Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Mưa xuân hồ Gươm

Mưa xuân hồ Gươm

Buổi sáng ấy, mưa như bụi rắc trên con đường ven bờ hồ Hoàn Kiếm. Có một người đàn ông tóc đã bạc trắng đi lững thững một mình.
Đó là một người nhàn rỗi, một người nhỡ tầu nhỡ xe? Hay một người không có việc gì làm trên đời? Ông ta đi nhẹ nhàng như lướt trên đường.
Nhà văn Lê Phương Liên
Có lẽ hình hài ông ta quá gầy đến mức gió thổi bay được. Vẻ mặt người đàn ông trông đã có tuổi này lại rất vô tư thơ thới, miệng ông khẽ huýt sáo theo một giai điệu giông giống bài hát có câu: “Hà Nội ơi, tươi xanh mầu áo học trò…”
Có hai mẹ con đi chơi lướt qua bên ông. Cô bé chừng bảy tám tuổi đi đôi giầy nhỏ. Chắc mải nhìn lên ngọn Tháp Bút nên  bước đi của cô bé làm bắn những giọt nước mưa vào áo khoác người đàn ông nọ. Hai mẹ con dừng chân lại. Cô bé đỏ mặt:
– Cháu xin lỗi bác.
Người đàn ông khẽ vẩy tay:
– Ồ, không sao, ba mươi năm nay tôi mới được hưởng chút mưa xuân này.
Lúc ấy ông đưa bàn tay gầy xanh ra hứng lấy những giọt nước mưa. Người phụ nữ cũng cảm nhận những giọt nước mưa đang chạm nhẹ lên đôi má khô héo của mình. Có lẽ những giọt nước mưa ấy không chỉ chạm tới làn da của chị mà còn chạm tới cả tâm hồn chị.
Người mẹ khẽ cúi đầu. Đó là một người đàn bà đứng tuổi, nhiều tuổi hơn cái mức người ta nghĩ: Sao lại có đứa con bé thế kia? Nhưng đó là hai mẹ con thật. Nhìn cô bé người ta có thể hình dung ra người mẹ lúc chị ở tuổi ấu thơ. Có thể cô bé ngày xưa hiền hơn, buồn hơn. Còn cô bé bây giờ lanh lợi, xinh tươi, táo bạo. Nó đang dắt tay mẹ nó đi: “Mẹ ơi. Con thấy Tháp Bút rồi, mẹ chỉ cho con Đài Nghiên. Đài Nghiên ở đâu hả mẹ?”
– Đài Nghiên ấy à, ở… ở… chỗ…
Người mẹ lúng túng. Chị không biết ở đâu cả… Thực ra chị cũng chẳng có ý định gì với cuộc đi chơi hôm nay. Chỉ vì suốt ngày thứ bảy vừa qua, chị đánh vật với cái máy vi tính. Mười ngón tay khô cứng lần mò trên bàn phím, mắt căng ra đọc một trang web trên internet. Sự căng thẳng khiến chị muốn thư giãn. Con bé con đòi đi chơi, thế là đi chơi…
Chị nói với con:
– Có lẽ Đài Nghiên ở trong đền Ngọc Sơn con ạ. Hai mẹ con mình vào đền đi.
Người mẹ có vẻ ngẫm nghĩ: “Chỉ nghe nói rằng, mỗi khi ánh mặt trời từ đằng đông chiếu rọi thì bóng của ngọn Tháp Bút bao giờ cũng chấm đúng vào giữa Đài Nghiên”.
Bóng hai mẹ con thấp thoáng đi trên cầu Thê Húc. Người đàn ông vật vờ đi theo họ. Có lẽ vì ông thấy hai mẹ con có cái gì lạ chăng? Thực ra họ rất bình thường. Trời rét, họ mặc những cái áo jacket may theo lối châu Âu và được bày bán ở những hiệu có biển kẻ chữ: “Đại hạ giá”. Có thể nói rằng người mẹ là một người có con mắt thẩm mỹ “ lỗi mốt”. Hoặc có một thời gian dài ở tuổi thanh xuân chị đã sống quá nghèo nàn. Giờ đây khát vọng thẩm mỹ của chị đang hồi sinh. Giống như một cành cây non trơ trụi đang hé ra một mầm xanh bé nhỏ. Chị ngắm nghía mầm xanh ấy và tự hỏi: Thẩm mỹ của mình rồi sẽ hồi sinh theo hướng nào đây? Vẻ mặt người mẹ đăm chiêu như gió mùa đông đọng trên đôi má của chị. Còn cô bé đang đi bên mẹ ấy, đang mặc tấm áo rẻ tiền ấy, có một vẻ mặt đáng yêu ngời sáng lên như một mầm xanh, như một nụ hoa, như một tiên đồng.
