đi
Nama → Namê →Na = Tên
Dĩ nhiên là vừa mới vay mượn, chưa kịp tiêu hóa là họ ly khai, nên chi họ dùng sai. SAMA của Ấn Độ chỉ có nghĩa là VÒM TRỜI, bị Nhựt hiểu là ÔNG THIÊN. Còn MACHAM chỉ có nghĩa là ĐƯỜNG TINH THẦN y như chữ ĐẠO của Trung Hoa, lại bị Nhựt biến thành ĐƯỜNG ĐI: Michi.
Ta tự hỏi họ đi làm gì và tại sao họ biết có Lạc bộ Trãi ở đó, để mà tới đó.
Họ không biết gì hết, tại thuận buồm xuôi gió vào mùa Nồm thì họ tới Nhựt, chỉ có thế thôi, còn lý do ra đi của họ là vì tôn giáo.
Quả thật thế, người Nam Dương đã mất luôn tôn giáo thờ Bà Trời của đại khối Mã Lai, vì đạo Bà La Môn xen vào quá mạnh. Cho tới ngày nay, họ còn đúc nhưng lưỡi gươm y hệt như người Đông Sơn, mà họ gọi là LAĐAI, nhưng họ chẳng còn biết đến Trời nữa, trong khi đó thì các thần xã ở Nhựt còn nguyên vẹn, giống đình của ta, và Thần Đạo, tôn giáo của chủng Mã Lai, còn được Thiên Hoàng thờ, mặc dầu Phật giáo ở Nhựt rất mạnh.
Hiện nay ở Nam Dương chỉ còn giống ta có cái ao cá và lũy tre làng, còn thì tôn giáo và cảm nghĩ đã hết từ khuya.
Thế nên sử Nhựt chép rằng vua đầu của Thiên Hoàng lên ngôi 5, 6 trăm năm trước Tây lịch, bị sử gia Âu châu thụt lại tới đầu Tây lịch là đúng khít nút. Lên ngôi một ngàn năm trước đó là các ông vua lon con của Lạc bộ Trãi, họ chưa thống nhứt như Hùng Vương nên mới bị bọn sau nuốt hết. Những ông vua ấy, Nhựt hoàn toàn bí, chỉ có sử Tàu là biết lõm bõm mà thôi. Bọn ấy cũng đã văn minh rồi nhờ dân 127 huyện Tàu di cư ra, nhưng cứ thua, vì như đã nói, họ chưa thống nhứt.
Bọn đi Madagascar và Trung Mỹ, chắc chắn là cũng vì lý do tôn giáo, và quả thật đến Trung Mỹ họ gặp bọn Trãi ở đó và hai đàng tiếp tục thờ Trời (và mần thịt người để tế thần y hệt như bọn Đông Di và Nam Man mà Tống Ngọc đã tả).
Quí vị đã thấy, chứng tích ngôn ngữ không có kém chứng tích tiền sử học chút nào hết. Nếu chúng tôi không có đọc tiền sử học mà biết tiếng Ấn và tiếng Nhựt thì cũng đi tới cái kết quả mà tiền sử học đã tới. Hơn thế, chúng tôi tới xa hơn là chúng tôi biết Lạc bộ Mã có ghé Đông Pháp lập ra Lâm Ấp và Phù Nam, còn tiền sử học thì không biết điều đó.
Nhờ ly khai, nên Nhựt giữ được đạo thờ Bà Trời của chủng Mã Lai:
Hiện nay tại Hòn Chén (Ngọc Trản) ở Huế, ta có đền thờ Thiên Y A Na mà xem ra thì đó là tôn giáo Đồng Bóng có tánh cách tương tự như các đền thờ ở đất Bắc.
Tên thánh gồm một chữ Nho “Thiên”, ghép lại với một danh từ Mã Lai Y A Na có nghĩa là Mẹ:

Ra đê:

Ana

Giarai:

Ina

Chàm Kim:

Ina

Nam Dương:

Inang

Nam Kỳ trung cổ:

Áng na

Việt Nam cổ thời:

