Thứ Năm, 29 tháng 7, 2021

Phân tâm học áp dụng vào việc nghiên cứu các ngành học vấn

Phân tâm học áp dụng vào việc
nghiên cứu các ngành học vấn

I. Tư trào nhân văn của người Mỹ
Phân tâm học được phổ biến mạnh mẽ bên châu Mỹ. Tiếp xúc với tâm trạng dân tộc Tân Bán Cầu, Phân tâm học đã tìm những hướng đi khác với những hướng đi cố cựu để trả lời vào mục đích giáo hoá của dân tộc ấy. Người Mỹ bận tâm trước hết đến hiệu lực thực tiễn, đến cạnh khía phục vụ xã hội của một phát kiến về học thuật, chứ ít khi để tâm đến lý thuyết và suy luận trừu tượng.
Thần kinh bệnh học với chủ thuyết của Alexander tìm hứng trong Phân tâm học của Freud và tiến về một quan niệm linh động về phương pháp trị bệnh bằng Phân tâm học, ông dùng một phương pháp gọi là «phân tâm giản lược». Những Phân tâm học gia khác như Sullivan, Fromm, Hotney, hướng về mục tiêu xã hội hoá Phân tâm học. Đứng về phương diện văn hoá tổng quát để nhận định chúng ta chỉ tìm hiểu học thuyết của Sullivan, Fromm và Horney.
Erich Fromm
E. Fromm và Sullivan, đã đóng góp nhiều vào sự nghiên cứu Phân tâm học. Họ nhìn Phân tâm học dưới góc cạnh văn hoá và ảnh hưởng qua lại giữa con người và xã hội.
Fromm là một Phân tâm học gia có tư tưởng triết lý, ông nhấn mạnh vào những tiềm năng của con người bị dồn nén. Như vậy điểm chính yếu của phương pháp trị bệnh bằng Phân tâm học là tìm ra cái gì là chân thực của người bệnh. Chân tướng ấy bị xã hội làm thiên lệch đi, con người như chạy trốn mình mà đi vào những đường lối miễn cưỡng. Ông thầy trị bệnh đi sâu vào những khu vực tối tăm của tiềm thức họ, giúp họ tỉnh ngộ và trở lại chân tướng của mình, giúp họ biết đến những thái độ vô tâm kìm hãm tiềm năng, và giúp họ ý thức được những tiềm năng ấy.
Khoáng tương những quan điểm về Tuyệt đối thể học, ông nghiên cứu con người nói chung, con người sống trong xã hội. Theo ông thì trong thời kỳ thơ ấu nhiều người trải qua những kinh nghiệm đau thương, lớn lên họ trở thành những nét thô sơ của con người chính xác bị nhận chìm.
Khái niệm sống động
Khái niệm sống động chi phối nhỡn quan Phân tâm học của ông trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện tập thể.
Freud nhấn mạnh vào bản năng, con người thích ứng với xã hội là con người tiến triển bản năng, bản năng thăng hoa thành những đức tính trả lời vào đạo đức, văn hoá, văn học, tôn giáo v.v. Như vậy vai trò của xã hội là vai trò câu thúc, vai trò của một người cảnh sát lạnh lùng, nghiêm khắc đáng ghét.
Fromm có một cái nhìn mềm dẻo hơn, ông không nhấn mạnh vào bản năng, mà nhấn mạnh vào giáo dục. Con người thích ứng với xã hội vì ảnh hưởng của giáo dục và văn hóa hơn là vì sự tiến triển của bản năng.
Freud gán cho yếu tố sinh lý một vai trò quá quan trọng, sinh lý đóng vai trò quyết định. Con người bị giam hãm trong nhiều điều kiện sinh lý, điều kiện sinh lý một khi đã cấu thành thì mọi vấn đề tăng tiến con người đều xoay quanh việc thích ứng và thăng hoa bản năng.
Fromm chống lại quan điểm «tĩnh» về sự hình thành nhân tính như thế. Ông có một cái nhìn «sống động». Tương quan giữa con người và xã hội là một tương quan sống động chứ không phải bất động. Không có cái gì thành hình rồi giữ nguyên mọi nét mãi mãi. Xã hội và cá nhân nằm trên một tương quan qua lại. Xã hội uốn nắn con người và con người cũng uốn nắn xã hội. Yêu thương, hờn ghét, thống trị hay đầu hàng, tìm thú vui hay lo sợ trốn tránh, tất cả những tâm trạng đó đều là sản phẩm của xã hội, đều do xã hội tạo ra cho con người, con người bị đặt vào trong một tiến trình xã hội và chịu sự chi phối của tiến trình ấy. Tuy nhiên, tiến trình đó không phải một chiều, con người với ý chí và hành động của mình lại ảnh hưởng trở lại xã hội. Vừa là sản phẩm của lịch sử, con người vừa là chủ thể tạo tác và biến cải lịch sử.
Mối liên lạc giữa con người và xã hội là một mối liên lạc sống động. Dựa vào chủ lý ấy Fromm phân tách tiến trình diễn biến của lịch sử. Từ thuở bình minh con người thích ứng một cách mù quáng với thiên nhiên cay nghiệt và vô tình đến lúc lập thành đoàn thể có tổ chức và tìm được sự yên ổn. Thoát khỏi phần nào những kiềm toả của mãnh lực thiên nhiên con người được tương đối yên ổn. Con người phát triển những tương quan với đồng loại, dần dần những tương quan ấy lớn mạnh lấn át con người, con người lệ thuộc vào chúng thậm chí mất cả ý thức về tiềm năng và giá trị chân xác của nhân cách. Trong tình trạng ấy con người tự vấn tâm, ý thức được bản thân, được những gông cùm trói buộc mình, được tình trạng người bóc lột người.
Ý thức được cảnh ngộ mình nhờ sự khai triển trí thông minh hiểu biết, con người ý thức được tự do; nhưng bánh xe xã hội đã quay đi không hề quay trở lại, họ không thể lui về đời sống ban sơ, họ phải đối phó với thực trạng, họ phải giải quyết những vấn đề đặt ra mà tìm lối thoát.
Ông lấy thí dụ lịch sử phát triển xã hội Âu châu, từ thời Trung cổ đến ngày nay. Ngày xưa con người dù là nông dân, thợ thuyền hay quý tộc cũng không đáng kể là một cá nhân, họ chỉ là một bộ phận trong guồng máy xã hội với những ước lệ và thành kiến liên hệ đến bộ phận ấy tạo cho đời sống một ý nghĩa nhất định rõ rệt nhưng hạn hẹp. Đến thời kỳ Phục Hưng những trào lưu tư tưởng kinh tế, chính trị, tôn giáo, văn hoá mới biến đổi bộ mặt xã hội, những khuynh đảo lớn gây ra vì cuộc tranh chấp quyền lợi và quyền hành đã làm cho con người mất cả sự sống yên ổn. Con người trở thành một công cụ ở trong tay những người hoạt động mưu đồ địa vị và giàu có. Con người được hưởng chút tự do nhưng cũng cảm thấy mình lạc lõng bơ vơ, tâm trạng đặc biệt của họ là tâm trạng khắc khoải.
Tâm trạng con người bấy giờ là tâm trạng bị giày vò bởi hai khuynh hướng trái nghịch: Nhu cầu tự do và cảm tưởng cô đơn, sự kiện ấy tồn tại cho đến khi xuất hiện chế độ tư bản. Tâm trạng con người biến đổi ra một sắc thái mới: Sự phục tùng một ông trời mới, ông trời tiền của. Họ thờ phụng ông trời tiền của và tìm được cảm hứng để làm việc, nỗ lực làm việc: đó là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự tiến hoá của chế độ tư bản. Con người tạm quên được sự khắc khoải để tìm thú vui trong sự thoả mãn vật chất: Kiếm tiền và hưởng thụ.
Chế độ tư bản mở lối cho con người thoát khỏi những trói buộc của xã hội Trung cổ, quyền hành độc đoán của nhà vua, của quý tộc, của nhà thờ, phong hoá kỷ cương gò bó hẹp hòi; con người phát triển được nhân tính, có ý thức phê bình và ý thức trách nhiệm, nhưng đồng thời họ cũng cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết.
Con người ngày nay bị dồn vào một thế nguy nan và cấp thiết: một là quay lưng vào đời sống để giữ lấy tự do và phải trả giá bằng sự cô đơn, hai là dẹp bỏ khát vọng tự do độc lập để hoà mình với mọi người.
Fromm đặt vấn đề then chốt của thảm kịch làm người.
Tâm trạng trốn tránh
Thảm kịch làm người là như vậy, cho nên thái độ chính yếu của con người trước cuộc sống là thái độ trốn tránh sự thực hiện con người chính xác, đời sống chính xác. Tâm trạng của chứng lý con người thời đại là tâm trạng trốn tránh. Đứng về phương diện Phân Tâm Học để nhận định ông tìm nguồn gốc của nó ở những bản năng nguyên thuỷ. Tình trạng xã hội tác động như một môi trường to rộng và toàn diện phát triển những bản năng đó đến mức đáng lo ngại.
Ta biết rằng, trong tiến trình phát triển bản năng từ thời kỳ sơ sinh đến thời kỳ dậy thì, bản năng hành hạ (sadisme) và tự hành hạ (masovhisme) xuất hiện từ giai đoạn tiên sơ, khởi sự từ tháng thứ Bẩy [1].
Tâm trạng con người thời đại là tâm trạng trốn tránh, một trong hai bản năng trên đây được nẩy nở tận độ tuỳ theo người ta trốn tránh bằng cách nào, bằng cách đầu hàng xã hội hay bằng cách thống trị xã hội. Con người dồn vào tâm trạng đáng buồn ấy chỉ có hai ngả ấy để trốn tránh sự thực hiện cá nhân chính xác của mình.
Bản năng tự hành hạ dẫn họ tới những cảm giác tự ty, cảm giác bất lực, cảm giác thấp hèn. Hình như họ bị ám ảnh bởi những mãnh lực vô hình khiến cho ý nghĩa cuối cùng hành động cử chỉ của họ là để vuốt ve mơn trớn thái độ tiêu cực trước cuộc đời đó. Họ hành hạ bản thân, họ tỏ vẻ yếu ớt không làm chủ được tình thế, họi phóng đại những đau khổ bất lực của mình, nhưng thực ra vị tất họ đã yếu ớt như họ tưởng. Họ nhu nhược, thường để hoàn cảnh lôi đi, họ không thể nào tự chủ được, họ như kẻ ra trận chưa đánh đã hàng.
Còn có hình thức tự hành hạ hướng sự chỉ trích sự trách phạt vào chính mình. Có người tự trách phạt hăng hái đến nỗi chính kẻ thù họ cũng khó lòng tưởng tượng được.
Trong trường hợp thần kinh suy yếu, họ như người tìm đến bệnh, chờ đợi bệnh, tưởng tượng ra tai nạn rồi có những hành động bất nhất vụng về rối trí đến nỗi tai nạn xẩy ra thật. Có những người học sinh đứng trước mặt giám khảo không sao trả lời được, ý không thể phát ra thành lời. Có những người hay gây ra sự hiềm khích mà thực ra họ sợ và cố tránh những sự hiềm khích như vậy.
Trái với số người trên, số người thiên về bản năng hành hạ người khác có thái độ khác hẳn. Số người này có 3 loại. Loại thứ nhất lấy quyền lực chế ngự kẻ khác. Loại thứ hai lợi dụng người khác, rút tỉa lợi lộc cho mình. Loại thứ ba thích làm cho người khác đau khổ và tìm thích thú tong sự thưởng thức người khác bị hành hạ như thế. Khí giới của họ là bỉ báng, sỉ nhục, gây tai hoạ bằng mưu mô thâm hiểm. Điều đáng để ý là bao giờ những loại người ấy cũng tìm được cách biện minh cho hành động của mình: họ bắt buộc người khác tuân theo họ vì muốn đưa người khác vào đường hay lẽ phải, họ hưởng lợi lộc của người khác vì đã tận tâm làm ích lợi cho người khác, họ hành hạ người khác vì họ đã bị xã hội tàn nhẫn bất công với họ, họ phải báo thù, họ hại người là để đề phòng người hại họ, họ chỉ có hành động trước mà thôi. Họ thoả mãn với những lý luận càn dỡ như vậy.
Tư tưởng của Fromm nhuốm mầu sắc triết lý nhân sinh và nhuốm vẻ bi quan, ông chỉ nhìn một khía của đời sống và hầu như không biết đến những khuynh hướng nồng ấm, vị tha, thương mến, không kém phần quan trọng trong đời sống. Cuốn sách chính của ông luận đến tư tưởng ấy là cuốn ESCAPE PRPOM FREEDOM (1941).
H. S. Sullivan
Sullivan là một nhà thần kinh bệnh học. Ông chú trọng đến việc nghiên cứu mối tương hệ giữa cá nhân và người thân thuộc xa gần, giữa cá nhân và tập thể để tìm ra đầu mối những thiên lệch tâm tính.
Theo ông thì trong đời sống, con người được dẫn dắt bởi hai mục tiêu chính yếu và khẩn thiết: thoả mãn bản năng và tìm yên ổn. Mục tiêu thứ nhất bị chi phối bởi những điều kiện sinh lý, mục tiêu thứ hai bởi điều kiện xã hội.
Ông là một lý thuyết Phân tâm học gia chỉ dựa vào kinh nghiệm để lập thuyết. Quả vậy, ông chỉ bận tâm mô tả và suy diễn những sự kiện mình nhận thấy. Ông phân tách mối tương hệ giữa con người và những người khác, và căn cứ vào đấy để chứng minh tầm quan trọng của sự giáo dục và gương mẫu của người lớn đối với sự phát triển nhân cách của đứa trẻ. Những nguyên nhân ấy cũng là nguyên nhân các bệnh thần kinh, các trường hợp suy nhược thần kinh.
Văn hoá giáo dục thể hiện qua thái độ và cách đối xử của cha mẹ tác động đến sự cấu tạo nhân tính của đứa trẻ ngay từ lúc sơ sinh. Cả những người thân thích ở quanh mình đứa bé cũng có ảnh hưởng đến nó.
Sullivan dùng khái niệm empathie, tương đương với khái niệm phóng nhập (introjection của Freud) và khai niệm đồng nhất hoá của Âu châu, để chỉ khuynh hướng của đứa trẻ tiếp thu những yếu tố ở ngoài rồi khuôn xếp thái độ cho hợp với những yếu tố ấy. Trước khi biết nói, trước khi biết phân biệt cái «tôi» của mình với ngoại giới, nó đã phóng nhập những thái độ của người xung quanh, nhất là của người mẹ. Những thái độ khắc khoải, giận dữ, chê bai v.v. làm cho đứa trẻ mất thư thái. Lớn lên đứa trẻ thấm nhuần những thói tục, kỷ cương, tập quán, tác phong của cha mẹ và thầy học. Sự khen ngợi và tán thành của họ làm nó vui vẻ, yên ổn; trái lại sự chê bai, trách mắng làm nó khắc khoải, bất an.
Đứa trẻ lớn khôn dần, nó thay đổi thái độ luôn. Khi nó biết rằng một thái độ nào đó bị người ta trách mắng, nó phải từ bỏ; nhưng sự trách phạt và cấm đoán làm phát sinh cho nó cảm tưởng khắc khoải. Khắc khoải là một yếu tố quan trọng trong sự cấu tạo nhân tính, nhưng còn tác động theo một chiều không thuận lợi và cản trở sự thâu thái kiến thức.
Sự chê trách của người lớn gây cho nó phản ứng tăng tiến những cách xử sự được người lớn khuyến khích.
Thái độ ứng thù của nó được cấu tạo phần thì bằng những yếu tố nó ý thức được, phần thì bằng những yếu tố nó không ý thức được, nhưng vẫn tác động một cách phi ý thức.
Tiềm thức của Sullivan là một khối những tiềm năng, một hệ thống tiềm năng phần lớn là những yếu tố sở đắc. Ảnh hưởng của giáo dục và văn hoá đã khuôn định phần lớn tiềm thức. Quan điểm của ông bất đồng với quan điểm của Fromm. Đối với Fromm thì tiềm thức là một khối tiềm năng có sẵn từ trước, có tính cách nguyên thuỷ, sau này có thể phát triển hoặc bị héo hắt.
Mối tương hệ giữa cá nhân và người khác không phải chỉ giới hạn trong những liên hệ với đối tượng thực sự, nó còn là mối liên hệ với đối tượng hư ảo, như đứa trẻ tưởng tượng ra một hình ảnh lý tưởng về cha mẹ hay chị em và lập những tương hệ với đối tượng hư ảo đó. Trong trường hợp ấy nó đồng nhất hoá mình với hình ảnh lệch lạc về cha mẹ, anh em. Ông đem lập trường của mình áp dụng vào phương pháp trị bệnh thần kinh bằng Phân tâm học. Ông làm cho con bệnh nhớ lại thời kỳ thơ ấu, và ý thức được rằng nó đã lập những mối tương hệ sơ khởi với những đối tượng không có thực. Sự sửa chữa nhắm vào chỗ sai lệch sơ khởi đó.
Ông mô tả tiến trình cấu tạo nhân tính của đứa trẻ từ bé tới lớn như sau:
Giai đoạn thứ nhất từ lúc sơ sinh đến lúc bập bẹ biết nói, ảnh hưởng của cha mẹ quan trọng hơn hết.
Giai đoạn thứ hai từ lúc bập bẹ biết nói đến lúc đứa trẻ biết chơi với trẻ con khác, giáo dục và văn hoá in hình sâu xa vào tính tình của nó. Những đòi hỏi của nó đối chọi với sự dạy dỗ của cha mẹ.
Kế theo là giai đoạn hiểu biết, nó bỏ những đòi hỏi theo sở thích riêng và có ý thức về sự liên đới, sự thoả hiệp với đoàn thể. Rồi nó ý thức được một tập thể rộng lớn hơn tập thể gia đình, tập thể rộng lớn có những tương quan khác với tương quan gia đình.
Giai đoạn từ 8 đến 12 tuổi, trọng tâm ý thức của nó hướng vào những tương quan ở ngoài gia đình, do đó mà triển khai tình thân hữu với bạn bè, tình thân hữu chân xác, thành thực và vị tha. Khi nó ý thức được rằng người khác cũng là người có giá trị, có tầm quan trọng ngang với mình, nó mới biết tự kiểm soát để thể hiện những giá trị văn hoá xã hội. Những giá trị văn hoá xã hội đó sẽ in hình dứt khoát vào nhân tính của nó.
Sullivan, như ta thấy, lập thuyết trên sự quan sát và kinh nghiệm. Học thuyết của Freud chỉ chú trọng đến bản năng và sự thăng hoa của bản năng chứ không nói nhiều đến tương quan cá nhân xã hội và vai trò văn hoá xã hội trong sự cấu tạo nhân tính. Như vậy quan điểm của Sullivan bổ túc cho học thuyết của ông thầy. Quan điểm của Sullivan rất gần với quan điểm của các Phân tâm học gia Âu châu ngày nay như Lagache, Lacan, Hesnard.
Karen Horney
Horney cũng chú trọng đến ảnh hưởng văn hóa giáo dục, ông đi xa hơn Sullivan và muốn gán cho văn hoá giáo dục vai trò tất định trong sự cấu tạo nhân tính.
Con người tự mình không gây ra cho mình xung đột nội tâm – một quan điểm khó chấp nhận vì không thể giả thiết mỗi người sống riêng rẽ, không có văn hóa. Ở đâu, thời nào, loài người cũng sống thành xã hội. Nguyên do xung đột nội tâm, nguyên do sự suy nhược thần kinh phải tìm ở những yếu tố văn hóa của thời đại tác động đến con người. Đối với ông, sự suy nhược thần kinh gây ra vì hai nguyên nhân: sự phản ứng của con người không thích hợp với hoàn cảnh khách quan (người bình thường thích ứng với hoàn cảnh và trả lời đúng với sự yêu cầu của hoàn cảnh); có sự chênh lệch giữa tiềm năng thực sự của họ và hình thức thể hiện những tiềm năng ấy.
Horney cũng nhấn mạnh đến sự khắc khoải và nhu cầu yên ổn.
Sự khắc khoải là hậu quả của cuộc xung đột giữa cá nhân và những quan niệm của xã hội về phong hoá kỷ cương. Người suy nhược thần kinh tìm một phương thế thoả hiệp nhưng phương thế không thích hợp. Bình thường người ta ai cũng có một chút lo lắng trước việc đời nhưng đối với người suy nhược thì sự lo lắng ấy tăng gia cường độ kinh khủng thành một thứ khắc khoải mạnh mẽ chiếm cứ cả tâm hồn họ khiến cho lúc nào họ cũng cảm thấy bất an. Cái tôi của họ được lý tưởng hoá một cách quá đáng, một vài thói phép xã hội được hiểu một cách thiên lệch khiến cho họ lúc nào cũng sợ kẻ cười, người chê mình thô lậu, họ dễ bị động lòng vì một câu nói rất vô tư và tìm cách chống đỡ.
Sự khắc khoải đó xuất hiện thành những sai lệch về phương diện hoạt động sinh lý cũng như về phương diện tâm thần; một ước muốn, một tâm tình, một ý nghĩ làm họ xúc động khác thường; tâm hồn họ phải vận dụng những tác động tự vệ như: trốn tránh những biến cố gây ra khắc khoải, dè dặt thận trọng ý nghĩ và hành động một cách quá đáng, nhiều khi chặn đứng cả ý nghĩ lẫn hành động, tìm những phương thế hành động không thích hợp với thực tế, có những thái độ ưu uất, nhút nhát hay sai lệch đối với dục tình, uống thuốc an thần để bớt lo ngại v.v...
Thường thường người ta trốn tránh bằng bốn ngả: khao khát tình yêu và an ủi, mong muốn quyền hành, khuất phục người khác hay thuận theo thói tục, đoạt lấy một cuộc sống không lệ thuộc vào người khác.
