Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Dấu thời gian - Truyện ngắn Lê Hồng Nguyên

Dấu thời gian - Truyện ngắn
Lê Hồng Nguyên

Ông nghệ sĩ đến trường, nét mặt hớn hở, mở ra mở vào chiếc balô đựng máy ảnh, hổn hển:
– Tuyệt lắm. Phải nói là  rất tuyệt.
Nói rồi, ông khoanh tay làm bộ, cười ròn, ngây ngô như trẻ nhỏ:
– Nào, thưởng bác cái gì nào, không, bác không đưa đâu.
Cô bé chả hiểu ông nói về cái gì, thấy ông cười cũng cười theo.
Ông lại mở ba lô, nói liền:
– Trông cháu rạng rỡ, tràn đầy sức trẻ. Cháu có hồi hộp muốn xem ngay không, hay là tí nữa nhỉ.
Chợt nghĩ ra, cô gái như reo lên:
– A, cháu xem nào.
Người nghệ sĩ run run xoè tấm hình, đủ cô bé nhìn thấy gương mặt mình:
– Tuy nhiên, về góc độ, giá mà ngắm kỹ hơn…
Nhà văn Lê Hồng Nguyên
Cô bé cầm tấm hình, ngắm đến một giây:
– Cháu đây á? Eo ôi khiếp quá, thôi thôi trả bác, cháu không lấy đâu!
– Tuyệt thế này, khiếp ở điểm nào nhỉ?
Mặt cô gái đỏ bừng. Bỗng nhiên cô ghét ông nghệ sĩ, nói như quát:
– Bác xé nó đi. Cháu không muốn nhìn thấy nó – Mắt cô rơm rớm như sắp khóc
– Cháu không muốn giữ, bác giữ hộ vậy, khi nào thay đổi ý kiến, bác đưa cho.
– Không. Không bao giờ, bác xé ngay đi.
– Bác không thể làm được việc đó. Nếu cháu muốn thì tự xé nó đi. Bác tin, sẽ có ngày cháu đến gặp ta để được xin lại.
Cụt hứng, ông nghệ sĩ lủi thủi ra về, nhưng trong lòng âm thầm vui.
***
Tối, có cuộc họp bất thường của chi đoàn về việc Dung “dịu dàng” đi chơi với bạn trai quá khuya làm ảnh hưởng đến mọi người trong phòng. Người yêu cô gái đến. Như thường lệ, anh ngồi trong phòng, trên chiếc giường cá nhân đợi em. Anh lật giở những trang giáo trình, những cuốn tiểu thuyết trên giá sách của em; Chỉnh lại chiếc đèn chụp, cái bàn học trên giường của em. Cái chân bàn làm xô cái chiếu, lộ ra một tấm hình xé vụn làm tư chưa kịp vứt. Anh tò mò ghép lại… Thật không thể tin. Mặt anh đỏ bừng, máu trong người như sôi lên, đầu anh nặng trịch. Anh tức giận… nhợt nhạt bước vội ra khỏi phòng.
Nhường chỗ cho tình yêu, trong anh trỗi dậy sự căm ghét, khinh bỉ và ghê tởm.
Lòng trống rỗng, không một suy nghĩ nào tồn tại trong tâm hồn, anh ngồi quán rượu một mình đến gần sáng, trở lại trường ngủ chung giường với bạn.
Đêm, cả phòng chìm trong giấc ngủ. Không gian đen đặc như mực. Mọi ồn ào đều tắt lịm. Chỉ còn tiếng gáy đều đều của một vài ông bạn, tiếng bủm bỉm, vặn mình của anh bạn giường trên.
Ngủ không được. Không dám nhắm mắt. Anh nhìn trân trân trần nhà. Trần nhà chính là gầm giường của anh bạn ngủ say nói mớ.
Những vần thơ Puskin, Esenin bừng bừng trong anh.
Trưa, anh đến căng tin trường em ăn cơm. Cô bạn cùng lớp che ô cho anh. Chẳng còn ý nghĩ nào nghĩ về em.
