Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Chuyện con suối Mường Tiên

Chuyện con suối Mường Tiên

Khi Chà biết chăn trâu, thăm cạm chuột thì đã có con suối Mường Tiên. Chính tay bác gái đã múc nước suối Mường Tiên hâm với hoa đào tắm lúc chào đời và nhỏ mấy giọt vào miệng để Chà mau lớn thành người cường tráng, sau này lớn lên nếu có đi xa thì cũng nhớ về xứ núi mù mây Mường Tiên kham khổ này.
Nhà văn Mã A Lềnh ở Lào Cai
Con suối nước trong vắt chảy qua ghềnh đá, có đoạn phải nhảy qua thác cao tung bọt trắng xóa như tiếng cười không ngớt của đám bạn trong trường học. Con suối gần nhà Chà thôi nhưng ở khuất trong khe núi. Mỗi sáng Chà vẫn ra suối đánh răng, rửa mặt mặc dù bố đã bắc máng lần dẫn nước về tận nhà. Chăn trâu đến trưa, trời nóng nực, đàn trâu theo thói quen, lại xuống vũng nước sâu tắm mát. Khi ấy Chà cũng cởi hết quần áo, nhảy tùm xuống, tha hồ vùng vẫy. Vũng nước sâu nhưng chỗ sâu nhất cũng chỉ đến cổ, con trâu mẹ đằm còn hở lưng. Kỳ cọ cho da trâu đen bóng, Chà mới lấy một hòn đá to đè lên lưng mình, lại còn đục thông một cây sậy ngậm một đầu vào mồm để thở rồi lặn xuống tận đáy nhặt những hòn sỏi trắng, xanh, đỏ, vàng long lanh như những ngôi sao mang về bỏ vào cái máng hứng nước ở nhà. Một lần trâu đã no cỏ, lại đằm, bên bờ vũng nước có một gốc cây đu đủ rừng, dưới gốc đùn lên những đụn đất sét mới toanh, Chà dùng dao nhọn đào sâu vào gốc đu đủ, thế là tóm được những năm, sáu con bọ sừng, con cái thì đầu trơn, con đực thì mỗi con nhô ra một sừng cong nhọn trước trán và trương ra đôi sừng bướu hai bên. Chọn lấy một đôi đực, con thì sừng mới nhú, con thì đã cong dài, Chà khoét một lỗ đất cho hai con húc nhau nhưng chúng chẳng chịu theo ý. À hiểu rồi! Chúng mày cùng cha mẹ, cùng một nhà. Chà đi tìm một gốc đu đủ khác, đào lên một con sừng cong. Thế là vừa thả xuống lỗ đất, hai con liền húc nhau chí tử đến nỗi con sừng mới nhú mập mạp chọc thẳng vào trán cứng như thép con sừng cong vác chổng lên không trung khiến con sừng cong không bấu víu vào đâu, chỉ còn biết nguều ngào co duỗi những cái chân vô tích sự giữa không trung. Chừng đã mệt, con sừng mập thả con sừng cong xuống. Nó loay hoay tìm cách tháo ngọn sừng của mình ra khỏi trán con sừng cong. Từ cái lỗ thủng trên trán con sừng cong, một dòng máu trắng sền sệt nhỏ ra. Lát sau con sừng cong tư thế nằm ngửa không còn ngọ nguậy nữa. Chà đứng bật dậy nhổ một bãi nước bọt nói một mình:
– Ác quá!
Định bước đi nhưng Chà ngồi xuống dùng dao nhọn lấp đất cho con sừng cong đắp thành một nấm mộ hẳn hoi.