Hai mẹ con đi vào đền Ngọc Sơn, họ thắp hương và lễ ở chính điện. Người mẹ dạy con lễ. Đôi bàn tay bé nhỏ với những ngón tay xinh xắn chắp lại thật nết na. Họ vào lễ Đức thánh Trần. Hưng Đạo Vương uy nghi lẫm liệt phảng phất trong bóng khói hương bay. Ở ngoài cổng đền có một vế đối của cụ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu đại ý là: “ Nơi đây là nơi cõi trần và cõi tiên gặp nhau”. Người mẹ nghĩ thế là nghĩ nôm na và để giải thích lại cho con nghe cái ý của chữ các cụ để lại. Chữ các cụ ngày xưa thì sâu sa lắm. Nhưng tuổi thơ thì hiểu theo lối tuổi thơ cũng không sao.
Người mẹ đưa con ra đứng ở lối sau đền nơi có nhiều bóng cây râm mát cho tan bớt khói hương ngút ngát. Tâm hồn hai mẹ con chắc vẫn bồng bềnh. Người mẹ nói với con: “Hồi bé  bằng con mẹ đã đến đây với bà ngoại. Cũng vào một buổi sáng mùa xuân như thế này. Mẹ đã trông thấy vua Lý Thái Tổ đấy con ạ.”
– Vua Lý Thái Tổ như thế nào, hả mẹ?
– Mẹ không nhớ rõ vì hồi ấy còn bé quá. Mẹ chỉ nhớ bỗng nhiên những cái lá đa và rễ đa lay động, gió thổi ào ào, lá khô bay mù mịt, nhà vua cầm kiếm sáng lòe như một tia chớp vụt bay từ phía sông Hồng tới… Tuổi thơ của mẹ có chiến tranh, có nhiều buổi trưa trời không mưa mà sấm chớp nổ ầm ầm, đó là tiếng  súng bắn lên trời đuổi máy bay giặc đi… Lại có cả những đêm máy bay giặc nổ khiến bầu trời đỏ rực như mây bị đốt cháy…
– Còn bây giờ thì hòa bình, mẹ nhỉ. Buổi trưa thì bầu trời trong xanh và đêm thì  bầu trời đầy sao và trăng lặng lẽ.
Hai mẹ con im lặng đứng nép bên nhau, nhìn xuống làn nước hồ xanh phẳng lặng như nghìn năm nay nó vẫn phẳng lặng.
Sực nhớ ra điều gì, cô bé hỏi:
– Nhưng Đài Nghiên ở đâu mẹ không biết à?
– Ừ nhỉ…
Người mẹ lúng túng ngó xung quanh. Chị bước những bước chân thẫn thờ.
Từ lúc nãy người đàn ông vẫn đi theo chân hai mẹ con, bây giờ ông ta bước lại gần và nói:
– Đi theo tôi, tôi chỉ cho chỗ Đài Nghiên.
Hai mẹ con ngạc nhiên nhìn ông ta. Trông vẻ mặt ông ta rạng rỡ hơn lúc ban đầu họ mới gặp. Dáng đi của ông ta có vẻ vững vàng chắc chắn khiến hai mẹ con muốn đi theo. Nhìn ánh mắt và nụ cười của ông  người ta có thể nhận ra một cậu thiếu niên năm xưa, chắc là nghịch ngợm, chắc là hóm hỉnh hay đùa, chắc là một người cởi mở và dễ làm quen.
Họ cùng đi ra cổng đền, cùng đọc những câu đối đã được phiên âm. Rồi họ cùng đi lên cầu Thê Húc. Gió nhẹ và mưa xuân thuần khiết bay.
Cô bé học trò lớp hai ríu rít nói chuyện với người đàn ông nọ.