Qua những hình thức xử kỷ tiếp vật của người suy nhược thần kinh trên đây, ta vẫn thấy họ bị thôi thúc bởi nhu cầu yên ổn, hậu quả của một tâm trạng khắc khoải quá đáng. Sự khắc khoải ấy là dấu hiệu một cuộc xung đột nội tâm mà ba khuynh hướng chính là: khuynh hướng tùng phục người khác vì không thể tự chủ được; khuynh hướng chống lại người khác, thấy ai cũng là kẻ thù. Xem như vậy thì người suy nhược thần kinh đã đem cái tôi lý tưởng hóa quá đáng hay cái tôi quá dễ kích động ra đối phó với những khó khăn của cuộc sống.
Lập thuyết về căn bệnh suy nhược thần kinh như vậy, phương pháp trị liệu của ông nhắm vào mục đích đánh tan những khuynh hướng suy tưởng và hành động thiên lệch như thế, trả lại cho người bệnh nhân tính chân xác của họ với những giá trị xã hội và nhân văn chính xác. Phương pháp trị liệu của ông ít chú trọng đến tàn tích của tuổi thơ ấu mà tìm nguyên nhân chính ở ảnh hưởng giáo hóa.
Tuy quan điểm của ông đi xa quan điểm của Freud, nhưng ông không ly gián hẳn. Ông chỉ cho rằng thăm dò quá khứ thơ ấu không đủ nếu người ta không kể đến cái hiện tại đang sống. Theo bác sĩ Hesnard thì phương pháp của ông tuy có kết quả nhưng kết quả không lâu bền.
Tóm lại tư trào nhân văn của người Mỹ nhủ trương một quan niệm Phân tâm học nhấn mạnh vào vai trò giáo hóa trong sự cấu tạo tính tình con người.
Đường lối của họ không còn biết đến tính chất phổ quát của học thuyết chính thống. Sự xã hội hoá Phân Tâm Học như vậy trả lời vào mục tiêu thực tế và khẩn thiết, nhưng không còn hy vọng khai mở những chân trời mới cho nhân loại học. Chúng ta sẽ trở lại bàn về điểm này trong mục «Phân Tâm Học và Xã hội học».
II. Phân tâm học và Ngôn ngữ học
Những khám phá của Freud về hoạt động của tiềm thức có tầm quan trọng đặc biệt đối với những công việc nghiên cứu ngôn ngữ về phương diện tâm lý; những khoa học như Ngôn ngữ học (linguistique), Ý nghĩa học (sémantique), văn phạm hay ngữ pháp (grammaire) đều tiến triển mạnh nhờ sự đóng góp của Phân tâm học.
Cách đây không bao lâu người ta đã có sự nhận xét như sau: ngôn ngữ là phương tiện chính yếu để ông thầy tìm hiểu con bệnh bằng phương pháp Phân tâm học, thế mà ngôn ngữ không được người ta dành cho một sự nghiên cứu thoả đáng. Ông thầy hầu như chỉ chú trọng đến ngữ vựng, nghĩa là từng tiếng rời rạc mà không chú trọng đến những cách thế mà mỗi người dùng để xếp đặt thành câu, tạo thành ý nghĩa, sử dụng đến ý niệm thời gian, tình cảm, giá trị v.v. Thực ra nếu không có những ý nghĩa đó thì lời nói chỉ là một cách góp nhặt từng tiếng lại rất thô lỗ.
Sự khuyết điểm ấy đã được bổ túc lần hồi, đến ngày nay thì ngôn ngữ là mối bận tâm chính yếu của các nhà Phân tâm học. Thậm chí có người cho rằng hoạt động của tiềm thức bị chi phối bởi những luật lệ ngôn ngữ thực sự – quan điểm ấy rất gần với quan điểm của nhà xã hội Levi-Strauss.
Nói một cách khái quát, ta có thể cho rằng Ngôn ngữ học là khoa nghiên cứu cơ cấu của những tiếng nói của loài người và những luật lệ của cơ cấu ấy; văn phạm hay ngữ pháp là tổng số những mẹo luật của tiếng nói; ngữ phạm là khoa nghiên cứu cách xếp đặt những chữ, chức vụ của từng chữ trong câu (syntaxe); Ý nghĩa học (sémantique) là khoa nghiên cứu ý nghĩa của câu nói.
Phân tâm học và ngữ phạm
Ngôn ngữ là cỗ xe chuyên chở tư tưởng; ngữ pháp và ngữ phạm đã được người ta nghiên cứu về phương diện tâm lý, nhưng những công việc nghiên cứu về trước không chú ý đến cá tính của người nói cũng như của người nghe trong một cuộc đàm thoại. Từ năm 1951, Francois Rostand, chịu ảnh hưởng của Freud, có ý kiến nghiên cứu ngôn ngữ như một phát hiện của tâm thức và tiềm thức trong sự cấu tạo cái tôi toàn diện và đường lối ứng thù của con người.
Bằng phương tiện ngôn ngữ người ta biểu lộ cách ứng thù ấy thế nào, họ dùng ngữ pháp, ngữ phạm và ý nghĩa câu nói cách nào để biểu lộ tâm tình của họ? Nhà Phân tâm học sẽ thất bại nếu họ chỉ cắt nghĩa ngôn ngữ, cũng như người nghiên cứu ngữ pháp sẽ thất bại nếu họ chỉ cắt nghĩa ngôn ngữ bằng những yếu tố luận lý và tâm lý. Ngôn ngữ là một phần của cái tôi toàn diện của con người, nó bộc lộ cái tôi qua những dấu hiệu bề ngoài; ngôn ngữ là một hình thức của đường lối ứng thù, tâm thức và tiềm thức đều dự phần vào một kế hoạch chung.
Một sự quan sát sơ quan cũng cho thấy một câu nói không phải chỉ có ý nghĩa ngoài mặt của nó, còn có ẩn ý, còn có ý nghĩa phụ, có khi còn phủ nhận ý nghĩa mà bề ngoài nó có, còn che đậy những ý nghĩa khác mà người ta không muốn nói ra v.v...
Đem một câu nói ra phân tích người ta còn thấy ý nghĩa mà nó muốn trình bày không phải là tổng số những ý nghĩa của từng chữ trong câu nói. Những chữ trong câu họp thành một hệ thống. Ý nghĩa là ý nghĩa của cả hệ thống. Ý nghĩa ấy lại phải uốn nắn vào khuôn khổ một hệ thống rộng lớn bao trùm nó là đoạn văn.
Nghiên cứu ngôn ngữ là nghiên cứu cơ cấu nội tại của ngôn ngữ. Cơ cấu nội tại ấy hàm chứa hai phần: phần ngôn là lời, là ý nghĩa mà ngữ chuyên chở, ngôn có hình thức thông điệp, thông cáo hay tin tức. Phần ngữ là những dấu hiệu như ám hiệu, quy phạm, quy tắc làm thành chữ, câu, đoạn. Nhìn một cách khác thì ngữ là một hệ thống dấu hiệu để tạo ra ý nghĩa. Ý nghĩa ấy không khít với hệ thống, nó cách hệ thống một bức tường. Ta có thể nhận thấy điều ấy khi ta có thể diễn tả một ý bằng nhiều cách khác nhau, nghĩa là ta dùng nhiều hệ thống dấu hiệu khác nhau.
Ta hỏi một câu, người đối thoại yên lặng, ta hiểu rằng cũng có một ý nghĩa nào đó trong sự yên lặng. Người đối thoại tránh những chữ có ý nghĩa rõ rệt mà dùng những chữ xa xôi, ví von; cách lựa chọn một giọng, một cách diễn ý bóng bẩy, tối tăm, bộc trực, cách nói lỡ lời, những chi tiết ấy là đầu mối để Phân tâm học tìm ra một ý định kín đáo hay một nét của tính tình.
Phân tâm học áp dụng vào ngữ pháp đã tìm ra những manh mối để dò xét nguồn gốc tiềm thức của sự cấu tạo ngữ pháp, ngữ phạm.
Thí dụ, trong trường hợp phủ định, người ta dùng «không». Chữ «không» đó không phải là tiềm thức tuyên bố «không». Cũng không phải là tâm thức «không» chấp nhận nội dung của tiềm thức, nhưng cái nội dung ấy diễn đạt ra bằng sự phủ định. Cái tôi phải «thụ lý» điều gì của tiềm thức đề nghị, nhưng nó tống khứ ra ngoài không cho là cái gì của nó.
Trong thời kỳ phát triển bản năng đứa trẻ nhờ kinh nghiệm mà biết được em nó nhỏ hơn nó, anh nó lớn hơn nó, nó có ý thức về quá khứ và tương lai. Sự kiện ấy phản ảnh vào ngôn ngữ và thể hiện bằng cách dùng thì quá khứ «tôi đã» và thì tương lai «tôi sẽ». Khi đứa trẻ biết tạm ngưng sự đòi hỏi một thời gian để đợi sự thoả mãn một thời gian sau nó biết diễn tả ý ấy bằng cách dùng chữ «bao giờ» hay «khi nào»: «Bao giờ mẹ về chợ ta sẽ có quà». Đứa trẻ có ý thức về bản thân nó, một cái gì tách biệt khỏi ngoại giới, trên phương diện ngôn ngữ ý thức ấy phát hiện ra bằng cách dùng những tính từ: của tôi, của anh, của nó [2].
Phân tâm học cũng tìm liên lạc giữa sự phát triển tâm tình với sự phát triển ngôn ngữ. Người ta cho rằng, đời sống của bản năng được «tinh thần hoá» lần hồi song song với sự hạn chế và xã hội hoá bản năng. Cái tôi trở nên sáng sủa ,ngữ phạm, ngữ pháp và cách tạo ý nghĩa của lời nói hội nhập vào tâm thần đứa trẻ thì đồng thời cũng xẩy ra những hiện tượng thoái lui của bản năng, đúng hơn, hiện tượng thoái lui những đòi hỏi mù quáng của bản năng.
Sự liên lạc giữa tiếng nói và hoạt động tiềm thức
Freud đã để ý đến sự kiện sau đây khi ông hành nghề: ngôn ngữ có liên lạc mật thiết với hoạt động tiềm thức. Thầy thuốc phải căn cứ vào lời nói của người loạn thần kinh để dò xét nguồn gốc tiềm thức của sự rối loạn tâm thần; ngôn từ của giấc mơ là ngôn từ của tiềm thức, nó dùng hình ảnh để cấu tạo một ý nghĩa nào đó theo phép tắc cơ cấu riêng của nó mà ta không hiểu. Ông thầy thuốc Phân tâm cũng phải dùng ngôn ngữ để tác động tới tiềm thức người bệnh.
Nhưng những người kế tiếp ông hầu như không chú trọng đến tầm quan trọng của ngôn ngữ đối với tiềm thức như ông thầy, phải đợi đến Lacan, ngôn ngữ mới được chú trọng đúng tầm mức.
Người ta dùng ngôn ngữ là hàm ý nói cho người khác nghe ý nghĩa tiên khởi của ngôn ngữ là như vậy, nếu có xẩy ra trường hợp nói chẳng ai nghe thì đó chỉ là ngoại lệ. Nói đến người nghe là nói đến một người khác. Vậy mà Người Khác là một khái niệm quan trọng xuất hiện trong người ta, hầu như nó là mốc để ta hướng vào đó mà hành động.
Sự có mặt của Người Khác trong người ta là một khám phá của Phân tâm học. Khái niệm Người Khác đó làm cho ta có ý thức về một thực thể khác là cái liên chủ quan tính (intersubjectivité) ở bên cạnh chủ quan tính trong mỗi người chúng ta. Chính khái niệm Người Khác đó làm xuất hiện ngôn ngữ. Chúng ta sẽ nói đến liên chủ quan tính trong mục Phân tâm học và Hiện tượng học.
Sự có mặt của người khác trong đáy sâu tâm thần và từ ngay lúc thơ ấu làm cho ta phải xét lại quan niệm về chức vụ then chốt của bộ máy tâm thần. Trước kia ta nói chức vụ ấy là tổng hợp nhân tính, mọi hoạt động tâm thần đều hướng về mục tiêu ấy, tâm thần chỉ biết có cái tôi mà thôi, ngoài ra không biết gì khác. Trung tâm hoạt động của nó là cái tôi. Bây giờ có mặt Người Khác thì cách lý luận như thế hầu như thiếu sót. Trung tâm hoạt động phải quan niệm là di chuyển từ cái tôi sang Người Khác và trở lại. Tâm thần phải nhắm vào hai đối tượng một lúc mới tạo ra được một hành động. Thí dụ ta ước muốn dục tình, trong ý muốn ấy bao hàm ý nghĩa có một Người Khác trong ta xuất hiện làm đối tượng cho ta ham muốn, nếu không có Người Khác đó thì không làm gì có ước muốn. Người khác đó trả lời vào sự ham muốn của ta, nghĩa là hiểu ý nghĩa ngôn ngữ của ta. Giấc mơ có ngôn ngữ của giấc mơ, chức vụ thoả mãn ước vọng của giấc mơ dùng ngôn ngữ ấy để hoạt động.
Tiềm thức có khả năng phối hợp những yếu tố rời rạc, khác tính chất, lập ra ngôn ngữ, tạo ra ý nghĩa. Tương quan giữa đứa trẻ và cha nó là một tương quan có thể diễn tả bằng khái niệm «kinh ái». Khái niệm ấy chỉ diễn tả một phần nhỏ của ngôn ngữ tiềm thức, của một tương quan biểu tượng mà tiềm thức đã phác hoạ ra. Trong tương quan biểu tượng ấy còn có ý nghĩa về quyền hành, về sự tùng phục, xuất hiện một cách cụ thể bằng ý thức pháp luật.
III. Phân tâm học và sư phạm khoa
Những khám phá quan trọng của Freud, thời kỳ thơ ấu với ảnh hưởng quyết định đến cuộc đời con người, làm cho các Phân tâm học gia chú trọng ngay từ lúc đầu đến việc giáo dục. Mối bận tâm của họ là tìm hiểu sâu xa tâm hồn trẻ em. Hướng về mục tiêu ấy, người ta cũng cần phân tích hoàn cảnh gia đình để biết rõ phản ứng của đứa trẻ.
Phân tích tâm trạng trẻ em
Freud và các môn đệ của ông đi tiền phong trong một tư trào, đã thay đổi hẳn quan niệm của thế kỷ này về vấn đề giáo dục, họ mở mắt cho nhà giáo dục và phụ huynh học sinh thấy tầm quan trọng của vấn đề sinh lý trẻ em. Từ đấy có rất nhiều sách viết về vấn đề giáo dục.
Hai món đệ của Freud là cô Anna Freud và cô Mélanie Klein đã có công làm sáng tỏ thêm vấn đề, họ cho biết có một vấn đề Phân tâm học trẻ em dị biệt với vấn đề Phân tâm học người lớn, phương pháp phân tâm cũng khác.
Anna Freud nhấn mạnh vào sự kiện trẻ em không phải là người lớn cỡ nhỏ hay người lớn thu hẹp lại; người lớn là người đã phát triển đầy đủ, còn trẻ em chỉ là người còn tiến triển dở dang, không đủ điều kiện để tự quyết.
Về phương diện nghề nghiệp cô có những phát kiến sau đây mà nếu ta biết qua chút ít ta cũng có thể nhờ đó mà hiểu thêm những cạnh khía khác của vấn đề giáo dục.
Ông thầy phải sửa soạn cách nào để gây thiện cảm với đứa trẻ. Phương pháp trị liệu chỉ có kết quả nếu nó thuận theo, nếu có sự ép buộc trái ý nó thì có khi phát sinh những biến chứng tai hại. Ông thầy khởi sự bằng cách gợi sự tín nhiệm của đứa trẻ, làm cho nó ý thức được những thống khổ của nó, khiến cho nó chấp nhận phép trị bệnh. Đứa trẻ thường có khuynh hướng thân yêu quá đáng một người vú nuôi hay một người trong gia đình không phải cha mẹ nó. Ông thầy phải phá bỏ sự thiên lệch tâm tính ấy, công việc khó khăn nhưng có thể làm được.
Trong thời gian trị bệnh ông thầy cần sự hợp tác của cha mẹ đứa trẻ.
Ông thầy cố gắng căn cứ vào những ký ức của đứa trẻ và những tài liệu của gia đình nó để lập lại quá khứ của nó nhiên hậu sẽ tìm ra nguyên do cấu tạo ra bệnh. Ký ức của đứa trẻ thường không đủ, ông thầy phải dùng cả đến phương pháp phân tích giấc mơ của nó.
Một sự kiện đáng để ý: giấc mơ trẻ em thường để lộ sự thất vọng vì không được cha mẹ yêu mến, vỗ về hay khen ngợi. Nó còn hay nằm mơ thấy người hùng, chiến công oanh liệt, vượt được mọi gian lao. Nó cũng nằm mơ thấy người ta đe doạ thiến.
Người ta cũng dùng đến những bức vẽ của trẻ em, đến cách xét nghiệm thái độ của nó khi cho nó nhiều đồ chơi đủ loại, thâu hẹp cả một vũ trụ lại trước mắt nó để ghi lấy phản ứng của nó và tìm cách suy diễn. Qua những phản ứng ấy nó sẽ biểu lộ những tiềm năng gây gổ, thương xót, thái độ đặc biệt của nó trước sự vật.
Người ta nghiệm ra bản tính của nó lệ thuộc vào người khác hơn bản tính người lớn, người lớn tỏ ra độc lập hơn. Nó chỉ tin tưởng người nó yêu mến, nó làm cái gì hay và tốt là chỉ làm cho một người nào nó yêu mến. Thực ra nếu ta để ý nhận xét mọi người quanh ta thì rất nhiều người không đạt tới mức sống độc lập, hình như họ chỉ là những đứa trẻ lớn tuổi, họ chỉ biết có người họ tin tưởng và dựa vào người ấy để theo, dù là quan niệm về nghệ thuật, về cách xử sự; dù suy xét phán đoán việc đời; quyết định một thái độ. Chính vì cạnh khía không trưởng thành của con người đó mà có một vấn đề tuyên truyền, mà có một vấn đề lợi dụng nhân tâm.
Nhiệm vụ của ông thầy quan trọng vì trong khi trị bệnh dù muốn dù không ông thầy cũng tác động như một người dạy dỗ, chỉ hướng và bảo vệ đứa trẻ.
Tiếp tục công việc của Freud, gần đây người ta đã tìm hiểu sâu rộng mối tương quan giữa cha mẹ và con cái. Mối tương quan đó có một tầm quan trọng lớn trong thời kỳ thơ ấu của đứa trẻ vì có ảnh hưởng quyết định đến cuộc đời của nó sau này. Đứa trẻ cần thân thiết với cha mẹ, vì đó không những là một nhu cầu tâm lý mà còn là một nhu cầu sinh lý.
Nhiều công việc nghiên cứu Phân tâm học giá trị đã chứng minh và xác định rõ sự thiếu thốn tình yêu của cha mẹ rất tai hại cho đứa trẻ. Sự thiếu thốn ấy có rất nhiều hình thức: hoặc là người mẹ bỏ liều con, vắng mặt luôn luôn hoặc là để người khác thay thế mình, người đó chểnh mảng với đứa trẻ.
Đứa trẻ không được qua giai đoạn huấn luyện sự yêu thương. Muốn trở nên người bình thường, có nhiệt tâm để thương yêu người khác, đứa trẻ phải nhận tình yêu của mẹ, tình yêu đó gợi cho nó thi vị cuộc đời đồng thời là kích thích tố làm phát triển trí khôn. Cả sự phát triển thể chất cũng liên hệ đến ảnh hưởng của tình yêu mẹ.
Để có những bằng chứng cụ thể chứng minh quan điểm ấy người ta thâu góp rất nhiều tài liệu về sự phát triển cơ thể, tâm thần, các giai đoạn tập lẫy (lật), bò, ngồi, lững chững tập đi; nhiều cuốn phim cho thấy những dấu hiệu chậm phát triển như đứa trẻ có phản ứng không hợp với tuổi mà ngưng trệ ở giai đoạn trước, hay thay vì những cử chỉ đúng tầm mức để di chuyển cử động, tay chân đứa trẻ như dại như ngây không phác hoạ nỗi những cử chỉ nhằm vào mục đích di động. Hình như nó diễn tả cái trống rỗng trong nội tâm nó bằng những máy động hỗn loạn. Ngoài ra còn phải kể đến những rối loạn về bộ máy tiêu hoá. Đó là những kết quả khảo sát của bác sĩ Spitz và bà bác sĩ Roudinesco.
Trái lại, những vuốt ve quá đáng những hành vi âu yếm quá nồng của người mẹ có thể làm cho cảm Trung quan của đứa trẻ phát triển sớm quá. Đó cũng là một điều tai hại. Lạm dụng vệ sinh, rửa ráy nhiều quá có thể kích động hậu môn là khu vực thụ cảm rất mạnh từ năm thứ hai. Cử chỉ vụng về của người mẹ khi âu yếm, bế ẵm, chăm sóc vệ sinh có thể vô tình kích động khu vực thụ cảm khi dục tình đã hình thành và quy tụ vào khu vực ấy.
Phân tích tâm trạng thiếu niên
Con người phải trải qua một giai đoạn phát triển rất khó khăn là thời kỳ dậy thì. Có một sự chênh lệch đáng e ngại giữa thể chất và tâm thần. Đứa trẻ lớn bồng lên trong một thời gian kỷ lục, vóc dáng nó trở thành người lớn nhưng tâm thần vẫn là con trẻ (có những trường hợp con gái 13 tuổi, chỉ trong vài tháng đã lớn nhanh chóng và có vóc dáng đàn bà). Một số người không chịu được cuộc thử thách ấy, đáng lẽ chỉ qua một thời kỳ thay đổi tâm tính thì họ phải suy nhược thần kinh, hay nặng hơn thế, họ rối loạn thần kinh. Từ khi Freud nêu lên vấn đề, người ta thấy cần phải lưu ý các nhà giáo dục và phụ huynh học sinh đến những khó khăn của thiếu niên khi phải qua giai đoạn dậy thì. Một sự can thiệp kịp thời của Tuyệt đối thể khoa và những phương pháp giáo dục thích hợp có thể cứu vãn được tình trạng.
Những trường hợp rối loạn như vậy liên lạc với những giai đoạn phát triển của quá khứ thơ ấu, bởi vậy cho nên chỉ có Tuyệt đối thể nghiệm tâm phân mới đủ thẩm quyền tìm ra manh mối.