Một lần trâu đang lim dim mắt đằm trong nước, Chà chợt nghĩ thử đi thám thính con suối xem nó khởi nguồn từ đâu. Đi được một đoạn, bỗng thấy giữa dòng suối có một tàu lá ngõa khô mục động đậy. Thò tay sờ, hóa ra là một con cá, thân là cuống lá, vây là tàu lá. Đến đoạn ghềnh nước chảy xiết, Chà thấy vài con vật trông như cá bống. Thò tay bắt, con cá bám thật chặt vào đá. Cố gỡ lên, miệng con cá giấu dưới cổ, bốn cánh vây nó xòe ra bám chặt vào tay khiến Chà nhồn nhột. Về hỏi, bác trai bảo đó là cá bám đá. Hôm ấy Chà chưa tới tận cùng nơi con suối khởi nguồn vì dốc ngược.  Lần khác đi lấy cỏ ngựa cùng bác trai đúng đầu nguồn con suối, chỉ thấy một dòng nước nhỏ trong vắt dâng đùn từ trong kẽ đá ra. Chà vục nước lên mặt. Nước mát lịm làm cho người khoan khoái hẳn ra. Mùa đông, nhìn lên nơi con suối khởi nguồn, thấy bảng lảng một màn sương dày. Khí trời chuyển sang mùa đông, Chà được theo bác trai đi bắt ếch đá. Mỗi người một bó đuốc lần theo con suối đi lên, những con ếch to bằng mu bàn tay khum chắc lẳn, mắt mở thô lố nhìn bó đuốc, chỉ việc nhanh tay chộp lấy cho vào giỏ bên hông. Đi lên rồi lại đi xuống. Đi lên, những con ếch ngờ nghệch nhìn trâng trâng vào ánh sáng. Đi xuống, những con ếch rúc đâu đó mới mò ra ăn tàn đuốc. Câu cua đá mới thích! Chỉ cần vót một đoạn nan trúc, xâu con giun to bằng đầu đũa rồi thò vào khe đá nhử. Con cua thò cái càng to quắp con giun thật chặt, thế là lôi ra, tức thì bỏ vào giỏ hoặc cái chậu thau; những con cua già mốc thếch choàng cả búi rêu trên mình; những con cua bấy đỏ au như tráng một lớp mỡ. Lại còn bẫy chuột nữa chứ! Khi mùa ngõa chín, những trái ngõa mọng hồng tựa như vú con gái dậy thì là chuột độc thường đi kiếm ăn đêm. Thỉnh thoảng lại kêu “khôổng” một tiếng như đe dọa kẻ yếu bóng vía. Đi tìm thể nào cũng thấy lõng. Đặt cạm thật khéo chặn lõng lại. Nó đi qua. Bất thình lình cạm sập chẹt ngay cổ. Sáng hôm sau đến xách cả chuột cả cạm về. Chuột to bằng con dúi, thịt thơm như thịt cầy ăn quả.
Trâu mút nước ừng ực rồi con nào con nấy buông mình xuống làn mước mát trong. Chà cũng cởi hết áo quần, mình trần trùng trục nhào theo đàn trâu. Nhưng chỉ một lát thấy hơi lạnh, Chà run rẩy, răng va nhau lập cập bò lên tảng đá vẫn thường ngồi. Nghe tiếng Suối rì rầm róc rách. Ồ nhỉ, Suối cũng biết nói!
– Suối ơi, Suối bao nhiêu tuổi?
– So với ông cụ Trái Đất thì Suối chỉ bằng tuổi Chà thôi!
– Tớ năm nay lên lớp Năm rồi đấy. Mười tuổi tròn nhá! Nhưng tớ chuẩn bị đi lên huyện học nội trú rồi!
– Có học mới có khôn. Con người ta dùng chữ viết để đánh giá những nền văn minh đấy! Cậu có thấy đã từng có một nền văn minh bị vùi lấp ở xứ Mường Hoa chưa?
– Bố tớ cho tớ đi chợ huyện, nhân thể đi thăm bà con xa, bố tớ cho tớ xem bãi đá khắc chữ cổ rồi. Toàn những nét khắc loằng ngoằng thôi, nên tớ quyết chí đi học đấy! Đi xa, tớ nhớ Suối lắm!
– Ở phố thị người ta chỉ dùng nước máy thôi, không có suối đâu, có những lúc xối nước ra, toàn bọt xèo xèo như bọt xà phòng í. Lại có những nơi người ta xả nước bẩn công nghiệp, dầu nhớt, nước mổ thịt gia súc ra suối, khe, lạch. Kinh lắm! Nào mùi hôi thối; nào người ghẻ lở, tróc đầu, bụng báng. Chuột chết; chim cao chạy xa bay; chuồn chuồn trơ xác; cây trồng thối rữa… Thôi, cậu cứ đi xa, sẽ thấy!
– Tớ mong Suối lúc nào cũng khỏe mạnh, trong vắt, ngọt lành. Học xong tớ sẽ về ngay với Suối thôi!
– Tớ trong lành thế này nhưng mà yếu ớt lắm. Tớ rất cần người có học bênh che đấy!
– Chào Suối nhé! Tớ gọi trâu về đây!
Bóng đàn trâu có Chà ngồi ngất ngưởng trên lưng con mẹ đi khuất dần vào khe núi mà Chà vẫn còn nghe tiếng Suối rì rào tiễn đưa.