Đến căng tin phải đi qua dãy nhà em ở. Tình cờ nhìn thấy em cúi lom khom gội đầu trước cửa phòng. Em cũng tình cờ ngước nhìn thấy anh. Hạt nước long lanh trên má em.  Em cười trong như ngọc. Em dịu dàng rạng rỡ, dễ thương như là không có chuyện gì như là tất cả anh đổi oan cho em. “Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi”. Anh quên hết khinh bỉ, giận hờn. Anh dừng lại mà không biết mình đang đứng lặng, ngắm em.
Anh bước vội tới em tình tứ:  – Anh đợi em.
***
Căn phòng nhỏ của đôi uyên ương trên phố nhỏ yên bình, khuất lấp giữa chằng chịt những dãy phố ồn ào. Chiều chủ nhật thu sang, nắng vàng mát dịu, người vợ bồng con ngắm lá thu rơi trước cửa nhà, đằng kia một vườn hoa nho nhỏ, bằng lăng tím sót lại vài bông bạc màu.
– A, trái đất nhỏ bé quá. Cháu gái của tôi. Liệu mắt ông già này có nhìn nhầm không nhỉ?
– Ơ, bác! Bác đi đâu đấy, nhà cháu đây mà…
Người phụ nữ đon đả pha trà. Trong lúc trò chuyện, ông nghệ sĩ tranh thủ tác nghiệp, bấm hình cô cháu gái bồng con ở những góc độ ông thích.
Không ai nhắc đến tấm hình xưa.
Chồng chị đi làm về, anh lịch sự mời ông ở lại. Rất vội, ông hứa để lần sau.
– Dở quá, lẽ ra mình không nên tử tế với lão già mà phải đuổi thẳng cổ lão ta ra khỏi nhà trước khi đấm vỡ mặt hắn!
– Anh làm sao thế? …
– Lão già gớm thật, dám mò đến tận đây tìm cô.
– Vô tình bác ấy đi dạo qua đây. Sao anh lại có ý nghĩ…
– …
– Anh nghĩ bác ấy làm gì em?
– Cô nghĩ lão ấy là Phật à?
Để minh chứng cho một sự việc, người ta cần người thứ ba. Người thứ ba là ông nghệ sĩ, ai tin. Bây giờ cô mới hiểu thế nào là nỗi oan.
Lòng đau buốt như kim châm, tràn ngập một niềm tuyệt vọng, trầm uất, hững hờ, sâu sắc, mênh mông. Không còn lý lẽ nào để anh hiểu. Không còn tình cảm nào để anh tin.
Chị hy vọng ở thời gian.
***
Giám đốc cơ quan chị là một Tiến sĩ khoa học, rất yêu thơ ca và am hiểu nghệ thuật. Mỗi khi nổi hứng, ông sáng tác thơ. Thơ của ông cũng được in nhiều trên các báo, sinh viên chép sổ tay. Những hiểu biết, cảm thụ, những rung động ngọt ngào với những hình ảnh bình dị rất đời thường của ông khiến anh em trong cơ quan kính trọng, dễ hoà đồng. Ông bảo, xưa kia các cụ có câu “Cái nết đánh chết cái đẹp”, ngày nay phải khẳng định rằng, cái nết không thể đánh chết cái đẹp, mà  cái nết kết hợp với cái đẹp. Tiêu chuẩn người phụ nữ đẹp thời nay không chỉ đẹp về hình thức mà phải đạt đến hoàn mỹ, nghĩa là không ngừng học hỏi, tài giỏi, năng động, nết na, đảm việc nhà, giỏi việc công sở. Và ông nhấn mạnh – Cái đẹp phải được tôn thờ, cái đẹp phải được bảo vệ.