Thời kỳ dậy thì với sự trưởng thành dục tình là một biến cố trọng đại trong đời sống, bởi vậy vấn đề đặt ra là làm thế nào hội nhập được sự trạng mới mẻ đó vào toàn thể những hoạt động khác. Vấn đề liên quan tới hoạt động thuộc các lãnh vực nghề nghiệp, tới khả năng đạt được cuộc sống độc lập, tự túc v.v. Thanh niên không được khuyến khích thành hôn nếu không đủ điều kiện làm cha làm chồng và sống tự lập tự túc.
Tuy nhiên, đối với nhiều người tuy đã trưởng thành về nhiều phương diện khác, như về thể chất, về trí khôn và khả năng kỹ thuật, nhưng vẫn chưa trưởng thành về dục tình. Còn một thiểu số trưởng thành về các phương diện khác nhưng dục tình không bao giờ trưởng thành cả, họ sẽ là đứa trẻ con suốt đời trên phương diện tình ái.
Trí thông minh thường không phát triển cùng nhịp điệu với sự phát triển xúc cảm và dục tình. Hai cơ năng hầu như tách dần riêng ra để hoạt động có hiệu quả. Nội bộ con người tăng trưởng, dòng suy tưởng cũng tiến triển, người ta lần hồi từ bỏ cách hành động theo tiêu chuẩn tìm khoan khoái mà theo tiêu chuẩn thực tế. Nhưng trí thông minh khai triển và cho biết những phép tắc kỷ cương của xã hội, văn hoá, bắt người ta chấp nhận những đối tượng yêu mến, thèm muốn khác trước, trí thông minh không tác động theo chiều hướng bản năng, con người phải thích ứng với cái thực tế do trí thông minh hoạch định. Bởi vậy một sự trắc nghiệm về sự thông minh không cho biết rõ về tình trạng trưởng thành của xúc cảm và dục tình. Con người có thể đầy đủ thông minh, thích ứng hiệu quả nhưng xúc cảm và dục tình không tăng trưởng đúng mức yêu cầu.
Áp dụng sư phạm
Phân tâm học áp dụng vào sư phạm khoa nhằm những mục tiêu nhất định mà Freud đã tóm lược như sau: ông thầy học biết những khám phá của Phân tâm học sẽ tỏ ra hiểu biết hơn đối với đứa trẻ đang qua những thời kỳ khó khăn nhất là vào tuổi dậy thì, họ sẽ không chấp nhất và quan trọng hóa những dấu hiệu thiên lệch tâm tính, hay «đốn mạt». Họ không tìm những hình phạt nghiêm khắc quá để dập tắt những bản năng ấy mà tìm cách lái vào những mục tiêu văn học, văn nghệ.
Theo kinh nghiệm của ông thì những biện pháp mạnh chưa bao giờ đàn áp được những bản năng ấy, mà cũng không diệt trừ được chúng; người ta chỉ tạo ra cho thiếu niên tình trạng dồn nén, mầm mống của những dự suy nhược thần kinh sau này. Quả vậy, Phân tâm học đã có nhiều dịp để biết rõ rằng một quan niệm giáo dục thiển cận và nghiêm khắc vô ích làm cho dễ phát sinh những trường hợp suy nhược thần kinh và còn bất lợi cho đứa trẻ về nhiều phương diện khác. Những bản năng dục tình phát triển mạnh mẽ và dồn dập đó, nếu không bị dồn nén ác hại, đàn áp thẳng tay, sẽ là những yếu tố quý giá và hiếm hoi góp phần vào sự cấu tạo tính tình; bản năng sẽ từ bỏ những mục tiêu nguyên thuỷ để thăng hoa, chúng sẽ hướng về những mục tiêu cao cả hơn. Hẳn là sự khẳng định này của Freud đã dựa vào những kinh nghiệm và chứng nghiệm cụ thể. Phân tâm học áp dụng vào giáo dục đã cho phép uốn nắn và biến cải những thiếu niên có khuynh hướng trắc nết, đốn mạt.
Nhờ sự phát triển và phổ biến của Phân tâm học, ngày nay học đường và trung tâm cải huấn không còn quan niệm sai lầm về những đứa trẻ khó dạy hay «trắc nết». Một phương pháp giáo huấn thích hợp có thể khai thác được những nguồn dục tình dồi dào, dồn dập như nước lũ mà những dấu hiệu trắc nết chỉ là hình thức nhất thời. Tuỳ ông thầy biết tìm đường lối và phương tiện thăng hoa cho bản năng mà nguồn tinh lực đó sẽ lái sang những mục tiêu mới hay dừng lại ở những hình thức sa đọa.
Tuy nhiên, sự áp dụng Phân tâm học không có gì là giản dị, bởi vậy nên có vấn đề mặt trái mề đay. Sự phổ biến Phân tâm học giúp ích cho ngành giáo dục nhưng cũng gây rối cho ngành giáo dục, vì có người đem áp dụng một cách ngu muội. Có người quan niệm một hệ thống giáo dục có ý nghĩa là «dưỡng nhi bất giáo», là buông trôi thả lỏng cho đứa trẻ cho đứa trẻ gặp sao hay vậy, muốn làm gì thì làm; họ phóng đại nguyên tắc kính trọng sự bộc phát của những tiềm năng thiên nhiên và xóa bỏ hết mọi kỷ luật, hết mọi kỷ cương luân lý. Thật là một cách trở về với hỗn loạn có phương pháp và nghệ thuật. Họ đã lầm lộn dấu hiệu dao động vì tiến triển bản năng phi xã hội tính ở đứa trẻ – bản năng égocentrisme – narcissique, phát hiện từ tháng bảy tuổi thơ ấu, đứa trẻ chỉ biết có mình, chỉ hướng về mình. Thực ra giáo dục, nếu hiểu theo nghĩa rộng, phải tác động theo chiều hướng di chuyển, đảo lộn và thăng hoa những mục tiêu nguyên thuỷ của bản năng chứ không phải buông cương thả lỏng như mấy nhà giáo giầu tưởng tượng muốn làm Phân tâm học gia một cách miễn cưỡng. Một nhà giáo dục muốn áp dụng Phân tâm học phải là Phân tâm học gia giầu kinh nghiệm kiêm sư phạm gia thận trọng.
Nền giáo dục cổ truyền tuy có nhiều khuyết điểm nhưng đặt trên một nền tảng quan trọng là thừa nhận ảnh hưởng giáo hoá của xã hội. Ảnh hưởng giáo hoá của xã hội là một nguyên tắc lớn mà bao giờ cũng cần tôn trọng. Giáo dục phải là một kỷ luật, nhưng kỷ luật được tự do chấp nhận và phải có kiểm soát. Điều răn dạy không có hình thức tự do khước từ, sự cấm đoán nghiêm ngặt sẽ thay thế bằng những chỉ thị có giải thích mà minh thị tính cách cần thiết để học sinh ý thức được ý nghĩa việc mình làm.
Phân tâm học không hề chủ trương buông cương thả lỏng sự dạy dỗ con em. Chủ trương sự hiểu biết của nhà giáo dục thay vì sự độc đoán, sự câu thúc là một hình thức khuôn phép chứ không phải hình thức buông cương thả lỏng.
Từ sau cuộc Thế chiến thứ Hai, một hiện tượng thanh thiếu nhi du đãng đáng lo ngại đã xuất hiện tại nhiều thành phố đông dân cư trên thế giới (teddy-boys; blousons noirs, đảng sọ người, đảng rằn ri, v.v.) Thanh thiếu niên du đãng qua sự xét nghiệm Phân tâm học đều là những đứa trẻ bị giáo dục gia đình chểnh mảng, cha mẹ không biết đến nhu cầu của con. Người ta còn khám phá ra rằng đứa bé đã trải qua những thảm kịch nội tâm vào thời kỳ dậy thì, thiếu tình thương yêu của cha mẹ, tính tình nó phát triển theo chiều hướng củng cố của tính gây gổ, phá phách hung bạo. Còn phải kể đến sự đua đòi, sự bắt chước. Những đứa cầm đầu thường là những đứa thủ đoạn và can đảm liều lĩnh, bởi vậy trẻ khác đồng nhất hoá mình với nó thậm chí chịu tùng phục nó như nô lệ. Đứa trẻ phát triển những khuynh hướng gây gổ và hung bạo. Bình thường uy tín của người cha cản trở không cho những khuynh hướng ấy nẩy nở.
Sau hết phải kể đến ảnh hưởng của sách báo, nhất là màn ảnh sân khấu, đầy rẫy những chuyện bỉ ổi, thương luân bại tục. Trước con mắt tò mò của thiếu nhi diễn ra đủ mọi hình thức quyến rũ của tội lỗi. Sự hung bạo tàn ác thể hiện ra người anh hùng chúa đảng cướp, thông minh, tài tử, bắn súng cưỡi ngựa một cây! Hoặc người thám tử tài tử xuất quỷ nhập thần! Những chiến công và thành tích đều tô điểm thêm một mầu sắc ái tình, người đẹp là mục đích và phần thưởng tối hậu của cuộc phiêu lưu hay là vị hung thần mà hiệp khách giang hồ ra tay diệt trừ. Điều đó không quan trọng, trên màn ảnh chỉ đáng kể là những bộ phận mỹ miều của phụ nữ và những hành vi có ý vị dâm ô cao độ.
Mấy năm gần đây có rất nhiều sách viết về tâm trạng bình thường hay bệnh hoạn của trẻ em. Phương pháp giáo dục cũng có sự thay đổi vì ảnh hưởng của những công việc nghiên cứu ấy. Điểm khó khăn là việc áp dụng Phân tâm học rất tế nhị, phần vì Phân tâm học luôn luôn tiến triển và bổ túc những quan điểm cũ, phần vì người ta chỉ biết học thuyết của Freud một cách sơ sài, áp dụng có thể vụng về. Bởi vậy cho nên tương lai hy vọng rằng nhà giáo dục cũng kiêm một Phân tâm học gia, nếu không thể được thì nhà giáo dục nên hỏi ý kiến một Phân tâm học gia mỗi khi cần giải quyết một vấn đề liên quan đến môn học ấy. Cần có sự phối hợp cụ thể những hoạt động của khoa sư phạm và khoa tâm lý học trong một trung tâm nghiên cứu những phương pháp giáo khoa thích hợp với những hiểu biết hiện đại.
Giáo dục sinh lý
Tuy rằng ngày nay ai cũng hiểu rõ tầm quan trọng và sự cần thiết của sự giáo dục sinh lý, nhưng vấn đề hết sức tế nhị. Phải thực hiện sự giáo dục sinh lý dưới hình thức nào, nhà trường hay gia đình nhận lấy trách nhiệm ấy? Ý kiến mỗi người mỗi khác. Đại diện giáo giới ở Pháp muốn để trách nhiệm cho phụ huynh học sinh, họ cho rằng cha mẹ ở một vị trí thuận tiện hơn để việc làm có hiệu quả. Nước Đức và nước Anh muốn giao phó trách nhiệm ấy cho nhà trường.
Theo quan điểm của bác sĩ Berge thì nên phân biệt vấn đề thoả mãn hiếu kỳ của đứa trẻ và vấn đề giáo hoá thanh thiếu niên về phương diện dục tình, giảng dạy cho chúng biết lấy lý trí và cương quyết mà chế ngự bản năng. Sự giáo hoá vừa có mục đích giúp cho bản năng dục tình tiến triển một cách bình thường đến mức độ sung mãn, mặt khác uốn nắn bản năng vào kỷ cương luân thường. Trên giấy tờ hay trong những cuộc thảo luận, vấn đề đã đặt ra một cách giản dị và rõ ràng như thế, nhưng khi thực hành mới gặp khó khăn, không phải cha mẹ hay ông thầy nào cũng có khả năng để đảm nhiệm giáo huấn.
Trẻ con thường có thái độ hiếu kỳ trước những vấn đề tình ái, nhưng ta phải hiểu sự hiếu kỳ ấy không có ý nghĩa là đứa trẻ có ý thức về tình dục. Sự hiếu kỳ đó cũng chỉ là một thành phần của thái độ chung, đứa trẻ muốn hiểu biết mọi sự vật quanh mình nó. Cha mẹ thường bối rối, trả lời sự thắc mắc của đứa bé bằng những câu như «Em bé nằm ở trong cái hoa sen má lấy về». Nếu không chịu thoả mãn với lời giải thích ấy thì những câu nói kế tiếp của bà mẹ phần nhiều là mắng át đi cho êm chuyện. Thái độ ấy làm cho sự hiếu kỳ của đứa trẻ sẽ kèm theo một cảm tưởng bị mắng tác động theo chiều dồn nén. Sự dồn nén đó còn mãi cho đến lúc khôn lớn, nếu là đứa trẻ yếu ớt thần kinh thì hậu quả rất tai hại. Lớn lên nó ngờ nghệch với tình ái, và chỉ có sự ngờ nghệch ấy để xây dựng hạnh phúc gia đình! Có lẽ số người ngờ nghệch về sinh lý như thế cũng không ít, nhất là ở chốn thôn quê; ở thành thị thì trường học và những nhóm quần tụ thanh thiếu niên đóng vai trò phổ biến sự chỉ dẫn sinh lý một cách mặc nhiên. Thanh thiếu niên học hỏi bạn bè để biết về sinh lý với tất cả sự may rủi của một thói tục đã thành hình ngoài tầm ý thức của người ta.
Như vậy, giáo dục sinh lý là một vấn đề chỉ dẫn, chỉ dẫn đơn sơ và chỉ dẫn khoa học, tương tự như việc giảng dạy tự nhiên học. Nhưng chúng tôi nhận thấy rằng nhận định dưới nhỡn quan y học chưa đủ, một cách nhìn hợp lý hợp tình nên thận trọng hơn, nên hội ý với các đại diện tôn giáo, các nhóm phụ huynh học sinh, các đại diện văn hóa, v.v...
Riêng chúng tôi có nhận xét sau đây: Theo sự hiểu biết của riêng tôi thì ngày xưa theo Nho phong không phải là ông cha ta không đặt vấn đề giáo dục sinh lý. Ở thế hệ tôi, nghĩa là cách đây độ 50 năm, một ông chú, ông bác giảng dạy cho cháu về việc sinh lý một cách kín đáo, thường chỉ chú trọng đến phương diện vệ sinh, chừng mực điều độ. Trách nhiệm giảng dạy cho cô dâu về phần chính là mẹ hay người thân thích bằng vai với mẹ, và chỉ đề cập đến khi gần ngày vu quy. Vấn đề giản dị hóa đến mức tối thiểu không còn phù hợp với tình trạng ngày nay, cuộc sống quần tụ đông đảo hơn và nhiều yếu tố xã hội khích động đứa trẻ mãnh liệt khác trước.
Chú thích:
[1] Coi lại tiết mục “Phát triển bản năng”, Phân tâm học toát yếu.
[2] Trong tiếng nói của ta, ý thức về các thì rất nghèo nàn, ta chỉ có cách ghép thêm chữ đã và chữ sẽ vào động từ độc âm, trái với tiếng Tây phương, việc sử dụng các thì rất tế nhị. Ta không có ý thức mạnh mẽ về sự sở hữu, ta chỉ nói của anh của tôi, chứ ý thức sở hữu không xuất hiện một cách cụ thể như trong quan niệm về adjectif possessif và pronom possessif như của Tây phương. Những sự kiến ấy, theo Phân tâm học, liên lạc đến sự tiến triển bản năng và cấu tạo nhân tính. Có nên nghi ngờ rằng sự kém ý thức về thời gian và sở hữu có liên lạc với tính tình người Đông phương sống hoà mình với thiên nhiên, không tách biệt cái tôi với ngoại giới một cách tàn bạo chăng? Sự kiện ấy có chi phối nền học thuật triết lý chăng? Đó là công việc tìm hiểu cần sự tham gia của nhiều ngành học vấn mà Phân tâm học là một.

IV. Phân tâm học và Xã hội học
Học thuyết của Freud được các nhà Xã hội học chú ý, họ muốn rút ra những điểm có thể dùng vào việc nghiên cứu Nhân chủng học và Xã hội học. Họ bắt đầu chỉ trích cái nhìn chật hẹp của Freud. Ông thầy không có một cái nhìn sâu rộng về các hiện tượng xã hội. Xã hội đối với ông chỉ là mấy đoàn thể chính trị, kinh tế, nghề nghiệp, tôn giáo. Sự phân tích của ông không cho thấy những tương quan đa tạp, đa diện giữa cá nhân và xã hội.
Điểm thứ hai họ chỉ trích là Freud chấp nhận vai trò quyết định của những yếu tố sinh lý. Đối với ông, bộ máy tâm thần chỉ là kích động, bản năng dục tình, khuynh hướng thăng hoa bản năng trong đời sống tinh thần, tôn giáo, văn học v.v. Đời sống xã hội chỉ là dồn nén bản năng và hạn chế sự thoả mãn bản năng.
Điểm thứ ba họ chỉ trích là thuyết của Freud cho rằng tuổi thơ ấu của đứa trẻ trong 5 năm đầu sẽ quyết định cả đời sống của con người, người ta bị chi phối bởi một quá khứ xa xôi mà không có cách gì cưỡng lại. Như vậy là Freud thừa nhận vai trò quyết định của gia đình trong sự cấu tạo nhân tính. Nhưng ngày nay sự nghiên cứu những đoàn thể học sinh và công nhân cho biết rằng hoàn cảnh sinh sống ở ngoài gia đình cũng làm phát sinh nhiều xung đột nội tâm, nhiều xúc động mãnh liệt in hình sâu xa vào tính tình, không khác gì những hiện tượng xẩy ra hồi thơ ấu. Ngày nay trong các xã hội tân tiến, đời sống lao động bấp bênh, sự cạnh tranh ác liệt và tàn nhẫn, những tước đoạt gây nên vì một chế độ xã hội bất công, hoàn cảnh ấy đã gây cho nhiều người những xung đột nội tâm không dính dáng gì đến những thảm kịch tâm tình trong thời thơ ấu.
Nếu tin tưởng Freud, nếu tin rằng những mặc cảm gây ra khi còn thơ ấu có tính cách cố định thì người ta tự cấm đoán mọi ý muốn nghiên cứu ảnh hưởng xã hội đến gốc rễ thâm sâu của tính tình con người, đứng về phương diện học thuật thì người ta bỏ mất ý hướng bắt liên lạc giữa Phân tâm học và Xã hội học.
Khuynh hướng xã hội hoá Phân tâm học của người Mỹ
Luận điệu chỉ trích trên đây không hề lay chuyển nền móng lý thuyết của Freud, vì thực ra ông không hề gạt bỏ yếu tố xã hội trong quan niệm của ông, trái lại ông đã nói đến tính chất xã hội nguyên thuỷ, tiềm tàng trong thâm sâu con người. Nếu trong những tác phẩm của ông ý kiến ấy không được khoáng triển thì đó không phải là lỗi lầm, khuyết điểm, mà chỉ là khai triển không đúng mức mà thôi.
Học thuyết của Fromm, Sullivan, Horney muốn trả lời vào mục tiêu giáo hoá, cho nên đã tìm những hướng đi khác, trả lời vào nhu cầu phục vụ xã hội, hiệu lực thực tiễn. Họ bỏ những hướng đi cố cựu của Âu châu. Đó là tư trào nhân văn của người Mỹ, một quan niệm xã hội hóa Phân tâm học.
Cả hai phe, phe chỉ trích cay nghiệt, và phe mặc nhiên tìm lấy hướng đi khác, đều đồng ý với nhau về sự «thiếu nở nang» khía cạnh xã hội của vấn đề Phân tâm học. Họ cố gắng thuyết minh những điểm mà Freud còn để mơ hồ hay không có một ý thức chuẩn xác để triển khai. Như vậy ta có nên cho rằng tư trào nhân văn của người Mỹ là đại diện cho một chiều hướng tiến triển Phân tâm học tiến bộ hoàn hảo chăng? Tư trào nhân văn có một khuyết điểm lớn là không biết tính chất phổ quát của học thuyết Freud. Chân lý mà ông tìm ra là những sự thật cuối cùng bao trùm cả địa hạt Nhân loại học (anth-ropologie) chứ không phải có giá trị trong địa hạt Phân tâm học mà thôi. Hiểu như vậy thì một môn đệ muốn được là người nối chí của thầy không thể giới hạn sự học của mình trong việc áp dụng một khía cạnh của học thuyết vào sự tìm hiểu xã hội, mà còn phải hướng trở lên để tìm những chân lý trả lời vào Nhân loại học. Những người theo khuynh hướng chính thống của ông thầy không hề loại bỏ mối bận tâm xa xôi ấy, họ bận tâm đào bới sâu rộng tâm thần xem sự nẩy nở ý thức về người khác, về đồng loại, xuất hiện từ bao giờ, từ giai đoạn cấu tạo tâm tính nào. Họ tìm hiểu xã hội tính của con người từ ngọn nguồn sâu xa bí ẩn nhất. Cũng bởi có tham vọng như vậy cho nên họ tránh được sự thiên lệch mà bận tâm xã hội hoá Phân tâm học đã gây ra cho các học giả Mỹ châu.
Xã hội hóa Phân tâm học, hay đúng hơn, xã hội hóa Freud là thế nào?
Về phương diện trị bệnh, liên lạc giữa ông thầy phân tâm và con bệnh cũng có một khía cạnh xã hội, nghĩa là có một vấn đề liên lạc giữa hai cá tính. Vấn đề này đối với Jung có tầm quan trọng đặc biệt, và ông đã cho biết quan điểm của ông: ông thầy phải giải thoát nhân tính của người bệnh khỏi những áp lực tưởng tượng và để họ khai triển cái nhân tính thanh thoát ấy, chứ không phải đem nhân tính của mình thay thế vào nhân tính của người bệnh.
Nếu cần phải tìm một điểm tiên khởi trong tư trào xã hội hoá Freud của Horney và Fromm, thì ta có thể nói đó là nội dung cái siêu thức (siêu ngã) hay Sur-Moi.
Horney và Fromm chỉ trích rằng siêu thức của Freud chỉ hoàn toàn là những yếu tố cấu tạo từ giai đoạn mặc cảm Oedipe. Hai người cho rằng siêu thức phần lớn là những yếu tố văn hoá xã hội của hoàn cảnh sống.
