Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2022

Giếng Chùa ngoại sử

Giếng Chùa ngoại sử

Nhà văn Nguyễn Thành Tài sinh năm 1980, hiện sống và làm việc tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Anh là đại biểu Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII năm 2011.
Nguyễn Thành Tài đã in tập truyện ngắn đầu tiên Nhành lan trên tường rêu năm 2011, được nhận một số giải thưởng văn học của tỉnh Bình Thuận và hai lần nhận Giải Khuyến khích Cuộc thi Truyện ngắn Đông Nam Bộ lần 1 – 2021, lần 2 – 2022.
Nhà văn Nguyễn Thành Tài
Khi quyển sử làng Giếng Chùa ra đời, làng trên, xóm dưới tỏ ra coi thường lão Bộc do chuyện lão ấy huyễn hoặc tộc Nguyễn là “khai quốc, công thần”. Trước đây, thấy lão ở đâu, người ta chào từ xa chào lại, cung kính từ lúc giáp mặt đến khi khuất dạng. Bây giờ, lão ấy có đứng chình ình trên đường làng, gió thốc tốc váy áo, ruồi bu mép vo ve, dân thấy cũng vờ đui. Người đi qua ném lại tiếng xầm xì, “cái đồ nhận vơ, nhận váo công lao người khác vào họ mình mà không biết xấu hỗ, sao tiền hiền, hậu hiền làng này không vặn cổ chúng nó ra”. Còn các trưởng tộc khác, khi thấy từ xa liền lẩn vào đâu đó, chờ lão đi qua. Né không kịp thì tụt dép, rớt nón, cúi xuống lượm, để khỏi gật đầu, “chào cụ ạ”.
Lão Bộc biết, căm lắm. “Người quân tử không chấp kẻ tiểu nhân. Đừng có giậu chưa đổ mà bìm đã leo. Ông mà nhất hô thì có người bá ứng”. Nghĩ bụng vậy, lão Bộc phớt tỉnh ăng lê. Cầm quyển sử đưa lên mũi hít hà mùi giấy mới, nâng ngang trán, xá ba xá, đặt lên ban thờ tổ, thắp nén nhang, gõ hồi chuông boong boong, lão Bộc lầm rầm khấn, “con kính cẩn bẩm báo tổ tiên, tộc Nguyễn đã được chép vào sử làng, từ đây con cháu nở mày, nở mặt cùng thiên hạ. Tổ tiên khai hoang, mở đất làng Giếng Chùa này, mà thiên hạ xổ toẹt công ơn, xin bề trên mặc kệ miệng lưỡi ganh ghét thế gian”.
Mỗi tối cơm nước xong, lão Bộc lại thắp nén nhang, mang sách trên ban thờ xuống, bật đèn sáng choang, rót ly trà nóng thơm phức chiêu một ngụm, tay cầm bút bi, lật từng trang, sờ từng chữ. Thỉnh thoảng gật gù tâm đắc, gạch chân chỗ nào viết về tộc Nguyễn.
***
“Trong kháng chiến, chùa Rồng là nơi lui tới của nhiều cán bộ cấp cao suốt thời gian dài. Do đó, chùa đã được công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh”.
Lão Bộc đọc đi, đọc lại, cầm bút bi đồ tới, đồ lui dòng chữ nhiều lần muốn rách trang sách, rồi lẩm bẩm, “chùa Rồng được công nhận di tích lịch sử thì cây rơm tộc Nguyễn chí ít cũng được gắn bia lưu niệm chứ nhỉ”.
Bữa rượu tại nhà thờ tộc Nguyễn có mặt đầy đủ mọi người trong tộc tụ họp theo lệnh triệu tập của trưởng tộc. Ngồi mâm trên, bưng ly khề khà với đám con cháu đến lúc cao hứng lên, lão Bộc vỗ ngực quát:
– Tao đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân cho làng, xã này. Năm mười lăm, mười sáu tuổi, tao từ chối đi theo đám bạn chăn trâu rủ nhau ra cứ, cầm súng vào chỗ bom rơi, đạn lạc. Tao lấy lý do bận nuôi cha mẹ già, là tao nói vậy, chứ có dại mới theo tụi nó.
Cả đám ngóng cổ nghe phụ họa, “đúng đấy ạ, cụ ra đi có khi, chưa được đỏ ngực đã phải xanh cỏ”.