Ngày trực ban, chị về muộn hơn mọi người. Mải mê đọc sách, chị giật mình tưởng như đã muộn, đi như chạy sang phòng sếp kiểm tra lao công dọn phòng. Chị đưa tay kéo nắm đấm, cửa phòng bật ra. Thật bất ngờ, ông giám đốc lù xù mái tóc bạc hổn hển vầy vò cô lao công cúc áo bật tung, xuchiêng trồi lên tận cổ, quạp quần chun lẹo vẹo dưới quá đùi, thấy động, hai con mắt đờ đẫn nhìn ra, thở phì phò.
– Ôi, xin lỗi – Đóng cửa lại, chị đi như chạy về phòng.
Mươi phút sau, có tiếng sập cửa đánh sầm. Tiếng bước chân ra cầu thang máy. Tiếng cầu thang thánh thót mở cửa rồi đóng lại. Tiếng chổi quét loẹt xoẹt ngoài ban công.
Người lao công từ phòng sếp sang phòng chị, mặt cúi gằm rê rê chiếc chổi ngập ngừng:
– Chị ơi, việc ban nãy… chị đừng nói cho ai biết nhé.
– Biết rồi, chỉ cần thêm một người thôi là ngày mai em sẽ bị đuổi việc ngay.
Lao công im lặng. Hình như cô ta sợ. Chị tò mò:
– Nói thật đi, việc này diễn ra lâu chưa?
– Hôm em mới đến làm, bác ấy cũng làm thế. Em bảo, nếu bác như thế này ngày mai em sẽ xin thôi việc. Bác ấy xin lỗi và hứa sẽ không bao giờ như thế nữa. Nhưng hôm nay bác ấy lại…
Thảo nào, cứ một vài tháng, bà trưởng phòng hành chính lại thay một cô lao công mới không cần báo thủ trưởng. Mỗi khi như vậy, thủ trưởng chép miệng, nói một mình “bậy thật!”.
Câu nói của chồng chị hôm nào “ Cô nghĩ lão ấy là Phật à” lúc này lại vang vang trong chị. Thật buồn. Có lẽ tất cả đàn ông trên trái đất này đều nghĩ giống nhau trong trường hợp ấy, trừ chị và ông nghệ sĩ kia thôi ư? Có phải chăng năm tháng ấy cả xã hội còn nghèo mấy ai khát thèm dục vọng? Cha mẹ oằn lưng lao động tăng năng suất có tiền, thưởng cho các con những món quà nho nhỏ chứ không phải thâm sâu mưu mô, thủ đoạn để có nhà lầu, xe hơi con cái giàu sang sung sướng vô độ. Tuổi thiếu thời của chị chỉ biết có Liên Xô, Trung Quốc, Cu-ba chuyên chính thiên đường gắng học giỏi để tới chân trời nơi đó, để góp phần xây dựng quê hương. Cái thời vừa kết thúc chiến tranh, bắp ngô, củ sắn thay cơm, một nhành hoa, câu hát, tiếng chim ca cũng làm ta yêu đời yêu cuộc sống. Cái thời tất cả vì một lý tưởng chung. Danh dự lớn hơn cái chết. Cống hiến nhiều hơn hưởng thụ. Xa lắm rồi phải không? Chị sẽ phải khác thôi. Không đọc sách kinh điển cảm động trước tình yêu đẹp, không ham hố giàu sang, chị  sẽ đọc sách của ngày hôm nay. Cuộc sống hôm nay, mọi sự việc đều có thể bị bóp méo, mọi giá trị đều có thể bị đảo lộn. Mộng mơ, thuần khiết bị coi là hâm là rồ dại.
Trời tối sậm, chị đi bộ về nhà qua vài ba con phố. Ánh điện huỳnh quang chi chít những con thiêu thân thèm chết dưới ánh đèn. Mấy ai để ý ngoài chị. Hồ Gươm lấp lánh như gươm, người ta nườm nượp đi như chạy bên hồ va vào nhau mà chả ai để ý đến ai mà chả ai nói lời xin lỗi.