Xã hội tính là trung tâm điểm của tính tình con người cũng như cái nhân của một trái cây. Tính tình của một người không khác nào kết quả của những kinh nghiệm người ta rút ra từ những cuộc tiếp xúc với ngoại giới. Như vậy thì cái tôi tìm đâu thấy chỗ đứng? Nhưng họ ít bận tâm đến nền tảng lý thuyết, công việc của họ là quan sát và phân loại những hiện tượng xã hội trả lời vào một nguyên lý trừu tượng.
Nhưng có một điều nên để ý là điểm họ chỉ trích Freud thì chính Freud lại có nói đến. Thuyết tiềm thức của Freud tuy xoáy trung tâm vào cái libido nhưng còn nói đến tiềm năng khác, tiềm năng tạo ngôn ngữ, tiềm năng dự phóng những tương quan biểu tượng. Ý niệm về người khác, về tập thể, về xã hội thẩm thấu đến những tiềm năng nguyên thuỷ, thâm sâu nhất của vô thức cũng như của siêu thức. Trong sự cấu tạo siêu thức của Freud, xã hội văn hoá tác động qua sự trung gian của cha mẹ và những người thân cận với đứa bé trong gia đình.
Phân tâm học là môn khoa học đầu tiên đã tố giác xã hội tính trong con người từ thuở sơ sinh. Muốn hiểu biết con người, không những phải nhìn con người như thể một cá thể đơn nhất và đặc dị mà còn phải nhìn như một homo socialis, một con người xã hội, từ trong máu huyết xương tuỷ nếu kể về vật chất, và từ trong tiềm thức nếu kể về tâm thần.
Đó là một cách nhìn mới mẻ mà từ triết học đến các khoa nghiên cứu về người đều cố gắng chấp nhận làm hướng đi hứa hẹn nhiều kết quả.
Quan niệm Xã hội học mới mẻ của Lévi-Strauss
Lévi-Strauss đề cập đến một quan điểm có tầm quan trọng đối với Phân tâm học, Xã hội học và những ngành khoa học khác nghiên cứu về người: đó là mối tương quan giữa cá nhân và xã hội, đúng hơn, là nguồn gốc thâm sâu của mối giao cảm giữa con người và đồng loại của họ.
Trong mục nói về ngôn ngữ học, chúng ta đã bàn đến khái niệm người khác xuất hiện trong tiềm thức như một nguồn động lực nguyên thuỷ tham dự vào sự cấu tạo mọi hành động của ta. Quan điểm của Lévi-Strauss rất gần với quan điểm Phân tâm học. Ông cho rằng tiềm thức là môi trường trung gian giữa cá nhân và người khác, trong tiềm thức phát sinh những mầm mống chung của các hiện tượng xã hội như: ma thuật, tôn giáo, ngôn ngữ v.v... Hoạt động của tiềm thức phối hợp những yếu tố rời rạc để tạo ra ý nghĩa như thế là những hoạt động tượng trưng chứ không phải những hoạt động cụ thể nhắm vào những mục tiêu cụ thể. Bởi vậy người ta nói đến một loại hoạt động tượng trưng hay hoạt động biểu tượng, đến những tương quan biểu tượng, đến chức vụ biểu tượng, tức là nói đến những hiện tượng trong thâm sâu con người không nhắm hẳn vào một mục tiêu thực tế nào nhưng hàm chứa những khuôn mẫu, những mô hình của tất cả các loại hoạt động khác.
Người thợ mộc, người xạ thủ, người bơi lội, đạt được cái khéo léo trong nghề nghiệp của họ, bề ngoài ta cho rằng họ học hỏi và vận động tay chân, lâu dần thành thói quen. Nhưng phân tách như vậy chưa đủ, ta còn thấy họ nắm được mối liên quan căn bản hiện hữu dưới mọi hình thức khác nhau của muôn vật. Mối liên quan này đồng hoá nguyên tắc nội tại của cơ cấu tâm thần họ đang sống. Thói quen của họ còn có tính cách sáng tạo vì họ nắm được mối liên quan đó và luôn luôn hoàn thiện thêm.
Những loại hoạt động biểu tượng như thế xảy ra ở một bình diện sâu thẳm kín đáo nhất của tâm thần, ở chỗ ấy đã có mặt chúng ta và những người khác của tứ xứ và xưa nay, thành thử hoạt động biểu tượng vừa là của ta, vừa là của mọi người. Ta và người gặp gỡ nhau từ những hành động vô tâm nguyên thuỷ, những hành động biểu tượng một khi đã phác hoạ thì chúng sẽ là thành phần cốt cán của nội dung tâm thần, chúng sẽ là mẫu mực, mô hình của tất cả những hoạt động khác.
Tính cách biểu tượng của hình thức con người dưới mắt các nhà Xã hội học như thế rất phù hợp với quan điểm của Phân tâm học. Có thể nói rằng Xã hội học đã đi sát cánh với Phân tâm học để khám phá ra «người khác» trong «tôi» và thìa khoá của bí mật cảm ứng «tôi» với «người khác» nằm trong tiềm thức của con người.
Sự phản ứng của bà Favez-Boutonier và của Sartre
Lévi-Strauss có ý cho rằng xã hội đóng vai trò quyết định tính tình con người, còn cá nhân không mấy quan trọng. Luận điệu của ông dựa vào một khái niệm then chốt là sự «nghiêm cấm loạn luân», nền tảng nguyên thuỷ của mọi hiến chế và thói tục xã hội.
Ở xã hội ban sơ nào đàn bà cũng là vật trao đổi (sự gả bán là một hình thức khá tiến bộ). Người cổ sơ có ý thức tiên khởi về sự trao đổi là trao đổi đàn bà, do đó mà nẩy nở ý thức về những hình thức trao đổi khác làm cho xã hội ngày thêm phức tạp. Sự trao đổi đàn bà có hậu quả tất nhiên là bắt buộc người ta cấm đoán không được phạm đến một vài hạng người đàn bà nào đó dành cho việc trao đổi. Vi phạm luật lệ là loạn luân. Lévi-Strauss muốn tìm trong thói tục nghiêm cấm loạn luân một ý nghĩa nguyên thuỷ của pháp luật và trong sự trao đổi gả bán đàn bà một ý nghĩa biểu tượng. cuộc sống xã hội khởi thuỷ được ý thức bằng sự trao đổi đàn bà và ngôn ngữ. Ngôn ngữ và sự trao đổi đàn bà có ý nghĩa biểu tượng: «sống cùng người khác và sống bởi những người khác».
Tóm lại Lévi-Strauss muốn tìm trong yếu tố xã hội sự giải thích cuối cùng về hiện tượng người và vai trò suy tưởng của y trong tiến trình lịch sử. Quan niệm như vậy là có ý kéo trung tâm đời sống ra khỏi con người mà đặt vào một cơ cấu xã hội. Cơ cấu là một toàn thể toàn diện có ý thức, có tai mắt, còn con người là những cái bóng bay lượn xung quanh để cơ cấu sai bảo.
Dĩ nhiên, một học thuyết mới lạ như thế đả động đến nền tảng của những học thuyết cũ; Phân tâm học có bà Favez-Boutonier chống đỡ cho danh dự con người bị hạ giá xuống vai trò một anh chạy cờ hiệu.
Bà cố gắng lấy mặc cảm Oedipe ra chứng minh rằng hiện tượng người có một sự kiện phổ biến, xuất hiện trên bình diện tâm thần thành mặc cảm Oedipe, trên bình diện xã hội thành sự cấm đoán loạn luân.
Loạn luân đối với loài vật không có ý nghĩa gì cả nhưng đối với loài người có nghĩa là nhân loại đi đến chỗ tự vẫn. Sự nghiêm cấm loạn luân đã trở thành nòng cốt của đời sống tâm thần vì nó là ý nghĩa biểu tượng. Phạm đến ý nghĩa biểu tượng là phạm đến trung tâm sinh hoạt tâm thần, một hành động chỉ có thể có đối với người điên, người bị phân tán nhân tính, thoái lui về giai đoạn thơ ấu bất thành nhân. Tóm lại bà muốn tìm sự giải thích Phân tâm học cho hiện tượng nghiêm cấm loạn luân.
Trong phạm vi nhận định này ta chỉ để ý đến quan điểm trở về tìm trong con người sự lý giải những liên lạc giữa người với người, có thể coi là một cố gắng nhích gần hai ngành Xã hội học và Phân tâm học lại với nhau, đợi một cuộc hợp tác hữu ích.
Đứng về phương diện một môn học riêng biệt như bà Boutonier thì một chủ lý chỉ đạo không gây ra những phản ứng mạnh bạo như phản ứng của triết lý hiện sinh. Vì triết lý hiện sinh (vô thần) lập trên khái niệm con người làm chủ vận mệnh mình chứ không tìm kiếm và nhờ cậy một động lực nào ở ngoài. Nếu chấp nhận thuyết cơ cấu thì cả hệ thống triết lý sụp đổ, vì Lévi-Strauss chỉ nhìn thấy cơ cấu làm chủ động, con người lệ thuộc vào cơ cấu xã hội của nó như một bánh xe nhỏ vô nghĩa lý.
Sartre nhấn mạnh vào vai trò của con người. Con người không chỉ là hình bóng của một hiện tượng xã hội nào. Con người tác động đến xã hội và lịch sử theo một thế lưỡng tương ảnh hưởng, sự trao đổi thường xuyên ấy gọi là hỗ tương biện chứng (circularité dialectique). Nhưng Sartre công nhận vai trò chủ động của con người. Con người nằm trong hệ thống, một cơ cấu, nhưng chính con người tạo nên cơ cấu đó, cũng như họ xoá bỏ đi nếu không chịu đựng được nữa. Cơ cấu có thật nhưng trước cơ cấu và sau cơ cấu đều có bóng dáng con người. Tóm lại ông cố gắng cứu vãn con người và trưng ra khái niệm đơn nhất và đặc dị của hiện tượng người để khỏi bị đồng hoá với đồ vật.
Đứng về phương diện Phân tâm học thì phản ứng triết lý của Sartre có thể ảnh hưởng đến hướng tìm tòi của những công việc nghiên cứu.
Kinh nghiệm trị bệnh và thực nghiệm của Phân tâm học gia ngày nay đưa họ đến một quan niệm rằng sự thật tâm thần khác với sự ngoài đời. Cái gì hiện ra thực đối với tâm thần một người là hiện ra trên bình diện biểu tượng không hẳn là đúng với thực tế. Guồng máy tự vệ chống đối là chống đối cái gì có thực trong tâm thần người suy nhược thần kinh.
Bởi vậy người ta nghĩ đến một sự thật tâm thần khác hẳn sự thật ngoài đời, một cái gì có thật trong tâm thần có trên bình diện biểu tượng chưa phải là cái gì có thật ngoài thực tế. Những biểu tượng nguyên thủy, uyên nguyên của đời sống, coi như một hệ thống tạo ý nghĩa; nhà xã hội học cơ cấu muốn cho là những biểu tượng ấy thoát thai từ những sự kiện lịch sử hay tiền lịch sử ngoại giới và khách quan. Nếu trung thành với tinh thần Phân tâm học cố cựu người ta vẫn không đi ra ngoài con người để tìm kiếm, người ta hướng về hình ảnh biểu tượng của người cha trong tiềm thức .
V. Phân tâm học và Hình pháp học
Từ cuộc hội nghị Quốc tế Hình pháp học tại Ba Lê năm 1950 đã có sự đối chứng những kết quả nghiên cứu Hình pháp học (tội phạm học) của các thẩm phán, Hình pháp học gia, Phân tâm học gia, Thần kinh bệnh học gia.
Tờ biên bản của Phân tâm học gia Daniel Lagache ghi lại kết quả dưới cách nhìn Phân tâm học và phụ thêm lời giải thích, là một tài liệu quan trọng đánh dấu một bước tiến của Hình pháp học nhờ sự cộng tác của Phân tâm học.
Dưới đây chúng tôi tóm lược ý kiến của Daniel Lagache và A. Hesnard, một Phân tâm học gia khác.
Trái với sự tưởng tượng của chúng ta, kẻ sát nhân thường không phải là một người lực lưỡng, mạnh bạo, dữ tợn, hay khôn ngoan, tài ba; không, họ chỉ là người yểu tướng, «kém sinh lý»; cạnh khía nam tính của họ thiếu thốn.
Chúng ta cũng dễ tưởng tượng ra kẻ sát nhân có tư thái hung dữ, nhưng thực ra họ chỉ hung dữ có một lần trong suốt đời người. Ngày thường họ là người bình thản chẳng có gì đáng để ý, cũng như người thường vậy. Trước hành động sát nhân của mình họ cũng tỉnh bơ, không chút xúc động, hình như họ không biết sự quan trọng của một việc làm ghê gớm như vậy. Chính đó là dấu hiệu bất thành nhân, họ thoái lui về một giai đoạn thơ ấu, họ sống lại cái duy kỷ tối sơ của họ (égocentrisme infantile). Đã chỉ biết có mình (tâm trạng của đứa trẻ còn bú mẹ) họ còn phải chịu đựng những hoàn cảnh bất thường trong thời kỳ tấm bé, thời kỳ từ 3 đến 5 tuổi, họ thiếu sự yêu mến và săn sóc của người mẹ.
Kẻ sát nhân không phải là người điên, cũng không phải là người mất trí (trừ trường hợp người điên sát nhân), họ hành động có lý do. Bao giờ họ cũng nại ra được một cớ, và phân tích cái cớ của họ, khoa học biết rằng họ bất thành nhân, tâm tình họ thiên lệch. Kẻ sát nhân tự cho mình quyền xét xử: «vì công lý mà tôi giết nó. Nếu tôi không giết nó thì nó sẽ giết tôi». Họ thấy mình bị mọi người tước đoạt hết, kể cả quyền sống.
Bởi vậy cho nên hành động xong họ cảm thấy mình được yên ổn. Trước khi hành sự họ bứt rứt, dày dò bởi một sự đe doạ mờ mịt nhưng mạnh bạo, đe doạ ám hại họ, chỉ có giết người mới xoá bỏ được sự đe doạ ấy; vì thế giết người xong họ được bình thản.
Phân tâm học nghiên cứu cái tâm trạng quái dị ấy và tìm ra đầu mối của sự sai lệch bắt đầu từ thời kỳ cấu tạo siêu thức (sur-moi). Đứa trẻ đồng nhất hoá mình với người xung quanh, trước hết là với người mẹ, nhưng người mẹ không tròn nhiệm vụ làm mẹ, không yêu con, hay vắng mặt, dạy dỗ tồi tệ, sự đồng nhất hóa hiện ra bộ mặt khác là sự gây gổ, sự hung hãn (nhận xét của Freud, được Hesnard áp dụng để tìm hiểu). Đứa trẻ cảm thấy mình bị tước đoạt, nó nẩy sinh khuynh hướng căm thù khó dập tắt được, do đó mà nẩy nở những ý chống đối, những ý hướng hành hạ và tự hành hạ. Một đòi hỏi bản năng không được thoả mãn, bình thường thì đứa trẻ học cách nán trông đợi và lấy lòng mẹ để nhận tình yêu của mẹ, nhưng khi thiếu mẹ, thiếu tình thương, nó thất vọng, giận dữ, lạnh lùng, nẩy sinh mặc cảm phạm tội, một mớ bòng bong tâm trạng xấu xa. Những sự kiện ấy làm cho sự cấu tạo cái siêu thức của nó thực hiện trong những điều kiện nghịch thường. Cũng nên kể đến những đứa trẻ sống giữa cha mẹ trộm cướp, bệnh hoạn, cờ bạc, v.v... Khi nó đồng nhất hoá mình với những mẫu người như thế mà nó cho là lý tưởng thì sẽ xảy ra một sự đảo ngược những giá trị nhân luân.
Như vậy khuynh hướng phạm vào hành vi sát nhân có nguyên nhân chính là sự tồn tại của tâm trạng duy kỷ tối sơ thời kỳ thơ ấu; hoàn cảnh thiếu tình yêu và sự săn sóc của người mẹ đã làm cho sự cấu tạo siêu thức và xã hội hoá tính tình thực hiện trong điều kiện tồi tệ.
Tính hung bạo có sẵn trong người, nhưng người suy nhược thần kinh chỉ tưởng tượng ra chứ không thi hành được, nếu là nhà văn thì họ thi hành trong sản phẩm văn nghệ. Còn người sát nhân thì thực hiện một cách cụ thể bằng hành động.
Nếu ghi lại diễn biến tâm tình của một kẻ sát nhân, thì hành vi sát nhân đó là giai đoạn kết liễu cả một tiến trình biện chứng tượng trưng cho cách ứng thù của họ, đường lối sống của họ. Đường lối sống ấy bị uốn sai lệch về một sự mong muốn giết người để sửa lại một sự bất công đè nén họ, để dành lại quyền sinh sống bị tước đoạt. Họ khéo sưu tầm, ghi nhớ, suy diễn để có một số tài liệu lớn làm cho họ cay cú, thất vọng, oán hờn. Những sự kiện đó chứng minh cho sự bất công mà họ phải chịu, và họ «phải ra tay». Nhiều khi họ ra tay trong sự tĩnh trí hoàn toàn và sự xếp đặt rất khoa học như một trường hợp «crime parfait ».
Đối tượng hành động của họ có thể là người thân yêu hay người lạ mặt. Cử chỉ giết người có một giá trị trọng đại đối với họ, giá trị trọng đại ấy là giá trị biểu tượng, giá trị tượng trưng trong tiềm thức, cử chỉ ấy có nghĩa là cứu sống họ từ bỏ hết đe doạ, trả lại cái gì bị tước đoạt.
Người ta rất kinh ngạc vì thái độ lạnh lùng của kẻ sát nhân trước sự đau đớn ghê gớm của người bị hại. Sự lạnh lùng ấy không phải là kẻ sát nhân không có tình cảm, họ cũng say mê, che chở cho người yêu, yêu mến bạn bè như người khác.
Người ta còn nhận thấy kẻ sát nhân thường có những tính tình sau đây: nhiều điểm gần với người suy nhược thần kinh; lúc thì khoe khoang, lúc thì tự ti mặc cảm, hay có những lúc bần thần, cần phải trưng ra cái gì mới mẻ khác đời hay kỳ dị để xác định giá trị của mình. Họ làm thế để bù lại sự mất giá trị tưởng tượng sự tước đoạt tưởng tượng.
Những nơi tụ tập mà kẻ có tiềm ý sát nhân vẫn sinh sống cũng có ảnh hưởng quan trọng đến sự quyết định của Tuyệt đối thể, vì nơi đó đưa ra mắt Tuyệt đối thể đủ mọi chi tiết để Tuyệt đối thể học hỏi cách thực hiện hành động nổi loạn của người bị tước đoạt, của người yên trí mình là nạn nhân của xã hội. Hoàn cảnh sống, sự giao du với những người du thủ du thực giúp cho kẻ có tiềm ý sát nhân phương tiện thực hiện hành vi sát nhân, cũng như khuyến khích đồng bọn bắt chước những hành vi ăn trộm, ăn cắp, du đãng, dâm loạn. Thanh thiếu niên du đãng và phạm pháp phần lớn cũng là những trẻ em bất thường đã qua một thời thơ ấu thiếu thốn tình yêu và thiên lệch tâm tính.
VI. Phân tâm học và Triết học
Liên lạc giữa Phân tâm học và Hiện tượng học
Những khám phá của Freud đã mở một chân trời mới cho nền Triết học hiện đại. Sự khám phá đó chính là cái tiềm thức. Tiềm thức xuất hiện trên nền trời học thuật làm đảo lộn những quan niệm cố cựu lưỡng nguyên về tinh thần và vật chất, linh hồn và thể xác, về lý trí và bản năng. Tiềm thức của ông đưa ra không phải chỉ có bản năng mà thôi, mà gần như là tất cả đời sống tinh thần. Câu chuyện lý trí và bản năng, linh hồn và thể xác không thể đem ra nói bằng ngôn ngữ thuở xưa, không thể coi là những sự kiện ngăn cách, mà phải đặt lại với những kiến thức ngày nay.
Hiện tượng học xuất hiện không phải như một học thuyết đã hình thành mà chỉ như một tư trào triết luận; người ta cố gắng đặt vấn đề tri thức một cách rộng lớn, bao quát và sâu xa, thoả mãn được mọi đòi hỏi của mọi ngành học vấn. Cái «tâm» con người coi như trung tâm của sự hiểu biết; người ta nhận thấy cần phải đặt lại vấn đề tâm thức và luôn thể cả vấn đề tiềm thức. Hiện tượng học đã có cái may mắn xướng khởi quan niệm tương quan giữa cá nhân với ngoại giới, con người mật thiết với người khác và cảnh vật quanh mình, họ lập những tương quan qua lại trong một thế liên lập và hỗ tương ảnh hưởng, hay hỗ tương trong biện chứng. Do đó mà có vấn đề người khác trong ta, vấn đề liên chủ quan tính (intersubjectivité), vấn đề hữu thể-tại thế (être-au-monde). Xã hội học (tâm lý xã hội) cũng không thể quan niệm ở ngoài khái niệm chủ quan và khách quan tương hệ mật thiết.
Ta có cảm tưởng như một trào lưu suy tưởng rộng lớn đang cố gắng hòa giải cá nhân với cộng đồng, quân bình thiên nhiên với yêu cầu thực tế.
Chúng ta thử một lần lượt tìm hiểu quan niệm về tiềm thức của triết học, vấn đề hữu thể-tại thế và liên chủ quan tính.
Quan niệm tiềm thức của Triết học
Có một vấn đề yếu tính (essence) của Siêu hình học mà Hiện tượng học phải chấp nhận nền móng khi áp dụng phương pháp Hiện tượng học để tìm hiểu về người. Yếu tính của lý học không phải yếu tính của tâm thần, bởi vì những vấn đề tâm trạng của ta không thể vì với hiện tượng lý học và đem ra nghiên cứu như vậy. Chấp nhận như thế thì ta thấy xuất hiện những khó khăn nan giải của cái tiềm thức theo kiểu Phân tâm học. Bởi vì yếu tính của lương tâm (tâm thức) là sống động, là tự nó bộc lộ cho nó biết nó. Tâm thức không hiểu được tiềm thức, vậy thì sao có thể nói tiềm thức cùng tính yếu với tâm thức được? Vì sự tôn trọng nguyên lý chỉ đạo, hiện tượng học không chấp nhận tiềm thức, tuy không hề phủ nhận những hiện tượng thuộc loại tiềm thức. Người ta tìm một cách dung hoà là xếp những hiện tượng ấy vào khái niệm tâm thức tiềm ẩn (hay ý thức tiềm ẩn).
