Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Chiếc bánh trong đáy túi

Chiếc bánh trong đáy túi

Học ở trường Thiếu nhi dân tộc, Thạch Sơn đã lớn rồi. Nhưng sao người nó cứ nhỏ thó, cổ, vai rụt lại, da vàng vọt, bụng nổi tròn vằn lên nhằng nhịt những đường xanh vạch đen.
Bố nó lên huyện họp, đầu tiên là đến nom nó. Thầy giáo Cấn Văn Hành đi qua, bảo tại nó ăn nhiều nên bụng mới phình to như thế. Bố vằn mắt lên:
– Mỗi bữa con tôi được ăn mấy bát cơm? Mỗi tháng con tôi ăn bao nhiêu cân lương thực, mà bảo con tôi ăn nhiều! Tôi giao con cho các thầy, để các thầy dạy nó thành cán bộ Nhà nước. Nếu các thầy không chăm sóc nó được, thì tôi xin con về!
Biết ông phụ huynh đang nổi giận, thầy lặng lẽ chui vào buồng, đóng kín cửa lại.
Nhà văn Mã A Lềnh ở Lào Cai
Nói vậy nhưng bố nó lại dẫn nó đến một nhà dân gần trường, lấy trong đáy túi ra một mẩu gỗ tím, gọt thành những mảnh vụn cho vào một cái bát, rồi xin nước sôi rót vào, đậy lại. Chừng mươi, mười lăm phút sau, mở ra, bên trong là một bát nước thuốc màu tím. Uống xong ba bát nước thuốc tím đỏ trong ba ngày, nó thấy nhẹ nhõm hẳn người.
Từ đấy, nó lớn phổng ra.
Bố bảo:
– Giá như ngày xưa bố tìm được môn thuốc này, thì mẹ con…
Hồi ấy mẹ nó ốm. Bụng trương lên. Bố đôn đáo khắp nơi tìm thuốc, nhưng không thể cứu được mẹ, trong khi cả xứ núi, cả vùng trời không có lấy một thầy thuốc Tây y. Thuốc Nam, thuốc Bắc thì mỗi người bảo một cách.
Năm ấy không hiểu sao ông Trời lại nổi đóa gây đói kém cho người vùng núi. Lúa ra bông thì ngỏng hết lên. Ngô thì chỉ những đầu gà đầu vịt. Nhưng, thay vì thế mà nương pa, khóm xèo, cây cao lương lại sai trĩu trịt. Tết đến, mọi người, mọi nhà trong làng vẫn lục tục đồ xôi, giã bánh giày, còn mẹ thì hì hụi xay pa nếp, nặn thành những chiếc bánh, đồ lên. Bố biết ý mẹ, đem bánh pa ra khấn cúng tiên tổ, rồi mới cho Thạch Sơn ăn. Ôi chao, sao mà ngon thế! Bánh giày gạo nếp, hay bánh giày gạo cẩm thì đã quen rồi. Tết, nhà nào cũng có, nhưng bánh pa nếp thì chỉ mỗi nhà Thạch Sơn là được nếm, vì người ta đâu có chú tâm đến cái thứ giống cỏ như khóm mền trầu ấy, vả chăng có trồng thì cũng chỉ cần mảnh nương nhỏ, lấy hạt xay làm men rượu, gọi tiếng Quan thoại, là hồng mi. Thế là mồng Hai tết, Thạch Sơn lẽo đẽo theo mẹ đi thăm bà ngoại, ở mãi làng Nả Tà, quà là mấy chiếc bánh pa. Bà, dì Khu, các cậu thích lắm, liền mổ con gà mái ấp đãi mẹ con Thạch Sơn.
“Ba Mươi tết Tất Niên, Mồng Một tết kiêng cấm, Mồng Hai tết thăm ông bà, cô cậu, Mồng Ba tết tiễn Tiên Tổ, Ngày Rằm tết Mẹ”, Thạch Sơn vẫn nhớ lời mẹ dạy như thế.. Thăm bà, dì, các cậu rồi cũng phải về, nhưng mẹ dắt Thạch Sơn đi lối vòng qua phố huyện. Người phố huyện chỉ khác làng núi, là các nhà ở gần nhau hơn, và lối đi rộng giáp liền hiên nhà. Trời rét. Mây trùm kín núi non. Bỗng dưng có một người đàn bà cũng tầm tuổi mẹ bước từ trong căn nhà xây ra ríu rít mời hai mẹ con vào sưởi. Không biết tiếng nhau, nên phải nói chuyện bằng động tác. Khi chào từ biệt, bà chủ nhà dúi vào túi dết của Thạch Sơn một chiếc bánh trưng vuông nặng có đến cân. Thế là mẹ cũng lấy trong đáy túi ra mấy chiếc bánh pa nếp làm quà lại cho nhà chủ tốt bụng. Lúc chia tay, ông chủ đặt bàn tay lên vai Thạch Sơn, nói bằng tiếng Kinh với mẹ:
– Chị phải lo cho thằng bé này đi học đi nhé. Nếu dưới làng chưa có trường học, thì cho nó lên đây, tôi nuôi, để nó còn đi học!
Sau khi mẹ qua đời, vẫn nhớ chõ bánh pa nếp mẹ làm, hễ đến tết, bố lại rủ Thạch Sơn cùng làm một chõ dâng tặng mẹ. Khi ấy, bố ngồi bên mâm cỗ, miệng lầm rầm khấn gọi lần lượt các bậc tiên tổ, rồi gọi mời đến mẹ, đến thằng em trai, tên Hồ, vì khát sữa nên đã đi theo lối của mẹ. Lúc ấy, Thạch Sơn băn khoăn không biết mẹ có nhớ lối về mà hưởng không khí tết đang lan tỏa khắp xóm làng, khắp núi non. Thế là nó giấu một miếng bánh pa trong vạt áo, chạy đến đặt trước nấm mồ cỏ xanh um, thì thầm nói chuyện với mẹ. Cúng khấn xong, quay nhìn không thấy con đâu, bố biết ngay Thạch Sơn đang ở bên mẹ.
Loanh quanh với con trâu, con ngựa, đàn dê và hai con ngỗng cùng với những chiếc cạm bẫy chuột, thế là mùa lúa chín vàng đã rộ lên khắp các triền núi. Không kịp làm lễ ăn cơm mới, Thạch Sơn phải đến trường theo đúng giấy hẹn rồi. Thế là bác gái liền nhanh tay xay giã, rồi hấp một chõ bánh pa nếp, món mẹ nó ưa thích, cho nó ăn nếm, và mang theo vài chiếc trong đáy túi để ăn dần. Đến trường huyện, sau giờ học, nó đeo túi, trong đó có mấy chiếc bánh la cà đi tìm nhà ông bà người phố tốt bụng đã cho mẹ con Thạch Sơn vào nhà sưởi ấm, nhưng không tìm được. Bố đến thăm nó, thấy trong đáy túi bánh vẫn còn nguyên, mới biết chuyện năm xưa hai mẹ con đã từng tới phố huyện. Hai bố con lại đi tìm. Chủ nhà níu giữ, bảo:
– Chủ cũ chuyển ra phố tỉnh rồi! Hai cha con đã đến, thì phải ở đây ăn cơm với chúng tôi!
Thì ra hôm ấy đúng ngày Tết Rằm. Món bánh của Thạch Sơn nằm trong đáy túi để đi tìm người thân quen của mẹ, giờ được nướng lên, thơm lừng, cho vào miệng, ròn tan.
03.7.2020
MÃ A LỀNH
 
15/4/2022
Nguyễn Hải Yến
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...