Nạ

Cổ ngữ Tây Âu:

Nả

Người thờ, không giải thích được minh bạch Thiên Y A Na là gì, nhưng ta hiểu được đó là một danh xưng hỗn hợp Hoa Chiêm, Chiêm đây là Cổ Chiêm Thành, chớ Chàm hiện kim nói Ina, chớ không nói Y A Na. Vậy Thiên Y A Na là Mẹ Trời, tức Bà Trời, mẹ của muôn loài, theo tôn giáo thờ Trời của chủng Mã Lai (chớ không phải thờ Mặt Trời, và Mặt Trời ở trống đồng chỉ là tượng trưng).
MẸ thì hiện nay Đại Hàn còn chỉ bằng danh từ Ô-Mô-Ni mà Ô-Mô-Ni không xa nhưng danh từ trên đây một cách đáng kể, nếu dựa vào luật biến dạng kì khôi của Swadesh. Năm ngàn năm đã qua rồi thì một danh từ đã biến nát hết, X có thể biến ra Ô-Mô-Ni, Ina, Y A Na, v.v.
Nhựt Bổn chỉ mẹ bằng danh từ HAHA. Nhưng cách đây hai ngàn năm, hẳn là không phải là HAHA mà là cái gì đó.
Truyền thuyết Nhựt Bổn, được ghi chép lại trong bộ Cổ sự ký, tập I, có nói đến cặp bán thần là IZANA EM GÁI, hai vị bán thần nầy là hai anh em ruột, con của Bà Trời Thiên Chiếu.
Hai tên thần trên đây là viết theo chữ La Tinh, chứ viết theo chữ Nhựt thì sẽ đọc ra là Y-DA-NA.
Y-DA-NA rất gần Y-A-NA ở Ngọc Trản, mặc dầu hai vị thần đó là con, chờ không phải là Mẹ Trời. Nhưng hai người con đó là con đối với thượng giới, chớ vẫn là Mẹ (cha mẹ) đối với loài người.
Văn tự của thời quyển KOJIKI ra đời là văn tự của năm 714, việc kí hiệu chưa ổn định, truyền thuyết lại mù mờ, nên ta không thể biết chắc gì hết, nhưng không sao ta không thấy sự liên hệ giữa Y-A-NA ở Huế và Y-DA-NA ở Nhựt, liên hệ về hình dáng của danh từ và ý nghĩa của danh từ, cả hai hình thức đều cho thấy ý niệm MẸ TRỜI, và cả hai hình thức đều cho thấy ngôn ngữ của Lạc bộ Mã (Chàm và nhóm Thiên Hoàng) không khác nhau bao nhiêu từ năm 741 S.K. Đến năm đền Ngọc Trản được xây cất lần đầu, cái lần đầu đó, không còn ai biết là vào năm nào, và tại đâu, bởi không chắc lắm là tại hòn Ngọc Trản ngày nay, nhưng chắc chắn là không thể trước thời Hồ Quý Ly, người đã chiếm đất Chàm cho tới Chiêm Động (Quảng Nam), tức vào mạt điệp nhà Trần của ta, giữa thế kỷ 14.
Từ năm 714 đến đời Hồ Quý Ly thì một ngàn năm đã qua, và danh từ bị biến dạng Y-A-NA đến Y-DA-NA và vừa đúng theo luật Swadesh, tức chỉ mới biến có một lần.
Cũng nên biết điều nầy là người Chàm có ngôn ngữ y hệt như Nam Dương, tức y hệt như nhóm Thiên Hoàng từ Nam Dương di cư lên Nhựt. Nay ta thấy đã khác, không phải vì có sự biến dạng theo luật Swadesh, mà vì người Chàm mà thiên hạ biết, tức Chàm Ninh Thuận, không phải là người Chàm, mà chỉ là người Phù Nam. Sử Chàm chưa được viết đúng ở đoạn nào cả. Nhìn vào các địa danh Chàm ở miền Trung, ta thấy nó giống hệt Nam Dương mà rất khác Chàm nay. Chàm nay nói MƯ TAI = Chết, nhưng địa danh lại là MATI = Mất.
Không thể bảo rằng có sự biến dạng theo luật Swadesh, vì luật ấy chỉ nói đến 20% danh từ trong một thời gian là một ngàn năm, nhưng ở đây thì biến đến 100%.