Tuy bất đồng ý kiến về cái tiềm thức nhưng phân tâm học và hiện tượng học hoạt động song song và bổ túc cho nhau. Kết quả đạt được của ngành nọ xác định sự đích xác của ý kiến ngành kia.
Phân tâm học tìm ý nghĩa kín đáo của những phát hiện của dòng sống; người ta «sống» biết bao hiện tượng mà không «suy tư» được nó, không thể diễn tả nó ra thành ngôn từ. Freud làm công việc ấy, phải chăng đã «làm» Hiện tượng học một cách tự nhiên, trước khi có tư trào Hiện tượng học thực sự? Vì hiện tượng học cũng theo đuổi mục đích tìm hiểu ý nghĩa những đường lối ứng thù của con người.
Ngày nay Phân tâm Học gia muốn có một quan niệm về tiềm thức gần với quan niệm ý thức tiềm ẩn của Hiện tượng học. Đối với Lacan, một nhà Phân tâm học uy tín ngày nay, thì quy luật của Ngôn ngữ học và Ý nghĩa học đều đồng tính chất của quy luật của tiềm thức.
Linh hồn và thân xác, tinh thần và vật chất xưa nay vẫn là mối bận tâm hàng đầu của triết học. Những phát kiến của Hiện tượng học đã giúp ích nhiều cho Phân tâm học.
Khi Merleau-Ponty khước từ sự định nghĩa vật chất, đời sống và tinh thần là 3 thực thể tách biệt, ông chỉ muốn coi như ba bình diện ý nghĩa của hiện tượng người, hay là ba hình thức của một đơn vị người. Tương quan giữa con người với thể chất của họ và với ngoại giới là một tương quan biện chứng. Người ta hành động hay suy tính không phải là chỉ vận dụng lẻ tẻ thể chất, hay linh hồn hay tâm thần, mà cả ba phương diện của thực thể người đều tham dự. Tinh thần và vật chất là hai phát hiện của sự sống đồng hiện hữu, hỗ tương biện chứng cho sự sống đó.
Những quan điểm trên đây cũng là quan điểm của Phân tâm học, vì người ta cố gắng tìm hiểu những liên lạc sâu xa giữa Phân tâm học, Sinh vật học và Y học. Lagache cũng nói rằng nên coi sự phát triển của Phân tâm học như một sinh hoạt biện chứng giữa hai tư trào «duy sinh vật» (biologisme) và «duy nhân văn» (culturalisme). Hình thần y khoa (médecine psychosomatique) xét nghiệm bệnh nhân vừa chú trọng đến tâm thần lẫn sinh lý, người ta nhấn mạnh đến ảnh hưởng của chúng đến toàn thể con người tinh thần lẫn thể chất.
Liên chủ quan tính
Ngày nay Hiện tượng học chú trọng đặc biệt đến khái niệm tha nhân. Triết học hiện sinh mời nó ngồi vào chỗ thượng khách và người ta thấy nó hiện ra ở trung tâm mọi vấn đề then chốt.
Ngày nay Phân tâm học cũng luận nhiều về liên chủ quan tính (intersubjectivité) và khái niệm tha nhân xuất hiện như một động lực nguyên thuỷ tham dự vào sự cấu tạo mọi hành động của con người. Ta và người hiện hữu trong một thế hỗ tương. Trong ta có mặt người khác và trong người khác có mặt ta. Ta phác hoạ một hành động là ngụ ý để cho người khác hiểu. Ta hiểu tâm tình của ta thì ta cũng suy ra tâm tình của người, vì cơ thể suy ra được như thế cho nên mới có sự cảm thông tương quan, sự đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Như vậy cái mà ta gọi là chủ quan tính thực ra là liên chủ quan tính.
Hiện tượng đồng nhất hoá đã được Phân tâm học dùng để cắt nghĩa rất nhiều sự kiện khác và những thái độ khó hiểu của người đời. Hiện tượng ấy là con đẻ của khái niệm liên chủ quan tính mà Freud nghiên cứu rất sâu sắc, ông còn gọi là liên lạc đối tượng (relation đơn thể objet). Đứa trẻ đồng nhất hoá mình với bố và quyến luyến mẹ, hai loại tâm tình ấy xung đột nhau cho nên phát sinh mặc cảm Oedipe. Freud cũng nói đến sự đồng nhất hoá và những thiên lệch của nó trong các loại bệnh thần kinh, suy nhược thần kinh, thác loạn tình dục. Tầm quan trọng của sự đồng nhất hoá là nó tiêu huỷ được khuynh hướng hung hãn: đã đồng nhất hoá mình với ai thì không có ý đánh đập ám hại người ấy nữa.
Khi Jung đề cập đến những khái niệm Người Khác lớn mạnh song song với sự phát triển của triết lý hiện sinh. Với Heidegger người ta đã có khái niệm MITSEIN (hiện hữu là hiện-hữu-với-ai). Sartre đã để một phần ba cuốn L'Etre et le Néant để luận về sự hiện hữu của người khác. Đối với ông thì liên lạc của ta và người khác là liên lạc thất bại. Sự cảm thông chỉ có trong các hệ thống triết lý của Jaspers, Gabriel Marcel, E. Mounier.
Dù sao thì người khác cũng đã được đặt thành vấn đề. Trong cái thế giới nội tâm của ta còn có thế giới người khác, xã hội tính cũng ra đời cùng với sự cấu tạo tâm thần. Chúng ta mang sẵn người khác trong thâm sâu tâm hồn của ta, người khác là nguồn động lực liên lập với cái ta và cùng là cội rễ của mọi hành động và tâm tưởng.
Trong bối cảnh đời sống tâm tình, lòng dục chiếm một chỗ quan trọng, vậy thì một công trình suy tưởng không đề cập đến lòng dục sẽ rất thiếu thốn.
Phân tâm học ngày nay không hiểu tình dục như một cơ năng sinh lý hoạt động với mục tiêu và phương tiện nhất định, nhưng cho là một mặt của toàn thể sống động có liên lạc mật thiết với bộ máy sinh dục, tất cả con người tri thức và hoạt động đều có mặt trong phương diện dục tình của họ. Người ta phải hiểu như vậy vì trong thế giới ái tình người ta tri giác và cảm thông với người bạn tình không phải như một đồ vật nào, như một công cụ nào, mà như một thế giới đáp ứng với toàn diện thế giới tâm tính thể xác của ta có thể lập những liên lạc, gây những phản ứng toàn diện của ta. Ngôn ngữ của ái tình không phải chỉ là trao đổi lời nói yêu đương và kích thích dâm dục, mà còn là phóng rọi, đồng nhất hóa, v.v...
Vả chăng tiếng gọi của tình yêu lúc khởi thủy không phải là tiếng gọi dâm dục, nam nữ bước vào tình trường phần nhiều chưa ý thức được dâm dục, dâm dục chỉ xuất hiện như một tiềm năng. Bởi vậy Hiện tượng học coi dục tình như một ý hướng mờ mịt phóng ra một chu kỳ hành động và một trạng thái tâm thần. Những tâm trạng trả lời vào sinh hoạt ái tình không phải chỉ đặt trên một hạ từng cơ sở sinh lý nào đó mà còn hội nhập vào toàn thể tâm thần và đời sống của con người.
Phân tâm học và Hiện tượng học bổ túc cho nhau trong sự tìm hiểu tâm tình con người với những phương tiện cũ soát ngày nay.
VII. Phân tâm học và nghệ thuật
Cái nhìn của Phân tâm học là một cái nhìn mới mẻ vì người ta cố gắng tìm nguồn gốc sâu xa kín đáo nhất, người ta tạm gác những ý nghĩa mỹ cảm, văn hoá, xã hội để tìm nghĩa sâu xa của văn nghệ, hiểu như một ngôn ngữ biểu tượng bộc lộ một mặt khác của con người chứ không phải cái mặt tiền mà con người đem ra đáp ứng với thực tế.
Trong nhân quan ấy, hoạt động văn nghệ đối với nghệ sĩ có công dụng thoả mãn những đòi hỏi của tâm tình mà thực tế không cho phép thoả mãn... Đã là người, tức là có một tổ chức tâm thần phức tạp và phải đối diện với một thực tại xã hội cũng phức tạp, sự thích ứng không bao giờ hoàn toàn, người ta không tránh được xung đột nội tâm. Những xung đột thúc đẩy nghệ sĩ sáng tác, cũng là những xung đột đẩy người khác có những hành động thác loạn thần kinh hay thúc đẩy xã hội tạo ra kỷ cương hiến chế. Thế giới nội tâm của chúng ta là một thế giới cũng phồn tạp, với những xung đột, xúc động, thầm vọng, thất vọng, thoả mãn, lo sợ; nhưng thế giới ấy không phải là cái gì có thực ngoài đời, nó chỉ có thực trong tâm tưởng người ta mà thôi. Bởi vậy nó có tên gọi là thực thể tâm thần.
Nghệ sĩ cống hiến chúng ta những màu sắc đặc biệt thực thể tâm thần của họ.
Thực thể tâm thần đó là thế giới nội tâm của họ, khác hẳn thế giới thực sự bên ngoài. Ý nghĩa biểu tượng là ý nghĩa kín đáo của thực thể tâm thần, nghệ sĩ tìm trong ý nghĩa đó một sự thoả mãn riêng cho mình, một đường lối giải thoát những day dứt và bó buộc của thực tế.
Ước vọng của nghệ sĩ trước hết là ước vọng riêng của cá nhân nghệ sĩ, nó chỉ có thể trở thành tác phẩm nghệ thuật nếu nghệ sĩ là nghệ sĩ chân chính, nghĩa là có tài biến đổi nó đi, gọt gạnh trơn tru những cạnh gai sắc gồ ghề để khỏi còn là một sản phẩm thô lậu của mộng mị, của mê sảng, dùng kỹ thuật thẩm mỹ để che giấu nguồn gốc cá nhân của phát kiến và đem trình bày dưới một hình thức khả dĩ gợi lên khoái cảm.
Sự thật trinh trắng về nghệ thuật như thế hẳn làm thất vọng nhiều người, khi người ta chỉ nhìn tác phẩm đã hình thành, tuỳ góc cạnh nhìn người ta sẽ thấy ở nghệ phẩm một công trình cải tạo xã hội, một thông điệp cho phàm nhân, một tiếng gọi siêu hình. Cách nhìn như thế không phải là không đúng, vì nó trả lời vào chỗ nghệ sĩ biến đổi ước vọng riêng của mình ra hình thức khả dĩ gợi lên khoái cảm hay diễn đạt một lý tưởng, nhưng còn chỗ giải thoát xung đột nội tâm và tìm thoả mãn riêng cho mình đã bị miệt thị. Vậy là một cách nhìn thiếu sót, và sự thiếu sót rất quan trọng. Bởi vì, khi suy luận mà không kể đến phần nội tâm của con người trong hoạt động sáng tác, người ta sẽ theo đà tưởng tượng, theo lý luận thuần lý mà thêu dệt ra những hệ thống lý thuyết văn nghệ rất quyến rũ nhưng không trả lời vào điểm chính yếu tiên khởi là sự sáng tác xét về phương diện một hoạt động tâm lý bề sâu. Sự sáng tác trước khi trở nên một giá trị tinh thần phải là một sự kiện có thể thực hiện được, nghĩa là một hoạt động tâm thần xảy ra trong điều kiện tâm lý và sinh lý của cá nhân mỗi người. Nói như vậy là nói đến tính chất đơn nhất và đặc dị của mỗi cá nhân, một đơn vị sinh sống độc nhất vô nhị trong vũ trụ, không gì thay thế được và cũng không cần tìm lý giải ở ngoài cho sự hiện diện ấy.
Như vậy, xung đột nội tâm và ý nghĩa nội tại của sự sáng tác đối với thực thể tâm thần của riêng nghệ sĩ cần phải xem xét cẩn thận.
Xung đột nội tâm
Paul Valéry nghe người ta phê bình thơ ông đã phải sửng sốt mà rằng: «Thật chính tôi không ngờ đã viết ra những cái hay mà các ông vừa nói». Ta phải hiểu câu nói của Valéry ra thế nào? Nhà phê bình đã hiểu ý nghĩa của ngôn ngữ nội tâm Valéry qua những dấu hiệu bề ngoài – tức là lời thơ – nhà thơ đã ghi lại bằng lời thơ cái gì ở ngoài tầm ý thức của ông và nhà phê bình đã hiểu. Một cuộc đối thoại kỳ dị nhưng huyền diệu, mà cái huyền diệu ấy là tất cả nghệ thuật.
Người thưởng thức nghệ thuật thưởng thức vẻ mỹ quan của nghệ phẩm hiển hiện dưới những hình thức kỹ thuật văn nghệ luôn luôn thay đổi với thời đại, với sắc tộc, đó là một cạnh khía của vấn đề. Nhưng cuộc đối thoại còn có thể thiết lập một cách kín đáo hơn nhưng ở ngoài sự kiểm soát của ý thức và liên hệ đến một thế giới của thực thể tâm hồn có tiếng nói của những khuynh hướng gần với thú tính. Rất nhiều người ham học tiểu thuyết trinh thám để thấy những cảnh chém giết cướp phá kinh khủng, có người lấy làm thích thú mà nghe hay đọc những truyện gian dâm bỉ ổi loạn luân càn rỡ. Nên nhớ họ là những người rất đứng đắn, đời sống nền nếp, mực thước, quân bình. Họ thoả mãn những khuynh hướng đen tối thầm kín một cách ôn hoà. Có vấn đề thoả mãn bản năng thấp hèn nhưng cũng có vấn đề thoả mãn bản năng cao đẹp, do đó mà có thể nói đến văn nghệ xây dựng - thứ văn nghệ gây được đối thoại ở vùng kiểm soát của ý thức - chứ không phải văn nghệ đẹp về kỹ thuật thẩm mỹ.
Một thí dụ khác về sự đối thoại phi ý thức. Nhiều hoạ sĩ thuộc loại người trực giác hướng nội vẽ ra những hình thù màu sắc quái dị. Không thể nào hiểu được bằng cách nhận định theo tiêu chuẩn thẩm mỹ thông thường, nhưng theo những người hiểu biết mỹ thuật thì đứng trước những bức hoạ ấy người ta bị xáo động một cách kỳ dị. Nghệ sĩ đã tạo ra những dấu hiệu kỳ diệu tác động đến những bản năng sâu thẳm của người xem.
Tôi không nhớ nhà văn nào đã nói câu sau đây, hình như Yves Berger: «Văn chương trước hết là một công trình tái tạo cái gì có thực nhưng cuộc sống phũ phàng hằng ngày đã bắt buộc người ta từ chối nó. Có lẽ người ta lại tìm thấy nó khi đi hết con đường cô đơn xa thẳm, khi chấm dứt cuộc phiêu lưu tưởng tượng. Đã biết rõ chân tướng của văn chương là thế rồi, người ta có thể cho văn chương là cái gì cũng được».
Trong thế giới nghệ thuật, những dấu hiệu và hình ảnh tưởng tượng ra có thể tạo ra một thế giới ảo tưởng và gây ra những xúc động thực sự. Thế giới của nghệ thuật là thế giới trung gian giữa thực tế và mơ tưởng viển vông. Thế giới thực không thực hiện được ước vọng của người đời, thế giới mơ tưởng có thể thực hiện được những ước vọng đó. Trong thế giới tưởng tượng ấy, những khuynh hướng, những bản năng thầm kín mang tính chất «người» nhất, có thể xuất hiện dưới những hình thức kín đáo.
Văn nghệ - Phương tiện giải thoát
Freud và các môn đệ của ông cho rằng văn nghệ là một phương tiện giải thoát cho nghệ sĩ cũng như cho người thưởng thức văn nghệ.
Giải thoát gì?
Những ham muốn thầm kín bị dồn nén trong tiềm thức mà chính người làm văn nghệ hay thưởng thức văn nghệ cũng không biết đến. Giải thoát bằng phương tiện giản dị ôn hoà như trường hợp người có tự chủ sống cuộc đời mực thước, đứng đắn, họ ham đọc những loại truyện cụp lạc, chém giết, cướp phá kinh khủng, hay truyện bỉ ổi, loạn luân, càn dỡ, họ thỏa mãn những đòi hỏi bản năng một cách trá nguỵ. Giải thoát bằng đường lối tự nhiên của mộng mị chiêm bao. Nghệ thuật giải thoát bằng đường lối uẩn khúc của văn nghệ, một lối mơ mộng thức tỉnh.
Trong tiềm thức con người là những bản năng chỉ biết đòi hỏi thoả mãn, ngoài đời người ta gặp sự cản trở của thói tục, tập quán, giáo dục cho nên không thể toại nguyện được. Thế giới của tưởng tượng được tạo ra giữa quãng đường mà nghệ sĩ phải đi từ cõi âm u đầy khát vọng của tiềm thức đến cõi thực. Nghệ sĩ thất vọng ngoài thực tế và trú ẩn vào thế giới tưởng tượng là cố ý tìm một lối quanh co để giải thoát ẩn ức và có cảm tưởng rằng mình đặt chân vào thực tế. Mộng mị cũng là một đường lối giải thoát, nhưng sản phẩm của mộng mị bông lông, viễn công, đầu Ngô mình Sở; trái lại, sản phẩm của nghệ thuật có xã hội tính hơn, có thể đem trình bày cho người khác thưởng thức được và gây thông cảm. Có một hình thức thông cảm phi ý thức vì có sự đối thoại phi ý thức của cả người xem lẫn người sáng tác.
Ta có thể có một ý niệm về vấn đề cảm thông khi ta thấy một cuốn truyện mà có đến biết bao nhiêu cách nhận định và phê phán, mỗi người dùng một ngôn ngữ [1] cố gắng biểu lộ càng gần với tác giả càng hay cái gì họ cảm thấy mà không nói ra được hết. Vả chăng, có những nhà phê bình méo mó vì lý trí và kỹ thuật khen ngợi chê bai quá đáng, trong khi số người đọc vẫn lăn vào đọc những cuốn sách họ chê bai. Trong xã hội Việt Nam chúng ta nhận thấy khá rõ rệt một khiếu thẩm mỹ Tây phương hoá của người học thức thiên về kỹ thuật văn nghệ, tìm sự cảm thông với nghệ sĩ qua hình thức kỹ thuật tân kỳ; còn một khuynh hướng thứ hai của người bình dân tìm sự cảm thông ấy qua những hình thức văn nghệ ước lệ, thành khuôn và lỗi thời. Bình dân hầu như bất lực không lập được sự đối thoại với nghệ sĩ qua những hình thức nghệ thuật kim thời.
Qua những sự kiện trên đây chúng tôi muốn nói rằng mối cảm thông giữa hai cá vị người, ngoài đường lối đối thoại có ý thức, còn mượn đường lối phi ý thức. Đường lối thứ hai này liên lạc tới những hoạt động tiềm thức.
Mặc cảm phạm tội
Phân tâm học ghé mắt nhìn văn nghệ Âu châu từ cổ chí kim đã tố cáo một nét tâm trạng phổ biến: từ những bi kịch cổ thời – mà thảm kịch thần thoại Oedipe là một điển hình – đến văn nghệ diễn tả thắc mắc siêu hình ngày nay, đều nói đến tâm trạng vò xé của con người – thân phận một hạt cát nhỏ bé và nổi trôi trước Định mệnh khắc nghiệt vô tình, con người bị khuynh đảo bởi những đòi hỏi trái ngược, một bên là bổn phận, một bên là ham muốn và cám dỗ. Văn nghệ khai thác dưới muôn ngàn hình thức những thảm cảnh muôn thuở của loài người: tội lỗi, áp lực của thần quyền hay áp lực của cường quyền. Văn nghệ xuất hiện như sự phản kháng của loài người trước những đe doạ xúc phạm giá trị nhân phẩm, đạo đức.
Âm nhạc sử dụng chất liệu văn nghệ là âm thanh. Âm nhạc là ngôn ngữ trực tiếp của nội tâm để diễn đạt những tâm tình đau khổ hay vui mừng, vò xé hay vỗ về, dằn vặt hay an ủi, nhạc sĩ đồng hoá mình với người anh hùng anh dũng chống lại định mệnh hay người đau khổ ê chề vì bị chà đạp bởi định mệnh.
Lời thơ rung cảm sâu xa tâm hồn người đời là lời tâm sự của nhà thơ trước thế sự thăng trầm, tang thương biến đổi, là lời thở than trước thế thái nhân tình và muốn tìm sự thoát ly cảnh đau khổ.
Ngôn từ của thơ, nhạc, hoạ, là ngôn từ biểu tượng, bộc lộ ý nghĩa chính của cuộc phiêu lưu nhân loại dưới trần gian, một nhân loại khắc khoải vì cảm tưởng phạm tội và tìm lối thoát khỏi những bó buộc nhân sinh trong một tia hy vọng mờ ảo. Tất cả vấn đề là làm sao cho ngôn từ biểu tượng của nghệ sĩ hội nhập được ngôn từ thực, tức là tâm trạng mà người đời cảm thấy thực sự ở ngoài đời.
Nếu ta đi ngược trở lên đến uyên nguyên của tâm tình, đến vũ trụ của ngôn ngữ biểu tượng thì ta thấy văn nghệ là tiếng nói của mặc cảm phạm tội lồng vào một hy vọng giải thoát.