– Một chiều đang lùa trâu về chuồng thì có một người lạ mặt lấp ló sau đám lúa trổ đòng, đưa tay ra hiệu tao lại gần. Người đó muốn vào làng gặp người thân, đường đường chính chính vào làng thì sợ tụi lính hạch sách gây khó dễ. Muốn lẻn vào làng nhưng chưa biết cách nào qua mặt bót gác đầu làng. Tao lắc đầu lia lịa từ chối. Bọn lính bót gác đầu làng rất hung dữ, sẽ đánh bầm dập khi phát hiện ai dám qua mặt chúng. Người đó nhìn mấy cái bao bố cột chặt miệng đang nằm trên lưng trâu, bảo rằng sẽ chui vào bao, nếu xảy ra chuyện sẽ không để liên lụy đến tao.
Một đứa hỏi, “mấy cái bao cụ chứa gì trong đó”.
– Cứt trâu chứ còn gì nữa. Tao canh chừng từng con bĩnh ra đất còn nóng hôi hổi, hốt cả buổi chiều mới được dăm bao, đem về phơi làm chất đốt. Tao trút ra đất. Người đó chui vào bao. Tao tiếc rẻ đống cứt trâu nằm trên đất, bảo người đó ngồi yên, chịu dơ, để tao hốt đổ lại vào bao mang về.
Cả đám chầu rìa rú lên ầm ĩ. Có cả tiếng khạc nhổ như mình dính phải cứt trâu, “ọe ọe, sao cụ lại làm thế, dính đầy người ta thì sao”.
– Lúc đó tao chỉ tiếc công sức mình hốt cực bỏ mẹ. Giờ nghĩ lại thấy cũng hơi quá đáng. Người đó cũng hơi bất ngờ khi nghe tao nói, nhưng cũng phải chịu làm theo. Về đến đầu làng, bọn lính trong bót đang uống rượu, nhào ra định xét hỏi nhưng bị dội lại mùi đặc trưng bốc ra từ đàn trâu, cùng mấy bao cứt trâu tươi. Tụi nó xua đuổi tao đi càng nhanh càng tốt cho khuất mắt, để khỏi phá hỏng bữa nhậu đang ngon trớn.
Tiếng cười ồ, chen lẫn bình luận, “công nhận cụ tài thiệt, chiêu giấu người trong bao cứt trâu mất vệ sinh nhưng lại đánh lừa được tụi lính”.
– Về đến chuồng, sợ bọn lính đi tuần phát hiện, nhẹ thì nhừ đòn, nặng thì tù như chơi, nên tao mở bao giục đi khỏi đây. Người đó ấm ớ rồi hỏi tao chỗ nào an toàn xin ở nhờ đêm nay, mai đi sớm. Tao lấy làm lạ, nghi ngờ hỏi dồn một hồi, té ra là cán bộ ở trên về làng gây dựng phong trào. Cán bộ khen tao dũng cảm, có tinh thần giúp đỡ người khác, sẽ báo về trên để khen thưởng, rồi rủ tao tham gia tổ liên lạc. Được khen dũng cảm, lại được hứa thưởng, tao thích lắm nhưng không thích làm liên lạc gì đâu, sợ bọn lính bốt gác đầu làng bắt được thì chết.
Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng
Một đứa gật gù, “cụ nghĩ vậy cũng phải. Bọn lính mà bắt được thì ốm đòn, cụ nhỉ”.
– Ông cán bộ không ép tao hay không làm phiền gia đình, chỉ xin ngủ lại cây rơm gần chuồng trâu rồi tờ mờ sáng đi. Tao định không cho, nhưng thây kệ, lính đi tuần phát hiện, có hỏi thì tao sẽ chối. Sau này, tao mới biết ổng lần mò đến chùa làng. Bẵng đi một dạo, tao gặp lại ông ấy cũng vào một buổi chiều. Ổng đưa tao gói kẹo nói là quà thưởng việc hôm trước, kèm theo một mẩu giấy nhỏ nhờ đưa sư trụ trì chùa làng. Tao nhận kẹo, không nhận thư. Ổng năn nỉ tao giúp, lấy bùn trét lên lưng trâu giấu mẩu giấy nhỏ. Cực chẳng đã, tao trở thành liên lạc.
Một đứa chêm vào, “số phận đưa đẩy cụ phải làm liên lạc, vậy mà hay”.