Con phố nhỏ, vắng lặng im lìm chẳng ai để ý những chùm hoa tóc tiên li ti trắng thấp sát dưới chân hè. Chị khom lưng khẽ ngắt một nhành, trìu mến nó trên tay. Chiếc xe mercedes rè rè theo sau mà chị chẳng hề hay. Một gã đàn ông kéo kính thò cổ ra ngoài cười đĩ đượi: “Đi chơi với anh nhé…”.  Chị rợn người: “Đồ bẩn thỉu”. Chiếc xe ghé sát vỉa hè, hình như hắn ta chuẩn bị mở cửa. Sợ quá, như là bị bắt cóc đến nơi, chị ù té chạy, vứt lại lời chửi thề: “Đồ khốn nạn! Trẻ không tha, già không thương!”. Chiếc xe ôtô rú ga, sát gần tới chị, nhả lời: “Đ. mẹ con mẹ mướp”, nhổ nước bọt, vút nhanh tan biến trong màn đen.
Nhành hoa tóc tiên li ti trắng ủ rũ trên tay chị.
… Đợi các con say ngủ, chị rón rén vào phòng xé nát tan tất cả những tấm hình ngày xưa không một chút tiếc thương. Nếu chồng chị có thể lúc nào đó lại đai lại chuyện cũ, chị sẽ xin lỗi anh, bằng không, chính chị cũng không thể tha thứ cho hành động bột phát, lãng mạn tuổi trẻ của chính mình.
Thời gian chôn vùi dĩ vãng.
***
Ít năm sau trong đêm lễ trao giải nghệ thuật, tình cờ chị lại gặp người nghệ sĩ ấy. Lách qua những dãy ghế dài, ông đến gần chị. Lần này, nhìn thấy ông từ xa, chị đã đứng lên, đợi. Hai bác cháu bắt tay nhau rất chặt. Chị chững chạc, đằm thắm hơn xưa. Ông già đi nhanh quá, râu để dài như ông tiên trên vỏ hộp sữa ông thọ, nhưng cười rất trẻ, mắt vằn sáng long lanh. Ông xin phép người bên nhường ghế. Một tay ông nắm chặt tay chị, tay kia xoa xoa đầu chị như xoa đầu đứa trẻ ngày nào – Cháu gái của tôi. Cháu gái của tôi… Mắt ngân ngấn lệ, e ủy mị quá, ông chuyển sang hỏi thăm sức khỏe, gia đình. Ông bảo, bây giờ cháu có muốn chiêm ngưỡng tuổi trẻ của mình không? Bác vẫn còn giữ đấy. Ngắm lại mình, chắc là cháu sẽ ngất mất. Phim bác cất rất cẩn thận. Phải là ảnh đen trắng, bác không muốn đem ra hiệu rửa…. Nói rồi, ông cười ròn hào hứng – Ngày ấy, thực tình bác rất run, tay cầm máy không vững. Cháu tinh khiết quá, bác không lỡ làm điều gì vì sợ có tội. Tiếc nhỉ, bây giờ thấy tiếc quá!.
Giữa ồn ào, chị tủm tỉm cười, im lặng.
Một lần ông đến cơ quan. Hai bác cháu ra quán càphê. Chần chừ mãi, ông bảo:
– Bận quá, phim bác để trong ví chưa kịp rửa.
– Thế thì đưa cháu giữ vậy, vài năm nữa thật già, cháu rửa cũng được mà.
Ông bần thần:
– Bác treo áo trên mắc, bà ấy mang đi giặt, tình cờ lục ví, thấy cái phim.
– Sao? Bác gái có nhận ra cháu không?
– Đương nhiên nhận ra chứ
– Thái độ bác ấy thế nào?
– Thì cháu biết bà ấy rồi đấy. Không bao giờ làm ầm. Đương nhiên là bà ấy giận.
Chị lặng đi một hồi, đau xót:
– Thôi, cháu không cần nữa…
Chị đứng dậy, đi phần phật về phía cơ quan mặc ông già ngồi trơ khấc một mình thảng thốt bàng hoàng như vừa bị mất cắp đứa con yêu. Như bỗng nhiên đứa con yêu vuột khỏi tay mình.