R. Barthes nhìn thấy mặc cảm Oedipe trong các tác phẩm của Racine: loạn luân, tranh giành giữa anh em ruột thịt, con giết cha, bất hiếu bất mục, đó là những tác động chính yếu của nhân vật trong kịch Racine. Ông ta lựa chọn và nhắc đi nhắc lại mãi những cảnh này vì cạnh khía bi thảm của nó tương ứng với những giày vò nội tâm của ông. Ông giải thoát chúng bằng đường lối văn nghệ. Trường hợp Kafka là trường hợp con người bị giày vò bởi mặc cảm tội lỗi «Mặc cảm Kafka» tượng trưng cho người con bị cha hành tội. Đứa con này có trong tiềm thức một cảm tưởng làm người là phạm tội, nó bị ám ảnh, bị tê liệt như người phạm tội. Tất cả các tác phẩm của ông chỉ là lời tự thú của một người sống trong những ám ảnh ghê gớm ấy.
Baudelaire là trường hợp một người có cái «tôi» yếu ớt, trường hợp suy nhược thần kinh; con người bị giày vò bởi mặc cảm tội lỗi, tìm cách trú ẩn vào tủi nhục và thất thế.
Người ta trưng ra biết bao vết tích của mặc cảm Oedipe trong các tác phẩm của Sophocle, Eschyle, Corneille, Voltaire. Sự nghiệp của Jouhandeau bộc lộ tâm trạng người đồng tính ái.
Khắc khoải hiện sinh của văn chương và hội hoạ kim thời là một hình thức đặc biệt của mặc cảm tội lỗi: cái tôi khốn khổ của con người bị xé nát bởi Định mệnh đóng vai đao phủ.
Văn nghệ Âu châu ngày này thản nhiên phô diễn những hành vi và cảm tưởng về tình ái và dục tính, những điều mà luân lý cổ truyền cho là dâm đãng, tác giả hầu như bị ám ảnh bởi một thứ dục tình bệnh hoạn. Như vậy có phải là giải toả được những khuynh hướng bản năng và tìm thấy quân bình chăng? Đó chỉ là buông cương thả lỏng cho những khuynh hướng bệnh hoạn mà không biết đến những khuynh hướng lành mạnh và cao đẹp của dục tính.
Phân tích văn nghệ Việt Nam, nhất là trước khi có ảnh hưởng Tây phương để tìm dấu vết mặc cảm phạm tội có lẽ ta sẽ thấy những điểm quan trọng để hiểu biết tâm hồn ông cha ta. Tôi xin nhường lời cho những người có thẩm quyền văn nghệ, riêng tôi, tôi có cảm tưởng là ta có những hình thức biểu tượng khác để diễn tả nét chính của đời sống, tuy rằng cũng vẫn là những thắc mắc ấy, thắc mắc của thân phận phù du, của định mệnh.
Mặc cảm phạm tội của nàng Kiều bộc lộ dưới hình thức mệnh lệnh của định mệnh và sự xung đột của bổn phận với tình cảm. Mặc cảm phạm tội có hình tướng cụ thể, nàng Kiều đã phóng rọi nó vào một nhân vật cụ thể là Đạm Tiên. Đạm Tiên xuất hiện như một mãnh lực ghê gớm nhưng quyến rũ cột nàng vào số kiếp trầm luân. Nhà văn Nguyễn Bách Khoa muốn nhìn thấy trong những sự kiện ấy khái niệm về cái nghiệp của Phật giáo.
Đồng nhất và thăng hoa
Freud cũng nghiên cứu hiện tượng đồng nhất hoá về phương diện văn nghệ. Triết học Đức có nói đến khái niệm Einfühlung. Einfühlung chỉ cái thái độ của người làm nghệ thuật hay thưởng thức nghệ thuật muốn như nhập mình vào với những sự vật trong tác phẩm nghệ thuật; chúng ta tưởng mình như hóa ra nhịp điệu, thanh âm, ra mây, ra gió, ra dòng nước trôi đi hàng bạc. Ngắm nhìn tác phẩm nghệ thuật người ta giải tỏa được những tâm tình thường bị dồn nén vì thường ngày người ta mải miết những hoạt động tâm thức về nghề nghiệp, lo ăn, lo làm, lo đối phó với việc đời.
Khái niệm Einfühlung có một nội dung tương tự khái niệm đồng nhất hoá của Phân tâm học (trường hợp một thái độ biến mình vào một thần linh trong tôn giáo).
Khiếu thẩm mỹ xuất hiện dưới mắt Phân tâm học như sự khai triển của bản năng Ngã ái (narcissisme), người ta chuyển đổi sự yêu mến đó từ chính mình sang các đồ vật và thông cảm với đồ vật, bởi vậy người ta tưởng mình như hoá ra nhịp điệu, thanh âm, mây gió trăng sao.
Freud nói rằng xúc cảm mỹ thuật chỉ là dục tình thay đổi mục tiêu sinh lý mà chuyển qua mục tiêu thẩm mỹ, dục tình đó vẫn còn nặng khoái cảm và quyến rũ liên lạc với bản năng. Bản năng thay đổi mục tiêu dục tình nguyên thủy mà hướng về những mục tiêu dục tình nguyên thuỷ mà hướng về những mục tiêu văn hoá. Tuy nhiên, ngày nay người ta cho rằng sự sáng tác nghệ thuật còn có cái gì hơn sự thăng hoa của bản năng. Trong sự thăng hoa ấy còn có khía cạnh thích ứng với thực tế trên một bình diện nào đó tương đương với bình diện đạo đức.
Nghệ sĩ sáng tác là giải tỏa những tiềm lực trước kia xung dụng và Ngã ái, họ phóng rọi lực lượng đó vào một thực tại cụ thể để tạo ra những giá trị mà mọi người đều có thể đạt tới được. Trái với những phóng rọi bông lông và hỗn loạn của một người mê sảng bệnh hoạn, những phóng rọi của nghệ sĩ có xã hội tính và có sinh lực, tuy là phát kiến cá nhân nhưng đối thoại với tha nhân và thấu nhập tới tha nhân, vì thế có thể làm phong phú cho đời sống. Với những tính chất ấy sáng tác nghệ thuật có điều kiện để vươn mình lên trên những giá trị đạo đức quen thuộc và rồi bắt buộc mọi người phải chấp nhận vì sức mạnh đối thoại và ám thị.
Nói như vậy là có ý tách rời thẩm mỹ và nghệ thuật khỏi đạo đức, khác với quan niệm xưa nay có ý lồng giá trị thẩm mỹ vào trong giá trị đạo đức hay coi thẩm mỹ là nấc thang phải vượt qua để vươn tới đạo đức như quan niệm của Kierkegaard. Chúng ta không muốn bước sang lãnh vực triết lý. Chúng ta chỉ căn cứ vào nhận định sự việc cụ thể và sống động. Bao giờ một kiệt phẩm cũng bộc lộ ý chí vượt qua những giá trị đạo đức quen thuộc và nghệ sĩ xuất hiện như chứng nhân cho những giá trị mới đang thành hình. Họ từ khước những giá trị đạo đức tuy đã hình thành nhưng lỗi thời và họ hướng về một khái niệm đạo đức cao hơn nhưng chưa có nội dung và chính họ đề nghị cho một nội dung.
Quan niệm như vậy ta phải đem lại cho nghệ thuật một thực thể riêng biệt khác với thực thể đạo đức chứ không thể chấp nhận rằng nghệ thuật chỉ là một phản ảnh của một thực thể khác như thực thể đạo đức, thực thể cần lao, thực thể tôn giáo, v.v...
Ta thử xét vấn đề này qua hai góc cạnh nhìn văn nghệ: cạnh khía sáng tác và cạnh khía tôn chỉ.
Tính chất sáng tạo của văn nghệ
Thoả mãn thần vọng và tìm khoái trá cho riêng mình là sở nguyện nguyên thuỷ của nghệ thuật trả lời vào một chức vụ biểu tượng; chức vụ biểu tượng là phát hiện của nguồn sống tương ứng vào ngôn ngữ và đường lối ứng thù của con người. Nói đến chức vụ biểu tượng là nói đến những hiện tượng trong thâm sâu con người không nhắm hẳn vào một mục tiêu cụ thể nào nhưng hàm chứa những khuôn mẫu, những mô hình của tất cả các loại hoạt động khác. Nghệ thuật là một yêu cầu của chức vụ biểu tượng trong phạm vi nó còn là một phát động. Và khi đã có hình thức ấy thì ta có thể thấy qua lăng kính xã hội, đạo đức, siêu hình, nhân sinh quan, v.v... Phần nhiều người lý luận văn nghệ chỉ nhìn những hình thức phát động chứ không nhìn cái tiềm năng phát động. Bởi vậy họ chỉ đeo một lăng kính xã hội, hay siêu hình, hay đạo đức, v.v. để suy luận và không kể đến sự kiện tâm lý nguồn cội của nghệ sĩ sáng tác. Không có điều kiện tâm lý nguồn cội đó thì không có tác phẩm, vì nghệ sĩ trước hết là một người, con người không thể sáng tác cái gì ở ngoài điều kiện sinh lý và tâm thần của họ.
Tóm lại tiến trình của một sáng tác văn nghệ gồm có: điều kiện tâm lý sơ khởi là giải thoát ẩn ức bằng đường lối tưởng tượng và hậu quả của sự giải thoát ấy là cái gì có thể xã hội hoá, siêu hình hoá, đạo đức hoá, hay cách mạng hoá nếu người ta muốn tác phẩm phục vụ cách mạng. Nói nghệ thuật vị nghệ thuật vị nhân sinh cũng chỉ nhắm vào cái hậu quả của sự giải thoát và có ý gạt bỏ những gì liên hệ đến xúc động nội tâm, tức là những gì có tính chất đơn nhất và đặc dị của mỗi người.
Những tính chất người đó làm cho văn nghệ có tư cách là văn nghệ, nghĩa là không phải bản thông tin, bản cáo trạng, cũng không phải là cỗ xe chuyên chở luân lý hay chánh trị. Điều kiện tâm lý nguồn cội là điều kiện tiên quyết và quyết định đối với tác động sáng tác, chính điều kiện ấy đòi hỏi cho văn nghệ một thực thể cá biệt để có thể đương nỗi vai trò của nó, chứ không thể đem ghép nó vào một thực thể luân lý, chánh trị, tôn giáo, v.v. làm một công cụ để tuỳ tiện biến nó thành một bài luân lý, một bản tuyên truyền, một bản thuyết pháp. Vai trò ấy là vai trò giá trị đạo đức quen thuộc (nói trong mục thăng hoa).
Cách nhìn như thế lại bắt ta phân biệt người làm văn nghệ với người dùng văn. Dùng văn vào việc thuyết pháp hay thông tin là một việc, làm văn vì có một nhu cầu cấp bách tiên khởi đặc biệt lại là việc khác. Có khi dùng văn liên hiệp với nhau trong một người có khi không. Trường hợp có thì bản thông tin hay bản thuyết pháp không có giá trị văn nghệ; đó chỉ là bản thông tin hay bản thuyết pháp đúng nghĩa, và tất cả giá trị của chúng là ở sự thông tin hay sự thuyết pháp; sự đối thoại chỉ có trong phạm vi cái nội dung thông tin hay thuyết pháp. Trái lại sự đối thoại văn nghệ có khuynh hướng vượt ra ngoài nội dung của bản văn có dưới mắt – còn phải kể đến đối thoại phi ý thức và những ý nghĩa phong phú khác ngoài ý nghĩa câu chuyện kể. Có khi cuộc đối thoại ấy có hình thức đối thoại giữa hai người một cách không ai ngờ như trong trường hợp Valéry sửng sốt trả lời người phê bình ông: «Tôi không ngờ đã viết ra những cái hay mà các ông vừa nói». Nên để ý rằng, thường thường giá trị sáng tạo không ở trong cái nội dung thông tin hay thuyết pháp mà ở cuộc đối thoại phi ý thức và ở ngoài ý nghĩa thông tin hay thuyết pháp. Khi bản thông tin hay thuyết pháp không chứa đựng ý nghĩa nào ở ngoài ý nghĩa trực tiếp, chuẩn xác thì đích xác, tất cả mọi biện pháp đã được vận dụng để lệnh truyền không thể hiểu ra đằng khác, thì thông tin hay thuyết pháp không phải là văn nghệ.
Khi cổ nhân nói rằng «ngôn tại ý ngoại», cổ nhân nhấn mạnh vào những ý nghĩa ở ngoài ý nghĩa trực tiếp của câu văn. Sự «khai thác những ý nghĩa trực tiếp» là thông tin. Nếu ta đọc Kafka mà chỉ biết có ý nghĩa trực tiếp của câu chuyện kể thì ta không hiểu Kafka, ta chỉ hiểu Kafka, như một người thông tin chứ không như một nhà văn. Nhưng hai khía cạnh thông tin và tạo ý nghĩa ngoài sự thông tin đều phải có phẩm chất, vì nếu nhà văn gà mờ nói những cái không đúng sự thực, không hiện thực, thì cũng bất thành khí cục, còn nhà văn chỉ biết hiện thực mà không tạo được ý nghĩa nào khác ngoài ý nghĩa hiện thực thì họ chỉ là người.
Simone de Beauvoir muốn cứu vãn danh dự cho nhà văn, không muốn đồng hoá họ với người thông tin, nên yêu cầu họ đóng góp một phần cá tính đơn nhất và đặc dị của họ vào văn phẩm. Nhưng ta cần phải hiểu phẩm chất của phần đặc dị và đơn nhất ấy. Đó có phải là những phóng rọi bông lông và hỗn loạn của một người mê sảng, bệnh hoạn, cuồng tín, hung hăng, quyết liệt, thiên lệch vì một ám ảnh phụ nữ chăng? hay đó là những phóng rọi có sinh lực, có xã hội tính quân bình, tuy là phát kiến cá nhân nhưng đối thoại với tha nhân và thấu nhập tới tha nhân vì xã hội tính quân bình của nó và làm phong phú cho đời sống. Sự vươn mình lên trên những giá trị đạo đức quen thuộc chỉ có thể chấp nhận nếu có sức mạnh đối thoại, sức mạnh đối thoại đó tác động như sự ám thị để bắt buộc chấp nhận.
Sự phân chia văn nghệ của ta ra hai loại khá rõ rệt và quá tàn bạo nhắc nhở ta phải chú trọng đến vấn đề đối thoại. Văn nghệ trí thức có đối thoại với giới trí thức và văn nghệ bình dân có đối thoại trong giới bình dân.
Văn nghệ trí thức thiên về hướng thông tin và phân tích tình hình đích xác và hiện thực, vì ý nghĩa trực tiếp và đối thoại phi ý thức. Nghệ sĩ hầu như bị giam hãm trong hệ thống kỹ thuật và ngôn từ chưa được phổ biến trong đại chúng, số độc giả chỉ giới hạn trong một thiểu số độc giả hiểu biết kỹ thuật và ngôn từ ấy.
Khuynh hướng thứ hai viết văn cho người bình dân đọc, người ta được cái may mắn sử dụng ngôn từ và kỹ thuật dễ hiểu hơn cho nên có nhiều hy vọng gây đối thoại phi ý thức. Nhưng đáng tiếc là người viết quá dễ dãi, thiếu phát kiến đặc thù và có sinh lực. Phần nhiều đối thoại phi ý thức thực hiện với những giá trị lỗi thời, nhiều khi chỉ là một ảo tưởng giá trị.
Sự phân tích tình hình văn nghệ trên đây đòi hỏi nhiều khả năng văn nghệ và văn hoá tổng quát, Phân tâm học có thể đem lại nhiều tia sáng cần cho sự phân tích.
Thực thể văn nghệ và tôn chỉ văn nghệ
Chúng ta không thể có một ý thức rõ ràng về tình hình văn nghệ nếu không có một công việc nghiên cứu rộng, nhưng chúng ta có thể nói đến một vài sự kiện liên quan đến quan niệm nghệ thuật là một thực thể riêng biệt đứng song hàng với những thực thể chánh trị, tôn giáo, đạo đức, luân lý, v.v... chứ không là một công cụ của những hoạt động chính trị, tôn giáo, đạo đức, luân lý. Nói như vậy là ta đòi hỏi cho văn nghệ có tự do của nó không bị bóp nghẹt bởi những đòi hỏi giống chính trị, tôn giáo, đạo đức, luân lý điều kiện tối yếu để văn nghệ chu toàn được nhiệm vụ sáng tạo những giá trị tương lai. Bằng ngôn ngữ biểu tượng của văn nghệ,văn nghệ soạn thảo một dự án biểu tượng chính trị, tôn giáo, đạo đức, luân lý đời sống nhào nặn uốn nắn thành hình thể nhất định đạo đức chính trị, tôn giáo, đạo đức, phong tục, luân lý pháp luật cô đúc thành hệ thống và đem phổ biến.
Quan niệm rằng có một thực thể văn nghệ và có một điều kiện tâm lý nguồn cội để sáng tác, có thể cởi bỏ cho ta những ám ảnh về vấn đề nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh xuất hiện dưới những hình thức khác ngày nay. Khi ta đã công nhận cho nghệ thuật một điều kiện nội tâm tối thiểu và một thôi thúc xuất ngôn thì người nghệ sĩ ý thức được làm văn nghệ và dùng văn nghệ trong cùng một tác động sáng tạo; nghệ sĩ phải là nghệ sĩ nhiên hậu mới có vấn đề sử dụng kỹ thuật; và kỹ thuật trở thành ngôn từ của riêng họ sử dụng vì ngôn từ là một phần của cái toàn diện đời sống của họ. Một khi người nghệ sĩ đã thành hình thì họ sẽ tuỳ năng khiếu mà phát lộ ý nghĩa sáng tạo qua những tôn chỉ «xã hội»,ý thức hệ chính trị, giáo dục, văn hoá nói chung, Đạo đức học, Hiện tượng học, v.v... Rừng văn nghệ không thể giới hạn vào một phạm vi nhất định như phạm vi tranh đấu cho một giai cấp, một chủ nghĩa, một trào lưu tư tưởng. Và văn nghệ không phải là dụng cụ để phục vụ sự tranh đấu với luận điệu quyết liệt không kẽ hở của một bản tuyên truyền. Cũng không thể cho rằng tôn chỉ này chính yếu, tôn chỉ kia thứ yếu. Nghệ thuật có cái tinh khiết, cái đứng đắn của nghệ thuật, và nó cần những đức tính ấy vì yếu tính của nó và vì đó là điều kiện thiết yếu để đương nổi vai trò một thực thể của đời sống chỉ có chức vụ sáng tạo những giá trị ngày mai là lý do tồn tại chính yếu.
Linh hồn văn nghệ
«Nghệ thuật lớn là đời sống». Câu nói thật khó hiểu nếu ta suy nghĩ một chút về những cách mà người ta có thể hiểu được câu nói ấy. Nghệ thuật nào không tự cho mình tiêu biểu cho sự thật cuối cùng của sự sống, không tự nhận vai trò sáng tạo?
Điều này liên hệ đến những cái gì chúng ta đã nói về yếu tính sáng tạo của văn nghệ. Tư tưởng của Jung về văn nghệ có nhiều khía cạnh phù hợp với ý kiến mà chúng tôi trình bày dưới hình thức phổ thông trên đây, vậy trong mục này chúng tôi sơ lược ý kiến của ông và thêm vào một vài điểm.
Chúng ta sống xa những bí mật của đời sống tuy rằng những bí mật đó vẫn dẫn tắt ta, bởi vì hiện tượng sinh sống diễn biến mà ta chỉ hiểu nó qua những hình ảnh, ý niệm và ý nghĩa mà ta có về hiện tượng ấy mà thôi. Một loại hình ảnh, ý niệm và ý nghĩa trả lời vào cái mà ta gọi là «đẹp» tức là nghệ thuật.
Kiệt phẩm không bao giờ là một hình ảnh có một nghĩa đơn độc, kiệt phẩm đưa ra một hình ảnh như tạo hóa
Làm mọc một cái cây và để ta tự tìm lấy một kết luận (hay nhiều). Muốn hiểu ý nghĩa nghệ phẩm ta phải để cho nghệ phẩm «đào luyện» ta, cũng như nó đã đào luyện nghệ sĩ . Nhờ đó mà ta hiểu được thế nào là kinh nghiệm nguyên thuỷ của nghệ sĩ: họ đã lặn xuống tận đáy sâu linh hồn nhân loại, ở chỗ mà những rung động là rung động chung của tất cả mọi người; bởi vậy một kiệt phẩm không có quốc tịch, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.
Cái cây hút nhựa từ dưới đất và khí trời nhưng yếu tính của nó không phải là chất đất và khí trời, từ cái hạt mầm đã có sẵn những yếu tính của thân, cành lá, hoa, đặc điểm riêng; chất đất và khí trời giúp vào sự sáng tạo của thân, cành, lá, hoa, nhưng yếu tố của thân, cành, lá, hoa ở ngoài chất đất và khí trời. Yếu tính của nghệ thuật không khác gì yếu tình của cái cây, không thể cho rằng những phát hiện bề ngoài của nghệ thuật mang tính chất từng địa phương, từng thời đại là yếu tính của nghệ thuật. Mọi nỗ lực hợp lý hoá những phát hiện bề ngoài đó để giải thích đều thất bại. Người ta không thể hiểu hết ý nghĩa của thần thoại Oedipe chẳng hạn vì sự giải thích nào cũng có lý, nhưng tinh lý của thần thoại vẫn là sự bí mật, bí mật của đời sống. Một kiệt phẩm như hoạ phẩm Joconde cũng vậy, không chấp nhận một sự giải thích nào là giải thích được là cái nội dung của cái mầm trong một hạt, ta trông thấy nó là một đốm trăng trắng độ vài ly. Cái đốm trăng trắng ấy chứa đựng cả một cây đa to lớn tương lai nhưng khoa học không thể cho biết yếu tính của cái mầm ấy là cái gì, nó thế nào.
Chưa có cái gì bảo cho ta biết yếu tính của nghệ thuật đồng nhất với yếu tính của khoa học. Ta biết rằng trong tâm trí người bàn cổ, nghệ thuật, thành một khối bất phân, ta đi ngược mãi lên ngọn nguồn dòng tiến hoá, ta chỉ thấy những dấu hiệu đơn sơ nhất của những phát hiện nghệ thuật, khoa học, tôn giáo, nhưng ta không nắm được nguyên lý cuối cùng nào chứng tỏ ba phát hiện ấy cùng là một.