– Ừ, nhờ làm liên lạc mà cụ chúng mày mới có những ngày tháng sau này. Giải phóng về, ông ấy làm chức to trên tỉnh. Bởi mù chữ nên tao chỉ được làm đội trưởng đội sản xuất hợp tác xã, chứ không là xin theo ổng làm lớn rồi. Ban ngày đi làm, ban đêm học bổ túc, dần dần tao trở thành trưởng ban kiểm soát, phó chủ nhiệm rồi chủ nhiệm hợp tác xã, rồi phó chủ tịch, phó bí thư, chủ tịch, bí thư cái xã này. Ngót nghét hơn chục năm ấm cật, ngon lành cành đào. Sau cái vụ án trồng rừng keo lá tràm, người ta muốn đưa tao về huyện. Tao biết mình mà đi khỏi làng, khỏi xã này sẽ mang vạ vào thân. Nhân đợt giảm biên chế, tao nghỉ cái rụp, nhường con cháu thể hiện tài năng, lui về đứng sau lưng bày vẽ được rồi.
Một đứa ôm chầm lão Bộc, “ôi cụ tâm lý quá ạ, nhờ có cụ mà con cháu tộc Nguyễn mới được như ngày hôm nay”.
– Tao kể chuyện này ra để thấy rằng, chùa Rồng có công nuôi giấu cán bộ được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh, thì cây rơm gần chuồng trâu cũng được cán bộ lần đầu đến đó, nó cũng là di tích lịch sử chứ, đúng không tụi bây.
Cả đám lao nhao, “cụ dạy chí phải ạ, tộc Nguyễn ta làm đơn đề nghị trên xem xét công nhận cây rơm là di tích lịch sử đi ạ”.
Lão Bộc rung đùi, bưng chén rượu lên chiêu một ngụm, rồi cười khà khà.
***
“Việc trồng cây chắn cát được tỉnh triển khai xuống xã. Các hợp tác xã phân công xã viên tham gia công việc, tính công điểm, cuối năm trả bằng thóc. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện có xảy ra tiêu cực, trên về kiểm điểm Bí thư xã, ban quản trị hợp tác xã”.
Đọc đến đoạn sử này, lão Bộc gấp trang sách lại, nhấp ngụm trà, cười thầm, “làm sao xã, làng nắm được nội tình chuyện này. Chẳng trách, cán bộ viết sử chỉ biết chép theo báo cáo”.
Trồng rừng keo lá tràm xảy ra khi Nguyễn Bộc làm Chủ tịch xã. Phía đông làng Giếng Chùa được chắn ngang bởi động cát kéo dài. Giữa làng và động cát là vài mẫu ruộng lúa, ngô, khoai, sắn. Qua hết động cát này đến động cát khác. Qua hết động cát khác đến vài động cát nữa. Qua hết vài động cát nữa thì đến biển. Động cát lúp xúp cây bụi, nhiều khoảng trống huơ trống hoác dưới nắng. Mùa gió bấc hốt cát bay rào rào che phủ đất trồng, chui vào đầy nhà dân. Sản xuất khó khăn. Sinh hoạt cực khổ. Bưng chén cơm lên và một miếng, miệng nhai nghe lạo xạo. Bưng ly trà mới chế còn bốc khói lên, chưa kịp uống đã lấm tấm vài hạt cát trong đáy ly.
Thấu nổi khổ của dân, tỉnh đưa chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc về xã. Xã xuống hợp tác xã triển khai. Đang lên sổ phân công trồng rừng thì Ban quản trị hợp tác xã nhận được lệnh ngầm của Chủ tịch xã, chỉ cho một nhóm nhân khẩu làng Giếng Chùa trồng rừng. Đêm đến, số con cháu họ Nguyễn tham gia trồng rừng về nhà thờ tộc họp kín. Công việc nhân văn, cấp thiết được biến thành chỗ kiếm chác, khai khống diện tích trồng, cây con bị chết, bổ sung cây mới…quy tất thành Việt Nam đồng chạy qua túi đám con cháu họ Nguyễn, chạy vào túi Chủ tịch xã. Khi vụ việc bể bạc, trên về xử hơn chục người vào khám. Bí thư xã, Ban quản trị hợp tác xã đứng ra vạch tội Chủ tịch xã chỉ đạo sai, ăn chặn tiền trồng rừng.