Tóm lại tôn giáo thờ Bà Trời, Mẹ Trời của chủng Mã Lai (ít lắm cũng là Mã Lai đợt II, tức Lạc bộ Mã, tức Austronésiens) là một tôn giáo có tánh cách duy nhứt vào cổ thời, chớ không phải là những tin tưởng tạp nhạp chưa thành hệ thống như nơi các dân tộc cổ sơ khác, và nhóm ly khai khỏi Nam Dương để đi Nhựt Bổn có lý do mạnh mà ly khai vì tôn giáo.
Bọn Lạc bộ Trãi có thờ Bà Trời hay không thì không còn dấu vết gì để ta dám xác nhận hay phủ nhận. Trên thế giới, chỉ có ta mới kêu “Trời ơi!” mỗi lần kinh sợ hay than thở, nhưng ta có sống chung với Lạc bộ Mã, thành thử cũng có thể nói là ta bị ảnh hưởng, mà không dám chắc là ta đã thờ Trời. Nhưng Lạc bộ Mã thì chắc 100%.
Danh từ Trời của Đại Hàn gồm thêm từ NIM mà Nim vừa có nghĩa là Ông, là Bà. Đại Hàn là Lạc bộ Trãi, mà họ gọi Trời như thế, cũng có thể tin rằng Trãi cũng thờ Trời, nhưng không chắc gì hết vì đó là chứng tích rất mong manh.
Thần đạo, tôn giáo chánh của người Nhựt, đã bắt đầu suy từ thời Nại Lương vì ảnh hưởng Phật giáo quá mạnh. Tuy nhiên người Nhựt cứ giữ và xem đó là tôn giáo chánh thức vì chủ bái là Thiên Hoàng.
Đạo Phật một ngàn lần thịnh hơn, từ đó đến nay, nhưng không hề được hưởng tư cách tôn giáo chánh thức mà chỉ được nhà vua bảo trợ thôi.
Và trong Thần đạo, cứ là Bà Trời và anh hùng dân tộc được thờ phượng, hơi khác ta một chút xíu là ta không còn Bà Trời, nhưng rất giống Bắc Việt là luôn luôn đền thờ cất theo kiến trúc thượng cổ của chủng Mã Lai là nhà sàn.
Một dân tộc giữ đạo như thế, hẳn phải mang cả danh từ, danh xưng HARI theo họ trên bước đường di cư thứ nhì, ngược chiều với bước di cư thứ nhứt, và dĩ nhiên HARI không còn là HARI nữa, vì hai ngàn năm đã qua rồi, luật Swadesh đã chi phối HARI đến hai lần là ít: HARA HI.
Quyển sử của chúng tôi quá dày nên khi in, phải chặt bớt, hóa ra nhiều điểm, nói không hết lời. Đối chiếu ngôn ngữ trong đó chỉ là chuyện phụ thuộc. Ở đây chúng tôi xin trình bầy rõ rệt về danh từ Trời.
Trước hết, đại khối Mã Lai chỉ có một danh từ độc nhứt để chỉ ba ý niệm:
Vòm trời
Ông trời
Mặt trời
Các nhóm Mã Lai kém mở mang ở rừng núi hiện đang còn dùng như vậy. Thí dụ người Sơ Đăng chỉ có danh từ HAI để chỉ ba món kể trên.
Các nhóm văn minh thì có hai ba danh từ:
1.  Vòm trời
2.  Ông thiên và Ngày
3.  Ngày
4.  Mặt trời
Nhưng không phải nhóm nào cũng có đủ số 4, riêng Nhựt thì có hàng chục với lối vay mượn xô bồ và vô ích của họ là lối biến nghĩa kỳ dị của họ. Thí dụ KAMI chỉ là đại danh từ mà Thần Nam Dương dùng để xưng ta với loài người thì Nhựt biến thành ÔNG THẦN. Đó là chỗ biết riêng của chúng tôi. Nhưng tự điển Pháp-Nhựt còn dịch kỳ dị nữa: Kami = Thần, Kami = Tạo hóa. Thế thì họ lại biến cả Kami là Ông thiên nữa, chớ không riêng gì SAMA và SORA.
Nhưng tất cả những danh từ Trời, Vòm Trời, Mặt trời, đều do một danh từ độc nhứt hồi thượng cổ mà ra, đó là danh từ HANA hoặc HANAL, hoặc HAI chớ không phải HARI hoặc HARA gì hết.
Tiếng Đại Hàn có những danh từ sau đây:

Hananim

= Ông trời

Hanul

= Vòm trời

Hai

= Mặt trời

Nal

= Ngày

HANA là số 1, NIM = ÔNG. Hananim = Ông số 1 = Ông trời = Vị thần to nhất của chủng Mã Lai thờ mặt trời (theo Tây, nhưng theo chúng tôi thì là thờ Ông trời, hoặc Bà trời tùy theo nhóm mẫu hệ hay phụ hệ)
Cái ông số 1, đẻ ra vòm trời : HANUL, đẻ ra mặt trời : HAI, đẻ ra NAL.
Đại Hàn là đầu đàn của Lạc bộ Trãi trên thế giới, và Sơ Đăng là đầu đàn của Lạc bộ Trãi trong lãnh thổ Việt Nam, thế nên hai anh đầu dọc ấy có danh từ trùng hợp với nhau, nhưng Sơ Đăng nghèo nàn hơn vì kém mở mang:
Sơ Đăng

Hai

= Ngày

Hai

= Mặt trời

Hai

= Vòm trời

Hai anh khác, cũng cứ trong lãnh thổ Việt Nam giữ cái khoen nối kết thứ nhì:
Mạ và Xi Tiêng

Nar

= Mặt trời

Nar

= Vòm trời

Nar

= Ngày

(người Mạ đã tiến đến hình thức Ngai= Ngày)
Ta thấy rõ là HANUL đẻ ra NAL ở Đại Hàn, và NAL Đại Hàn đẻ ra NAR.
Danh từ HAI và NAR vô cùng quan trọng vì nó cho thoáng thấy HARI của Câu Tiễu, của Nam Dương.
HAI đẻ ra HARI được, mà NAR cũng đẻ được nhờ âm AR, âm nầy có mặt trong HARI.
Thế thì HARI của Nam Dương không là gốc tổ, nhưng trong quyển sử, chúng tôi phải dùng HARI làm đối tượng, vì đó là danh từ của dân tộc đang tự xưng là Mã Lai. Chưa ai nhìn nhận Đại Hàn là Mã Lai thì không thể dùng danh từ Đại Hàn để làm cái đích. Hơn thế quyển sử ấy đã quá dày, chúng tôi không thể giải thích dài dòng về độc một danh từ. Một lý do nữa khiến chúng tôi chỉ phớt qua về ngôn ngữ trong quyển sử là vì chúng tôi làm việc, dựa trên tiền sử học và chủng tộc học, mà hai khoa đó chê chứng tích ngôn ngữ nên chúng tôi để dành chứng tích ngôn ngữ cho quyển nầy.
Bọn Trãi di cư đi Nhựt Bổn đồng lúc với bọn Trãi di cư đi Đại Hàn, có lẽ cũng đã nói HANA hồi cổ thời. Nhưng HARA bí mật của Nhựt thì lại không phải do HANA mà ra, mà là do HARI vì bọn lãnh đạo ở Nhựt là bọn Mã, từ Nam Dương di cư lên, và dĩ nhiên là mang theo HARI của Nam Dương.
Đến nơi, họ thắng trận, nhưng bọn Trãi bại trận có văn hóa đã cao lắm rồi, thành thử có sự nhượng bộ phần nào của kẻ thắng trận. HANA không bị tiêu diệt, nhưng HARI phải biến thành HANA để dung hòa, Trãi giữ được âm A cuối, Mã đưa vào được R.