***
Qua học kỳ đầu tiên, Chà hối hả về nhà ăn tết. Dành dụm được mấy đồng, Chà mua gói kẹo làm quà cho cu Páo, con chị Chủ. Bố mẹ Chà chỉ có mình Chà. Thằng em Hồ đã đi theo đường ma với mẹ từ lâu. Bố đi công tác, để Chà ở nhà với bác. Chị Chủ, con bác thương Chà như em ruột. Đứng từ sườn núi phía bên này nhìn sang sườn núi có xóm nhà mình thấy một mảng núi lở loét. Đúng là núi lở rồi! Không biết ở nhà có bị làm sao không mà chẳng ai báo tin; bố lên huyện họp, vào trường thăm, cũng chẳng nói gì. Nhìn thấy xóm mình ở bên kia sườn núi rồi nhưng Chà còn phải đi theo con đường mòn chênh vênh một thôi nữa, quãng đường giờ mới xa làm sao. Cuối cùng thì Chà cũng mở cửa nách bước vào ngôi nhà thân thương của mình. Vẫn ấm áp hơi người, hơi lửa mà chẳng thấy bóng dáng ai. Xộc ra cửa chính thì bác gái đang cắm cúi vẽ sáp. Thục tay vào nách áo tìm đôi ti già nua nhẽo nhèo, hồi mẹ mất, Chà còn bé nhưng không quấy khóc ngằn ngặt như nhiều đứa trẻ khác, những khi thấy Chà ngồi thừ nghĩ ngợi, bác lại kéo vào lòng mặc cho đôi tay bé bỏng, mũm mĩm của cháu mân mê bầu ti già nua nhão nhách. Bác gái thủng thẳng:
– Lớn rồi. Sắp lấy vợ rồi mà còn sờ ti, xấu hổ quá!
– Mọi người đi đâu cả, bác?
– Bố cháu đi làm việc xã chưa về. Bác trai với anh chị đi che chắn lại chuồng trâu, chuồng lợn; năm nay có thể lại có tuyết.
Chà vùng dậy chạy ra thăm con suối Mường Tiên. Chẳng thấy suối hiền hòa suốt ngày đêm réo rắt bài ca năm tháng, chỉ thấy những đất đá lở loét trơ trọi dồn nhau. Dòng nước không còn trong vắt mơn man, chỉ thấy một dòng máu đỏ nhờ sánh đặc cố luồn qua những khe đá, những chùm rễ cây phơi giữa trời. Không biết Thần Suối có còn lẩn quất đâu đây để giao thừa, như mọi năm Chà lại đến miệng nước đùn đón về.
Bố về. Bố bảo người ta tu sửa con đường cái dưới kia để làm đường du lịch, đồng thời hô nhau chặn con suối trong lành lại để làm thủy điện, thế nên người ta nổ mìn suốt ngày suốt tháng như chiến trận làm cho con rồng làng Mường Tiên đành cao chạy xa bay, cả bầy chim khoét, cả những con chuột độc, cả lũ quạ hay tranh luận khi kiểm tra bài nhau cũng bỏ đi hết. Giao thừa, Chà nổ lẹt đẹt mấy phát súng phốc, đạn vo bằng giấy thấm nước để lấy không khí đi đón Thần Nước. Tìm mãi chẳng thấy miệng nước đâu, Chà đành hứng một chai sực mùi bùn đất tanh nồng mang về sau khi đã thả nhúm gạo với muối, lòng thầm nói: Thần suối Mường Tiên bỏ chạy đâu mất rồi? Tớ sẽ đi học thật giỏi, học cao lên để tìm gọi Thần suối về! Chà bẻ một miếng bánh giày bỏ thêm vào giữa dòng nước nhỏ nhoi, ốm yếu đã sắp cạn kiệt. Trong tiếng suối khó nhọc xa vời, Suối nói với Chà rằng: Chà ơi, tớ sắp chết rồi. Con Suối Mường Tiên chảy có chừng hai chục cây số từ động Nả Tà xuôi đến sông Hồng thôi mà người ta hí hửng đắp những ba cái đập chặn nước lại để làm thủy điện, thì… Chà có cất công cũng vô ích thôi! Vĩnh biệt Chà nhé!
Lào Cai, 23 – 24.4.2010
MÃ A LỀNH
 
15/4/2022
Nguyễn Hải Yến
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...