Chỉ đạo bằng lời, không tờ giấy lộn làm chứng, Chủ tịch xã tố ngược lại:
– Đồng chí Bí thư không thích tôi nên mới đổ vấy cho tôi, gây mất đoàn kết nội bộ. Ban quản trị hợp tác xã xin tôi trực tiếp quản lý việc trồng rừng không được nên ganh ghét đặt điều cho tôi, chứ tôi không bao giờ chỉ đạo việc ưu tiên người thân trong dòng tộc tham gia trồng rừng, tôi chỉ phân xuống, bên dưới triển khai.
Con cháu tộc Nguyễn thà đi tù thay cho người đã đem lại công ăn, việc làm cho mình chứ không chịu nhận việc đem tiền chia chác cho Chủ tịch xã. Ngoạn mục vượt qua các đòn đánh tới tấp của đối phương, Chủ tịch xã thở phào, nhưng cũng phải tìm một cái tội nào đó để người ta nhìn vào mình cũng có khuyết điểm. Chứ bầu đoàn xe pháo rầm rộ từ trên về mà không tìm ra chút khuyết điểm nào, coi sao được. Đứng giữa cuộc họp, Chủ tịch xã giọng ăn năn, hối cải:
– Qua chuyện này, tôi thấy mình có khuyết điểm sâu sắc khi không kiểm tra, giám sát chặt chẽ để xảy ra sai phạm. Tôi xin nhận lỗi, chịu mọi hình thức kiểm điểm của cấp trên.
Màn hạ. Chủ tịch xã chỉ bị khiển trách. Ít lâu sau, Bí thư xã được đổi đi nơi khác. Chủ tịch xã lên làm Bí thư. Con cháu trong tộc biết ít chữ nghĩa, đang công tác trong xã được cất nhắc lên các vị trí chủ chốt. Nghe phong phanh trên sẽ điều chuyển mình về huyện công tác khác. Đánh hơi lành ít, dữ nhiều, Nguyễn Bộc làm đơn xin nghỉ mất sức. Trước khi nghỉ, giới thiệu đứa cháu trong tộc lên kế vị.
***
“Thời gian này xảy ra việc một số dòng họ trong làng Giếng Chùa tự ý lấn chiếm trái phép đất chôn người chết trên động cát của xã. Đảng ủy, Ủy ban xã đã xử lý, nhưng thiếu kiên quyết với một vài hộ dân”.
Lão Bộc ghét cay, ghét đắng mấy câu trên. Nó nói một chuyện liên quan đến tộc Nguyễn. Nhớ lúc được mời dự hội thảo góp ý quyển sử, lão Bộc đề nghị bỏ ra mấy câu đó ra khỏi bản thảo. Ban biên soạn vẫn giữ lại, không nêu rõ danh tính người sai phạm. Cho dù không chỉ đích danh, nhưng đọc đến đây, bất cứ ai trong làng Giếng Chùa đều biết là trưởng tộc Nguyễn. Cũng từ động cát phía đông làng Giếng Chùa mà ra.
Ban đầu, nhà ai có người vừa qua đời, hội nghĩa trũng đến lo hậu sự, rồi khiêng ra đồng làng. Mả tổ tộc Nguyễn cũng nằm trên bãi tha ma giữa đồng làng. Ngặt nỗi, đồng làng để trồng lúa, ngô, khoai, sắn chứ không phải chỗ chôn người chết. Cho nên dần dần người chết hết chỗ nằm, phải khiêng lên động cát, chọn chỗ nào trống, địa thế đẹp đào huyệt. Rồi chỗ trống, địa thế đẹp cũng hết, phải chặt hạ cây keo lá tràm.
Trong một lần đưa tang lên động cát, lão Bộc nhìn quanh, trầm ngâm hồi lâu, quên cả bốc cát bỏ xuống huyệt người quá cố. Tối hôm đó, cuộc họp gấp diễn ra tại nhà thờ tộc. Mấy ngày sau, trai tráng tộc Nguyễn lên động cát giang nắng, dầm mưa, đổ mồ hôi, sôi con mắt chặt cây, cuốc cát, khoanh vùng. Làm đến trưa, lão Bộc xách bánh mì thịt lên, cả đám trệu trạo nhai, xong lại tiếp tục quần quật xế chiều mới nghỉ. Được dăm bữa, có đứa lầm bầm, “làm chi mà rộng dữ vậy, bỏ công sức ra cuối cùng xã cũng lấy lại thôi, ông ấy lẩm cẩm rồi”.