Danh từ HARA của Nhựt được giữ kín, người thường chỉ biết HARA là cái bụng, là đồng bằng, nên khi chúng tôi nói danh từ HARA là ông Trời, ai cũng cho là sai.
Danh từ HARA chỉ có các nhà bác học mới biết, vì đạo thờ Bà Trời hồi cổ thời chỉ có hai quý tộc là họ Imbê và họ Nakatomi là được quyền tế lễ thay cho vua, và mới được nói đến HARA với cái nghĩa là Bà Trời. Dân chúng chỉ biết HARA là cái bụng, là đồng bằng.
Hiện nay hai họ đó đã tàn lụn, và Thiên Hoàng giữ độc quyền tế lễ và dân chúng tiếp tục không biết HARA.
Nhựt giữ kín HARA, nhưng vẫn sáng tác các danh từ khác, mà sáng tác hằng tá, hằng lô, với ngữ căn HARA bí mật đó.
HIRU, biến dạng của HARA, được mở đèn xanh, ai muốn dùng, tha hồ mà dùng.
HI, một sự co rút của HIRU cũng được mở đèn xanh.
Nhiều người biết tiếng và chữ Nhựt Bổn cứ nói rằng HI do NHỰT của Trung Hoa vì quả sách Nhựt Bổn viết chữ HI bằng văn tự Trung Hoa là NHỰT mà không viết bằng văn tự của họ. Đó là một việc làm kì cục của Nhựt vì đáng lý gì HI, danh từ quốc ngữ của họ, họ phải viết ra bằng văn tự quốc ngữ, chớ sao lại viết bằng chữ Tàu để gây ngộ nhận?
Chúng tôi e rằng người Nhựt đã quên danh từ của họ nhiều hơn ta, sự quên mà chúng tôi đã nói đến nhiều ở Chương II và chính họ cũng tưởng HI do Nhựt của Trung Hoa, nên họ mới viết chữ NHỰT để dịch chữ HI, mà không viết bằng quốc ngữ Nhựt Bổn, trong khi đó thì NHỰT BỔN rõ ràng được đọc là NIHON chớ không là HIPON.

Nhựt dụng

= NICHIYOO

Nhựt Bổn

= NIHON

Nhựt dạ

= NICHIYA

Nhựt Mỹ

= NICHIBEI

Chúng tôi thấy hiện tượng kỳ dị ấy xảy ra ở nhiều danh từ, thí dụ danh từ SÁN (xơ mít) của Lạc bộ Trãi, họ nói SANA, thì không có gì lạ, nhưng lạ lắm là thay vì viết SANA bằng quốc ngữ Nhựt, họ lại viết ra bằng chữ Tàu. Còn SAN HÔ là tiếng Tàu 100% lại không được viết bằng Hán tự mà lại được viết bằng Hiragana. Họ làm việc kỳ cục như vậy, khiến người nước khác, học ngôn ngữ của họ, không còn biết ngữ nguyên ra sao cả, mà có thể chính họ cũng quên chăng, họ mới viết HI= Nhựt?
Tại sao SUIĐÔ được viết bằng hai chữ Hán THỦY và ĐẠO, còn SAN HÔ thì lại viết bằng Hiragana thì thật chẳng biết đâu mà mò.
Sự thật thì danh từ NHỰT của Trung Hoa, Nhựt Bổn đọc là NI, chớ không là HI. Cái mà họ đọc là HI chỉ là sự co rút của HARA và HIRU.
Họ có hằng tá danh từ do HARA và HIRU đẻ ra.