Trong đêm tối chạng vạng ánh đèn, người ta thấy ông lịm đi trên ghế đá Hồ Gươm, lãng đãng, thẫn thờ mơ rừng hoa mận trắng.
***
“Ôi, Sapa thành phố trong sương, bốn mùa hoa trái ngát hương…”. Bài hát vang lên. Một cơn giông cuồn cuộn trong lòng. Cô gái ùa ra khỏi nhà. Sáng tinh sương, nắng vàng nhè nhẹ tỏa khắp rừng rực rỡ hoa mận trắng, cỏ rạp dưới chân, những cánh hoa nhỏ xíu, trắng như tuyết, mát rượi vương lên má. Đàn chim tinh nghịch hót líu lo, lưng chừng núi, mây ngái ngủ lững thững trôi, những chú dê con non nớt be be thấp thoáng trên  đồi, làn gió lấp lay những khóm hoa soi bóng xuống hồ, lấp lánh bên đường lanh lảnh tiếng trẻ thơ tới trường… tràn ngập trong lòng tình yêu thương thao thiết, thiêng liêng.
Người nghệ sĩ, bạn của gia đình, ông có mặt nơi đây tự lúc nào cô gái chẳng hề hay biết. Sự xuất hiện của cô gái, trinh nữ trong cổ tích giữa thiên nhiên tuyệt trần như một sự ban phát của đất trời. Cảm xúc sáng tạo dạt dào. Thiên nhiên, con người như hoà quyện vào một. Bức ảnh xuất thần, vô giá có từ đây…
***
Nghe tin ông nằm viện, chị ôm một đóa hồng rực rỡ đến thăm. Nhưng ông lại bảo:
– Bác muốn một cành mận trắng.
– Bác ơi, ta đang ở Hà Nội chứ không phải Sapa!
– Ta vẫn muốn chính cháu kiếm tặng ta một cành mận trắng. Một cành mận trắng mà cũng không được hay sao?- Những câu gằn, dữ có vẻ như đùa mà da diết, chân thành.
– Ông già ơi, mùa mận qua rồi. Bạt ngàn hoa mận trắng giờ chỉ còn trơ những gốc thân già mà thôi.
Chị mới chỉ nói tới câu mùa mận đã qua rồi, người nghệ sĩ lật đật mở ba lô, cầm trên tay khung ảnh cỡ to lồng tấm hình chị, cô gái năm xưa trong rừng mận trắng hoa – Bà ấy tự rửa cho ta đấy.
Thật bất ngờ. Chị ấp tấm hình lên ngực như muốn kéo quá khứ trở lại, như là tất cả đã đi qua, như là tất cả vẫn còn ở lại. Tạo hóa ban sắc trẻ, tạo hóa lại tàn nhẫn dần dà cướp đi tất cả. Còn gì nữa đâu tham vọng, khổ đau… Chị nghĩ đến anh- chồng chị, người đàn ông của chị. Đã mấy mươi năm có nhau. Tuổi già ập đến từng ngày, sự sống từng ngày quý giá biết nhường nào, mình có nhau, bên nhau, chăm sóc nhau anh nhé, các con, chúng có vợ, có chồng, rồi chúng sẽ có con…
Ông nghệ sĩ lại gần, ôm bờ vai chị, bàn tay nhăn nhúm vỗ về:
– Con gái của ta…Con bằng lòng cho phép ta trưng trang trọng tấm hình trong triển lãm cuối đời của ta?
***
Đêm khai mạc, phòng tranh lộng lẫy ánh đèn, tràn ngập hoa, tưng bừng rượu sâmpanh. Tấm hình thôn nữ Sapa được bày trang trọng giữa khán phòng, ai ai cũng đứng lặng ngắm nhìn. Có một điều không dễ ai nhận thấy, cô gái trong hình cũng có mặt đêm nay. Cô ấy cũng đứng lặng ngắm mình, mắt rưng rưng lệ.
LÊ HỒNG NGUYÊN
 
15/4/2022
Nguyễn Hải Yến
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...