Lời than vãn lọt tai lão Bộc. Cái đứa lỡ miệng lầm bầm bị gọi lại nhà thờ tộc nghe chửi rát cả mặt, “chỉ được cái giỏi ăn nhậu, làm biếng, làm nhác, mở miệng ra là than trời nắng, trời mưa, bàn lùi. Làm ít thì đủ tán mả cha chúng mày vào. Trứng mà đòi khôn hơn vịt”. Các dòng tộc khác thấy lão Bộc làm, hiểu ra chuyện, liền vội kêu con cháu vác cuốc, xẻng leo lên động cát đào đào, xúc xúc.
Đến khi xã “hiểu ra chuyện”, trên động cát đã mọc lên ba, bốn tường rào gạch đá chẻ bao quanh khoảng cát trống, có cổng gắn hai cánh cửa đóng im ỉm. Khu đất cát cây cối được quây rào cẩn thận gần một ngàn mét vuông là của tộc Nguyễn. “Dòng tộc chúng tôi khai phá làng Giếng Chùa đầu tiên, nên phải có chỗ để chôn cất người trong tộc. Nếu làng, xã không chấp thuận giải quyết là coi thường tiền nhân, chà đạp lên công lao tiền nhân”. Lão Bộc khai pháo khi xã mời lên làm việc. Mấy trưởng tộc khác cũng lao nhao theo.
Bí thư xã liếc Chủ tịch xã, Chủ tịch Mặt trận. Con cháu tộc Nguyễn ngồi xử việc tộc mình lấn chiếm đất trái phép. Nhấn nhá một hồi, Bí thư xã tuyên bố “giữ nguyên hiện trạng”. Xã sẽ chặt hạ một số keo lá tràm để quy hoạch đất làm nghĩa trang cho người dân. Các trưởng tộc khác ra về mặt hầm hầm, chửi con cháu trong tộc, “đã bảo dòm lão Bộc làm bao nhiêu thì mình làm bấy nhiêu, cuối cùng đất giành được bé tí teo, chả đáng để bỏ công sức”.
***
Lão Bộc ôm mớ đơn trương, hình ảnh lên huyện, tỉnh xin công nhận di tích lịch sử cho cây rơm gần chuồng trâu nhà thờ tộc Nguyễn. Ít lâu sau, lão Bộc được thông báo việc của mình không đủ điều kiện để xem xét. Lão điên tiết xé bỏ giấy tờ, “nhà nước không công nhận thì ông công nhận”. Lão thuê thợ tìm một tảng đá to, đem về đặt cạnh chuồng trâu. Ngày khánh thành “địa chỉ đỏ” của tộc Nguyễn, lão Bộc mở tiệc kính báo tổ tiên, ăn nhậu ồn ào. Lão khật khờ, khật khưởng ngó đám con cháu, nhếch miệng cười rồi kéo tấm vải đỏ đang trùm lên tảng đá. Trên tảng đá lộ ra mấy chữ:
ĐỊA CHỈ ĐỎ
Trong kháng chiến, nơi đây đã từng che giấu cán bộ cấp cao 
Hàng ngày, lão Bộc đứng ngắm tảng đá cạnh chuồng trâu. Thỉnh thoảng lại lấy khăn nhúng nước lau chùi cho sạch sẽ. Lão làm với tâm trạng vui vẻ, hài lòng. Vừa lau tảng đá, lão vừa ngó ra đường làng xem chừng có ai đi ngang qua thì vẫy tay gọi vào chiêm ngưỡng “địa chỉ đỏ” của tộc Nguyễn.
Tối đến, lão lại lấy quyển sử làng từ ban thờ xuống, kính cẩn lật từng trang, từng trang. Chỗ nào viết khen tộc Nguyễn thì đọc đi, đọc lại. Dù đọc không biết bao nhiêu lần, lão vẫn thấy mới, thấy hay, thấy sướng tê cả người. Đoạn nào chê tộc Nguyễn thì lật nhanh qua. Thậm chí sẵn cây bút bi trên tay, lão gạch ngang dòng chữ, phê vào bên lề sách: “láo”, “bố láo”, “viết không đúng sự thật”.
NGUYỄN THÀNH TÀI
 
29/6/2021
Hoàng Việt Hằng
Theo https://vanvn.vn/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...