HARAMA

= Trời trong sáng sau cơn mưa

HARERU

= Trời sáng

HARESHON

= Vòng sáng quanh mặt trời

HARU

= Xuân (Mùa mặt trời)

HI

= Mặt trời

HIASHI

= Ngày thu ngắn

HIATARI

= Phơi trải dưới ánh mặt trời

HIBOSHI

= Phơi khô

HIDAMARI

= Nơi được mặt trời hong cho ấm

KARARI

= Trời trong

ASAHI

= Mặt trời mọc

Nhưng ta chỉ cần biết là Nhựt đã biến HARI thành HARA, được giữ bí mật vì lý do tôn giáo, còn thường dùng thì:
1) Hi = Mặt trời, tương đương với Matahari
2) Hi = Ngày, tương đương với Hari
Vòm trời ( Fimrament) được chỉ bằng SARA.
Tuy nhiên, như đã nói, tiếng Mã Lai Nam Dương cứ còn rơi rớt lại đó đây nên ta mới nối kết giùm họ được. Thí dụ họ biến:

Nam Dương:

KAKI

Chàm:

TCAY

Việt Nam:

CẲNG

Nhựt:

ASHI

Nhưng KaKi còn nguyên vẹn trong ngôn ngữ Nhựt, trong danh từ MIZUKAKI = Cẳng nước = Cẳng có bẹ (Palmipède)
Thế nên chữ HARE, những HI của họ, ta mới biết do đâu mà ra, mặc dầu họ dấu biệt HARA.
Trên Cao Nguyên, người Sơ Đăng chỉ có độc một danh từ là HAI để chỉ ngày, Ông trời, và Vòm trời, và chính Hai đẻ ra HARI và TAGAY, Tagay đẻ ra NGÀY của ta.
Thế nên chúng tôi mới trình ra xâu chuỗi Hari = Trời, trong khi HARI chỉ là NGÀY của Mã Lai Nam Dương.
Tuy nhiên chúng tôi có nói rõ trong quyển sách đó rằng Nam Dương vẫn có dùng HARI trong một trường hợp độc nhứt để chỉ VÒM TRỜI. Đó là danh từ MẶT TRỜI của họ, họ nói là Matahari.
Thế thì Ngày với Trời đã bị đồng hóa ở khắp các địa bàn Mã Lai vậy.
Chúng tôi thấy nhiều xã hội Lạc không có danh từ Vòm Trời, chớ đừng nói là danh từ Ông Thiên là chuyện cao xa. Cả Vòm Trời, lẫn Ngày đều được gọi chung y như nhau. Nhưng các nhóm đã lập quốc thì có phân biệt hẳn hoi:

Nam Dương:

Hari

= Ngày – Langít = Vòm trời

Châu Giang:

Hari

= Ngày – Langít = Vòm trời

Chàm Ninh Thuận:

Hray

= Ngày – Lingik = Vòm trời

Chàm Bình Thuận:

Hrơy

= Ngày – Lingik = Vòm trời

Cao Miên biến Langít thành LÔ NGHỊT và chỉ TRỜI CHIỀU, còn Việt Nam cũng lập quốc, cũng văn minh, nhưng ta biến một danh từ thành hai danh từ, chớ không có sáng tác thêm danh từ thứ nhì, hoặc cũng có dùng Langít y như Cao Miên, nhưng đã đánh mất rồi.
Và xâu chuỗi biến dạng như sau:

Đại Hàn:

HANA

Nam Dương:

HARI

Nhựt:

HIRU

Nhựt:

HARA

Chàm:

HRAY

Chàm:

HRƠY

Rađê:

HRỤE

Sơ Đăng:

HAI

Đại Hàn:

HAI

Tới đây, ta đã thoáng thấy NGÀY ló dạng với âm AI của Sơ Đăng và âm AY của Chàm.
Nhưng còn phải qua vài cái khoen nữa, đáng kể nhứt là cái khoen NAR của Xi Tiêng và Mạ. NAR vừa là NGÀY vừa là VÒM TRỜI, lại có sự ló dạng của tử âm N và một mảnh vụn AR của HARI, trong NAR.
Nhưng ta cứ cho Trời đi luôn cái đã rồi mới nói chuyện NGÀY được.
Ta nói HƠRY của Célèbes đi liền sau HORƠY của Chàm Ninh Thuận. Nhưng từ HƠRY đến BLƠNY của Bà Na thì chúng tôi thiếu mất một khoen là khoen HƠNY mà trong xâu chuỗi CÁI LỢI của V.N thì có:

Nam Dương:

Lơny

Giarai:

Lơni

Việt Nam:

Lợi

Nhưng mất một cái khoen, mà cái đà biến dạng đã được sự biến của LƠNY thành LƠI cho thấy, thì ta có thể cho xâu chuỗi tiếp tục được. Vả lại, ta còn tìm được cái khoen BLƠ, ngay trong Việt ngữ. Dưới trào nhà Nguyên (trào Trần của ta) một sứ giả Trung Hoa có phiên âm một mớ danh từ Việt Nam. Ta thấy rằng họ phiên âm đúng hết, thí dụ: CHẲNG LÀNH họ phiên âm thế nào mà Quan Thoại thì nghe na ná như CHẲNG LÀNH, nhưng các nhà nho ta đọc hai chữ phiên âm đó là CHƯƠNG LĨNH. Như vậy ta có thể dùng cái bản phiên âm đó được để biết danh từ TRỜI của ta dưới đời nhà Trần ra sao.
MẶT TRỜI được phiên âm là BỘT MẠT. Đây là sự lầm lẫn về cú pháp của một sứ giả có cú pháp là Thiên Diện, Nhân Diện, v.v. Sự thật thì phải là MẠT BỘT.
MẠT là MẶT, không có gì rắc rối cả. Bột thì hơi phiền. Cái chữ Nho BỘT ấy, Quan Thoại đọc là PÔ.
Sao ta lại nói MẶT PÔ? Không, ta không nói MẶT PÔ còn vị sứ giả ấy cũng đã chứng tỏ biết cách phiên âm đúng. Ông ta chỉ không đúng vì có một âm Việt không thể phiên âm đúng đó là BLƠ.
BLƠ là cái khoen mà Pháp gọi là Antérieur immédiat de BLƠNY.
(Cũng nên biết rằng ngay trong biểu phiên âm đó, danh từ MẶT TRĂNG cũng đã được phiên âm là PHÙ BỘT MẠT, tức MẠT PHÙ BỘT. Mạt là Mặt. Phù thì họ đã dùng để phiên âm lu bù tiếng Việt:
B’ Nam = Phù Nam
Blù = Phù = Trầu
Chăm Pu Lô = Chiêm Phù Lao (Cù lao Châm)
Mặt khác, các quyển sách Tây xưa cũng có ghi chép rằng danh từ TRĂNG của ta xưa là Bulăng.
Cái đời xưa đó, chỉ là thế kỉ 18. Nhưng nhà Nguyên lại cai trị vào thế kỉ 13, và có thể 500 năm trước khi nói Bulăng, ta nói khác hơn là Bublơn chẳng hạn.
BU được phiên âm là PHÙ, còn BLƠN cũng cứ là BỘT, chính vì không thể phiên âm BL được nên ở cả hai danh từ, kẻ ấy đều dùng danh từ PÔ để diễn tả BL).

Đại Hàn:

HANA, HANUL

Nam Dương:

HARI

Nhựt:

HARA

Nhựt:

HIRU

Chàm:

HRAY

Jêh:

HOERÒÉ

Chàm:

HRƠY

Célèbes:

HƠRY

Việt Nam đời Trần:

BUƠ

Bà Na:

BLƠNY

Rôglai:

HURƠI

V.N Trung cổ:

BLỜI

V.N hiện kim:

TRỜI

Các phụ chi Mạ:

TROK, TRỒ

Mạ:

TRÔ

Sự mọc đầu, mọc đuôi thình lình, đã có xảy ra thì chưa chắc đã thiếu một cái khoen giữa HƠRY và BLƠNY.
Ta bước sang NGÀY.
Danh từ NAL là NGÀY của Đại Hàn và Nar là NGÀY của Xi Tiêng, tuy khá giống nhau, nhưng cơ cấu lại khác hẳn.
NAL chỉ là sự co rút của HANA.
NAR lại là một cuộc chuyển mình lớn lao của HANA để biến sang HARI và NGÀY với các mảnh AR cuối, và mảnh N đầu.
Chúng ta đã thấy cứ bằng vào phương pháp lấy lửa thì người Xi Tiêng cổ sơ nhứt trong khối đồng bào Thượng. Thế thì họ là Trãi đồng hạng với Trãi Đại Hàn và chính họ đã chuyển bụng đẻ cho cái bào thai HANA đẻ ra một cặp song sinh chưa thành hình hằn: Ngày và Hari. NA báo hiệu Ngày, AR báo hiệu Hari.

