Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2022

Nhà văn, dịch giả trẻ - Chỉ dấu hội nhập văn chương

Nhà văn, dịch giả trẻ - Chỉ dấu
hội nhập văn chương

Lịch sử có những vòng lặp lại rất thú vị. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, khi lớp trí thức Tây học Việt Nam tiếp cận với văn hóa Pháp, đã đọc và dịch nhiều tác phẩm văn học Pháp ngữ sang tiếng Việt, bắt đầu cho một hành trình dịch thuật-phóng tác-sáng tác.
Cũng từ đó, tiến trình hiện đại hóa văn học diễn ra, đưa văn học Việt Nam từng bước gặp gỡ với văn học thế giới. Đó là cuộc “toàn cầu hóa hiệp một” (T.Friedman). Văn học đương đại Việt Nam đang chứng kiến những chuyển động mạnh mẽ hướng đến toàn cầu hóa lần thứ hai (từ sau năm 1986).
Nhà văn,dịch giả Hiền Trang phát biểu tại tọa đàm văn học do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức. Ảnh: Tuấn Anh.
Trong vòng quay ấy, đời sống văn học với các tác giả trẻ, vừa sáng tác, vừa dịch thuật đã đem đến nguồn sinh khí mới, đầy hứa hẹn. Những cái tên như Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Đào Quốc Minh, Nguyễn Dương Quỳnh, Nhật Phi, Hiền Trang, Phạm Thu Hà… đã cho thấy, nhà văn trẻ Việt Nam đang nỗ lực sống cùng thời với văn chương thế giới.
Bên cạnh các tập thơ “Di chữ” (2017), “Văn học vết thâm” (2021), nhà thơ Nguyễn Thị Thúy Hạnh cũng thường xuyên dịch thơ và truyện với các bút danh: Hải Tử, Triệu Lệ Hoa, Hải Diên, Vân Cung… Một cái tên khác cũng tạo được ấn tượng rất tốt trong đời sống văn học trẻ đương đại là Nguyễn Dương Quỳnh. Từng sống và học tập tại Nhật Bản, Singapore, Nguyễn Dương Quỳnh đã thực sự trở thành một công dân toàn cầu. Các tác phẩm văn xuôi của chị đã được xuất bản như: “Đỏ” (truyện vừa, 2012), “Thị trấn của chúng ta” (truyện dài, 2014)… Cùng với đó, Nguyễn Dương Quỳnh đã dịch “Khi ta mơ quá lâu” (2014), “The Tatami Galaxy-truyền kỳ phòng bốn chiếu rưỡi” (2018). Một tác giả trẻ khác đang đi những bước rất vững chắc là Nhật Phi (sinh năm 1991), giải nhất Văn học tuổi 20 lần thứ V với tiểu thuyết “Người ngủ thuê” và sau đó xuất bản “Nhật ký một người cô đơn”. Tác phẩm của Nhật Phi thể hiện những nhịp điệu sống của người trẻ trong không gian đô thị hiện đại. Phần dịch thuật, Nhật Phi đóng góp khá nhiều với “Tiền không mọc trên cây” (2013), “Bob chú mèo đường phố” (2016), “Hoàng tử trở lại” (2017), “Học viện viễn thám” (2019)…
Sinh năm 1993, cây bút trẻ Hiền Trang đang cho thấy những bước đi mạnh mẽ của mình với nhiều sáng tác, dịch thuật và tiểu luận phê bình văn học. Các tác phẩm của chị như: “Tuổi trẻ lạc lối và những cuốn sách của tôi” (tập tản văn, 2016), “Dưới mái hiên đêm, những khách lạ” (tập truyện ngắn, 2020), “Chopin biến mất” (tiểu thuyết, 2022)… Năm 2020, Hiền Trang dịch và xuất bản “Shout! The Beatles-Hơi thở thời đại của thế kỷ 20”. Cũng trong mô hình nhà văn-dịch giả này, không thể không nhắc đến Phạm Thu Hà, sinh 1996. Còn trẻ tuổi nhưng trong tay Phạm Thu Hà đã có nhiều tác phẩm, dịch phẩm, giải thưởng rất đáng ngưỡng mộ: “Sau những ngày mưa” (truyện dài-giải ba Văn học tuổi 20), “Người về Tranh Sơn” (truyện ngắn-giải nhì Văn nghệ Quân đội). Các tác phẩm dịch thuật đã công bố: “Không nhà” (2019), “Giữa hai chúng ta” (2020), “Định giá tăng lợi nhuận” (sách kinh tế, 2020)…
Việc nhà văn thông thạo ngoại ngữ, có khả năng dịch thuật giúp phông văn hóa người viết sâu rộng hơn; khả năng làm mới ngôn từ, hành văn; tham gia tích cực vào quá trình xuất bản văn học Viện Nam ra nước ngoài… Câu chuyện từ dịch thuật đến sáng tác mang tính loại hình, nghĩa là nó có tính quy luật. Việt Nam đã bước vào cuộc toàn cầu hóa lần thứ hai, những nhà văn trẻ kiêm dịch giả sẽ là đội ngũ tiên phong cho một hành trình mới, nơi văn hóa-văn học Việt Nam không chỉ gặp gỡ, giao lưu mà còn hội nhập sâu rộng với thế giới. Con đường hội nhập đang mở ra từ những động thái ấy.
NGUYỄN THANH TÂM
Báo Quân đội Nhân dân
29/6/2021
Hoàng Việt Hằng
Theo https://vanvn.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...