Yếu tính của nghệ thuật cũng không thể tìm thấy trong cá tính của nghệ phẩm – thấm nhuần cá tính của người sáng tác – yếu tính của nghệ thuật vượt lên trên cá tính nghệ phẩm để đối thoại với nhân loại, nhân loại bất kỳ thời nào, xứ nào. Bởi vậy cá tính nghệ sĩ là yếu tố dẫn đến sự lý hội yếu tính nhưng cũng có thể hạn chế sự lý hội đó nếu nghệ sĩ non tay. Đó là một nghịch lý quan trọng.
Tác động sáng tác của nghệ sĩ xuất hiện tự phần nữ tính trong con người, nghệ thuật là thế giới của người mẹ trong tâm hồn ta. Tiềm thức là cái lò nung đúc sự sống, gốc gác tối thượng của vận mệnh kiếp người, bởi vậy nó nhiệm mầu hơn tâm thức, nó có sức mạnh như một mạch nước dưới sâu lôi cuốn con người đi, nhiều khi không cần biết đến những biến cố ngoài đời.
Tác phẩm nghệ thuật khoác những hình thức có dấu tích lịch sử – như người Âu có nghệ thuật Trung cổ, Phục hưng, Kim thời – nhưng thực ra không phải những kinh nghiệm lịch sử đó tích tụ lại trong tác phẩm (hay trong người nghệ sĩ ), vì nghệ sĩ lớn bao giờ cũng vượt qua sự thật của một thời đại; nói sáng tạo là nói sáng tạo cái gì chưa có. Kinh nghiệm của họ đi ngược trở lên dòngg lịch sử rất xa, họ trở lên kinh nghiệm nguyên thuỷ của linh hồn, ở chỗ đó nguồn sống còn trinh nguyên; chưa phát ra hình ảnh và ngôn ngữ, họ huy động những tài liệu để diễn tả cái chân lý cuối cùng ấy với đầy đủ những nghịch lý, khắc khoải và vỗ về của một huyền tượng. Trên cái thang giá trị đủ thứ loại và đủ thứ mầu sắc ấy cuộc sống diễn ra từ những hình ảnh cao đẹp đến hình ảnh thô lậu, từ nét vẻ tôn nghiêm siêu phàm đến nét vẻ thiết thực bình dị.
Kinh nghiệm yêu đương phải là kinh nghiệm sống thực tâm trạng yêu đương, và thế giới của kẻ yêu đương xuất hiện trong tâm trạng có thực ấy chứ không phải nhân một sự giả tạo tình yêu. Thế giới ấy là một thực thể tâm thần hiểu theo nghĩa chính xác nhất. Kinh nghiệm sáng tác nghệ thuật cũng vậy, nghệ sĩ đã sống những huyễn ảnh của mình và thế giới huyễn ảnh cũng là một thực thể tâm thần, nghĩa là không phải có cái thực ngoài đời. Cuộc đời với những đam mê và sinh hoạt của nó diễn ra trên bình diện tâm thức nhưng thực thể tâm thần với những huyễn ảnh ấy xảy ra trên một bình diện khác. Nghệ sĩ miêu tả bằng ngôn ngữ trần gian, bởi vậy khó lòng mà nói được thực chất của huyễn ảnh; huyễn ảnh xuất hiện dưới hình thức nguỵ trang, bởi vậy có đủ cả sự lừa phỉnh lẫn sự chân thành tuỳ trình độ lý hội của người thưởng thức.
Trí khôn làm vua trong lĩnh vực khoa học. Nhưng khoa học tự nó không phải là một cứu cánh mà nó chỉ là một phương tiện. Khoa học có thể là phương diện bén nhọn nếu đem áp dụng vào ý hướng sáng tạo. Ý hướng sáng tạo (dùng phương tiện khoa học) là ý nghĩa cuối cùng của khoa học, chứ khoa học không phải ý nghĩa cuối cùng. Ý hướng sáng tạo ở trong người nhà bác học chứ không ở trong môn học gọi là khoa học, khoa học sẽ ngừng lại ở những sở đắc ngày nay nếu không có nhà bác học tiếp tục ý hướng sáng tạo, tức là phát hiện của dòng sông luôn luôn biến hoá. Rút cục ta chỉ còn nhà bác học với sự thật tâm lý cuối cùng của họ đại diện cho chân lý tối thượng.
Luận điệu đề cao vai trò của tâm lý dắt ta đến hậu quả sau đây: người ta không đạt được mục tiêu của cuộc sống nếu chỉ phục vụ mục tiêu riêng của khoa học, vì khoa học giúp ta hiểu biết sự việc và vật chất, nhưng khoa học chống đối lại những mục tiêu khác với mục tiêu của nó. Nó bị giam hãm trong phạm vi hạn hẹp những đối tượng của nó. Heidegger không nói cái gì khác khi ông tố giác sự cáo chung của triết lý Tây phương, một nền triết lý chỉ biết có việc riêng của triết lý, tức là tìm nguyên lý của phương pháp khoa học. Khoa học không biết đến những mục tiêu khác của hiện tượng sinh sống.
Đứa trẻ lúc chơi vận dụng trí tưởng tượng của nó. Nghệ sĩ hay nhà bác học cũng làm thế. Trí tưởng tượng hầu như là động lực sáng tạo của tinh thần. Có những tưởng tượng bông lông, bệnh hoạn, nhưng có những tưởng tượng đại diện cho ước vọng sâu xa của cả một thời đại. Thời đại nào cũng có một cách nhìn một chiều, những thành kiến, những khuyết điểm của thời đại ấy và cần một sự quân bình; thế giới tưởng tượng của người có huyễn ảnh đưa ra cái gì lắng chìm trong tâm trí mọi người chưa thành hình cụ thể, hay khuyến khích những khuynh hướng mới.
Nghệ sĩ là người đem lại cho ta một bức thông điệp, ta phải hiểu bức thông điệp ấy không phải là những giá trị lắng đọng và quen thuộc theo cách nhìn của thời đại mà là những gì còn tiềm ẩn, chính vì thế mà huyễn ảnh của họ có ý nghĩa một lời tiên tri. Số mệnh của họ là số mệnh một sứ giả mà lý do sống còn là bức thông điệp, bởi vậy nghệ sĩ phải hy sinh tất cả cái gì đáng sống của một người bình thường mà không thể cưỡng lại.
Nhiều khi tư chất thượng thặng của con người phát triển đến tột độ nhưng những khả năng khác không phát triển theo một nhịp tương xứng. Thần khí có khi chênh lệch với tính tình quá xa. Một trí thông minh tuyệt vời có thể sáng tác được cái gì khả thủ nếu con người đạo đức của họ hèn kém? Như vậy một sáng tác chỉ có giá trị xã hội nếu cốt cách con người là cốt cách đạo đức, và họ hy sinh cái gì đáng sống của người trung bình chính vì cốt cách đạo đức không cho phép chấp nhận những hành vi lợi dụng, tranh giành, hay giả dối thông thường.
Nghệ sĩ không thích ứng được với cuộc đời một cách tương đối, nhưng kẻ thông minh mà không cốt cách đạo đức thích ứng một cách hoàn toàn với những hành vi ấy; tất cả đều thuận dòng để y xa rời đạo đức. Sáng tác của nghệ sĩ chân chính vượt lên trên những giá trị đạo đức quen thuộc, như vậy ta không thể cho đạo đức là một kết quả của sự thích ứng với hoàn cảnh xã hội, một cái gì xuất hiện từ sự đổi chác có ý nghĩa biểu tượng như quan niệm của Lévi - Strauss. Ta phải ngờ rằng đạo đức phải xuất hiện như một hoạt động biểu tượng, như một thực thể tâm thần, ở một vị trí sâu thẳm đã xuất phát ý hướng nghệ thuật.
Chỉ trong quan niệm ấy ta mới có thể nói đến người hiền vì thánh hiền không phải là người chỉ gom góp những giá trị đạo đức phổ biến trong dân chúng một thời đại để lập giáo; còn có sự chỉnh đốn, sự loại bỏ, sự tái tạo và sáng tạo. Một số yếu tố nào đó đã tạo ra một cơ cấu quá khứ với ý nghĩa của nó không ăn nhập gì với thời đại sau, nhưng cơ cấu thời đại sau cũng có một phần những yếu tố ấy sót lại, hoà hợp lại, sắp xếp lại những yếu tố mới và có khi cả những yếu tố moi móc từ một quá khứ xa hơn.
Loại người là người hiền hậu như bất lực không thể thành công được với cách xử sự theo quan niệm đạo đức ước lệ. Phần nhiều vị thánh có quá khứ nặng lỗi lầm. Cuộc đời như dồn họ vào một ngõ duy nhất, một con đường độc đạo, là đường thiện, ngoài ra họ bất lực. Áp lực ngoài đời muốn kéo họ vào đường mòn lối cũ mà họ không thích ứng được, áp lực bên trong ngược lại, cột họ vào với một thế giới tượng hình là cái thực thể tâm thần của họ không ăn nhập gì với đòi hỏi thực tế. Họ phải ném hết những thôi thúc thích ứng với thường tình mà xuất phát các thực thể tâm thần ấy thành hình tượng cụ thể mà ta gọi đạo, là «thiện».
Có thể rằng thánh hiền là một sự tuyển lựa những giá trị có trước mình như Khổng Tử san định Kinh Thi, nhưng sự thêm bớt và hệ thống hoá lại để trả lời vào lời yêu cầu của đạo, mình làm cho cái nội dung ấy xuất hiện như cái áo khoác ngoài của một thực thể tâm thần, mà Khổng Tử sống mãnh liệt. Việc san định ấy là sự sáng tạo, bình cũ nhưng rượu mới. Nội dung ấy cũng không thích ứng hẳn với thế hệ Khổng Tử vì không được nước nào chấp nhận. Như vậy càng chứng tỏ đạo của Khổng Tử không phải là sản phẩm của thời đại và cũng không phải là cơ cấu của thời đại.
Đạo của người hiền chính là sự chuyển đổi một thực thể tâm thần của họ sang bình diện đời sống thực tế, như vậy họ là nghệ sĩ, và sự sáng tạo của họ chỉ có hình thức khác tác phẩm nghệ thuật mà thôi.
Vả chăng, nếu ta để ý đến đời sống của thánh hiền ta cũng thấy những dấu hiệu thanh khiết và khác biệt thường tình của nghệ sĩ, một sự không thích ứng bất cập.
Đức của người quân tử, huyễn ảnh tín của vĩ nhân, vinh quang của nghệ sĩ và khoa học gia chưa bao giờ đặt trên sự phục tùng những ước lệ của thời đại họ sống: trái lại họ phá bỏ những ước lệ ấy, họ vượt lên trên đám quần chúng vẫn níu lấy tin tưởng và thói quen của cộng đồng. Sinh hoạt sáng tạo vẫn có khuynh hướng ở ngoài những giá trị ước lệ.
Chú thích:
[1] R. Barthes gọi là ngôn ngữ thứ hai, so với ngôn ngữ của người sáng tác là ngôn ngữ chính của tác phẩm.
VIII. Phân tâm học và tôn giáo
Qua học thuyết và thái độ của Freud, người ta nhận thầy ông có quan niệm vô thần. Các môn đệ của ông muốn tỏ ra không quan tâm đến vấn đề tôn giáo. Vấn đề tôn giáo có tầm quan trọng về phương diện trị bệnh bằng Phân tâm học vì trong sự liên lạc giữa ông thầy và con bệnh dầu sao cũng đề cập đến những vấn đề then chốt về sự tin tưởng tôn giáo. Chung quanh vấn đề tôn giáo và Phân tâm học đã có nhiều cuộc thảo luận, rất nhiều sách phân tích các cạnh khía của vấn đề ấy.
Năm 1953 Đức Giáo hoàng đã tiếp kiến thành viên tham dự cuộc Thảo luận quốc tế lần thứ Năm về tâm lý trị bệnh tại Rome. Cuộc thảo luận ấy có mục đích xác định lập trường của Giáo hội Công giáo đối với vấn đề tâm lý trị bệnh (người ta không muốn nói đến danh từ Phân tâm học).
Muốn nghiên cứu những nét đại cương của ảnh hưởng Phân tâm học đến tôn giáo người ta phải nghiên cứu và so sánh thái độ của các tôn giáo đối với những khám phá của Freud. Mỗi tôn giáo như Thiên chúa giáo, Do thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo đều có những thái độ khác nhau. Đối với Thiên chúa giáo đã có nhiều cuộc nghiên cứu cho biết sự liên lạc giữa vài biểu tượng tôn giáo ấy và mặc cảm Oedipe.
Mặc cảm Oedipe và biểu tượng tôn giáo
A. Hesnard đặt câu hỏi: «Adam bị Eve xúi giục phạm tội và hai người bị Chúa Cha đầy ải, từ đấy họ biết xấu hổ vì thấy mình không có gì che thân. Thần thoại đó có ý nghĩa gì? Huyền tượng Thánh Nữ Đồng Trinh phải chăng có ý nghĩa gây một ấn tượng thanh khiết về vị thánh nữ, xoá bỏ hình ảnh nhục dục coi như một sự cấm đoán? Ông nghĩ đến những ý nghĩa của thần thoại Oedipe và mặc cảm «bị hoạn».
Nhà Phân tâm học Westerman - Holdstyn nghiên cứu mặc cảm Oedipe, cho rằng tôn giáo nào, nhất là tôn giáo cổ thời, cũng có tác dụng làm rung động sâu xa phần tiềm thức của con người. Qua những trạng thái xuất thần nhập hoá, tham thiền, con người muốn hoà mình với thiên nhiên. Con người phóng rọi những mê vọng của mình vào các đấng thần linh. Người ta phóng rọi những tâm trạng sâu xa thầm kín và gần thiên nhiên nhất. Bởi vậy người nghiên cứu nghĩ rằng muốn hiểu người xưa có ý nghĩa sâu xa nhất về cuộc đời như thế nào phải tìm hiểu các thần linh và thần thoại của họ. Những công việc khảo sát của ông cho biết những loại thần thoại Oedipe rất phổ biến trong nhiều tôn giáo cổ:
Vị thần tối cổ ở Hy Lạp, Erebos giết cha Chaos lấy mẹ Nux. Uranus lấy mẹ Gaia, con là thần Zeus đuổi Chronos để lấy chị ruột Hera.
Tại Ai Cập, thần Amon loạn luân với mẹ Neith. Nữ thần Isis từ trong bào thai đã loạn luân với anh ruột song thai là Osiris, sau này lại loạn luân với con trai Horus. (Theo Jung thì sự huyền bí người – trời của Thiên chúa giáo bắt nguồn từ huyền tượng Osirisd – Horus).
Tại Ấn Độ, có thần thoại Maja loạn luân với Agni, Tanit với Mithra (theo Max Müller).
Tại Nhật Bản hai thần linh tạo ra trời đất là Ijanari và Ijanari, mẹ và con trai, là vợ chồng v.v.
Đó là những huyền thoại loạn luân có sắc thái huyền bí thiêng liêng, Phân tâm học cho là những hình ảnh trong tiềm thức xuất hiện dưới hình thức nguỵ trang.
Ở nước ta chưa có những việc khảo sát Phân tâm học về thần thoại và thờ cúng cho nên không biết những hình ảnh biểu tượng chính yếu của chúng ta có hình thức nào. Có lẽ trong cuộc sống tối sơ đời sống tinh thần của chúng ta cũng được dẫn dắt bởi những huyền thoại mầu sắc dục tính mà vết tích là những tượng bà Đanh, những tục thờ dâm thần sau này ẩn vào các cuộc tế lễ kín đáo gọi là hèm. Sở dĩ có lễ hèm vì Khổng giáo được truyền bá như một quốc giáo với những nghi lễ rập theo nghi lễ nhà vua. Khổng giáo muốn bài trừ những tục lệ «nhảm nhí», vào thời ấy Khổng giáo xuất hiện như một cố gắng triết học duy lý dẹp hết mọi khuynh hướng thần thoại và cố gắng giới hạn đời sống tình cảm trong những tương quan hợp lý. Từ nhà Chu việc sưu tầm Kinh Thi đã có ý kiểm soát phong tục, loại bỏ những phong dao tục ngữ không trả lời vào quan niệm luân lý thời ấy, xứ Trịnh, xứ Vệ được coi là có những thói tục dâm đãng. Đến Khổng Tử thì sự chọn lọc còn gắt gao hơn vì Khổng Tử muốn tìm căn cứ phong tục và tập quán cho lý thuyết quân quyền và phụ quyền.
Như vậy sự chỉnh đốn tâm tình theo một chiều giới hạn đã có từ nhà Chu bên Trung Quốc và ở nước ta thì có từ khi Khổng giáo lan tràn sang, nhiều người cho là từ đời Triệu Đà. Những trào lưu tư tưởng lớn mạnh ảnh hưởng sâu xa đến nếp sống dân tộc của ta và có tính cách tôn giáo như tư tưởng Khổng, Phật, Lão đều từ ngoài đưa vào và sống chung với đạo thờ cúng tổ tiên. Chúng tôi cảm tưởng như một nếp sống duy lý cố gắng giành lấy phần quyết định ý nghĩa cuộc đời và thay thế cho ý nghĩa toàn diện đó của nhiều dân tộc khác, nhất là bên Tây phương, phát hiện bằng tương quan biểu tượng, mà những thần thoại dính dáng đến tính dục như huyền thoại Oedipe biểu lộ đầy đủ hơn cả.
Jung đã định nghĩa biểu tượng là một chữ hay một dấu hiệu tuy đã quen thuộc với ta hàng ngày nhưng còn gợi lên những ý nghĩa khác ngoài ý nghĩa hiển nhiên và trực tiếp.
Các tôn giáo có rất nhiều biểu tượng. Chúng ta biết những biểu tượng chính như thập tự, chữ vạn, bánh xe luân hồi. Nhiều Phân tâm học gia đã nghiên cứu biểu tượng tôn giáo.
Trong cuốn Thăm dò tiềm thức, Chương nói về siêu tượng, Jung đã trình bày quan niệm của ông về biểu tượng tôn giáo. Siêu tượng, hay vết tích bàn cổ, hay hình ảnh nguyên thuỷ là những cách biểu lộ nguồn sống của cái psyché (linh hồn). Psyché là nền móng của tinh thần trong con người. Siêu tượng không phải là hình ảnh hay ý tượng nhất định về thần thoại, về biểu tượng tôn giáo; nó là những khuynh hướng tạo ra thần thoại và biểu tượng tôn giáo. Khuynh hướng đó ở trong thế giới tiềm thức, thế giới của thực thể tâm thần, còn biểu tượng tôn giáo, biểu tượng giấc mơ và thần thoại là những sản phẩm của ý thức. Người ta không biết gì về nguồn gốc của siêu tượng, siêu tượng có thể biểu lộ vào bất cứ thời nào, bất cứ ở đâu trên khắp thế giới. Một đứa bé sinh ra ở Âu châu vào thời này đã có những giấc mơ biểu tượng về các tôn giáo cổ, ông đưa thí dụ này ra để giải thích thế nào là siêu tượng. Cách nhìn của Jung làm thất vọng những học giả trung thành với thuyết của Freud vì họ không muốn tìm sự giải thích ở ngoài con người (cái psyché của Jung không thể dung hoà được thuyết ấy).
Baudoin nghiên cứu lại quan niệm về linh hồn của Jung, ông nói đến một «khách thể nội tâm» (objectivité intérieure). Cái khách thể nội tâm ấy, hiểu theo một nghĩa nào đó, là những hiện tượng ở trong ta, ta thụ động mà chịu chúng chi phối hay ta tham dự vào hoạt động mà chịu chúng chứ không phải ta là chủ động, thí dụ: giấc mơ, hình ảnh bông lông, mê say, v.v. gọi là khách thể vì nhiều người khác cũng có một khách thể nội tâm như ta. Như vậy, khách thể nội tâm cũng ở ngoài cái «tôi». Cái «tôi» theo quan niệm của chúng ta về Phân tâm học là thuộc thành phần tâm thức, vì ta ý thức được. Nhưng Baudoin muốn chẻ đôi cái «tôi» ra làm hai, cái «tôi» có hai mặt, một mặt tiền trông ra ngoài, một mặt sau trông vào trong. Mặt trong của cái tôi ấy ta không ý thức được. Mặt trong của cái tôi ấy là chỗ xảy ra những hiện tượng «khách thể nội tâm» đã làm phát sinh những biểu tượng, những sự phóng rọi tuỳ theo thời đại và dân tộc. Như vậy, lập trường của Baudoin là không muốn tìm sự giải thích ở ngoài con người, ở một cái tiềm thức tập thể như Jung, ông để cái «khách thể nội tâm» vẫn còn ở «trong» con người.
Hoạt động tôn giáo đối với ông cũng xuất hiện như một thực thể, thực thể tôn giáo. Thực thể tôn giáo cũng bắt nguồn từ trực giác như sự tín ngưỡng vậy; tín ngưỡng là một loại hiểu biết phi ý thức, phi lý trí, đúng hơn là siêu lý trí.
Đối với ông, thì biểu tượng tôn giáo xuất hiện một cách tự nhiên như một thực thể biểu lộ con người sinh lý, rồi sau mới được suy diễn thành những ý nghĩa hợp lý, và sự suy diễn ấy làm nghèo nàn nội dung của biểu tượng. biểu tượng đè nặng xuống con người như một động lực nguyên thuỷ thúc đẩy cuộc sống tiến tới, bởi vậy biểu tượng là nòng cốt đời sống xã hội của các dân tộc cổ sơ, trong các xã hội văn minh vai trò của tôn giáo là vai trò đoàn kết, vai trò tạo liên lạc tinh thần giữa những khối người lớn. Biểu tượng tôn giáo tạo ra hay phóng ra những giá trị và những giá trị đó là sức mạnh tin tưởng và sức mạnh hoằng triển của tôn giáo.
