Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

"Nhớ sông" và những tứ thơ xuân của Huỳnh Văn Quốc

"Nhớ sông" và những tứ
thơ xuân của Huỳnh Văn Quốc

Tình cờ cầm trên tay tập thơ “Nhớ sông” của nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, tôi chợt nhớ tới tập sách Đất Phú trời Yên được đọc gần đây. Tự hỏi dòng sông trong tâm tưởng của tác giả có mang dáng dấp của bến sông Trong (bài ký của Phan Thanh Bình), của “Nơi đã từng là khúc sông” (trong truyện của Đào Minh Hiệp), hay “bến lở” (truyện ngắn Huỳnh Thạch Thảo)?
Dòng sông trong thơ Huỳnh Văn Quốc tuy quen mà lạ. Cũng là hình tượng dòng sông trong lịch sử, ghi dấu truyền thống đất và người Phú Yên, hay là dòng sông mang những được – mất, vui – buồn và kỷ niệm…, song dòng sông ấy rất cô đọng và tượng trưng:
Chẳng lẽ dòng sông ấy
Chảy về trong giấc mơ
Một sớm mai thức dậy
Dòng khô đến không ngờ
Nhìn dòng sông đang chảy
Lo một ngày cạn khô
Hai bên bồi bên lở
Cùng chảy vào hư vô…
(Nhớ sông)
Và sông đã “lặn” vào nỗi nhớ, vào những mạch sống mang đầy trăn trở của cuộc đời. Một trong những mạch thơ luân chuyển từ tâm hồn nhà thơ đi vào cuộc sống hiện tại, có những tứ thơ viết về mùa xuân vừa mới lạ, vừa ấm áp của nhà thơ.
Đó là vì, đọc qua non nửa tập thơ “Nhớ sông”, tôi bắt gặp bài Tết mẹ ngày xa…:
– Mỗi năm tuổi mẹ mỗi già
Lòng không theo tuổi, vẫn là tuổi xuân;
– Mỗi năm là một xuân qua
Mà sao lòng mẹ vẫn là xuân xưa;
– Con bên mẹ, cháu bên bà
Mùa xuân bên mẹ lại là… mùa xuân!
Tôi chợt nhận ra tính tuần hoàn chính là “thủ pháp” tạo nên sự cuốn hút trong thơ của Huỳnh Văn Quốc. Sự tuần hoàn của vũ trụ, của đời người, hay chỉ là của một nét xuân cũng đều mang trong nó sự sống và vẻ đẹp trọn vẹn, khó tách bạch. Và hơn nửa sau của tập thơ “Nhớ sông” đã nói lên ý niệm của sự vận động tuần hoàn vừa lớn lao, lại vừa rất cụ thể, tinh tế. Và đa phần đều được diễn đạt thông qua hình ảnh, cấu tứ của mùa xuân: Ly rượu tất niên, Thao thức chờ xuân, Ngày xuân đọc thơ xưa, Gieo hạt mùa đông, Mây trắng mùa đông, Khu vườn mùa xuân, Về đông, ta còn…, Điện Biên tháng ba, Gác chuyện phân vân, mừng xuân mới…
Bài thơ “Ngày xuân đọc thơ xưa” chỉ có năm cặp thơ lục bát, trong đó hai câu mở đầu bằng “Một đời”, hai câu mở đầu bằng “Nghìn năm”; song sự đăng đối lại kết hợp thành một lẽ chân như vẹn nguyên, gợi đến một loại “kết cấu” bền vững và vi diệu của tạo hóa:
Nghìn năm sông cạn núi mòn
Nghìn năm xuân đến mai còn nở hoa
Nghìn năm cơn gió thoảng qua
Cành mai sân trước vỡ òa mùa xuân
Bên cạnh tính tuần hoàn trong thơ, Huỳnh Văn Quốc cũng dùng đến phép liên tưởng rất hiệu quả. Bài thơ Gieo hạt mùa đông lấy thực tiễn là mùa đông giá lạnh để hy vọng đến “khơi nguồn mùa sau”. Hay trong bài “Điện Biên tháng ba” lấy màu hoa trắng như áo cô dâu, như khăn đội đầu làm phản đề cho quá khứ “đen ngòm từng họng súng/ ám khói vào đất sâu”. Huỳnh Văn Quốc viết nhiều về mùa xuân, song ông không quá chú tâm khai thác về cảm xúc, mà đi vào suy tư. Chính từ sự quan sát và trải  nghiệm rất sâu hiện thực, nhà thơ mới lắng nghe thấy biết bao điều ẩn hiện trong những đám “Mây trắng mùa đông” bồng bềnh vắt ngang nắng xế, từ những ám thị của cuộc sống cho đến khát vọng giải thoát nỗi đau đời:
Bão ở xa và tôi ở đây
Có gì không phải khi tôi hồn nhiên
ngồi ngắm mây bay
Có gì nặng trĩu khi tôi ngồi nghe
bác bà các cô than phiền giá cả
Đắt và rẻ cũng bồng bềnh
bồng bềnh theo từng con sóng biển…
Có hạt muối mùa đông mặn mòi
từng phiên chợ
Muối tan vào lòng, mây tan giữa tầng không…
Nhớ sông – Tập thơ Huỳnh Văn Quốc, NXB Hội Nhà văn 2022
Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc chọn cách diễn đạt vừa đủ, song sự cô đọng và tính liên tưởng của ngôn từ đã giúp thơ anh gợi ra nhiều điều, lan tỏa ý niệm nhiều chiều của đời sống, và thấm sâu vào lòng người đọc theo kiểu mây tan mà không mất đi, tan mà lắng đọng lại.
Đó là thành công nói chung của tập thơ, song đặc biệt gây ám ảnh và rung động ở bài thơ cuối tập: “Mùa xuân online”. Đã là online thì chỉ có thể nghe và thấy, “ở khoảng cách xa”, “trên màn hình phẳng”, đối lập với những ý niệm mùa xuân thường thấy của cuộc đời, kích thích sự nhớ thương… thay vì được hưởng thụ một mùa xuân dù ngắn ngủi đến mấy vẫn chan hòa niềm vui và hương sắc. Bởi vì “Cơn dịch giã nổi chìm xuân với tết” – quá khứ chưa xa ấy cho mọi người một kinh nghiệm sống mới: “Nhớ về nhau, lại nhớ đến… online”.
Song thật đáng quý, một phát minh kỳ diệu đến bất ngờ:
Giá ta được online ngày tháng cũ
Để mắt nhìn, tai lắng tiếng Mẹ, Cha
Để không quạnh bóng hình người thuở trước
Để không nhòa những vạt nắng xuân qua…
Những tứ thơ xuân, và những bài thơ khác của tập Nhớ sông đã lắng đọng trong lòng người đọc bằng cách thật tự nhiên và chân thành như thế. Nhà thơ đã không tô vẽ hay định nghĩa cho cuộc sống, cũng không cường điệu cái tôi và những nỗi niềm của riêng mình; song người đọc cảm và đón nhận được hết những lớp tâm tư, tình cảm của anh, cùng lẽ sống anh gửi gấm vào thơ. Trong bài “Bởi chính mình và cho chính mình” nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết đề từ cho tập Nhớ sông, ông cũng đã khẳng định: “Đúng không gian ấy và đúng thời gian ấy, lòng tôi nhận ra tất cả”… Thiết nghĩ rằng, sứ mệnh một nhà thơ trên dải đất đầy nắng gió và bão biển Nam Trung bộ đã đặt lên vai Huỳnh Văn Quốc không hề ngẫu nhiên. Bởi sống và cầm bút cũng là một sự kết hợp hoàn chỉnh của thơ ca, là gánh cang thường mang nặng trên vai trước khi tìm được những thăng hoa mà các nhà thơ khát khao tìm kiếm. Trước thềm mùa xuân, đọc tập thơ Nhớ sông của Huỳnh Văn Quốc có lẽ không thể quên được bài thơ mang triết lý sống của anh:
Ai lớn lên cũng có thể chọn lại
cho mình nhiều thứ
… Nhưng chọn làm sao ánh trăng
ánh mặt trời hay vì sao chiếu mệnh
Chọn làm sao tiếng mẹ ru nôi?
(Chọn)
21/3/2023
Trần Thu Hằng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...