Đại Hàn:

HAI

= Ngày

Hanul

= Vòm trời

Sơ Đăng:

HAI

= Ngày

HAI

= Vòm trời

Mạ và Xi Tiêng:

NAR

= Ngày

NAR

= Vòm trời

Đại Hàn:

NAL

= Ngày

Danh từ của Xi Tiêng rất quan trọng vì nó có mọc đầu N trước nhứt. Còn một mảnh của HARI trong âm AR.
Danh từ Chàm với âm AY cuối và Sơ Đăng với âm AI cuối cũng rất quan trọng.
Thế thì có sự đẻ chửa sau đây:

Sơ Đăng:

HAI

= Ngày

Xi Tiêng:

NAR

= Ngày

Lào:

NGÊ

= Ngày

Roglai:

TƠ NGÊ

= Ngày

Khả Lá Vàng:

T’NGAI

= Ngày

Cao Miên:

TH NGAY

= Ngày

Khả Tu:

TANGAAI

= Ngày

Jêh:

NGAI

= Ngày

Mạ:

NGAI

= Ngày

Kơ Yong:

NGAAI

= Ngày

Mường:

NGAI

= Ngày

Việt Nam:

NGÀY

= Ngày

Một danh từ độc nhất HANA, đẻ ra hai danh từ do một thủ phạm chửa hoang là Xi Tiêng khi họ mọc đầu N thành hình và mọc đuôi R giữ AR và chỉ cả hai thứ bằng danh từ lai căng N + AR.
Chính NAR là đầu đảng của mọi biến dạng khi các dân tộc chẻ hai Nar ra thành N và AR rồi tha hồ gắn đầu, gắn đuôi mới vào. Nhưng đó là sự bí mật của năm tháng u minh, rất khó mà biết thật chính xác.
Hana đẻ ra → N → Đẻ ra đám con Ngày
Hana đẻ ra → AR → Đẻ ra đám con ARI, HARI, HARA.
(Người Cil và người Duan có lẽ còn cổ sơ hơn cả người Xi Tiêng nữa, nhưng chúng tôi không biết ngôn ngữ của hai thứ người đó. Có lẽ cái khoen nối kết thiếu là ở đó).
Cũng nên biết rằng trong Đại Hàn ngữ HANA là ÔNG TRỜI. NAR của Xi Tiêng và của Mạ do đó mà ra. Và HANA là đầu đàn đã biến thành HARI tại Nam Dương rồi Nhựt mang nó từ Nam Dương lên Nhựt và biến thành HARA.
Nhưng quanh đi quẩn lại cũng chỉ có một danh từ độc nhất đã đẻ ra tất cả, mà cái danh từ đầu đàn đó có lẽ là HANA của Đại Hàn.
Đứa con bị giấu giếm là HARA của Nhựt, không ai biết là có, nhưng nó vẫn có. Và đọc Chương nầy rồi thì quý vị đã đọc quyển sử, không còn cho rằng chúng tôi nói bướng khi bảo rằng Nhựt ngữ có Hara = Trời.
Phải biết lịch sử của hai dân tộc độc quyền trong tôn giáo thờ Bà Trời là quý tộc Imbê và quý tộc Nakatomi mới biết có cái danh từ HARA không bao giờ được phép xuất hiện trong sách vở Nhựt Bổn. 
Nguồn: Bình Nguyên Lộc. Lột trần Việt ngữ. Nguồn Xưa xuất bản. Sài Gòn 1971. Bản điện tử do talawas thực hiện.

3/5/2007
Bình Nguyên Lộc
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thơ có cần thiết cho đời sống? 10 Tháng Ba, 2023 Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát nh...