Tuy nhiên, ta cũng phải nói qua vài lời về cách nhìn của triết gia Emile Bréhier. Đối với ông thì hình ảnh biểu tượng lúc khởi thuỷ là một hình ảnh thực sự mà người ta có về một vật có thực. Trong một huyền thoại có ba sự kiện liên lạc mật thiết với nhau: một kinh nghiệm, một tin tưởng và một nghi lễ. Lúc khởi thuỷ, hình ảnh tượng trưng cho cái gì không có tính cách biểu tượng. Ví dụ «linh hồn tung cánh» của Hy Lạp. Mới đầu nó là hình con chim cắt. Con chim cắt đối với Hy Lạp cổ là linh hồn người ta, người ta đồng nhất hoá linh hồn mình với con cắt. Kinh nghiệm, tin tưởng và nghi lễ mà người ta gắn liền với hình ảnh con cắt sau này thay đổi cho nên con cắt trở thành biểu tượng, nghĩa là chỉ có ý nghĩa tượng trưng chứ không còn những tin tưởng và nghi lễ như cũ. Người ta dùng hình ảnh cũ để hình dung ra một thực tại đời sống khác.
Tây phương, vẫn theo E. Bréhier, có ba loại tư tưởng diễn tả bằng huyền thoại Khổng Tử.
Huyền thoại Psyché mà Empédole và Platon đã dùng huyền thoại ấy nói đến một thứ luật tuần hoàn về sinh tử, vận mệnh con người lệ thuộc vào luật ấy.
Huyền thoại cứu rỗi và cứu thế, số mệnh loài người tuỳ thuộc sự định đoạt của thượng đế.
Huyền thoại xã hội và nhân bản ngày nay; vận mệnh con người ở trong tay con người và tự định đoạt lấy.
Huyền thoại là tư tưởng sống động, là những nét biểu lộ một thực tại sống động mà người ta chưa tìm được cái gì ý nghĩa hơn nó để thay thế nó, là tư tưởng dưới hình thức trực giác và tưởng tượng.
Xét nguồn cội của biểu tượng và huyền thoại theo E. Bréhier như vậy thì còn gì là giá trị của thuyết siêu tượng với khách thể nội tâm nói trên kia? Nhưng theo thiển ý thì tư tưởng triết học với thuyết Phân tâm học không hẳn là mâu thuẫn với nhau. Triết học lý luận trên những sự kiện xuất hiện ra ngoài có thể phân tích được, còn Phân tâm học phân tích hiện tượng nội tâm liên lạc đến những sự kiện đó. Còn ở trong nội tâm thì Phân tâm học gia gọi là khách thể nội tâm , đem phóng rọi ra ngoài, phóng rọi vào con chim cắt như trường hợp «linh hồn tung cánh» của Hy Lạp thì đó là biểu tượng. Hai bên cùng luận đến ý nghĩa sống động và toàn diện về đời sống con người của biểu tượng và huyền thoại.
Thái độ của Phân tâm học gia đối với vấn đề niềm tin tôn giáo
Freud so sánh tôn giáo với tình trạng suy nhược thần kinh, tôn giáo là suy nhược thần kinh tập thể, còn suy nhược thần kinh chính thức là trường hợp cá nhân. Bây giờ người ta cho rằng cách nhìn của ông không mở lối cho sự tiến triển công việc nghiên cứu về sau.
Trong cuốn «Tương lai của một ảo tưởng» Freud muốn dùng Phân tâm học để cởi bỏ cho con người những niềm tin tôn giáo mà ông cho là ấu trĩ. Freud là người nguồn gốc Do Thái. Bốn đặc điểm của Do Thái giáo là: Tình huynh đệ giữa những người đồng đạo; công bình triệt để; lẽ phải và kiến thức để lập mối tương giao giữa tín đồ; không có thế giới bên kia, sự thưởng phạt sẽ có ngay ở đời sống thế phàm. Như vậy Chúa Cứu thế của họ không phải Chúa đón họ lên Thiên đàng, giải tội cho họ, mà là Chúa tái lập tại trái đất này một thế giới công bình, thế giới của Chúa công bình. Người ta cho rằng tín lý ấy đã đem lại cảm hứng cho những ý thức hệ xã hội và nhân bản sau này.
Với những tín lý ấy, tâm lý người tín đồ Do Thái khác tâm lý người tín đồ Thiên chúa giáo rất sâu xa. Ông Trời của người Do Thái là ông Trời công bình, nhưng lạnh lùng xa cách với thường tình nhân loại. Ông Trời của người Thiên chúa giáo là ông Trời tình yêu, gần với người hơn và hiểu người hơn, bức thông điệp của tình yêu còn mang lại sự tha thứ và sự từ thiện hàn gắn lỗi lầm của loài người vì con người ta «cái tóc cái tội».
Freud cho tôn giáo là một ảo tưởng, vậy ông không biết đến tình cảm và rung cảm của con người chăng? A. Hesnard biện hộ cho Freud đưa ra ý kiến rằng Freud nhìn thấy một yếu điểm chung cho tôn giáo và bệnh suy nhược thần kinh: sự chống lại bản năng hung hãn và dâm đãng. Nhưng tín điều tôn giáo không được người đời tôn trọng đứng đắn.
Freud tố giác tôn giáo là một ảo tưởng, nhưng thái độ của Phân tâm học ngày nay tỏ ra hiểu biết tâm lý loài người hơn, loài người vẫn cần tin tưởng tôn giáo và sự tin tưởng ấy chưa biết ngày mai sẽ có hình thức nào.
Đứng về phương diện trị bệnh, ông thầy không đả động đến sự niềm tin sâu xa của con bệnh – niềm tin sâu xa về kiếp người; ông thầy chỉ cố gắng làm cho họ hiểu được thế nào là thái độ tin tưởng nguỵ tạo, giúp họ phân biệt chân nguỵ và cởi bỏ cho họ sự áp bức bệnh hoạn.
Mới đây Phân tâm học khám phá ra phạm trù «người khác hiện hữu trong tôi», đem lại một quan niệm phân tâm trị bệnh mới mẻ. Tín ngưỡng tôn giáo chân thực có thể đồng hoá với tâm trạng một người đạt được một sự tin tưởng mãnh liệt giúp họ có một nhân sinh quan mới đầy đủ hơn và giúp họ thoát ly được nhiều khắc khoải băn khoăn. Con người thư thái an hoà là điều kiện tiên khởi của trật tự và an ninh xã hội. Một khuynh hướng mới của các Phân tâm học gia thành Vienne muốn áp dụng sự phân tích để đạt tới một lãnh vực sâu thẳm của tâm linh, mục đích là mở đường cho con người ý thức được ý nghĩa chân thực của cuộc sống, của số mệnh. Một khuynh hướng khác, khuynh hướng Phân tâm học khai phóng muốn đạt tới con người toàn diện, con người hữu-thể-tại-thế và con người hiện-hữu-với-người-khác. Tính chất tâm linh trong con người không còn quan niệm như một sự thăng hoa lý tưởng hóa và hư phù, nhưng là một sự thăng hoa sống động có tham dự một cách cụ thể vào cuộc sống.
Hy vọng quân bình nội tâm
Kể về khoa học và tổ chức thì Tây phương tiến bộ hơn Đông phương nhiều, nhưng Jung đã cảnh cáo nhân loại rằng cái bề ngoài đẹp đẽ ấy chỉ là lớp men hào nhoáng rất mong manh; thế giới nội tâm của con người vẫn chưa gột bỏ được những yếu tố cổ lỗ, những ông trời thời cổ vẫn ngự trị trong người họ. Ông nói: «Văn minh Thiên chúa giáo tỏ ra trống rỗng đến mức độ đáng ghê sợ, nền văn minh đó chỉ là một nước sơn, con người không được thấm nhuần, bởi vậy tâm trạng họ vẫn không có gì thay đổi». Tâm trạng của họ không có gì phù hợp với tinh thần Thiên chúa giáo.
Có lẽ những ông Trời thời cổ không những chỉ ngự trị bên Tây phương mà huyễn ảnh như thế ở bên Đông phương cũng không kém, đời sống văn minh thực ra chỉ là một khoảnh khắc trong quá khứ dài dằng dặc của nhân loại.
Những thảm hoạ lớn lao trong lịch sử như tàn sát, chiến tranh đều xuất phát tự lòng người; hơn bao giờ hết, loài người ngày nay bị đe doạ bởi những mãnh lực vô kiểm soát trong tiềm thức họ, loài người không biết rằng mầm loạn không ở đâu xa lạ mà ở ngay trong người nếu con người không làm gì để kiềm chế thú tính và nuôi dưỡng thiện căn, họ sẽ thoái lui về tình trạng dã man của nội tâm, càng khó phân biệt vì càng bị bao phủ bởi những bề ngoài hào nhoáng. Con người không tìm được sự quân bình tâm thức và tiềm thức vì đời sống văn minh làm người ta bước vào một lỗi lầm ngược lại lỗi lầm quá khứ, người ta đánh giá quá cao tổ chức và khoa học khi đi tìm ý nghĩa tối hậu của cuộc sống trái với thời trước đi tìm ý nghĩa ấy ở lĩnh vực siêu hình. Ta biết đâu rằng «loài người không hiểu gì về vật chất cũng như không biết gì về tinh thần» (Jung). Chúng ta phải nhận lấy số phận bạc bẽo: chúng ta không thể tạo ra được hình ảnh toàn diện của thế giới ta sống, chúng ta chỉ có một hình ảnh thế giới mà chúng ta tạo ra, bởi vậy cuộc đời hiện ra như một thảm kịch, thảm kịch trí tuệ của dân tộc tiến bộ khoa học hay thảm kịch văn hóa của dân tộc chậm phát tiến khoa học cũng chỉ là hai sắc thái của sự thiếu quân bình. Tinh hoa của nền văn minh hiện kim xuất hiện dưới hình thức những kiến trúc huy hoàng của lý trí, kỹ thuật và tổ chức; người ta phải trả một giá quá đắt, người ta đã phải hy sinh phần chân xác của con người để nhận lấy một bộ mặt nguỵ tạo, kiến trúc văn minh đè bẹp con người hơn là nâng đỡ họ vì họ chỉ là một cái hình nhân không có một cốt cách chân thực.
Sản phẩm của lý trí đồ sộ huy hoàng cho nên người ta đã bị mê tín rằng hình ảnh thế giới mà người ta tạo ra, là hình ảnh chính xác. Diễn ý này một cách khác ta có thể nói: ngũ uẩn: sắc, thụ, tưởng, hành, thức đều là vô thường; ta đã vọng nhận. Thế giới ấy bị đe doạ hơn bao giờ bởi những mãnh lực tối tăm không kiểm soát trong nội tâm tao loạn của con người, khi mà con người không góp phần chân xác của mình vào thế giới mà họ tạo ra.
Cuộc hôn phối của tinh hoa văn minh Hy Lạp với sinh khí Thiên chúa giáo là một sự may mắn hy hữu trong lịch sử nhân loại, đứa con khoa học xinh đẹp ra đời đã thay đổi bộ mặt hoàn cầu. Nhưng ta cần ý thức rằng biến cố quan trọng ấy cũng chỉ là một khoảnh khắc lịch sử như sự xuất hiện kỷ nguyên đồng, kỷ nguyên sắt, thời đại văn minh nông nghiệp. Sự yêu cầu của thời đại là cố gắng hội nhập thứ rô-bô rất tiện dụng và nhiều khả năng đó vào động lực tạo tác toàn diện và sống động của dòng sống. Khoa học sẽ giúp ta tìm ra động lực đó chứ khoa học không phải là tất cả động lực đó, nó có chỗ đứng của nó mà ta phải ổn định.
Đến kỷ nguyên khoa học người ta đã xung đương một số tinh lực tâm thần quan trọng vào một lãnh vực hoạt động của tâm thần, hậu phương của con người xung yếu, chính do ngả đó mà xuất phát những mãnh lực vô kiểm soát làm tao loạn nội tâm và phản ảnh vào cuộc sống đầy khắc khoải lo âu lẫn đảo lộn kinh khủng.
Kinh nghiệm cho ta biết cuộc đời bao giờ cũng xuất hiện như những nghịch lý nan giải, cuộc hôn phối Hy Lạp – Thiên chúa giáo đã giúp người ta đảm lãnh cả hai đề của nghịch lý và leo lên đứng ở một nấc cao hơn (ta không thể nói rằng có tổng hợp đề vì cả hai đề vẫn còn đó và người ta sống cả hai đề bằng cách để chồng lên nhau). Trong hiện tình thế giới, ta hy vọng một cuộc hôn phối nào tốt đẹp hơn?
Cuộc đời của S. Freud - Một tấm gương tranh đấu cho sự thật
SIGMUND FREUD là người nước Áo. Ông sinh tại Fribourg năm 1856. Mẹ ông mới hai mươi tuổi khi thành hôn với cha ông đã 41 tuổi. Gia đình ông là người Do Thái. Thời ấy ở nước Áo người ta còn có những ý tưởng kỳ thị chủng tộc rất mạnh. Đời sống tâm tình ông đã mang vết tích sâu xa của sự bất công xã hội. Có lẽ sự kỳ thị chủng tộc là yếu tố khởi xướng cho ông những tư tưởng bác ái, công bình, xã hội. Ông là đứa con yêu trong gia đình. Ông được bà mẹ yêu quý nưng niu. Ông là người tư chất thông minh. Có lẽ nhờ hoàn cảnh đặc biệt ấy ông cảm thấy rõ ý nghĩa sâu xa những mối liên hệ tâm lý giữa người với người. Sau khi đã thâu thái những kiến thức chắc chắn về sinh lý học, não cân học, ông sang du học Ba Lê và nghiên cứu các bệnh thần kinh. Ông là người đầu tiên nghĩ rằng bệnh thần kinh có nguyên do tâm lý và để ý đến khía cạnh dục tình của vấn đề.
Khi trở về Vienne, ông lấy vợ người ở Hambourg và trở nên Tuyệt đối thể sĩ chuyên khoa về các bệnh thần kinh. Ông áp dụng khoa thôi miên vào y học và nghiên cứu khoa này cẩn thận. Năm 1895 ông gặp bác sĩ Breuer rồi trở nên cộng sự viên của bác sĩ này.
Bác sĩ Breuer thôi miên người bệnh và làm cho họ sống lại những quãng đời họ đã quên, sự nhớ lại đó làm xảy ra những kích động giải tỏa áp lực tâm tình. Hiện tượng ấy gọi là Abreagierung. Freud nẩy ra ý muốn dùng làm phương pháp trị liệu có thể chữa cho người bệnh không cần đưa họ vào trạng thái thôi miên.
Kinh nghiệm chữa bệnh còn cho ông biết rằng những thác loạn dục giới là những yếu tố quan trọng trong các bệnh thần kinh. Nhân đấy ông tìm ra những nguyên tắc của một hiện tượng tâm lý mà ông gọi là dồn nén (Verdrängung). Dồn nén là sự kiện chính yếu để giải thích những triệu chứng bệnh thần kinh.
Phương pháp của Breuer chỉ dùng trong trường hợp chữa bệnh bằng thôi miên nay được phổ biến rộng ra để áp dụng cho đủ mọi trường hợp bệnh nhân suy nhược thần kinh. Freud gọi là Phân tâm học.
Phương pháp Phân tâm học của Freud còn có cái hay là không phạm đến phẩm cách con người vì không bắt người ta cung khai trong lúc ngủ thiếp, không hay biết gì cả. Người bệnh được đặt vào tình trạng đặc biệt, vẫn thức, vẫn đầy đủ lý trí, tinh thần thoải mái, họ kể lại quá khứ và nhớ lại nhiều đoạn mình quên đi. Ông thầy theo dõi câu chuyện và căn cứ vào đấy để tìm ý nghĩa ẩn náu sau câu nói. Sau Freud còn yêu cầu người bệnh kể lại giấc mơ để tìm thấy ý nghĩa ẩn náu của giấc mơ. Ông đã dùng phương pháp giải mộng để bổ túc cho phương pháp hội ý vậy.
Kết quả của phương pháp trị liệu xác nhận lý thuyết của ông: các bệnh thần kinh có nguyên nhân thác loạn dục tình, tầm quan trọng của dục giới ở đứa trẻ. Trước ông người ta không có ý niệm về những yếu tố ấy.
Năm 1902 ông đã quy tụ được nhiều môn đệ và thành lập một nhóm Phân tâm học gia gồm những người danh tiếng như: Adler, Kahame Rank, Reitler, Sachs, Stekel, Federn Ferenczi, Tausk.
Những sách khảo cứu quan trọng của ông đều xuất bản vào thời kỳ ông gần 40 tuổi.
Năm 1908 ông triệu tập những bác sĩ đã áp dụng phương pháp Phân tâm học ở Zürich và Vienne họp tại Salzburg, trong số ấy có Jung sau này chống đối thuyết của Freud. Ông còn có nhiều môn đệ ở ngoại quốc. Một tờ báo nghiên cứu Phân tâm học quốc tế ra đời.
Năm 1910 một hội nghị thứ hai nhóm họp ở Nuremberg, năm sau 1911 hội nghị thứ ba nhóm tại Weimar. Hội nghị quốc tế Phân tâm học được thành lập ở Nuremberg.
Ta nhận thấy chỉ trong mấy năm học thuyết của ông bành trướng mạnh mẽ như vậy.
Trong thời kỳ nầy đã xẩy ra việc chống đối của hai môn đệ là Adler và Jung, Freud không công nhận họ là môn đệ của ông nữa. Adler gọi học thuyết của mình là «Cá nhân tâm lý học» (Individualpsychologie), còn Jung gọi là «Tâm lý phân tích».
Trước và trong cuộc Thế chiến thứ nhất là thời kỳ những phát triển của Freud có giá trị nhất và dồi dào nhất. Những quan niệm sơ khởi của ông về Phân tâm học được hoàn thiện để đem phô diễn bằng những hình thức chuẩn xác. Ông tỏ ra người vừa có sáng kiến vừa cố gắng phi thường. Chính trong thời kỳ từ 1913 đến 1920 ông sáng tác những tác phẩm giá trị của ông, biểu lộ cách nhận xét sâu sắc của ông và ý muốn đem những nguyên tắc Phân tâm học áp dụng một cách rộng rãi vào nhiều lãnh vực khác. Ông xao lãng phương diện kỹ thuật phân tâm để nghiên cứu sâu rộng những khám phá về tâm lý bệnh học. Công việc khảo cứu của ông rất rộng rãi. Ông dùng Phân tâm học để phóng nhìn đại thể các lãnh vực chiến tranh, siêu hình, tôn giáo, xã hội, nhân chủng, tự nhiên học. Cái nhìn của ông là cái nhìn của người tìm hiểu con người và vạn vật chứ không phải cái nhìn của nhà triết học.
Từ sau cuộc Thế chiến thứ hai, học thuyết của ông được phổ biến khắp toàn cầu. Biết bao nhiêu nhà chuyên môn và không chuyên môn đem áp dụng những nguyên tắc của Freud vào đủ các ngành kiến thức: triết học, nghệ thuật, văn chương, tâm lý đại quát, xã hội học, v.v... Nhiều khi những nguyên tắc ấy đem áp dụng không đúng trường hợp, người ta ưa chuộng chỉ vì nó hợp thời. Như vậy đủ hiểu ảnh hưởng của Freud sâu rộng thế nào! Nếu Freud còn sống ắt ông phải kinh ngạc tự hỏi vì sao người ta có thể làm què quặt nguyên tắc Phân tâm học của ông đến thế!
Freud tạ thế năm 1939 ở Luân Đôn. Ông nhờ sự can thiệp của Tổng thống Roosewelt nên được đóng tiền thế chân rời khỏi nước Áo sang cư ngụ bên Anh trong hồi Đức quốc xã xâm lăng nước Áo. Suốt đời ông ôm một mối hận sâu xa, ông bị mọi người khinh ghét vì cho rằng ông đã phạm đến niềm tin, tập quán khả tôn khả kính của họ, tuy niềm tin ấy không đặt trên một nền tảng nào đáng tin cậy. Nhưng tiếng tăm ông vang dội khắp hoàn cầu nên sự ác cảm ấy cũng bớt đi được phần nào. Sự nghiệp của ông không khỏi mang vết tích của mối hận sâu xa, ông có một quan niệm bi quan về nhân loại.
Ông để lại một sự nghiệp huy hoàng. Những phát kiến của ông là những phát kiến siêu việt mới mẻ nhất, làm đảo lộn không những y học, tâm lý học, mà còn làm cho nhiều ngành học thuật phải xét lại những nguyên tắc nền tảng. Qua tiểu sử ông, qua sự nghiệp ông, người ta nhận thấy ông là một người rất sáng suốt, can đảm và thành thật đến thành người cố chấp. Ông chống đối lại mọi thành kiến, mọi áp bức, ông tố cáo tất cả những hình thức tư tưởng làm cho đời sống hiện ra một vẻ huyền hoặc. Công cuộc nghiên cứu của ông là một công trình tìm hiểu con người một cách cụ thể. Sự thật khoa học đối với ông là một cái gì thiêng liêng, khiến ông tôn thờ và say mê hơn hết. Ông là tấm gương chói lọi tranh đấu cho sự thật, tranh đấu với sự tin tưởng vào việc làm của mình không gì lay chuyển được, với ý khinh bỉ những người chống đối ông không vì không hiểu hay vì óc hẹp hòi chỉ biết có phe đảng mình. Con người tranh đấu thầm lặng ấy còn là người giản dị, không màng danh vọng, suốt đời chỉ có một thèm khát là tìm tòi khoa học, chỉ có một ước vọng là hiểu biết.
Freud đã vén lên một bức màn bí mật quan trọng của khoa học. Dưới đáy lương tâm người ta còn có một lớp sâu đầy bí ẩn. Cái vực sâu của tâm thần chứa đựng lẫn lộn những bản năng thú tính về những tiềm năng cao cả của con người. Ông mở ra cho khoa học một chân trời mới để tìm hiểu không những con người mà cả loài vật.
Nguồn: Phân tâm học áp dụng vào việc nghiên cứu cách ngành học vấn - Biên khảo của Vũ Đình Lưu - Tổ hợp GIÓ xuất bản- Bìa Nguyễn Đồng - Gíây phép số 1717-BTT-NHK PHNT, ngày 28 tháng 4 năm 1969 - In xong ngày 24.5.69 tại cơ sở ấn loát Trình bày - Ngoài những bản thường còn có sáu mươi bản đặc biệt dành cho tác giả và nhà xuất bản. Bản điện tử do talawas thực hiện.
21/6/2007
Vũ Đình Lưu
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ có cần thiết cho đời sống

Thơ có cần thiết cho đời sống? Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát những câu thơ tương tác ...