– Bác ạ, hôm nay được đi lễ chùa cháu thích lắm. Còn bác, bác có mê tín không?
Người đàn ông mỉm cười, nhìn cô bé bằng cặp mắt yêu thương đến khó tả:
– Hôm nay bác đi lễ chùa là để được nhìn, được ngắm, được hưởng mưa xuân. Cháu có biết cụ Nguyễn Du không?
Đột ngột hỏi như vậy, người đàn ông nheo mắt lại có vẻ cầm chắc cô bé kia sẽ thua cuộc. Bất ngờ giọng nói trong trẻo của cô bé vang lên:
– Cháu biết ạ, đó là người viết hai câu thơ: “Dưới cầu nước chảy trong veo. Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha”.
– Sao cháu biết?
– Dạ, ở trong sách Tiếng Việt lớp 1 có mà.
– Tuyệt!
– Bây giờ bác đọc cho cháu nghe câu này nhé: “Lúc bạc đầu được nhìn thấy Thăng Long” cũng của cụ Nguyễn Du đấy.
– Nghĩa là thế nào hả bác?
– Nghĩa là kia kìa! Đài Nghiên!
Cô bé ngửng lên. Bầu trời trong xanh ẩn hiện những đám mây bay như khói phủ. Đài Nghiên đâu? Tán lá của những bóng cây cổ thụ xào xạc trong không trung. Đài Nghiên đâu? Lối cổng vào cầu Thê Húc, hai cánh cửa sơn đỏ đang mở rộng đón đợi ngàn trận gió thổi qua. Đài Nghiên đâu? Kìa trên đỉnh cổng có con cóc đội một phiến đá từng trải dãi dầu mưa gió rêu phong. Đài Nghiên đó ư? Cô bé thảng thốt nắm lấy tay mẹ. Nó thì thầm nói với mẹ: “Con sẽ viết đẹp mẹ ạ”.
Giây phút ấy người mẹ rung động thâm sâu, y như ngày chị đã nhận những cái đạp thầm của con trong bụng mẹ.
Ngay lúc đó, hai mẹ con quay lại để cám ơn người đàn ông nọ. Thì lạ thay họ không thấy ông ta đâu nữa. Ông ta đã biến mất trong những người vãn cảnh đang đi ra đi vào đền Ngọc Sơn.
Người mẹ ngẩn ngơ nhớ đến mấy chữ “ Ba mươi năm qua… ba mươi năm qua tôi mới được hưởng chút mưa xuân này…” Là sao? Chị định thần nhớ lại dáng người đàn ông đó… Và chị nhớ ra bóng dáng một thanh niên. Một người mặc áo mầu xanh lá cây, đội mũ mầu xanh lá cây. Một người đi trên con đê sông Hồng xanh mướt mầu cỏ trong mưa xuân. Người ấy vẫy cái mũ mầu xanh lá cây và hẹn một ngày xuân sẽ trở về… “Chúng mình sẽ đi chơi và chụp ảnh bên Tháp Bút”.
Cô bé lắc tay mẹ: “Mẹ ơi, mẹ nghĩ gì đấy. Có phải mẹ nghĩ đến cái bác lúc nãy không?”
– Đúng con ạ… Mẹ thấy bác ấy giống một người bạn học cũ của mẹ. Một người viết rất đẹp… Nhưng là một liệt sĩ… Chẳng lẽ nơi này ta có thể gặp người tiên?
Lúc ấy gió thổi mạnh hơn và những lá liễu bên hồ tung bay trong gió. Người mẹ ngượng ngùng nắm lấy vạt áo tung bay của mình… Nét mặt chị ửng đỏ như vừa gặp một cơn gió hạnh phúc.
Người mẹ chợt nghĩ đến màn hình internet nơi mọi khoảng cách không gian và thời gian dường như đã bị xóa mờ… một thế giới ảo… những cuộc gặp gỡ ảo… Còn cô bé con, nó lại nghĩ đến trang vở trắng tinh. Nó sẽ viết vào đấy những chữ thật như tâm hồn nó…
Mưa xuân rơi, mờ dần hình bóng hai mẹ con…
Hà Nội tháng 4.2000
LÊ PHƯƠNG LIÊN
 
15/4/2022
Nguyễn Hải Yến
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...